Thứ Sáu tuần 12 thường niên.

Thứ năm - 25/06/2020 08:40

Thứ Sáu tuần 12 thường niên.

"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".

 

Lời Chúa: Mt 8, 1-4

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người.

Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".

Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh".

Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi.

Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".

 

 

SUY NIỆM 1: Nếu Ngài muốn

Suy niệm:

Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu

trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.

Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,

dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).

Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?

‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).

Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.

“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.

Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.

Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh

cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.

Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.

Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.

Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”

khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.

“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).

Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.

“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,

quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,

và da thịt anh phút chốc được lành sạch.

Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,

Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.

Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,

nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.

“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).

Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.

Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,

Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),

đó là đưa tay đụng đến người phong.

Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.

Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.

Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.

Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.

Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,

hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.

Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).

Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?

Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?

Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.

Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.          

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa

in ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu lời Chúa

những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,

công bằng và tình thương

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính ta.”  (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Chữa người phong cùi

Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.

Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.

Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.

Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Xin làm cho con được sạch!

Khi Đức Giêsu ở tên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt. 8, 1-2)

Những lời nguyện đẹp

Thời ấy những người mắc bệnh phong hủi ý thức rất rõ về thân phận hẩm hiu của mình. Người phong hủi mắc một chứng bệnh nguy hiểm, nên không ai dám đụng chạm đến người họ. Phải mang chứng bệnh khốn khổ này, nên người phong hủi buộc phải sống biệt cư bên ngoài cộng đồng xã hội, điều này còn khiến họ phải đau xót và khổ tâm hơn. Bởi vậy lời người phong hủi ấy khẩn cầu Chúa Giêsu phải là lời cầu xin rất tha thiết và chân thành, phát ra tự đáy lòng anh. Lời ấy phải là một tiếng kêu van thật, một lời cầu nguyện thật.

Biết bao lần chúng ta cũng thưa với Chúa những lời nguyện xin tương tự như của người phong hủi. “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con được sạch. Xin rửa chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn sám hối. Xin thay đổi lòng chúng con.”. Chúng ta có biết bao những mẫu kinh thân quen như vậy. Phụng vụ còn không ngừng đặt trên môi miệng ta những lời kinh ấy để ta nói lên, để ta ca hát nữa.

Phải là những lời nguyện chân thành

Khi ngỏ lời với Chúa như vậy, lòng ta có hoàn toàn tha thiết và chân thành không? Đó có phải là những tiếng van xin phát ra tự lòng ta không? Ta có thật sự xác tín rằng mình cần được chữa lành, cần được thanh tẩy, cần được ơn sám hối?

Để cho mình mượn những mẫu kinh đẹp đẽ kia, cứ lặp đi lặp lại những lời của người khác mà không làm cho chúng thành lời của mình, thiết tưởng quá dễ dàng. Giả vờ hay có vẻ đóng kịch phần nào, cũng quá dễ thôi. Cầu nguyện liến thoắng như con vẹt, như cái máy, mà không đặt tâm trạng của mình vào đó, cũng là quá dễ dàng. Nên chăng đôi khi thà yên lặng còn hơn là nói đi nói lại những lời mà ta chỉ mới tin một nửa? Chúa không muốn nghe những lời không phát xuất từ nội tâm ta, những lời trống rỗng. Để gặp gỡ Chúa, ta không cần phải nhiều lời, không cần cả những lời hay ý đẹp. Mà phải có những lời thiết tha, những lời chân thực. Có thế thôi.

 

SUY NIỆM 4: LẠY NGÀI, XIN CHO TÔI ĐƯỢC SẠCH (Mt 8, 1-4)

Có một câu chuyện thật ấn tượng về một linh mục đã trọng tuổi thuộc dòng Phanxicô. Chuyện là thế này: ngài là một linh mục rất thương người, vì thế, sau lễ truyền chức linh mục cho ngài, có một người sẵn sàng tài trợ mọi mặt để tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương cho thật “hoành tráng”. Tuy nhiên, ngài đã từ chối, và không quên ngỏ lời xin toàn bộ số tiền đó để xây nhà, khoan giếng, thuốc thang cho anh chị em bị phong cùi mà ngài đã biết đến họ cách đó vài năm trong một khu rừng sâu thẳm không một bóng người qua lại.

Tại sao họ lại có một cuộc sống khổ đến vậy? Thưa! Chỉ vì bị kỳ thị và sợ liên lụy cũng như sợ bị lây nhiễm, nên người ta đã đẩy anh chị em đó vào trong một thế giới riêng, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài.

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho người phong cùi vì anh ta có lòng tin: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch".

Tưởng cũng nên nhắc thêm: bệnh phong hủi, vào thời ấy, là một thứ bệnh ghê tởm, không có thuốc chữa mà tác hại của nó lại quá lớn và mức độ lây lan nhanh. Ai mắc thứ bệnh đó là đã cầm trong tay án tử.

Bệnh thể xác rất đau đớn, nhưng có lẽ không đau đớn cho bằng tinh thần. Người bị bệnh phong hủi bị ruồng bỏ, bệnh nhân muốn đi lại phải hô to mình bị ô uế để người khác biết mà tránh xa. Họ bị bỏ rơi ngay từ những người thân, xóm làng, xã hội và ngay cả tôn giáo thời bấy giờ.

Tuy nhiên, hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh ta của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho người phong hủi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiếm anh ta được sạch.

Hành động này của Đức Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phong cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Đức Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị ...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Biết yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa, nhất là những người thấp cổ, bé họng, khổ đau, nghèo đói chung quanh chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Người mắc bệnh phong bị bỏ rơi

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hình dung ra một người mắc bệnh phong và để cho những cảm xúc tự nhiên của chúng ta xuất hiện (ghê người, không muốn nhìn hay tiếp cận, cảm giác buồn nôn…). Chắc chắn trong chúng ta, đã có người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh, chẳng hạn phim Ben Hur.

Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.

Chúng ta hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên, khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đới với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta tự do hơn, thanh thoát hơn, bình an hơn.

Chúng ta vừa nói đến sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa, như Lề Luật trong sách Lê-vi truyền lệnh: “Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 46). Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới.

2. Bệnh phong và tội lỗi

Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội, như sách Lê-vi nói: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!” Tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi.

Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn ghê hơn ! Và điều này hoàn toàn đúng, vì hậu quả của tội nằm ngay trong hành vi phạm tội, không cần phải Chúa phạt ; tội, dù bé dù to, luôn để lại dấu vết nhơ uế trong tâm hồn, và làm đổ vỡ ngay trong lòng chúng ta các mối tương quan : với chính tôi, với người khác, với cộng đồng và với chính Chúa. Vì thế chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong đầy người, nhưng vô hình.

3. Đức Giê-su chạnh lòng thương

Như vậy, nỗi đau của người bị bệnh có tới ba chiều kích : đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tinh thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế.

Thật ra, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng, nhưng thực ra không phải như vậy ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : Tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt của Chúa không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?

Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ngừng đặt câu hỏi: tại sao lại bệnh tật, tại sao lại đủ mọi khổ đau, phải chăng là hình phạt? Bởi vì, càng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ càng bị dồn vào ngõ bí và tự làm khổ mình. Nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta thả mình vào tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Thật vậy, Ngài chạnh lòng thương người bệnh phong và chữa anh lành bệnh, một cách vô điều kiện; anh chỉ cần bày tỏ lòng ước ao thôi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Phép lạ chữa bệnh này mang lại cho chúng ta niềm hi vọng thật bao la cho loài người và từng người tật nguyền chúng ta. Thật vậy, trước khi nói lời chữa lành: “tôi muốn, anh hãy được sạch”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. Thế mà, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn.

Và đó chính là cách Đức Giê-su chạnh lòng thương và chữa lành chúng ta. Đó là bày tỏ sự cảm thông và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người đau khổ của chúng ta, với nỗi đau khổ của mỗi người chúng ta, nhưng không phải bằng cách lấy đi đau khổ, nhưng là mang vào mình đau khổ của con người (x. Mt 8, 7 và Rm 8, 3 ; 2Cr 5, 21 ; Gl 3, 12). Trước khi đáp lời loài người đau khổ, Thiên Chúa nơi Đức Giê-su, nhận lấy đau khổ của con người làm của mình. Mầu nhiệm Nhập Thể là như thế, Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, một thân phận ở mức độ thấp nhất, cùng khổ nhất, cùng tận nhất về mọi phương diện.

*  *  *

Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, thay vì cất hết đi mọi bệnh tật của cả loài người, Ngài lại mang hết vào mình và đưa lên Thập Giá, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Trên thập giá, Con Thiên Chúa để cho mình bị hành hạ, thân thể của Ngài bị nát tan còn hơn cả người mắc bệnh phong. Nhưng ở nơi Ngài, đau khổ và sự chết không phải là dấu chấm hết, thân phận con người không phải đường cùng, nhưng là đối tượng của tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và là con đường dẫn đến sáng tạo mới, đến sự sống mới, không còn bệnh tật, đau khổ, than khóc và chết chóc.

Thật vậy, chính khi Đức Giê-su mang thương tích và bị loại trừ trên thập giá, là lúc tình yêu Thiên Chúa trở nên rạng người nhất, và cũng là lúc Ngài được tôn vinh, được nhận biết, được hiển linh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Lạy Chúa, Chúa có thể làm cho con được sạch – SN song ngữ 26.6.2020

 

Friday (June 26):  “Lord, you can make me clean”

 

Scripture:  Matthew 8:1-4  

1 When he came down from the mountain, great crowds followed him; 2 and behold, a leper came to him and knelt before him, saying, “Lord, if you will, you can make me clean.”  3 And he stretched out his hand and touched him, saying, “I will; be clean.” And immediately his leprosy was cleansed.  4 And Jesus said to him, “See that you say nothing to any one; but go, show yourself to the priest, and offer the gift that Moses commanded, for a proof to the people.”

Thứ Sáu     26-6          Lạy Chúa, Chúa có thể làm cho con được sạch

 

Mt 8,1-4

1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người.2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Meditation: 

What might hold us back from approaching the Lord Jesus with expectant faith and confidence that he can change us and make us holy – perhaps fear, pride, and the risk of losing one’s reputation or friends? Jesus did something which was both remarkable and unthinkable at the same time. He approached the unapproachables- he touched the untouchables. Lepers were outcasts of society. Their physical condition was terrible as they slowly lost the use of their limbs and withered away with open sores over their entire bodies. They were not only shunned but regarded as “already dead” even by their relatives. The Jewish law forbade anyone from touching or approaching a leper, lest ritual defilement occur.

Approaching the Lord Jesus with expectant faith 
The leper who came to Jesus did something quite remarkable. He approached Jesus confidently and humbly, expecting that Jesus could and would heal him. Normally a leper would be stoned or at least warded off if he tried to come near a rabbi. Jesus not only grants the man his request, but he demonstrates the personal love, compassion, and tenderness of God in his physical touch. The medical knowledge of his day would have regarded such contact as grave risk for incurring infection. Jesus met the man’s misery with compassion and tender kindness. He communicated the love and mercy of God in a sign that spoke more eloquently than words. He touched the man and made him clean – not only physically but spiritually as well.

 

 

Some twelve centuries later, a man named Francis (1181-1226 AD) met a leper on the road as he journeyed towards Assisi. A contemporary of Francis wrote, “Though the leper caused him no small disgust and horror, he nonetheless, got off the horse and prepared to kiss the leper. But when the leper put out his hand as though to receive something, he received money along with a kiss” (from the Life of St. Francis by Thomas of Celano). Francis did what seemed humanly impossible because he was filled with the love and compassion of Jesus Christ.

The Holy Spirit inflames our hearts with the fire of Christ’s love that we may reach out to others with compassionate care and kindness, especially to those who have been rejected, mistreated, and left utterly alone. Do you allow the Holy Spirit to fill your heart with the love and compassion of Jesus Christ for others?

“May the power of your love, Lord Christ, fiery and sweet as honey, so absorb our hearts as to withdraw them from all that is under heaven. Grant that we may be ready to die for love of your love, as you died for love of our love.”  (Prayer of St. Francis of Assisi,1181-1226 AD)

Suy niệm:

 

Điều gì có thể cản trở chúng ta đến gần Chúa Giêsu với niềm tin cậy kiên vững để Người có thể thay đổi chúng ta và làm cho chúng ta nên thánh thiện – có lẽ là sợ hãi, kiêu ngạo, và sợ mất danh tiếng của mình hay bạn bè chăng? Đức Giêsu đã làm một điều vừa lạ lùng vừa khó tin cùng lúc. Người đụng chạm tới những người không thể đụng chạm. Những người cùi bị loại ra khỏi xã hội. Điều kiện thể lý của họ rất tồi tệ khi họ dần dần mất hết tay chân và chết dần chết mòn. Họ không chỉ bị người ta xa tránh và còn bị coi như “những người đã chết”, kể cả người thân của họ cũng nghĩ vậy. Luật Dothái cấm người ta đụng chạm hay tới gần người cùi, kẻo sự ô uế theo nghi thức xảy ra.

 

 

Đến gần Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững

Người cùi gặp Đức Giêsu đã làm điều gì đó hết sức ấn tượng. Anh đến gần Đức Giêsu một cách tin tưởng và khiêm tốn, với hy vọng rằng Đức Giêsu có thể và sẽ chữa lành cho anh. Thông thường, một người cùi có thể bị ném đá hay bị người ta xa lánh nếu họ cố tình đến gần một vị thầy Rabbi. Đức Giêsu không những đáp ứng lời thỉnh cầu của anh, mà Người còn chứng tỏ tình yêu cá vị, lòng trắc ẩn, và sự khoan dung của Thiên Chúa trong việc đụng chạm của Người về mặt thể lý. Sự hiểu biết về y khoa thời Đức Giêsu chắc hẳn cho rằng việc đụng chạm như thế là một điều hết sức nguy hiểm về sự nhiễm trùng không thể chữa được. Đức Giêsu đã nhìn nổi đau khổ của người này với lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu hiền. Người liên kết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong một dấu chỉ còn hùng hồn hơn cả lời nói ngàn lần. Người đụng chạm đến anh ta và chữa cho anh ta được sạch – không chỉ về phần thể lý, mà cả về phần tâm linh nữa.

Mười hai thế kỷ sau, một người tên là Phanxicô (1181-1226 AD) đã gặp một người cùi trên đường đi về thành phố Assisi. Một người cùng thời với Phanxicô đã viết “Mặc dù người cùi không gây cho anh một tí kinh hãi hay sợ sệt nào, tuy nhiên, anh đã xuống ngựa và muốn hôn lên người cùi. Nhưng khi người cùi đưa cánh tay của mình ra như thể để đón nhận điều gì, người cùi đó đã lãnh nhận cả tiền lẫn nụ hôn” (Trích từ Cuộc đời thánh Phanxicô do Thomas Celano viết). Thánh Phanxicô đã làm điều gì đó xem ra con người không thể làm được, bởi vì trong người có đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn của Đức Giêsu Kitô.

Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô, để chúng ta có thể chạm tới những người khác với lòng quan tâm trắc ẩn và nhân hậu, đặc biệt đối với những ai bị loại bỏ ngược đãi, và hoàn toàn bị bỏ rơi. Bạn có cho Chúa Thánh Thần lấp đầy lòng bạn với tình yêu và lòng trắc ẩn của Đức Giêsu Kitô dành cho người khác không?

Chớ gì quyền năng tình yêu của Đức Giêsu Kitô, ngọt ngào như mật, lôi kéo tâm hồn chúng con như lôi kéo ra khỏi tất cả những gì dưới bầu trời này. Xin Chúa ban ơn để chúng con có thể sẵn sàng chết cho tình yêu của Chúa, như Chúa đã chết vì yêu thương chúng con.”(Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi, thế kỷ 13)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây