Thứ Hai tuần 14 thường niên.

Chủ nhật - 05/07/2020 08:02

Thứ Hai tuần 14 thường niên.

"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".

 

Lời Chúa: Mt 9, 18-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại".

Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy.

Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.

Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.

 

 

Suy Niệm 1: Cầm lấy tay

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.

Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,

nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.

Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:

“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).

Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.

Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.

Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.

Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.

Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.

Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).

Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.

Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.

Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,

và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.

Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé:

“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy !” (c. 24).

Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.

Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.

Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã trỗi dậy (c. 25).

Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.

Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?

Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.

Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.

Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,

bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.

Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá:

“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).

Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,

nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.

Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).

Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.

Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.

“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).

Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.

Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.

Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,

bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.

Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.

Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.

Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.

Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: ĐỤNG CHẠM ĐẾN THIÊN CHÚA

Hai phép lạ đều phát xuất từ việc đụng chạm. Thiên Chúa có sức mạnh thần linh. Ai đụng chạm đến Thiên Chúa sẽ được tiếp xúc với sức mạnh vô địch này. Tuy nhiên để tiếp xúc được sức mạnh thần linh không thể dùng phương tiện nhân loại mà phải dùng phương tiện thần linh, đó là đức tin. Biết bao người chen lấn đụng chạm vào Chúa. Nhưng chỉ người phụ nữ này chạm đến mầu nhiệm vì bà có đức tin mạnh mẽ. Đức tin hiệu nghiệm lạ lùng. Chính đức tin của người cha ngoại đạo cũng làm cho cô gái bé nhỏ múc được ân sủng thần linh của Thiên Chúa.

Thực ra Thiên Chúa luôn yêu thương, muốn gặp gỡ con người. Hô-sê cảm nhận được tình yêu đến say mê của Thiên Chúa, Đấng muốn gặp gỡ con người. Muốn tình yêu của Người đụng chạm đến con người “Này Ta sẽ quyến rũ dân Ta, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”(năm chẵn).

Trong thanh vắng giữa thiên nhiên, sẽ thuận lợi để gặp Thiên Chúa. Như Gia-cóp ngủ giữa trời sao và thấy được cửa trời. Chính Thiên Chúa yêu thương tỏ mình cho ông. Tiếp nối tình thương dành cho Áp-ra-ham và I-xa-ác (năm lẻ).

Việc gặp gỡ Thiên Chúa đem lại cho ta sự sống. Như người phụ nữ bị cái chết rình rập được Chúa cho hoàn toàn bình phục. Như cô gái đã bị tử thần cướp đi và Chúa trả lại sự sống.

Việc gặp gỡ Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người. Ta không còn phải là tôi tớ nhưng trở nên bạn hữu, được Thiên Chúa yêu thương nâng lên ngang hàng, ký kết hôn ước. “Người sẽ gọi Ta: “Mình ơi” chứ không còn gọi ‘Ông Chủ ơi’ nữa”.

Việc gặp gỡ Thiên Chúa cho ta được một cuộc sống sung mãn. Gia-cóp được hưởng ân phúc dư tràn cho đến suốt đời. Ông trở thành phúc lành cho mọi người. “Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất…Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (năm lẻ)

Việc gặp gỡ Thiên Chúa đem đến cho ta hạnh phúc vô biên trong tình yêu thương thắm thiết của Chúa, trong mối tình bằng hữu thâm sâu và nhất là trong Chúa ta đạt được tất cả mọi ước mơ, đạt đến cứu cánh và ý nghĩa cuộc đời.

Lạy Chúa xin ban thêm đức tin để con có thể đụng chạm được đến Chúa và đáp lại lòng Chúa mong chờ con.

(Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt)

 

Suy Niệm 3: Thiên Chúa yêu thương con người

Với tựa đề: "Nơi Chúa, họ tin tưởng", tuần báo Kinh Tế Viễn Ðông số tháng 6/1996 dành hai trang để nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Việt Nam. Tựa đề của bài báo lấy lại dòng chữ mà người Mỹ vốn cho in trên đồng tiền của họ: "Nơi Chúa, chúng tôi đặt tin tưởng".

Nếu với người Mỹ, Chúa là một ngôi vị cá biệt, thì Chúa theo tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông lại là thể hiện của một nhu cầu tôn giáo cơ bản nhất của con người, không gì có thể dập tắt nổi.

Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.

Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: "Ðức tin của con đã cứu chữa con", nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.

Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta một đức tin sáng suốt để chúng ta không ngừng nhận ra tình yêu của Chúa và dâng lời cảm tạ Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Cầu xin liền đấy… mà đâu có được ngay

Người còn đang nói với họ như thế, thì kìa, một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống lại.” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. (Mt. 9, 18-19)

Từ lòng tin… đến phép lạ

Đọc các sách Phúc âm, đôi khi người ta có cảm tưởng rằng mọi chuyện xảy ra như do phép mầu vậy. Có những người có lòng tin Chúa Giêsu rất mạnh. Họ ngỏ lời thỉnh cầu Chúa, và hầu như điều họ ước muốn đều được thực hiện liền. Điển hình như hai trường hợp được kể lại trong Phúc âm hôm nay.

Khi nghe những câu chuyện tương tự như trên, có thể là chúng ta đã muốn mơ tưởng đến một thời mà kẻ có lòng tin chân thành đều mau chóng được tưởng thưởng. Nhưng ta đừng quá mơ mộng. Không phải cứ có được lòng tin thật tinh tuyền là nhất thiết được ơn phép lạ đâu. Lòng tin không luôn luôn dẫn đến phép lạ. Phúc âm tuy có kể lại nhiều trường hợp kẻ xin được ban ơn ngay do lòng họ tin. Nhưng ai có thể kể được là bao nhiêu những con người mà Phúc âm đã không nói đến, họ là những kẻ đã trong chờ từ lâu, rất lâu, thế mà Chúa vẫn chưa đáp lời họ kêu xin? Ai có thể đếm được là bao nhiêu số người chưa bao giờ được lành bệnh, dầu rằng họ đã thiết tha van xin Chúa với lòng tin sâu xa?

Tin không cần phép lạ

Ta đừng sợ phải cầu xin nhiều, thật nhiều với Chúa. Phải dám cầu xin cả những sự không thể được nữa. Nhưng đừng nghĩ rằng ngay khi ta vừa có lòng tin thực là phép lạ sẽ xảy ra đâu. Chúa đáp lại lời ta cầu xin khi nào và như thế nào là thuộc quyền Chúa. Người nhận lời kẻ này mà không đáp lời người kia. Chỉ có những lời cầu nguyện này mà Chúa luôn luôn đáp lại; đó là những lời cầu nguyện giúp mở lòng ta ra hơn với Chúa, giúp ta biết đón nhận và thực hành ý Chúa hoàn toàn hơn; đó là những lời cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến ở trần gian. Đức tin tinh tuyền không phải là đức tin trông mong có phép lạ, đó là lòng tin đưa đến kính mến Chúa nhiều hơn và yêu thương anh em nhiều hơn.

 

Suy Niệm 5: BÀN TAY CỦA NIỀM TIN VÀ QUYỀN NĂNG (Mt 9, 18-26)

Xem lại CN 13 TN B // và Thứ hai tuần 4 TN

Chúng ta vẫn thường nghe đến câu nói: “Con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay”. Thoạt nghe xem ra có vẻ khó tin, nhưng thực tế là vậy. Bởi lẽ vẫn còn đó những người chỉ thích nói mà không làm; chỉ thích nghe mà không muốn hành động. Vì thế, họ nói rất hay, khẩu lệnh rất kêu, nhưng làm thì không đáng gì!

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Mátthêu đã rất tinh tế khi tập chung đến hành động của bàn tay:

Trước tiên là lời van xin của vị kỳ mục: “Xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại";

Tiếp theo là hành động tin tưởng của người phụ nữ bị bệnh, bà tìm mọi cách để chạm tay vào gấu áo của Đức Giêsu để mong được khỏi bệnh;

Cuối cùng là hành động nhân ái của chính Đức Giêsu khi Ngài “... vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy".

Với ba hình ảnh khác nhau về cử chỉ bàn tay, thánh sử Mátthêu đã dệt nên một bức tranh diễn tả niềm tin của vị kỳ mục và người phụ nữ bị bệnh, đồng thời cũng làm toát lên quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa qua bàn tay của Đức Giêsu.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có một niềm tin mãnh liệt như vị kỳ mục và người đàn bà. Không được buông trôi, thất vọng khi những khó khăn, bệnh tật xảy đến trong đời. Những lúc như thế, hãy vững tin tuyệt đối vào Chúa. Mặt khác, noi gương Đức Gêsu, luôn dùng bàn tay của mình để hành động vì đức ái, luôn giúp đỡ và làm ơn cho tha nhân, nhất là những anh chị em kém may mắn hơn chúng ta.

Mong thay, Lời Chúa mà chúng ta vẫn lắng nghe hằng ngày sẽ được hiện tại hóa cách sống động nơi đời sống đức tin của chúng ta, để “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người môn đệ Đức Kitô”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin giúp chúng con biết sống liên đới và yêu thương mọi người như Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Phúc Âm này gồm hai phép lạ:

1. Cứu sống đứa con gái của một vị kì mục:

Nó đã chết: chính vị kì mục xác định như thế; khi Chúa Giêsu nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài.

Nhưng đức tin của vị kì mục rất mạnh: Ông nói “Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu cứu sống nó rất dễ dàng: “Ngài cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy”.

2. Chữa bệnh cho một người bị loạn huyết:

Bệnh đã rất nặng vì chữa trị 12 năm không khỏi.

Đức tin của bà cũng rất mạnh: “Nếu tôi chạm đến áo Ngài thôi thì tôi sẽ được khỏi”.

Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận: “đức tin của con đã cứu con”.

Như thế, cả hai trường hợp đều tuyệt vọng. Nhưng cả hai người đều có đức tin rất mạnh, cho nên họ đã đạt được điều họ xin.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại, chỉ cần chạm tới Ngài (người phụ nữ loạn huyết) hay được Ngài chạm tới (con gái vị kì mục) thì hết bệnh hay được sống lại.

Mỗi khi tôi rước lễ, tôi cũng chạm tới Mình Thánh Chúa và được Mình Thánh Chúa hoà tan trong cơ thể tôi. Khi đó, tôi cũng hãy xin Thiên Chúa ban cho tôi sự sống và sự sống dồi dào. Nhưng với điều kiện là tôi phải tin.

2. ”Con bé không có chết đâu. Nó ngủ đó thôi. Họ liền nhạo cười Ngài”

Chúa Giêsu coi chết chỉ là một giấc ngủ để thức dậy là thấy cuộc sống đời đời. Nhưng dân Do Thái không tin mà còn nhạo cười Ngài. Tôi thì tuy không nhạo cười Chúa nhưng cũng chưa thực sự tin chết là một giấc ngủ cho nên tôi rất sợ chết.

3. Hai nhân vật trong chuyện này vẫn cứ tin trong hoàn cảnh lẽ ra người khác đã tuyệt vọng. Đức tin của họ còn mạnh tới nỗi nghĩ rằng chỉ cần chạm đến Chúa Giêsu hay được Ngài chạm tới thì hoàn cảnh sẽ hoàn toàn đổi mới tốt đẹp.

4. Thánh Ambrôsiô kể rằng dân chúng xứ Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra, và trái lại họ vui mừng hát những bài hát hân hoan khi có người qua đời. Họ tin -và họ có lý- rằng tất cả những ai đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn đầy đau khổ đều đáng thương hại; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đày buồn khổ này, người ta phải vui lên mừng cho họ. Melior est dies mortis die nativitatis, ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày sinh ra. (Góp nhặt)

5. ”Bà nghĩ bụng: tôi chỉ cần sờ được vào gấu áo của Ngài thôi là tôi sẽ được cứu” (Mt 9,21)

Alexander đại đế của Hylạp thời xưa hoàn toàn tin cậy vị y sỹ riêng của ông. Ông tin ngay cả khi ông có lý do nghi ngờ lòng trung thành của vị y sỹ này. Một ngày kia khi Alexandre đại đế lâm bệnh, có kẻ viết thư nặc danh tố cáo vị y sỹ đã bỏ thuốc độc vào thuốc cho ông uống. Nhưng khi vị y sỹ đem thuốc đã bào chế lại, Đại đế nói “Ta hoàn toàn tin tưởng nơi y sỹ”. Nói xong ông cạn chén.

Như Alexandre đại đế đã hoàn toàn tin tưởng vào y sỹ ngay cả khi ông có lý do nghi ngờ, người đàn bà trong đọan Phúc Âm này cũng hoàn toàn tin vào Chúa Giêsu, niềm tin của bà thật mãnh liệt.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban lòng tin cho con vì con thường yếu tin và nghi ngờ vào tình thương và quyền năng của Chúa. (Hosanna)

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Niềm tin và khiêm nhường (Mt 9,18-26)

  1. Tin mừng cho biết: một ông trưởng hội đường có con gái mới chết. Ông tin chắc Chúa có thể làm cho nó sống lại được, nên đến xin Chúa cứu giúp. Chúa liền đi theo ông... Dọc đường, một người đàn bà mắc bệnh băng huyết thấy Chúa thì lén sờ vào gấu áo Ngài, với niềm tin sẽ được khỏi bệnh. Và bà đã khỏi bệnh thật... Khi đến nhà ông kỳ lão, Chúa thấy người ta khóc lóc ồn ào thì bảo họ lui ra, rồi Ngài cầm tay đứa bé, nó liền sống lại. Người đàn bà băng huyết được khỏi bệnh và cô gái chết được sống lại đều nhờ lòng tin Chúa. Vì thế, đức tin rất cần cho được ơn cứu vớt phần hồn phần xác.
  2. Phép lạ bởi lòng tin

Ông trưởng hội đường có đứa con gái đã chết. Chính ông xác định như thế. Khi Chúa Giêsu nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài. Ở đây chúng ta thấy đức tin của vị kỳ mục rất mạnh. Trước sự ra đi của đứa con. Tất cả mọi phương thế trần gian đã chào thua. Lịch sử chưa bao giờ nói về một người đã chết được sống lại. Chính Chúa Giêsu cũng chưa cho ai sống lại từ cõi chết, vậy mà ông đến với Chúa, ông nói chắc ăn như bắp: “Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại” (Mt 9,18).

Còn người đàn bà mắc bệnh loạn huyết: Bệnh bà rất nặng vì đã chữa trị suốt 12 năm mà không khỏi. Khi được nghe biết Chúa xuất hiện bà tin sẽ được khỏi: “Tôi chỉ cần sờ vào áo của Người thôi là sẽ được cứu” (Mt 9,20). Và đã xảy ra đúng như vậy.

Chúa Giêsu cũng xác nhận cả hai trường hợp được thụ hưởng phép lạ của Chúa là nhờ “đức tin”.

  1. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người

Tin mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chỉ khấn thầm và sờ đến gấu áo Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hằng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của Tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào áo Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa.

Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Đấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: “Đức tin của con đã cứu chữa con”, nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Đức tin và thử thách

Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì ông trưởng hội đường đến bái lạy xin cứu chữa con gái ở nhà. Chúa Giêsu lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà loạn huyết chen vào “phá đám” nên chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông đã chết. Có lẽ lúc này đức tin của ông trưởng hội đường bị đặt trước một thử thách rất lớn, bởi lẽ ra Chúa Giêsu có thể đến sớm hơn để “bệnh nhân không chết nếu bác sĩ Giêsu đến kịp”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã vội trấn an: “Ông đừng sợ, cứ vững tin”. Và vì vững tin mà con gái ông đã được Chúa cho hồi sinh.

Cũng vậy, hành trình đức tin của một Kitô hữu chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bào yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông trưởng hội đường trong Tin mừng hôm nay thì sẽ được cứu độ (Hiền Lâm).

  1. Đức tin và lòng khiêm nhường

Trường hợp ông trưởng hội đường cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Chúa Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa, ông đã quì mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Chúa Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

  1. Truyện: Lòng khiêm nhường của thánh Đaminh

Thánh Đaminh một hôm nói cùng những người đang có mặt trong phòng bệnh của ngài:

- Tôi không hiểu được tại sao Thiên Chúa không khiến lửa trên trời xuống thiêu huỷ cái làng này đi, vì nó chứa chấp một người tội lỗi nhất trong thiên hạ.

Họ nhìn nhau ngơ ngác:

- Phải chi chúng con biết được kẻ tội lỗi ấy là ai, để tìm cách cho họ được cải thiện.

- Người tội lỗi ấy chính là tôi.

- Phải, bởi vì nếu một người tội lỗi nhất trong thiên hạ được ơn Chúa dồi dào như tôi đã được, thì người đó đã nên thánh thiện hơn tôi đây gấp ngàn vạn lần rồi.

Chính vì khiêm nhường có một giá trị to lớn như thế nên các nhà tu đức mới gọi khiêm nhường là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Và có người còn gọi là nhân đức mẹ của các nhân đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Kẻ kiêu ngạo không bao giờ gặp được Chúa.

 

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Các nhà nghiên cứu tại Israel đã theo dõi tình trạng sức khỏe của 3900 người sống trong các hợp tác xã 16 năm trời.

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ chết vì bệnh tim và ung thư của những người có niềm tin tôn giáo thấp hơn 40% so với người không có niềm tin tôn giáo.

Suy niệm

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin mà Đức Giêsu xác nhận. Với người phụ nữ đau khổ góa bụa bệnh băng huyết có lòng tin vững vàng: “Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con” như mỗi lần chữa lành bệnh tật, Ngài thường khẳng định: “Niềm tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34; Lc 8,48; 17,19; 18,42). Ðược lành bệnh, được phục hồi, người được chữa lành không chỉ tìm lại được sức khỏe thể lý nhưng còn có cuộc sống mới trong niềm tin và họ đã tuyên xưng. Còn vị kỳ mục: Con ông đã chết và vì tin nên được Chúa cho sống lại.

Sống đức tin là dám sẵn sàng ra khỏi chính mình để đi theo tiếng gọi của niềm tin, sẵn sàng đi ra khỏi tư tưởng áp đặt đám đông để sống thực cho những đòi hỏi của đức tin. Sống đức tin đích thực là sẵn sàng lội ngược dòng như bà góa vượt qua Lề Luật để gặp, sờ áo Chúa và ông Giairô vượt qua thân phận cao quý mà đến với Đức Kitô.

Chúng ta luôn cần được chữa lành như người phụ nữ mang bệnh tật đến với Đức Giêsu với niềm tin vào Ngài, như người cha Giairô xin Thầy đến bên con gái đang bị bệnh gần chết với niềm tin con ông được sống.

Mỗi giây phút cuộc đời, với tất cả tình trạng của mình, chúng ta hãy chạy đến với Thầy: “Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa” (Tv 131).

Ý lực sống

“Ai tin ở Người thì được sống…” (Ga 3,15).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây