Virus “Lướt – Quẹt”

Thứ sáu - 22/05/2020 19:05

Đã mấy tháng nay, kể từ khi dịch Covid 19 bùng phát, cả thế giới hoang mang lo sợ. Bao cảnh chết chóc điêu tàn khiến chúng ta phải ngậm ngùi xót xa. Vậy mà đây đó, vẫn còn sự thờ ơ, thái độ hờ hững vô cảm trước những nỗi thống khổ của nhân loại. Nó biểu hiện bằng việc xem – xét, rồi trống rỗng trong tâm hồn. Lòng trắc ẩn của chúng ta ở đâu khi mà các ngón tay chỉ lướt lướt, quẹt quẹt để xem tin tức mới, rồi đưa ra bàn tán xì xèo. Rồi lại tiếp tục phê phán nhau, chế độ và tranh cãi hơn thua xem ai cập nhật tin tức mới và chính xác nhất. Điều đó không chỉ ở ngoài thế gian, mà nó len lỏi, ảnh hưởng, lây lan cả trong Dòng tu của chúng ta.

Trước khi có Covid 19, thì virus “Alô” đã xâm nhập vào đời sống chúng ta rồi. Loại virus ấy đang gặm nhấm tâm hồn, đời sống thiêng liêng của ta, tại sao ta không nhận ra để mà tiêu diệt? Ta mãi đi tìm, chạy theo những sự bên ngoài mà quên đi điều cốt lõi bên trong. Người ta đang trên bờ vực thẳm, nó cấp thiết và nguy hiểm biết chừng nào? Câu chuyện thực tế sau đây sẽ giúp chúng ta nhìn lại lối sống của mình và thay đổi cho phù hợp với bậc sống và căn tính của mình.

Một ngày Chúa Nhật nọ, hai chị em ra chợ mua đồ nấu ăn. Trong lúc chờ đợi, tôi đứng bên hàng bán dưa hấu và bán trứng. Tôi hỏi:

-Một ngày bán được nhiều không cô?

-Cũng được vài trăm trứng thôi, còn dưa hấu thì ế ẩm chẳng ai mua cả. – Cô trả lời.

-Thế cô không sợ dịch bệnh sao mà vẫn đi bán vậy?- Tôi hỏi tiếp.

-Dịch thì dịch, chứ nghỉ bán thì lấy gì mà ăn hả cô. Tôi ôm rổ trứng đi bán rong, hễ bị đuổi thì lại chạy chỗ khác. Mà nhìn cô giống như ma sơ phải không?- Cô nói.

-Dạ.- Tôi đáp lại.

-Thế thì sơ cầu nguyện cho mau hết dịch bệnh, để chúng tôi làm ăn cho đỡ khổ với nha!- Cô nói vẻ như vừa xin, vừa nhắn nhủ.

-Ôi, mọi người đều chung tay chống dịch chớ có riêng gì các sơ đâu! Xin Chúa chúc lành cho cô có sức khỏe và buôn may bán đắt nha!- Tôi vừa cười vừa trả lời.

-Vâng! Cảm ơn sơ.- Cô nói.

Trên đường về nhà, chúng tôi gặp một bà lão đang ngồi ở một xó trước cổng nhà người ta. Thấy tội nghiệp, chúng tôi dừng xe lại hỏi thăm bà. Nghe bà kể những nỗi khổ, nước mắt giàn giụa. Bà cầm lấy tay tôi mà nói trong nghẹn ngào: “Cảm ơn các cháu đã ghé thăm bà, thôi các cháu về đi kẻo mà lỡ việc của các cháu”.

Dù không biết thực hư câu chuyện đời bà ra sao, chúng tôi chỉ có ít lời động viên và chút tiền nhỏ biếu bà để lo bữa trưa sắp tới. Về tới nhà, hai chị em lịch kịch nấu ăn rồi lên học bài. Gần tới bữa ăn, các chị bắt đầu từ trên phòng xuống, trên tay mỗi người cầm chiếc “Alo” của mình lướt lướt, quẹt quẹt, xem xem. Thế rồi chị A thông tin:

-Trung Quốc đã chết hơn một ngàn người rồi em ơi!

-Sáng nay lên 1200 người rồi, máy em báo tin mới nhất đây này – Chị B tiếp.

Chị C từ trên nhà xuống:

-Em ơi, hình như mình nghỉ học toàn quốc sao ấy?

-Chị hay, đã có thông báo gì đâu mà nói, có nghỉ thì họ đã báo trên máy em rồi.- Chị B đáp lại to hơn.

-Thì mấy tỉnh kia đăng tin cho nghỉ học vì có dịch đó, chắc mình cũng nghỉ học chứ gì nữa.- Chị C nói tiếp.

-Chị không biết thì đừng có nói. – Chị B đáp lại vẻ khó chịu.

………………

Cứ thế đáp qua đáp về những câu nói vô bổ. Thay vì nói nhẹ nhàng, dịu dàng thì lại nói to tiếng với nhau vì một thông tin chưa rõ ràng. Ai cũng cho cái lý của mình là đúng, chẳng ai chịu nhường ai. Nếu cũng là thông tin đó, chị em chia sẻ cho nhau trong tinh thần hiệp thông, cầu nguyện thì có lẽ sẽ tốt hơn biết mấy. Đó chỉ là một chuyện nhỏ thôi, còn biết bao nhiêu hệ lụy khác từ cái “Alo” riêng của mỗi người mà ra. Nó ảnh hưởng rất nhiều và ta không thể kiểm soát được chứ đừng tự tin mà nói là tôi không “lệ thuộc” vào nó. Nếu chúng ta cứ mãi “lướt – quẹt” trên cái “Alo”, thì đời sống thường ngày của chúng ta cũng dễ bị “lướt- quẹt” như vậy. Vì quen mắt, quen tay chúng ta “lướt – quẹt” những việc đạo đức thiêng liêng, chúng ta cũng “lướt – quẹt” đời sống chị em mình. Chúng ta dễ dàng xét đoán chị em bằng đôi mắt thể lý với trí suy nông cạn, rồi thành ra là người thiển cận mà không có sự sâu sắc xứng với độ tuổi và bậc sống mình. Cứ như thế, người tu sĩ chúng ta bị trôi vào cuộc sống “lướt – quẹt” một cách vô tâm, vô tình. Và rồi khi ra trước Tòa Phán Xét, Chúa cũng sẽ trả lại sự “lướt – quẹt” cho chúng ta như vậy. Có thể những người lớn sẽ nghĩ rằng thế hệ trẻ bây giờ chuộng những gì trổi trang, sành điệu, những phương tiện hiện đại thời 4.0 – 5.0… để đáp ứng nhu cầu mục vụ, theo kịp thời đại. Thưa, đó chỉ là số ít thôi. Xin đừng áp đặt cách nghĩ ấy lên người trẻ, đó là điều không nên và thật vô duyên. Nhưng hãy lắng nghe tiếng lòng họ, hãy để họ được nói lên ước vọng sâu xa nhất, thật nhất của mình. Vì mỗi người có một con đường nên thánh riêng và cách thức lên đường của từng người hoàn toàn khác biệt. Phương tiện truyền thông hiện đại là tốt, nhưng chúng ta phải học cách sử dụng chúng sao cho đúng mục đích, chín chắn, trưởng thành chứ không phải để khoe mẽ, hơn thua về tri thức và sự hiểu biết của bản thân. Con đường mà Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta bước theo và nên thánh là con đường hy sinh, từ bỏ mọi sự chứ không phải là con đường tích lũy bầu tri thức trần gian, hay là chạy đua với sự phát triển của khoa học, xã hội.

Những ngày này, cả thế giới đang rúng động trước tai họa của chiến tranh, dịch bệnh. Tiếng kêu thống thiết của biết bao con người đang bôn ba bươn chải kiếm sống, của những người lang thang vất vưởng ngoài đường, với những cảnh quằn quại đau thương chết chóc khắp nơi có làm chúng ta chạnh lòng? Đức Thánh Cha Phaxicô đã nói rất đúng: “Có lẽ chúng ta đang có một cuộc sống không thiếu thốn gì nên chúng ta không biết khóc…” (Tông huấn CV – 76). Ta có khóc thì đa phần là khóc cho bản thân mình chứ không phải là khóc vì xót thương người khác. Bức tường an toàn của mỗi người, của cộng đoàn, của Hội Dòng quá dày khiến chúng ta không thể nghe, nhìn hay cảm thấu sự chới với của những người đứng trước nhà chúng ta mà cầu cứu. Chúng ta đóng “kín cổng cao tường” để khỏi nhiễm Covid 19, trong khi con virus khác đang phá hủy đời sống nội tâm của ta. Hãy tỉnh thức và canh tân đời sống mình. Hãy múc lấy sức đề kháng từ Lời Chúa và Thánh Thể để chống lại sự phá hủy của các loại virus, đặc biệt là virus “lướt – quẹt”. Hạ thấp, bào mỏng bức tường ngăn cách bằng việc lành phúc đức, bằng những lời nguyện và sự hy sinh âm thầm. Hãy ra khỏi sự an toàn của bản thân, mở toang cửa lòng để đến với người khác và để người khác đến với ta. Nhờ đó cả chính chúng ta cũng như họ đều nhận được sự cảm thông, nâng đỡ, sẻ chia, đồng hành trong cuộc sống. Mỗi người phải nhào nặn mình thành một cái “Alo” để lôi cuốn, hấp dẫn người ta đến với Chúa bằng chính đời sống chứng tá của mình, bằng sự khó nghèo, khiêm tốn, thánh thiện. Xin đừng là cái “Alo” “lướt – quẹt” theo thời đại này.

Nguyện xin Chúa đoái nghe tiếng lòng và chúc lành cho những thiện chí cố gắng nên thánh của mỗi người chúng con. Nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria và thánh cả Giuse, xin Chúa dẹp tan những bức tường ích kỷ, kiêu ngạo trong lòng tu sĩ chúng con. Và xin ban cho chúng con một trái tim mới, biết mở ra để cưu mang, yêu thương, đón nhận và cầu nguyện cho những nỗi thống khổ của nhân loại, đặc biệt là những ai chạy đến với chúng con.

Phượng Tím (Kinh viện), FMI  

Hits: 53

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây