Tâm Tình Với Chúa

Thứ bảy - 04/01/2020 08:21
Tâm Tình Với Chúa
Nguyễn Hoài Huy


Điều mà các cụ ông cụ bà cũng như các bậc trung niên thường nhắc nhở tôi đó là phải siêng năng cầu nguyện. Quả thế, đối với họ, cầu nguyện giống như hơi thở, một thứ không thể thiếu trong đời sống của họ. Tôi luôn bị đánh động bởi lòng đạo đức của họ. Tuy nhiên, cầu nguyện lại là một điều gì đó có vẻ xa lạ và vô bổ đối với một số bạn trẻ ngày nay. Tạ ơn Chúa vì các bạn còn chịu đến nhà thờ ngày Chúa Nhật. Còn về đời sống cầu nguyện riêng tư với Chúa thì không biết như thế nào. Có nhiều lý do dẫn đến hiện trạng này. Có thể do công việc quá bận bịu nên các bạn không có thời gian dành riêng cho Chúa. Có thể do các bạn không có được thói quen cầu nguyện trong gia đình, vì hiện nay rất ít có gia đình nào đọc kinh chung giống như thời xưa. Có thể do Đức Tin của các bạn chưa được đào sâu bởi thiếu kiến thức Giáo lý vì nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên, lý do chính yếu nhất, theo tôi, là vì các bạn chưa thực sự hiểu cầu nguyện là gì. Nhiều người vẫn nghĩ rằng cầu nguyện là phải tới nhà thờ, nhà nguyện, hay phải ở trước bàn thờ, phải theo một công thức nhất định như là đọc Kinh Thánh hay những kinh mà Hội Thánh dạy,... Những điều vừa kể trên không sai, nhưng quá hạn hẹp khi nói về cầu nguyện. Một cách đơn giản, cầu nguyện là tâm tình với Chúa, là thủ thỉ với Chúa những vui buồn của cuộc sống, vì Chúa ở trong ta. Đây là lời cầu nguyện rất đẹp lòng Chúa, vì Chúa luôn muốn ta trở nên thân mật với Ngài. Chỉ có thân mật thì ta mới dám thủ thỉ với Chúa những gì đang xảy ra trong cuộc sống của ta. Ta xem Chúa giống như một người bạn rất thân, hay một ai đó mà ta có thể dễ dàng chia sẻ những nỗi niềm của mình. Luôn nhớ rằng Chúa ở rất gần với ta. Thánh I-nha-xi-ô nhắc nhở chúng ta hãy tìm Chúa trong mọi sự. Chúng ta hãy tập sống trong sự hiện diện của Chúa ở mọi nơi mọi lúc.

Thật vậy, nếu cầu nguyện đơn giản chỉ là tâm tình với Chúa, thì ta có thể cầu nguyện bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào: lúc thức dậy hay trước khi ngủ, khi đang lái xe hay dạo bộ một mình, khi đang làm việc hay lúc nghỉ giải lao...Một ngày có 24 tiếng, chúng ta dành khoảng 7-8 tiếng để ngủ, còn lại 16-17 tiếng. Trong khoảng thời gian này, chẳng lẽ chúng ta không dành được một ít phút để tâm tình với Chúa sao? Nếu bạn không làm được điều này , liệu bạn có ích kỹ với Chúa quá không? Chúng ta không cần phải nói với Chúa quá dài nếu như chúng ta thực sự không có thời gian, Chúa hiểu điều đó. Nhưng dành một vài giây phút để nói với Chúa lời tạ ơn vì một điều tốt vừa đến, hoặc xin Chúa ban ơn để bắt đầu một việc gì đó, hoặc nói than thở Chúa về một chuyện buồn vừa xảy ra. Những điều đơn giản như thế thôi cũng đủ để ta sống trong sự hiện diện của Chúa rồi, vì chúng ta tin rằng Chúa ở khắp mọi nơi. Cứ chia sẻ với Chúa tất cả những gì bạn đang suy nghĩ, ưu tư trong lòng, và nếu như bạn tập trung lắng nghe, bạn sẽ nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn bạn, đôi lúc bạn sẽ tìm được câu trả lời cho những ưu tư của mình.

Một điều nữa mà Thánh I-nha-xi-ô luôn nhắc nhở chúng ta làm, đó là việc xét mình. Trước khi đi ngủ, chúng ta hãy dành một vài phút thịnh lặng nhìn lại ngày sống của mình: tạ ơn Chúa về những điều tốt mình nhận được, xin lỗi Chúa vì những điều chưa tốt mình đã làm, phó thác cho Chúa những dự định tương lai. Chúng ta không sống trong quá khứ vì chúng không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Chúng ta phải sống phút hiện tại và hướng về tương lai. Tuy nhiên, nếu chúng ta sống mà không bao giờ biết nhìn lại những điều đã qua thì chúng ta sẽ không học được gì cả. Nhìn lại quá khứ giúp chúng ta biết được điều gì tốt nên phát huy và điều gì xấu nên cải thiện. Chúa luôn muốn chúng ta nên thánh mỗi ngày và ơn Chúa đủ cho ta để làm được điều đó. Quan trọng là ta cố gắng như thế nào thôi.

Kêu gọi mọi người cầu nguyện theo cách này không phải là xem nhẹ những cách cầu nguyện khác, như Thánh Lễ, suy niệm lời Chúa, lần chuỗi, hay đọc các kinh khác, vì đây là những việc đạo đức tuyệt vời và có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, đối với một thực tế quá bận rộn như ngày nay thì hiểu cầu nguyện như một cách tâm tình với Chúa mọi lúc mọi nơi giúp cho mọi Kitô hữu vẫn có thể sống mật thiết với Chúa khi phải chu toàn những trách nhiệm nặng nề khác trong cuộc sống. Chúa là Đấng Nhân Từ, Ngài hiểu hết tất cả mọi hoàn cảnh của ta, và Ngài luôn chờ mong ta đến với Ngài bằng nhiều cách thức khác nhau. Hãy tâm tình với Chúa mọi lúc mọi nơi và về mọi sự trong cuộc sống của bạn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây