Thứ sáu tuần 16 thường niên.

Thứ năm - 23/07/2020 08:44

Thứ sáu tuần 16 thường niên.

"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả".

 

Lời Chúa: Mt 13, 18-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.

Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.

Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được.

Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

 

Suy Niệm 1: Sinh hoa kết quả

Suy niệm :

Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.

Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản

vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,

bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,

thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.

Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.

“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).

Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.

Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.

Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.

Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).

Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.

Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.

Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.

Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.

Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.

Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.

Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).

Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.

Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.

Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.

Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.

Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,

nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).

Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay (c. 20).

Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.

Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.

Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.

Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,

nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).

Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.

Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.

Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.

Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.

Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).

Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.

Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.

Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.

Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.

Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn

để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng

Chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống

Đã âm thầm chịu nát tan

Để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp

Chúng con được hưởng hôm nay

Là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,

Của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,

Của ông bà, cha mẹ, thầy cô,

Của những người đã nằm xuống

Cho quê hương dân tộc.

Đã có những con người sống như hạt lúa,

Để từ cái chết của họ

Vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người,

Chúng con được làm hạt lúa.

Xin cho chúng con

Đừng tự khép mình trong lớp vỏ

Để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,

Nhưng dám đi ra

Để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.

Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,

Chúng con phải chết cho chính mình.

Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua

Đi từ cõi chết đến nguồn sống,

Đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở

Trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: LỜI BAN SỰ SỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Thiên Chúa là lời quyền năng. Nhưng là lời yêu thương. Yêu thương nên Lời Thiên Chúa luôn ban sự sống cho nhân loại. Từ tạo thiên lập địa, Lời Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài. Cho muôn loài từ hư vô sang hiện hữu. Đặc biệt là sự sống. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Thời Mô-sê vì sự sống của dân Chúa bị đe doạ, bị áp bức, bị tổn thương. Nên Chúa dùng lời Chúa mà giải phóng dân Người. Và trong sa mạc, tại núi Xi-nai Chúa ban Mười Lời, cũng gọi là Mười Điều Răn, để dân Chúa thực hành. Bao lâu dân Chúa thực hành lời Chúa dạy, họ được sống và bình an: “Những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời”. (năm lẻ).

Suốt dọc dài lịch sử, Chúa luôn gửi đến các tiên tri, để thúc giục dân tuân giữ Lời Chúa. Thoạt tiên Lời Chúa được ghi khắc trên hai bia đá, chứa đựng trong Hòm Bia. Nhưng điều Chúa mong muốn là Lời Chúa không chỉ được khắc trên bia đá, nhưng được ghi khắc trong thâm tâm mỗi người. “Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của Đức Chúa nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa”. Bấy giờ Lề Luật được ghi khắc trong lòng. “Mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Giê-ru-sa-lem; chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa”. Khi họ nhập tâm Lời Chúa và hết lòng tuân giữ thì đất nước sẽ phát triển: “Khi các ngươi tăng số và phát triển trong xứ” (năm chẵn).

Chúa liên tục gieo vãi Lời Chúa. Thời cuối cùng Chúa gieo chính Lời Chúa bằng xương bằng thịt. Là Ngôi Lời Thiên Chúa. Là Chúa Giê-su Ki-tô. Người là hạt giống gieo vào lòng đất. Chịu mục nát đi để sinh hoa quả dồi dào. Nhưng loài người thờ ơ với Lời Chúa. Nên Lời Chúa gặp phải đường đi, không bén rễm mọc lên được. Lời Chúa gặp phải đá sỏi cứng lòng cũng không phát triển được. Lời Chúa gặp phải bụi gai dục vọng ham mê đời này nên bị bóp nghẹt. Chỉ một số ít tâm hồn mở lòng đón nhận, lập tức Lời Chúa sinh hoa kết quả. Kết quả lớn nhất là đem lại cho ta sự sống đời đời.

Lời Chúa là yêu thương. Yêu thương nên ban cả Con Một. Để ta được sống. Nhưng ta phải thiết tha sống. Phải mở lòng đón nhận. Phải cày xới tâm hồn. Phải có trái tim mềm mại ngoan ngoãn. Phải diệt trừ ham hố dục vọng trần gian. Lời Chúa mới phát triển. Đem lại cho ta sự sống đời đời.

 

Suy Niệm 3: Tinh thần lạc quan

Sự gieo trồng nào cũng mang niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã đọc được tinh thần lạc quan ấy của nhà nông, cho nên Ngài đã mượn hình ảnh gieo trồng để nói lên mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng xem chừng những hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.

Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cor. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".

Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.

Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại niềm tin và lạc quan hy vọng cho chúng ta. Xin cho Lời Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín rằng những gì chúng ta gieo trong đau thương và nước mắt sẽ được trổ bông chín vàng trong mùa gặt của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Biến đổi tâm hồn

Những lời giải thích của Chúa Giêsu thức tỉnh những đồ đệ của Chúa mọi thời đại. Có bốn thái độ đối với Lời Chúa: thái độ của mảnh đất bên vệ đường, thái độ của mảnh đất sỏi đá, thái độ của mảnh đất có bụi gai, thái độ của mảnh đất tốt đón nhận hạt giống để cho hại giống sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi.

Hôm nay Thiên Chúa vẫn còn gieo vãi hạt giống Ngài xuống trần gian trong nhiều cảnh huống khác nhau. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đến với mỗi người chúng ta trong nhiều hoàn cảnh và Chúa gặp phải nhiều phản ứng khác nhau, Giáo Hội không ngừng mang Lời Chúa đến với con người mọi thời đại, nhưng con người đáp lại như thế nào và chính mỗi người chúng ta đây đáp lại như thế nào?

Thần dữ có thể cám dỗ làm ta lạc hướng; những thử thách, những khó khăn có thể làm ta thối chí ngã lòng; những bận tâm lo lắng chuyện trần tục, những ham muốn hưởng thụ làm cho ta quên mất Chúa và Lời Ngài. Mỗi người chúng ta cần xin Chúa biến đổi tâm hồn trở thành như đất tốt, một tâm hồn khiêm tốn quảng đại sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và yêu mến Lời Chúa. Càng được yêu mến thì Lời Chúa mới trở nên tác động và trở nên hữu hiệu làm cho cuộc sống trở nên những hoa trái tốt.

Lạy Chúa, Ngày hôm nay Chúa vẫn còn nói với mỗi người chúng con, ngày hôm nay Chúa đến với chúng con qua chính Lời Chúa, qua lời rao giảng của Giáo Hội và qua những tiếng kêu cầu trợ giúp của anh chị em. Xin cho chúng con đừng nhắm mắt làm ngơ, đừng bịt tai giả điếc, đừng đóng kín con tim, nhưng khiêm tốn lắng nghe và quảng đại đáp trả.

Lạy Chúa, Này con đây xin hãy phán và con xin lắng nghe.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Người gieo và hạt giống

Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.

Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt. 13, 19-23)

Chúa giảng về dụ ngôn người gieo giống, nhưng hầu như chỉ chú ý đến hạt giống, dẫu rằng người gieo giống ở đây đúng là “Con Người”. Chúa đã giải thích cho biết hạt giống là Lời Chúa; Lời mặc khải những mầu nhiệm “Nước Trời”, khi con người đón nhận và gắn bó với Lời Người, thì lời thiết lập Nước Trời giữa mọi người.

Ta không áp dụng trực tiếp cho chính lời Chúa, nhưng áp dụng cho những người nghe qua hình ảnh những mảnh đất khác nhau mà hạt giống được vãi xuống. Điểm nổi cộm của dụ ngôn là những mảnh đất khác nhau: Người gieo và hạt giống không thay đổi, nhưng đất gieo không cống hiến những thành công như nhau. Tóm lại lời Chúa phải chịu số phận rủi ro, đó mới là đối tượng thực sự của dụ ngôn. Chúa đã chỉ có thể nói giản dị rằng: Hạt giống tốt và người gieo hào phóng; còn anh em, hãy làm phần còn lại là mảnh đất gieo để có chắc được mùa lúa tốt.

Nước Trời.

Vì hay nói và nói quá nhiều về Nước Trời, nên người ta không còn thấy bận tâm về chuyện này nữa. Nước Trời trở thành một sáo ngữ đạo đức, trống rỗng. Thế nhưng, chúng ta hiện là những người có trách nhiệm đối với Nước Trời. một Nước Trời không thuộc thế gian này, điều mà ta hằng nhắc nhở mình, để không làm việc luống công, hoặc không thoái thác công việc, vì Giáo Hội chúng ta là của những người nghèo.

Đúng là khi ta nói về Nước Trời, lời ấy dù vẫn là một mà đã được hiểu một cách rất khác nhau tùy như ta quan niệm này hay ta quan niệm kia, bênh vực cho nhóm này hay nhóm kia mà ta hiểu lời Chúa (Nói) về Nước Trời một cách khác nhau. Điều quan trọng ta cần biết không phải là xem chúng ta hoặc người khác thuộc về nhóm nào, mà là cách ta đón nhận Lời Chúa trong đời sống của ta ra sao.

Lời Chúa cho tất cả mọi người, và mọi người phải sống Lời Chúa.

Cùng một Lời Chúa ấy được nói cho hết thảy mọi người. Lời ấy là sức sống, là tình yêu phải được mọi người đón nhận để mà sống. Khi ta có những thái độ kỳ thị loại trừ, hoặc từ chối gieo lời Chúa trong mảnh đất này hay mảnh đất kia, chúng ta không làm giống như Đức Giêsu là người gieo yêu thương chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng trên cả những mảnh đất sỏi đá gai góc. Làm như vậy là chúng ta không muốn, không để cho Lời Chúa được nảy nở và triển vậy.

J.M

 

Suy Niệm 6: TRỞ NÊN THỬA ĐẤT NÀO CHO HẠT GIỐNG? (Mt 13,18-23)

Xem lại CN 15 TN A

Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy một chân lý nào đó. Tuy nhiên, dụ ngôn người gieo giống hôm nay không những được Đức Giêsu kể, mà chính Ngài còn đích thân giải thích ý nghĩa của nó. Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu nhắm vào trọng tâm các đối tượng trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh các thứ đất và số phận của những hạt giống, để nói lên sứ điệp cho các môn đệ và những người nghe giảng cũng như cho mỗi chúng ta hôm nay.

Hạt giống rơi bên vệ đường, chính là ám chỉ đến những người nghe mà chẳng hiểu, hay dửng dưng với Lời Chúa, hoặc tách biệt Lời Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hạt giống rơi vào sỏi đá là dấu hiệu của một tâm hồn nông nổi, rất vui vẻ, sẵn sàng đón nhận Lời. Nhưng không có chiều sâu nội tâm, nên khi ra khỏi nơi chốn, vị trí hay với thời gian là quên hết, họ không quan tâm lưu giữ và thực hành Lời Chúa.

Hạt rơi vào bụi gai chính là những người có quan tâm đến Lời Chúa. Nhưng họ đã để cho sự đời chèn ép, chiếm thế. Nền kinh tế thị trường đã làm cho họ không còn chú trọng đến Lời Chúa, vì Lời Chúa làm cho họ phải đi ngược dòng với con người và xã hội.

Cuối cùng là hạt rơi vào đất tốt. Ấy là những người có lựa chọn ưu tiên cho Lời Chúa chiếm vị trí quan trọng trong mọi chiều kích của cuộc đời họ. Họ để cho Lời Chúa trở thành kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành vi, vì thế, hệ quả chính là được một vụ mùa bội thu...

Mong sao, Lời Chúa hôm nay là dịp để chúng ta xác định lại chiều kích sống đạo của mình, nhằm hiệu chỉnh trong cuộc sống. Đừng vì hình thức, vụ luật như hạt rơi bên vệ đường. Hay hời hợt, giỗng tuếch như hạt rơi vào sỏi đá. Hoặc đừng để những lợi lộc trần gian, ăn chơi trác táng mà quên phần thưởng Nước Trời như hạt rơi vào bụi gai. Nhưng hãy như thửa đất tốt để Lời Chúa trở nên phong phú và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM

Trong bài Tin Mừng của ngày thứ tư thường niên, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13, 1-9). Vì thế, ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng nghe lời giải thích của Người.

 1. Dụ ngôn đầu tiên

Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn, nhưng dụ ngôn “Người Gieo Giống” là dụ ngôn đầu tiên. Vì thế, dụ ngôn này có tầm quan trọng đặc biệt; thực vậy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (Mc 4, 13).

Có thể nói, đây là “dụ ngôn mẹ” nói cho chúng ta về “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”; đó là:

  • Mầu nhiệm sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi ra khỏi chính mình để sáng tạo và Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời (St 1 và Ga 1, 3).
  • Mầu nhiệm cứu độ, bởi vì dụ ngôn nói đến tội lỗi và Sự Dữ làm cản trở Lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả. Như chính Đức Giê-su giải thích trong bài Tin Mừng hôm nay.
  • Mầu nhiệm nhập thể, bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đích thân đến với thế giới loài người chúng ta để ban Lời hằng sống của Thiên Chúa.
  • Và về mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, bởi vì Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, gieo lời và gieo luôn chính mình, như tấm bánh trong bí tích Thánh Thể và như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.

 2. “Người Gieo Giống”

Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông.

Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô);

Và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Trong dụ ngôn, có bốn trường hợp: trường hợp đầu là mất trắng, vì hạt giống rơi xuống vệ đường, nên những con chim đến ăn mất hạt giống; trường hợp sau, hạt giống rơi trên sỏi đá, khá hơn một chút: hạt giống mọc lên ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hiểu hiện tượng thiên nhiên này ở bình diện thiêng liêng:

Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (c. 19-22)

Chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, nhưng chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả?

Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình cách  quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.

Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.

3. “Kẻ nghe Lời và hiểu”

Trong lời giải thích của Người, Đức Giê-su đặc biệt nói hoa trái của việc hiểu Lời Chúa, và nhờ đó, hiểu biết và yêu mến chính Chúa:

Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (c. 23)

Có những loại hiểu biết không dẫn đến lòng mến. (1) Bởi vì, thực ra đó chỉ là những cái biết thuộc bình diện “thời sự”, chứ không hiểu được cách Chúa hiện diện, hành động và dẫn đưa tới hoàn tất; đó là cái biết của hai môn đệ trên đường Emmau. (2) Hoặc bởi vì, sự hiểu biết này chỉ là kiến thức, tài liệu, những lý thuyết khách quan về ngôi vị, thay vì là sự hiểu biết đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ và lắng nghe trực tiếp ngôi vị (giống như đọc sách về trái xoài và kinh nghiệm ăn trái xoài). (3) Hoặc bởi vì, đó là sự hiểu biết phê bình, lệch lạc và nông cạn, khởi đi từ sự nghi ngờ, dò xét, thiếu tin tưởng.

Yêu mến mà không có hiểu biết sâu xa, thì đó mới chỉ là một chuyển động nội tâm cùng với những cảm xúc; như chúng ta có kinh nghiệm, cảm xúc, dù quan trọng và đáng trân trọng, nhưng không bền vững và nhất là không thể thông truyền cách trực tiếp. Chính vì thế, phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa theo sư phạm Linh Thao của thánh I-nha-xiô luôn nhấn mạnh đển nỗ lực hiểu, như chính Đức Giê-su đã luôn nhấn mạnh: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23).

Nhưng hiểu ở đây không chỉ là kiến thức hay lí luận, nhưng là nỗ lực của con người trọn vẹn, để đụng chạm được Ngôi Lời, và để cho Ngôi Lời đụng chạm được chúng ta ở chiều sâu, ngang qua việc tìm ra những kết nối (com-prendre, động từ hiểu trong Tiếng Pháp) và khám phá ra những điều dấu ấn (to under-stand, động từ hiểu trong Tiếng Anh) liên quan đến kế hoạch cứu độ và đến chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa. Đó là sự hiểu biết mang lại cho chúng ta ơn “an ủi thiêng liêng”, vốn đã làm cho con tim của hai môn đệ trên đường Emmau bừng cháy (x. Lc 24, 13-35).

Chúng ta hãy xin Chúa dùng tình yêu của thánh Phaolô dành cho Chúa để làm bùng cháy lòng khao khát hiểu biết và yêu mến Chúa của chúng ta.

Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ai lắng nghe lời và hiểu được nó – SN song ngữ ngày 24.7.2020

 

Friday (July 24): “Whoever hears the word and understands it”

Scripture:  Matthew 13:18-23  

18 “Hear then the parable of the sower. 19 When anyone hears the word of the kingdom and does not understand it, the evil one comes and snatches away what is sown in his heart; this is what was sown along the path. 20 As for what was sown on rocky ground, this is he who hears the word and immediately receives it with joy; 21 yet he has no root in himself but endures for a while, and when tribulation or persecution arises on account of the word, immediately he falls away. 22 As for what was sown among thorns, this is he who hears the word, but the cares of the world and the delight in riches choke the word, and it proves unfruitful. 23 As for what was sown on good soil, this is he who hears the word and understands it; he indeed bears fruit, and yields, in one case a hundredfold, in another sixty, and in another thirty.”

Thứ Sáu     24-7              Ai lắng nghe lời và hiểu được nó

 

Mt 13,18-23

18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

 

Meditation: 

How good are you at listening, especially for the word of God? God is ever ready to speak to each of us and to give us the understanding of his word.  This parable of Jesus is a warning to those who hear and who preach the word of God. What makes us ineffective and unresponsive to God’s word? Preoccupation with other things can distract us from what is truly important and worthwhile. And letting our hearts and minds be consumed with material things can easily weigh us down and draw us away from the treasure that lasts for eternity.

Allowing God’s word to take root in our heart 

God’s word can only take root in a receptive heart which is docile and ready to hear what God has to say. One lesson is clear: the harvest is sure. While some seed will fall by the wayside and some fall on the shallow ground and never come to maturity, and some be choked to death by the thorns; nonetheless a harvest will come. The seed that falls on good soil, on the heart that is receptive, will reap the abundant fruit. Are you teachable and eager to learn God’s truth? And do you allow anything to keep you from submitting to God’s word with joy and trusting obedience?

“Lord Jesus, help me to guard the word you have planted in my heart that no doubt or temptation may keep me from believing and obeying you. May I be fruitful in your service and may I never fear to speak of you to others and to share with them the good news of the Gospel.”

 

Suy niệm:

Bạn chăm chú lắng nghe, đặc biệt đối với lời Chúa như thế nào? Thiên Chúa luôn sẵn sàng nói với mỗi người chúng ta và ban cho chúng ta được hiểu lời Người. Dụ ngôn của Đức Giêsu là lời cảnh báo cho những ai lắng nghe và rao giảng lời Chúa. Điều gì khiến chúng ta vô tâm và lãnh đạm với lời của Chúa? Sự bận tâm với những điều khác có thể khiến chúng ta ra sao lãng với những gì thật sự quan trọng và đáng giá. Và việc để cho lòng trí chúng ta bị dính bén với những thứ vật chất có thể dễ dàng đè bẹp chúng ta xuống, và kéo chúng ta xa cách kho báu tồn tại mãi mãi.

Hãy để lời Chúa bén rễ trong lòng bạn

Lời Chúa chỉ có thể bén rễ trong tâm hồn biết ngoan ngoãn và sẵn sàng lắng nghe những gì Chúa nói. Một bài học rất rõ ràng: mùa gặt chắc chắn sẽ tới. Trong khi một số hạt giống rơi trên vệ đường, một số rơi trên đất cạn sẽ không bao giờ đi đến mức trưởng thành, và một số bị bụi gai làm ngạt chết; tuy nhiên mùa gặt sẽ đến. Còn hạt rơi trên đất tốt, trên tâm hồn biết đón nhận, sẽ sinh hoa kết trái dồi dào. Bạn có dễ dạy và hăng hái học hỏi chân lý của Thiên Chúa không? Và bạn có cho phép bất cứ điều gì ngăn cản mình suy phục lời Chúa với niềm vui và sự vâng phục tin tưởng không?

Lạy Chúa, xin giúp con đề phòng lời mà Chúa đã gieo trồng trong lòng con khỏi sự nghi ngờ hay sự cám dỗ có thể ngăn cản con không tin tưởng và vâng phục Chúa. Chớ gì con sinh hoa kết trái trong sự phục vụ của Chúa, và chớ gì con không bao giờ sợ hãi nói về Chúa cho người khác và chia sẻ với họ về Tin mừng.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây