Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xin ơn thánh hoá các linh mục

Thứ năm - 27/06/2019 04:15

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Lễ TRỌNG.

Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục.

"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".

 

 

Lời Chúa: Lc 15, 3-7

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Tình yêu

Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời năm 1912, chiếc tàu khổng lồ mang tên là Titanic được hạ thủy và khởi hành sang Mỹ. Trong chuyến đi đầu tiên này, chiếc tàu ấy chẳng may đụng phải băng sơn, khiến cho nước ùa tràn vào và con tàu bị chìm dần dưới lòng đại dương.

Hành khách hoảng hốt tìm cách cứu thoát lấy mình và những người thân yêu trên những chiếc thuyền cứu cấp. Giữa cảnh kinh hoàng ấy, bỗng người ta nghe thấy một giọng hát vang lên:

- Gần bên Chúa, linh hồn con sướng vui.

Với chúng ta cũng vậy, giữa lòng cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau và thử thách, nếu chúng ta biết suy nghĩ về tình thương của Chúa và nhất là nếu chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Thánh Tâm Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui mừng và hạnh phúc.

Có lẽ không một lời nói nào của Chúa làm cho chúng ta xúc động bằng lời nói đầy yêu thương sau đây:

- Này con, con hãy dâng lòng con cho Cha.

Khi nghe đọc những lời này, chúng ta dường như cảm thấy Chúa đang gõ cửa, đang dang tay van xin chút tình yêu thương của chúng ta.

Thực vậy, Ngài không phải chỉ van xin bằng lời nói, mà Ngài còn thực hiện sự van xin ấy bằng những việc làm cụ thể. Máng cỏ, Thập Giá và Thánh Thể đã chẳng phải là những bằng chứng hùng hồn nhất của một tình yêu điên khùng và mạnh mẽ đó sao?

Đúng thế, mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh, khi quì bên máng cỏ, chúng ta không bồi hồi xúc động sao được. Hài nhi Giêsu nằm trên lớp cỏ rơm, không nói với chúng ta bằng ngôn từ, nhưng nói với chúng ta bằng việc làm, bằng chứng tích cụ thể của tình yêu:

- Con thấy không Cha đã yêu thương con biết bao, chính vì yêu con mà Cha đã đi con đường dài nhất, con đường từ trời xuống đất. Cha đã đến trong thế gian, chỉ vì yêu thương con mà thôi.

Rồi trong những phút giây thinh lặng ấy, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thập Giá và tự hỏi:

- Ai đã chịu treo trên đó?

- Con Thiên Chúa.

- Tại sao Ngài lại chấp nhận một cái chết tủi nhục và đớn đau như thế?

- Chỉ vì yêu thương chúng ta mà thôi.

Thực vậy, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống nghèo túng và cực nhọc. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu đánh đòn, chịu đội mạo gai và sau cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu lưỡi đòng đâm qua trái tim.

Suy nghĩ về cực hình Thập Giá, chúng ta phải kêu lên như thánh Phaolô:

- Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.

Sau cùng, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã biết về hình ảnh người mục tử nhân lành. Đúng thế, người mục tử nhân lành dẫn đàn chiên tới đồng cỏ xanh và tới dòng suối mát. Người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói rừng. Và khi chiều xuống, người mục tử nhân lành đưa đàn chiên về chuồng để nghỉ qua đêm.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ về bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta còn trở vượt hơn tình yêu của người mục tử nhân lành rất nhiều.

Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thấy được những gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu trao ban chính bản thân Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Cả Mình với Máu thánh. Cả thân xác với linh hồn. Cả bản tính nhân loại với bản tính Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta đừng đáp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Và sau cùng, tước tình yêu thương vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời nguyện cầu chân thành:

- Lạy Chúa, xin cho con biết làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa.

 

SUY NIỆM 2: Nền văn minh tình thương – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tiến bộ. Trong vòng vài thập niên, khoa học kỹ thuật tiến nhanh tới mức không ngờ. Đời sống vật chất của con người được nâng cao rất nhiều. Nhà cao cửa rộng hơn. Ăn uống đầy đủ hơn. Có nhiều tiện nghi hơn. Có nhiều tiền bạc của cải hơn. Tuy nhiên con người vẫn không thấy hạnh phúc. Cuộc sống tiến bộ hơn nhưng lại làm con người cảm thấy mệt mỏi hơn. Cuộc sống trở nên như gánh nặng.

Cuộc sống trở nên một gánh nặng vì con người quá vất vả. Chưa bao giờ cuộc sống đầy đủ như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ cuộc sống lại vất vả như hôm nay. Phải lo âu tính toán nhiều hơn. Phải bươn chải chạy vạy nhiều hơn. Phải cạnh tranh nhiều hơn. Chính vì thế mà phát sinh nhiều bệnh mới. “Stresss” là căn bệnh điển hình của thời đại. Hưởng thụ như một ảnh ảo, càng đuổi theo lại càng lùi xa.

Cuộc sống trở nên một gánh nặng vì con người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chưa bao giờ người ta giàu có như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ người ta chán sống như hôm nay. Số người tự tử tăng một cách đáng sợ. Bi thảm là những người tự tử thường trẻ tuổi. Và những người chán sống lại là những người dư thừa vật chất.

Đứng trước những lo âu vất vả của con người. Chúa chạnh lòng thương, bày tỏ Trái Tim Chúa như phương thuốc chữa trị. Và Chúa ân đưa ra hai lời mời gọi.

Lời mời gọi thứ nhất: Hãy trở về với Trái Tim Chúa: “Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho ngươi”. Con người được tạo dựng do tình yêu thương của Thiên Chúa. Nguồn gốc, con người lạc hướng, đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Muốn tìm lại ý nghĩa đời mình, phải quay về nguồn cội, nơi mình được phát sinh ra. Càng xa Chúa, càng khắc khoải băn khoăn. Càng về gần Chúa, càng bình an thư thái. Thánh Augustinô đã cảm nghiệm được chân lý này. Khi còn trẻ, Ngài đã tìm kiếm hạnh phúc qua hưởng thụ. Nhưng càng tìm kiếm càng thấy trống rỗng. Càng hưởng thụ càng thấy chán ngán. Sau cùng được ơn ăn năn trở lại, gặp được Chúa, ngài đã thốt lên một câu bất hủ: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con cho Chúa. Nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Từ đó ngài tiến bước trong tình yêu Chúa, được rửa tội, dâng mình cho Chúa, làm linh mục, làm giám mục, và làm thánh. Ngài đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Lời mời gọi thứ hai: Hãy học với Trái tim Chúa: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hầu hết những xung đột trên thế giới đều phát xuất từ tính kiêu căng và lòng độc ác. Vì kiêu căng nên hay tự ái, cạnh tranh với người khác. Vì độc ác nên tàn nhẫn chà đạp người khác. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Người trở nên kẻ thù của người. Vì thế tâm hồn con người không lúc nào nghỉ yên. Muốn được bình an thư thái phải học nơi Trái Tim Chúa sự hiền lành và khiêm nhường. Người hiền lành khiêm nhường chiến đấu với chính mình chứ không chiến đấu với người khác. Người hiền lành khiêm nhường quên mình vì người khác chứ không quên người khác vì mình. Khi biết quên mình để nghĩ đến người khác, ta góp phần xây dựng hoà bình trên thế giới. Khi biết chiến đấu để thắng được chính mình, ta được bình an trong tâm hồn. Khi sống hiền lành khiêm nhường như thế ta xây dựng một nền văn minh mới. Không phải nền văn minh khoa học kỹ thuật mà là nền văn minh của trái tim. Không phải nền văn minh gây ra chán nản mệt mỏi, nhưng là nền văn minh đem hạnh phúc an vui. Đó chính là nền văn minh tình thương. Nền văn minh ấy ta chỉ xây dựng được trong Trái Tim Chúa.

Trong tháng sáu kinh Thánh Tâm Chúa, ta hãy siêng năng đến với Thánh Tâm Chúa, để tìm được ý nghĩa cuộc đời và để được Chúa dạy bảo ta con đường hiền lành khiêm nhường. Đó chính là con đường đưa ta đến sự thật và sự sống.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1- Lễ Thánh Tâm, Chúa Giêsu mời gọi bạn làm gì?

2- Hiền lành và khiêm nhường có quan trọng không? Bạn đã từng thực hành hiền lành và khiêm nhường nơi nào?

Sứ điệp của lễ Thánh Tâm có cần thiết cho thế giới hôm nay không?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Thánh Tâm Chúa Giêsu

Như chúng ta đã biết vào chiều Thứ sáu Tuần Thánh, trên đỉnh đồi Canvê, có một người lính lấy lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn, trúng trái tim Chúa Giêsu, tức thì máu cùng nước chảy ra.

Tương truyền rằng kẻ đâm ngọn giáo ấy tên là Longinô. Anh đã được biết Chúa và trở lại cùng Chúa. Khi chết đi, anh được chôn cất tại Pháp và trên phần mộ của anh còn ghi những chữ như sau:

- Đây là nơi an nghỉ của Longinô, người đã đâm cây đòng vào cạnh sườn Đấng Cứu thế.

Chúa Giêsu đã đổ máu không phải riêng gì do lưỡi đòng của người lính này. Thực ra, cả nhân loại đã đứng lên giết Chúa. Trong đó có chính bản thân chúng ta nữa.

Tuy nhiên, cái chết của Chúa không phải là một vụ thảm sát, nhưng là một cuộc cách mạng. Cái chết của Chúa không phải là một sự thất bại, nhưng là một thành công to lớn, bởi vì máu Chúa đem lại sự sống, như hạt lúa phải mục nát để mầm sống xanh tươi được vươn lên.

Máu Chúa đem lại ơn tha thứ, như giòng nước tinh tuyền gột sạch tâm hồn chúng ta, đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.

Nếu như tâm hồn chúng ta đang thất vọng chán nản vì tội lụy, nếu như tâm hồn chúng ta đang mang những vết thương cuộc đời, thì chúng ta hãy chạy đến với Chúa, để Người chăm sóc và băng bó, để Ngài chuyền máu mà cứu chữa. Bởi vì chỉ trong Người chúng ta mới biết được sống thực là gì.

Tiếp đến, chúng ta hãy nhìn vào trái tim Chúa để cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chảy sang tâm hồn chúng ta và để trái tim chúng ta có chung một nhịp đập với trái tim Chúa.

Thực vậy, dù là ai chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được chia sẻ với trái tim Chúa, chúng ta vẫn được nghe nhịp đập của trái tim Chúa thổn thức như Gioan thuở trước. Nhân loại ngày nay đang cố gắng thay tim và ghép tim. Chúng ta cũng hãy đến với Chúa để Ngài đổi cho chúng ta một trái tim mới.

Đúng thế, có khi con tim chúng ta đã già nua và bệnh hoạn, trong khi tuổi đời vẫn còn trẻ. Có khi con tim của chúng ta đã bị chia năm xẻ bảy, trong đó Thiên Chúa chưa chắc đã có lấy được một phần nhỏ nhoi. Có khi con tim của chúng ta đã mệt mỏi và trở nên băng giá, không còn hăng hái nhiệt thành như thuở chúng ta mới biết Chúa và yêu Chúa. Có khi con tim của chúng ta đã ngoại tình, đã lang chạ, nghĩa là không còn trung thành với Chúa, trái lại đã xé rào để chạy theo những thần tượng giả dối như tiền tài, lạc thú và danh vọng.

Hãy hồi tâm, xét mình và kiểm điểm lại đời sống để xem tình trạng con tim mình như thế nào. Bởi vì không ai muốn mang lấy một trái tim bệnh hoạn, không ai muốn chấp nhận một trái tim bị chia xẻ.

Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa là Đấng hay ghen, cho nên Ngài càng không thể chấp nhận bệnh hoạn, chia sẻ và chai đá. Ngài chỉ bằng lòng cư ngụ trong một trái tim trong sạch, và hoàn toàn trống không.

Tất cả những danh vọng, của cải và lạc thú phải được qua một bên để dành chỗ ưu tiên số một cho Chúa. Hãy dâng lên Chúa trái tim nhỏ bé của chúng ta, cùng với một tình yêu trọn vẹn, không chia năm xẻ bảy, để cuộc đời chúng ta được thuộc hẳn về Chúa.

 

SUY NIỆM 4: Trái Tim bốc lửa

Hình ảnh Trái tim Chúa Giêsu bốc lửa đỏ rực giữa trước ngực, nổi bật lên tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”.

Dấu chỉ tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa thể hiện rõ nơi tình mẹ con. Loài nào sinh con ra, mẹ cũng biết âu yếm, ấp ủ, nuôi dưỡng bảo vệ con. Đó là bản năng tự nhiên do Thiên Chúa ban phát cho chúng. Loài càng khôn càng tỏ ra yêu con hơn. Tình yêu như vậy là hướng về sự sinh tồn. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho tình yêu muôn loài được sinh tồn. Do đó phải hướng về Thiên Chúa thì mới được sinh tồn. Nhưng Thiên Chúa cho con người có tự do, nên con người lạm dụng tình yêu về những đối tượng bất chính.

Để phân biệt rõ rệt đâu là tình yêu của Thiên Chúa, đâu là tình yêu bất chính, lời Chúa hôm nay đã nêu ra hai tiêu chuẩn:

Tiêu chuẩn thứ nhất: Tình yêu bởi Thiên Chúa là tình yêu hiệp thông và thăng tiến những đối tượng không mấy hấp dẫn như những kẻ bé mọn và tội lỗi.

Bài đọc I nói Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, thánh hiến và gắn bó với một dân tộc thiểu số, một dân nô lệ.

Bài đọc II cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì chúng ta tội lỗi.

Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu đã “cảm tạ Cha là Chúa tể trời đất” lại yêu thương mặc khải cho những kẻ bé mọn”. Chúa Giêsu dù là Con Chúa Cha và đã được Chúa Cha ban toàn quyền trên mọi sự, lại đánh bạn với những kẻ lao động vất vả, những phu khuân vác cực khổ, những người gồng gánh, bán rong nặng nề. Người kêu gọi họ đến hiệp thông với Người trong tình nghĩa êm ái, dịu dàng, trong trái tim hiền lành và khiêm nhu của Người.

Tiêu chuẩn thứ hai: Tình yêu bởi Thiên Chúa là tình yêu hy sinh cứu độ. Hy sinh của Thiên Chúa là giữ lời giao ước, lời tuyên thệ trung tín và tín nghĩa với một dân thiểu số. Thiên Chúa đã hy sinh hạ mình xuống ngang hàng với kẻ nhỏ bé nô lệ để thề ước với họ, phải hy sinh giữ tín trung với hạng người hay phản bội, phải ra tay làm việc nghĩa cứu họ khỏi tiêu diệt. Thiên Chúa phải hy sinh mặc khải cho kẻ bé mọn. Những kẻ khôn ngoan thông thái còn mù tịt về Thiên Chúa, thì làm sao những kẻ hèn mọn, dốt nát, ngu độn hiểu biết được Thiên Chúa cao siêu, huyền diệu? Thật là một công trình khó khăn như múc nước đại dương đổ vào lỗ cáy. Thế mà Thiên Chúa vẫn nhẫn nại chịu đựng làm một việc khó khăn đó.

Tình yêu hy sinh cứu độ của Thiên Chúa vô cùng lớn lao hơn nữa là đã sai Con Một đến nâng đỡ kẻ gánh vác nặng nề, bổ sức cho kẻ lao đao vất vả, làm cho cuộc đời họ trở nên êm ái, nhẹ nhàng. Tột đỉnh của tình yêu hy sinh đó là: “Con của Người đã hy sinh chịu chết làm của lễ đền tội vì tội lỗi của chúng ta”. (Ga. 4, 10).

Suy gẫm tình yêu tuyệt vời đó, thánh Phaolô đã đưa ra một so sánh cụ thể cho ta thấy rõ Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may mới có kẻ chết vì một người lương thiện. Không có ai chết cho kẻ tội lỗi, thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, là những kẻ tội lỗi” (Rm. 5, 7-8).

Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa mới có thể hy sinh cùng cực như vậy. Những thứ tình yêu khác chỉ bắt nguồn từ:

Tình dục:

“Còn duyên kẻ đón người đưa

Hết duyên vắng ngắt như Chùa Bà Đanh”

“Còn duyên anh cưới ba heo

Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”

Từ tiền bạc, danh vọng:

“Thế gian chuộng của, chuộng công

Nào ai có chuộng người không bao giờ”

“Có ăn thiếp ở cùng chàng

Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui”

“Còn tiền kẻ rước người đưa

Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa”

Đó là những thứ tình yêu bất chính, bất chính với Thiên Chúa và bất chính với cả con tim của họ.

Ai cũng cho rằng: trái tim chân chính là nơi phát xuất tình yêu, một thứ tình yêu hiệp thông và rung cảm, một thứ tình yêu hy sinh giải thoát sự chết.

Nhiệm vụ của con tim là phân phát dòng máu đỏ, dòng máu sống đi khắp cơ thể, cho tới kẽ tóc chân tơ, tới nơi bé nhỏ nhất trong cơ thể, con tim còn như cây đàn rung lên bảy nốt nhạc: Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ tạo nên những âm thanh thông cảm với lòng người trong những khi gặp vui buồn, sướng khổ, giận hờn, yêu ghét, lo sợ, hồi hộp. Đó không phải là thứ tình yêu hiệp thông sự sống, chia sẻ tâm tình làm cho cuộc sống trở nên êm ái nhẹ nhàng đó sao?

Con tim còn là nơi thu hồi dòng máu đen, dòng máu lạnh của sự chết để cứu mọi chi thể khỏi chết đó sao?

Con tim xứng đáng là một hình ảnh của Đấng Cứu độ yêu thương để ban phát sự sống, hy sinh để lãnh lấy sự chết.

Lạy Chúa là nguồn yêu thương vô tận, Chúa đã tác tạo nên những trái tim nhỏ bé đang yêu thương chúng con, đã ban Thánh tâm Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu đến yêu thương chúng con hơn chính mạng sống của Người, xin cho mỗi người chúng con biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con. Đó là hạnh phúc lớn nhất của chúng con mà văn hào Shakespeare đã cảm nghiệm rằng: “Yêu và được yêu là niềm hạnh phúc nhất trên đời”. “To love and to be loved is the happiest thing in the world”.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ – Lm VIKINI)

 

SUY NIỆM 5: Ðỉnh cao của tình yêu thương – Lm Trần Ngà

Một người mẹ bị chứng đau tim nặng và bác sĩ khuyến cáo rằng nếu bà không được giải phẩu thay tim ngay thì ngày sống còn lại của bà chỉ được đếm trên mấy đầu ngón tay. Thế rồi người ta đề nghị một trong các con của bà hiến tim cho mẹ để cứu lấy sinh mạng của bà.

Khi người anh cả được mời gọi hiến tim cho mẹ, thì dù rất thương mẹ, anh ta cũng lắc đầu từ chối với lý do: anh là con trai trưởng, là rường cột của gia đình, anh cần sống để chăm sóc đàn em, để trông coi nhà từ đường, để nối dõi tông đường, vân vân. Anh đề nghị đứa em gái nên hiến tim cho mẹ thì hợp lý hơn, vì theo anh nghĩ: tim người phụ nữ có lẽ thích hợp cho người phụ nữ hơn!

Ðứa em gái nghe vậy giẫy nẩy lên và quyết liệt từ chối với lý do cô là con gái duy nhất trong nhà và gia đình nào cũng cần có bàn tay người phụ nữ trông nom sắp xếp mới gọn gàng trật tự. Thiếu cô thì lấy ai đi chợ nấu ăn; thiếu cô thì lấy ai quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần cũng như đảm đang nhiều việc nội trợ rất quan trọng khác... Vậy cô cần phải sống. Có lẽ đứa em trai út vốn hay lêu lỏng chơi bời, là người vô tích sự, chịu hiến tim chết thay cho mẹ thì phải lẽ hơn...

Ðến lượt mình, đứa em nầy cũng viện lý do là nó mới chỉ mười sáu tuổi tròn, chưa hưởng đời được bao nhiêu, lẽ nào lại từ giã cuộc đời quá sớm! Anh Hai hoặc Chị Ba đã hưởng được nhiều vui thú trên đời hơn nó cả chục năm rồi, nếu có phải giã từ đời nầy trước đứa em út, thì cũng không có gì để ân hận... Thôi, Anh Hai hoặc Chị Ba vui lòng hiến tim cho mẹ thì phải lẽ hơn.

Thế là, dù yêu thương mẹ vô vàn, nhưng không người con nào yêu đến nỗi dám hiến tặng trái tim cho người mẹ yêu quý của mình.

Thế nhưng có một Ðấng vô cùng cao cả và đầy quyền năng, không những đã hiến ban Trái Tim mà còn toàn cả thân xác và mạng sống của Người để cứu độ chúng ta. Ðó là Ngôi Hai Thiên Chúa. Người đã hạ mình xuống thế, mang lấy tội lỗi chúng ta và chết thay cho chúng ta.

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (I Phêrô 2, 24)

Trước mặt Thiên Chúa toàn năng tốt lành cao cả thì loài người chúng ta chỉ là sâu bọ, chỉ là cỏ rác, cát bụi thấp hèn, thế mà Chúa Giêsu, là Chúa Tể càn khôn, là Vua của muôn vua, là Ðấng quyền năng và vô cùng cao cả đã vui lòng hiến ban thân xác và mạng sống cho loài người thấp hèn tội lỗi chúng ta.

Thật là điều nhiệm mầu của tình yêu mà trí khôn loài người không hiểu thấu được.

* * *

Trên thập giá, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta không những Trái Tim bị đâm thủng mà còn cả sinh mạng của Người với trọn vẹn tình yêu và lòng tha thứ vô biên.

Từ đó, Thập giá Chúa Giêsu trở thành biểu tượng cao nhất của tình yêu.

Nơi đây vang lên sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3, 16)

Nơi đây cũng vọng lên sứ điệp yêu thương của Chúa Con: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho bạn hữu mình.” (Gioan 15, 13)

Yêu thương đến nỗi hiến thân chịu chết cho người khác quả là một tình yêu hết sức cao vời và đó là tột đỉnh của tình yêu.

* * *

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không tôn thờ hình ảnh trái tim rỉ máu của Chúa Giêsu nhưng tôn thờ Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa mà Thánh Tâm là biểu tượng.

Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học yêu thương cơ bản: yêu thương không phải là chiếm đoạt nhưng là trao ban.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một mình.” (Gioan 3, 16)

“Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho người mình yêu.” (Gioan 15, 13)

 

SUY NIỆM 6: Sống Lời Chúa – Lòng Chúa nhân từ

Qua Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã giảng dạy cho mọi người và nhất là Ngài đã niềm nở tiếp đón những kẻ thu thuế và tội lỗi, ghé thăm và dùng bữa tại nhà họ. Đó là điều khiến cho bọn biệt phái và luật sĩ, vốn tự hào là những người đạo đức và trung thành tuân giữ lề luật, không thể nào chịu đựng nổi. Họ đã thì thầm bàn tán cùng nhau :

- Nếu ông ta là một vị tiên tri, hẳn phải biết những kẻ ấy là hạng người nào. Hay ông ta chỉ là một kẻ mị dân, một tên quyến rũ, một phường vô lại mà thôi.

Để dạy cho những kẻ đạo đức giả, như bọn biệt phái và luật sĩ, một bài học  về lòng Chúa xót thương, Ngài đã kể cho họ nghe mẩu chuyện về người mục tử nhân lành, lang thang đi tìm con chiên lạc. Và khi đã thấy được, người ấy đã vác nó trên vài mà mang về nhà, rồi loan báo tin vui cho bè bạn.

Hay mẩu chuyện người đàn bà đốt đèn tìm kiến đồng bạc đánh rơi. Và khi tìm thấy, người ấy đã mời chị em lối xóm đến để chia vui với mình.

Và nhất là với hình ảnh người cha già mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về, để rồi sẽ tha thứ tức khắc và tha thứ tất cả cho cậu.

Từ những mẩu chuyện trên, Chúa Giêsu đã đi tới một kết luận. Và chính kết luận này đã làm cho chúng ta cảm thấy được an ủi, khích lệ và thấm thía :

- Ta nói thật với các ngươi : các thiên thần ở trên trời sẽ vui mừng hân hoan vì một kẻ tội lỗi sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần ăn năn.

Những hình ảnh và những so sánh này đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn, giúp chúng ta hiểu được niềm vui khi một kẻ tội lỗi chổi dậy, từ bỏ con đường tăm tối mà trỡ về cùng Chúa, đồng thời thắp lên trong chúng ta ngọn lửa hy vọng, giúp chúng ta hiều được lòng Chúa xót thương đối với những kẻ lầm đường lạc lối.

Đức Kitô không phải chỉ giảng dạy, mà hơn thế nữa Ngài còn thực hiện những gì mình đã giảng và đã dạy. Nơi Ngài, ngôn hành hợp nhất, lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Thực vậy, Ngài đã cải tạo trái tim của Madalêna, người thiếu phụ tội lỗi. Ngài đã tha thứ và để cho người đàn bà ngoại tình được ra về bình an. Ngài đã làm cho người thiếu phụ Samaria xúc động trước tấm lòng khoan dung. Ngài đã đổi đời cho ông Giakêu, một nhân viên thu thuế, vốn bị người Do Thái đồng hóa với phường tội lỗi. Ngài đã hứa thiên đàng cho tên trộm lành trên thập giá : ngày hôm nay, ngươi sẽ ở nơi vui vẻ cùng Ta. Ngài đã đặt Phêrô làm đầu Giáo hội, dù ông đã chối Ngài ba lần. Nỗi khổ đau của con người thì cùng cực, những tình thương của Chúa lại vô biên.

Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã đi theo dấu chân của Chúa, không ngừng tím kiếm những con chiên lạc, cũng như tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Chẳng hạn cha thánh Vianney đã chấp nhận mọi mệt mỏi, ngồi vào tòa giải tội nhiều giờ  mỗi ngày để xoa dịu những tâm hồn tan nát vì tội lỗi. Thánh nhân thường nói :

- Thật là vui mừng nếu như có được những con cá lớn trong mẻ lưới của tôi.

Những con cá lớn mà Ngài ám chí, đó chính là những kẻ tội lỗi..

Chẳng hạn cha Chevrier đã nói :

- Linh mục là người bị ăn.

Và rồi cha đã vui vẻ tiếp nhận những thanh thiếu niên lầm lỡ, đã bị xã hội ruồng bỏ, dẫn họ bước vào một cuộc sống tốt lành và đạo đức.

Gần chúng ta hơn, có những dòng tu, như Dòng Chúa chiên lành ở Vĩnh Long, đã mở rộng cánh cửa tiếp đón và nâng đỡ những chị em đĩ điếm, giúp họ làm lại cuộc đời. Hay như dòng Don Bosco, chuyên môn giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những trẻ em bụi đời, để họ tìm thấy hướng đi cho cuộc sống của mình.

Phải chăng đó là những phản ảnh, những tiếng vọng cho tình Chúa xót thương ? Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh đi hai thái độ.

Thái độ thứ nhất đó là cậy trông mù quáng. Những người này chủ trương cứ việc hưởng thụ, cứ việc vui chơi và chỉ cần ăn năn vào một vài giây phút cuối cùng và rồi Chúa sẽ mở rộng cửa thiên đàng đón nhận. Lý luận như thế là một sự xúc phạm, một sự chế nhạo và coi thường lòng thương xót của Chúa. Đây không phải là con đường dẫn tới thiên đàng, mà là con đường dẫn tới hỏa ngục, bởi vì Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, nhưng đồng thời còn là Đấng công bằng và ngay thẳng vô cùng.

Thái độ thứ hai đó là mất lòng cậy trông. Dù có sai lỗi và vấp phạm, thì cũng đừng bao giờ tuyệt vọng như Giuđa, bởi vì Chúa nhân từ luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Ngài đã lên đường tìm kiếm chúng ta, những con chiên lạc. Ngài đứng ngoài cửa và gõ. Còn mở hay không, thì đó là việc của mỗi người chúng ta.

Hãy trỗi dậy và trở về để được hưởng nhờ lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

 

SUY NIỆM 7: Mục tử

Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo Hội muốn con cái mình chiêm ngắm, suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và để theo chân Đức Kitô, ta cũng dám sống, và nếu cần, dám chết vì tình yêu đó.

Lòng Chúa yêu thương loài người

Hình ảnh mà Êzêchiel và nhiều ngôn sứ khác đã phác họa là hình ảnh một mục tử lặn lội đi tìm chiên không quản ngại đường xa vạn dặm, khó khăn khôn lường. Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần khẳng định lại chân lý ấy : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta, và đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong sự tội và bất tín. Thái độ lên đường tìm kiếm con chiên lạc của dụ ngôn hôm nay là một minh họa sống động cho chân lý ấy. Quả thật, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt, hay vì một công trạng nào. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tốt  Ngài mới yêu thương, mà Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu thương chúng ta chỉ vì Ngài là tình yêu, chỉ vì Ngài tốt lành. Quả thật, tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm hạnh phúc của người được yêu. Chỉ một mình Thiên Chúa có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Tác giả sách “Đường hy vọng” đã có lý khi viết : “Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người – Tình yêu nhân loại đáp trả sau – Tình yêu Thiên Chúa tình nguyện bước trước ; Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình – Tình yêu Thiên Chúa hợp nhất muôn người ; Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người – Tình yêu Thiên Chúa làm biến đổi và cải hóa con người”.

Trải qua 2000 năm của biến cố Nhập Thể, Chúa Giêsu đã cho con người thấy được mức độ của cuộc so sánh tình yêu thương đó chính là không cột mốc biên cương, không kỳ thị chủng tộc màu da, ngôn ngữ hay giai cấp. Tình yêu ấy là tình yêu của Thiên Chúa tự nguyện tặng ban cho nhân loại chính Con Một của mình, tình yêu của con Thiên Chúa hiến thân, Tình yêu là cho loài người trở thành con Thiên Chúa và làm anh em của Đấng cứu Thế. Tình yêu đó chính là nguồn gốc của sự sống và mục đích duy nhất mà con người phải nhắm đạt tới.

Quả thật, thái độ của Người là thái độ của một mục tử tốt. Người làm y như một mục tử chứ không ví mình như mục tử. Người muốn trong dân người chỉ có yêu thương : yêu thương của Người dành cho dân và cho từng người ; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Đó là ý nguyện của Chúa, là chương trình cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, chúng ta hãy nhìn nơi Đức Kitô, Đấng Người đã sai đến.

Tình thương biểu lộ nơi lòng Đức Kitô

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ví Ngài như người Mục Tử Nhân Lành, đã bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì quên hết những nỗi vất vả cực nhọc do con chiên lạc gây ra cho mình, không trách mắng cũng không đánh đập, không cho là con chiên lạc lầm lỗi, trái lại đã vui vẻ vác chiên lên vai đưa về tận nhà. Về tới nhà, người ấy còn mời mọi người cùng chia sẻ niềm vui với ông nữa.

Hình ảnh người Mục tử Nhân Lành đã diễn tả tình yêu thương sống động và cụ thể của Chúa Giêsu. Tình yêu thương ấy có khi khó hiểu và khó chấp nhận đối với chúng ta cũng như với nhóm Biệt Phái ngày xưa. Bởi vì chúng ta thường ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn… chính những người Biệt Phái xưa cũng đã từng phiền trách khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp và cũng ăn uống với những người tội lỗi vì yêu thương họ? Quả thật, Ngài đã khẳng định một cách không thể  hiểu khác hơn được : “Chỉ có bệnh nhân mới cần thầy thuốc” mà ở đây Chúa là thầy Thuốc, là Lương Y Từ Mẫu…mà các bệnh nhân đang mong đợi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã xác định mục tiêu Ngài theo đuổi trong cuộc sống : “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Ngài không đến để xét xử luận phạt, nhưng là để cứu độ, để “cho họ được sống và sống dồi dào.

Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, thái độ của người anh cả cũng hẹp hòi, bủn xỉn trước tình thương của người cha nhân lành. Anh ta không chấp nhận cho cha yêu thương đứa em đã có một quá khứ xấu xa, tội lỗi… không chấp nhận cho nó làm lại cuộc đời. Thái độ đó không phù hợp với Tin Mừng, với Trái Tim Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân Lành. Từ chỗ không hiểu tình thương của Chúa đối với người khác, chúng ta cũng có thể không hiểu tình thương của Chúa đối với chính mình. Đó quả là một điều tai hại ! không hiểu thì không biết cám ơn và không biết đáp trả tình yêu của Chúa.

Tình yêu đáp trả tình yêu

Chỉ một mình Thiên Chúa của Kitô giáo có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Chính vì thế mà đạo Công giáo được mệnh danh là Đạo Tình Yêu thương trong cuộc sống, thì người đó đánh mất chân tính của mình. Vì chưng, Chúa Giêsu đã không chỉ bộc lộ tình Thương nhân hậu của Cha, mà Ngài còn mời gọi chúng ta : “ Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót”, và còn đưa ra cho chúng ta một quy luật sống cụ thể : “Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình”.

Trong cuộc sống, theo tâm lý chung thường chúng ta hay tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Tục ngữ đã có câu

Chân mình những lấm bết bê,

Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Quả thật, nếu chúng ta tự cho mình là công chính, từ đó tách biệt mình khỏi đám người tội lỗi, là vô tình chúng ta đã tự loại mình ra khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta với tất cả con tim cuả một Thiên Chúa làm người. Ngài luôn cảm thông tha thứ mọi yếu hèn cuả con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình là thánh thiện để rồi tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : “chỉ có một mình Ngài mới có quyền xét xử”. Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn và tin tưởng đến với Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài. Đừng bao giờ tìm cách che đậy tội lỗi để tỏ ra khỏi cần đến Ngài, đó là tự lừa dối mình một cách nguy hiểm. Hơn nữa, chúng ta hãy sẵn sàng cộng tác với Chúa cách tìm đến với những người đã trót lầm lỗi, những người đang lạc đường , đang bơ vơ không có định hướng… để giúp đỡ họ , khích lệ họ, nói với họ một lời an ủi, dâng tăng họ một nụ cười tin yêu, đem đến cho họ niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, giúp họ thực tâm hối cải.

Giờ đây, tiếp tục bước vào cử hành phụng vụ Thánh Thể, là hiện tại hóa sự chết của Đức Kitô, là biểu hiện tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, chúng ta hãy nhờ Đức Kitô để ca tụng và cảm tạ Chúa Cha, cảm phục tin tưởng xin ơn tha thứ cho chính mình và toàn thể nhân loại, xin ơn sám hối cho các tội nhân. Amen.

 

SUY NIỆM 8: Trái Tim

Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ : Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 20.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số, điều bất ngờ không dừng ở đấy và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 20. 000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkien với toàn thể dân Do thái : “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới”. Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới.

Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới, Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi đã trở thành người của thiên cổ, nhưng trong lòng yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa trái tim vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là đang sống và như vậy là đang lặn ngụp trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi.

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha, lọc hiềm thù để còn yêu thương, lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem và chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh thần đang đổi mới cuội đời tôi.

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa Người đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của người.

Có một lần tại Huế, ghé thăm công viên điêu khắc, tôi chiêm ngưỡng một công trình mà tôi thấy là tuyệt. Trên một chu vi khoảng 2 mét chiều dài, 1 mét chiều rộng, như một tấm đan đặt trên ngôi mộ. Tác giả đăt những khối đá đứng như cõi hỗn mang, góc cạnh tấm đan một đôi giầy, giữa tấm đan là trái tim khắc nổi. Dưới chân khắc ghi 4 câu thơ :

Hãy yêu như đang sống.

Hãy sống như đang yêu.

Yêu để sự sống tồn tại.

Sống để tình yêu có mặt.

Hình tượng cho tôi dòng suy nghĩ : Tình yêu làm hỗn mang trở nên màu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã cởi giầy để bước vào mầu nhiệm con người bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống  trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.

Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn  che chắn. Người biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Và khiến đời tôi vẫn không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Người yêu thương tôi nhưng sao Người lại đặt trái tim của Người bên ngoài lồng ngực của Người ?

 

SUY NIỆM 9: Thiên Chúa là tình yêu – Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kính toàn bộ kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu diễn tả sâu xa nhất lời yêu thương của Ngài. Chết mới diễn tả tất cả, chết mới thốt nên lời. Lời của Chúa Giêsu trên thập tự: “Ta khát” là lời tình yêu.

MỘT CON NGƯỜI BỊ TREO LÊN, CỨU ĐỘ MỌI NGƯỜI:

Hơn hai ngàn năm nay, nhân loại vẫn tôn thờ một con người có tên Giêsu, một con người bị bắt, bị kết án tử hình và bị đóng đinh vào thập giá. Con người đó đã bị nhiều người lên án, có người đã viết cả pho tiểu thuyết: “Thiên Chúa đã chết”, họ tưởng Ngài chết là hết, là tiêu tan, là hết hy vọng, nhưng quả thực, Thiên Chúa vẫn còn đó, Ngài vẫn sống động, Ngài vẫn hiện diện giữa mọi người, giữa dòng thế giới. Chúa Giêsu, người đã bị treo lên cao trên thập giá, người chết vì yêu: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Đã hơn hai ngàn năm nay, tại sao nhân loại, tại sao nhiều người lại vẫn tiếp tục tôn thờ một con người bị treo lên thập giá? Đây là điều rất diệu kỳ: “Chúa Giêsu là tình yêu đích thực”. Nơi Ngài có một sự thu hút rất mãnh liệt, Ngài đã được hầu hết mọi người trên toàn thế giới mến phục, tôn thờ và yêu mến. Có tới chân thập giá, nhân loại mới hiểu tại sao thế giới tôn kính Chúa, yêu mến Chúa và tin tưởng Chúa: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta” (Ga 12, 32). Hình ảnh Chúa Giêsu trên núi Canvê: thân trần, mình trụi, hai tay, hai chân bị đóng đinh vào thập tự, đầu đội mão gai. Chúa đã chết, đã quên mình, đã hy sinh cho nhân loại, cho mọi người vì Ngài yêu thương, tình yêu của Ngài là tình yêu đích thật, tình yêu vô vị lợi, tình yêu vô biên. Trong Phúc âm đã thuật lại biết bao dụ ngôn, biết bao ví dụ nói lên tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại: dụ ngôn “Người con hoang đàng”, “Con chiên lạc”, “Đồng bạc bị mất” vv...

Tất cả những dụ ngôn ấy nói lên lòng Chúa yêu thương nhân loại, nhất là đối với những người tội lỗi biết là chừng nào. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi bước trước. Chúa yêu nhân loại chẳng phải nhân loại có giá trị, hay cũng chẳng phải con người có nhãn hiệu Kitô-giáo Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại trước khi nhân loại còn ở trong tội và bất tín, bất trung. Chúa chết vì yêu nhân loại, Chúa cũng mời gọi nhân loại sống tình yêu như Ngài: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng từ nhân” (Lc 6, 36). Đó là mầu nhiệm của tình yêu. Đây cũng là mầu nhiệm của đức tin.

HÃY SỐNG YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA:

Trong cuộc sống đời thường có biết bao trường hợp thương tâm xẩy ra: hận thù, chém giết, chiến tranh, lừa đảo vv... Sở dĩ những chuyện đó xẩy ra vì “con người thiếu yêu thương”. Chúa mời gọi con người sống yêu thương, quên mình, hy sinh vì người khác miễn người khác có được hạnh phúc. Thánh Phaolô viết: “Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, nên đã phó mình vì chúng ta” (Eph 5, 2). Sống như Chúa, có trái tim của Chúa, con người sẽ ở trong tình yêu thật của Ngài. Người ta kể : “Vào một ngày nào đó, chú bé Adam Lester nay mới hai tháng tuổi (6/1984), sẽ biết rằng mẹ chú yêu chú biết chừng nào và đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chú. Sau khi được các bác sĩ cho biết các loại thuốc trị bệnh ung thư sẽ để lại di chứng trên đứa trẻ đang nằm trong bụng, chị Hazel đã từ chối không dùng thuốc. Sau khi bé Adam ra đời được bảy tuần lễ, chị đã trút hơi thở cuối cùng tại Conventry nước Anh”. Đây là câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện ở trần gian nói lên tình thương thật của người mẹ, tình thương hy sinh đến quên mạng sống vì người mình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là thước đo tình thương của Chúa đối với nhân loại. Đây là thực tế của một con người có tên Giêsu, Ngài không chỉ nói suông, nhưng đã thực hiện đúng lời Ngài đã nói: “...hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là tôn kính Chúa, tôn vinh tình yêu của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn và có thể cùng với thánh Gioan thánh sử, nhân loại hãy hô to: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó!”.

Mừng kính Trái tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục được có con tim nhạy cảm, tấm lòng yêu thương như Chúa để các Ngài luôn trung tín, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, cho đàn chiên.

LỜI CẦU:

 “Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng con tràn lửa say yêu một Chúa... Xin thương những người đã trót vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha”.

 

SUY NIỆM 10: Chọn lựa cho một tình yêu – Lm. GB. Nguyễn Minh Hùng

Nhân Lễ Thánh Tâm, suy nghĩ về đời sống thánh hiến

Tháng Sáu, tháng của những lễ phong chức, lễ khấn dòng, cũng là tháng của những lễ kỷ niệm ngày chịu chức, ngày khấn dòng… Có thể nói tháng Sáu là mùa ơn gọi.

Tháng Sáu cũng là tháng tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa, được cụ thể nơi Thánh Tâm Chúa Kitô. Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Kitô cũng nằm trong tháng Sáu, lại là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục.

Bởi thế, tháng Sáu nói chung và lễ Thánh Tâm nói riêng là thời điểm thích hợp để tất cả những ai sống ơn gọi tu trì có dịp nhìn lại chính mình, nhìn lại ơn gọi mà mình đã sống, từ đó tự nhắc nhở cho chính bản thân ta về một chọn lựa mà mình đã dấn bước: CHỌN LỰA CHO MỘT TÌNH YÊU. Nhưng tình yêu ấy không do bản thân ta, hay bất cứ một người nào mà có, nhưng đó chính là TÌNH TRỜI.

Vì thế tôi muốn cùng bạn chia sẻ những suy nghĩ về chính ơn gọi và sự chọn lựa của mình.

Bạn có biết: Cuộc sống là kết thành của những chọn lựa. Có những chọn lựa quyết định cho cả một đời, và một đời phải sống cho chọn lựa ấy. Có những chọn lựa có thể thay đổi nhưng cũng có những chọn lựa không bao giờ thay đổi. Chọn lựa luôn là điều cần thiết cho đời người. Bởi thái độ sống của mỗi người tùy thuộc và ảnh hưởng rất nhiều từ những chọn lựa mà mình đã quyết định.

I. CHỌN LỰA:

1. Chọn lựa cần chiến đấu:

Kẻ thù trước tiên của cuộc chiến không phải là người nọ, thế lực kia mà là cái “tôi” xấu trong chính bản thân. Bởi thế chiến đấu để tự lách mình khỏi những mối nguy cản bước ta tiến đến sự hoàn hảo, thì ngay trong sự tự chiến đấu ấy đã là chọn lựa: chọn lựa đứng về phía thiện, tách mình khỏi những sai lạc. Chọn lựa không cho phép ta ở hai tình trạng, nhưng chỉ là một, hoặc là tốt hoặc là xấu. Chọn lựa không có chỗ cho sự trung dung: “Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi: nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miện Ta”1.

Chọn lựa luôn là chọn lựa một điều gì đó, không thể có chọn lựa suông. Trong chọn lựa bao giờ cũng có lý tưởng để theo đuổi. Chọn lựa là đón nhận nhưng cũng là hy sinh. Đón nhận điều mình chọn lựa và hy sinh để sự chọn lựa thành toàn. Chọn lựa bao gồm một hướng ngắm để đến, một hy vọng củng cố lý tưởng, một niềm tin nuôi hy vọng. Và khi đã chọn lựa, không có nghĩa là ngưng chiến đấu. Càng chọn lựa, nghĩa là càng đi trên con đường mà mình đã quyết định, càng phải chiến đấu: Chiến đấu để bảo vệ điều đã chọn lựa. Chọn lựa thì dứt khoát, nhưng chiến đấu thì lâu dài, bền bỉ, vì không phải chiến đấu một lần là đủ. Ngày nào ta bằng lòng với tình trạng hiện có mà không chiến đấu để vươn lên, ngày ấy báo hiệu chọn lựa ban đầu của ta đang bị chính ta đánh mất. Nếu chọn lựa cho một thái độ sống lâu dài thì chiến đấu liên lỉ không bao giờ thừa. Càng chiến đấu bảo vệ cái thiện, chống lại cái xấu, chọn lựa càng vững chắc.

Mãi mãi chọn lựa cần chiến đấu. Kẻ thù trước tiên của cuộc chiến có khi chính là sự dữ ngự trị trong ta.

2. Tự do chọn lựa:

Chọn lựa đòi tự do. Không những tự do cần ngay khi chọn lựa, mà khi chọn lựa rồi cũng cần có tự do để sống điều chọn lựa. Chọn lựa không tự do, không phải chọn lựa mà là áp đặt, là thế lực. Cần đập vỡ áp đặt, thế lực để lý trí, ý chí và cả tình yêu có được sự chọn lựa đúng mức. Áp đặt hay thế lực ở đây là những hào nhoáng, là danh, là lợi, là sự thúc ép của kẻ khác... khiến đương sự nhầm lẫn, cuối cùng chọn lựa sai.

Cần có tự do để dấn thân cho điều đã chọn lựa. Nếu chọn lựa không có tự do, người ta không thể dấn thân cho điều đã chọn lựa. Và chỉ có yêu thực sự một điều gì mới có thể dấn thân cho điều đó cách trọn vẹn. Một người xả thân giúp đỡ người khác, việc làm đó mang lại cho anh ta hạnh phúc, ngược lại một người làm điều gì vì bị cưỡng bức, anh ta sẽ không cảm nhận sự bình an.

3. Thiên Chúa làm người, một chọn lựa:

Chúa Kitô đã quyết định trở thành “Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” 1. Chọn lựa của Ngài là “trở nên người phàm”. Chọn lựa này mãi mãi không thay đổi. Đó cũng là chọn lựa tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã sống một cuộc đời cho điều đã chọn lựa, và dấn thân trọn vẹn cho chọn lựa ấy: Chúa Kitô đã “nên giống anh em mình về mọi phương diện”2. Hay “Đức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”1.

Chúa Kitô “vâng lời cho đến chết”, sự “vâng lời” của Ngài là hoàn toàn tự nguyện. Ngài quyết định “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”2. Quyết định này là sự lựa chọn tự do: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta, Ta có quyền thí mạng sống Ta, và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta”3. Một khi quyết định chết cho đàn chiên, Chúa Kitô đã mang lại sự sống dồi dào cho đàn chiên.

II. CHỌN LỰA SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN:

1. Một chọn lựa can đảm:

Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo đã phải chiến đấu nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời Kitô hữu thánh hiến còn phải chiến đấu vất vả hơn. Vì chọn lựa ấy là chọn lựa “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Nhưng họ vững tin rằng, Chúa Kitô ở bên họ. Ngài cầu xin Cha: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha... Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần... Lạy Cha Con muốn rằng Con ở đâu, thì những kẻ Cha ban cho Con, cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con...”4.

2. Đời sống thánh hiến là sống những nét đặc trưng của đời sống Đức Kitô:

Những người sống đời thánh hiến đi một bước cao hơn tiến gần đến đời sống của Chúa Kitô. “Họ diễn lại cách nào đó lối sống Đức Kitô đã chọn sống, và cho thấy lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung”1.

Một khi đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô, “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy”2, họ muốn như nhà thương gia kia, đi tìm ngọc quý, tìm được rồi bán tất cả để chỉ mua lấy một viên ngọc3.

Viên ngọc NƯỚC TRỜI mà họ chọn lựa, buộc họ phải trung kiên cả một đời, chiến đấu cả một đời, hy sinh cả một đời, từ bỏ cả một đời. Chọn lựa vác thập giá theo Đức Giêsu, họ sẽ là người sống “các nét đặc trưng của đức Giêsu- khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục”. “Các nét đặc trưng” ấy “trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng”4. Vì trên thập giá, “Tình yêu khiết trinh của Nguời đối với Chúa Cha và đối với mọi người được diễn tả mạnh mẽ nhất; sự nghèo khó của Người sẽ đi đến chỗ lột bỏ hoàn toàn; sự vâng phục của Người sẽ đi đến hiến dâng mạng sống”5.

3. Chọn lựa giữa lòng cuộc sống và chọn lựa cho TÌNH YÊU:

Là người, những người dấn thân trong đời sống thánh hiến lựa chọn hướng đi của mình ở giữa lòng cuộc sống như bao nhiêu lựa chọn của mọi người. Nhưng Tình Yêu mà họ dấn bước theo không là một mái gia đình riêng tư, không là hạnh phúc đến bởi sự thành công của những nỗ lực trong đời thường, không là những thú vui trụy lạc mà không ít người của thời nay ngụp lặn trong đó, và vẫn lầm tưởng đó là hạnh phúc, là tự do của họ…

Vì chọn lựa sống rập theo khuôn mẫu của đời sống Chúa Kitô, anh chị em bước vào đời thánh hiến cũng sẽ nên giống Chúa Kitô, để cùng với Người, họ hiện diện giữa lòng cuộc sống. Nói một cách cụ thể hơn: họ chọn cho mình một kiểu mẫu của Tình Yêu để sống trọn đời cho Tình Yêu ấy. Một thứ Tình cao cả mà Chúa Kitô đã chọn sống và yêu.

Bởi vậy, giống như Chúa Kitô, cũng ngay giữa lòng cuộc sống, họ thực thi sứ mạng mà Tình Yêu đòi hỏi họ. Và ngay giữa lòng cuộc sống ấy, Họ đi tìm và bắt gặp hình ảnh Thiên Chúa “đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt chán chường vì những lời hứa chính trị, những bộ mặt uất hận của những ai bị người ta khinh dễ nền văn hóa của mình, những bộ mặt sợ hãi cảnh bạo lực mù quáng thường ngày, những bộ mặt của người trẻ, những bộ mặt tủi hổ của những phụ nữ bị xúc phạm và làm nhục, những bộ mặt mệt mỏi của đám di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có những điều kiện để sống đàng hoàng...”1. Họ dấn thân phục vụ giữa lòng cuộc sống. Và như thế, họ tìm thấy niềm vui giữa lòng cuộc sống. Chính vì sống theo kiểu mẫu của Tình Yêu mà Chúa Kitô đã sống, những anh chị em chọn lựa sống đời thánh hiến là Chọn lựa cho một tình yêu: Tình Yêu mang tên GIÊSU KITÔ.

III. MỘT LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa, diễm phúc và hạnh phúc của mọi người, xin đổ tràn hạnh phúc xuống con cái nam nữ của Chúa, mà Chúa đã chọn lựa để tuyên xưng Tình yêu cao cả, lòng nhân hậu xót thương và vẻ đẹp của Chúa.

Chúng con hiểu rằng, dù chúng con có chọn lựa, có hy vọng, có tin tưởng, thì điều trước tiên vẫn là hồng ân, là Tình yêu của Chúa đối với chúng con. Tình yêu là lời ngỏ, là động lực đưa chúng con tới lý tưởng của mình.

Lạy Chúa, trong lòng cuộc sống, có nhiều cách để chúng con chọn lựa, nhưng chúng con chọn lựa theo Chúa. Chúng con cầu xin cho chúng con luôn trung thành truyền lại Lời Chúa cho người khác, để Lời Chúa được thêm vững mạnh trong lòng mọi người. Xin làm cho chúng con trở nên xứng đáng phục vụ bàn thánh Chúa và Hội Thánh.

Chúng con kính dâng Đức Nữ Trinh Vương Maria và cầu xin Người là mẹ của Chúa Kitô, mẹ của Linh Mục Thượng phẩm đời đời gìn giữ chúng con trong hạnh phúc của đời thánh hiến, để chúng con biết trung thành theo Chúa bằng cả cuộc đời của chúng con. Chúng con biết rằng, Chúa Kitô.

 

Hãy vui lên, vì Ta đã tìm được con chiên bị mất

 

Friday (June 28): “Rejoice, I have found my sheep which was lost”

 

Scripture: Luke 15:3-7  

3 So he told them this parable: 4 “What man of you, having a hundred sheep, if he has lost one of them, does not leave the ninety-nine in the wilderness, and go after the one which is lost, until he finds it? 5 And when he has found it, he lays it on his shoulders, rejoicing. 6 And when he comes home, he calls together his friends and his neighbors, saying to them, `Rejoice with me, for I have found my sheep which was lost.’ 7 Just so, I tell you, there will be more joy in heaven over one sinner who repents than over ninety-nine righteous persons who need no repentance.

Thứ Sáu     28-6                Hãy vui lên, vì Ta đã tìm được con chiên bị mất

Lc 15,3-7

3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:4“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Meditation:

Jesus’ heart of love and compassion is most clearly revealed in the way he sought out sinners and outcasts of society. No one was excluded from his gracious presence unless they chose to stay away out of jealousy or mistrust. The scribes and Pharisees took great offense at Jesus because he freely associated with sinners and treated them graciously. The Pharisees had strict regulations about how they were to keep away from sinners, lest they incur defilement. They were not to entrust money to them or have any business dealings with them, nor trust them with a secret, nor entrust orphans to their care, nor accompany them on a journey, nor give their daughter in marriage to any of their sons, nor invite them as guests or be their guests. They were shocked with the way in which Jesus freely received sinners and ate with them. Sinners, nonetheless, were drawn to Jesus to hear him speak about the mercy of God. Jesus characteristically answered the Pharisees’ charge with a parable or lesson drawn from everyday life.

 

 

What does Jesus’ story about a lost sheep tell us about God and his kingdom? Shepherds normally counted their sheep at the end of the day to make sure all were accounted for. Since sheep by their very nature are very social, an isolated sheep can quickly become bewildered and even neurotic. The shepherd’s grief and anxiety is turned to joy when he finds the lost sheep and restores it to the fold. The shepherd searches until what he has lost is found. His persistence pays off.  He instinctively shares his joy with the whole community. The poor are particularly good at sharing in one anothers’ sorrows and joys. What was new in Jesus’ teaching was the insistence that sinners must be sought out and not merely mourned for. God does not rejoice in the loss of anyone, but desires that all be saved and restored to fellowship with him. That is why the whole community of heaven rejoices when one sinner is found and restored to fellowship with God. Seekers of the lost are much needed today. Do you persistently pray and seek after those you know who have lost their way to God?

 

 

“Lord Jesus, let your light dispel the darkness that what is lost may be found and restored. Let your light shine through me that others may see your truth and love and find hope and peace in you. May I never doubt your love nor take for granted the mercy you have shown to me. Fill me with your transforming love that I may be merciful as you are merciful.”

Suy niệm:

Tâm hồn yêu thương và trắc ẩn của Ðức Giêsu được bộc lộ rõ ràng nhất trong cách Người đi tìm những người tội lỗi và bị ruồng bỏ của xã hội. Không ai bị loại trừ khỏi sự hiện diện khoan dung của Người trừ khi họ lựa chọn tách rời vì lòng ghen tị và hồ nghi. Các nhà kinh sư và Pharisêu đã xúc phạm nặng nề tới Ðức Giêsu bởi vì Người giao lưu với các tội nhân cách thoải mái và đối xử với họ cách khoan dung. Những người Pharisêu có những luật lệ khắt khe về việc làm thế nào để xa tránh các tội nhân vì e rằng họ sẽ làm cho mình ra ô uế. Họ không giao tiền bạc hay làm ăn buôn bán với những tội nhân, không tiết lộ bí mật cho họ biết, không giao phó trẻ mồ côi cho họ coi sóc, không đi chung với họ trong lúc đi đường, không gã con trai hay con gái cho gia đình họ, không mời họ như những người khách hay làm khách của họ. Vì thế họ bị sốc với đường lối mà Ðức Giêsu ngang nhiên tiếp nhận những người tội lỗi và ăn uống với họ. Tuy nhiên, những người tội lỗi bị lôi kéo đến với Ðức Giêsu để nghe Người nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Một cách điển hình là Ðức Giêsu đã trả lời cho sự buộc tội của những người Pharisêu với dụ ngôn hay bài học rút ra từ cuộc sống hằng ngày.

Câu chuyện của Ðức Giêsu về con chiên lạc nói với chúng ta điều gì về Thiên Chúa và vương quốc của Người? Thông thường những mục tử đếm chiên của mình vào cuối ngày để chắc rằng tất cả còn đầy đủ. Bởi vì bản tính của chiên là sống theo đàn, một con chiên bị cô lập có thể nhanh chóng trở thành bối rối và thậm chí bị điên loạn. Nỗi buồn và lo lắng của người mục tử trở thành niềm vui khi họ tìm thấy con chiên lạc và đem nó về đàn. Người mục tử tìm kiếm cho tới khi những gì họ mất được tìm thấy. Tính kiên trì của họ được đền đáp. Theo bản năng tự nhiên, họ chia sẻ niềm vui của mình với toàn thể cộng đồng. Người nghèo đặc biệt có tính hay chia sẻ cho nhau niềm vui và nỗi buồn. Điều mới lạ trong giáo huấn của Ðức Giêsu là sự nhấn mạnh rằng các tội nhân phải được tìm kiếm chứ không chỉ tiếc thương cho họ. Thiên Chúa không vui vẻ khi có một ai bị hư mất nhưng Người mong ước rằng tất cả đều được cứu rỗi và phục hồi tình bằng hữu với Người. Đó là lý do tại sao cả triều đình thiên quốc vui mừng khi một người tội lỗi được tìm thấy và trở về với Thiên Chúa. Những người đi tìm người lầm đường lạc lối rất cần ngày hôm nay. Bạn có kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm những ai mà bạn biết họ lạc đường về với Thiên Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì ánh sáng của Chúa xua tan bóng tối để những gì bị mất có thể được tìm thấy và được phục hồi. Xin cho ánh sáng Chúa chiếu soi qua con để người khác có thể nhìn thấy tình yêu và chân lý của Chúa và tìm thấy niềm hy vọng và bình an trong Chúa. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa hay chối từ lòng thương xót của Chúa đã bày tỏ cho con. Xin Chúa lấp đầy lòng con tình yêu biến đổi của Chúa để con có thể thương xót như Chúa hằng thương xót.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây