Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên

Thứ tư - 02/09/2020 08:08

Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên. – Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

 

* Thánh nhân sinh quãng năm 540 tại Rôma. Người theo con đường công danh, nhưng đã từ chối chức thái thú Rôma. Người gia nhập đan viện và sau khi làm phó tế, người nhận nhiệm vụ sứ thần Công-tăng-ti-nốp. Ngày 3 tháng 9 năm 590, người được chọn làm người kế vị thánh Phêrô suốt mười bốn năm phục vụ Hội Thánh (590-604). Dầu sức khỏe không dồi dào, người đã tận tụy chu toàn bổn phận, giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm về luân lý và thần học. Hoạt động của người được nuôi dưỡng nhờ chiêm niệm. Người qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.

 

Lời Chúa: Lc 5, 1-11

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

 

 

Suy Niệm 1: Từ nay anh sẽ bắt người

Suy niệm :

Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.

Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.

Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,

là những con cá quẫy đuôi trong lưới,

là gia đình cần phải chăm nom.

Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.

Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,

nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,

và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,

một đại dương bao la hơn nhiều,

một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.

Chỉ Chúa mới có thể

làm trái tim ông say mê một Ai khác,

yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.

Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.

Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.

Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,

Simon có nhiều lý do để khước từ.

Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình

để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,

hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.

Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,

Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).

Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).

Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.

Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,

và nhận ra Ðấng ở gần bên.

Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:

“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”

Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.

Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.

Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.

Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.

Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,

để cho Chúa tự do lôi kéo mình.

Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.

Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,

ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.

Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,

khỏi những điều tưởng như không thể đổi.

Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: KHÔN NGOAN VÀ DẠI DỘT

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Trong đời sống ai càng chiếm hữu được nhiều và biết dùng mọi cơ hội để có thêm được coi là khôn ngoan. Thánh Phê-rô và các bạn hôm nay chắc chắn bị nhiều người cho là dại dột. Đang mệt mỏi cần đi nghỉ, nhưng đã sẵn sàng cho Chúa mượn thuyền và còn cất công chèo thuyền cho Chúa rao giảng. Các ngư phủ chuyên nghiệp đánh cá suốt đêm không đuợc gì lại vâng theo lệnh Chúa, một người thợ mộc, tiếp tục ra khơi. Và sau một mẻ lưới phi thường, tưởng có thể là cơ hội phát triển công ăn việc làm, lại bỏ tất cả đi theo Chúa. Các ngài đã từ bỏ nhiều thứ và sau cùng từ bỏ tất cả. Bỏ cả gia đình vợ con. Bỏ cả nếp sống quen thuộc với nghề nghiệp vững vàng. Bước vào hành trình phiêu lưu. Theo đuổi một công việc mới: “thu phục người ta”. Không có gì bảo đảm. Không biết đích điểm. Không thấy tương lai. Có dại dột quá không?

Thánh Phao-lô cho biết đó là những người khôn ngoan nhất. “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa”. Nên “nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật”. Khôn ngoan thật là biết rằng “tất cả thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki tô, và Đức Ki tô lại thuộc về Thiên Chúa”. Bỏ hết mọi sự, dâng hết mọi sự cho Chúa chính là đi vào nguồn mạch sự phong phú, là kho tàng của mọi kho tàng, là chiếm được tất cả. Vì Chúa là tất cả (năm chẵn).

Tất nhiên để đạt đến sự khôn ngoan trong Thiên Chúa, ta phải trải qua rất nhiều thử thách. Chính vì thế thánh Phao-lô luôn cầu nguyện để chúng ta “được am tường thánh ý Thiên Chúa với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khi ban cho”. Khi đó ta sẽ biết sống như Chúa đòi hỏi, sinh nhiều hoa trái và ngày càng hiểu biết Chúa hơn. Khi đó Chúa sẽ ban sức mạnh để ta kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhờ đó ta sẽ xứng đáng đạt tới vinh quang của Thiên Chúa trong cõi đầy ánh sáng. “Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng”. Như vậy tuy yếu đuối trước mặt thế gian, ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Điên dại trước mặt thế gian ta sẽ nên khôn ngoan. Nghèo khó trước mặt thế gian ta vô cùng giầu có vì được hưởng gia nghiệp của Chúa. Và gia nghiệp ấy bền vững mãi mãi (năm lẻ).

Lạy Chúa, xin cho con biết điên rồ, nghèo hèn và dại dột trước mặt thế gian. Để được sáng suốt, giầu sang và khôn ngoan trong Nước Trời.

 

Suy Niệm 3: Chấp nhận chính mình

Triết gia hiện sinh Pháp Albert đã có lần nói rằng: "Con người là tạo vật duy nhất không chấp nhận là mình". Ông có ý nói rằng con người không chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình.

Con người luôn muốn nổi loạn để vượt qua chính mình. Sự nổi loạn ấy rõ ràng nhất là trong lĩnh vực khoa học. Những khám phá khoa học và những ứng dụng kỹ thuật ngày càng làm cho chính con người chóng mặt. Chúng ta thử nhìn vào dự tính sản sinh con người theo phương pháp vô tính mà hiện một số nhà khoa học đang muốn lao mình vào. Những hệ lụy của một cơn cám dỗ như thế là vô cùng khủng khiếp. Chính tính cách không dự đoán và không lường trước được ấy của những hệ lụy là cho thấy những giới hạn và bất toàn của trí khôn cũng như khả năng của con người. Con người càng tiến bộ lại càng nhận ra giới hạn của mình. Ðây phải là thái độ tự nhiên của con người. Muốn hay không, con người không thể chối cãi được những giới hạn của mình.

Con người chỉ là người khi nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận chính mình. Tin Mừng không ngừng lập lại chân lý ấy. Càng khiêm hạ, con người càng được nâng cao. Càng nhận biết những giới hạn của mình, con người càng nhận ra mối giây liên kết và lệ thuộc của mình với Ðấng Tạo Hóa, con người càng thấy được sự cao cả đích thực của mình. Ðây là lý tưởng mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta.

Sau một đêm vất vả, các môn đệ không bắt được một con cá nào. Hơn ai hết, những người đánh cá có kinh nghiệm về thời tiết, về sóng nước và có lẽ cũng hơn ai hết, lênh đênh giữa đại dương mênh mông, họ dễ cảm nhận được thân phận nhỏ bé bất toàn của con người. Nhưng thánh Phêrô chỉ thực sự ý thức được thân phận ấy khi chứng kiến mẻ cá lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Ði sâu vào thân phận ấy, thánh nhân không chỉ thấy những giới hạn và bất toàn của mình về phương diện nghề nghiệp hay nhân bản, mà còn nhận ra một sự bất lực khác của bản thân, đó là bất lực trong ơn thánh. Thật thế, thánh Phêrô khám phá ra thân phận tội lỗi của mình.

Con người có thể nhận ra những giới hạn, bất toàn, và ngay cả lầm lỡ của mình, nhưng để thấy mình là người tội lỗi, con người phải nhận ra mối giây liên kết với Ðấng Tạo Hóa. Tội lỗi thiết yếu nói lên mối liên kết với Ðấng Tạo Hóa mà con người đã cắt đứt. Mẻ cá lạ vừa cho thánh Phêrô thấy quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, vừa là phơi bày con người tội lỗi yếu hèn của mình. Phản ứng của thánh Phêrô là mẫu mực cho cuộc sống đức tin của người tín hữu Kitô. Phản ứng này cũng là hằng số trong cuộc đời của vị Giáo Hoàng tiên khởi này. Sau này, kinh nghiệm chối Chúa lại càng cho thánh nhân ý thức được thân phận tội lỗi của mình và đồng thời cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa.

Một thi hào người Ðức đã nói: "Ai biết chấp nhận những giới hạn của mình, người đó đang đi gần đến sự hoàn hảo". Thánh Phêrô được nên cao trọng có lẽ không do tài lãnh đạo hay chính sự thánh thiện cá nhân của mình mà trước tiên là ở tấm lòng khiêm tốn sám hối và tin tưởng ở quyền năng và tình yêu của Chúa. Tựu trung, đó cũng chính là tâm tình tôn giáo đích thực của con người. Có tôn giáo thiết yếu là ý thức được thân phận thụ tạo, bất lực và tội lỗi của mình, đồng thời cũng cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chài lưới người

Thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tấ cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô bê và Gio-an, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. (Lc. 5, 9-11)

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông Phê-rô tốt lành đã từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác.

Trước hết, Đức Giêsu đã chọn thuyền của ông như là thứ ngai tòa để Người ngồi giảng cho dân trên bờ chú ý nghe Người. Có thể tưởng tượng xem anh ngư phủ này hãnh diện, vinh dự chừng nào được Thầy mà mọi người đã hăm hở đi tìm.

Tiếp theo là một mẻ cá lạ lùng! dẫu bao nhiêu bạn bè với mình suốt đêm vất vả đánh cá mà chẳng được gì. Chẳng ăn gì, chẳng có gì ăn! và này đột nhiên, thật lạ chỉ một lời phán của Đức Giêsu, họ đi kéo lưới. Thật vững chắc, Phê-rô đã làm một cử chỉ đẹp để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu đầy quyền năng. Ông không do dự, lần nữa ông đã thử thời vận ra khơi thả lưới, lưới gần rách, thuyền gần chìm vì cá đầy lưới. Lạ thay phần thưởng lớn lao dành cho một hành động vâng lời nhỏ bé! Phê-rô kinh sợ. Ông té xuống chân Đức Kitô và van nài Ngài xa ông vì ông chỉ là kẻ tội lỗi, quá bất xứng đối với một vị tôn sư cao cả.

Tuy nhiên, Phê-rô không phải kinh sợ đến tận cùng. Đức Kitô chẳng những không lìa bỏ ông mà còn tuyên bố làm thay đổi đời của ông mãi mãi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi chài lưới cứu sống người ta”. Quả thực anh là hạng người vô danh tiểu tốt thất học lại được Đức Kitô trao phó nhiệm vụ lớn lao bao quát cả biển người, anh đã cùng với Ngài và các bạn tông đồ khác không ngừng thực hiện nhịêm vụ cứu vớt người đời cho tới tận thế.

Tại sao có sự chọn lựa này! Tại sao không trao nhiệm vụ lớn lao đó cho người học thức, cho người tiến sĩ các khoa học tôn giáo đương thời của Đức Giêsu. Sự phong ban trao phó nhiệm vụ lớn lao này thật ngược đời, gây quá nhiều bối rối, khúc mắc: Một mầu nhiệm của Đức Giêsu, mầu nhịêm của Giáo Hội. Lý lẽ đức tin, nghịch hẳn lại lý lẽ của lý trí loài người. Đấng Cứu Thế bắt đầu lôi cuốn tất cả về Ngài ngay cả lúc tất cả như xa lánh Ngài như ông tiên tri báo về Ngài. Có thể Ngài đã cho phép xảy ra thách đố như thế.

GF

 

Suy Niệm 5: Sự hiện diện và tác động của Chúa

Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.

Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.

Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng ta đôi mắt tinh tường bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm, mất mát, thua thiệt của Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: “HÃY THEO THẦY” (Lc 5, 1-11)

Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu gọi và chọn bốn môn đệ đầu tiên. Ngài gọi các ông không phải các ông xứng đáng. Cũng không phải các ông thuộc thành phần vai vế trong xã hội. Lại càng không phải là người tài giỏi...

Nhưng khi gọi các ông, Đức Giêsu chú trọng đến sự giản dị, bình thường, đơn sơ, chất phát và biết phó thác nơi các ông. Ngài gọi các ông từ trong công việc đời thường của họ, bởi Đức Giêsu nhận ra “chất tố” môn đệ nơi sâu thẳm tâm hồn các ông.

Thật vậy, sự quảng đại là yếu tố đầu tiên mà chúng ta có thể nhận thấy nơi Phêrô trong quá trình đáp trả lời mời gọi đầy yêu thương của Đức Giêsu. Phêrô đã quảng đại cho Đức Giêsu mượn thuyền của mình. Ông cũng không ngại khó khi sẵn sàng trèo thuyền cho Đức Giêsu giảng dạy dân chúng.

Tiếp theo là sự vâng lời. Đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì! Ấy thế mà, khi được lệnh của Đức Giêsu, các ông sẵn sàng thi hành. Nếu không có sự tùng phục, hẳn không ai lại đi làm chuyện ngược đời như vậy, bởi lẽ ngư dân chuyên nghiệp, hẳn họ biết giờ ấy và chỗ nước đó không thể có cá vào lúc này...!!!

Thứ ba, phải mang trong mình tâm tình khiêm tốn. Khi nhận ra mình yếu đuối và tội lỗi, Phêrô đã phục lạy Đức Giêsu. Khiêm tốn là điều kiện rất quan trọng để trở thành môn đệ. Nếu không khiêm tốn, hẳn chúng ta không có nguồn năng lượng từ Chúa để đủ nghị lực thi hành sứ vụ. Khiêm tốn là thái độ của người thuộc về Đức Giêsu như Ngài thuộc về Thiên Chúa.

Cuối cùng, khi đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa, các ông sẵn sàng đón nhận và lên đường.

Thật vậy, chính nhờ những đặc điểm đó, mà Đức Giêsu đã chọn Phêrô và các môn đệ khác.

Lần giở lại trong tâm tưởng, lịch sử ơn gọi của chúng ta, dù đi tu hay ơn gọi gia đình, chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy theo Thầy”.

Theo Thầy để đáp lại lời mời gọi làm tông đồ, yêu thương và phục vụ.

Theo Thầy để phản ánh tình yêu của Thầy cho mọi người.

Theo Thầy để trở thành chứng nhân cho Thầy.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa như:

Đang sống một cuộc sống dễ dãi, hẳn không muốn đi vào con đường của thiếu thốn. Đang sống trong sự an nhàn thư thái, yên thân, hẳn không muốn ra “chỗ nước sâu”  là những thử thách, nguy hiểm để tác nghiệp... Hay đang sống trong quyền lực, không dại gì lại trở nên người hiền lành, khiêm tốn... Và, không dại gì lại phải lên đường để đến nơi chẳng muốn...!

Tất cả những lý do trên, khiến hồn tông đồ của chúng ta bị héo úa tàn phai, và rất khác với các môn đệ khi xưa, bởi chúng ta vẫn còn ích kỷ theo kiểu được - thua.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa, luôn tin tưởng cậy trông nơi Ngài. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng hậu hĩnh, hơn cả sự tưởng tượng của chúng ta. Mẻ cá lớn đã chứng minh cho chúng ta điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vâng theo Lời Chúa, biết dựa vào Lời Chúa và thực thi Lời Ngài trong cuộc sống. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Anh em sẽ lưới người cho vương quốc của Thiên Chúa – SN song ngữ 3.9.2020

 

Thursday (September 3): “You will catch people for the kingdom of God”

 

Scripture: Luke 5:1-11

1 While the people pressed upon him to hear the word of God, he was standing by the lake of Gennesaret. 2 And he saw two boats by the lake; but the fishermen had gone out of them and were washing their nets. 3 Getting into one of the boats, which was Simon’s, he asked him to put out a little from the land. And he sat down and taught the people from the boat. 4 And when he had ceased speaking, he said to Simon, “Put out into the deep and let down your nets for a catch.” 5 And Simon answered, “Master, we toiled all night and took nothing! But at your word I will let down the nets.” 6 And when they had done this, they enclosed a great shoal of fish; and as their nets were breaking, 7 they beckoned to their partners in the other boat to come and help them. And they came and filled both the boats, so that they began to sink. 8 But when Simon Peter saw it, he fell down at Jesus’ knees, saying, “Depart from me, for I am a sinful man, O Lord.” 9 For he was astonished, and all that were with him, at the catch of fish which they had taken; 10 and so also were James and John, sons of Zebedee, who were partners with Simon. And Jesus said to Simon, “Do not be afraid; henceforth you will be catching men.” 11 And when they had brought their boats to land, they left everything and followed him.

Thứ Năm 3-9             Anh em sẽ lưới người cho vương quốc của Thiên Chúa

 

Lc 5,1-11

1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! “9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Meditation: 

 

Why did Jesus perform the miracle of the great catch of fish? No doubt the great crowd of people who had pressed upon Jesus had something to do with this miracle. They were very hungry for God and were eager to hear his word. Jesus wanted to use this occasion to teach his disciples an important lesson. Although Simon was wearied from a night of fruitless toil, he nonetheless did what the Lord Jesus told him to do: At your word I will let down the nets. When you meet disappointment and failure, do you press upon the Lord, like Simon, to hear his word and to receive his command?

God expects greater things than we can do by ourselves

This incident tells us an important truth about how God works in and through each of us for his glory. God expects of us greater things than we can do by ourselves. When we cooperate in his works, we accomplish far beyond what we can do on our own. Therese of Lisieux, a Carmelite nun who died of tuberculosis at the age of twenty-four, wrote to a friend: “Jesus has so incomprehensible a love for us that he wills that we have a share with him in the salvation of souls. He wills to do nothing without us. The Creator of the universe awaits the prayer of a poor little soul to save other souls redeemed like it at the price of all his Blood.” 

 

 

When God’s word is spoken his kingdom is revealed and his power is released. When people respond to God’s word with faith and obedience they are changed and made “a new creation” in Jesus Christ (2 Corinthians 5:17).

Witness the joy of the Gospel

God chooses ordinary people, like you and me, as his ambassadors and he uses the ordinary circumstances of our daily lives and work situations to draw others into his kingdom. Jesus speaks the same message to us today: we will “catch people” for the kingdom of God if we allow the light of Jesus Christ to shine through us. God wants others to see the light of Christ in us in the way we live, speak, and witness the joy of the Gospel. Paul the Apostle says, “But thanks be to God, who in Christ Jesus always leads us in triumph, and through us spreads the fragrance of the knowledge of him everywhere. For we are the aroma of Christ to God among those who are being saved and among those who are perishing” (2 Corinthians 2:15). 

Do you witness to those around you the joy of the Gospel and do you pray for your neighbors, co-workers, and relatives that they may come to know the Lord Jesus Christ and grow in the knowledge of his love and truth?

 

“Lord Jesus, fill my heart with love and compassion for those who do not know you or follow you. May I be a good witness of your truth and salvation to my family, friends, and co-workers.”

Suy niệm:

 

Tại sao Đức Giêsu làm phép lạ bắt được nhiều cá? Rõ ràng đám đông dân chúng đã thúc đẩy Đức Giêsu làm phép lạ này. Họ đói khát Thiên Chúa và ao ước lắng nghe lời Người. Đức Giêsu muốn dùng cơ hội này để dạy các môn đệ một bài học quan trọng. Mặc dù đã thấm mệt sau một đêm vất vả vô ích, tuy nhiên Phêrô vẫn thực hiện lời yêu cầu của Đức Giêsu: Vâng lời Thầy con xin thả lưới. Khi bạn thất vọng nản lòng, bạn có mau mắn lắng nghe tiếng Chúa và đón nhận mệnh lệnh của Người như Phêrô không?

 

 

 

Thiên Chúa mong đợi những điều lớn hơn chúng ta tự mình có thể làm

Câu chuyện này nói với chúng ta một chân lý quan trọng về cách thức Thiên Chúa làm việc kinh qua mỗi người chúng ta cho vinh quang của Người. Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta những điều lớn lao hơn mà chúng ta có thể tự sức làm. Khi chúng ta cộng tác vào công việc của Người, chúng ta sẽ hoàn thành vượt quá những gì chúng ta có thể làm bằng sức riêng của mình. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ tu dòng Đức Bà núi Cát Minh chết vì lao phổi ở tuổi 24, đã viết cho một người bạn: “Chúa Giêsu có một tình yêu không thể hiểu được đối với chúng ta, đến nỗi Người ao ước rằng chúng ta chia sẻ với Người trong việc cứu rỗi các linh hồn. Người không ao ước điều gì mà không có chúng ta. Đấng tạo hóa dựng nên vũ trụ này chờ đợi lời cầu nguyện của một linh hồn bé nhỏ nghèo hèn để giúp các linh hồn khác cũng được cứu chuộc như nó bằng giá máu châu báu của Người.”

Khi lời Chúa được phán ra, vương quốc của Người được bày tỏ, và quyền năng của Người được thực hiện. Khi người ta đáp trả lời Chúa với đức tin và sự tùng phục, họ được biến đổi và trở nên “một tạo vật mới” trong Đức Kitô (2Cr 5,17).

Lời chứng niềm vui của Tin mừng

Thiên Chúa tuyển chọn những người tầm thường như bạn và tôi, để làm các sứ giả của Người, và Người sử dụng những biến cố bình thường trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và những tình huống của sự việc để lôi kéo kẻ khác đến vào trong vương quốc của Người. Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay cũng cùng một sứ điệp: chúng ta sẽ “bắt lấy người ta” cho vương quốc của Người, nếu như chúng ta cho phép ánh sáng của Đức Giêsu Kitô soi chiếu ngang qua chúng ta. Thiên Chúa muốn người khác nhìn thấy ánh sáng của Đức Kitô trong chúng ta, trong cách thức chúng ta sống, nói chuyện, và làm chứng cho Tin mừng. Thánh Phaolô nói rằng: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất” (2Cor 2,15).

Bạn có làm chứng cho những người sống xung quanh về Tin mừng, và bạn có cầu nguyện cho những người hàng xóm của mình, các bạn đồng nghiệp của mình, và bà con thân quyến của mình, để họ có thể được biết Chúa Giêsu Kitô và lớn lên trong tình yêu của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đổ tràn đầy lòng con tình yêu và sự trắc ẩn dành cho những ai không biết Chúa hay đi theo Chúa. Ước gì con trở thành nhân chứng tốt lành cho chân lý và ơn cứu độ của Chúa cho gia đình của con, bạn bè của con, và bạn đồng nghiệp của con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Ngài lên thuyền ông Simon

Đám đông chen lấn Đức Giêsu để nghe Lời Thiên Chúa. Chúng ta hãy hình dung ra đám đông và nhận ra rằng con người cần Lời Thiên Chúa biết bao, dù ý thức hay không ý thức. Vì con người, tự bản chất, sống không nguyên bởi bánh (bình diện nhu cầu), nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa (bình diện tương quan). Bởi vì Lời Thiên Chúa là Lời ban sự sống; “Lời ban sự sống” là lời tin tưởng, cảm thông, tha thứ, đón nhận, yêu thương. Chúng ta không thể sống, nếu không có những lời này. Và Lời Thiên Chúa làm cho lời của chúng ta trở thành lời “ban sự sống”, giống như Lời Chúa là Lời ban sự sống. Ngược lại là “lời giết chết”, theo kiểu của ma quỉ (nên đọc Hc 28, 13-26, nói về sự “lợi hại” của cái lưỡi). Xin cho chúng ta kinh nghiệm, nơi bản thân mình, Lời Chúa là “lương thực” không thể thiếu đối với sự sống hằng ngày của chúng ta.

Đức Giêsu « đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét » để ban Lời Thiên Chúa cho con người. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn, môi trường làm việc, ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Chính vì thế, Ngài bị chen lấn, Ngài thấy hai chiếc thuyền, và Ngài chọn lên thuyền ông Simon, xin ông đưa thuyền ra xa bờ một chút. Lúc ấy, các ngư phủ, trong đó có ông Simon, đang giặt lưới, không biết họ có « nghe Lời Thiên Chúa » như đám đông không. Đức Giêsu hành động cách vô tư vì hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra đó là cách Đức Giê-su chuẩn bị cho ơn gọi của ông Simon, một cách thức thật lạ lùng ! lạ lùng như mẻ cá lạ sắp diễn ra, nhưng thật tinh tế và kín đáo hơn nhiều.

Ơn gọi của chúng ta cũng được chuẩn bị như thế đấy, thật nhưng không, vì nhiều khi chúng ta cũng đang « giặt lưới », vốn chẳng phải là việc thiêng liêng hay đạo đức gì. Ở khởi đầu, một cách nào đó, Chúa luôn yêu cầu chúng ta làm điều gì đó cho Ngài khởi đi từ điều ngài cần thật sự và từ khả năng trao ban thật sự của chúng ta, như Người ngỏ lời với người Phụ Nữ Samari: “Xin cho tôi chút nước” (Ga 4, 7); nhưng chính là để mời gọi chúng ta đón nhận những gì Ngài sẽ trao ban. Con thuyền của ông Simon, người sẽ là Simon Phêrô trong tương lai. Hình ảnh này gợi cho chúng ta Con Thuyền Giáo Hội, và mỗi người chúng ta đều được trao ban một sứ vụ trên con thuyền này.

2. “Chèo ra chỗ nước sâu…”

Với lời yêu cầu đầu tiên của Đức Giê-su, ông Simon làm theo nhẹ nhàng, không phản ứng gì. Nhưng lời yêu cầu thứ hai này, thì ông không thể không phản ứng, vì quá kì cục. Sau này, Ngài còn yêu cầu nhiều điều kì cục không kém, chẳng hạn Người nói : « Thì anh em cho người ta ăn đi ». Cả đêm, chẳng được gì, lưới lại bẩn, họ đang bỏ công giặt lưới chắc chắn với lòng nặng trĩu, như chính chúng ta từng có những kinh nghiệm tương tự. Hơn nữa, họ chuyên nghiệp hơn Đức Giê-su, bởi vì ông Phê-rô là dân chài, còn Đức Giê-su là dân thợ! Thế mà, Đức Giê-su lại đề nghị đi thả lưới chỗ nước sâu ; ban ngày chỗ nước sâu ở hồ, dường như không dễ bắt được cá. Tuy nhiên, ông Simon trả lời: « Theo lời Thầy, tôi sẽ thả lưới ». Tại sao ông lại chịu thả lưới ? Có điều gì giải thích được không ?

Chúng ta có thể giải thích ở bình diện tâm lí, theo đó, vì nể Thầy mà Simon chịu. Nhưng, có lẽ chúng ta nên hiểu ở bình diện thiêng liêng : lời của Đức Giêsu có sức thu hút, nhưng rất kín đáo, không thể giải thích được. Vì lời của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Ngôi Lời sáng tạo nên chúng ta nên thu hút chúng ta tự trong sâu thẳm, như lúc Đức Giê-su gọi ông Mát-thêu.

“Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới”, là hình ảnh nói lên con đường phải đi của chính Đức Giê-su, của ông Simon và của từng người chúng ta, trong ơn gọi đi theo Đức Ki-tô. Đó là hành trình Vượt Qua: phải ra tận chỗ nước sâu, nơi mà chẳng còn gì để bám víu, nơi có nguy hiểm chết người, nơi mà dường như khó có hi vọng làm được gì, gặt hái được gì, để cho cá bắt được, kết quả có được, là hoàn toàn đến từ Lời Chúa, là ân huệ Chúa ban. Và kết quả này là kết quả “gấp trăm”, là “sự sống mới” lôi kéo và mời gọi nhiều người. Quả thật sau này, Phê-rô sẽ chèo thuyền đi rất xa, và thả lưới chỗ rất sâu; xa và sâu đến độ hi sinh chính sự sống của mình, để cho sự sống mới phát sinh gấp trăm cho đời sau và đời này. Xin cho chúng ta biết liều lĩnh, vâng nghe Lời Chúa, chèo ra chỗ nước sâu mỗi ngày, và nhất là ở những khúc quanh đặc biệt của hành trình đi theo Đức Ki-tô.

 3. “Bỏ hết mọi sự mà theo Người”

Chứng kiến mẻ cá, ông Simon sấp mình dưới chân Đức Giê-su và nói : « Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi ». Chúng ta có thể tự hỏi : Tại sao ông Simon lại thú nhận như vậy ?

  • Phải chăng, vì nhận ra sự hiện diện thần linh ngang qua mẻ cá lạ, nên ông Simon đã nhớ lại vô số tội mình đã phạm. Đó là mặc cảm tội lỗi làm con người không bình an và không thể mở ra. Chúng ta hay ở trong trường hợp này. Nhưng đó có phải là « tâm tình » của ông Simon không ?
  • Hay chính yếu là vì ông đã nghi ngờ lời của Đức Giêsu lúc Ngài mời gọi ông thả lưới.
  • Hoặc, ông cảm thấy mình không tương xứng với ân huệ lớn lao vừa nhận được, bất chấp sự bất xứng của ông : ân huệ ban dư tràn bất chấp sự bất xứng, có tên gọi là lòng bao dung (trường hợp người con hoang đàng trong vòng tay cha). Vì chỉ có kinh nghiệm thiết thân về lòng bao dung như vậy, mới giải thích được sự kiện ông bỏ hết tất cả để đi theo Đức Giêsu ; và kinh nghiệm này phải được làm mới lại mỗi ngày trên hành trình đi theo Đức Ki-tô.

Ông Simon xin Đức Giê-su tránh xa, nhưng Ngài không những không tránh xa, mà còn mời gọi ông đi theo Ngài và chia sẻ sứ mạng của Ngài: « Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta ». Theo bản văn Hi-lạp, « đi bắt người ta », để đối lại với nghề nghiệp đi bắt tôm cá (x. Mt 4, 19 ; Mc 1, 17). Cùng một tài năng, nhưng chuyển đối tượng ! Đức Giêsu không tránh xa Simon, vì chẳng để ý gì đến cái «cảm thức tội lỗi » của ông; cảm thức này ai cũng có và cần được chữa lành và giải thoát (thay vì duy trì và củng cố) bằng lòng tín thác; như Đức Giê-su luôn công bố cách long trọng : « Lòng tin của con đã cứu con ».

Lòng tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin, được chính Đức Giê-su công bố, chứ không phải là bất cứ điều gì khác, hay điều kiện nào khác.

Lời của Đức Giêsu trấn an Simon và tin tưởng chia sẻ sứ mạng cho ông, trong khi ông còn đầy bất toàn và còn cả một chặng đường dài đầy khó khăn phải đi. Và rồi, dù thánh Phê-rô có ra như thế nào, dù chúng ta có ra như thế nào, Đức Giêsu cũng sẽ nói : « Đừng sợ ». Đức Giê-su sẽ xây dựng Giáo Hội của mình trên đá tảng Phê-rô, nhưng như chúng ta vừa nhận ra và sau này cũng luôn luôn như thế, đá tảng Phê-rô lại dựa vào lòng thương xót.

Ở tận nguồn gốc của ơn gọi, cũng giống như ở tận nguồn gốc của sự sống của loài người và của mỗi người (x. St 1 ; Tv 139), luôn luôn là tình thương nhưng không, lòng thương xót và sự tin tưởng. Và Chính chúng ta có kinh nghiệm này : tại sao Chúa lại chọn con, khi con là một con người như thế ? Đây là một kinh nghiệm nền tảng ; nếu quên, chúng ta khó có thể sống bền vững hay ít là khó có thể sống sung mãn ơn gọi đi theo Đức Ki-tô. Hơn nữa, đây cũng là kinh nghiệm nền tảng cho cách chúng ta thi hành sứ vụ, tất yếu có liên quan đến các tội nhân lớn bé. Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ tỏ bày tình yêu nhưng không và lòng thương xót cho mọi người, không trừ người nào, dù đó là ai và ở trong tình trạng. Chúng ta không thể chu toàn sự vụ này, nếu chúng ta không kinh nghiệm sâu thẳm tình yêu và lòng thương xót nơi bản thân, nơi cuộc đời của mình.

Và “Khi đó, đưa thuyền vào bờ, bỏ lại tất cả, họ đi theo Đức Giêsu”  (c. 11). « Khi đó », bản dịch Tiếng Việt « Thế là »: đó một thời điểm xác định; hãy nhớ lại thời điểm “khi đó” của hành trình ơn gọi của chúng ta. Tuy nhiên, thời điểm “khi đó” cần được tái hiện lại hằng ngày và nhất là trong những giai đoạn đặc biệt. Đưa thuyền vào bờ: thuyền tượng trưng cho phương tiện làm ăn, hay rộng hơn tượng trưng cho công danh sự nghiệp, thuyền tượng trưng cho cái mà đời mình như phụ thuộc hoàn tòan vào đó. Đưa thuyền vào bờ, nghĩa là sắp xếp lại cẩn thận, rồi…

Bỏ lại tất cả: nghĩa là ngoài cái thuyền ra, còn nhiều thứ khác nữa; nhưng nhất là những thứ mà con tim gắn bó nhất. Bỏ lại đằng sau, nhưng nhiều khi những điều này còn hiện diện trong lòng trong trí. Chúng ta đã bỏ rồi, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều điều cần phải bỏ lại.

Nhưng nếu Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài sẽ cuốn hút chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sự hiểu biết thâm sâu về Ngài và tình yêu bền vững dành cho Ngài. Như kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a và của thánh Phao-lô:

Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.

Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!

(Gr 20, 7 và 9)

*  *  *

Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Phil 3, 7-8)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây