…thiếu…

Thứ hai - 27/07/2020 04:48

Khí hậu biến đổi rõ rệt trong hơn thập kỷ trở lại đây, ai cũng có thể nhận ra điều đó dễ dàng. Mỗi người chọn cách khác nhau để đương đầu và thích nghi với những thay đổi từ môi trường. Người ta chấp nhận trả những hóa đơn tiền điện cao hơn để được sử dụng máy lạnh, họ đi tắm thường xuyên hơn để giải nhiệt, hoặc nếu có khả năng tài chính, họ đi du lịch đâu đó để tránh nóng. Điện và nước chưa bao giờ là ưu tư của nhiều người.

Khi sự thay đổi về môi sinh càng lúc càng rõ rệt, không ít người bắt đầu có những động thái quay trở lại lối sống xanh, các nhóm làm sạch môi trường bắt đầu đi dọn sạch bãi biển nhằm giáo dục nhận thức cho người tham gia và cả cộng đồng hưởng lợi; người ta bắt đầu hạn chế sử dụng nhựa, lối sống tối giản bắt đầu nhen nhóm ở nhiều nơi… Khi tất cả những động thái tích cực vì môi trường này bắt đầu lan tỏa thì ở những cộng đồng yếu thế vùng xa khác, có những người đã phải đối mặt với những vấn nạn là hệ quả của biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong một lần trả lời phỏng vấn liên quan đến Covid, ngài trích một câu thành ngữ Tây Ban Nha: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, con người thỉnh thoảng tha thứ, nhưng thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ.” Những rừng thông chỉ còn lại trong ký ức của các già làng, những ngọn đồi xanh giờ đây trọc đến khô cằn, những dải ruộng bậc thang sỏi đá và những dòng chảy mang theo mùi hóa chất, phân xanh cùng với những điểm “nước giọt” đang dần cạn kiệt.

(Chú thích về “Nước Giọt”: Trước đây khi lập một làng mới, việc đầu tiên người đồng bào ở Tây Nguyên làm là tìm nơi có mạch nước. Nơi đó họ chỉ cần đóng một ống tre vào một mô đất là nước chảy ra, người ta nói vùng đó mạch nước nằm ngang. Nơi lấy “nước giọt” cũng là nơi để mọi người đến tắm giặt như một giếng nước công cộng đối với người Kinh.)

Một nhóm những người trẻ thuộc Dự án Giáo dục về Truyền thông của JESCOM (JESCOM Media Education Project) được gửi đến để chứng kiến và kể lại câu chuyện rất thật của những người đồng bào tây nguyên ngày ngày vẫn phải gùi nước về nhà từ những điểm lấy nước giọt đã dần khan hiếm và ô nhiễm. Từ phố thị xa hoa, thật khó để mường tượng chuyện thiếu nước, những người trẻ bước vào một hành trình gió bụi để sẻ chia phần nào những khó khăn mà các anh chị em mình đang trải qua. Như tiến sĩ Carolyn Woo, Giám đốc Điều hành Catholic Relief Services, chia sẻ rằng “Khi môi sinh bị khai thác thì người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng trầm trọng nhất”, những người trẻ này kể lại cách cộng đồng này đang loay hoay trong những khó khăn quá lớn.

“thiếu…” là những mảnh ghép lấm lem bụi đường mà những nhà truyền thông trẻ của JESCOM gửi đến cho người xem. Câu chuyện thường ngày ở những cộng đồng thiểu số như Làng Voong và Làng Chép, hay Làng Dak Sơ Mei, vẫn còn thiếu một chút tài nguyên con người – những con người kiến thiết và bồi đắp hơn là khai thác và tận diệt; thiếu một chút tài nguyên đạo đức xã hội – khi người ta chỉ muốn lấy đi hơn là để lại; thiếu một chút tài nguyên tài chính – khi những người dân ở đây không có phương tiện để cải thiện điều kiện sống của mình… Nước – có lẽ không phải là thứ duy nhất còn thiếu ở những vùng đất như thế này.

Cuối cùng, khi chúng ta nhận ra mình đang ngồi cùng nhau trên một con thuyền, dù cố phớt lờ những lỗ hổng nơi cuối thuyền, đẩy những người không có tiếng nói vào chỗ xấu nhất, thì khi con thuyền thế giới đắm, chúng ta sẽ chìm cùng nhau.

-Vi Cao-

Xem thêm

https://globalfundcommunityfoundations.org/wp-content/uploads/2019/04/AmbassadorJoseph_Summit_KeynoteAddress.pdf

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây