Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019

Chủ nhật - 20/10/2019 06:39

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019 | Vatican Media

Chúa nhật 20/10/2019 là Ngày Thế Giới truyền giáo lần thứ 93 và cũng là cao điểm trong Tháng Đặc Biệt về Truyền Giáo đang được Giáo Hội hoàn vũ cử hành với cùng chủ đề là: “Được rửa tội và sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô đang thi hành sứ mạng trên thế giới”.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong ý hướng đó, lúc 10 giờ sáng ngày 20/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với 70 hồng y, 120 giám mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa ý nghĩa 3 từ rút từ các bài đọc của Ngày Thế Giới truyền giáo: “núi”, “leo lên”, và sau cùng “tất cả”: là làm cho “tất cả” mọi dân nước trở thành môn đệ của Chúa.

Núi

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong bài đọc thứ nhất (Is 2,1-5), ngôn sứ Isaia loan báo “Mọi dân nước sẽ lên núi Chúa”: Núi là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ quan trọng giữa Thiên Chúa và con người, và cũng là nơi Chúa Giêsu đã trải qua nhiều giờ để cầu nguyện (Xc Mc 6,46), liên kết giữa đất và Trời, nối kết các em của Ngài với Chúa Cha... Núi nói với chúng ta rằng: “Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân: gần Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, trong thinh lặng, kinh nguyện, xa tránh những chuyện tầm phào, thói tục “ngôi lê mách lẻo” làm ô nhiễm. Chúng ta cũng được kêu gọi đến gần tha nhân, những người mà, từ trên núi chúng ta nhìn họ trong một góc cạnh khác, theo viễn tượng của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mọi dân nước: từ trên cao, ta nhìn thấy tha nhân trong một toàn cảnh với nhau, và khám phá thấy rằng sự hòa hợp của vẻ đẹp chỉ có được qua sự kiện cùng chung với nhau”.

Leo lên

Động từ thứ hai, Đức Thánh Cha muốn quảng diễn là “leo lên”. Ngôn sứ Isaia nhắn nhủ chúng ta: “Hãy đến, chúng ta leo lên núi Chúa” (Is 2,3). Chúng ta không sinh ra để ở dưới đất, để hài lòng với những chuyện tầm thường, trái lại, chúng ta sinh ra để đạt tới nơi cao, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em. Nhưng để được vậy cần leo lên, cần từ bỏ một cuộc sống nằm ngang, chiến đấu chống lại hấp lực của tính ích kỷ, thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình...

Đức Thánh Cha nói: “Cũng như ta không thể leo núi an toàn nhanh nhẹn nếu mang theo những đồ kềnh càng nặng nề, cũng vậy trong cuộc sống, cần loại bỏ những gì không hữu dụng. Đó cũng là bí quyết của việc truyền giáo: để ra đi cần bỏ lại, để loan báo cần từ bỏ. Lời loan báo đáng tin cậy không phải bằng những lời hoa mỹ, nhưng là bằng cuộc sống tốt lành: một cuộc sống phục vụ, biết từ bỏ bao nhiêu thứ vật chất thu hẹp con tim, làm ta dửng dưng và khép kín vào mình. Một cuộc sống từ bỏ những điều vô ích thường làm cho con tim bị ngộp và nhờ đó chúng ta tìm được thời giờ cho Thiên Chúa và tha nhân...”

Tất cả

Từ thứ 3 Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa là tĩnh từ “tất cả”, tất cả các dân tộc. Thánh Phaolô đã viết: Thiên Chúa muốn “tất cả các dân tộc được cứu độ” (2 Tm 2,4), và Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng: “Các con hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ của Thầy” (Mt 28,19): Tất cả không trừ một ai”. “Tất cả mọi người, vì không ai bị loại trừ khỏi con tim, khỏi ơn cứu độ của Chúa... Đây chính là ý nghĩa việc truyền giáo: leo lên núi cầu nguyện cho tất cả mọi người và xuống núi để trở thành hồng ân, thành món quà cho tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Chúa dạy các môn đệ làm cho các dân nước trở thành “môn đệ của Ngài”, của Chúa chứ không phải của chúng ta. Giáo Hội chỉ loan báo tốt đẹp nếu sống như một đệ của Chúa. Và môn đệ hằng ngày theo Thầy, chia sẻ với tha nhân niềm vui được làm môn đệ. Không chinh phục, không ép buộc, không chiêu dụ tín đồ, nhưng làm chứng, đặt mình ở cùng trình độ, môn đệ với môn đệ, với tình thương trao tặng tình thương chúng ta đã nhận lãnh”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta có và là “một sứ mạng trên trái đất này (E.G 273). Chúng ta ở đây là để làm chứng, chúc lành, an ủi, đứng lên, thông truyền vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên, Chúa đang mong đợi rất nhiều nơi bạn! Chúa lo lắng cho những người chưa trở thành con cái được Chúa Cha yêu thương, thành những người anh em mà Chúa đã hiến mạng và ban Thánh Linh. Bạn có muốn làm dịu bớt nỗi lo âu của Chúa Giêsu không? Với lòng yêu thương, bạn hãy đến với mọi người và đời bạn là một sứ mạng quý giá: đó không phải là một gánh nặng phải chịu, nhưng là một món quà đệ trao tặng. Hãy can đảm lên, đừng sợ: chúng ta hãy đến với tất cả mọi người!”

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, với các ý nguyện bằng 5 thứ tiếng, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho đức giáo hoàng, các giám mục và linh mục được ơn say mê Tin Mừng và phần rỗi của mỗi người; cầu cho các chính quyền để họ lắng nghe tiếng kêu của các nạn nhân của bất công, oán ghét và bạo lực; cầu cho những người nghèo và người đau khổ để họ được ơn an ủi của Chúa và cho họ biết chắc chắn Chúa không bao giờ ngoảnh mặt đi, không nhìn con cái của Ngài; cầu cho các thừa sai để họ được ơn kiên vững trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ và là vị duy nhất giải thoát con người; cầu cho tất cả các gia đình để họ được niềm vui hiến thân cho nhau và có khả năng tăng trưởng trong sự chung thủy và tha thứ.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây