Các bài suy niệm Chúa nhật Chúa Ba Ngôi

Thứ sáu - 14/06/2019 02:41

LỄ CHÚA BA NGÔI

 

Lời Chúa: Cn 8,22-31;  Rm 5,1-5;  Ga 16,12-15

——–

Mục lục

2. Thương hiệu công giáo là tình yêu  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

3. Thiên Chúa BaNgôi: Cha, Con và ThánhThần (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

4. Ba Ngôi  (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

5. Đấng mặc khải  (Lm. Vũ Đình Tường)

6. Thiên Chúa là Cha  (Lm. Giacôbê Tạ Chúc)

7. Sự thật toàn vẹn.  (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

8. Sống niềm tin vào Chúa Ba Ngôi  (Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

9. Tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong đời sống  (Lm. Trần Bình Trọng)

10. Tình yêu luôn là hy sinh (PM. Cao Huy Hoàng)

11. Mầu nhiệm lớn nhất (Lm. Gioan Nguyễn Thiên Khải, CRM)

12. Hy vọng đã vươn lên (Lm. Giuse Đỗ Vân Lực)

13. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy (Fx. Đỗ Công Minh)

14. Tin nhận mầu nhiệm cao cả (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

15. Nhân danh Thiên Chúa (Trầm Thiên Thu)

16. Mầu nhiệm tình yêu. (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 

 

 

Mục lục

1. Dòng sông yêu thương (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Mầu nhiệm Tình yêu (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Lòng thương xót của Ba Ngôi (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

5. Thiên Chúa, như Đức Giê-su muốn diễn tả  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

6. Ba Ngôi mầu nhiệm Tình yêu (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Tuyên tín  (Trầm Thiên Thu)

8. Dâng lời chúc tụng Ba Ngôi (Lm. Văn Hào, SDB)

9. Lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi trong trần gian (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

10. Chúa Ba Ngôi – Thiên Chúa của lòng thương xót  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

11. Thiên Chúa Ba Ngôi (Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ)

12. Sống yêu thương hiệp nhất theo khuôn mẫu Ba Ngôi (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

13. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi_C  (Lm. Antôn)

14. Tình yêu Ba Ngôi (AM. Trần Bình An)

15. Ơn hiệp thông  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

16. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Dã Quỳ)

17. Hiệp thông và chia sẻ noi gương Chúa Ba Ngôi  (Lm. Đan Vinh)

18. Sự thật toàn vẹn (Trần Đình Phan Tiến)

 

.

THƯƠNG HIỆU CÔNG GIÁO LÀ TÌNH YÊU

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Ngày nay người ta hay nói đến hai chữ thương hiệu. Thương hiệu là cách thể hiện mình giữa thế giới thị trường. Thương hiệu uy tín thì càng được thị trường tiêu dùng. Và không có thương hiệu thì việc của mình hay sản phẩm mình làm ra cũng chẳng ai quan tâm.

Nhiều người ngày nay cũng nhầm việc nhãn hiệu và thương hiệu. Đây là 2 điều khác nhau.Vídụ : Nếu bạn tự chế ra một loại nước ngọt mới, đặt tên là “A” và tung ra thị trường. “A” chỉ mới là nhãn hiệu. Thường thì người ta sẽ chẳng thèm bận tâm đến nước ngọt của bạn. Nhưng Coca-Cola thì khác. Đây là một thương hiệu lớn. Sản phẩm của bạn không thể cạnh tranh được với Coca-Cola, dù cho chất lượng và giá cả của “A” bạn cam đoan tốt hơn nhiều lần. Khoảng cách chênh lệch đó chính là giá trị mà thương hiệu mang lại.

Đã từng có thời kỳ thương hiệu được sử dụng như danh từ chung để chỉ sản phẩm. Coca-Cola hay Pepsi đồng nghĩa với nước ngọt. Nike và Adidas được hiểu là giày thể thao. Honda hay Suzuki nghĩa là xe máy… Nhưng giờ đây, ý niệm về thương hiệu tiến lên tầm mức mới: Thương hiệu có thể dành cho con người. Và không ít cá nhân là những thương hiệu đắt giá nhất. Như cầu thủ Ronaldo hay Messi họ đã có thương hiệu, nên chỉ cần có họ trong đội ngũ đội banh nào là đội banh đó đương nhiên có thế giá.

Đạo Công Giáo chúng ta ở trong thế giới này cũng có một thương hiệu rất lớn đó là tình yêu. Tình yêu làm nên nét đẹp đạo Công Giáo. Tình yêu đã làm cho đạo Công Giáo được khắp năm châu bốn biển tin tưởng, yêu mến. Với con số 1 tỉ 3 triệu người mang danh là ky-tô hữu cho thấy thương hiệu tình yêu của đạo Công Giáo đã được đông đảo người tin theo. Đây là niềm vui và cũng là trách nhiệm của người tín hữu chúng ta phải duy trì thương hiệu tình yêu ấy trong chính cuộc sống hằng ngày.

Lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về thương hiệu tình yêu được kín múc từ suối nguồn tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn tràn xuống trên cuộc đời chúng ta. Ba Ngôi yêu thương chúng ta. Ba Ngôi cùng đong đầy tình yêu của mình đến cho con người. Tuy khác nhau về cách thức biểu lộ nhưng vẫn bao la rộng lớn như đại dương, vẫn lồng lộng như gió trời làm dịu mát lòng người. Tình yêu của Ngôi Cha tựa như tình phụ tử luônche chở, lo lắng, nuối nấng, dạy dỗ con cái nên người. Cho dù con có đi sai đường lối, Người vẫn nhẹ nhàng, ân cần sửa lỗi và tiếp tục phủ lấp muôn vàn tình yêu xuống trên con người. Tình yêu của Ngôi Con tựa như tình yêu của một người tình. Yêu như say như dại đến độ dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngôi Ba tựa như tình yêu của một người mẹ luôn bao bọc, chở che,nhẹ nhàng uốn nắn dạy dỗ chúng ta. Tuy thầm lặng nhưng vẫn rì rào như gió chiều trên đồng lúa xanh tươi mang lại sự dịu mát hạnh phúc bình an.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta. Nhờ tình yêu ấy mà ta được làm người và làm con Thiên Chúa. Nhờ tình yêu ấy mà ta luôn có cơ hội trở về làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã vì yếu đuối lỡ lầm. Nhờ tình yêu ấy mà ta được tắm gội trong nguồn ân thánh của Chúa. Ước gì chúng ta luôn nhận ra Chúa yêu thương để biết sống đền đáp ân tình Chúa tặng ban. Ước gì đời chúng ta luôn là một lời ca tạ ơn vì muôn ơn lành hồn xác Chúa ban xuống trên cuộc đời chúng ta. Và ước gì chúng ta biếtsống và giới thiệu thương hiệu tình yêu củaChúa Ba Ngôi qua đời sống yêu thương và phục vụ của chính chúng ta dành cho tha nhân. Amen

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA BA NGÔI: CHA, CON VÀ THÁNH THẦN

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá trí khôn của con người. Nên, nếu dùng suy nghĩ tư nhiên, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được mầu nhiệm cao cả này. Chính nhờ cầu nguyện, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới hoạt động tích cực trong đời sống thường ngày của chúng ta. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 66 viết :” Chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang, và theo Công Đồng Vaticanô II thì “ Người là Đấng Trung Gian và đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mặc khải “.

Chúng ta thử trở về Thánh Kinh, xem Kinh Thánh nói gì về Chúa Ba Ngôi ? Đọc Phúc Âm, đặc biệt Tin Mừng của Thánh Gioan, chung ta thường bắt gặp những bản văn qui chiếu về Chúa Ba Ngôi nhiều nhất, phong phú nhất.Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu thường nhắc đến Cha của Người, đồng thời cũng nhắc đến Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến sau Ngài. Nhưng bản văn nổi tiếng nói về Chúa Ba Ngôi, lại là bản văn của Thánh Matthêu mà chúng ta đọc hôm nay. Chúa Giêsu nói các môn đệ :” Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần “ ( Mt 28, 19 ).Còn bản văn xem ra sống động nhất, chúng ta lại tìm gặp trong Thánh Máccô. Trong bản văn Mc 1, 11, chúng ta nhận ra, ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu, đậu xuống trên Người và từ trời có tiếng Chúa Cha vọng xuống :” Con là Con yêu dấu của Ta “. Tiếng nói vọng xuống từ trời cao, chim bồ câu và Đức Giêsu tạo nên một bức tranh thật sinh động. Tuy nhiên, là một sử gia, một nhà văn, Thánh Luca cho chúng ta nhận ra Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi một cách thật lôi cuốn. Thánh Luca cho chúng ta thấy viễn cảnh của lịch sử cứu độ. Thời Cựu Ước theo Thánh Luca là kỷ nguyên chúa Chúa Cha, thời kỳ loan báo Tin Mừng là kỷ nguyên thuộc về Chúa Con, và thời kỳ sau cùng được khởi đầu với lễ Ngũ Tuần, là thời kỳ của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô cũng nhiều lần đề cập tới Chúa Ba Ngôi trong các thư của Ngài. Đoạn kết của thư thứ 2 gửi tín hữu

Côrintô là đoạn văn rất nổi tiếng, đã được Giáo Hội phổ biến một cách rộng rãi:”  Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Con và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh em “ ( 2 Co 13,13 ). Hội Thánh, đặc biệt các Thần Học gia, các Thánh đã dùng nhiều hinh ảnh để diễn tả Chúa Ba Ngôi để cho giáo dân dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.

Vâng, Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm do Chúa Mặc khải, chỉ có đức tin chúng ta mới hiểu và tin nhận Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Sống Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, quảng đại, chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu bởi vì Tình Yêu là Thiên Chúa và Thiên Chúa là Tình Yêu như Thánh Gioan định nghĩa.

Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, Sáng Danh là mỗi lần chúng ta tin nhận Một Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày chúng ta vì dấu Thánh Giá trên thân xác chúng ta nhiều lần. Đây là dấu chỉ chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã nhận lãnh phép rửa nhân danh Chúa ba Ngôi. Lời của Chúa sai các môn đệ trước khi Ngài về trời :” Các con hãy đi khắp cùng thế giới.Ai tin, các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “, cũng là lời Chúa đang truyền cho mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc khải Chúa Ba Ngôi cho các Tông đồ, cho nhân loại và cho chúng con.Xin Chúa giúp con luôn biết phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân để  Chúa Ba Ngôi được nhiều người nhận biết.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ai đã Mặc khải Chúa Ba Ngôi ?

2.Hình ảnh tiếng nói,chim bồ câu, và ChúaGiêsu chúng ta đọc thấy nơi bản văn của Thánh nào?

3.Đoạn nổi tiếng nói về Chúa Ba Ngôi của Thánh Phaolô được rút ra  nơi thư nào ?

4.Đức tin của chúng ta được ai hướng dẫn hằng ngày ?

5.Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội ?

Về mục lục

.

BA NGÔI

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Ba Ngôi cực trọng cao vời,
Chỉ duy Một Chúa, đời đời như nhau.
Ba Ngôi không kể trước sau.
Có cùng thiên tính, bằng nhau phụng thờ.
Muôn đời hiện hữu nguyên sơ,
Chúa Cha phép tắc, vô bờ vô biên.
Chúa Con sinh hạ tự thiên,
Làm người dương thế, Chúa Chiên cứu đời.
Ngôi Ba sự sống cao vời,
Canh tân đổi mới, lòng người thế gian.
Soi đường chân lý trao ban,
Thần linh phù trợ, ủi an tâm hồn.
Ba Ngôi hiển trị kính tôn,
Nhiệm mầu sâu thẳm, càn khôn vô lường.
Bao la vũ trụ tỏ tường,
Muôn loài thụ tạo, chung đường phát huy.
Trí khôn mời gọi tư duy,
Tình yêu chia sẻ, gẫm suy một đời.
Hồng ân hiện hữu trên đời,
Khấu đầu thờ lạy, Chúa Trời thiên thu.

Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao siêu nhất trong đạo. Một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mặc khải mầu nhiệm này cho các Tông đồ khi ngài sai các ông: Hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Chúng ta cố gắng học hiểu phần nào mầu nhiệm mà chúng ta tôn thờ. Thánh Augustinô suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhưng không thể hiểu thấu. Ngài nói rằng nếu chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, thì Chúa sẽ không còn là Chúa nữa. Sự bao la quyền năng của Chúa không thể thấu hiểu bởi trí khôn hạn hẹp của con người.

Mỗi người chúng ta đều có giới hạn, cả không gian lẫn thời gian. Mắt không thể nhìn quá xa, mũi không thể ngửi mọi mùi vị, tai không thể nghe những âm thanh ngoài xa kia. Tâm trí của chúng ta cũng bị giới hạn, không thể suy tưởng những điều thiêng liêng và vô hình. Chúng ta chẳng thể hiểu được những cái xảy ra ngay bên cạnh chúng ta, làm sao có thể hiểu những điều cao siêu. Không ai hiểu về sự sống của chính mình. Chúng ta chỉ biết chúng ta còn hơi thở và chúng ta đang sống.

Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về hình ảnh của Chúa Ba Ngôi khi Chúa trả lời cho thánh Tôma. Tôma xin Chúa: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha. Chúa Giêsu trả lời: Ai xem thấy Ta là xem thấy Cha. Vậy Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Chúa Cha. Thánh Gioan đã nói rằng: Chúa là tình yêu, khi chúng ta yêu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như cộng đồng tình yêu.

Tình yêu của đời sống gia đình là tình yêu phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa. Cha mẹ yêu nhau và yêu thương con cái. Chỉ khi yêu, chúng ta mới cảm nghiệm được mầu nhiệm tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi kết hợp mật thiết với nhau trong tình yêu. Chúa Giêsu nói rằng: Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con làm dấu thánh giá, chúng con tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và nguồn sự sống của chúng con. Chúng con thờ lạy, cảm tạ và tôn vinh danh Chúa đến muôn đời.

Về mục lục

.

ĐẤNG MẶC KHẢI

Lm Vũđình Tường

Đức Kitô là Đấng Mặc Khải bởi qua Ngài Kitô hữu biết ít nhiều về Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng bản tính, cùng quyền phép, được tôn thờ như nhau. Đối với suy luận bình thường thì điều này xem ra nghịch lí. Điều mà khối óc con người có thể hiểu, điều đó không phải là mầu nhiệm. Từ ‘mầu nhiệm’ dùng để diễn tả những gì ngoài sự suy luận, ngoài hiểu biết của con người. Điều này cao sâu hơn cả huyền bí. Điều huyền bí còn có hy vọng tìm hiểu; Mầu Nhiệm đòi hỏi lòng tin. Vì thế mới có Mầu Nhiệm Đức Tin.

Qua việc Truyền Tin, Mẹ Maria có lẽ là Đấng thụ tạo đầu tiên được diễm phúc biết tên Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, khi sứ thần truyền tin cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đón chào lời sứ thần loan báo và trở thành Mẹ Thiên Chúa. Kitô hữu qua bí tích thanh tẩy trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô và chịu các bí tích, Kitô hữu trở thành kẻ mang Đức Kitô trong tâm hồn, tâm trí mình. Qua Đức Kitô, Kitô hữu biết một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ở tuổi mười hai, Đức Kitô cùng gia đình tham dự lễ Vượt Qua, sau lễ gia đình về lại quê quán, Đức Kitô lưu lại trong đền thờ giải đáp các thắc mắc của lãnh đạo đền thờ. Khi Đức Trinh Nữ tìm gặp bà nói: ‘Con có biết cha con và ta lo lắng tìm con mấy ngày nay không?’ Đức Kitô đáp: ‘Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao? (lc 2,49). Suốt cuộc đời rao giảng công khai, Đức Kitô luôn nhắc cho mọi người biết về Thiên Chúa Cha. Điều này làm cho kẻ chống đối kết án Ngài là phạm thượng, tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trên thập tự, nhiều lần Đức Kitô đã tâm sự cùng Chúa Cha. Đây không phải là những câu nói bình thường mà là những câu nói cuối đời, trước khi lìa cõi trần. Thánh Luca thuật lại ngay trong lúc bị quân lính hành hạ đau đớn đến tận xương tuỷ, Đức Kitô đã cầu nguyện cùng Chúa Cha tỏ lòng khoan nhân cho những kẻ đối xử bất nhân với Ngài. ‘Lậy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm Lc 23,34’. Điều này tỏ lộ lòng Chúa nhân từ, khoan dung. Lòng khoan dung Chúa mạnh hơn, cao vời hơn tội giết chết chính Con Một Thiên Chúa. Cũng trên thập tự Đức Kitô trước giờ tắt thở đã liên kết với Chúa Cha và xin được chết trong tình yêu Chúa Cha. ‘Lậy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha Lc 23,46’. Nói xong Ngài tắt thở. Điều này cho thấy sự liên kết, liên tục, vừa tâm tình, vừa mật thiết giữa Đức Kitô và Chúa Cha bền vững cho đến hơi thở cuối đời. Mối liên kết này không gì huỷ diệt được. Nhục hình và ngay cả đối diện trước cái chết không làm suy giảm mối liên kết Cha Con, trái lại càng làm cho mối liên kết vững vàng, chắc chắn và mãnh liệt hơn.

Qua Đức Kitô, Kitô hữu biết đến Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần. Điều này xảy ra rõ ràng, mạch lạc trước mắt đám đông chứng kiến khi Đức Kitô chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan. Khi bước ra khỏi nước có tiếng từ trời cao phán bảo; ‘Đây là Con Ta hằng yêu mến, các ngươi hãy nghe lời Ngài’. Người ta cũng chứng kiến Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đến đậu trên Đức Kitô (Mat 3,13-17). Đức Kitô tâm sự và hứa cùng các môn đệ trước khi Ngài chịu khổ hình, Ngài sẽ ban Thánh Thần Chúa xuống hướng dẫn, chỉ bảo, dậy dỗ, khai trí mở lòng các Kitô hữu. Thánh Thần cùng đồng hành với Kitô hữu, không phải một thời gian, mà ở cùng mọi ngày trong cuộc sống (Jn 14,26). Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa thánh hoá cuộc sống của Kitô hữu. Thánh Thần biến đổi ngôn từ cầu nguyện bình thường của ta cho thích hợp trước khi dâng í nguyện lên Thiên Chúa. Thánh Thần hướng dẫn Kitô hữu cầu nguyện, liên kết đời mình với Thiên Chúa. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã chỉ bảo, dậy dỗ và ban ơn cứu độ cho nững kẻ tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA LÀ CHA

Lm Giacôbê Tạ Chúc

Tháng năm có ngày của Mẹ, tháng sáu có ngày của Cha. Cha Mẹ sinh con ra, qua bao tháng năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Ôi tình cha nghĩa mẹ bao là thiết tha.

Người công giáo gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng trong bóng dáng của người cha đó, vẫn đong đầy tình mẹ chứa chan. Thiên Chúa là Phụ tử và Ngài cũng là Mẫu tử. Lễ Chúa Ba Ngôi diễn tả một cách tròn đầy một Thiên Chúa duy nhất nhưng phong phú trong đa dạng: Ngài là Cha-Con-Thánh Thần. Nơi Ngài vừa là tình yêu của một người Cha, nhưng không hề thiếu vắng tấm lòng bao la của một người Mẹ.

Như ánh mặt trời cùng lúc cho vạn vật ánh sáng, sức nóng dù nó cách chúng ta đến 150 triệu cây số. Thiên Chúa Ba Ngôi hoạt động và mang lại ân sủng cho con người. Chúa Cha tác thành vạn vật, Ngài sai Người Con nhập thể để cứu vạn chúng sinh. Chúa Thánh Thần được Chúa Giê-su sai đến để soi sáng và thánh hóa con người. Thật vậy, từ đầu lịch sử của công trình sáng tạo, Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng hoạt động, với nhau, cho nhau và vì nhau. Mặc dù trong cựu ước, chưa có một sự quả quyết rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi lẽ, não trạng của dân Do Thái là niềm tin độc thần. Hãy tưởng tượng người nhạc sỹ sáng tác một bản nhạc, anh ta viết ở cung đô trưởng, muốn đánh hợp âm đô trưởng cùng một lúc người ta phải kết hợp một loạt ba note: đô-mi-sol. Ba note tạo thành một hợp âm đô trưởng, khi hát lên bản nhạc nghe du dương vô cùng. Niềm tin vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi do chính Đức Giê-su truyền dạy. Giáo Hội qua rất nhiều công đồng đã khẳng định một cách xác tín về điều này. Các Công Đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, Công Đồng Constantinopoli năm 381, công đồng Latran IV năm 1215, công đồng Lion II năm 1274, công đồng Floren năm 1439. Dùng lý lẽ hạn hẹp của mình để đào sâu chân lý về Thiên Chúa là điều khó khả thi, nhất là những ai có ý định đem khoa học để giải thích sự hiện diện của Thiên Chúa thì quả là một điều khó hơn “ mò kim đáy biển”. Cũng giống như một người muốn ôm hết biển cả vào lòng, nhưng khi nhảy vào đại dương và bơi vào trong biển khơi thì ngày càng mịt mù ngăn cách. Chỉ trong niềm tin và tình yêu, chúng ta mới có thể thấy Thiên Chúa không đơn độc, ở Ngài tình yêu làm phát sinh muôn điều thiện hảo, và điều thiện hảo lớn lao quá đỗi là khi Thiên Chúa đã ban chính con một mình cho chúng ta. Tình yêu có Ngôi vị của Ngài là nguồn cảm hứng dạt dào để Thiên Chúa như một họa sỹ tài ba, đã vẽ nên một bức tranh tuyệt vời là vũ trụ và con người, nó không ở thể tĩnh mà luôn động. Một khi đặt con người vào trong vũ trụ, Thiên Chúa muốn bộc bạch cho con người thấy, nơi Ngài, tình yêu chính là điểm phát xuất Mầu Nhiệm Ba Ngôi.

Tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi là nét đẹp của hiệp nhất trong những khác biệt. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.

Về mục lục

.

SỰ THẬT TOÀN VẸN.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng.

Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá.

Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ.

Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi.

Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

Về mục lục

.

SỐNG NIỀM TIN VÀO CHÚA BA NGÔI

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa có thể nói được là “mầu nhiệm nguồn” của mọi mầu nhiệm. Và con người biết được mầu nhiệm Ba Ngôi là nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chứ không phải do nổ lực suy lý của mình. Có điều Chúa Giêsu không bao giờ trình bày mầu nhiệm lớn lao này bằng khái niệm “kỷ thuật số”: “3 ngôi” – ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba…. Ngài chỉ nói Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhưng cũng là mầu nhiệm mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày, qua Dấu Thánh Giá, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính…. Tuy nhiên, đó không phải là mầu nhiệm để tuyên xưng hay để hiểu mà thôi, nhưng còn là để sống. Nói cách khác, tuyên xưng niềm tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi thì phải sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi cụ thể là sống thế nào?

– Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là sống tâm tình cảm mến tri ân:

Cảm mến tri ân vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm quá đổi lớn lao này. Cảm mến tri ân vì Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa. Đây là nguyên lý của sự hiệp nhất và bền vững của thế giới tạo thành. Có người thắc mắc tại sao không hiểu Ba Ngôi là ba Chúa cho đơn giản mà lại dạy Ba Ngôi một Chúa cho phức tạp, khó hiểu, mệt cái đầu? Thiết nghĩ nếu Ba Ngôi mà ba Chúa có lẽ số phận của con người và vũ trụ này sẽ bất hạnh biết chừng nào, bởi vì cứ tưởng tượng một nhà ba chủ, một nước ba vua, một giáo hội ba giáo hoàng,.. thì sẽ ra sao chúng ta biết rồi.

– Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa thứ đến là sống tinh thần hiệp nhất yêu thương:

Tự bản tính, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu hiệp nhất Cha Con và Thánh thần. Chỉ trong tương quan tình yêu, chúng ta mới có thể hiểu phần nào Ba Ngôi mà lại một Chúa: “Ta và Cha Ta là một, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta”. Nói cách khác, chỉ có tình yêu mới khả dĩ cắt nghĩa được khía cạnh ngôi hiệp trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi thế mà những người đang yêu hiểu khái niệm “ngôi hiệp” một cách dễ dàng hơn, như lời họ bộc bạch trong một bài hát: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình yêu nối kết chúng ta, ta thương nhau quá nên hai hoá ra thành một”.

Tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương hiệp nhất như là bản chất của các Ngài, thì ta cũng phải sống tinh thần hiệp nhất yêu thương như các Ngài vẫn sống. Mọi hình thức chia rẽ, hận thù, ly giáo, đoạn tuyệt… đều đi ngược với niềm tin mà ta tuyên xưng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

– Sống niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa sau nữa còn là sống tinh thần hy sinh phục vụ:

Ba Ngôi Thiên Chúa không giữ lại tình yêu cho riêng mình mà chia sẻ tình yêu ấy cho mọi thụ tạo, đặc biệt là con người qua tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người qua mầu nhiệm nhập thể để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Do vậy không thể tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà lại sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ biết đến mình, lo cho mình mà thôi.

Khi nghiên cứu vết máu trên tấm khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã xác định được Chúa Giêsu thuộc nhóm máu B. Là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi và là anh em của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta cùng huyết thống với Ngài, cùng nhóm máu với Ngài, nhóm máu B. “B” là bác ái, “B” là bao dung, “B” cũng là bình an. Bác ái với mọi người nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Bao dung với những người lầm lỗi, những người đã xúc phạm đến ta hay làm ta tổn thương. Có như thế thì ta mới có được sự bình an của Chúa Ba Ngôi nơi tâm hồn mình được.

Người ta kể rằng Christophe Colombus, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh”. Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colombus đã thề hứa sẽ dâng Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta khi mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, hay mỗi khi tuyên xưng mầu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng biết đưa mầu nhiệm ấy vào trong cuộc hằng ngày, bằng việc hết lòng yêu mến Chúa Ba Ngôi như Christophe Colombus đã từng yêu mến. Đồng thời biết hết tình hiệp nhất yêu thương và hết mình hy sinh phục vụ anh chị đồng loại ngay trong gia đình, gia tộc và trong cộng đoàn mà mình đang sống. Amen.

Về mục lục

.

TÔN THỜ CHÚA BA NGÔI TRONG ĐỜI SỐNG

Lm. Trần Bình Trọng

Trong thời Cựu ước, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải cho dân được chọn. Bị bao vây bởi các dân thờ đa thần, dân Do thái được Thiên Chúa truyền dậy qua Môsê là họ phải tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa tể duy nhất, hằng hữu, toàn năng và chân thật, ngoài ra không có chúa nào khác (Đnl 4:39). Đó là điều thiết yếu trong tôn giáo độc thần của họ. Do đó, đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có thể khiến họ lầm tưởng rằng có ba chúa hay ba thần. Mà ba chúa hay ba thần là điều trái nghịch với nền tôn giáo độc thần của họ, lại còn có thể làm giảm lòng tin của họ vào một Chúa.

Thế nên Thánh kinh Cựu ước không nói gì về mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước mới ám chỉ, chứ không nói rõ, về Ba ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta (St 1:26). Đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta, ám chỉ rằng có hơn một ngôi vị nơi Thiên Chúa.

Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa và hứa sai Chúa Thánh thần xuống để an ủi, thánh hoá và ban sức mạnh thiêng liêng cho loài người, thì tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện. Khi ông Gioan tiền hô làm phép rửa cho Đức Giêsu ở sông Giođan, thì Chúa Thánh thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ. Khi ra khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3:16-17). Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh thần: Thầy ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù Trợ sẽ không đến với chúng con (Ga 16:7).

Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Chúa Cha được bầy tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con, rồi đến Chúa Thánh Thần. Ba ngôi trong một Chúa là một Mầu nhiệm. Ta có thể dùng hình tam giác cân để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, ta thấy ba cạnh và ba góc đều nhau và bằng nhau, nhưng chỉ là một hình tam giác. Thánh Patriciô dùng một lá tam diệp thể (shamrock) để so sánh mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa. Ngài hỏi dân Ái Nhĩ Lan xem họ thấy bao nhiêu lá tam diệp thể. Họ trả lời một. Rồi Ngài hỏi vậy có bao nhiêu lá. Họ nói có ba. Khi học kinh bổn thời tiền Công đồng Vaticanô II và sau đó một thời gian, ta còn nhớ học bằng cách tự hỏi, rồi tự thưa. Những người sinh trước Công đồng Vaticaanô II hẳn còn nhớ thưa thế nào cho câu hỏi: Hỏi Đức Chuá Trời có mấy ngôi? Rồi người học tự thưa theo sách, hay thưa theo những người đọc thuộc lòng: Thưa Đức Chúa Trời có Ba ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần. Rồi Sách lại hỏi thêm: Hỏi trong Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi là hơn, Ngôi nào kém chăng? Họ lại tự thưa theo sách Bổn: Thưa Ba Ngôi cũng bằng nhau. Sở dĩ trước đây giáo dân học kinh bổn thuộc lòng như vậy là vì người ta thiếu sách vở, và có những người lại không biết đọc. Việc học thuộc lòng còn có điểm lợi là ghi tạc vào tâm khảm của họ một niềm tin vững chắc như kiềng ba chân.

Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho ta về Chúa Ba ngôi là dấu thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về lòng tin vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin người công giáo là mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm cứu chuộc. Ta thấy linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba ngôi như lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay: Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần (Mt 28:20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Trong phần đầu lễ, linh mục chủ tế dùng lời chúc bình an của thánh Phaolô để chào đón giáo dân tham dự thánh lễ như sau: Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Linh mục kêu cầu Chúa Ba Ngôi khi cử hành Bí tích Giải Tội. Linh mục sức dầu bệnh nhân, nhân danh Chúa Ba Ngôi. Đức giám mục cử hành Bí tích Thêm sức trong dấu thánh Chúa Ba Ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Trước khi ăn, ta cũng làm dấu thánh giá, tạ ơn Chúa Ba ngôi cho ta của ăn hàng ngày.

Biết được có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi còn làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Biết được có Chúa Cha là Đấng tạo dựng loài người, Chúa Con là Đấng cứu chuộc nhân loại, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, an ủi, ban sức mạnh thiêng liêng giúp ta dễ dàng cầu nguyện, biết phải xin với Ngôi Vị nào cho thích hợp. Xét về phương diện thần học thì khi ta cầu nguyện với một Ngôi Vị là ta cầu nguyện với Ngôi Vị kia vì Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần là một Chúa. Tuy nhiên xét theo tâm lý học, thì để cho ăn chắc, ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc như: Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy, chúc tụng và tạ ơn Ba Đấng. Con xin Ba Đấng ban cho con được thế nọ, thế kia vân vân…

Thiết tưởng hôm nay nhân ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi ta cần trả lời vài thắc mắc sau đây: Ta có ý thức được chỗ đứng của Chúa Ba ngôi trong đời sống chưa? Dấu thánh giá ta làm có nhắc nhở cho ta về lòng tin vào Chúa Ba ngôi không? Ta có làm dấu thánh giá cách ý thức và kính cẩn, hay làm một cách cẩu thả, vô ý thức?

Lời cầu nguyện: xin cho được biết tôn thờ Chúa Ba Ngôi.

Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng!

Con thờ lậy, đội ơn và chúc tụng Ba ngôi Thiên Chúa.

Con cảm tạ Chúa đã tạo thành nên con.

Xin Ngôi Hai Thiên Chúa tiếp tục công việc cứu độ nơi con.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hoá đời sống con.

Xin đến phù trợ mỗi khi con làm dấu thánh giá,

kêu cầu đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

.

TÌNH YÊU LUÔN LÀ HY SINH

PM. Cao Huy Hoàng

Những người đang yêu nhau trên thế gian trong tình lứa đôi trước và trong hôn nhân thường có những cảm nhận tình yêu là hạnh phúc: “Anh ơi! Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tràn ngập tình yêu”. “Em thật sự hạnh phúc khi có anh”. “Anh là tất cả của đời em”. “Anh luôn là giấc ngủ bình an của em, là hơi thở trẻ trung tràn sức sống, là niềm hy vọng vô biên, là điểm tựa vững chắc, là mùa xuân vĩnh cửu của đời em…”.

Những người đang yêu nhau trong tình gia đình, xã hội trong tương quan nhân loại cũng cảm nhận được tình yêu là hạnh phúc: “Tình Cha tình Mẹ ôi là bao la”, “Quả thật đời ta cần có nhau”, “Không ai là một hòn đảo lẻ loi”, “Có yêu người mới biết giá trị ấm nồng khi được yêu thương”…

Thật là hay, thật là ý nghĩa tuyệt vời. Những ai đã từng đi qua những ngày yêu trên thế gian này đều có thể hiểu thấu rằng tất cả những cảm nhận ấy đều xuất phát từ một khát vọng vô biên trong trái tim con người. Nếu khát vọng chính đáng ấy được nuôi dưỡng bằng một tình yêu chuẩn mực của Thiên Chúa Ba Ngôi là “tình yêu hy sinh, tình yêu cho đi” thì quả thật, những người yêu nhau ấy, đã cảm nếm được thứ hạnh phúc không bao giờ phai tàn.  Điều đáng tiếc là, không ít người phải rơi vào cảnh thất vọng, đau khổ triền miên, vì người ta đã yêu nhau theo cách của người trần gian “tình yêu chiếm đoạt”. Người bị chiếm đoạt, mất đã đành, người chiếm đoạt được rồi cũng thành tay trắng. Bởi có ý nghĩa gì đâu những thứ hạnh phúc đời chóng vánh, thấy long lanh óng ánh hấp dẫn dễ thương nhưng bản tánh hạnh phúc ấy là ảo tưởng, phù du….

Chỉ có tình yêu Chúa Giê-su mới là chuẩn mực của tình yêu và hạnh phúc đích thực: một tình yêu cho đi, một tình yêu dâng hiến cho người mình yêu, một tình yêu chấp nhận sự thua thiệt về mình để người mình yêu được hạnh phúc… Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy yêu như Thầy đã yêu”.

Hôm nay, lễ Chúa Ba Ngôi cho chúng ta khám phá một chiều kích mới mẻ hơn nữa trong tình yêu của Chúa Giê-su:Tình yêu của Chúa Giê-su chính là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”. Chúng ta không hề thấy, biết về Thiên Chúa Cha, không biết Chúa Cha có gì, nhưng qua Chúa Con, chúng ta hiểu về Thiên Chúa Cha là đấng giàu lòng thương xót, giàu tình yêu, giàu lòng khoan dung tha thứ.  Chúa Giê-su còn cho ta biết về Chúa Thánh Thần là thành phần trong sự hiện hữu huyền nhiệm của Cha và Con.: “Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”. Như vậy, qua Tình yêu của Chúa Giê-su, con người trần gian biết về Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi thực cao vời, đáng kính, đáng trọng, đáng tôn sùng, đáng học theo để sống trong cuộc đời cần có một tình yêu đúng nghĩa.

Mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ở chỗ “Ba Ngôi Hy Sinh Cho Nhau”. Tình yêu luôn là hy sinh, hy sinh vô điều kiện, hy sinh tuyệt đối.

Nếu giữ cho mình ngôi vị Thiên Chúa Cha là chủ tể muôn loài thì hẳn là Chúa Cha sẽ không san chia uy quyền, phép tắc cho ai. Nhưng không, uy quyền của Cha đã hiện thực nơi người Con, nơi Chúa Thánh Thần.

Vậy, hóa ra, Thiên Chúa là đấng hiền lành, khiêm nhượng, biết từ bỏ mình, luôn hy sinh để cả ba ngôi hiệp nhất trong một tình yêu nhau và nhất là hiệp nhất trong tình yêu dành cho nhân loại. Chúa Giê-su đã đến thế gian, mặc lấy cả quyền năng và tình thương của Chúa Cha để thi hành ý cha dưới tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Chúa Cha có cần phải sáng tạo trần gian và loài người không? Chẳng thêm gì cho Ngài. Chỉ thêm chuyện hy sinh chia sẻ.

Chúa Cha có cần phải cứu chuộc con người không? Cũng chẳng thêm gì cho Ngài. Chỉ thêm chuyện phải đày đọa Con mình, hy sinh, chia sẻ.

Nhưng Chúa Cha đã sáng tạo nên, đã cứu chuộc được, nhờ tình yêu Cha, Con và Thánh Thần, Ba Ngôi Hiệp Nhất với nhau trong cùng một ý định tràn ngập sự hy sinh, sẻ chia. Vâng, sáng kiến của tình yêu sáng tạo dẫn đến sáng kiến của tình yêu cứu chuộc. Sáng kiến nào cũng bắt nguồn từ sự hy sinh của cả Ba Ngôi.

Nhân Lễ Chúa Ba Ngôi, nhờ tình yêu của Chúa Giê-su mà chúng ta chạm tới sự huyền nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, như Chúa Giê-su đã nói  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).. Huyền nhiệm ấy, chính là Tình Yêu. Tình yêu của Thiên Chúa, trở nên chuẩn mực cho mỗi chúng ta  trong tình yêu thương gia đình, hôn nhân, cộng đồng xã hội. Hãy sống trong tình yêu thương sẽ gặp được Thiên Chúa vì “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8)

Trở lại với những cảm nhận về hạnh phúc trong tình yêu, thiết tưởng những người yêu nhau cần khẳng định lại cách yêu của mình theo tiêu chuẩn tình yêu Thiên Chúa mới có thể đạt đến hạnh phúc thật, hạnh phúc vô biên, hạnh phúc không bao giờ phai tàn. Bấy giờ, những câu tình tứ lãng mạn kia “Anh ơi! Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tràn ngập tình yêu” sẽ trở nên thực sự hạnh phúc khi người ta quyết định hy sinh và dâng hiến cho nhau như Chúa Ba Ngôi đã hy sinh và dâng hiến cho nhân loại. “Anh là tất cả của đời em” đồng nghĩa với việc anh đã yêu em bằng mối tình cho đi, vì hạnh phúc đời này và đời sau của người mình yêu. “Tình Mẹ tình Cha ôi là bao la vĩ đại” chỉ khi cha mẹ theo khuôn mẫu của tình yêu Chúa Ba Ngôi mà hy sinh trọn vẹn cho con cái. Tình người “cần có nhau”, hay việc bác ái cho nhau cũng chỉ có giá trị vĩnh cửu đích thực khi việc trao ban ấy đồng nghĩa với việc hy sinh một phần sự sống của mình cho người khác được sống, sống phần xác và sống cả phần linh hồn.

Lạy Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con huyền nhiệm về Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho chúng con. Nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa cho chúng con tràn ngập tình yêu thương theo khuôn mẫu tình yêu hy sinh của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng con được hạnh phúc đời này và đời sau . A men

Về mục lục

.

MẦU NHIỆM LỚN NHẤT

Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải

Thưa anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm lớn nhất, cao cả nhất và khó hiểu nhất trong đạo Công Giáo chúng ta.

Với trí khôn con người hạn hẹp, thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm cao cả này, nếu Chúa không mặc khải cho nhân loại biết. Tìm đọc trong Thánh kinh ta thấy có nhiều chỗ nói về hình ảnh Chúa Ba Ngôi, nhưng ở đây xin đưa ra một trường hợp Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra dễ nhận biết nhất.

Chẳng hạn như, khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, và khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3,21-22). Hơn nữa, trong ba năm rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu từ từ mạc khải cho nhân loại biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Đầu tiên, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết có một Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài mời gọi: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). 6,36). Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua kinh lạy Cha… (Mt 6,7-14).

Khi dạy về chính mình, Đức Giêsu cho chúng ta biết Ngài có tương quan với Chúa Cha, Ngài được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài đến để thi hành thánh ý Chúa Cha.

Khi dạy về Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi”. Và quả thật, sau khi Đức Giêsu về trời 10 ngày, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Cuối cùng trước khi Đức Giêsu về trời, Ngài ra lệnh cho các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài là: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Như vậy, chúng ta thấy Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15). Ví dụ: Thiên Chúa Cha cử Thánh Thần đến, giúp các tông đồ nhớ lại những lời Đức Giêsu giảng dạy, cũng giống như Đức Giêsu cũng không tự mình mà nói nhưng chỉ nói những gì mình nghe được từ Chúa Cha.

Sự sống của chúng ta có tương quan với từng Ngôi một. Ngôi Cha, tình yêu sáng tạo, dựng nên muôn loài muôn vật. Ngôi Hai, tình yêu cứu chuộc, và Ngôi Thánh Thần, tình yêu thánh hoá. Chúng ta biệt quy cho dễ hiểu, chứ thật ra: Ba Ngôi đồng sáng tạo, đồng cứu chuộc và đồng thánh hoá.

Anh chị em thân mến,

Cuộc đời Kitô hữu chúng ta gắn liền với Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh giá.

Từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được ghi dấu Thánh giá trên mình, lúc đó có Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn ta. Rồi trong đời sống hằng ngày, từ việc ăn uống, học hành, hay làm những việc đạo đức, từ khởi sự cho đến hoàn thành, chúng ta đều làm dấu Thánh giá. Và ngay cả khi chúng ta nhắm mắt lìa đời nằm dưới nắm mồ, cũng được khắc ghi Thánh giá trên ngôi mộ.

Như vậy, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá, là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta muốn ghi dấu Ba Ngôi Thiên Chúa trên mình, và trong mọi hoạt động của chúng ta. Hay nói đúng hơn, chính Ba Ngôi đã không ngừng ghi dấu trên cuộc đời chúng ta và nhất là trong đời sống đức tin.

Vậy hôm nay, mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên ý thức hơn mỗi khi làm dấu Thánh giá, là dấu chỉ chúng ta thuộc về Đức Kitô. Cho nên, khi làm dấu Thánh Giá, khi đọc kinh Sáng danh và kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng với tất cả tấm lòng tôn kính và hãnh hiện tuyên xưng đức tin đó trong mọi hành động của mình. Amen.

Về mục lục

.

HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

Hy vọng là động lực sống. Hướng sống và niềm vui sẽ mất đi, nếu không còn niềm hy vọng. Nhưng làm cách nào nuôi niềm hy vọng trong tâm hồn? Đó là bí quyết của Thánh Linh. Chỉ niềm tin nào đem lại hy vọng, mới có giá trị và tồn tại.

NGUỒN HY VỌNG.

Cuộc sống luôn có những biến động. Niềm hy vọng luôn bị đe dọa khi gặp những khó khăn. Nhưng không phải bất cứ ai gặp khó khăn đều đánh mất niềm hy vọng. Niềm hy vọng cũng huyền nhiệm như niềm tin Kitô giáo. Đó là lý do tại sao phải tìm hiểu niềm hy vọng do Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta!

Trước hết, chỉ có Thiên Chúa mới đem lại và bảo đảm niềm hy vọng cho chúng ta. Vì niềm hy vọng bắt nguồn từ Thánh Linh. Quả thế, “chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5) Tình yêu Thiên Chúa là nguồn hy vọng, vì chính trong tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu độ. Không có tình yêu, chẳng có một giá trị nào hiện hữu và tồn tại. Bởi vậy, Thiên Chúa đã đặt nền tảng niềm hy vọng trên tình yêu tức là Thánh Linh. Chẳng có gì tạo nổi niềm hy vọng ngoài tình yêu Thiên Chúa! Thiên Chúa yêu thương chúng ta mãnh liệt và sâu đậm, nên niềm hy vọng của chúng ta chắc chắn phải lớn lao và bền vững hơn bất cứ thực tại nào trên trần gian.

Nhưng tình yêu chưa đủ! Thiên Chúa muốn niềm hy vọng phải đặt vào đúng chỗ. Mù quáng chỉ dẫn tới ảo tưỡng và sụp đổ. Cần phải có sự thật nữa. Bởi thế, Đức Giêsu mới hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16:13) Sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người! Không thấy được sự thật toàn vẹn, con người không thể được giải thoát. Không được giải thoát, không có tình yêu và niềm hy vọng đích thực. Thánh Linh đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa vô cùng mãnh liệt và cao cả khiến các môn đệ không thể hiểu nổi. Quả thực, nếu không có Thánh Linh soi sáng, làm sao nhận ra ơn cứu độ lớn lao nơi cái chết và phục sinh của Đức Kitô?

Thần Khí chính là sự khôn ngoan, “một sự khôn ngoan soi sáng cho thấy ý nghĩa thực tại.” (Faley 1994:387) Thánh Linh “luôn hiện diện với Thiên Chúa trong toàn thể tiến trình tạo dựng.” (Faley 1994:384) Người# luôn hoạt động để tạo dựng một vũ trụ có trật tự. Cuộc tạo dựng không chỉ xảy ra trong vũ trụ, nhưng cả trong Giáo hội nữa. Thần khí không chỉ hoạt động trong thời gian viết Thánh Kinh! Nhưng Người còn hoạt động trong Giáo hội qua dòng thời gian nữa! Muốn bảo vệ sự thật toàn vẹn, Người phải làm việc trong trật tự. Cứ nhìn vũ trụ sẽ thấy công việc Thánh Linh làm trong Giáo hội, không thể theo ngẫu hứng hay tình cảm cá nhân!

Hơn nữa, Thánh linh còn đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn về con người. Mục đích cuối cùng của mạc khải là giao hòa con người với Thiên Chúa và anh em. Nhưng làm sao giao hòa với Thiên Chúa và anh em, nếu con người không biết hết sự thật về chính mình và những tương quan vô cùng phong phú của mình? Không có gì khó bằng khám phá chính mình. Nhưng Thánh Linh sẽ giúp con người nhận ra sự thật khó khăn đó. Khi biết rõ chính mình, con người sẽ khiêm tốn hơn và hạnh phúc hơn. Khi biết rõ tương quan sâu xa giữa mình và Thiên Chúa cũng như tha nhân, con người sẽ thấy mình phải cố gắng tới mức nào. Vì chính trong tương quan này, con người sẽ tìm được hạnh phúc tròn đầy. Chỉ trong tương quan với anh em, con người mới trở nên hình ảnh Thiên Chúa đích thực. Vì tự bản chất, Thiên Chúa là một tương quan. Nếu không, đã chẳng có Ba Ngôi trong một Thiên Chúa. Trong các tương quan phản ánh tình yêu Thiên Chúa nhất, chúng ta phải kể đến gia đình. Chính trong gia đình, con người cảm nghiệm được tình yêu thắm thiết của Ba Ngôi. Càng chia sẻ sâu xa tình yêu gia đình, càng đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa.

Huyền nhiệm Thiên Chúa chính là sự thật toàn vẹn, đối tượng của niềm tin. Bởi vậy, được đưa vào sự thật toàn vẹn là “được nên công chính nhờ đức tin,” tức là được tham dự vào đời sống Thiên Chúa. Đời sống Thiên Chúa chan hòa bình an! Không biết được sự thật toàn vẹn đó, cuộc sống sẽ tràn ngập đau khổ. Trái lại, nhờ Thánh Linh, mọi vấn đề sẽ được giải quyết, kể cả vấn đề đau khổ. Tín hữu không những không sợ đau khổ, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ “còn tự hào khi gặp gian truân.” (Rm 5:3) Tín hữu không tìm cách diệt trừ hay phủ nhận đau khổ. Vì đau khổ dính liền với thân phận làm người. Nhưng họ quan niệm đau khổ là một thử thách cần phải vượt qua. Cuộc vượt qua thử thách đó không dựa vào sự thật bình thường, nhưng vào sự thật toàn vẹn do Thánh Linh mạc khải.

Càng đi sâu vào sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa và con người, càng được giải thoát. Càng được giải thoát, càng vui tươi và bình an. Chính Thánh Linh cảm thấy được niềm vui đó khi từ sự thật Thiên Chúa mà đến. Người mạc khải: “Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.” (Cn 8:30-31) Lối nhìn trần giới hoàn toàn khác hẳn. Khôn ngoan mang bộ mặt trang trọng, chứ không thể đi đôi với “vui chơi”. Nhưng chính niềm vui mới là dấu chỉ hy vọng lớn lao. Đó là lý do tại sao niềm vui tràn ngập tuổi trẻ đầy hy vọng. Hơn nữa, càng khôn ngoan càng chứng tỏ đã nắm được chân lý toàn vẹn. Càng nắm chắc chân lý toàn vẹn, càng đặt được nền tảng sâu xa cho niềm hy vọng và niềm vui. Do đó, có một tương quan sâu xa giữa niềm hy vọng và sự khôn ngoan, sự khôn ngoan bắt nguồn từ niềm tin nơi Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao niềm tin phát sinh hy vọng. Chính thánh Phaolô quả quyết: “Còn chúng tôi thì nhờ Thần khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.” (Gl 5:5) Khi đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, con người có thể tìm được niềm hy vọng vững chắc, vì Thiên Chúa hằng hữu. Thực vậy, “vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:2) Đức tin là bảo đảm cho chúng ta đạt được niềm hy vọng ngay tự đời này dù đầy những bất trắc. Hơn nữa, đức tin còn có thể giúp con người bình an giữa cuộc đời đầy sóng gió. Thật vậy, “chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy.” (Rm 5:3-4) “Ngay cả những thử thách cũng góp phần giúp con người hy vọng đạt tới vinh quang, và sự chịu đựng sinh ra sức mạnh củng cố niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng có nền tảng, chứ không phải chỉ là ước vọng suông.” (Faley 1994:386) Niềm hy vọng là cao điểm qui tụ tất cả sức mạnh của người tín hữu. Không có hy vọng, không ai còn hứng khởi để vượt qua những thử thách muôn mặt. Khi đã vượt qua những thử thách đó, con người có thể hãnh diện và đầy hy vọng. Nhưng sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua thử thách, nếu không phải là Thánh Linh? Có vượt qua thử thách của đức tin, chúng ta mới có thể theo Đức Giêsu vào chung hưởng ân sủng Thiên Chúa. Chính đức tin và hy vọng khiến Kitô hữu khác hẳn với mọi người. Bình thường ai cũng run sợ trước đau thương thử thách. Nhưng người Kitô hữu như tràn đầy hứng khởi và tự hào vì được trở nên giống Đức Kitô đau khổ trong sứ mệnh cứu độ. Quả thế, thập giá là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:18) Nếu không trung kiên gắn bó với thánh ý Thiên Chúa, chắc chắn Đức Giêsu đã không thể đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Bởi thế, ai trung kiên mới có quyền hy vọng!

Niềm hy vọng này lại trở thành mấu cứ cho niềm tin và tình yêu. Quả thực, “lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.” (Cl 1:5) Lời chân lý gieo niềm hy vọng cứu độ vì phát xuất từ Thiên Chúa và do chính Thánh Linh loan báo. Quả thế, Thần Khí “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16:13) Thánh Linh loan báo một tương lai vững chắc, chắc như chính “những biến cố vào giờ Chúa Giêsu vậy.” (NIB 1995:773) Không phải Thánh Linh sẽ cho người tín hữu biết trước tương lai. Thật vậy, theo Bultmann, “người tín hữu chỉ có thể đo lường được tầm quan trọng và họ mức chịu đựng khi thực sự đụng đầu với thực tế. Họ có thể đoán trước tương lai trong niềm tin, chứ không biết trước về kiến thức.” (NIB 1995:773) Nếu thế, Lời Chúa vô cùng cần thiết để củng cố lòng tin trước bất cứ thử thách bất ngờ nào. Bởi vậy, vai trò Thánh Linh vô cùng quan trọng trong việc trao Lời Chúa cho cộng đoàn niềm tin và trong tương lai (x. NIB 1995:773) Hoàn thành trọng trách đó, Thánh Linh sẽ đem lại vinh quang cho Chúa Cha và Chúa Con. Thật vậy, “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:14) Loan báo Tin Mừng vừa cứu độ muôn dân vừa vinh danh Thiên Chúa.

CHIỀU HƯỚNG MỚI

Thánh Linh đã thực sự trở thành ngôi vị không thể thiếu trong công cuộc cứu độ. Điều kiện thực tế không cho phép các môn đệ hiểu tất cả những gì Chúa mạc khải trong một lúc. Cái gì cũng phải đợi thời gian mới chín mùi được! Chính Chúa đã nói rõ điều đó: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16:12) Chúa Giêsu cũng tôn trọng trình tự thời gian. Người cũng không thể đi trước thời gian hay giẫm chân lên Chúa Thánh Thần. Tương lai thuộc về Thánh Linh. Chính Thánh Linh vừa tiếp tục công cuộc mạc khải vừa ban sức mạnh và ánh sáng để các môn đệ được nâng lên mà nắm chắc nguồn hy vọng là Lời Chúa. Không thể tiên đoán Thánh Linh đi xa tới mức nào trong tương lai Giáo hội. Công đồng Vatican II chứng tỏ Thánh Linh đã làm một cuộc “hiện xuống mới” giữa thời đại hôm nay. Cuộc hiện xuống mới bắt đầu với cánh cửa Giáo hội mở ra thế giới. Từ sau Vatican II, Giáo hội không còn tự cho mình ở trên và tách lìa trần gian. Trái lại, “Thánh Linh trong công đồng đại kết đã dẫn Giáo hội qua một tiến trình tự đánh giá sâu sắc về mình như thành phần thế giới.” (Faley 1994:388) Từ nay, Giáo hội không còn chỉ thấy Chúa hiện diện trong Thánh Kinh, truyền thống, các nghi thức phụng vụ, “nhưng cả trong các biểu tượng và nghi thức từ các văn hóa và tôn giáo khác nữa.” (Heim 1998:14) Nhờ Thánh Linh hướng dẫn, Giáo hội còn “tìm sự hiện diện Thiên Chúa trong hoàn cảnh của người nghèo và bị bách hại, trong các tôn giáo thế giới, và các giáo hội Kitô giáo khác. Có một sự khôn ngoan vô hạn trong tất cả những thực tại này, một sự khôn ngoan làm giàu cho đức tin.” (Faley 1994:388) Khi đã thoát khỏi tình trạng tự giam hãm mình trong vòng Công giáo chật hẹp, Giáo hội có nhiều ảnh hưởng và tương quan phong phú hơn. Giáo hội đã bắt gặp nhiều cách diễn tả và cảm nghiệm khác nhau về sự thật nơi các tôn giáo khác và các anh em Tin Lành. Thánh Linh đã đánh thức Giáo hội sau bao thế kỷ triền miên trong những giới hạn nhân gian.

Dĩ nhiên cuộc đối thoại với các tôn giáo và anh em Tin Lành không được xa rời nguyên tắc “trung thành với Chúa Kitô và xác tín về ơn cứu độ dành cho mọi người.” (Heim 1998:26) Phong trào đại kết đã có kinh nghiệm sâu xa về liên tôn và suy tư về “hệ thống chân lý và những khả năng hiệp nhất không dựa nhiều trền việc đồng thuận hoàn toàn về giáo lý.” (Heim 1998:13) Đó là chiều cạnh lý thuyết cần thiết cho cuộc đối thoại. Về mặt thực tế, không thể không nghĩ đến những nỗ lực của các nhà truyền giáo trong các thế kỷ qua. Kinh nghiệm Alexandre de Rhodes, Nobili, Ricci cho thấy việc hội nhập văn hóa rất cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng. Nói khác, “việc lột xác trong việc truyền giáo đòi phải đối thoại với các tôn giáo khác, hoặc ở mức độ thân thiện, giáo thuyết, hành động xã giao, hay kinh nghiệm tôn giáo.” (Heim 1998:14) Hơn nữa, cần phải “chú ý tới tôn giáo phổ quát, thường gồm những yếu tố giao lưu văn hóa và tôn giáo đa nguyên.” (Heim 1998:14) Chính Thánh Linh sẽ hướng dẫn Giáo hội khi mở ra chiều hướng quá sâu rộng và phong phú như thế. Thực tế, Giáo hội vẫn tin rằng “ý thức đức tin (sensus fidei) sẽ cung cấp một nền tảng luận lý để đánh giá về hình thức biểu tượng của hòa điệu đa nguyên này.” (Heim 1998:14)

Thánh Linh đang mở ra một mùa xuân tràn đầy hy vọng trong lòng Giáo hội, niềm hy vọng phát xuất tự và cũng phát sinh ra lòng tin và tình yêu. Tương quan bộ ba tin cậy mến thật là huyền nhiệm, huyền nhiệm như chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính tương quan đó đã mở ra cho Giáo hội những chiều hướng mới đi vào một thế giới đang ngóng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ.

Về mục lục

.

MỌI SỰ CHÚA CHA CÓ ĐỀU LÀ CỦA THẦY

Fx Đỗ Công Minh

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu gặp gỡ các tông đồ lần cuối trước khi từ biệt các ông để trở về cùng Cha trên trời. Chúa biết lòng các ông còn đang xao xuyến vì sắp phải từ giã Thầy mình, còn đang băn khoăn về Thiên Chúa Cha. Người trải lòng :” Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi ”. Chúa mạc khải cho các ông sứ mạng của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa một cách công khai trước mặt các ông. Chúa nói : ”Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. . . Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em “.  Chính trong thời điểm này, Đức Giêsu đã nhắc cho các ông về sự hiệp nhất giữa Người với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mà đã nhiều lần trước đó, Chúa đã từng hé mở cho các ông được biết: ” Mọi sự  Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người ( Chúa Thánh Thần ) lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em“. Chúa muốn khẳng định cho con người chúng con biết về mầu nhiệm một Thiên Chúa mà có ba ngôi.

Một trong những lần trước đó Chúa từng đối đáp với ông Nicôđêmô. Ông là một nhà thông thái trong dân Ítsraen đến gặp Chúa ban đêm. Hẳn là ông khao khát muốn biết về con người và Giáo lý của Chúa. Ông đã đặt những câu hỏi và được Chúa giải đáp. Qua ông Chúa cũng muốn gửi đến cho chúng con ý niệm về một Thiên Chúa ba ngôi. Chúa không giải thích bằng lý luận nhưng cho ông thấy tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người, cho nhân loại cụ thể thế nào. Mở đầu Người nói: “Không ai có thể vào nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và thần khí” và :” Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con một (là Đức Giêsu) để những ai tin vào Ngài sẽ không phải hư mất, nhưng được sống muôn đời “. Thế nhưng ông cũng không hiểu được.

Không chỉ Nicôđêmô mà cả các tông đồ ngày ấy cũng trăn trở, thắc mắc. Chỉ đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài mở lòng trí nên các ông mới tin và hiểu những điều Đức Kitô răn dạy khi Chúa còn ở với các ông.

Ngày hôm nay, mầu nhiêm một Thiên Chúa mà có ba ngôi có lẽ vẫn là điều chúng con phải dùng đức tin mà đón nhận. Điều dễ nhất mà con cảm nhận được đó là tình yêu của ba ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Đó chính là thông điệp Chúa gửi đến cho nhân loại. Tình yêu đó có thể nhận ra một cách cụ thể là hình ảnh cha, mẹ, con cái yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau, sống vì nhau, hy sinh cho nhau trong một gia đình. Ngay trong sứ điệp Đại hội Dân Chúa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam cũng nêu ý tưởng: “Giáo hội là một gia đình”. Trong đó Thiên Chúa, Giáo hội lữ hành, cùng với Đức Maria và các Thánh luôn hiệp nhất trong một. Một trong ba và ba mà là một.

Xin cho ngày mừng lễ Chúa ba ngôi giúp con ý thức về mình là người con, luôn gắn bó với Hội Thánh, với Thiên Chúa để đón nhận được tình yêu Chúa trao ban. Con sẽ làm triển nở tình yêu ấy trên trái đất này. Mạnh dạn ra khỏi chính con người mình, làm chứng nhân tin mừng, để nhiều người đón nhân một Thiên Chúa ba  ngôi, là Tình yêu, là sự hiệp nhất . AMEN.

Về mục lục

.

TIN NHẬN MẦU NHIỆM CAO CẢ

Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP 

Trong các nghi lễ Phụng vụ chúng ta mừng một mầu nhiệm, nhưng trong Thánh lễ hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu nhất trong đạo, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm không là điều nghịch lý nhưng chỉ nghịch thường hay siêu lý. Với lý trí con người, không ai có thể hiểu thấu được, nhưng vì là mầu nhiệm do Đức Giêsu đã mạc khải cho loài người, nên chúng ta chỉ biết cúi đầu tin nhận với lòng tôn kính và mến yêu.

Trong Thánh kinh Cựu ước, loài người chỉ được mạc khải về Một Thiên Chúa duy nhất. Còn trong Thánh kinh Tân ước, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực ra, Đức Giêsu không nói rõ về Chúa Ba Ngôi, Ngài chỉ nói lên tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng nhờ Chúa Thánh Thần Đấng mà Đức Giêsu  sai đến cho chúng tqa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta  hiểu thêm về ý nghĩa những lời Đức Giêsu dạy và những việc Ngài làm.  Cho đến muôn đời không ai hiểu thấu được mầu nhiệm này dù là những bậc thông minh thượng trí. Tuy nhiên, Chúa sẽ mở trí mở lòng cho những kẻ bé mọn, tức là cho những ai khiêm tốn cầu xin và đón nhận, để có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm này trong cuộc sống.

Nhân ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy tăng cường lòng tôn sùng và yêu mến Chúa Ba Ngôi trong đời sống cá nhân, trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Dấu Thánh giá cũng là dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày. Hãy  thành kính tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh giá.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA    

Bài đọc 1 : Cv 8,22-31. 

          Bài đọc này ca ngợi Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa, có thể được xem là một sự mò mẫm hướng về sự mạc khải của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

          Chúng ta có thể coi Đức Khôn ngoan trong trích đoạn này ám chỉ Ngôi Hai Thiên Chúa.

–  Ngài hiện hữu từ muôn đời.

–  Ngài đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng.

–  Ngài vừa ở bên cạnh Thiên Chúa, vừa gần gũi với loài người.

Bài đọc 2 : Rm 5,1-5.

Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma về vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu.

Đức Kitô làm cho mối quan hệ yêu thương giữa chúng ta  với Thiên Chúa trở nên hiện thực.

Quan hệ này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và nâng đỡ chúng ta trong lúc gian khổ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta  nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Từ nay, nhờ đức tin, chúng ta có thể “được bình an với Thiên Chúa” và nhờ đức ái, sống bởi tình yêu của Ngài.

Bài Tin mừøng : Ga 16,12-15.   

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu có ý tỏ bày cho các môn đệ mối liên hệ của Ngài đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần :

– Những gì Chúa Con mạc khải đều nhận lãnh từ nơi Chúa Cha.

– Sẽ không còn mạc khải nào mới nữa.

– Chính Chúa Thánh Thần giúp các ông tiếp thu trọn vẹn ý nghĩa mọi điều Đức Giêsu nói, đặc biệt về Chúa Cha.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA  

I. MẠC KHẢI VỀ CHÚA BA NGÔI     

  1. Về bài Tin mừng hôm nay.     

Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài tường thuật  về cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và các môn đệ trước khi Thầy trò sắp biệt ly (x. Ga 13,17).  Trong đoạn này, Đức Giêsu không hề nói về Chúa Ba Ngôi vì chưa bao giờ Ngài nói tới từ ngữ đó. Ngài chỉ có ý tỏ bầy cho các môn đệ thấy rõ mối tương quan của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

  1. Mạc khải của Cựu ước.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải trong Kinh thánh Cựu ước, bởi vì dân riêng của Chúa trong Cựu ước chưa sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm này. Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất trong Cựu ước (Đnl 6, 4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần ở Trung đông thời bấy giờ.

Thế nên, Thánh kinh Cựu ước không nói gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước ám chỉ – ám chỉ chứ không nói rõ – về Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi.  Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình :”Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta”(St 1,26). Đại danh từ Ngôi Thứ Nhất số nhiều ở đây là “chúng ta” ám chỉ rằng có hơn một Ngôi vị trong Thiên Chúa.

  1. Mạc khải của Tân ước.

          Chỉ khi Đức Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa và hứa sai Thánh Thần xuống để hướng dẫn thì tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện.

          Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan : Chim bồ câu  ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán :”Con là Con Ta yêu dấu”(Mt 1,11). Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần :”Thầy ra đi thì có lợi cho các con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù trợ  sẽ không đến với các con”(Ga 16,7) Tiếng nói, chim câu, Đức Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.

          Trong Tin mừng thánh Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi :”Các con  hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ  nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).

          Thánh Phaolô luôn cầu chúc cho các tín hữu : “Aân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”. 

II. TÌM HIỂU VỀ CHÚA BA NGÔI 

  1. Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả.  

Nếu ai đọc kinh cầu chữ của Giáo phận Bùi chu do ông cử Thiện dịch thì khi nói tới Chúa Ba Ngôi chúng ta có câu :”Tam vị nhất thể Thiên Chúa gia” nghĩa là Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Theo giáo lý Công giáo, chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi là : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mỗi Ngôi Vị đều bằng nhau về thần tính và uy quyền, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa. Mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi yêu thương nhau hướng về nhau.

  1. Sinh họat của Ba Ngôi.

Vì Ba Ngôi là một Thiên Chúa, nên mọi hành động trong Ba Ngôi đều chung với nhau. Nhưng theo thần học thì những hành động trong Ba Ngôi chia ra thành hai loại :

– Opus ad intra : hành động hướng nội.

– Opus ad extra : hành động xuất ngoại.

Hành động hướng nội của Ba Ngôi như sự sống và tình yêu… thì Ba Ngôi như nhau, nghĩa là Ngôi nào cũng sống động và cũng yêu thương, không những thương yêu mình mà còn thương yêu nhau để phát sinh mọi tạo vật, để mọi tạo vật yêu lại mình. Vì thế, thánh Gioan Tông đồ đã gọi :”Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,16).

Hành động xuất ngoại cũng là hành động chung cho cả Ba Ngôi Vị, nhưng thần học thường chỉ riêng cho Ngôi Vị này ngôi khác hành động này hành động nọ, với mục tiêu làm sáng tỏ của từng Ngôi Vị. Ví dụ : việc tác thành vũ trụ thì chỉ cho Chúa Cha – việc cứu chuộc thì chỉ cho Chúa Con – và việc thánh hóa thì chỉ cho Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, mặc dầu tác thành cũng là Thiên Chúa tác thanh – cứu chuộc cũng là Thiên Chúa cứu chuộc – và thánh hóa cũng là Thiên Chúa thánh hóa, tại vì Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa mà thôi.

Ở đây nghe có vẻ lủng củng, nhưng học thần học thì phải nói như thế. Nói như thế nhưng cũng chẳng hiểu gì !!! Tuy thế, chúng ta vẫn phải tìm hiểu theo khả năng của chúng ta, còn bao nhiêu Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và bổ túc cho như lời Đức Hồng y Henri de Lubac đã nói :

“Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bên bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta  với sức mạnh Chúa Thánh Thần”. 

  1. Mấy hình ảnh diễn tả Chúa Ba Ngôi.

Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết được nhiều về một mầu nhiệm nào cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giớùi loài người  Ví dụ : hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau;  thời gian có ba giai đoạn  : quá khứ, hiện tại, tương lai;  nước  ở thể hơi, thể lỏng, thể đặc;  điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả cũng chỉ là tương đối, chứ không thể nào diễn tả hết được.

III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI CHÚA BA NGÔI    

  1. Sự hiểu biết còn rất hạn hẹp.

Đức Giêsu sắp sửa về trời, nơi mà từ đó Ngài được sai đến trần gian, Ngài đến trần gian để bầy tỏ cho loài người biết Thiên Chúa. Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành, nhưng sự hiểu biết về Thiên Chúa của loài người mới chỉ bắt đầu :”Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không có sức chịu nổi”(Ga 16,12).

Cũng như các Tông đồ, chúng ta mới chỉ ở bước đầu của một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Có nhiều điều chúng ta chưa chịu nổi, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho chúng ta sau này. Chớ gì đừng bao giờ chúng ta tự mãn, coi mình là hiểu biết tất cả, vênh vang trước những mảnh vụn đức tin tầm thường mà chúng ta đang sống.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người  không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói lòa rực rỡ, ánh sáng ban sự sống  cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dầy đặc mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Truyện : Augustinô và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

          Thánh Augustinô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi  :  Làm sao chỉ có một Thiên Chúa và Ngài lại có Ba Ngôi khác nhau : Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.  Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý ?  Augustinô không sao lý giải được mầu nhiệm này : Một mà lại là Ba, và Ba chỉ ở trong Một ?

          Bấy giờ Augustinô trông thấy em bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị Giám mục hỏi cậu bé :

– Này em, em đang làm gì vậy ?

Cậu bé trả lời :

– Cháu đang cố gắng múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này

Vị Giám mục nói :

– Sao em lại làm một điều vô lý như thế ? Em hãy nhìn xem : nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được ?

Nhưng Augustinô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp  :

– Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm : làm sao ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của ngài mà hiểu thấu được mầu nhiệm lớn lao vô cùng của Thiên Chúa ?

Nói xong cậu bé biến mất.

Bấy giờ Giám mục Augustinô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức về sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với  những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.

  1. Phải khiêm nhường tin nhận

          Chúa Ba Ngôi không phải là một thứ ẩn ngữ, một thứ siêu phương trình toán học dành cho những nhà trí thứ ưu hạng… Đó chỉ là một thực tại hoàn toàn đơn giản “bị che giấu đối với các bậc khôn ngoan thông thái”, nhưng lại được  mạc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25).

          Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ giãi bầy những điều thuộc về Đức Giêsu, về ý nghĩa lời giáo huấn cũng như những việc Ngài làm cho chúng ta. Không ai lãnh hội được tất cả những gì Đức Giêsu đã phán, không ai nắm được hết mọi giá trị những lời giáo huấn của Ngài cho cuộc sống, cho đức tin từng cá nhân, cho xã hội, cho thế giới. Chúa Thánh Thần soi sáng liên tục để khai mở ý nghĩa về Đức Giêsu.

          Theo lời Đức Giêsu dạy, chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần đến soi dẫn chúng ta  để tiếp tục hiểu thêm lời Chúa. Về vấn đề này, Linh muc X. Léon-Dufour giải thích thêm :

Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Ngài nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải”) vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thánh Thần sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8, 26). Tiếng nói của Thánh Thần chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tự tâm hồn. Như vậy, Chúa Con tiếp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước, cách thế “thần linh”… Chúa Thánh Thần sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu vậy”.

  1. Hãy yêu mến và tôn sùng Chúa Ba Ngôi 

* Trong đời sống cá nhân.

Mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nhau nhắc lại lời thánh Phaolô :”Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống như chính lời Chúa phán :”Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta”(2Cr 6,15).  Dựa vào lời Chúa hứa như thế, nên thánh Tông đồ khuyên nhủ mọi người chúng ta :”Anh chị em yêu dấu, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Thiên Chúa”(2Cr 7,1).

Sống thánh thiện để lòng mỗi người chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa. Đàng khác, vì biết Thiên Chúa đang ngự nơi lòng mình, hãy tập thưa chuyện với Ngài. Chân phước Eùlizabeth Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng kín ở Dijon, được tôn phong ngày 24/02/1984, đã sống mầu nhiệm tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn. Chị viết :”Chớ gì tôi được sống mãi trong căn phòng nhỏ bé mà Chúa đã xây dựng từ lâu trong đáy hồn tôi. Ở đó tôi được nhìn thấy Chúa, được cảm nghiệm có Chúa ở bên”. Chị đã cầu nguyện :

Lạy Chúa Ba Ngôi lòng con thờ phượng

 Xin cho con quên mãi chính mình đi

Để chìm trong Chúa, rồi không biệt ly

Bất động và êm như  đi vào vĩnh viễn…

Cho hồn con an bình, nơi lưu luyến

Thành thiên đàng chỗ an nghỉ tình yêu…”

Cũng hơi lạ, nhưng cũng tâm tình tương tự của sĩ quan trẻ tên Charles de Foucauld, chàng đã từng sống một cuộc đời bê bối, sau này được cải hóa, chàng trở thành một nhà khổ tu tại sa mạc Sahara, Phi châu, và trong một lá thư  gửi về cho bà chị, chàng viết :”Thiên Chúa ở trong chúng ta, tận cung lòng chúng ta. Ngài luôn luôn ở đó, nghe  chúng ta và yêu cầu chúng ta  nói chuyện với vị Thượng khách tối cao của tâm hồn của chị. Yếu hèn như em, đời em như chị đã biết, em còn có thể làm được, thì chị cũng thế. Việc này không làm chị bận rộn đến quên lãng việc khác của chị đâu. Chỉ một phút thôi, thay vì chỉ nhìn mình, thì nay chị thành hai người chu toàn các bổn phận của chị. Dần dà, chị tập được thói quen và sau này chị không ngớt cảm thấy Đấng ngự nơi tâm hồn thật ngọt ngào biết bao”.

Trong đời sống gia đình

          Mẫu gương đầu tiên, các gia đình chúng ta học được nơi mầu nhiệm Ba Ngôi là mẫu gương về hiệp nhất. Đây là sự hiệp nhất trong tình yêu, khiếân cho Ba Ngôi nên một.  Nếu mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cũng biết yêu thương nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi, nghĩa là người này luôn nghĩ đến ý muốn, hạnh phúc của người kia, và luôn làm vui lòng người kia, thì gia đình chúng ta  cho dù có nhiều người cũng sẽ trở nên một.

          Mẫu gương thứ hai là tuy chỉ có một Chúa nhưng lại là Ba Ngôi riêng biệt. Sự riêng biệt này nhắc nhở chúng ta : trong gia đình, mỗi người có một chỗ đứng và một bổn phận riêng. Do đó, mỗi người cần chu toàn bổn phận của mình trong gia đình cách chu đáo. Mỗi người phải sống theo câu châm ngôn “Chính danh”, nghĩa là  sống đúng với địa vị và vai trò của mình. Vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ sống đúng với vai trò của cha mẹ, luôn làm gương sáng cho con cái bằng chính đời sống tiết độ, công chính của mình. Con cái phải biết vâng phục cha mẹ trong tâm tình yêu mến và thảo hiếu, như Đức Giêsu luôn vâng phục Chúa Cha (x. Ga 4,34; Dt 5,8-9).

          Nếu mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết sống “Chinh danh”, nghĩa là, từng người trong gia đình luôn sống đúng vai trò của mình và chu toàn nhiệm vụ của mình trong tình yêu, gia đình chúng ta dù đông cũng trở nên một. Chúng ta trở nên một, nhưng mỗi người vẫn còn là chính mình. Nhờ đó, gia đình của chúng ta sẽ không tẻ nhạt, nhưng ngày càng trở nên sung mãn, phong phú và thật sự hạnh phúc (Internet).

Trong đời sống hằng ngày.

          Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi là dấu Thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về lòng tin  vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin Công giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc..

          Ta thấy Linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi như lời Chúa dạy :”Các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Linh mục kêu cầu Chúa Ba Ngôi khi cử hành bí tích Giải tội. Linh mục xức dầu bệnh nhân, nhân danh Ba Ngôi. Đức Giám mục cử hành bí tích Thêm sức trong dấu Chúa Ba Ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Trước khi ăn ta cũng làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa Ba Ngôi cho ta của ăn hằng ngày. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời và trong cuộc sống hằng ngày.

Về mục lục

.

NHÂN DANH THIÊN CHÚA

Trầm Thiên Thu

Thiên Chúa Chí Linh Tam Vị Nhất Thể

Chúng Nhân Hèn Mọn Một Đời Đa Đoan

Một Chúa Ba Ngôi là đệ nhất mầu nhiệm, phàm nhân không thể giải thích đầy đủ, chỉ tương đối để có thể hiểu với trí tuệ phàm nhân mà thôi. Thánh Phaolô nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11:33-34).

Chắc là chúng ta không quên truyện kể về Thánh GM TS Augustinô, một người giỏi giang, thông minh xuất chúng, đã từng suy luận về Chúa Ba Ngôi mà không sao hiểu nổi, đành “bó tay” và đầu hàng vô điều kiện. Truyện kể rằng Thánh Augustinô cố tìm cách giải thích về Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể thì gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài hỏi: “Cháu làm gì thế?”. Em bé trả lời: “Cháu tát nước biển”. Thánh nhân ngạc nhiên: “Làm sao cháu tát cạn được biển?”. Đứa bé vô tư nói: “Việc cháu làm đây còn dễ hơn việc ông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ!

Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng Tam Vị Nhất Thể, là THIÊN CHÚA DUY NHẤT (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 6:4; Đnl 32:39; Kn 12:13; Is 43:10-13; Is 44:8; Is 45:5-6; Is 46:9; Đn 14:41; Hs 13:4; Mc 12:29; Ga 5:44; Ga 17:3; 1 Cr 8:4; 1 Tm 2:5; Gl 3:20), và Ngài có BA NGÔI – Tân Ước không dùng từ Ba Ngôi nhưng có cách nói khác cho biết Thiên Chúa có ba ngôi (Mt 28:19; 2 Cr 13:14; Ep 2:18).

Đặc biệt là lời xác định của Đức Giêsu Kitô cho biết về Ba Ngôi: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-15).

Thiên Chúa là Đấng như thế nào? Ngài “là THẦN các thần, là CHÚA các chúa, là THIÊN CHÚA VĨ ĐẠI, dũng mãnh, khả uý, không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ, xử công minh cho cô nhi quả phụ, yêu thương ngoại kiều, và cho họ bánh ăn, áo mặc” (Đnl 10:17-18). Chúng ta đã và đang tin nhận Ngài, vấn đề quan trọng là vững tin suốt đời: “Chúng ta không nhận biết một thần nào khác ngoài Thiên Chúa” (Gđt 8:20). Vả lại, luật dạy chúng ta “phải kính sợ, phải phụng thờ, phải gắn bó, phải ca tụng” (Đnl 10:19-21).

Trong hình học, chúng ta thấy Tam Giác Đều là loại tam giác đặc biệt – luôn có các cạnh, góc, đường cao, trung tuyến,… hoàn toàn bằng nhau. Thật lạ lùng quá! Dù chỉ là hình học nhưng nó đã cho chúng ta thấy “cái lạ” trong loại tam giác độc đáo đó. Ai tạo nên? Không một thiên tài nào có thể tạo nên, mà chính là Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng đã tạo nên. Người ta chỉ phát hiện những gì đã có sẵn, gọi là sáng kiến hoặc phát minh, chứ không sáng tạo.

Chắc chắn không có bất cứ một thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta, Đấng mà chúng ta hết lòng tôn thờ. Chỉ một Chúa mà lại có ba Ngôi Vị – một mà ba, ba mà một, gọi là Tam Vị Nhất Thể (Trinitas, Trinity, Trinité). Trí tuệ phàm phu tục tử của nhân loại không thể suy luận và chứng minh bằng bất kỳ cách nào trọn vẹn nhất, ngay cả trí tuệ các thiên thần cũng không thể hiểu. Vì thế, Tam Vị Nhất Thể chỉ có thể hiểu được bằng “trí tuệ” của Đức Tin. Và chúng ta cũng chẳng có đức tin nếu không được chính Ngài trao ban, như Đức Giêsu đã xác định: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6:44).

Cũng chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể đó là Đấng đã tác tạo nên mọi sự – người và vật, hữu hình và vô hình. Và Ngài đã được Đức Khôn Ngoan ca tụng: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ” (Cn 8:22-26). Thiên Chúa toàn năng, biến không thành có.

Khôn và Khốn rất dễ lầm lẫn – giống như Việt ngữ chỉ khác nhau ở “dấu sắc” mà thôi. Thật vậy, Kinh Thánh xác định và giải thích: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ” (Kn 13:1-2).

Thiên Chúa vẫn không ngừng sáng tạo. Có biết bao điều mới lạ và thú vị. Đức Khôn Ngoan tiếp tục ca tụng: “Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8:31). Thiên Chúa tối thượng, nhưng Ngài lại vui thích ở giữa chúng ta – những kẻ hèn hạ.

Vô cùng kỳ diệu đối với công trình sáng tạo của Chúa Ba Ngôi – cả thiên nhiên và tâm linh, cả hữu hình và vô hình. Ngài là “Đấng sáng tạo mọi loài” và là “tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13:3). Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ và tuyên xưng Ngài không ngừng theo khả năng và nỗ lực của mình.

Sau khi nhìn ngắm thiên nhiên và nhìn lại chính mình, Thánh Vịnh gia đã cảm nhận và rồi bụng bảo dạ: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:4-5). Ngài không chỉ “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”, mà lại còn “ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”, và “cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:8). Muôn loài đó là gì? Là “chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương” (Tv 8:9). Thật diễm phúc cho loài người chúng ta! Người Việt có câu: “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Câu tục ngữ ngụ ý công nhận sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời cũng mặc nhiên tôn vinh Ngài.

Như vậy là tâm linh, là hữu thần chứ không vô thần, dù bề ngoài người ta không công nhận. Và như thế cũng là tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vô lý khi những người tự nhận là vô thần hoặc vô tín ngưỡng mà lại thắp nhang khấn vái, xem tử vi, coi bói toán, cúng sao giải hạn,… Tự mâu thuẫn như vậy để làm gì? Tin vào cái gì và có ích gì? Ca dao nói: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”. Cứ ngang nhiên cướp của, hại người, rồi thắp nhang khấn vái. Thế là xong ư? Thần linh nào dám chứng giám?

Quả thật, niềm tin và đức tin vô cùng quan trọng trong cuộc sống – dù đời thường hoặc tâm linh. Chính đức tin làm cho người ta được nên công chính. Thánh Phaolô nói: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).

Trong lòng có tin thì mới kính sợ Thiên Chúa, nhưng kính sợ như thế nào cho đúng? Tác giả sách Châm Ngôn định nghĩa: “Kính sợ Đức Chúa là gớm ghét điều dữ” (Cn 8:13). Rất ngắn gọn, rất súc tích. Tin khi vui mừng, khi may mắn, đó là chuyện bình thường. Tin khi gian nan khốn khổ mới đáng kể, đó mới là đức tin đích thực. Lửa thử vàng, gian nan thử sức (tục ngữ). Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai? (Phan Bội Châu).

Có nhiều thứ khiến người ta tự hào, nhưng niềm tự hào của Kitô hữu lại khác hẳn với đời thường. Thánh Phaolô đã xác nhận: “Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn TỰ HÀO khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5). Một loạt các động thái liên quan với nhau rất lô-gích. Cũng nhờ tin tưởng mà hy vọng, hy vọng vì yêu mến, và nhờ yêu mến mà được đầy tràn Thần Khí – Chúa Thánh Thần. Thật kỳ diệu biết bao!

Lúc còn tại thế, Chúa Giêsu đã có lần nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Ngài biết bản tính nhân loại quá yếu đuối, không đủ sức chịu nổi cú “sốc” mạnh. Cái già mới thì cũng lạ, bởi vậy rất cần khả năng tiếp thu và nhạy bén – có người mau, có người chậm. Mưa dầm thấm sâu. Cứ từ từ, chậm mà chắc. Thà vậy còn hơn cổ hủ, cố chấp.

Không phải Chúa Giêsu không muốn nói ra điều bí ẩn, mà Ngài chưa nói, vì phàm nhân chưa đủ mức hiểu, nghĩa là Ngài sẽ nói. Thật vậy, Ngài hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16:13). Rồi chính Ngài đã xác nhận điều liên quan Thiên Chúa Ba Ngôi: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15). Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ mãi mãi tác động nơi mỗi người chúng ta, vấn đề là chúng ta có theo cách của Ngài hay không.

Mặc dù hèn tài, thiển ý, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn có nhiều cách tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, một trong các cách đó là làm dấu: Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Đúng vậy, chúng ta phải thành tâm LÀM DẤU chứ đừng bây giờ LÀM GIẤU. Sai một ly đi ngàn dặm. Và đừng làm vội vã, làm cho xong lần. Thật ý nghĩa khi chúng ta làm dấu kép: “Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá, xin chữa chúng con cho khỏi kẻ thù”.

Thánh Phaolô căn dặn: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31). Không quan trọng về việc làm, mà quan trọng về cách làm, đặc biệt là ý làm vì yêu mến Chúa. Nhờ đó mà việc gì cũng có giá trị. Có lần Chúa Giêsu đã “trách yêu” bằng cảnh báo này: “Cho đến nay, anh em đã CHẲNG XIN GÌ NHÂN DANH THẦY. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16:24).

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chí minh và chí thiện, xin củng cố đức tin nơi chúng con, xin giúp chúng con sống khiêm nhường và luôn tín thác vào Ngài. Lạy Cha hằng hữu, xin thương xót và tha thứ những tội lỗi do chúng con cứng lòng hoặc yếu đuối. Giờ đây, chúng con nhận thức rằng chúng con sẽ chẳng làm được gì nếu không có Ngài. Xin liên kết chúng con bằng sợi tình thương xót, để chúng con nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

“Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước”. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

  1. Mạc Khải Thánh Kinh

Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ.

Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau. “Đức Giêsu là Chúa Con, Đấng tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã mang “lửa” vào mặt đất. Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần” (x.Bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô).

Kinh Thánh Tân ước mặc khải Ba Ngôi: sự hợp nhất của Ba Ngôi trong sứ mạng của ngôi thứ hai – Ngôi Con : Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh của chim bồ câu (x. Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 22-22). Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã mặc khải: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16). Sự gắn bó giữa Chúa Cha và Chúa Con luôn khắng khít “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10), gắn bó đến nỗi như Chúa Giêsu thổ lộ : “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chính Thánh Thần là Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con, Thánh Thần làm chứng về Ngôi Lời : “…Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26 ). Như Chúa Giêsu sau đó loan báo : “Khi nào Thần Khí sự thật đến … tất cả những gì Người đã nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết … Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13.14).

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô về Giáo huấn Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình cứu độ và cả trong giây phút hiện tại: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe”(Cv 2,33).

Chúa Ba Ngôi hiện diện ở trong ta nếu như sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23). Giữ Lời Thầy, Lời Cha Thầy và chúng ta như Chúa Giêsu nhấn mạnh là Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở cùng.

  1. Mầu Nhiệm Tình Yêu.

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.

  1. Sống Hiệp Nhất Yêu Thương

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.

Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

-Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

-Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

-Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

-Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương. Hiệp nhất nên một giữa vợ chồng, hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (Thư chung HĐGMVN 2002, số 6), hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn, hiệp nhất giữa mọi thành phần trong Giáo Hội.

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương.Chính trong Ba ngôi là nguồn chúc lành như Phaolô gửi nguồn bình an cho các cộng đoàn tín hữu và lời đó luôn được chúc cho nhau trong Giáo Hội : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Amen” (2Cr 13, 13).

Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm, không phải để “kính nhi viễn chi” mà là để con người sống theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mẫu gương sống yêu thương hiệp nhất với nhau, biết dâng hiến bản thân mình, quảng đại cho đi, sống chan hoà tình bác ái. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cảm tạ Chúa ngự trong tâm hồn con. Xin giúp con nhận ra Chúa luôn ở trong con và nơi anh chị em con. Amen.

Về mục lục

.

 

 

DÒNG SÔNG YÊU THƯƠNG

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nói đến Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến một đề tài cao siêu, khó hiểu. Đối với nhiều người tín hữu, xem ra Chúa Ba Ngôi không có liên quan gì nhiều đến đời sống của họ. Thực ra, màu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy vượt trí khôn của con người, nhưng có mối liên hệ mật thiết với đời sống người Kitô hữu. Trọn vẹn đời sống của người tin Chúa được bao bọc trong mầu nhiệm này. Nói cách khác, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và là đích điểm của cuộc đời chúng ta, có nghĩa nhờ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tồn tại hiện hữu, và rồi lý tưởng mà chúng ta đang cố gắng đạt tới là hạnh phúc thiên đàng cũng là Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, hạnh phúc thiên đàng là được sống trong Chúa Ba Ngôi, nơi có hạnh phúc viễn mãn tràn trề.

Nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đề cập tới một lãnh vực thuần thuý trừu tượng thiêng liêng. Để có thể hiểu được, chúng ta phải dùng phương pháp “loại suy”, tức là so sánh với những thực tại trong cuộc sống hữu hình. Hình ảnh dòng sông là một trong nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này diễn đạt ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời sống nội tâm của người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế nào.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao? Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn. Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tác giả sách Châm ngôn (Bài đọc I) diễn tả với chúng ta về Đức Khôn ngoan. Giáo huấn Kitô giáo nhận ra nơi Đức Khôn ngoan được loan báo trong Cựu ước là chính Đức Giêsu Kitô thành Nagiarét. Người là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, hiện hữu từ ngàn đời và cùng với Chúa Cha sáng tạo vũ trụ này. Qua màu nhiệm Nhập thể, Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa đã làm người để chung chia thân phận con người với chúng ta. Người đang cùng Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của dòng sông yêu thương, làm cho tình yêu tuôn chảy vào lòng thế giới, giúp cho những ai thành tâm thiện chí kiếm tìm chân lý, được hưởng muôn phúc lành do dòng sông ấy mang lại. Cùng cộng tác với Chúa Cha và Chúa Con, có Chúa Thánh Thần là tình yêu, được “tuôn đổ vào lòng chúng ta” (Bài đọc II). Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được ơn soi sáng để đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời qua Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha, là nguồn gốc của muôn vật muôn loài. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng, là ân ban của Đức Giêsu, như lời Người hứa với các tông đồ trong giờ phút ly biệt. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Bài Tin Mừng). Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ thời xa xưa và chúng ta hôm nay có thể sống theo sự thật. Chúng ta vừa mừng lễ Hiện Xuống để suy tư về hoạt động của Ngôi Ba Thiên Chúa trong vũ trụ và trong đời sống con người.

Như vậy, cả ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay đều diễn tả hoạt động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đời sống cá nhân của người tín hữu. Sống trong Chúa Ba Ngôi là được dìm mình trong dòng sông ân sủng, dòng sông yêu thương. Cũng như dòng sông mang lại sức sống và sự phì nhiêu, sự liên kết mật thiết với Chúa Ba Ngôi giúp chúng ta càng ngày càng tăng trưởng trong Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến.

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, mỗi khi làm dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh giá không phải là một phù phép bùa chú hay một việc làm chiếu lệ vô ý thức, nhưng đó là lời cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời là một lời tâm nguyện nói lên ước muốn của chúng ta được sống trong tình yêu viên mãn của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên chúng ta, nhờ sống trong Chúa Ba Ngôi mà chúng ta có sức mạnh để chịu đựng những gian nan thử thách. Không chỉ chịu đựng, mà chúng ta còn tự hào khi gặp cảnh gian truân (Bài đọc II). Đó là trường hợp các tông đồ và các thánh tử đạo. Các ngài đã can đảm trước bạo lực và cường quyền, và tràn đầy niềm vui khi chịu đau khổ. Được như vậy, là nhờ các ngài luôn xác tín vào tình yêu của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta được sống trong dòng sông ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ vậy, đời sống chúng ta sẽ luôn tìm thấy an bình. Sống trong dòng sông này, chúng ta sẽ “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).

Về mục lục

.

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó. Nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Ta và Cha Ta là một”; “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn.

Đó là tình yêu dâng hiến. Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả. Như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con cả chính bản thân mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (cf. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha. Dâng cả bản thân. Dâng cả ý muốn. Dâng cả mạng sống. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu sợ hãi cái chết theo thánh ý Chúa Cha. Người đã tha thiết cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn. Dâng hiến đến không còn giữ gì cho bản thân mình.

Đó là tình yêu tác sinh. Sự dâng hiến không làm cho tình yêu nghèo nàn đi. Trái lại càng làm cho tình yêu thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm năng lực cho đi. Tình yêu đó lan toả đến cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Tình yêu tràn trề sung mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cữu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Về lý thuyết, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu. Nhưng thực ra Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rất cụ thể trong đời sống ta. Bạn hiểu điều này thế nào?
  2. Ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta phải sống thế nào để là hình ảnh trung thực của Người?
  3. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc ta phải kết hiệp với nguồn mạch hạnh phúc này. Nhưng để kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, ta phải làm gì?

Về mục lục

.

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA BA NGÔI

  Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa về Thiên Chúa thật ngắn ngọn và đầy đủ: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì luôn trao ban sự sống, luôn hy sinh chính mình và luôn giúp cho người mình yêu thăng tiến. Tình yêu ấy được thể hiện suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ qua tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúa Cha trao ban sự sống cho nhân loại, qua công trình tạo dựng vạn vật và đỉnh cao là tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài.

Chúa Con đã hy sinh nên của lễ cứu độ trần gian. Ngài đã tự nguyện nộp mình chịu chết để đền thay tội lỗi nhân loại.

Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá con người nên nghĩa tử của Chúa và luôn tác động để con người hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.

Như vậy, sự tỏ bầy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tỏ bày tình yêu. Tình yêu tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Chính Ngài đã làm tất cả vì yêu chúng ta và cũng đòi buộc chúng ta phải noi gương Ngài mà sống để yêu thương nhau. Thiên Chúa không đòi chúng ta phải bù đắp tình yêu cho Ngài, vì Ngài đã tròn đầy. Ngài không cần chúng ta thêm gì cho Ngài. Ngài chỉ cần chúng ta mặc lấy tình yêu đó để đối xử tốt với nhau trong cuộc đời hôm nay.

Thế giới hôm nay đang thiếu vắng rất nhiều tình yêu như thế! Ngay tại gia đình, nhiều cha mẹ đã đang tâm chối bỏ quyền sống nơi các thai nhi vô tội. Nhiều đôi vợ chồng tan vỡ vì thiếu sự hy sinh và lòng bao dung tha thứ cho nhau. Nhiều cuộc tình đã đau khổ vì thiếu sự bổ túc và tôn trọng lẫn nhau, mà chỉ tìm đến với nhau để khai thác tiền bạc và thú vui thể xác.

Ở ngoài xã hội lại càng thiếu vắng nhiều hơn. Con người vì lợi nhuận thì tìm trăm phương ngàn kế để tìm kiếm lợi nhuận. Có người nói không ngoa là ở Việt Nam đang tự sát tập thể. Tự sát bởi vì mỗi ngày đều phải ăn, phải dùng những vật dụng đã bị bỏ thuốc độc như : ở trong son môi, trong kem đánh răng, trong nước tương, trong bột nêm, bát phở và trên các loại hoa quả tươi xanh. . . Mới đây 4 tỉnh Miền Trung đều có hàng nghìn con cá bị đầu độc chết trôi dạt vào bờ. Nguyên nhân ai cũng hiểu là nguồn nước bị đầu độc. Cá chết tức thì và con người thì chết dần mòn. . .

Giữa một thế giới mà các giá trị đạo đức đã bị sự gian ác và ích kỷ làm đảo lộn như thế, liệu người kytô hữu có dám lội ngược dòng để sống đúng với đòi hỏi của tình yêu hay không? Chúa đòi chúng ta yêu người yêu đời nhưng cuộc đời có quá nhiều người gian dối, bất trung và phản bội liệu rằng chúng ta có dám sống chứng nhân cho tình yêu hay không?

Chính Chúa đã sống điều đó. Cho dù con người có phản bội, bất trung Chúa vẫn trung thành với tình yêu của mình. Cho dù con người đã cố tình sống xa tình Chúa, Chúa vẫn tìm muôn nghìn cách để cứu chuộc con người. Chúa vẫn nhẫn nại, từ bi và rất mực khoan nhân. Cho dù con người có ngỗ nghịch phạm thượng chối bỏ Thiên Chúa, chống đối lại  Chúa, Chúa vẫn cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ.

Nguyện xin Chúa là tình yêu giúp cho mỗi người chúng ta biết sống yêu như Thiên Chúa đã yêu, để cùng nhau xây dựng và bảo vệ cuộc sống, cũng như luôn quảng đại giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người hơn. Amen.

Về mục lục

.

NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Thánh Augustinô viết : « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ».

Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu

Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm …

Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.

Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.

Dấu kẻ có Đạo.

Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.

Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.

– Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.

– Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.

Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Hành động Đức Tin

Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.

1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.

2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.

3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.

Hành động của Đức Cậy.

Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta.

Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.

Hành động Đức Mến.

Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ».

Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.

Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».

Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?

Hai điều cần thiết : là mến Chúa  và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA, NHƯ ĐỨC GIÊ-SU MUỐN DIỄN TẢ

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Thánh Gio-an ghi nhận: Đức Giê-su trong diễn từ ly biệt đã khảng định: Người muốn nói với các môn đệ nhiều điều, và toàn là những nội dung tối quan trọng, có điều các ông hoàn toàn chưa sẵn sàng đón nghe: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em chưa có sức chịu nổi.” Tôi vẫn hay thắc mắc: điều gì mà có tầm quan trọng vượt bậc đến thế, để mà Đức Ki-tô gọi nó là: ‘sự thật toàn vẹn’?

Giáo hội chọn bản văn Gio-an chương 16 cho lễ Chúa Ba Ngôi năm C quả là có ý nghĩa, chính vì đoạn Tin Mừng này hé mở cho thấy nội dung đích thực của cái thực tế vẫn thường được mệnh danh là mầu nhiệm ‘Chúa Ba Ngôi’. Điều này, tôi thiết nghĩ: các môn đệ cũng như các tín hữu tiên khởi chắc chắn đã nắm bắt rất rõ, trước cả khi nó được diễn đạt bằng công thức ‘Một Chúa Ba Ngôi – Sancta Trinitas ’.

Sự thật toàn vẹn Người đề cập tới trước hết bắt đầu bằng chính con người Đức Ki-tô Giê-su: “Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”. Đức Giê-su đã lặp lại câu nói trên tới hai lần, điều này cho thấy: chỉ khi nào ta khởi đi từ Giê-su, ta mới có thể hiểu biết cách chính xác, Thiên Chúa thật sự là ai.

Trước mắt các môn đệ là: một ông Giê-su xuất thân từ làng quê Na-da-rét; ông là một bậc thầy đang rao giảng một học thuyết rất kì lạ; còn hơn thế nữa, ông đã có một đời sống và một cái chết không ai hiểu nổi. Ông khảng định rằng: đó là cuộc sống và cái chết trọn vẹn hiến dâng và trao ban, không chỉ cho người tốt mà cả cho kẻ xấu. Nhưng nếu chỉ là cá nhân ông như thế thì dầu có anh hùng và đáng khâm phục thật, nhưng cũng chỉ cá lẻ một mình ông mà thôi. Đàng này ông lại không ngừng tuyên bố rằng: con người và cuộc sống (nhất là cái chết Thập Giá) của ông là biểu lộ trung thực nhất về Thiên Chúa, Đấng mà ông không những gọi là Cha của mình, mà còn tự đồng hóa mình với Ngài. Và Đấng đó, khác với suy nghĩ thông thường của người Do Thái, kể cả các thầy tiến sĩ thông luật thời đó, cũng là Thiên Chúa – Cha đầy nhân ái của hết thảy mọi người, cách riêng những người tội lỗi nhất; sau này qua việc ông được cho chỗi dậy từ cõi chết, những lời khảng định trên của ông trở nên có sức thuyết phục không ai cưỡng lại được.

Nhận biết được điều này mới là nhận biết Giê-su cách đích thực, đồng thời cũng là nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình” (Ga 13:31-32). Tuy nhiên qua phát biểu của một số môn đệ thâm tín nhất như Tô-ma (xem Ga 14:5-7) Phi-lip-phê (xem Ga 14:8-11) Giu-đa không phải It-ca-ri-ốt (xem Ga 14:22-24)…, ta biết: điều này xem ra không dễ dàng được chấp nhận. Tin rằng ‘Thiên Chúa là Cha đầy nhân ái, yêu thương và tự hiến mình cho con người tội lỗi’ còn khó hơn cả tin ‘ba là một hay một là ba’. Điều sau này mới chỉ là một nghịch lý về mặt suy luận toán học, còn điều kia mới thực là nghịch lý làm đảo lộn mọi tương quan trời đất cố hữu. Cần phải chính Chúa Cha trong Đức Ki-tô gởi một nhân vật bí nhiệm là Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ đến mới đưa nổi các tín hữu tới sự hiểu biết và tin thác vào tình yêu vĩ đại này.

Như vậy công việc chính yếu của Chúa Thánh Thần là: làm cho Ki-tô hữu chúng ta nhận biết Đức Giê-su Thập Giá là Lời tình yêu vô song của Chúa Cha. Thánh Thần chính là đức tin đối thần của tín hữu chúng ta, là Đấng Sáng Soi cho phép ta tiếp cận, hiểu biết và chấp nhận điều mà lẽ thường ta ‘không có sức chịu nổi’; là Đấng dẫn ta ‘tới sự thật toàn vẹn’, vì chính sự thật này mới làm cho ta được sống và sống dồi dào. Vì thế Thánh Thần chính là Hồng Ân tình yêu vĩ đại nhất mà Chúa Cha nhân ái trong Đức Giê-su Ki-tô có thể ban, để ta tiến vào tình yêu sinh động và phong phú nhất của Người.

Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là khởi nguồn và cùng đích của niềm tin Ki-tô hữu. Mầu nhiệm đó không hệ tại ở việc, nó quá bí nhiệm tới nỗi không ai kham nỗi, nhưng chính yếu hệ tại: nó quá phong phú, quá sinh động tới độ làm thay đổi toàn diện cuộc sống con người chúng ta. Mầu nhiệm đó chính là cốt lõi của Tin Mừng. Quả thực kể từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành môn đệ Đức Giê-su, mọi Ki-tô hữu sẽ không ngừng “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19) như một tuyên tín về tình yêu nhân ái vô biên của Thiên Chúa. Và bất cứ ai ngưng tuyên xưng khối tình yêu vĩ đại này như căn nguyên và sức sống của đời mình thì sẽ lập tức không còn là Ki-tô hữu đích thực nữa. Chúa Ba Ngôi quả thật là mầu nhiệm của các mầu nhiệm, nhưng không phải để hiểu biết mà là để sống!

Lạy Chúa, lẽ ra con đã phải cảm tạ khôn nguôi về niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, lẽ ra mỗi lần thốt lên ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ lòng con đã phải tràn ngập vui sướng. Nhưng tiếc thay thực tế đã không được như thế, chỉ vì con cứ ngắm nhìn Thiên Chúa như một Đấng quyền uy cao sang, nên nhiều khi con cảm thấy khó chịu về mầu nhiệm khó hiểu và khô khan này; nhiều khi con chỉ lạnh lùng thốt lên ‘nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần’ cách máy móc vội vàng, như một công thức vô bổ. Xin Thánh Thần tích cực tác động trong con, để dạy con điều con không thể kham nỗi, là nhận biết tình yêu nhân ái bao la của Thiên Chúa Cha, biểu lộ qua Thập Giá của Đức Ki-tô Giê-su. Xin cho con biết không ngừng ca ngợi Ba Ngôi từ ái. A-men.

Về mục lục

.

BA NGÔI MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung HĐGMVN 2011, số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo

Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán : 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người. Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

– Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

– Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

– Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

– Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương, hiệp nhất nên một giữa vợ chồng, hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (Thư chung HĐGMVN 2002, số 6), hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn, hiệp nhất giữa mọi thành phần trong Giáo Hội.

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.

Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen.

Về mục lục

.

TUYÊN TÍN

Trầm Thiên Thu

Giáo lý Công Giáo (số 266) dạy: “Ðc tin công giáo h tđiu này: th kính Mt Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Mt Chúa mà không ln ln gia các Ngôi V, không chia ct bn th: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thn khác bit nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thn có cùng mt thn tính, mt vinh quang, mt uy quyn vĩnh cu.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nền tảng đức tin Kitô giáo, tất cả tín lý từ đó mà ra, và tất cả lại quy về mầu nhiệm căn bản này. Hàng ngày, chúng ta nhiều lần tuyên xưng Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khi làm Dấu Thánh Giá: “Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thn. Chúng ta tiếp tục xưng tụng Chúa Ba Ngôi khi chúng ta đọc Kinh Sáng Danh. Và hàng tuần, chúng ta cũng tuyên xưng Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Tôi tin kính mt Thiên Chúa là Cha toàn năng… Tôi tin kính mt Chúa Giêsu Kitô đng bn th vÐc Chúa Cha… Tôi tin kính Ðc Chúa Thánh Thn….

Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Tam Vị Nhất Thể – Trinity. Danh từ Trinity được ghép bởi chữ TRI (ba) và chữ UNITY (duy nhất, một). Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Đnl 6:4), không có chúa nào khác (Is 45:5), là Một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi, không là 1+1+1=3 mà là 1x1x1-1.

Ai cũng biết nước, và ai cũng cần nước, nhất là vào những ngày nóng bức. NƯớc bình thường nhưng lại rất cần thiết. Theo hóa học, nước có công thức là H2O – gồm nguyên tố Hydrô và Ôxy. Nước là MỘT chất nhưng có HAI nguyên tố, không thể tách rời hai nguyên tố. Nếu tác chúng thì không còn nước nữa.

Có vài loại tam giác, trong đó có loại tam giác đặc biệt là tam giác đều – có các cạnh, các góc, đường cao, trung tuyến,… luôn luôn bằng nhau. Thật lạ lùng quá! Dù chỉ là hình học nhưng cho chúng ta thấy “cái lạ” trong loại tam giác đặc biệt này.

Càng biết Thiên Chúa, chúng ta càng thêm lòng tin yêu Ngài. Chúng ta thật hạnh phúc vì kông có thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ. Chỉ MỘT Chúa mà lại có BA Ngôi Vị. Một mà ba, ba mà một, gọi là Tam Vị Nhất Thể. Trí tuệ của nhân loại không thể nào có thể suy luận và chứng minh bất kỳ bằng cách nào, ngay cả trí tuệ các thiên thần cũng không thể hiểu. Vì thế, Tam Vị Nhất Thể chỉ có thể hiểu được bằng “trí tuệ” của Đức Tin.

Chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể đó là Đấng đã tác tạo nên mọi sự – cả người và vật, cả hữu hình và vô hình. Không thể im hợi lặng tiếng khi nhận biết Thiên Chúa, thế nên Đức Khôn Ngoan đã vui mừng xưng tụng: “Đc Chúđã dng nên ta nhưtác phđu tay ca Người, trước mi công trình ca Người t thi xa xưa nht. Ta đã được tn phong t đđi, t nguyên thu, trước khi có mđt. Khi chưa cócác vc thm, khi chưa có mch nước tràđy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non đượđt nn vng chc, trước khi có gò nng, ta đã được sinh ra, khi Đc Chúa chưa làm ra mđt vi khong không, và nhng ht bđu tiên to nên vũtr (Cn 8:22-26).

Thật kỳ diệu! Thật mầu nhiệm! Chúng ta nghe như một cuộc sáng tạo mới. Thật lạ lùng nhưng rất thú vị. Đức Khôn Ngoan tiếp tục ca tụng: “Đã có ta hin din khi Người thiết lp cõi tri, khi Người vch mt vòng tròn trên mt vc thm, khi Người làm cho mây t l trên cao và cho các mch nước vt lên t vc thm, khi Ngườđnh ranh gii cho bin, đ nước khi tràn b, khi Ngườđt nn móng cho đt. Ta hin din bên Người như tay th c. Ngày ngày ta là nim vui ca Người, trước mt Người, ta không ngt vui chơi, vui chơi trên mđt, ta đùa vui vi con cái loài người (Cn 8:31).

Công trình sáng tạo (cả thiên nhiên và tâm linh) của Thiên Chúa Ba Ngôi vô cùng kỳ diệu! Chúng ta không thể diễn tả bằng phàm ngôn và cảm xúc của phàm nhân, chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ và tuyên xưng Ngài không ngừng theo mức độ khả dĩ của chúng ta mà thôi.

Vì thế, sau khi nhìn ngắm thiên nhiên và nhìn lại chính mình, tác giả Thánh Vịnh đã cảm nhận và tự nhủ: “Ngm tng tri tay Chúa sáng to, muôn trăng sao Chúđã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cn nh đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phi bn tâm? (Tv 8:4-5). Ngài không chỉ “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”, mà lại còn “ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”, và “cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:8). Muôn loài đó là gì? Là “chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương” (Tv 8:9). Thật diễm phúc cho loài người chúng ta! Bằng cách nào đó, người Việt – cả hữu thần và vô thần – cũng đã và đang ngầm tôn vinh Chúa Ba Ngôi khi chúng ta công nhận: “Tri sinh voi, sinh c.

Đó là tâm linh, là hữu thần chứ không hề vô thần, dù bề ngoài người ta không muốn công nhận, cố ý che giấu. Và đó cũng là tuyên tín Một Thiên Chúa Ba Ngôi vậy!

Quả thật, Đức Tin vô cùng quan trọng trong cuộc sống – dù đời thường hoặc tâm linh. Được nên công chính là nhờ đức tin. Thánh Phaolô phân tích: “Mt khi đãđược nên công chính nh đc tin, chúng ta được bình an vi Thiên Chúa, nh Đc Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nêĐc Giêsu đã m li cho chúng ta vào hưởng ân sng ca Thiên Chúa, như chúng ta đang được hin nay; chúng ta li còn t hào v nim hy vng được hưởng vinh quang ca Thiên Chúa (Rm 5:1-2).

Có tin tưởng mới kính sợ Thiên Chúa, nhưng kính sợ như thế nào? Tác giả sách Châm Ngôn giả thích: “Kính s Đc Chúa là gm ghéđiu d (Cn 8:13). Rất ngắn gọn mà súc tích. Tin tưởng và tín thác khi vui mừng, khi may mắn, đó là chuyện bình thường. Tin tưởng và tín thác khi gian nan khốn khổ mới đáng kể, mới là đức tin đích thực, đức tin sống động chứ không chết.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã xác nhận: “Nhưng không phi ch có thế; chúng ta còn t hào khi gp gian truân, vì biết rng: ai gp gian truân thì quen chđng; ai quen chđng thì được k là người trung kiên; ai được công nhn là trung kiên thì cóquyn trông cy. Trông cy như thế, chúng ta s không phi tht vng, vì Thiên Chúđã đ tình yêu ca Người vào lòng chúng ta, nh Thánh Thn mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5). Một loạt các động thái liên quan với nhau thật lô-gích! Cũng nhờ tin tưởng mà hy vọng, hy vọng vì yêu mến, và nhờ yêu mến mà được đầy tràn Thánh Thần. Kỳ diệu biết bao!

Chính Chúa Giêsu đã có lần nói với các môn đệ: “Thy còn nhiđiu phi nói vi anh em. Nhưng bây gi, anh em không có sc chu ni (Ga 16:12). Ngài biết bản tính nhân loại quá yếu đuối, không đủ sức chịu nổi cú “sốc” mạnh, nên Ngài tỏ cho chúng ta biết từ từ để khả dĩ hiểu và ngấm vào xác hồn.

Chúa Giêsu chưa nói điều bí ẩn ra chứ không phải Ngài không nói. Thật vậy, Ngài đã hứa: “Khi nào Thn Khí s thđến, Người s dn anh em ti s tht toàn vn. Người s không t mình nóđiu gì, nhưng tt c nhng gì Người nghe, Người snói li, và loan báo cho anh em biết nhng điu s xđến (Ga 16:13). Rồi Ngài xác nhận điều liên quan Chúa Ba Ngôi: “Người s tôn vinh Thy, vì Người s ly nhng gì ca Thy mà loan báo cho anh em. Mi s Chúa Cha có đu là ca Thy. Vì thế, Thđã nói: Người ly nhng gì ca Thy mà loan báo cho anh em (Ga 16:15).

Là Kitô hữu, đặc biệt là tín hữu Công giáo, chắc hẳn chúng ta không quên câu chuyện về Thánh Augustinô – một người giỏi giang, thông minh xuất chúng, đã từng suy nghĩ và lý luận về Chúa Ba Ngôi mà không thể hiểu thấu, đành phải “bó tay” và đầu hàng vô điều kiện.

Chuyện kể rằng Thánh Augustinô cố gắng giải thích Tam Vị Nhất Thể thì gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài tò mò hỏi: “Cháu làm gì thế?. Em bé trả lời: “Cháu tát nước bin. Thánh Augustinô nói: “Làm sao cháu tát cđược bin?. Em bé hồn nhiên nói: “Vic cháu làđây còn d hơn viông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ!

Tuyên tín Chúa Ba Ngôi, Đấng nhân từ mãi mãi, cũng là tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Có nhiều cách tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, một trong các cách đơn giản nhất là làm dấu Thánh Giá: Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng, thế mà đôi khi lại hóa khó đối với một số người trong chúng ta. Đúng vậy, hãy LÀM DẤU chứ đừng LÀM GIẤU!

Để phần nào hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy nghe Thần học gia Edward Feser giải thích:

  1. Chúa Cha LÀ Thiên Chúa.
  2. Chúa Con LÀ Thiên Chúa.
  3. Chúa Thánh Thần LÀ Thiên Chúa.
  4. Chúa Cha KHÔNG LÀ Chúa Con.
  5. Chúa Cha KHÔNG LÀ Chúa Thánh Thần.
  6. Chúa Con KHÔNG LÀ Chúa Thánh Thần.
  7. Chỉ có MỘT Thiên Chúa duy nhất.

Ly Thiên Chúa Ba Ngôi hng sinh, hng hu và chí thánh, xin ban thêđc tin cho con, xin giúp con luôn biết khiêm nhường sng tín thác vào Ngài, chmt mình Ngài mà thôi, tín thác trong mi hoàn cnh. Xin thương xót và tha th cho con vì con đã có nhng lúc cng lòng hoc kém tin. Gi đây, con biết chc rng con không th làđược gì nếu không có Ngài tr giúp. Cúi xin Ngài liên kết mi người nên mt trong Đc Kitô Giêsu. Con cu xin nhân danh Thánh T Giêsu Kitô, Thiên Chúa cđ nhân loi. Amen.

Về mục lục

.

DÂNG LỜI CHÚC TỤNG BA NGÔI

Lm. Văn Hào

‘Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Kh 1,8a)

Một đan sĩ nọ đã nói: “Nếu ngày xưa Moisen đã không bước vào chỗ tăm tối và mù mịt trên núi Sinai, ông đã không gặp thấy Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta không thấy mình dốt nát và mù tối khi suy hiểu về Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết được Ngài”. Điều này rất đúng khi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi mà Giáo hội hôm nay mừng kính. Đây là mầu nhiệm căn bản nhất của đức tin Công giáo, đồng thời cũng là chân trời vĩ đại và tối tăm nhất đối với đầu óc suy lý của con người. Mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và thực ra chúng ta không thể hiểu nổi. Khi đối diện trước các thực tại của Thiên Chúa, chúng ta không thể nhận thức bằng lý trí nhưng chỉ có thể trải nghiệm bằng đức tin. Thái độ cần thiết nơi chúng ta không phải là đứng lên cách ngạo nghễ để vắt óc tìm tòi, nhưng phải quỳ gối xuống cách khiêm tốn trong cung chiêm và thờ lạy.

Thực hành đức tin khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi

Trước khi bắt đầu làm bất cứ công việc gì, người Công giáo chúng ta luôn bắt đầu bằng dấu Thánh giá với lời tuyên tín : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Thánh Phaolô thường gửi lời chào thăm đến các cộng đoàn với văn thức xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội cũng dùng lại văn thức này để khởi đầu Thánh lễ khi vị linh mục chào chúc cộng đoàn : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2 Cor 13,13; Eph 1,2). Chúng ta nhớ lại giai thoại về thánh Augustinô. Khi Ngài đi bách bộ bên bờ biển và suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngài gặp một em bé đang dùng cái vỏ sò để múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ tí xíu. Em bé nhắc nhở cho thánh nhân biết rằng, việc lấy một cái vỏ sò bé tí teo đong đầy nước biển xem ra khá xuẩn ngốc, nhưng việc dùng đầu óc chật chội của con người để cố nhét vào cả bầu trời bao la của mầu nhiệm Thiên Chúa còn xuẩn ngốc hơn gấp bội. Vì vậy, đi vào thế giới của mầu nhiệm, chúng ta phải hết sức khiêm tốn và nhận ra những bất toàn nơi đầu óc mình.

Các thánh giáo phụ vay mượn ý nghĩa của 3 lời khuyên phúc âm để minh họa tình yêu đối với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống tinh thần khó nghèo chính là thể hiện niềm tin vào Chúa Cha, đấng quan phòng và luôn yêu thương con cái mình. Đức Khiết tịnh diễn bày tinh thần từ bỏ để sống với một tình yêu thuần khiết theo gương Chúa Giêsu. Sự Vâng phục của người tu sĩ mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động. Đó chính là ân ban của Thần Khí giúp chúng ta luôn biết tìm kiếm và quy thuận thánh ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và về Thần khí tác sinh. Khi Ngài lãnh phép rửa tại sông Giorđan, mầu nhiệm Ba Ngôi từ từ được vén mở, qua tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống và Thánh Thần đậu xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Ngoài những điều mà Kinh thánh mạc khải, giáo huấn của Giáo hội cũng đầy ắp những gợi mở cho chúng ta về mầu nhiệm cao cả này. Đây là giáo lý căn bản và chúng ta vẫn thường xuyên tuyên xưng mầu nhiệm ấy mỗi khi chúng ta giơ tay làm dấu Thánh giá để cầu nguyện cùng Chúa Ba Ngôi.

Phẩm tính căn bản của mầu nhiệm Ba Ngôi chính là tình yêu

Trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan, vị tông đồ đã định nghĩa về Thiên Chúa qua một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng quyết rằng, ‘Lòng thương xót’ là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, bởi vì thương xót là cách hiển thị rõ nét về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Khi chiêm niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta hãy cảm nghiệm như Thánh Phaolô đã từng diễn tả: “Thiên Chúa đã đổ đầy tình yêu của Người vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho chúng ta (Rm 5, 5b). Để mặc khải về tình yêu của Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói với Nicôđêmô : “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính con một của Ngài để ai tin vào người Con, sẽ được sống. (Ga 3,16). Vì thế khi chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta bắt đầu sống ơn gọi làm con và khởi đầu sứ vụ thực hành tình yêu như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Mỗi người chúng ta được trao ban một sứ vụ để chu toàn, đó là sứ vụ của tình yêu”.

Kết luận

Một bữa nọ, Ông Voltaire, một triết gia vô thần đi bách bộ với một anh bạn trên con đường quê ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết. Voltaire đã công khai bỏ đạo từ lâu, và hoàn toàn không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Ông còn ngạo nghễ chế diễu niềm tin của các Kitô hữu. Nhưng người bạn đang đi với ông lại có niềm tin rất sâu xa. Voltaire chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do để hiện hữu nữa”. Chợt lúc đó, có một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu Voltaire và quăng xuống đất, đồng thời cơn gió đã làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá. Gương mặt Chúa Giêsu từ từ hiện lộ một cách rõ nét. Người bạn của Voltaire lúc đó mới trả lời ông :”Này bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo ngày hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của mọi người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người vẫn đang ra sức loại trừ Ngài”.

Một nhà tu đức đã nói : “Chúng ta hãy kiếm tìm Thiên Chúa chứ đừng tìm nơi ở của Ngài”. Chúa ở khắp mọi nơi và đang ở trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta hãy không ngừng đi kiếm tìm Ngài.

Về mục lục

.

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TRẦN GIAN

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm mẹ trong tất cả các mầu nhiệm.

Vì thế, mọi cử hành phụng vụ đều hướng về mầu nhiệm này như là điểm quy chiếu, mấu chốt, cốt lõi phát sinh mọi nguồn thiện hảo do lòng xót thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong lịch sử cứu độ, mọi diễn biến của vũ trụ và con người từ khi tạo dựng trời đất, muôn vật, đến thời Đức Giêsu xuống thế làm người, chịu chết, sống lại và lên trời cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống tới nay, đều có sự hợp nhất trong mọi hoạt động của cả Ba Ngôi.

Tuy nhiên, để cho dễ hiểu, Giáo Hội hướng về Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật, muôn loài. Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa trần gian. Qua đó, chúng ta dễ dàng hiểu về sự hiệp nhất trong đa dạng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Lòng thương xót của Chúa Cha trong lịch sử cứu độ

Khởi đi từ công trình tạo dựng: Kinh Thánh diễn tả tình trạng hỗn mang trước khi được Thiên Chúa chúc lành. Sự trật tự chỉ có khi Người can dự, tác tạo cũng như phân chia vai trò và phú bẩm đặc tính cho từng loài.

Đỉnh cao của công trình tạo dựng ấy là việc sáng tạo con người giống hình ảnh Người. Người còn cho con người vinh hạnh cộng tác vào công trình tạo dựng ấy qua việc tác sinh và trông nom, canh tác “Vườn”. Đây là đặc trưng biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhưng Tổ tông đã không nghiệm được lòng thương xót ấy, nên đã kiêu ngạo, phản bội, bất trung với Thiên Chúa. Vẫn một dạ thương xót, nên Người đã không bỏ mặc. Ngược lại, ngay lập tức, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ sẽ đến để chuộc những gì đã mất.

Cứ thế, trong suốt dọc dài lịch sử thời Cựu Ước, Thiên Chúa luôn theo sát dân Người như hình với bóng để xót thương con người cách đặc biệt. Vì thế, Người không màng chi đến những lời than phiền, trách móc, bất trung, vô ơn, phản bội của họ.

Tình thương ấy không phải trong khái niềm trừu tượng, nhưng nó được hiện tại hóa nơi những hành vi của Người như: giải cứu dân thoát khỏi biết bao tai ương, hoạn nạn; đưa dân từ cảnh nô lệ trở về Đất Hứa trong tư cách của người tự do; nuôi sống dân bằng “Bánh Bởi Trời và Nước từ tảng đá vọt ra”. Người đã gửi nhiều vị trung gian đến để giải thoát dân khỏi đau khổ thể xác, bình an tâm hồn, đồng thời dẫn dân đi trong đường lối xót thương để được cứu độ.

Tuy nhiên, khi yêu thương như vậy, lòng dạ Thiên Chúa vẫn chưa thỏa lòng, nên vào thời sau hết, Người đã trao tặng cho nhân loại chính Con Một dấu ái của mình là Đức Giêsu, để Ngài trực tiếp mạc khải trọn vẹn về lòng xót thương của Thiên Chúa cho nhân loại.

  1. Lòng thương xót của Đức Giêsu nơi công trình cứu chuộc

Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian như một người nghèo. Nghèo đến độ cha mẹ Ngài không đủ tiền để thuê một phòng trọ cho đàng hoàng nơi đêm vắng hoang vu để Ngài hạ sinh. Cũng chính cái nghèo này mà Ngài phải giáng trần trong hang bò lừa hoang vu giá lạnh. Vì thế, những người biết đến để thờ lạy chẳng ai khác, họ cũng là những mục đồng nghèo và những người xa lạ như ba nhà Chiêm Tinh.

Cuộc đời ấu nhi của Đức Giêsu không được êm ả ngay từ lúc mới chào đời… nên chỉ ít hôm sau khi sinh, Ngài đã phải cùng với cha mẹ mình chạy trốn sự tàn độc của con cáo già Hêrôđê gây nên.

Trong suốt thời gian sống tại gia đình nơi làng quê Nazaretz, Đức Giêsu sống bình thường giản dị như bao người thời đó.

Hết thời gian ấy, Ngài ra đi thi hành sứ vụ. Tuy là Con Thiên Chúa, Ngài cũng không dành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, nhưng vẫn sống tinh thần nghèo. Nghèo đến độ: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, con người…”. Ngài cũng không tìm đến với những người mũ mão cân đai, lắm tiền nhiều bạc, quyền cao chức trọng trong dân. Ngược lại, luôn “chạnh lòng thương” đến với những người cùng đinh của xã hội. Họ là những người nghèo về tinh thần lẫn vật chất. Họ cũng là những người thấp cổ bé họng, luôn bị áp bức, bóc lột… nên khi đến, Đức Giêsu đã giải thoát họ cả về tinh thần lẫn thể xác… Vì thế, cái giá phải trả đó chính là sự phản bội của môn đệ, bị bắt bớ, mạ lỵ, vu vạ, đánh đập và giết chết như một tử tội…

Như vậy, cả cuộc đời Đức Giêsu, Ngài luôn làm lộ hiện lòng thương xót của Thiên Chúa trên nhân loại và từng người, để con người hiểu được tâm tư, lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, và chính họ cũng biết thương xót như đã được xót thương…

Con đường ấy không kết thúc khi Ngài trở về trời, nhưng đã được chuyển trao cho Chúa Thánh Thần, để Người tiếp nối con đường thương xót của Thiên Chúa nơi các chứng nhân qua việc bảo trợ và thánh hóa.

  1. Lòng thương xót của Chúa Thánh Thần qua việc thánh hóa

Nói về thời của Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò thánh hóa và bảo trợ Giáo Hội.

Người thánh hóa Giáo Hội, để Giáo Hội như người mẹ, luôn trung thành với sứ mệnh xót thương nhân loại đã được Đức Giêsu ủy thác. Đồng thời, luôn trở thành những sứ giả phản chiếu sự trung thực của lòng thương xót Chúa đến với anh chị em. Ngõ hầu tâm tư của người môn đệ được quyện hòa vào thao thức của Đức Giêsu, để những người tiếp bước không bị rơi vào vòng luẩn quẩn của sự ác nhân, thất đức, cũng như những tiện nghi sang trọng không phù hợp với đường thương xót của Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng.

Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần luôn biến đổi những con người khô khan, nguội lạnh, ác độc…, trở nên những con người sốt sắng, đạo đức và nhân hậu…

Lòng thương xót ấy còn được thể hiện qua việc Người luôn bảo vệ Giáo Hội khỏi biết bao nguy khốn đang ngày đêm tấn công. Vì thế, Người luôn bào chữa, phù trợ, để giúp cho các chứng nhân khôn ngoan trước những chất vấn về niềm tin và hy vọng của con người.

Có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa để người muôn nước được hiệp thông với nhau trong đức tin, đức cậy, đức mến. Để dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội hiệp nhất trong đa dạng theo khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy, Chúa Thánh Thần luôn ở bên chúng ta như hình với bóng, như hơi thở, như ánh sáng…, để giúp chúng ta yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Qua đó, chúng ta được hưởng trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa.

  1. Tin Thiên Chúa là làm cho lòng thương xót của Người được hiện tại hóa

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy yêu mến, cậy trông và tin thờ Chúa Ba Ngôi hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đồng thời biết quy hướng về Người trong mọi chiều kích như là điểm khởi đầu và cùng đích của chúng ta.

Tuy nhiên, “đức tin không có việc làm là đức tin chết”, vì thế, việc yêu mến, cậy trông và tin thờ ấy không chỉ dừng lại ở việc khấn nguyện, kinh sách, lễ lạy… nhưng thiết nghĩ, trách nhiện của chúng ta là phải làm cho hình ảnh của Thiên Chúa được hiện tại hóa trong cách ăn nết ở, để người ta thấy cách sống của mình, họ nhận ra khuôn mặt và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa.

Những biểu hiện đó có thể là: một nghĩa cử hiệp thông với những người bị áp bức, bóc lột, đối xử bất công…; một đôi tai và trái tim nhạy bén với những dấu chỉ thời đại; một đôi tay nhân ái, một đôi chân bước ra khỏi sự an toàn để đến với những trẻ em mồ côi, người tàn tật, neo đơn; một ánh mắt cảm thông với những người tội lỗi, để tìm cách đưa họ về nẻo chính đường ngay…

Khi lựa chọn những hành vi đó, ấy là chúng ta đang làm cho đường thương xót của Thiên Chúa từ trời đến với con người và làm cho con người được đi trong đường thương xót ấy để về trời.

Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cũng ban cho chúng con được trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống hằng ngày nơi xã hội hôm nay. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA BA NGÔI – THIÊN CHÚA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Tháng tư vừa qua xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung. Sự kiện này gây lo ngại cho nhiều người về tình trạng môi trường bị ô nhiễm do các nhà máy, khu công nghiệp gây ra. Ảnh hưởng của vấn đề môi trường trên đời sống, sức khỏe của con người là một khinh nghiệm mà mỗi người đều trải qua. Ảnh hưởng trước mắt của việc cá chết là những ngư dân đã cả đời gắn bó với biển với cá, thì bỗng trở nên thất nghiệp lao đao. Điều khiến cho nhiều người nóng ruột, giận dữ là đã hơn một tháng xảy ra sự kiện cá chết mà các nhà khoa học và những người có trách nhiệm vẫn không có được một lời giải thích thỏa đáng. Những người có trách nhiệm đã im lặng đến vô cảm trước đời sống người dân. Một số khác phát ngôn những điều ngớ ngẩn, bất nhất khiến cho người dân đã bức xúc lại càng bức xúc hơn.

Vấn đề các chết hàng loạt đã là điều đáng sợ, nhưng qua sự kiện này, người ta thấy lương tâm của nhiều người cũng đã chết hàng loạt hoặc bị nhiễm độc bởi một chất độc hấp dẫn, đó là “tiền và lợi”. Những người có trách nhiệm đã không làm gì, họ chọn sự im lặng, để cho lương tâm tự chết. Người khác vì lương tâm đã chết nên họ lấy những con cá nhiễm độc đi bán để kiếm lời, mặc cho chất độc phát tán ảnh hưởng đến người khác.

Hôm nay mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng chiêm ngắm và suy gẫm về màu nhiệm Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa yêu thương. Ngài để cho tình yêu của Ngài tuôn tràn trên con người và vũ trụ. Ngài chạnh lòng khi thấy con người bị nhiễm độc bởi tội lỗi và Ngài luôn có phương án tốt nhất để giải thoát con người.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn tràn qua công trình tạo dựng vũ trụ. Chính bởi tình yêu thương đầy tràn đã ‘khiến” cho Thiên Chúa “nghĩ” tới việc tạo dựng con người và vũ trụ. Thiên Chúa không muốn để thế giới này hoang vu trống rỗng, Ngài không muốn thấy sự hư vô thống trị thế giới, do đó từ hư vô, Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ xinh tươi, tốt đẹp này. Thiên Chúa ban cho vũ trụ sức sống và truyền cho nó một tác động để nó vận hành một cách hết sức tinh vi và nhịp nhàng. Khi nghĩ đến con người, Thiên Chúa đã thấy rằng, cần phải tạo dựng con người vượt trội hơi cả vũ trụ xinh đẹp này. Vì thế, sách Sáng Thế kể rằng : Thiên Chúa như bàn bạc với gia đình Ba Ngôi và với Triều thần Thiên quốc để đi đến quyết định : Nào chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta để chúng làm chủ cá biển chim trời. Và, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, giống như Ngài. Thánh Kinh còn diễn tả, khi tạo dựng nên con người và vũ trụ, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng làm việc với nhau để tạo nên một tác phẩm tuyệt vời, đó là con người.

Khác với các loài khác, chỉ có con người được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh của Ngài, được Thiên Chúa trân trọng và yêu thương nhất. Vì thế, Thiên Chúa cho con người một dấu ấn giống Thiên Chúa nhất, đó là cho con người một trái tim biết yêu thương, một cặp môi biết nói, một đôi mắt không chỉ để nhìn mà còn để cảm thông, khích lệ và nhiều bộ phận kỳ diệu khác nữa. Vì thế, khi con người càng yêu thương nhiều, con người càng trở nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi dùng ánh mắt, miệng lưỡi để nói với nhau lời yêu thương, thì đôi mắt càng trở nên xinh đẹp hơn và đôi môi trở nên dễ thương hơn.

Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ có điểm dừng, chỉ cần một kẽ hở nhỏ, cũng đủ để lòng thương xót tuôn trào (Pope Fancis). Khi thấy con người bị nhiễm độc bởi tội và có nguy cơ phải chết, Thiên Chúa đã không ngồi đó chờ đợi, không dửng dưng vô cảm, cũng không hề chậm trễ, Ngài đã ngay lập tức có một chương trình để cứu chuộc, giải thoát con người.

Thiên Chúa đã không hề tính toán thiệt hơn, Ngài đã cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến với con người để cứu chuộc, giải thoát con người. Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với ma quỷ là kẻ gieo mầm độc tội lỗi và sự chết. Ngài đã dùng máu của Ngài để khử trừ mọi độc hại của chúng, trả lại cho con người một cuộc sống mới. Chúa Giêsu đã dùng cả cuộc đời của Ngài để khử trừ đau khổ, bệnh tật và sự ác, là những chất độc ma quỷ gây ra để tàn phá tâm hồn con người. Ngài gieo mầm tình yêu sự sống mới của Thiên Chúa vào tâm hồn và vào thế gian này. Chúa Giêsu đã trở thành hiện thân lòng xót thương và sự tha thứ của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài đã chia sẻ đến tận cùng thân phận của con người bằng cái chết thập giá đau thương và đã sống lại, lên trời để dẫn chúng ta về trời.

Qua Chúa Giêsu, một lần nữa cho thấy, Thiên Chúa không hề dửng dưng đứng nhìn con người đau khổ, nhưng Ngài luôn sẵn sàng bước đến với con người và mở ra cho con người một tương lai mới. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu tới tột cùng khi trao ban mạng sống, máu thịt mình, làm lương thực để con người không còn bị đói khát hoành hành. Cuối cùng, Ngài bước lên thập giá để mãi mãi khẳng định tình yêu đối với con người và giành lại chiến thắng và sự sống cho nhân loại.

Tình yêu của Thiên Chúa khiến Ngài luôn phải làm điều gì đó đem đến hạnh phúc cho con người. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thiên Chúa đã ngay lập tức sai Thánh Thần của Ngài đến với con người. Thánh Thần là vị Thần của Tình Yêu, là Đấng Thánh Hóa, là Thần của sự thật đã đến trong thế giới này. Vì là Thần Tình Yêu, Chúa Thánh Thần đã hoạt động liên tục để khơi dậy và làm cho tâm hồn con người có thể yêu và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và thôi thúc con người chia sẻ tình yêu thương cho mọi người. Là Đấng Thánh Hóa, Ngôi Ba Thiên Chúa đã dùng quyền năng và sức mạnh để biến đổi, canh tân con người và thế giới này. Thánh Thần giúp mọi người tin nhận và sống theo những giới răn lề luật của Thiên Chúa; Ngài giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn và phục hồi lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta, giúp mỗi người sống thánh và nên thánh.

Chúa là Thánh Thần còn hoạt động trong Hội Thánh và trong thế giới. Thánh Thần hướng dẫn để Hội Thánh chu toàn sứ mạng của Chúa Giêsu trao, là đem Tin Mừng cứu độ đến cho thế giới. Thánh Thần giúp Hội Thánh tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu, để qua Hội Thánh, Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương và phục vụ nhân loại. Nhờ Thánh Thần, Hội Thánh tiếp tục dùng các phương thế là Bí tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập để thánh hóa con cái Hội Thánh và làm cho thế giới mỗi ngày nên thánh hơn.

Như Thế, màu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi không phải là màu nhiệm xa lạ, nhưng hết sức gần gũi và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi chúng ta. Mừng Chúa Ba Ngôi, chúng ta cảm tạ lòng thương xót của Chúa và tuyên xưng màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống chúng ta. Chúa Ba Ngôi hằng hiện diện trong tâm hồn và nơi các gia đình. Ba Ngôi hiện diện bằng quyền năng và sự biến đổi để giúp chúng ta tin và yêu mến Thiên Chúa. Chúa Ba Ngôi biến tâm hồn chúng ta thành đền thờ của Ngài, vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn linh hồn và thân xác chúng ta trong sạch, thánh thiện, xứng đáng là nơi dành cho Chúa. Chúng ta cần gạt bỏ khỏi mình mọi thứ ô uế của tội lỗi và dục vọng, trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những bông hoa yêu thương và việc làm bác ái.

Mỗi gia đình là hình ảnh gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được mời gọi làm cho gia đình mình thực sự trở thành một cộng đoàn của tình yêu thương, hiệp thông và phục vụ. Mỗi thành viên hãy cố gắng hết mình để vun đắp cho tình yêu của gia đình, gạt bỏ sự ích kỷ, tự ái, gạt bỏ cái tôi và sự nhỏ nhen, để sống với nhau cách quảng đại, yêu thương hơn. Khi càng sống tràn đầy tình yêu thương, gia đình càng trở nên giống gia đình của Thiên Chúa, nhận được sự sống và tình yêu của Thiên Chúa ban cho gia đình mình.

Mỗi lần làm dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hãy làm dấu một cách cung kính, ý thức và sốt sắng. Xin Thiên Chúa Ba Ngôi ở mãi trong mỗi tâm hồn và mỗi gia đình và biến đổi chúng ta nên thánh thiện như Ba Ngôi Thiên Chúa là Thánh. Amen.

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Thời Cựu Ước người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4). Nhờ Đức Yêsu, Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa là “Ba Ngôi Vị”.

Con người nói về Thiên Chúa

Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, ngôn từ con người không thể diễn tả hoàn toàn được. Những hình ảnh diễn tả về Thiên Chúa Cha như một “ông già” râu dài phúc hậu, hoặc “chim bồ câu” chỉ Chúa Thánh Thần, là những hình ảnh biểu trưng. Cả những từ ngữ về Thiên Chúa, như “Cha”, như “Con”, như “Thánh Thần”, cũng là những từ ngữ được dùng với nghĩa loại suy; nghĩa là, chúng chỉ diễn tả được phần nào về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình, Ngài không có hình ảnh như con người; Thiên Chúa là Cha, nhưng không phải là cha hoàn toàn theo nghĩa con người vẫn thường dùng; Thiên Chúa là Con nhưng cũng không phải là con như con người.

Theo con người, cha luôn có trước con, nhưng không như vậy nơi Thiên Chúa Ba Ngôi; nơi Thiên Chúa, Ba Ngôi không ngôi vị nào có trước ngôi vị nào; tuy vậy Thiên Chúa vẫn là Cha, là Lời, là Thánh Thần; và cũng có thể nói Thiên Chúa là Cha, là Con, là Thánh Thần. Nơi con người, chỉ có một bản tính người nhưng có nhiều người khác nhau; nhưng không vậy nơi Thiên Chúa. Tuy một bản tính Thiên Chúa, nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là ba Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.

Trong Kinh Thánh, không có từ ngữ “ba ngôi”. Từ ngữ “ba ngôi” là từ ngữ do các nhà thần học sáng tạo để diễn tả Thiên Chúa là Đấng “nguồn” của mọi sự, Đức Yêsu như Đấng luôn kết hiệp với Thiên Chúa, đến độ đồng nhất với Thiên Chúa, và được diễn tả là “Thiên Chúa nhập thể”, Thánh Thần như Đấng từ Cha và Con. Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là ba thực tại (nếu là ba thực tại, nghĩa là, ba Chúa), nhưng chỉ là một thực tại, và là ba ngôi vị phân biệt rõ ràng: Cha không phải là Con hoặc Thánh Thần, Con không phải là Cha hoặc Thánh Thần, Thánh Thần không phải là Cha và Con. Tuy vậy Ba Ngôi là một với nhau, là một trong mọi sự, là một trong bản tính, là một trong ý muốn, là một trong quyền năng, là một trong hiện hữu.

Thiên Chúa Đấng là nguyên uỷ mọi loài, là nguồn của tất cả, là “Cha”, là Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa nơi Đức Yêsu, là Thiên Chúa nhập thể, là “Con”, là ngôi hai Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa. Thánh Thần là Thiên Chúa đang hiện diện nơi cung lòng con người, hướng dẫn con người trong mọi sự, dạy dỗ con người mọi điều, là Ngôi Ba Thiên Chúa.

Thiên Chúa Đấng Siêu Việt, Đấng vượt trên tất cả, Đấng “ngự trên trời”, đang hiện diện trong cung lòng mỗi người (Ga.14, 16.23). Ngay cả từ ngữ “ngự trên trời”, cũng là cách nói để chỉ Thiên Chúa là Đấng siêu việt mà con người không thể thấu đáo được. Đức Yêsu “lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” nhưng Ngài đang “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Ngôn từ là phương tiện để diễn tả về Thiên Chúa, phaỉ cố gắng để hiểu, và xin ơn Thánh Thần để hiểu Thiên Chúa hơn. Nói như vậy, không phải là phủ nhận giá trị của từ ngữ. Cũng phải dựa vào từ ngữ để hiểu điều Kinh Thánh, Giáo Hội, và các nhà thần học muốn diễn tả.

Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương chúng ta vô cùng

Giáo Hội đọc Cựu Ước trong niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi, và hiểu Đức Khôn Ngoan đã hiện diện với Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng vũ trụ. Đức Khôn Ngoan là Ngôi Lời Thiên Chúa trước khi nhập thể. Đức Khôn Ngoan trước khi nhập thể, vẫn ở nơi Thiên Chúa và đã yêu mến con người.

Thánh Thần, Đấng ở nơi Thiên Chúa và được sai tới với con người, sẽ dạy dỗ con người, sẽ dẫn con người tới sự thật trọn vẹn. “Mọi sự của Cha đều là của Thầy” nhưng Thánh Thần lại “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”, như vậy nơi Ba Ngôi tất cả là chung.

“Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Thiên Chúa, Ba Ngôi Thiên Chúa, yêu chúng ta vô cùng.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Bạn có thường ý thức Thiên Chúa luôn hiện diện với bạn không? Ý thức Thiên Chúa hiện diện với bạn, bạn được gì?
  2. Bạn hiểu thế nào khi nói Thiên Chúa là Cha? Tương quan của bạn với Ngài như thế nào?
  3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Tại sao?

Về mục lục

.

SỐNG YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT THEO KHUÔN MẪU BA NGÔI

Lm. Inhaxio Trần Ngà

Mầu nhiệm ba Ngôi tuy cao siêu nhưng không viển vông xa rời thực tế. Trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, rất gắn bó với đời sống người tín hữu. Mầu nhiệm nầy mời gọi các ki-tô hữu luôn sống yêu thương hiệp nhất theo khuôn mẫu ba Ngôi.
 

“Gia đình” Thiên Chúa hiệp nhất trong yêu thương: ba Ngôi nên một.

Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm “Gia đình” ba Ngôi”.  “Gia đình” nầy có ba Vị hay ba Ngôi riêng biệt: Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, ba Vị không đơn độc mà luôn hiệp thông nên một. 

Chúa Giê-su bày tỏ cho chúng ta biết sự hiệp thông khắng khít giữa ba Ngôi như sau: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” và “Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy” (Ga 16,15).

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn dạy cho chúng ta biết: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Ngài” (Ga 3,35). Rồi “Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy” (Ga 14, 31) cho dù phải “vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá” (Phi 2,8).

Như thế, trong “Gia đình” nầy, tình yêu thương đậm đà thắm thiết giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, thế nên Hội thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.

Thiên Chúa kiến tạo các gia đình nhân loại theo khuôn mẫu ba Ngôi

Thế rồi, Thiên Chúa đã chọn “Gia đình” ba Ngôi như một khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình Ađam- Evà. Kinh thánh cho biết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy gồm hai ngôi vị khác nhau nhưng cũng chỉ là một.

Để trình bày tính cách ‘hai mà một’ nầy, kinh thánh mô tả cách thi vị như sau:  Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà dựng nên E-và rồi dẫn bà đến với ông. Bấy giờ A-đam nói: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Bởi đó, “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Qua Tin Mừng Mat-thêu, Chúa Giê-su cũng khẳng định với mọi người rằng trong hôn nhân, hai vợ chồng “không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt” nên không bao giờ được chia lìa. (Mt 19,6).

Thiên Chúa  kiến tạo Hội thánh theo khuôn mẫu ba Ngôi

Tiếp theo, Thiên Chúa cũng chọn “Gia đình” Ba Ngôi làm khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình thứ ba, rộng lớn hơn nhiều là đại Gia đình Hội thánh.

Để thực hiện dự án nầy, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh tẩy để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Ngài (như những cành nho được tháp vào thân nho, như bàn tay được tháp vào cơ thể.) Thánh Phao-lô dạy:”Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: một nhiệm thể Chúa Ki-tô.

Chúa Giê-su lại còn dùng bí tích Thánh thể để tăng cường sự hiệp thông nầy nên mật thiết hơn. Nhờ hiệp thông với Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong thánh lễ, các tín hữu được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giê-su và nên một với nhau.

Chúa Giê-su muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải bền chặt như sự hiệp thông giữa ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ,  Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con quyết tâm chọn “Gia đình” ba Ngôi làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình chúng con, xây dựng giáo xứ chúng con thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia đình” Thiên Chúa ba Ngôi, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:  “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa.”

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI_C

Về mục lục

.

TÌNH YÊU BA NGÔI

AM. Trần Bình An

Một em bé trong bệnh viện Milwaukee, bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em. Thế rồi có một người nhớ đến May Lempke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy. Bà nầy đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế. Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo: “Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu!” Bà May trả lời: “Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó.”

Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie. Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà. Một hôm, có người nói với bà: “Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện?  Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?” Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May. Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống. Thời gian trôi qua, năm mười, mười lăm năm. Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được. Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu, dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.

Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi; điều ấy có ý nghĩa gì?  Biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng? Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc. Bà chơi đủ loại hình âm nhạc, mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé. Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của Lislie. Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.

Vào một đêm đông năm 1971, bà May bỗng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó, đang chơi bản hoà tấu số 1 của Tchaikovsky. Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định, tốt hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ. Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm. Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng, không thể nào tin được đây là sự thật! Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình. Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế!  Bà May vội quì gối xuống và thốt lên: “Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie.”

Chẳng bao lâu, Leslie bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm. Cậu chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền tây, nhạc trữ tình, nhạc dạo và cả nhạc Rock nữa. Hoàn toàn không thể nào tin nổi. Tất cả những bài nhạc bà May đã từng chơi cho cậu nghe, đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím dương cầm qua đôi tay cậu. Giờ đây ở tuổi 28, Leslie bắt đầu nói chuyện. Tuy không thể nói lâu giờ. Nhưng cậu có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê bình ngắn gọn. Dạo này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa! 

Các bác sĩ mô tả Leslie như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não nhưng lại cực kỳ tài năng. Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi. Bà May Lempke cũng không thể cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được khai mở. (Lm Mark Link, Phép Lạ của Tình Yêu)

Thiên Chúa đã ân cần đáp lại tình yêu và lời cầu nguyện của bà May Lempke, khiến cho chàng trại tật nguyền tái sinh, thoát khỏi chứng liệt não, có thể tự chăm sóc và mưu sinh. Thiên Chúa là tình yêu, (1Ga 4, 8) như thánh sử Gioan khẳng định. Ngài luôn yêu thương tất cả tạo vật, nhất là con người. Mặc dù con người vô tình hay tệ bạc, Ngài vẫn không ngừng thương yêu.

Trong Tin Mừng thánh Gioan Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho các môn đệ. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.” Tuy nhiên Người không hề giải thích cho các môn đệ, mà trao phó cho Đức Chúa Thánh Thần soi sáng sau này, sẽ dạy biết tất cả sự thật. Qua Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi là gương mẫu tuyệt đỉnh của tình yêu trao ban, dâng hiến, tình yêu hiệp nhất và tình yêu thánh hoá cho các gia đình, công đoàn, giáo xứ và Giáo hội.

Tình Yêu trao ban

Với tình yêu tác tạo, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người. Ngài yêu thương trao ban Thần Khí cho con người có sự sống. Tiếc thay, Ađam và Evà kiêu căng phạm tội, đã làm mất lòng Chúa.“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế  này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” ( 1Ga 4, 9) Với Lòng Thương Xót vô bờ, Thiên Chúa đã cứu độ loài người, bằng cách trao ban thế gian chính Người Con duy nhất. Rồi Đức Giêsu lại tiếp tục yêu thương con người, trao ban chính mạng sống mình, để cho nhân loại được sống dồi dào.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan, vừa lên khỏi nước thì “Các tầng trời mở ra… Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17)  Đây là hình ảnh tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, khắng khít tràn đầy yêu thương. Vâng theo Thánh Ý Chúa Cha, nhập thể làm người, Đức Giêsu tiếp tục khiêm hạ mặc lấy thân phận phàm nhân tội lỗi, để sám hối và xin thứ tha. Người làm đẹp lòng Chúa Cha, cũng như được trao phó mọi sự: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. (Ga 3, 35)

Tình yêu hiệp nhất

Tình yêu luôn đòi hỏi thể hiện sự gần gũi, kết nối, hội nhập, hiệp nhất với nhau, không còn xa cách, dị biệt hay bất hoà. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 30) Tình yêu càng thắm thiết, càng đồng tâm, đồng nhất với nhau qua bản thể, tâm tình, suy tư, ý nghĩ. Qua cả hành động và ứng xử: “Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin vào các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10, 38)

Tuy mỗi người có bản sắc riêng, có năng lực và khuynh hướng riêng, nhưng tình yêu đoàn kết tín hữu Kitô vào một Giáo Hội, hiệp nhất niềm tin vào Thiên Chúa, nhất là hội nhập vào chính Đức Giêsu, như được tháp vào chung một cây nho. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thểtự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15, 4)

Tình yêu hiệp nhất ảnh hưởng lẫn nhau, dưỡng nuôi và tương tác sinh lợi. “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15, 7)

Tình yêu thánh hoá

Với tình yêu thánh hoá, Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống, canh tân, đổi mới, khai hoá và thánh hoá những tâm hồn đói khát công chính, thành tâm theo Chúa, dấn thân yêu thương và phục vụ tha nhân. “Khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26)

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”(Mt 5, 48) Với sự trợ giúp thân thương của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu luôn mong các môn đệ, những người tin theo Chúa, những Kitô hữu trở nên tốt lành, yêu thương tha nhân, “những người được Thần Khí thánh hoá, để vâng phục Đức Giêsu Ki tô và được máu Người tưới rảy.” (1Pr 2).

Tràn đầy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, người tín hữu Kitô luôn được bình an trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống thuận lợi hay khó khăn, tự do hay chịu bách hại, luôn được hoan hỉ và hy vọng, bởi vì Vương quốc Tình Yêu đang rộng tay chờ đón.

“Con hãy về tận nguồn là Thiên Chúa, để canh tân. Thánh Kinh nói về Thiên Chúa làm sao? Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Chúa Giêsu nói: “Thày và Cha Thày là một”.

Cha muốn canh tân như ý Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau”. “Xin Cha cho chúng nên một.” Yêu thương và hiệp nhất.” (Đường Hy Vọng, số 639) 

Lạy Chúa Giêsu chí nhân chí ái, xin ban chúng con Đức Chúa Thánh Thần đến canh tân, dạy dỗ, uấn nắn chúng con biết yêu thương nhau, cũng như thánh hoá chúng con. Đức Thánh Cha Biển Đức đã khuyên nhủ: “Trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô đó là mục đích cuộc sống của mọi tín hữu kitô trong ngàn năm thứ ba.”Xin Chúa thương ban cho chúng con ngày càng giống Chúa hơn.

Kính xin Mẹ Maria cầu bầu chúng con sống theo Mẹ. Luôn biết dâng hiến cuộc đời cho Chúa và tha nhân. Luôn hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô. Luôn trông cậy Đức Chúa Thánh Thần canh tân và thánh hoá chúng con. Amen.

Về mục lục

.

ƠN HIỆP THÔNG

Lm. DĐH

Nhiều người chúng ta đã xem phim hoặc đọc truyện “Tây Du Ký”, bốn nhân vật chính : Đường Huyền Trang, và Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh. Sư phụ Đường Tăng đức độ, nhưng để đi Tây Trúc thỉnh kinh, ông vẫn được Bồ-tát sắp xếp cho ba học trò thật tài giỏi có nghĩa vụ trợ giúp. Dù truyện phim có sự kết hợp giữa tâm-đức và thần thông quảng đại nơi Đường Tăng và các đệ tử, nhưng phải sau 14 năm vất vả, thầy trò họ mới khám phá ra: một cây làm chẳng nên non, và họ hoàn tất hành trình thỉnh kinh.

Đất nước hiện đại hay đang trên đà phát triển, nhà lãnh đạo nào cũng đều chú trọng đến nhu cầu : ích nước lợi dân, mang lại lý tưởng an khang thạnh vượng cho thần dân. Ước muốn thành đạt hay chủ trương làm tà tà ăn cơm cà với mắm, cũng là khắc khoải chung mà con người đang tự do tiến bước trong hành trình trần thế. Dù trẻ hay già, thì khối óc con tim vẫn là trung tâm điều khiển mọi sinh hoạt, dẫn đưa cuộc đời ta đến cùng đích hạnh phúc.

Câu thành ngữ quen thuộc của tiền nhân : muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy, ít nhiều cũng phản ánh một triết lý sống : sự hiểu biết và tình thầy trò không thể thiếu trong đời người. Đức Giêsu xưa kia đã nói với các môn đệ : “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được”. Ngài đã khích lệ, động viên, hướng các môn đệ tới niềm vui trong tình yêu Ba Ngôi, Đấng sẽ khai mở cho các ông biết tất cả sự thật, Người chính là Thần Chân-lý.

Mầu nhiệm trung tâm đức tin Kitô giáo, được Đức Giêsu là Chúa, là người thật, Ngài đã đến mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù chân lý ấy Ngài phải cụ thể bằng tình yêu và mạng sống. Hôm nay đây, bằng tinh thần cầu nguyện, liên đới hiệp thông, niềm tin người Kitô hữu chúng ta vẫn cảm nhận một sức mạnh, không những là tài đức phối hợp mà còn là biết sống tin yêu. Thực ra, tác động của Thần Chân-lý hay ơn thấm nhuần giáo huấn Đức Giêsu, vẫn là ơn hiểu biết và đức tin phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi. Hiểu biết về lý lẽ ở đời là do người ta ý thức chăm chỉ học tập, cảm nhận về Chúa Ba Ngôi là do tác động của Thánh Thần, hoàn toàn không phải do trí khôn, suy luận.

Có cảm nhận được Ba Ngôi Một Chúa là do tác động của sự hiệp thông yêu thương, chứ không phải công trạng của con người, hay vì thông thái, tài đức mà phát hiện ra. Có khá nhiều suy nghĩ trăn trở về sự hiện diện của Chúa, về tình yêu và khổ đau, song nhiều người vẫn thở dài và gọi đó là mầu nhiệm ! Theo lập luận tự nhiên, người ta phải biết đi, rồi mới biết chạy; có qua giai đoạn làm thợ, rồi mới tới ngày làm thầy. Có hiểu biết Chúa Giêsu rồi mới biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, có ở trong Đức Giêsu, tình yêu của Ngài mới mở rộng đến mọi tâm hồn thao thức.

Thành công mà người đời vẫn quan niệm là có sức khỏe, có nhiều tiền, có địa vị, được xã hội kính nể; thành công theo Chúa Giêsu phải là có liên đới tình yêu thương, có đủ ơn ban Thánh Thần. Khi còn trẻ, người ta không thể hiểu tại sao lại là thương cho roi cho vọt ? Khi lớn lên, trưởng thành, làm cha làm mẹ, người ta mới thấm thía về câu ca dao :  cha mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ tính tháng tính ngày.

Khởi đầu giai đoạn loan báo Tin-mừng phục sinh, các tông đồ vui sướng hân hoan vì thành công, vì có phép lạ đi cùng các ông. Dần dần, các ông hiểu, tất cả những thành quả các ông đạt được là do hoạt động của tình yêu Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã nói khi còn ở bên cạnh các ông. Đức Giêsu vén mở sự thật về Chúa Cha, về Thánh Thần, chính là hồng ân, là tình yêu mà những ai thuộc về Đức Kitô, đều được dẫn đến sự hiệp thông nên Một. Tình yêu Ba Ngôi xóa tan hận thù chia rẽ, đổ đầy ơn ban, giúp mọi người được lớn lên trong tin yêu Chúa, biết chấp nhận sự khác biệt của nhau.

Đức Giêsu cho các học trò biết về sự giới hạn của con người, Ngài cần sự khiêm tốn của từng học trò, hơn là sự thông thái, ảo tưởng là mình biết né tránh khổ đau. Đức Giêsu hướng các môn đệ về tình hiệp thông Ba Ngôi là khởi đầu, là cùng đích của việc trổ sinh hoa trái thánh thiện, luôn sống đúng thánh ý Chúa. Người học trò chỉ đạt được an vui hạnh phúc khi biết sống tin yêu vâng phục, khi con tim và khối óc cùng mở ra để Thánh Thần hoạt động trong ơn gọi của mình. Yếu tố thời gian của con người không thể đem so với hạnh phúc nơi tình yêu Ba Ngôi, dù niềm tin của ta có vững chắc đến đâu. Giáo huấn của Đức Giêsu, ơn bình an và tình yêu của Đấng phục sinh, chỉ hữu hiệu khi người môn đệ biết để Chúa Ba Ngôi thống trị tâm hồn của mình. Amen.

Về mục lục

.

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Dã Quỳ

Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là lễ trọng nhất và cao cả nhất trong đạo chúng ta. Thiên Chúa mà chúng ta tin kính thật kỳ diệu. Trong Người có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi hợp nhất và làm thành một. Chúng ta sẽ không thể hiểu thấu được Thiên Chúa bằng trí khôn của con người. Sự khẳng định về Thiên Chúa Ba Ngôi là một huyền diệu và là một món quà mầu nhiệm của Thiên Chúa mà ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin và với một trái tim đơn sơ của con thơ.

Chúng ta tin vào Mầu nhiệm Ba Ngôi bởi vì Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Ngài đã vén mở cho chúng ta qua trung gian của Chúa Giêsu- Con Ngài. Người đã đến nhà chúng ta, ở cùng chúng ta và giảng dạy cho chúng ta.

Chính Chúa Giêsu đã nói cho ta biết mối tương quan tình yêu  giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Không có Đấng nào giữ gì cho riêng mình, nhưng tất cả đều được chia sẻ, hiệp thông, cho đi và đón nhận…Và tất cả được hợp nhất nên một ” Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”(Ga 16, 13-14) Những mạc khải của Chúa Thánh Thần cũng luôn đồng nhất với những gì Chúa Giêsu đã loan báo. Bởi vì Chúa Con và Thánh Thần đều phát xuất từ Chúa Cha và qui hướng về Chúa Cha “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy… Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”( Ga 16, 15)

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là bài toán khó hiểu và tối tăm mà chúng ta không biết phải nghĩ gì, nhưng là một thực tại phong phú, rất sâu thẳm và rất sáng láng làm chúng ta thán phục. Muốn cảm nhận được cách sống động Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải trở về với nội tâm của mình, đón nhận trong đức tin và tình yêu. Chúng ta cần đặt hết lòng tin tưởng vào Lời Chúa và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Hạnh phúc cho chúng ta khi tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Bạn của ta, Chúa Thánh Thần không ngừng thổi tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha và Chúa Con vào trong cuộc sống của chúng ta. Vâng, chúng ta thật hạnh phúc.

Cảm nhận mình thật hạnh phúc vì được dựng nên trong tình yêu và bằng tình yêu của Thiên Chúa bởi Người là Tình Yêu. Thiên Chúa làm ra chúng ta bằng chính bàn tay Người, được là tạo vật giống hình ảnh Người và vì thế, ta sẽ mãi ở trong tình yêu của Người khi Người khẳng định “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở.”(Gr 31,3) Thiên Chúa yêu chúng ta vì ta phát xuất từ con tim và từ tình yêu của Người, nên Thánh Gioan đã nói:”Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước.”(1Ga 4, 19b)

Chúng ta còn hạnh phúc hơn nữa vì trong kế hoạch tình yêu kỳ diệu, Chúa Cha đã ban Ngôi Hai cho chúng ta. Vì yêu chúng ta cách tột cùng nên Chúa Giêsu nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.”(Ep 1, 5) Chính Chúa Giêsu đã nâng chúng ta lên và đưa chúng ta vào mối tình Cha con với Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử ngay từ lúc ta lãnh nhận Phép Thanh Tẩy, nhờ muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa luôn theo ta suốt mọi ngày trong đời sống. Bởi vì ta là con, nên Cha yêu thương và chăm sóc chúng ta nhất là những đứa con yếu đuối bệnh tật. Chúng ta không thể sống trên trần gian này nếu không có ơn Thiên Chúa trợ giúp. Hết mọi ơn ta lãnh nhận đều đến từ tình yêu sống động của Người, như lời Thánh Giacôbê nhắn nhủ “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú.”( Gc 1,17) Vì thế ta vô cùng biết ơn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Cha ban mọi ơn lành cho ta qua Chúa Con là Đấng trung gian và trong Chúa Thánh Thần mà mọi Bí Tích chúng ta cử hành luôn được Người thánh hóa và chứng nhận.

Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu luôn trào tràn trong Ba Ngôi và vì thế, Người thông ban nguồn tình yêu của Người cho chúng ta. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn lo lắng cho chúng ta như người cha không bao giờ mệt mỏi. Người không chỉ quan phòng và bao bọc chúng ta nơi trần thế, nhưng Người còn chuẩn bị một gia tài ở trên trời dành cho tất cả những ai tin vào Người. (x. 1Pr 1, 3-5) Thiên Chúa dựng nên ta để đưa ta về trời với Người và hưởng vinh quang của Người. Chúng ta khởi đầu hành trình nơi trần gian bằng đức tin và ân sủng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhưng rồi một ngày ta sẽ bước tới thiên đàng với tình yêu. Thiên Chúa sẽ đưa ta vào trong Người và khi ấy ta sẽ hiểu biết Người hơn.

Trong tâm tình mừng lễ, chúng ta cầu xin:“Nguyện xin ân sủng Chúa Giêsu Kitô, Tình yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta.”( x. 2Cr 13,13) Đồng thời chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết sống, biểu lộ và làm vinh danh Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống của ta. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá, ta tuyên xưng: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trên thân xác ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, ta cũng biết ý thức để sống xứng đáng ơn gọi là con Thiên Chúa và là chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời bằng cuộc sống hiệp nhất với Chúa và với nhau; bằng đời sống yêu thương và chia sẻ như mẫu gương của Chúa Ba Ngôi. Và ước gì chúng ta biết nhân danh Chúa trong mọi tư tưởng, lời nói, hành động của ta và sống sâu xa nền tảng đức tin vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Chúa muôn đời: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Về mục lục

.

HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gioan hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giêsu trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giêsu đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH:

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giêsu mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giêsu. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giêsu như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm. ư Tin mừng của Gioan có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có… Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).

-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phêrô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giêsu, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4. CÂU HỎI: 

1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giêsu rao giảng trong thời gian Người giảng đạo ? 2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giêsu ? 3) Giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và của các Công Đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm không ? Tại sao ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. CÂU CHUYỆN: CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con cũng đi theo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đến đứng dưới chân cây thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt cứ tự nhiện lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình như một đứa con đã đi lạc trong một thời gian dài, nay vừa tìm thấy người cha thân yêu của mình. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

3. THẢO LUẬN:

1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi? 2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Nhận biết một Thiên Chúa duy nhất:

Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhờ Môsê trong Cựu Ước, dân Do thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đáng Tự hữu và là Đấng duy nhất (x. Xh 20,2-3). Nhưng đến thời Tân Ước, nhờ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, mà loài người chúng ta còn biết Thiên Chúa có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con và là Đấng được Chúa Cha cử xuống với Hội Thánh để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trao phó là rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giêsu để góp phần cứu độ trần gian.

2) Nhờ Chúa Giêsu mặc khải mà Hội Thánh còn nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi:  

+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Giođan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

+ Khi nói chuyên với ông Nicôđêmô: Đức Giêsu đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho ông như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).

+ Khi trao sứ mệnh truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

+ Trong bài giảng của Phêrô vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phêrô đã nói như sau: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).

+ Thánh Phaolô cầu chúc cho các tín hữu trong thư Côrintô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thư Galát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em… Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

3) Sống yêu thương hiệp thông và chia sẻ noi gương Chúa Ba Ngôi:  

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu hiệp thông trọn vẹn: Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi khác nhau nhưng hiệp nhất trong một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau như Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) ; “Để tất cả nên một, như lạy Cha: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Chúa Cha và Chúa Con luôn nên một trong tư tưởng và trong hành động, nên Đức Giêsu đã luôn vâng lời Cha và làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như lời Chúa phán trong Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người (Chúa Thánh Thần) sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi trọn vẹn đến nỗi một Ngôi biểu hiện cho cả Ba Ngôi, như Chúa Giêsu đã cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ngày nay Hội Thánh tôn thờ Chúa Cha qua hình ảnh Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Chúa Giêsu, Đấng đã đi giảng đạo và sau cùng đã chịu nạn chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người, đã được an táng trong mồ, rồi ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại vinh quang.

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu chia sẻ dâng hiến:  Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con chính mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha: Dâng bản thân, ý muốn, và ngay cả mạng sống của mình. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu tuy sợ phải chịu chết theo ý Chúa Cha nhưng sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha khi cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến đến nỗi không giữ lại điều gì cho mình, mà sẵn sàng cho đi tất cả.

+ Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong một tình yêu tác sinh để ngày một thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm sức mạnh để cho đi. Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tràn trề sung mãn tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc đời đời. Hôm nay ta hãy sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: Sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Luôn dâng hiến bản thân bằng cách chia sẻ, cho đi chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

4) Thực hành mầu nhiệm tình yêu hiệp thông của Chúa Ba Ngôi giữa đời thường:

+ Năng làm dấu thánh giá: Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.

+ Thống nhất trong đa dạng: Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha… Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người. Hãy thống nhất trong những điều chính yếu, nhưng sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng phong phú trong những điều tùy phụ.

+ Kết hiệp mật thiết với Chúa Ba Ngôi: Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta để kết hiệp mật thiết với Ngài, bằng việc biểu lộ lòng mến Chúa qua việc tuân giữ giới răn yêu thương như Đức Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

+ Lắng nghe tiếng lương tâm: Ngày nay, Thiên Chúa siêu việt vẫn luôn ở với chúng ta để nhắc nhở chúng ta làm lành lánh dữ qua tiếng lương tâm. Hãy giữ sự thinh lặng nội tâm để cơ thể nghe được tiếng Người. Hãy biết quảng đại chia sẻ tình thương của Người với tha nhân, nhất là giúp đỡ phục vụ Chúa hiện thân qua những người nghèo hèn, yếu đuối, bất hạnh và bị bỏ rơi.

5. NGUYỆN CẦU

– LẠY CHÚA CHA ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái trong cuộc sống hằng ngày để xứng đáng trở thành con cái của Cha: Giữa một thế giới đang tôn thờ quyền lực và đề cao lợi lộc vật chất, xin dạy chúng con biết phục vụ tha nhân trong sự âm thầm vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết nhận ra mọi người là anh em để luôn khiêm tốn phục vụ lẫn nhau.

– LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện quyền năng của Chúa trong con và trong những người nghèo hèn đau khổ đang cần sự trợ giúp của chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.-

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

.

SỰ THẬT TOÀN VẸN

Trần Đình Phan Tiến

Kính thưa quý vị, thưa các bạn, vâng, có thể nói ngay rằng : Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm toàn vẹn, bởi vì, Thiên Chúa không phải là Ba mà là Một, không phải là Một mà là Ba. Ba ở đây không phải là Ba Chúa, Một ở đây không phải là Một Ngôi. Vâng, như vậy, SỰ THẬT TOÀN VẸN là “Một Chúa Ba Ngôi ”.

Phần Tin Mừng hôm nay ( Ga 16, 12 -15) không phải thuộc về phần nói về Chúa Ba Ngôi, nhưng là đoạn nói về : Đấng Bảo Trợ sẽ đến”. Vâng, Đấng Bảo Trợ “ấy” ai cũng có thể biết : là Chúa Thánh Thần.

Vâng, khi Chúa Thánh Thần đến, thì chúng ta mới hiểu được về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi chỉ được mặc khải trong Kitô giáo. Vì , ai tin vào Chúa Giêsu, thì người ấy có Thánh Thần, ai tin vào Thánh Thần, thì người ấy có Chúa Ba Ngôi. Rõ ràng, trong đoan Tin Mừng ( Ga 16, 12- 15) hôm nay, thánh Gioan trình thuật lại việc Chúa Giêsu cho chúng ta biết “Đấng Bảo Trợ sẽ đến “ là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí Sự Thật tức Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta tới sự thật toàn vẹn.

Sự thật toàn vẹn là gì ?! Há chẳng phải là Mầu Nhiệm chính trong Đạo sao?

Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi cho chúng ta một sự thật gì? Thưa, đó là Sự Sáng tạo – Sự Tự Hiến –  Sự Ban Ân Sủng. Gọi tắt là ”TÌNH YÊU HIỆP NHẤT”

Vâng, chỉ có ba điều ấy làm nên cho chúng ta, người Kitô hữu một cuộc đời có Thiên Chúa ngự trị. Trong phạm vi đoạn chia sẻ hôm nay, chúng ta không thể diễn giải chi tiết về một Mầu Nhiệm cao siêu, nhưng, suy niệm về những Lời Chúa Giêsu nói trong đoan Tin Mừng hôm nay. Đó là : “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ đưa anh em đến sự thật toàn vẹn “ ( Ga 16, 13a).

Điều đó có nghĩa là: Ai đón nhận Chúa Thánh Thần, thì người ấy hiểu ra Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi” . Đấng sáng tạo là Chúa Cha, Chúa Cha đã sáng tao vạn vật trong mầu nhiệm siêu nhiên ra mầu nhiệm hữu hình. Một sự sống mà chỉ có nơi Thiên Chúa, sự hữu thể , mà con người nhìn thấy được là do bởi Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu hay Chúa Thánh Thần không làm thay điều nầy, vì đây là công việc của Chúa Cha. Điều nầy minh chứng dễ hiểu về Chúa Cha.

Đấng Tự Hiến là Chúa Giêsu, một sự Tự Hiến là sự được tỏ hiện, sự sáng tỏ, sự mặc khải bằng sự hữu hình bởi mầu nhiệm siêu nhiên vô hình. Chúa Thánh Thần , Đấng ban ân sủng cho chúng ta một sự thánh hóa siêu nhiên cũng là tình yêu tự hiến nhưng vô hình, qua Chúa Giêsu, Đấng Tự Hiến hữu hình. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm tình yêu vừa siêu nhiên vô hình cực thánh vừa hữu hình cực trọng, tỏa lan tình yêu cho nhân loại trong sự hiệp thông duy nhất. Căn cứ câu 15 của Ga 16, Chúa Giêsu đã mặc khải ý nghĩa trên : “Mọi sự Chúa Cha có là của Thầy :  …  và Thần Khí sẽ lấy những gì Thầy có mà ban cho anh em.”

Vâng, khi sự thật toàn vẹn đến, Ngài sẽ đổi mới trong Thần Khí. Theo đó, Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi không khó hiểu như người ta tưởng. Người ta thường dùng “ lửa” “nước “  “gió” , “điện” “ ánh sáng “, “hình tam giác” để  lý giải phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng dựa vào Lời Tin Mừng hôm nay , chúng ta không khó hiểu, như chúng ta nghĩ.

Bài đọc II (Rm 5, 1- 5) hôm nay, thánh Phaolo cho chúng ta biết “Một khi nên công chính con người được bảo đảm ơn cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu- Kitô, nhưng được Thánh Thần đổ tràn ân sủng”.

Khởi đi từ bài đọc I (Cn 6, 22 -31) cho chúng ta thấy công trình kỳ diệu sáng tạo từ nguyên thủy là công trình kỳ diệu sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Một sự an bài kỳ diệu và khôn ngoan.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, hồn con tán dương chúc tụng Chúa Trời, công trình sáng tạo bởi Ngài , Chúa Cha. Tình Yêu Tự Hiến của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải sự hữu hình bởi sự vô hình, Đấng ban ân sủng là Chúa Thánh Linh, Ngôi Ba Cực Thánh tác sinh nhân trần. Xin cho nhân loại phàm trần, nhận ra chân lý muôn lần cao siêu . Amen./.

Về mục lục

.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây