Thứ Hai tuần 5 thường niên

Chủ nhật - 09/02/2020 07:24

Thứ Hai tuần 5 thường niên. – Thánh Côláttica, trinh nữ. Lễ nhớ.

"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

 

* Thánh nữ là em của thánh Biển Đức, nhà lập luật cho các đan sĩ Tây phương. Thánh nữ chào đời ở Nuốc-xi-a, nước Ý, khoảng năm 480. Thánh nữ sống đời thánh hiến ở chân núi Cátxinô, nơi thánh Biển Đức đã lập ra một đan viện nổi tiếng. Thánh nữ qua đời không bao lâu trước anh người (+ năm 547).

Chính vì thế, các nữ đan sĩ Biển Đức tôn kính thánh nữ Côláttica như người mẹ tinh thần của mình.

 

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.

Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

 

 

Suy Niệm 1: Chạm đến thì được khỏi

Suy niệm:

Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:

sờ, mó, đụng, chạm, rờ…

Xúc giác là một trong năm ngũ quan.

Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.

Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.

Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.

Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:

“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!

Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).

Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:

nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,

không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).

Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,

nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.

Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:

“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,

Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).

Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.

Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.

“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.

Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).

Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.

Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,

mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;

và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).

Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.

Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).

Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.

Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,

cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.

Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.

Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.

Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo

nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.

 

Cầu nguyện :

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,

vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,

con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con

mà con lại không ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen. (Thánh Âu-Tinh)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Chấp nhận bị quấy rầy

Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.

Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.

Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.

Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Phép lạ xảy ra hằng ngày

Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc. 6, 54-55)

Sách Sáng thế ký kể rằng lần đầu tiên ánh sáng chiếu dọi vào trái đất còn trống trải và mông lung. Ánh sáng là tốt đẹp, là phản ánh của Thiên Chúa. Ánh sáng cho sự sống, tô mầu cho vạn vật và con người, đem nguồn vui đến các tâm hồn.

Giờ đây Chúa Giêsu đang ở miền Ghê-nê-xa-rét, vùng dân ngoại mà người Do thái vẫn coi là chốn tối tăm, ở giũa những con người ốm đau tật nguyền. Người là ánh sáng trần gian và ánh sáng là sự sống.

Bệnh tật cho người ta kinh nghiệm về sự yếu đuối, sự bất lực của con người đối với người đau ốm. Những phù phép và mê tín dị đoan không làm cho người ta khỏi bệnh.Tình yêu thương mới có thể chữa lành khi người ta có khả năng tin tưởng vào tình yêu ấy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu chỉ dùng lời nói và sự hiện diện thể lý của Người mà chữa bệnh cho người ta. Người cầm tay hay chạm đến kẻ chết, kẻ chết sống lại. Chỉ cần biết rằng Người đang ở đó. Ngay cả hôm nay, Đức Kitô phục sinh vẫn đang ở giữa chúng ta, Người vẫn là ánh sáng duy nhất, là sự sống vĩnh hằng.

Người quan tâm đến chúng ta, Người yêu thương chúng ta… Ta hãy đến với Người cùng với những tầm thường, yếu đuối thể xác và tâm hồn của ta, giống như một đứa trẻ nương tựa vào cha mình, quẳng đi mọi lo âu để chỉ biết rằng cha đang ở đó.

Nếu ta tiếc rẻ không được sống vào thời đó để có thể chạm đến tua áo choàng của Người hầu được khỏi bệnh, là bởi ta thiếu lòng tin. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta đọc lời, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Hoặc là chúng ta không biết mình mắc bệnh gì cần được chữa khỏi. Hoặc là chúng ta không tin vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu.

Dẫu sao, hôm nay cũng như trong những ngày còn rao giảng Phúc âm, Chúa Giêsu đều nói với chúng ta rằng Cha chúng ta vẫn chăm sóc ta trong mọi giây phút cuộc đời, rằng phép lạ vẫn xảy ra thường ngày để chữa lành những tật bệnh của ta nếu ta biết chú ý đến tình yêu của Người. Đó là tình yêu khiến ta được an bình thanh thản, mang lại cho ta ơn lành mạnh tâm hồn, hơn là sức khỏe phần xác.

 

Suy Niệm 4: GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO (Mc, 6, 53-56)

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc... Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành...”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Bệnh tật

Để cầu nguyện với bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta nên hình dung ra khung cảnh người ta cáng bệnh nhân đến với Đức Giê-su :

Người đi tới đâu, vào làng mạc,
thành thị hay thôn xóm nào,
người ta cũng đặt kẻ ốm đau
ở ngoài đường ngoài chợ. 
(c. 56)

Hình ảnh ngoài đường ngoài chợ, đầy các bệnh nhân, diễn tả thân phận loài người chúng ta thuộc mọi thời, bởi vì không ai trong chúng ta có thể tránh được bệnh tật.

Ngày nay, chúng ta không còn thấy các bệnh nhân ngoài đường ngoài chợ như thế, nhưng không vì thế mà không còn các bệnh nhân. Ngược lại, các bệnh nhân có thể có nhiều hơn xưa, chẳng hạn ở các trung tâm hành hương và trong các bệnh viện, vì có những căn bệnh mới, thậm chí bệnh nan y, nhất là trong thời gian dịch bệnh. Và trong số những người bệnh, chắc chắn cũng có những người thân yêu của chúng ta, những người bạn, và những người chúng ta quen biết.

 2. « Chạm đến tua áo choàng của Người »

Ai trong chúng ta cũng biết và có kinh nghiệm nữa, người bệnh không chỉ cần được chữa lành, tìm lại được sức khỏe, nhưng còn cần sự hiện diện, tình liên đới, lời cầu nguyện và sự cảm thông[1]. Và trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ cần như thế thôi.

Vì thế, khi nhìn ngắm cách người bệnh được Đức Giê-su chữa lành, chúng ta được mời gọi cảm nếm tình thương nhưng không Đức Giê-su dành cho người bệnh. Thật vậy, khi người ta xin Người cho những người bệnh ít là được chạm đến tua áo choàng của Người, và

Bất cứ ai chạm đến,
thì đều được khỏi. 
(c. 56)

Ngài cảm thương người bệnh một cách nhưng không, vô điều kiện, Ngài cảm thương thân phận loài người chúng ta biết bao. Và chắc chắn, Ngài vẫn còn cảm thương hôm nay và mỗi ngày, bởi vì không phải chúng ta cố đụng vào Người, nhưng chính Người đích đến đụng vào chúng ta, như lời Thánh Vịnh diễn tả : « Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con » (Tv 139, 5), và trở nên một với chúng ta trong bí tích Thánh Thể :

Hãy ở lại trong Thầy,
như Thầy ở lại trong anh em. 
(Ga 15, 4)

 3. Chữa lành bằng Thập Giá

Đức Giê-su chữa nhiều người bệnh, nhưng Ngài đã không chữa hết mọi người bệnh vào thời của Ngài, hết mọi người bệnh trong nhân loại, và nhất là không lấy đi nỗi đau khổ do bệnh tật khỏi thân phận con người. Ngược lại, Ngài lại ngang mang vào mình không chỉ bệnh tật nhưng trọn vẹn thân phận con người và đưa lên Thập Giá.

Ngài làm thế, để mời gọi chúng ta tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, dù thân phận và nỗi đau của mỗi người có như thế nào ; vì chính Ngài cũng đã đón nhận thân phận bi đát nhất và nỗi đau lớn nhất của con người : thân xác Người nát tan trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, như một người bệnh và còn đau đớn hơn người bệnh ; và Người không chỉ đau đớn trong thân xác, nhưng cả mang cả vào mình nỗi đau bị bỏ rơi :

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con ? 
(Tv 22, 2)

Nhưng với mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su mặc khải cho loài người chúng ta rằng, thân phận con người, dù có như thế nào, không phải là ngõ cụt, nhưng là con đường dẫn đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Và sự sống viên mãn này đã được gieo và lớn lên rồi, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, ngay trong cuộc sống hôm nay, ngay giữa lòng đau khổ và bệnh tật, khi chúng ta sống không chỉ bởi sức khỏe và tất cả những gì liên quan đến sức khỏe, nghĩa là các phương tiện, nhưng còn bởi và mãi mãi bởi Lời và Mình Thánh của Người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

– Có thể đọc các bài suy niệm « Sáng tạo bằng Lời » (St 1) và « Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con » (Tv 22).

[1] Xem Thông Báo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus Corona”, ngày 02/02/2020.

 

Nhiều người được lành mạnh – SN ngày 10.02.2020

 

Monday (February 10):  “Many were made well”

Scripture:  Mark 6:53-56

53 And when they had crossed over, they came to land at Gennesaret, and moored to the shore. 54 And when they got out of the boat, immediately the people recognized him, 55 and ran about the whole neighborhood and began to bring sick people on their pallets to any place where they heard he was. 56 And wherever he came, in villages, cities, or country, they laid the sick in the market places, and besought him that they might touch even the fringe of his garment; and as many as touched it were made well.

Thứ Hai    10-2           Nhiều người được lành mạnh

 

Mc 6,53-56

53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ.54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Meditation: 

Do you recognize the Lord’s presence in your life? The Gospel records that when Jesus disembarked from the boat the people immediately recognized him. What did they recognize in Jesus? A prophet, a healer, the Messiah, the Son of God? For sure they recognized that Jesus had power from God to heal and to make whole bodies, limbs, minds, and hearts that were beset with disease, affliction, and sin. What happened when they pressed upon him and touched the fringe of his garment? They were made well. The Lord Jesus is ever ready to meet our needs as well. Do you approach him with expectant faith?

 

Do you recognize the Lord’s presence with you and the power of his word for your life?

Faith is an entirely free gift which God makes to us through the power of the Holy Spirit. Believing and trusting in God to act in our lives is only possible by the grace and help of the Holy Spirit who moves the heart and converts it to God. The Holy Spirit opens the eyes of the mind and helps us to understand, accept, and believe God’s word. How do we grow in faith? By listening to God’s word with trust and submission. Faith also grows through testing and perseverance. The Lord wants to teach us how to pray in faith for his will for our lives and for the things he wishes to give us to enable us to follow him faithfully and serve him generously.

 

 

 

Do you seek the Lord Jesus and put his kingdom first?

Jesus gave his disciples the perfect prayer which acknowledges God as our Father who provides generously for his children. The Lord’s prayer teaches us to seek first the kingdom of God and to pray that God’s will be accomplished in our lives. The Lord in turn, gives us what we need to live each day for his glory. The Lord is never too distant nor too busy to meet us and to give his blessing. Do you pray to the Father with confidence that he will show you his will and give you what you need to follow him? Ask the Lord to increase your faith and gratitude for his merciful love and provision for your life.

 

 

 

 

 

“Lord Jesus, let my heart sing for joy in your presence. Give me eyes of faith to recognize your presence and fill me with your Holy Spirit that I may walk in your way of love and peace.”

Suy niệm:

Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình không? Tin mừng kể rằng khi Ðức Giêsu vừa xuống khỏi thuyền thì người ta lập tức nhận ra Người. Người ta đã nhận ra điều gì nơi Ðức Giêsu? Một ngôn sứ, một người chữa lành, Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa chăng? Chắc hẳn họ đã nhận ra rằng Ðức Giêsu có uy quyền từ Thiên Chúa để chữa lành cả thân xác, tay chân, tâm trí, và tâm hồn bị bao vây bởi bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi. Điều gì đã xảy ra khi họ chen lấn Người và đụng vào tua áo của Người? Họ được chữa lành. Chúa Giêsu cũng luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của chúng ta nữa. Bạn có đến gần Người với đức tin kiên vững không?

Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa với bạn và sức mạnh của lời Người cho đời sống bạn không?

Đức tin là một ơn sủng hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Việc tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa để hoạt động trong cuộc đời chúng ta chỉ có thể do ơn sủng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đánh động tâm hồn và hướng nó về với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần mở mắt tâm trí và giúp chúng ta hiểu biết, chấp nhận, và tin tưởng vào lời Chúa. Làm thế nào chúng ta lớn lên trong đức tin? Bằng cách lắng nghe lời Chúa với sự tin cậy và vâng phục. Đức tin cũng lớn lên ngang qua sự thử thách và kiên trì. Chúa muốn dạy chúng ta cách cầu nguyện trong đức tin về thánh ý Người dành cho cuộc đời chúng ta và cho những điều Người muốn ban cho chúng ta để giúp chúng ta bước theo Người cách trung tín và phụng sự Người cách quảng đại.

Bạn có tìm kiếm Chúa Giêsu và coi vương quốc của Người là ưu tiên hàng đầu không?

Ðức Giêsu ban cho các môn đệ lời cầu nguyện tuyệt hảo, biết được Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng quan phòng cách quảng đại cho con cái. Lời cầu nguyện của Chúa dạy chúng ta trước hết tìm kiếm nước Thiên Chúa và cầu nguyện cho ý Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng ta. Về phần Người, Chúa ban cho chúng ta những gì cần thiết để sống mỗi ngày cho vinh quang của Người. Chúa không bao giờ quá xa cách hay quá bận rộn đến nỗi không gặp gỡ chúng ta và ban phát phúc lành của Người. Bạn có cầu nguyện với Chúa Cha với lòng tự tin rằng Người sẽ bày tỏ cho bạn ý Người và ban cho bạn những gì bạn cần để đi theo Người không? Hãy cầu xin Chúa gia tăng đức tin và lòng biết ơn của bạn về tình yêu thương xót và sự quan phòng của Người dành cho cuộc đời bạn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho lòng con hát lên vì niềm vui trong sự hiện diện của Chúa. Xin cho con cặp mắt đức tin để nhận ra sự hiện diện của Chúa và lấp đầy con Thánh Thần của Chúa để con có thể bước đi trong đường lối tình yêu và bình an của Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây