Thứ Sáu tuần 25 thường niên.

Thứ năm - 24/09/2020 08:35

Thứ Sáu tuần 25 thường niên.

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

 

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”

Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”.

Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

 

 

SUY NIỆM 1: Anh em bảo Thầy là ai?

Suy niệm :

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,

trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.

“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).

Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.

Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).

Điều đó đúng nhưng không đủ.

Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).

Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”

Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,

nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.

Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).

Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô

hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.

Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.

Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,

cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.

Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).

Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.

Phêrô đã đi theo Mêsia nào?

Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,

ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?”

Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.

Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.

Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,

và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,

bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.

Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.

Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,

để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.

Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.

Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.

Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.

Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.

Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,

xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.

Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình

để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.

Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,

và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.

Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,

xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

 

Cầu nguyện :

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

SUY NIỆM 2: ĐẾN THỜI ĐẾN BUỔI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sau thời gian lưu đầy, dân Ít-ra-en chán nản. Vì Đền Thờ xưa kia lộng lẫy nguy nga. Nhưng nay đã điêu tàn xiêu vẹo. Chúa khích lệ họ: “Hỡi Dơ-rúp-ba-ven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giê-su-a, con ông Gio-hô-xa-đắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên!...Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi…Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang”. Quả thực Đền Thờ phải trải qua những thăng trầm. Lộng lẫy nguy nga. Điêu tàn xiêu vẹo. Rồi Chúa sẽ tái thiết cho Đền Thờ rực rỡ vinh quang hơn trước (năm lẻ).

Chúa hứa tái thiết Đền Thờ. Nhưng thực ra sau này Chúa Giê-su cho biết, chính Người là Đền Thờ. Đền thờ Chúa Giê-su cũng đã có thời nguy nga lộng lẫy. Đó là khi danh tiếng Người vang dội. Toàn dân ngưỡng mộ. Tuy nhiên đó là những cảm tính chưa đúng thực và chưa sâu xa. Họ cho rằng Chúa là một người nào khác: “Họ bảo Thầy là Gio-an Tẩy giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Chỉ có Phê-rô có nhận thức đúng: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên vẫn chưa đến thời đến buổi để tiết lộ. Vì dân còn mang nặng não trạng trần tục về một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt. Nếu sớm biết Chúa là Đấng Ki-tô, họ sẽ tôn Chúa lên làm vua. Sẽ chính trị hoá tôn giáo. Và cuộc chạm trán với người Rô-ma là không tránh khỏi. Chúa muốn họ hiểu cho đúng về Đấng Cứu Thế. Muốn họ đi vào tâm tình tôn giáo. Chính Người cần phải trải qua đau khổ, và cả chịu chết. Để mọi người không còn ảo tưởng về Đấng Cứu Thế chính trị. Chính vì thế trước toà Phi-la-tô, khi đã thân tàn ma dại, Người mới xưng mình là vua. Người phải nhụ nhã. Rồi sau đó mới được vinh quang. Đền Thờ phải phá đi rồi mới xây lại (Tin mừng).

Sách Giảng viên dạy ta biết “Thiên Chúa làm mọi sự hợp thời đúng lúc”. Đó là qui luật ở đời này: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế;…một thời để giết chết, một thời để chữa lành…”(năm chẵn).

Ta hãy noi theo gương Chúa Giê-su. Sống ở trần gian phải chấp nhận đau khổ thử thách. Nhưng đừng thất vọng. Vì rồi đến thời đến buổi Chúa sẽ ban ơn giải thoát ta. Phải trải qua thời sám hối ăn năn mới đến thời trong trắng an bình. Phải chịu phá đổ. Rồi mới xây dựng lại. Chấp nhận quên mình đi. Từ bỏ mình. Chết cho bản thân. Đến thời đến buổi ta sẽ tìm lại được chính mình. Sẽ được Chúa làm phần thưởng. Và sẽ được sống muôn đời.

 

SUY NIỆM 3: Thầy Là Ðức Kitô

Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.

Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.

Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Cầu nguyện như Chúa

Lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại.

Ðoạn Phúc Âm được chia ra làm ba phần:

- Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông đồ xem các ông nghĩ như thế nào về Chúa.

- Lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa"

- Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ về thực thể mình là ai?

Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: "Các con nghĩ Thầy là ai?"; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: "tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế nào?"

Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" là một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho con được ơn trưởng thành trong đức tin và trong tình thương Chúa. Xin cho con luôn được trung thành với lời tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô" để rồi có thể múc lấy từ đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Môn đệ có cái nhìn đúng

Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)

Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức Giêsu.

Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?

Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.

Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

GF

 

SUY NIỆM 6: TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG (Lc 9, 18-22)

Xem lại CN 21 TN A - CN 24 TN B, CN 12 TN C, thứ Năm tuần 6 TN, thứ Sáu tuần 18 TN - lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ ngày 29.6

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!

Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mâu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống lệch lạc của mình...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt noi gương thánh Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình, để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là: chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền.

Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Còn bạn nói Đức Giêsu là ai? – SN song ngữ 25.9.2020

 

Friday (September 25): “Who do you say that Jesus is?”

Scripture:  Luke 9:18-22 

18 Now it happened that as he was praying alone the disciples were with him; and he asked them, “Who do the people say that I am?” 19 And they answered, “John the Baptist; but others say, Elijah; and others, that one of the old prophets has risen.” 20 And he said to them, “But who do you say that I am?” And Peter answered, “The Christ of God.” 21 But he charged and commanded them to tell this to no one, 22 saying, “The Son of man must suffer many things, and be rejected by the elders and chief priests and scribes, and be killed, and on the third  day be raised.”

 

Thứ Sáu     25-9             Còn bạn nói Đức Giêsu là ai?

Lc 9,18-22

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Meditation:

Who is Jesus for you – and what difference does he make in your life? Many in Israel recognized Jesus as a mighty man of God, even comparing him with the greatest of the prophets. Peter, always quick to respond whenever Jesus spoke, professed that Jesus was truly the “Christ of God” – “the Son of the living God” (Matthew 16:16). No mortal being could have revealed this to Peter, but only God. Through the “eyes of faith” Peter discovered who Jesus truly was. Peter recognized that Jesus was much more than a great teacher, prophet, and miracle worker. Peter was the first apostle to publicly declare that Jesus was the Anointed One, consecrated by the Father and sent into the world to redeem a fallen human race enslaved to sin and cut off from eternal life with God (Luke 9:20, Acts 2:14-36). The word for “Christ” in Greek is a translation of the Hebrew word for “Messiah” – both words literally mean the Anointed One.

 

Jesus begins to explain the mission he was sent to accomplish

Why did Jesus command his disciples to be silent about his identity as the anointed Son of God? They were, after all, appointed to proclaim the good news to everyone. Jesus knew that they did not yet fully understand his mission and how he would accomplish it. Cyril of Alexandria (376-444 AD), an early church father, explains the reason for this silence:

 

There were things yet unfulfilled which must also be included in their preaching about him. They must also proclaim the cross, the passion, and the death in the flesh. They must preach the resurrection of the dead, that great and truly glorious sign by which testimony is borne him that the Emmanuel is truly God and by nature the Son of God the Father. He utterly abolished death and wiped out destruction. He robbed hell, and overthrew the tyranny of the enemy. He took away the sin of the world, opened the gates above to the dwellers upon earth, and united earth to heaven. These things proved him to be, as I said, in truth God. He commanded them, therefore, to guard the mystery by a seasonable silence until the whole plan of the dispensation should arrive at a suitable conclusion. (Commentary on LukeHomily 49
 God’s Anointed Son must suffer and die to atone for our sins

Jesus told his disciples that it was necessary for the Messiah to suffer and die in order that God’s work of redemption might be accomplished. How startled the disciples were when they heard this word. How different are God’s thoughts and ways from our thoughts and ways (Isaiah 55:8). It was through humiliation, suffering, and death on the cross that Jesus broke the powers of sin and death and won for us eternal life and freedom from the slavery of sin and from the oppression of our enemy, Satan, the father of lies and the deceiver of humankind.

We, too, have a share in the mission and victory of Jesus Christ

If we want to share in the victory of the Lord Jesus, then we must also take up our cross and follow where he leads us. What is the “cross” that you and I must take up each day? When my will crosses (does not align) with God’s will, then his will must be done. To know Jesus Christ is to know the power of his victory on the cross where he defeated sin and conquered death through his resurrection. The Holy Spirit gives each of us the gifts and strength we need to live as sons and daughters of God. The Holy Spirit gives us faith to know the Lord Jesus personally as our Redeemer, and the power to live the Gospel faithfully, and the courage to witness to others the joy, truth, and freedom of the Gospel. Who do you say that Jesus is?

 

“Lord Jesus, I believe and I profess that you are the Christ, the Son of the living God. Take my life, my will, and all that I have, that I may be wholly yours now and forever.”

Suy niệm:

Đức Giêsu là ai đối với bạn – và sự khác biệt nào Người làm trong đời sống của bạn? Nhiều người Israel nhận ra Đức Giêsu là một người phi thường của Thiên Chúa, thậm chí còn so sánh Người với các ngôn sứ lớn nhất. Phêrô, người luôn luôn nhanh chóng trả lời bất cứ khi nào Đức Giêsu hỏi, đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu thật sự là “Đức Kitô của TC”, là Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16). Không một loài thụ tạo nào có thể mặc khải điều này cho Phêrô ngoại trừ Thiên Chúa. Qua “đôi mắt đức tin”, Phêrô khám phá ra Đức Giêsu thật sự là Đấng nào. Phêrô nhận ra rằng Đức Giêsu còn hơn một thầy dạy, ngôn sứ, hay người làm phép lạ. Phêrô là vị tông đồ đầu tiên công khai tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng được xức dầu, được Cha thánh hiến và sai vào trần gian để cứu chuộc loài người sa ngã bị nô lệ cho tội lỗi và bị mất đi sự sống đời đời với TC  (Lc 9,20; Cv 2,14-36). “Đức Kitô” trong tiếng Hy lạp là hạn từ dịch từ tiếng Do Thái  nghĩa là “Đấng Mêsia”. Cả hai đều có nghĩa là Đấng được xức dầu.

Đức Giêsu bắt đầu giải thích sứ mạng Người được sai tới để hoàn thành

Tại sao Đức Giêsu bắt các môn đệ phải im lặng về căn tính của Người với tư cách là Người Con được xức dầu của Thiên Chúa? Xét cho cùng, các ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người. Đức Giêsu biết rằng họ chưa thật sự hiểu trọn vẹn về sứ mệnh của Người, và làm thế nào Người sẽ hoàn thành nó. Giáo phụ Cyril thành Alexandria (376-444 AD) giải thích lý do của sự im lặng này:

Có những điều chưa được thực hiện nhưng cũng phải được rao giảng về Người. Các tông đồ cũng phải rao giảng về thập giá, cuộc khổ nạn, và cái chết về thân xác. Các ngài phải giảng về sự sống lại từ cõi chết, về dấu chỉ lớn lao và vinh quang thật, cũng như minh chứng Đấng Emmanuel thật sự là Thiên Chúa, do bản tính Con của Chúa Cha. Người hoàn toàn tiêu diệt sự chết, và xóa bỏ sự hủy diệt. Người xóa bỏ ngục tù, và đánh bại sự khống chế của kẻ thù. Người gánh lấy tội lỗi của thế gian, mở cửa trời cho người thế, và nối kết đất với trời. Những điều này chứng tỏ Người là Thiên Chúa thật. Do đó, Người ra lệnh cho các ông giữ bí mật bằng việc thinh lặng cho tới khi toàn bộ kế hoạch của Chúa đi đến hồi kết thúc. (Giải thích về Tin mừng Luca, bài giảng 49).

 

 

Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ và chịu chết để đền tội cho chúng ta

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Đấng Mêsia cần phải chịu đau khổ và chịu chết để chương trình cứu độ của Thiên Chúa có thể được hoàn thành. Các môn đệ giật mình biết bao khi nghe những lời này. Tư tưởng và đường lối của Chúa khác tư tưởng và đường lối của chúng ta biết bao! (Is 55,8). Ngang qua sự khiêm hạ, đau khổ, và chết trên thập giá, Đức Giêsu đã bẻ gãy quyền lực của tội lỗi và sự chết, và đem lại cho chúng ta sự sống đời đời và giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ của tội lỗi và áp lực của kẻ thù là Satan, cha của những kẻ gian dối, và là kẻ lừa dối con người.

Chúng ta cũng được chia sẻ sứ mạng và chiến thắng của Đức Giêsu Kitô

Nếu chúng ta muốn chia sẻ vinh quang của Đức Kitô, thì chúng ta cũng phải vác lấy thập giá của mình và bước theo Người đến những nơi mà Người dẫn chúng ta tới. Điều gì là “thánh giá” mà chúng ta phải vác mỗi ngày? Khi ý của tôi cản trở ý Chúa, thì ý của Chúa phải được thực hiện. Biết Đức Kitô là biết sức mạnh của sự chiến thắng trên thập giá của Người, nơi Người đánh bại tội lỗi và chiến thắng sự chết qua sự phục sinh của Người. Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta những ơn sủng và sức mạnh cần thiết để sống như những người con cái của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin để biết chính Đức Giêsu là Đấng cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để sống trung tín với Tin mừng, ban cho chúng ta lòng can đảm để làm chứng với người khác về niềm vui, sự thật, và tự do của Tin mừng. Bạn nói Đức Giêsu là ai?

Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng và tuyên xưng Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin Chúa đón nhận cuộc sống con, ý định của con, và tất cả những gì con có, để con có thể thuộc trọn về Chúa bây giờ và mãi mãi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Đức Giê-su cầu nguyện

« Khi ấy Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người ». Như vậy, chính trong bầu khí cầu nguyện, mà Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của mình : « Dân chúng nói Thầy là ai ? », « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? », và loan báo cuộc Thương Khó sẽ đến : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều ». Tại sao vậy ? Có lẽ đó là vì, chỉ trong cầu nguyện Đức Giê-su mới từ từ khám phá ra mình là ai, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, và trong tương quan với loài người chúng ta ; và cũng chính trong cầu nguyện, mà Ngài khám phá ra con đường Ngài phải đi để bày tỏ căn tính thần linh của mình, theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là con đường được bày tỏ trong Kinh Thánh, nghĩa là trong lịch sử cứu độ đầy thử thách, thăng trầm và chi phối nặng nề bởi tội và sự dữ. Con đường Người phải đi là mang lấy mọi « mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, là « con đường của hạt lúa mì », là « con đường của tấm bánh ».

Chúng ta được mời gọi noi theo gương của Đức Giê-su : cầu nguyện thân mật với Chúa, để khám phá ra căn tính của mình, ơn gọi của mình, con đường mình phải đi cho suốt đời, và cho từng giai đoạn và cho từng ngày sống.

 2. Đức Giê-su là ai ?

a. « Dân chúng nói Thầy là ai» ?

Với câu hỏi thứ nhất này của Đức Giê-su, các môn đệ đồng thanh trả lời : « Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.

Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn lựa ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của Gioan, một chút của ngôn sứ Elia hay của một ngôn sứ thời xưa ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để mang lấy và làm cho hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.

Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia… ; và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Và theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh thâu tóm thân phận của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của mình. Và chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế, ngay khi ông Phê-rô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phê-rô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm Vượt Qua.

b. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai? »

Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều « người ta » nói về Ngài đến đi đến điều chính « tôi » nói về Ngài. « Người ta » có thể hiểu là những người nói không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.

Vì thế, khi Đức Giê-su đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phêrô trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải trả lời một cách đích thân ; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giê-su là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một ; bởi vì câu hỏi của Đức Giê-su không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng liên quan đến tương quan thuộc về : « Thầy là ai đối với con, đối với con tim con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con ? », « Khi trả lời Thầy là ai, con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không ? »

Sau bằng đó năm đi theo Chúa, trong ơn gọi Ki-tô hữu hay trong ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn. Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhưng những lời này có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô?

 3. « Con Người phải chịu đau khổ nhiều… »

Đấng Ki-tô là ai và đâu là cách thức ngài bày tỏ « căn tính Ki-tô » của Ngài ? Cách Đức Giê-su hiểu và muốn và cách các môn đệ hiểu và muốn, chắc chắn không giống nhau. Và cũng vậy đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su nghiêm giọng truyền cho các môn đệ không được nói với ai, và Ngài nói cho các môn đệ biết con đường Ngài phải đi : « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy ».

Theo Tin Mừng Mác-cô, thì Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con người phải chịu đau khổ…”. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu ở động từ « dạy » : Ngài giảng dạy, chứ không chỉ loan báo, hay báo trước. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao Ngài còn giảng dạy, chứ không chỉ loan báo ? Đức Giêsu giảng dạy, điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, hoàn tất mọi sự, sáng tạo và lịch sử:

  • Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
  • Mặc khải lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người và nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
  • Mặc khải thân phận con người, từ thủa tạo thiên lập địa, không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.
  • Và mặc khải, vì tình yêu nhưng không, Thiên Chúa muốn thông truyền sự sống cho con người, sự sống giới hạn đời này và sự sống viên mãn đời sau ; và muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho dù, trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ.

Như thế, tầm mức mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » không chỉ dừng lại ở mức độ : đền tội, thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo quy trình thưởng/phạt hay tương quan « sòng phẳng » của Lề Luật, hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa. Đức Ki-tô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo « Ý Muốn của Chúa Cha » được thể hiện trong Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh là gì ?

 

MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
của
ĐỨC KI-TÔ

KINH THÁNH
(Lc 24)

 

  • Sáng Tạo : ơn huệ sự sống và tất cả những gì cần cho sự sống.
  • Lịch sử : lịch sử của một dân tộc, của những cuộc đời cụ thể, giống như chúng ta : đầy thăng trầm, đau khổ, tội lỗi…
  • Lề Luật.
  • Ngôn Sứ.
  • Thánh Vịnh.
TẤM BÁNH
« Người ban BÁNH… » (Tv 136)

 

  •  BÁNH đến từ Sáng Tạo (Tv 136, 4-9) : « Lạy Chúa, là Chúa cả trời đất. Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu của ruộng đất… »
  • và từ Lịch Sử (Tv 136, 10-24) : « … và công lao của con người… »
  • Nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm VQ, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, bánh hằng ngày trở thành chính Chúa, « Tấm Bánh Hằng Sống » vượt qua sự chết : « Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh… và nói: “ANH EM HÃY CẦM LẤY, ĐÂY LÀ MÌNH THẦY”.

« CON TIM BỪNG CHÁY »
– Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh
và Tấm Bánh
– Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh
(x. Tv 136)

 

Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh ; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho « con tim chúng ta bừng cháy » (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).

Như thế, tầm mức mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ : thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo quy trình thưởng/phạt hay tương quan « sòng phẳng » của Lề Luật (Lề Luật thì « tốt và thánh », nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt !), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì « tốt và thánh », tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc : « nghi ngờ, không tin, nên thử để biết »).

Mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH.

*  *  *

Cả cuộc đời của Đức Giê-su hướng về mầu nhiệm Vượt Qua. Ba lần vừa loan báo và vừa giảng dạy cho các môn đệ cho thấy rõ chân lí này. Nhưng tương quan giữa cuộc đời của Người và mầu nhiệm Vượt Qua còn hiện diện ở chiều sâu, như chúng ta đã nhận ra khi chiêm ngắm cuộc đời của Người từ “nguồn gốc”. Đặc biệt, mầu nhiệm Vượt Qua được bừng sáng, khi Người đối diện với Lề Luật, và chân lí lề luật “loan báo” Đức Ki-tô chỉ tỏ hiện dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.

Tại sao cuộc đời của Người hướng về mầu nhiệm Vượt Qua? Đó là bởi vì công trình sáng tạo của Thiên Chúa và lịch sử cứu độ được Thiên Chúa dẫn dắt, mà Kinh Thánh kể lại cho chúng ta, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và được mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất. Như Thánh Phao-lô tuyên bố (1Cr 15, 3-4).

Vì thế, khi chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta sẽ nhận ra Chân Dung Rạng Ngời của chính Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi Đức Ki-tô chịu thương khó và phục sinh. Và chính chân dung rạng ngời của Chúa sẽ chinh phục con tim của chúng ta. Bởi lẽ, nếu trong lịch sử cứu độ, khuôn mặt của Thiên Chúa vẫn chưa được tỏ hiện tuyệt đối, vì ánh sáng và bóng tối, sự thiện và sự dữ, sự sống và sự chết lẫn lộn với nhau, thì nơi mầu nhiệm Vượt Qua, hai nguyên lí trái ngược này hoàn toàn tách rời nhau, vì thế, chân dung Thiên Chúa trở nên rạng ngời nhất.

*  *  *

Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh ; Kính Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp thâm sau này sẽ làm cho « con tim chúng ta bừng cháy » (x. Lc 24, 13-35).

Xin cho chúng ta, như thánh Phao-lô, nhận ra và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây