Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ hôm 15 tháng Giêng. Nguyên ngữ tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Pope Francis, Pope Emeritus Benedict and the ‘Secret Magisterium’

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđíctô và ‘Huấn quyền bí mật’

Cha Raymond J. de Souza


Bình luận: Tại sao một số báo chí Công Giáo cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đang lũng đoạn Đức Giáo Hoàng về luật độc thân linh mục trong khi hai người đồng ý với nhau?

Một thỏa thuận mạnh mẽ đã nổ ra ở Rôma, có đủ cả những màn cay đắng và tố cáo. Cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah – hay sau đó là Đức Hồng Y Sarah với sự đóng góp của Đức Bênêđíctô XVI – đã gây nên biết bao những cuộc tranh luận về ai là tác giả. Edward Pentin duyệt qua chuyện đó ở đây.

Nhưng câu hỏi khó hiểu hơn là: Tại sao báo chí Công Giáo cấp tiến cho rằng Đức Bênêđíctô đang thao túng Đức Giáo Hoàng Phanxicô về luật độc thân linh mục trong khi hai người đồng ý với nhau? Những chống đối của những người được coi là có những mối liên hệ nội bộ với Đức Thánh Cha Phanxicô như Austen Ivereigh, tác giả hai cuốn tiểu sử về Đức Thánh Cha; Gerard O'Connell của tạp chí American, cùng với vợ, là nhà báo người Á Căn Đình Elisabetta Piqué, đã là bạn của Đức Giáo Hoàng ngay cả trước cuộc bầu cử ngài lên ngôi Giáo Hoàng cho rằng việc Đức Bênêđíctô bảo vệ luật độc thân linh mục đang làm trở ngại cho chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Một số người gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như nghĩ rằng những gì ngài nói không phải là những gì ngài nghĩ. Do đó, đồng ý với các tuyên bố công khai của ngài thực sự lại là bất đồng với những suy nghĩ riêng tư của ngài; là đối kháng với một ‘huấn quyền bí mật’ mà chỉ một số ít được đặc quyền biết đến.

Ơn cứu rỗi nhờ có một kiến thức bí mật là chủ trương của một dị giáo cổ xưa gọi là bè Ngộ Đạo. Vào năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành một đoạn dài trong Tông huấn về sự thánh thiện, Gaudete et Exultate – Mừng rỡ Hân hoan – để lên án các hình thức mới của thuyết Ngộ Đạo.

Ngài viết: “Thuyết Ngộ Đạo là một trong những hệ tư tưởng nham hiểm nhất, bởi vì, nó vừa tán dương một kiến thức hoặc một kinh nghiệm cụ thể, vừa coi cái nhìn riêng ấy về thực tại là tiêu biểu cho sự hoàn thiện. Như thế, có thể là người theo hệ tư tưởng này không hề ý thức được điều ấy, cứ tự loay hoay với mình, đến độ ngày càng trở nên thiển cận hơn.” (số 40)

Nhưng đó chỉ là những gì ngài viết trong một tài liệu giảng dạy chính thức. Có thể đó không phải là những gì ngài nghĩ, và những người ủng hộ ngài ồn ào trên các phương tiện truyền thông mới biết rõ những gì ngài thực sự nghĩ. Họ không phải là những kẻ ý thức hệ hay thiển cận, nhưng là những người sở hữu cái nhìn sâu sắc hơn của một thiểu số có đặc quyền. Có thể Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự ủng hộ thuyết Ngộ Đạo và các nhà báo tiến bộ có được cái giác ngộ ấy.

Những người chỉ trích cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah về luật độc thân linh mục đã đi xa đến mức cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đang đưa ra một “huấn quyền song song”. Đó là một tuyên bố quá mạnh; cùng lắm Đức Bênêđíctô chỉ đưa ra một “sự tăng cường cho huấn quyền” trao ra chiều sâu thần học tuyệt vời của ngài để củng cố lập luận mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một cách thoáng qua.

Chính những nhận xét – trên chuyến bay trở về từ Panama vào tháng Giêng năm 2019 và gần đây hơn khi kết thúc Thượng Hội Đồng Amazon vào tháng 10 – đã được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh trích dẫn để trả lời trực tiếp về cuốn sách của Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mượn câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô Đệ Lục, rằng ngài “thà mất mạng” hơn là thay đổi đòi buộc độc thân linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể cho phép một ngoại lệ được tạo ra cho những vùng xa xôi – Quần đảo Thái Bình Dương là ví dụ mà ngài đề cập đến – nhưng ngài phản đối biến độc thân thành một tùy chọn cho các linh mục.

Đức Bênêđíctô XVI, cũng như người tiền nhiệm của ngài là Thánh Gioan Phaolô II, đã đưa ra một ngoại lệ, cho các cựu giáo sĩ Tin lành đã kết hôn muốn trở thành linh mục Công Giáo. Đức Bênêđíctô cũng cho phép ngoại lệ đặc biệt được thực hiện trong các “giáo hạt tòng nhân” được thiết lập cho các cựu tín hữu Anh giáo.

Vì thế, nếu Đức Bênêđíctô ủng hộ Đức Phanxicô và chính các quan chức truyền thông của Tòa Thánh cũng đưa ra quan điểm đó, thì tại sao có sự kích động trong giới báo chí Công Giáo cấp tiến cho rằng Đức Bênêđíctô mâu thuẫn với những gì Đức Phanxicô thực sự nghĩ trong huấn quyền bí mật của ngài?

Có bốn lý do: Tiến trình công nghị tại Đức; Tông huấn Amoris Laetitia; vấn nạn lạm dụng tình dục; và vấn đề đồng tính luyến ái – trong tất cả các trường hợp này một số người tin rằng có một thứ huấn quyền bí mật đang hoạt động.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh định rất rõ vào tháng Sáu năm ngoái – và sau đó trong mùa hè được các cơ quan của Vatican khuếch đại thêm – rằng ngài không muốn thấy “tiến trình công nghị” ở Đức hiện đang được tiến hành như một “công nghị có hiệu quả ràng buộc”, trong đó người Đức sẽ tân trang giáo lý Công Giáo và kỷ luật một cách độc lập với Giáo hội hoàn vũ. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, đã gặp Đức Giáo Hoàng và xua tan những lo ngại của ngài như các âu lo vô căn cứ. Công nghị tại Đức đã được tiến hành. Đức Giáo Hoàng chính thức chống lại nó; nhưng Đức Hồng Y Marx tuyên bố rằng ngài bí mật OK với nó.

Trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình trước khi công bố Tông huấn Amoris Laetitia vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng tín lý sẽ không bị thay đổi. Bản thân tài liệu không thay đổi bất kỳ tín lý nào. Các giám mục được yêu cầu cung cấp các hướng dẫn cho các giáo phận của các ngài. Một số đã làm như vậy trong sự liên tục với giáo lý và kỷ luật Công Giáo. Những người khác bị thu hút bởi một chú thích mơ hồ đã tách biệt khỏi cùng một giáo lý và kỷ luật. Những người trước thì dõi theo huấn quyền; còn những người sau dường như cảm thấy mình phải đi theo huấn quyền bí mật.

Lạm dụng tình dục liên quan nhiều đến việc quản trị hơn là giáo huấn của huấn quyền, nhưng nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng. Đã có một số sáng kiến được thông báo mà sau đó không được thực hiện. Các quan chức đã làm theo những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành bằng văn bản, hay những gì ngài bí mật mong muốn?

Vấn đề đồng tính luyến ái đã đưa ra một tương đương với khẩu hiệu “Đừng sợ” của Thánh Gioan Phaolô II cho triều đại giáo hoàng này: “ Tôi là ai mà phán xét?” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng giáo huấn trong sách Giáo Lý cũng là giáo huấn của ngài và đã mạnh mẽ lên án những gì ngài gọi là “ý thức hệ giới tính”. Tuy nhiên, những người ủng hộ cái ý thức hệ giới tính ấy như Cha James Martin, linh mục Dòng Tên, tuyên bố Đức Thánh Cha có cảm tình với chủ trương ủng hộ tích cực cho ‘LGBT’ của mình, trong đó tuyên bố rằng ngôn ngữ của sách Giáo lý là sai lầm. Chữ “T” của transgender [người chuyển giới] không thể tìm thấy một âm tiết hỗ trợ nào trong mọi ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự nghĩ gì? Báo chí cấp tiến nại đến huấn quyền bí mật của ngài để nói ngược lại với những gì Đức Thánh Cha thực sự nói.

Báo chí cấp tiến đang làm cho Đức Thánh Cha trở thành một mâu thuẫn rất lớn, khiến người ta nghĩ rằng ngài đang lừa đảo hoặc thao túng hoặc lừa dối, dạy một điều ở nơi công cộng và thúc đẩy một điều khác trong chốn riêng tư. Chúng ta phải trân trọng ngài hơn khi tin rằng Đức Thánh Cha nói những gì ngài tin là đúng.

Không có cái gọi là huấn quyền bí mật. Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah hoàn toàn phù hợp với giáo huấn Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng vậy.


Source:National Catholic RegisterPope Francis, Pope Emeritus Benedict and the ‘Secret Magisterium’