Suy niệm Kinh Lạy Cha mùa dịch Covid-19

Thứ hai - 16/03/2020 08:21
Suy niệm Kinh Lạy Cha mùa dịch Covid-19
Có lẽ hơn lúc nào hết, trong thời điểm hiện tại khi mà đại dịch cúm Covid-19 đã trở nên cực kỳ nguy hiểm và lan rộng hầu hết khắp nơi trên thế giới, thì kinh “Lạy Cha” mà chúng ta đọc hằng ngày đã trở nên một lời kinh thắm thiết nhất trong các kinh nguyện. Đó cũng trở nên một bài suy niệm gợi mở cho ta nhiều suy tư và quyết định khi đang phải đối diện với sự lo âu, sợ hãi, hoảng loạn, thất vọng và hoang mang cùng cực.
 
 
Trước tình hình đáng lo sợ này, người Ki-tô hữu chúng ta tự hỏi, “Thiên Chúa đang ở đâu? Người muốn nói gì thông qua những biến cố đáng sợ và đau buồn này?”. 
 
Hơn lúc nào hết, mọi tín hữu chúng ta đừng quên đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, nhất là khi cuộc sống của chúng ta đang gặp phải những khó khăn thử thách. Có thể chúng ta dễ dàng quên đi Người chăm lo thế giới này khi những biến cố xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của mình. Giữa những sợ hãi, buồn phiền và nỗi thống khổ ấy, chúng ta cần xác tín rằng Thiên Chúa vẫn gìn giữ mọi sự trong trật tự. Khi mọi thứ bị xáo trộn, chúng ta hãy luôn giữ bình an và tín thác vào Thiên Chúa khi biết rằng Người là Đấng sáng tạo và gìn giữ muôn loài. [1]
 
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Người “ở trên trời” nhưng Người không xa chúng ta. Sự hiện diện của Người là vô cùng, vô biên và sâu thẳm. Mặc dù không “thấy” Người, nhưng chúng ta nghe được Lời của Người: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta ” (Is 41, 10).
 
Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời vì Người là Đấng duy nhất để ta tôn thờ và yêu mến, vì tất cả chúng ta là con cái của Người và vì chúng ta tin tưởng tất cả mọi sự dữ sẽ qua đi và chỉ mình Người là tồn tại. Chúng ta xác tín rằng, không có gì vĩnh cửu trong thế giới này, kể cả những điều hạnh phúc và những phiền muộn của chúng ta. Vậy chúng ta hãy an tâm. Thiên Chúa hằng sống và chúng ta sẽ vượt qua cuộc sống tạm bợ này để cùng được sống với Người trong Nước vĩnh cửu.

Chúa Giê-su luôn dùng từ “Cha” trong những thời điểm thử thách nhất, và cho chúng ta biết rằng Cha luôn biết mọi sự chúng ta cần, trước cả khi chúng ta lên tiếng. Người là Cha lắng nghe chúng ta trong thầm lặng, cũng như Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo.
 
Trong lúc dịch bệnh hoành hành thế này, chúng ta cầu xin cho nhiều người biết đến Danh (Tên) Thiên Chúa để có niềm tin và hi vọng. Biết Danh là biết Người. Biết Người thì sẽ cảm nhận được quyền năng và tình thương của Người lớn lao chừng nào. Người Ki-tô hữu và người ngoài Ki-tô giáo khác nhau ở chỗ người Ki-tô hữu biết đích xác Danh Đấng mà mình tôn thờ và cầu xin. Không cầu xin một cách vu vơ.
 
Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu xin với Cha của Ngài. Tức là Đấng mà Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết. Cha của Đức Giê-su là một người Cha quyền năng và giàu lòng thương xót. Lịch sử cứu độ đã chứng tỏ cho thấy rằng Cha luôn có kế hoạch giải thoát con người khỏi tội, sự chết và mọi tai họa. Cha là Chúa của kẻ sống.
 
Khi dịch Covid-19 lan rộng ra các nước trên thế giới, ngày nào người ta cũng thiết lập bản đồ virus-Corona để theo dõi tình hình dịch bệnh. Chúng ta cầu xin cho các chấm đỏ hay mảng tím ngày càng ít đi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó vẫn là xin cho Nước Cha ngày được triển nở trên trái đất và trong vũ trụ này. Nước của Thiên Chúa không có trên bản đồ nhân loại cũng không phải là một vương quốc của một đế chế nào. Đó là Vương Quốc của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô Phục Sinh là Đấng được trao quyền thiết lập.
 
Phải cầu xin để Vương Quốc ấy ngày càng lan tỏa ra toàn vũ trụ và khắp cùng trái đất. Chỉ trong Vương Quốc ấy con người mới thoát khỏi sự kiềm tỏa của mãnh lực sự dữ. Chỉ trong Vương Quốc ấy, con người mới có bình an, hạnh phúc, yêu thương và tự do đích thực. Chúa Ki-tô đã được Thiên Chúa Cha trao cho Vương Quyền thiên giới sau khi Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Ngài thiết lập Hội thánh Tân Ước để tất cả những ai tham dự vào mầu nhiệm Nước Trời sẽ được hưởng ân huệ mà Thiên Chúa đã hứa ban. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20).
 
Trong khi chúng ta thưa với Thiên Chúa là “xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta lại thường lèo lái thánh ý Chúa theo ý muốn của ta. Khi dịch bệnh xảy ra, thay chúng ta khiêm tốn cầu xin để biết đâu là đường lối của Thiên chúa, đâu là kế hoạch của Người, thì chúng ta lại “điều khiển” Thiên Chúa làm điều này điều kia như thể ban một vài phép lạ nào đó cho chúng ta.
  
Thực ra, ý Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm. Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55, 8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho con người, dù tốt hay xấu, chúng ta một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28).

Về ý nguyện này, ĐTC Phan-xi-cô đã chia sẻ như sau: [2]
 
“Khó khăn thử thách giúp chúng ta cảm nghiệm đau khổ: Như đã xảy ra với Chúa Giê-su trong vườn Giết-sê-ma-ni, khi Người nếm trải sự đau khổ và Người đã cầu nguyện; “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này xa con! Nhưng xin đừng theo ý con, mà là theo ý Cha” (Lc 22, 42). Chúa Giê-su đã bị vùi dập bởi sự ác của thế gian nhưng Người phó thác cách tin tưởng vào đại dương tình yêu của thánh ý Chúa Cha.

“Cả các vị tử đạo, trong thử thách, các ngài không tìm sự chết, các ngài tìm điều sau cái chết, đó là sự Phục sinh. Thiên Chúa, vì yêu thương, có thể đưa chúng ta đi trên những nẻo đường khó khăn để cảm nhận những vết thương và gai góc đau khổ, nhưng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở với chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong tâm hồn chúng ta”.
 
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

Lời cầu xin này xem ra rất gần gũi và cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Mong được hằng ngày dùng đủ. Đó là niềm mơ ước của nhiều người, nhiều gia đình. Nhưng tại sao Chúa lại dạy ta xin điều mà xem ra Ngài không muốn chúng ta bận tậm lắm.
 
Đức Giê-su đã chẳng kêu gọi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng sao? Ngài phán: “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha em em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 31-33).

Khi dịch bệnh xảy ra, ngoài vấn đề lo bệnh viện chạy chữa, lo chỗ cách ly, lo sắm khẩu trang, lo thầy, lo thuốc, người ta còn phải lo cái ăn, cái uống trong điều kiện khan hiếm và mắc mỏ. Nhiều người đua nhau tích trữ lương thực. Hàng hóa, thực phẩm trong siêu thị bỗng bị “hút” hết. Chuyện này không chỉ xảy ra bên Trung Quốc hay VN mà còn diễn ra bên Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc châu…
 
Trong số những người lo lắng, hoang mang về cái ăn cái uống thời Covid-19 chắc cũng có nhiều người Công giáo chúng ta. Chúa biết điều này. Chúa không trách móc chúng ta, nhưng Ngài mời gọi chúng ta nhìn xa hơn. Nếu như chúng ta đầy đủ lương thực nhưng nhiễm virus Corona dương tính, rồi vĩnh viễn ra đi, thì liệu có ích gì cho ta. Nếu như trong hoàn cảnh dịch bệnh này, ta có đầy đủ lương thực, thực phẩm trong khi nhiều người anh em của ta thiếu thốn, cạn kiệt mà ta không ra tay giúp đỡ, thì liệu lương tâm ta có bình an không.
 
Bên cạnh việc nhắc bảo chúng ta nên chấp nhận cuộc sống vật chất “đủ dùng hằng ngày”, Chúa cũng đề nghị chúng ta nên lo tích trữ kho tàng trên trời là nơi mà những thứ đó không bị mối mọt ăn. “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 19-21).  
 
Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

Đối với Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn “mắc nợ” Người. Bởi vì tất cả con người và cuộc sống chúng ta đều là ơn huệ của Người. Chúng ta được tạo dựng từ “không” đến “có”, từ hư vô đến hiện hữu, từ không-là-gì đến có-là-gì. Hơn nữa, chúng ta được Chúa cứu chuộc, từ kẻ có tội trở thành bạn hữu của Chúa, từ phạm nhân đáng chết trở thành con cái của sự Sống. Ơn cứu chuộc là vô giá. Chính Đức Giê-su, Con Một của Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống mình để xóa nợ thay cho chúng ta.
 
Trong cuộc sống đời này, mọi người cũng mắc nợ nhau. Chúng ta không chỉ mắc nợ nhau tiền bạc, vật chất này nọ, mà còn mắc nợ nhau về chất xám, trí năng, tinh thần, lòng tốt, sự tử tế, sự hy sinh xả kỷ, sự hiến thân do nghề nghiệp vv. Mỗi người đều mắc nợ nhau và mỗi người phải có bổn trả nợ, cách này hay cách khác.
 
Khi dịch cúm do virus Corona bùng phát, ta đã thấy không ít các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, các lực lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các nhà khoa học, đã liều thân lao vào “trận địa của cơn đại dịch”. Đã không ít người đã bỏ mạng ngay tại nơi làm việc, vì nhiễm virus hay vì làm việc quá sức. Chúng ta được sống an lành như hiện tại, đó là cũng là nhờ phần lớn những con người hy sinh thầm lặng ấy.

Trong khi chúng ta cầu xin Chúa tha nợ cho chúng ta thì chúng ta cũng xin Chúa giúp ta làm mọi cách để có thể trả nợ cho những người anh em đã hy sinh mạng sống vì nhân loại chúng ta. Thánh Phao-lô đã quả quyết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề luật” (Rm 13, 8).
 
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ

Không một Ki-tô hữu nào mà không có kinh nghiệm về những cám dỗ trong đời sống mình. Vấn đề là chúng ta có thái độ và phản ứng như nào trước những cám dỗ xảy đến cho mình. Ma quỷ là tác nhân chính của cám dỗ. Nhưng cũng có những “mãnh lực” khác hùa theo ma quỷ, chúng cũng có sức mạnh cám dỗ ta làm sự tội, đó là thế gian, xác thịt. Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, cám dỗ có một sức mạnh kinh khủng, nó như một cơn cuồng phong cuốn hút ta vào vòng xoáy của sự ác, để chúng ta phải làm điều ác.
 
Thánh Phê-rô đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5, 8-9).
 
Chắc chắn chúng ta không thể sống mà không bị cám dỗ được, vì nó ở ngay sát bên ta, ở trong ta. Vấn đề là chúng ta xin Chúa ban ơn để chúng ta có sức mạnh không chiều theo nó, không rơi vào bàn tay điều khiển của nó. Có hai phương thế để chúng ta đối phó với cơn cám dỗ, đó là: sống tiết độ và tỉnh thức.  
 
Trong thư mùa Chay gửi cộng đoàn dân Chúa giáo phận Mỹ Tho ngày 22-2-2020, ĐGM Phê-rô Nguyễn Khảm đã nhắc nhở như sau: 
 
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân được nhắc nhở về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và đúng cách sau khi tiếp xúc với vật dụng hay bề mặt có nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, bàn phím, thang máy…Đồng thời chính quyền sử dụng biện pháp cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh, để khoanh vùng dịch, tránh lây lan cho nhiều người khác
 
Cũng thế, nếu ý thức được mối nguy hiểm và sự tàn phá của tội lỗi, chúng ta cần phải phòng chống tội lỗi. Theo kinh nghiệm lâu đời của mình, Hội Thánh đưa ra nhiều lời khuyên đạo đức để giúp thực hiện điều này, cụ thể nhất là tránh xa dịp tội. Trong Kinh Ăn năn tội, chúng ta vẫn đọc: “Nhờ ơn Chúa giúp, con sẽ tránh xa dịp tội và làm việc đền tội cho cân xứng”. Dịp tội là những hoàn cảnh bên ngoài (không gian, thời gian, sự vật, con người) khiến chúng ta dễ bị cám dỗ phạm tội. Không tránh xa những dịp đó thì khó lòng tránh được tội lỗi. Vì thế, cần phải tránh xa dịp tội, nhất là những dịp tội gần. Mỗi người cần xét xem đâu là những tội mình hay phạm, hoàn cảnh nào khiến mình dễ sa ngã phạm tội đó, từ đó cố gắng xa tránh dịp tội.” [3]
 
Khi dịch bệnh mới xảy ra ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), mọi người đều lo lắng và hoảng loạn vì có thể đây sẽ là một thảm kịch lớn của nhân loại. Người ta đã ghi lại chứng từ của một nhân chứng có mặt tại chỗ, như sau:
 
“Trong gần một tuần, sinh viên Mỹ Nicholas Schneider, 21 tuổi, đã cố gắng nhưng chưa ra được khỏi Vũ Hán, thành phố là tâm chấn của đại dịch virus corona và đang bị phong tỏa.
 
“Schneider đã nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 29-1 rằng đây như một thị trấn ma, không có nhiều người và xe cộ. Một cảm giác lạ. Một cách nào đó, anh ta cảm thấy như ngày tận thế! Thành phố sầm uất 11 triệu dân giờ đây vắng lặng một cách lạnh lùng. Schneider ở đây để theo học toán học ứng dụng ở Đại học Vũ Hán, cách 16 km so với khu chợ buôn bán trái phép động vật hoang dã được cho là nơi mà chủng virus corona mới bắt đầu lây lan”. [4]
 
Tai họa dịch cúm virus corona xảy đến có vẻ bất ngờ khiến cho nhiều người hoảng sợ đưa ra nhiều suy đoán. Người ta tập trung đi tìm nguyên nhân. Đây có thể không phải là thiên tai, nhưng là một nhân tai khủng khiếp? Đây có thể là biến chất của một loại hình chiến tranh vi trùng? Đây cũng có thể là một ý đồ xấu xa của một quốc gia nào đó muốn tiêu diệt một nước thù địch vv. 
 
Cũng có một cách lý giải khác, rằng Thiên Chúa phạt người này, người kia, nước nọ, vì tội chống báng Thiên Chúa và phỉ báng Hội thánh Chúa Ki-tô! Thực ra, xét ở bản chất tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta tin rằng Người không thù ghét ai cả. Người cũng không muốn nhân loại phải khổ sở, điêu đứng. Người không phải là tác nhân gây tai họa.
 
Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1, 9).   
 
Chúng ta cũng biết rằng, “Hình phạt nặng nhất của Thiên Chúa không phải là gởi đến những tai họa, tang tóc để ta không thể nghỉ yên trong tội lỗi. Đó còn là dấu chỉ lòng nhân từ của Người muốn cảnh tỉnh ta để ta trở lại với Người. Hình phạt nặng nhất là để cho ta có dư dật của cải, vui sướng ở đời này và chỉ cất khỏi ta sự hiện diện sinh động của Người, vì ở trạng thái thấy con người có cảm giác mình chẳng còn thiếu thốn chi nên không nghĩ đến trở lại nữa”./. [5]
 
Aug. Trần Cao Khải
 
_________________
 
[1] conggiao.info
 
[2] vaticannews.va
 
[3] giaophanmytho.net
 
[4] news.zing.vn
 
[5] LM Thân Văn Tường – Đối diện với Thiên Chúa – Gp Long Xuyên 1993 trang 6

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây