Đức Thánh Cha lên đường bắt đầu chuyến tông du thứ 32

Thứ ba - 19/11/2019 20:52

Đức Thánh Cha lên đường bắt đầu chuyến tông du thứ 32

Đức Thánh Cha lên đường bắt đầu chuyến tông du Thái Lan và Nhật Bản. | Vatican Media

Lúc 6 giờ chiều ngày 19/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Roma, bắt đầu chuyến tông du thứ 32 dài 1 tuần tại hai nước Thái Lan và Nhật Bản cho đến chiều Thứ Ba, 26/11 tới đây.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 7 và cũng là chuyến đi cuối cùng ngài thực hiện trong năm 2019 này.

Ra đến Phi trường Fiumicino lúc gần 7 giờ, ngài được các vị đặc trách phi trường tiễn biệt, trước khi bước lên chiếc máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia chờ sẵn. Cùng đi với Đức Thánh Cha có khoảng 30 người thuộc đoàn tùy tùng trong đó có Đức Hồng y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Edgar Pena Parra, người Venezuela, và Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo.

Theo thói quen, ít lâu sau khi máy bay cất cánh, Đức Thánh Cha xuống phần sau của máy bay, chào thăm, cám ơn và chụp hình lưu niệm với khoảng 70 ký giả Italia và quốc tế cùng đi trong chuyến bay, rồi ngài dùng bữa tối, trước khi qua đêm.

Hiện tình Giáo Hội tại Thái Lan

Chặng dừng đầu tiên của Đức Thánh Cha sẽ là Bangkok, thủ đô gần 9 triệu dân cư của Thái Lan, nơi ngài sẽ đến vào lúc 12 giờ trưa Thứ Tư, ngày 20/11, theo giờ địa phương, sau khi vượt qua 9.350 cây số trong 11 tiếng rưỡi đồng hồ.

Hơn 90% dân Thái là tín đồ Phật giáo Theravada hay cũng gọi là Phật giáo nguyên thủy, và có từ 4 đến 5% là tín hữu Hồi giáo.

Sau 350 năm truyền giáo, Cộng đoàn Công Giáo tại đây vẫn còn là một thiểu số rất nhỏ bé, với 389 ngàn tín hữu trên tổng số 65 triệu 500 ngàn dân cư, tương đương với 0,59%, theo thống kê của Tòa Thánh. Các tín hữu thuộc 11 giáo phận với 16 giám mục, và 840 linh mục triều và dòng, không có phó tế vĩnh viễn nào. Ngoài ra, có 123 tu huynh và 1.450 nữ tu. Cả nước có 306 đại chủng sinh và 770 tiểu chủng sinh.

Phần lớn các tín hữu Công Giáo Thái thuộc các bộ tộc thiểu số ở địa phương hoặc là những người nhập cư như người Việt và Hoa. Số các tín hữu Kitô không Công Giáo cũng chiếm khoảng 0,5% dân Thái, phần lớn thuộc sắc tộc Karen và Shan, theo các Giáo Hội Tin Lành như Baptist miền nam, Giáo Hội của Chúa Kitô, hay Giáo Hội Cơ đốc Phục Lâm.

Sự dấn thân của Công Giáo Thái

Tuy là thiểu số nhưng Giáo Hội Công Giáo Thái hoạt động rất tích cực và được quý chuộng trong lãnh vực y tế, giáo dục và xã hội. Tại Thái, có khoảng 426 trường Công Giáo với hơn 450 ngàn học sinh. Giáo Hội cũng dấn thân nhiều trong việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, như người di dân và tị nạn, kể cả những người tị nạn Rohingya Hồi giáo từ Myanmar.

Sự dấn thân của Công Giáo Thái cho hòa bình và đối thoại tuy kín đáo nhưng cũng đặc biệt năng động. Đứng trước những xung đột và tình thế chính trị trở nên cực đoan, Giáo Hội Công Giáo nhiều lần tuyên bố không muốn đứng về phe nào, nhưng ủng hộ đối thoại và kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo, là điều cần thiết để có thể thi hành việc phụng tự và các công tác xã hội, giáo dục, từ thiện góp phần xây dựng công ích của đất nước.

Giáo Hội Công Giáo tại Thái đang mừng kỷ niệm 350 năm thành lập giáo phận đại diện Tông Tòa Xiêm La năm 1669. Chi tiết quan trọng này được ghi trên huy hiệu (logo) cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thái Lan.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây