Phút Cầu Nguyện, Thứ Hai 29/04/2019

Thứ hai - 29/04/2019 02:11
Photo By HeungSoon

NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG

Quý vị và các bạn thân mến,

Hôm mùng 02.04 vừa qua là kỷ niệm đúng 14 năm ngày Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời.

Mãi mãi thế giới sẽ nhớ đến Đức Gioan Phaolô II như một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội. Người ta thường nhắc đến không biết bao nhiêu kỷ lục của ngài: ngài là vị giáo hoàng có triều đại dài nhất trong lịch sử Giáo hội, ngài là vị giáo hoàng đi lại nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội bước chân vào Hội đường của người Do thái và Đền thờ của người Hồi giáo, và nhất là ngài là nhân vật chính đã góp phần làm sụp đổ các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô. Quả thật, Đức Gioan Phaolô II sẽ mãi mãi được thế giới nhắc đến như một nhân vật lịch sử vĩ đại.

Tuy nhiên, giữa hào quang sáng chói ấy còn có một thứ hào quang hầu như không thấy được, làm nên sự vĩ đại đích thực của ngài: đó là hào quang của Khổ đau.

Hơn bất cứ một nhân vật lịch sử nào và ngay cả hơn bất cứ một vị giáo hoàng nào, Đức Gioan Phaolô II là người đã trải qua nhiều đau khổ nhất. Mới lên 3 tuổi đã mồ côi mẹ, chưa đầy 10 tuổi mất người anh thân yêu duy nhất, 18 tuổi mất người cha yêu dấu để rồi từ đó, hành trình đơn côi trên dương thế. Sau đó là những chuỗi ngày đau khổ dưới hai chế độ tàn bạo khủng khiếp nhất là Đức Quốc Xã và Cộng Sản.

Năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bị mưu sát, cái chết đến trong gang tấc. Kể từ đó, ngoài chứng bệnh Parkinson khiến ngài phải run lẩy bẩy và nói không rõ tiếng, ngài còn bị chứng u xơ ruột khiến phải vào nhà thương như cơm bữa. Cùng với bao nhiêu đớn đau trong thân xác, ngài còn trải qua bao nhiêu khổ tâm vì gánh nặng của vị chủ chăn Giáo hội hoàn vũ. Đức Gioan Phaolô II quả là vị giáo hoàng của Đau khổ.

Đớn đau trong thân xác, khổ đau trong tâm hồn, cho nên Đức Gioan Phaolô II đã có một tấm lòng ưu ái đặc biệt dành cho những người đau khổ. Trong bất cứ chuyến viếng thăm nào của ngài, người ta cũng luôn thấy những người bệnh tật ốm đau ở hàng ghế đầu trong đám đông. Trong sứ điệp đầu tiên ngỏ với toàn thế giới, năm 1978, Đức Gioan Phaolô II hướng đến các bệnh nhân và xin họ cầu nguyện cho ngài. Cũng trong ngày đầu tiên khi khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã đến bệnh viện Gemelli ở Roma và nhắc lại với các bệnh nhân rằng, cho dù bệnh tật và yếu đuối, họ mới thật sự là những người dũng mạnh, như chính Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá.

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II là một vị thánh, bởi vì ngài đã chịu đau khổ và nhất là đã nhận ra giá trị của khổ đau.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta vừa tưởng niệm Cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem. Với các phép lạ Ngài thực hiện, nhất là việc Ngài cho ông Lazarô sống lại, tiếng tăm của Ngài đã được đồn thổi khắp nơi. Nhằm ngày lễ Vượt qua của người Do thái, khách thập phương đổ xô về Giêrusalem. Trong số đó, có nhiều người Hy lạp. Nghe danh tiếng Chúa Giêsu, họ nhờ các thánh tông đồ đạo đạt để được yết kiến Ngài.

Danh vọng, quyền lực là điều mà người đời ai cũng thích và tìm kiếm. Nhưng khi những người Hy lạp muốn được gặp Ngài để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thì Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài. Với hình ảnh của hạt giống phải được gieo vào lòng đất mới trổ sinh hoa trái, Chúa Giêsu nói đến Cái Chết trên thập giá của Ngài. Ngài muốn nói rằng Vinh quang và Danh dự đích thực chính là Chết cho người khác.

Đây chính là nghịch lý của Tin mừng. Người đời coi trọng quyền lực, tiền bạc, tiếng tăm. Chúa Giêsu đề cao gương khiêm tốn, sự nghèo khó và hy sinh quên mình. Người đời xem bạo lực như phương thế để giải quyết các vấn đề. Chúa Giêsu xem Tình yêu là sức mạnh hùng mạnh nhất trong tay con người. Người đời xem bệnh tật và cái chết là những mất mát. Chúa Giêsu xem khổ đau như con đường dẫn vào vinh quang và sự sống đích thực.

Đó chính là nghịch lý của Tin mừng mà hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta đón nhận và sống theo ngõ hầu được sống và sống sung mãn.

Lạy Chúa, Chúa đã chết cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết đón nhận khổ đau và bước theo chân Chúa trong tinh thần tin yêu và hy sinh, hầu được phục sinh với Chúa và góp phần vào việc canh tân môi trường chúng con đang sống. Amen.

Duy An     

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây