Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Di Dân và Tị Nạn, 29/09/2019

Chủ nhật - 29/09/2019 10:05

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Di Dân và Tị Nạn, 29/09/2019

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ Ngày Di Dân và Tị Nạn, 29/09/2019 | Vatican Media

Sáng Chúa nhật 26 thường niên 29/09/2019, cũng là Ngày Thế Giới Di Dân và Tị nạn lần thứ 105, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự tham dự của gần 30 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo di dân thuộc các chủng tộc.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Theo Liên Hiệp Quốc, trên thế giới có gần 71 triệu người tị nạn 258 triệu người di dân.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 40 hồng y và giám mục, cùng với hàng trăm linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn đa chủng, họ mặc áo T-Shirt có in câu chủ đề ngày di dân năm nay là “Không phải chỉ là những người di dân” (Non si tratta solo di Migranti). Các áo có 5 loại màu khác nhau tượng trưng kinh Mân Côi truyền giáo: xanh dương, xanh lá cây, đỏ, vàng và trắng, 5 mầu cũng tượng trưng cho 5 châu lục. Các ca viên đến từ 9 nước: Rumani, Congo, Mêhicô, Sri Lanka, Philippine, Italia, Indonesia, Ấn độ, Peru.

Một chi tiết khác cũng nói lên sắc thái của ngày đặc biệt này, đó là hương trầm được đốt lên tại buổi lễ được đưa từ miền nam Ethiopia bên Phi châu, cụ thể là từ trại tị nạn Bokolmanyo, nơi có 40 ngàn người tị nạn sống cạnh dân bản xứ. Họ sản xuất hương theo một truyền thống có từ 600 năm nay và đây cũng là một kế sinh nhai của nhiều người tị nạn. Hương đốt trong thánh lễ được Hoàng thân Jaime de Bourbon de Parme, cựu đại sứ Hòa Lan cạnh Tòa Thánh, tặng cho Đức Thánh Cha. Hoàng thân hiện cộng tác với Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nhắc đến một số đoạn Sách Thánh nói đến sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa đối với những kiều dân, cùng với các góa phụ và cô nhi trong dân Chúa, họ là những người đặc biệt dễ bị tổn thương. Thiên Chúa dạy dân Israel hãy đặc biệt chú ý đến những người ấy và đừng ngược đãi hoặc bóc lột họ, vì họ là những người được Chúa bảo vệ. Như trong sách Đệ nhị luật có ghi rõ: Thiên Chúa của Israel là Đấng “thi hành công lý cho cô nhi và quả phụ. Ngài yêu thương kẻ ngoại kiều và ban cho họ bánh và y phục” (Đnl 10,18). Mối quan tâm yêu thương đối với những người kém may mắn được trình bày như một nét nổi bật nơi Thiên Chúa của Israel, và cũng là điều mà tất cả những người muốn thuộc về dân Chúa phải thi hành như một nghĩa vụ luân lý.

Đức Thánh Cha nói: “Đó là lý do tại sao chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến những người nước ngoài, cũng như đối với các góa phụ, cô nhi và tất cả những người bị gạt bỏ ngày nay. Trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 105, có lập lại như một điệp khúc đề tài “Không phải chỉ là người di dân”. Đúng vậy, không phải chỉ người nước ngoài, nhưng còn là tất cả những người ở ngoài rìa cuộc sống, cùng với những người di dân và tị nạn, họ là nạn nhân của thứ văn hóa gạt bỏ. Chúa yêu cầu chúng ta hãy thực hành đức bác ái đối với họ; Chúa yêu cầu chúng ta hãy tái lập nhân tính của họ, cùng với nhân tính của chúng ta, không loại trừ một ai, không để ai phải ở ngoài lề.”

Loại trừ những bất công ngày nay

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng “Cùng với việc thực thi bác ái, Chúa cũng yêu cầu chúng ta hãy suy nghĩ về những bất công tạo nên tình trạng loại trừ, đặc biệt về những đặc ân của thiểu số người, vì muốn bảo tồn những đặc ân ấy mà gây hại cho nhiều người. Đức Thánh Cha trích dẫn sứ điệp của ngài: “Thế giới hiện nay ngày càng trở nên duy ưu tú và tàn ác đối với những người bị gạt bỏ. Các nước đang trên đường phát triển tiếp tục bị bóc lột những tài nguyên thiên nhiên và nhân lực tốt nhất của họ để mưu lợi cho một số ít thị trường của những người được đặc ân. Chiến tranh chỉ xảy ra một số miền trên thế giới, nhưng những võ khí để thi hành chiến tranh ấy cũng được sản xuất và bán tại các vùng khác, những vùng sản xuất khí giới không muốn chịu gánh nặng những người tị nạn do các cuộc chiến tranh ấy gây ra. Người “lãnh đủ”, thiệt thòi nhất trong các cuộc chiến tranh vẫn luôn là những người nhỏ bé, nghèo nàn, những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị cấm cản không được ngồi vào bàn ăn và chỉ được hưởng những vụn bánh từ các bàn tiệc” (Sứ điệp 105).

Đừng chỉ lo cho bản thân, mà dửng dưng đối với người đau khổ

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Chính theo nghĩa đó, mà chúng ta phải hiểu những lời ngôn sứ Amos trong bài đọc thứ nhất hôm nay (6,1.4-7). “Khốn cho những kẻ vô tư và chỉ lo ăn chơi ở Sion, họ không bận tâm gì đến sự suy tàn của Dân Chúa, là điều đang hiển nhiên trước mắt mọi người. Họ không nhận thấy sự tan rã của Israel, vì họ quá bận tâm lo cho mình được sống thoải mái, cao lương mỹ vị, và đồ uống tinh chế.” Thật là điều gây ấn tượng mạnh, vì 28 thế kỷ đã trôi qua, mà những lời cảnh giác ấy vẫn giữ nguyên tính chất thời sự. Cả ngày nay, “thứ văn hóa sống sung túc [..] cũng làm cho chúng ta nghĩ đến bản thân, làm cho chúng ta vô cảm đối với tiếng kêu của những người khác [...], dửng dưng đối với tha nhân, hay đúng hơn là tiến đến sự hoàn cầu hóa sự dửng dưng” (Bài giảng tại Lampedusa 8-7-2013).

Và Đức Thánh Cha cảnh giác rằng: “Rốt cục chúng ta có nguy cơ cũng trở thành như người phú hộ mà bài Tin Mừng nói đến, ông ta chẳng để ý chăm sóc Lazzaro người nghèo khổ “bị ghẻ lở, chỉ mong được ăn những gì rơi từ bàn ăn xuống cho đỡ đói” (Lc 16,20-21)... Nhưng trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta không thể dửng dưng lãnh đạm trước những thảm cảnh nạn nghèo cũ và mới, những cảnh cô đơn tối tăm nhất, sự khinh rẻ và kỳ thị mà những người không thuộc “nhóm” chúng ta đang phải chịu. Chúng ta không thể tiếp tục thiếu nhạy cảm, với con tim bị gây mê, đứng trước tình trạng lầm than của bao nhiêu người vô tội. Chúng ta không thể không khóc, không thể không phản ứng.

Thực thi đức bác ái đối với tha nhân đau khổ

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Nếu chúng ta muốn là những người nam người nữ của Thiên Chúa, như thánh Phaolô yêu cầu môn đệ Timôtheo, chúng ta phải “tuân giữ giới răn một cách trọn vẹn, không có gì đáng trách” (1 Tm 6,14) và giới răn ở đây là mến Chúa yêu người. Không thể tách biệt 2 điều ấy! Yêu thương tha nhân có nghĩa là cảm thương trước đau khổ của anh chị em, đến gần, động chạm đến các vết thương của họ, chia sẻ tình cảnh, để biểu lộ cụ thể với họ sự dịu dàng của Thiên Chúa; có nghĩa là trở nên người thân cận của tất cả những người lữ hành bị hành hạ và bỏ mặc trên những nẻo đường thế giới, để thoa dịu những vết thương của họ và đưa họ đến nơi tiếp đón nhận nhất, nơi đó những nhu cầu của họ có thể đáp ứng”.

Chào thăm trước kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, lúc gần 12 giờ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Hồng y Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia đã đại diện mọi người, đặc biệt là những người di dân, kính chào Đức Thánh Cha.

Về phần Đức Thánh Cha, ngài chào thăm các tín hữu đã đến cầu nguyện trong thánh lễ này, qua đó “chúng ta muốn canh tân mối quan tâm của Giáo Hội đối với những lớp người dễ bị tổn thương đang di động; hiệp với tất cả các giáo phận trên thế giới, chúng ta đã cử hành Ngày Thế Giới di dân và tị nạn, để tái khẳng định sự cấp thiết phải làm sao để không một ai bị loại trừ khỏi xã hội, dù là công dân đã cư ngụ từ lâu hay là người mới đến.”

Đức Thánh Cha cho biết ngài cuối lễ này ngài khánh thành tượng 140 di dân có chủ đề là 1 câu trích từ thư gửi Tín Hữu Do thái: “Anh em đừng quên lòng hiếu khách; một số người thực hành đức tính này mà không biết là họ đã đón tiếp các thiên thần” (13,2). Pho tượng bằng đồng và đất sét này diễn tả một nhóm di dân thuộc nhiều nền văn hóa và thời kỳ lịch sử. Đức Thánh Cha muốn đặt pho tượng ở Quảng trường Thánh Phêrô này để nhắc nhở cho mọi người thách đố Tin Mừng về sự đón tiếp.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc đối gặp gỡ đối thoại toàn quốc Thứ Hai 30/09 này tại Camerun bên Phi châu, để tìm một giải pháp cho cuộc khủng khoảng từ nhiều năm nay đang đè nặng trên đất nước này. Ngài nói: “Tôi cảm thấy gần gũi những đau khổ và hy vọng của nhân dân Camerun yêu quý và tôi mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện để cuộc đối thoại này có thể mang lại thành quả và dẫn tới những giải pháp hòa bình công chính và lâu bền cho tất cả mọi người”.

Nước Camerun gồm 2 phần: phần nói tiếng Pháp chiếm đa số và phần nói tiếng Anh. Dân vùng nói tiếng Anh từ lâu vẫn than là bị thiệt thòi và vì thế họ tìm cách ly khai để trở thành một nước độc lập. Nhưng chủ trương này bị chính quyền trung ương Camerun bác bỏ và đàn áp. Từ đó xảy ra những cuộc chiến du kích và những cuộc chống phá.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây