[Radio Người Trẻ] Phúc thay ai khó nghèo

Thứ hai - 14/09/2020 02:22

Tác giả: Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,                                                         

Cái nghèo là điều con người thường lo sợ và tránh né. Nghèo không phải là một cái tội, nhưng tình trạng nghèo túng lại có thể đẩy người ta đến những tội lụy bi thương. Bần cùng sinh đạo tặc. Ngược lại, sự giàu có là điều dường như ai cũng ước ao. Trong cuộc sống thường ngày, có vẻ như sự giàu có của cải giúp người ta khẳng định vị thế của mình ở đời. Những người có của thì dễ được người khác lắng nghe và tôn trọng. Những người nghèo khó trắng tay là những người yếu thế và không có tiếng nói.

Tuy nhiên, từ ngàn xưa, đạo làm người của dân Việt đã không đặt giá trị của vật chất lên trên giá trị của con người. Ông bà ta dạy rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nền tảng của lời dạy ấy là niềm xác tín kiên vững rằng: điều làm nên giá trị của một con người không phải là sự giàu có về vật chất, nhưng là cái sạch trong tâm hồn và cái thơm trong nhân cách của một con người.

Xác tín đạo đức cao đẹp ấy gặp được sự tương đồng trong Tin Mừng của Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu nơi trần gian là sứ mạng đến với người nghèo (x.Lc 4, 18). Bước vào hành trình rao giảng, Đức Giêsu dành một sự ưu tiên và một tình yêu đặc biệt cho người nghèo. Đi xa hơn những dạy dỗ đạo đức, Đức Giêsu nhìn ra phẩm giá của những người sống nghèo và chúc phúc cho họ: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”(Lc 6, 20).

Lời chúc phúc trên được đặt ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ của Đức Giêsu. Lời giảng ấy được xem như là lời tuyên ngôn cho những ai muốn nhận Nước Trời làm gia nghiệp. Lời tuyên ngôn này có sức an ủi và giải phóng đặt biệt đối với con người, nhất là những người dám nhận ra thân phận nghèo khó của mình.

Để sống mối phúc nghèo khó, trước hết, tôi phải nhìn lại sự thật về thân phận của mình. Tôi là ai? Tôi có phải là một người nghèo chăng? Tôi đã bước vào đời với hai bàn tay trắng, trong tình trạng hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Mọi sự đời tôi khởi đầu với một mầm sống mỏng manh và yếu đuối. Tôi được sống và được hội nhập vào cuộc đời là nhờ vào sự chăm sóc của bố mẹ, nhờ sự giáo dục của xã hội, nhờ lòng yêu mến của mọi người. Tất cả những điều theo tôi suốt cả cuộc đời là những điều tôi nhận được từ người khác. Cả cái tên tôi mang theo mình cũng là điều mà người khác đặt vào đời tôi. Tôi có gì là của riêng mình chăng? Tất cả những gì mà tôi đã nỗ lực xây dựng trong cuộc đời mình, có thực sự là của tôi chăng?

Một trong những nguyên do chính yếu của đau khổ trong cuộc đời là việc không chấp nhận được chính mình. Có những người nhận ra mình nghèo, rồi dặt vặt đau khổ với cái nghèo của mình. Có những người không chấp nhận mình nghèo, nên cố sức để lấp đầy cuộc đời mình bằng nhiều thứ khác. Có người quen lượng giá cuộc đời mình qua những của cải vật chất mà mình tích góp được. Có người lại thích khẳng định mình bằng những thành công danh vọng… Thế nên có khi người ta sẵn sàng hy sinh cả tình nghĩa con người, chỉ để tích góp cho mình thêm một chút vật chất. Lắm lúc người ta sẵn sàng đạp lên đầu nhau để xác lập địa vị và quyền lực của mình. Dần dần, người ta thất bại với chính mình, để trở nên nô lệ của lòng tham và lòng ích kỷ nơi mình…

Thật ra, dù có tha thiết ôm ấp của cải trần gian đến mức nào đi nữa, đâu ai có thể chối rằng vật chất chỉ là những điều đứng bên ngoài cuộc đời của con người. Tiền bạc nằm trong túi áo. Của cải nằm trong ngân hàng. Chỉ có tình yêu mới nằm trong con tim và nhân cách mới nằm trong con người. Do đó, không phải là của cải vật chất, nhưng chính nhân cách mới làm nên nét đẹp của một cuộc đời. Chính sự giàu có trong con tim mới làm nên giá trị đích thực của một con người.

Hơn nữa, cũng đâu ai có thể phủ nhận được thực tế rằng mọi người đều phải trở về với cát bụi bằng hai bàn tay trắng. Tất cả những gì mình nắm giữ và xây dựng, rốt cục đâu thể nào đi theo mình mãi mãi. Hóa ra những vồ vập ôm đồm chỉ là một hình thức diễn tả của một tâm hồn trống rỗng chới với. Hóa ra những người không có tâm hồn khó nghèo, là những người sử dụng cả đời để dặt vặt mình trong niềm đau khổ và bất an của cái nghèo trong thân phận làm người.

Ngược lại, người sống với tinh thần nghèo khó là người biết nhìn cuộc sống cho đến tận cội nguồn của nó. Người ấy ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình, đồng thời biết mở tâm hồn mình ra để được Thiên Chúa làm đầy. Cảm thức nghèo thực sự giúp người ta không dừng lại để có cảm giác tự đủ với mình, nhưng hướng lòng mình đến với Thiên Chúa. Quy về mình, mọi thứ trong cuộc sống bỗng trở nên mong manh và phi lý. Quy về Chúa, con người mới có được một nền tảng vững chắc và trường tồn.

Nhìn ngắm cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta nhận ra một gương mẫu sống động của đời sống nghèo khó vì Nước Trời. Người “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…”(Pl 2, 6-7). Người bước vào trần gian trong một máng cỏ nghèo hèn. Người sống nơi một làng quê nhỏ bé, trong một gia đình đơn sơ. Người đặt qua một bên tất cả những lời tán tụng tung hô, những vinh quang trần thế mà người ta đặt vào mình… Người chỉ nắm giữ một điều duy nhất trong trọn cả cuộc đời, là việc thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa. Sự khó nghèo ấy giúp Giêsu luôn quy hướng về Thiên Chúa như là lẽ sống duy nhất của mình. Sự khó nghèo ấy cho Giêsu một con tim thanh thoát rộng mở đến tất cả mọi người. Sự khó nghèo ấy cũng làm nên vẻ đẹp thật đẹp trong nhân cách của con người Giêsu. Phúc thay những ai dám bước theo và sống mẫu gương khó nghèo của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu !

Chúng con tạ ơn Chúa đã đến

và sống giữa chúng con như một người nghèo.

Nhận ra mình chẳng có gì trong thân phận làm người,

chúng con được có Chúa làm người với chúng con.

Nhận ra mình chẳng còn gì để bám giữ giữa đời,

chúng con lại có Nước Trời làm gia nghiệp.

 

Xin cho con nên nghèo khó với những sự thế gian,

để tâm hồn con được giàu có những sự trên trời.

Xin cho con nhận ra cái nghèo trong thân phận làm người

để tâm hồn con được đổ đẩy bởi lòng khao khát Thiên Chúa.

 

Ước gì việc nhận ra mình nghèo

kéo con người chúng con lại gần nhau hơn

nhờ đời sống biết chia sẻ và trao ban,

yêu thương và phục vụ.

Ước gì nhờ việc sống nghèo,

thế giới chúng con được trở nên giàu có

trong ân nghĩa và lòng yêu mến Chúa. Amen.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây