Sư phạm I-Nhã

Thứ ba - 05/05/2020 20:07


Tác giả: Dortel Claudot S.J.

 

… Đây là phát biểu của Cha Dortel Claudot, với tư cách cá nhân. Vì Dòng Tên có đến 23.000 người (hiện nay 16.000), mà mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Ít khi thấy có 2 Cha Dòng Tên cùng đồng ý trên một vấn đề.

Như Cha Kolvenbach thường nói: Dòng Tên có 23.000 cách nhìn khác nhau. Điều này nói lên sự khoan dung, nhân hậu.

Điều đáng lưu ý trước tiên:

Từ “Sư phạm Inhã” chỉ mới được sử dụng trong Dòng Tên thời gian gần đây. Khi tôi vào Tập viện năm 1949, tôi không nghe nói đến từ đó. Người ta có đề cập đến Sư phạm của các Cha Dòng Tên, một sư phạm mà Dòng Tên quen dùng trong các trường Trung học lớn và các trường Đại học, trong quá khứ và ước mong rằng vẫn còn dùng đến hôm nay.

Như vậy, “Sư phạm Inhã” là một từ mới được đặt ra và theo tôi nghĩ, do các Dòng nữ đã “bịa” ra từ này để nói lên rằng họ muốn có một cái gì đó chung với Dòng Tên, trên bình diện thiêng liêng, mà không hoàn toàn bắt chước Dòng Tên trong mọi sự. Những Dòng này muốn lãnh nhận một cái gì đó của Dòng Tên và của truyền thống Dòng Tên mà không hoàn toàn thích nghi cách sống và nhất là cách quản trị của Dòng Tên. Từ “Sư phạm Inhã” thường thấy xuất hiện trong các Dòng nữ, vừa quý mến Dòng Tên vừa cũng muốn giữ khoảng cách với Dòng Tên. Còn trong các Dòng như Dòng các Trợ Tá Luyện Hình, Tu hội Chúa Yêsu ở Lyon thì không thấy sử dụng. Vì những Dòng này, theo truyền thống, rất gần gũi Dòng Tên và không chỉ muốn sử dụng phương pháp Linh thao, mà còn muốn bắt chước cả mô hình tổ chức của Dòng Tên.

Thực ra, kinh nghiệm cho thấy rằng, vào thời canh tân do Vatican II khởi xướng, nhiều Dòng đi tìm cảm hứng của họ ở nhiều nơi. Và một cách châm biếm, ta có thể nói, một nữ tu Pháp “tân thời” là một nữ tu có ý thức về sự nghèo khó và sự gần gũi dân chúng của Dòng Capucins, có ý thức về tính dân chủ và sự tham gia của Dòng Đa Minh và đồng thời cũng muốn có một số phương pháp huấn luyện của Dòng Tên.

Tôi không phản đối điều này, bởi vì theo kinh nghiệm, một Dòng tu có thể rất vững chắc mà lại theo 2 Linh đạo. Thí dụ như Dòng Đức Mẹ Lên Trời, vừa Inhã, vừa Augustinô ; Dòng Đức Mẹ Dâng Mình, vừa Inhã, vừa Sa-lê-giêng. Như vậy, tôi tin chắc rằng một Dòng tu có thể rất vững chắc với hai nguồn gợi hứng khác nhau. Chính tôi đã là chứng nhân lâu năm về những bàn thảo nội bộ của các nữ tu Dòng Chúa Yêsu và sau cùng họ chấp nhận duy trì 2 nguồn cảm hứng: Inhã và trường phái Pháp.

Như vậy, từ “Sư phạm Inhã” không phải là một từ công khai của Dòng Tên. Từ thì không có, nhưng sự việc thì có. Vậy đối với tôi, từ này có ý nghĩa gì khi nghe các chị sử dụng nó? Nó có nghĩa là một sư phạm thiêng liêng ngấm ngầm giống như cách mà tôi và các anh em cùng tuổi hay trẻ hơn tôi đã được huấn luyện.

Mấy hôm nay, khi dọn bài phát biểu này, tôi cố gắng nhớ lại những gì tôi đã sống, những gì tôi đã hấp thụ (tôi là một tu sĩ tồi, tôi hoàn toàn ý thức điều đó, nhưng tôi cũng đã nhận được sự huấn luyện mà tôi không biết lợi dụng nó cho đúng mức). Ngược dòng thời gian, tôi thấy nền huấn luyện mà tôi và các anh em tôi đã và đang tiếp tục nhận:

  1. nhằm đào tạo nơi chúng tôi một mô hình người tông đồ. Ở đây tôi dùng từ “người tông đồ” hơn là từ “thuộc linh”, nhưng các chị sẽ thấy rằng, loại người tông đồ này quy nạp 1 loại người thuộc linh.
  2. sử dụng những phương tiện đặc biệt.

Vì vậy, bài phát biểu của tôi gồm 2 phần:

1- Dòng Tên đào tạo người tông đồ như thế nào?

a/ Sư phạm I-nhã muốn tạo nên trong chúng tôi những con người đầy đức tin, theo nghĩa là một nhân đức đối thần. Những con người có một đức tin vững mạnh. Có nghĩa là: những người vừa quan tâm đến những vấn đề của thời đại trên phương diện đức tin, vừa bị ray rứt bởi sự vô thần bao quanh chúng ta. Tôi nghĩ rằng, Dòng Tên muốn đào tạo những người công giáo chín chắn để sống giữa một thế giới luôn đối kháng, luôn tấn công đức tin, nhưng họ luôn bình tĩnh và an hòa. Họ cũng đau khổ, vì họ muốn cho cả trái đất này phải trở thành một dân tộc có niềm tin, nhưng họ sống trong bình an vì họ tin vào Thiên Chúa và vào giáo huấn của Hội Thánh, trong khi đó chung quanh họ cả một đám người không tin Chúa và không tin những gì Hội Thánh dạy.

b/ Những con người nhạy cảm với vài khía cạnh của Mầu nhiệm Kitô giáo. Sư phạm I-nhã, trong cái mà người ta có thể gọi – dù đúng hay sai – là “Linh đạo I-nhã”, không nhấn mạnh khía cạnh này hơn khía cạnh khác của Mầu nhiệm Kitô giáo. Về điểm này, Dòng Tên không như một số Dòng nghiêng về việc tôn sùng Đức Mẹ (những Dòng nam chứ không phải Dòng nữ). Tôi biết có những Dòng nam mà tôi rất quý mến, như Dòng của thánh Louis de Monfort, Dòng Marianistes chỉ biết nhìn về Đức Mẹ thôi – Tôi nói điều đó với tất cả lòng kính trọng. Tôi cũng nghĩ đến Dòng Passionnistes do thánh Phaolô Maria Thánh Giá lập ở Ý vào đầu thế kỷ 17. Các tu sĩ được huấn luyện để chỉ chiêm ngưỡng Mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa. Dòng Tên thì khác, I-nhã giữ lại tất cả các Mầu nhiệm trong đạo, Ngài không dành ưu tiên cho mầu nhiệm nào cả. Tuy nhiên, con người được đào tạo theo sư phạm Inhã phải dành một chỗ quan trọng cho Chúa Kitô trong Mầu nhiệm NHẬP THỂ và Mầu nhiệm CỨU CHUỘC. Các chị nhận ra ở đây bước tiến của tuần 2 và tuần 3 linh thao.

Con người được đào tạo theo sư phạm I-nhã cũng có một ý thức rất sâu đậm về Giáo Hội. Ta nhớ lại quy luật của Inhã về việc “cùng cảm thức với Giáo hội” (cum Ecclesia). Điều đó không có nghĩa là con người được đào tạo theo Linh thao sẽ có thái độ của người đầy tớ đối với phẩm trật Hội Thánh, Đức Thánh Cha và các Giám Mục. Nhưng có nghĩa là ngoài phê bình mà ta có thể có đối với Đức Giáo Hoàng và Giám Mục, ta mang trong ta một ý thức sâu đậm về Giáo Hội mà ta nhìn nhận như Bí tích của ơn Cứu độ. Nói khác đi, ta nhận rằng đời sống Kitô hữu và đời sống thiêng liêng của ta chỉ có ý nghĩa và khả hữu khi nó qua trung gian của Hội Thánh. Trong Dòng Tên, chúng tôi không có một ý thức quá cao về các Bí tích, trừ Bí tích Thánh Thể, cũng may! Chúng tôi không phải là những “con người của Bàn thờ” cũng không phải là những “con người của các Bí tích” và có lẽ đó là điều làm chúng tôi khác với Linh mục triều.

c/ một con người phục vụ. Và vì thế, sư phạm I-nhã quy kết một đời tu tông đồ. Tôi biết có một vài Dòng chiêm niệm mà lại theo Linh đạo I-nhã. Tôi luôn tự hỏi không biết họ làm thế nào được. Bởi vì sư phạm I-nhã và linh đạo linh thao luôn hướng về hoạt động, về phục vụ. Một việc phục vụ trở thành một sứ vụ, đòi phải có ý thức rất mạnh về việc sai đi và việc báo cáo. Những điều đó nằm trong đức Vâng phục.

Điều này đòi hỏi phải có nhiệt tâm, quảng đại, không nệ cực khổ, không tính toán giờ giấc làm việc. Có một từ của Thánh I-nhã tóm tắt được điều này: Cao Thượng. Sự cao thượng, sự rộng rãi trong việc cho đi chính mình. Phục vụ không lấy công. Thường những người được đào tạo theo sư phạm I-nhã thì làm việc cho đến kiệt sức, không còn lo gì đến sức khỏe của mình. Những ai quá chú trọng đến sức khỏe, những ngày nghỉ… hoặc những ai quá tỉ mỉ trong vấn đề này thì không phải là những người đã được huấn luyện theo sư phạm I-nhã.

d/ Sư phạm I-nhã nhằm vào việc cấu trúc nhân vị trên bình diện thiêng liêng chứ không phải trên bình diện tính tình ; có nghĩa là:

  • Người được đào tạo theo sư phạm I-nhã phải có khả năng sống đời tông đồ của mình trong sự cô đơn. Những ai luôn khát khao chia sẻ những gì mình sống trong công tác tông đồ của mình thì không thích hợp với sư phạm này.
  • Sư phạm Inhã đào tạo cho tu sĩ có khả năng sống cộng đoàn nhưng không hoàn toàn dựa vào cộng đoàn. Ta phải sống vì và cho cộng đoàn ; nhưng nếu ta chỉ mơ ước tìm nơi cộng đoàn hơi ấm, sự hòa hợp, sự nâng đỡ thì ta không đi đúng đường lối của Sư phạm I-nhã.
  • Cũng trong hướng cấu trúc nhân vị. Sư phạm I-nhã tạo nên những con người dạn dĩ trong sứ vụ, có khả năng sáng chế những điều mới mẻ, táo bạo. Vậy nếu ai chỉ bằng lòng với những gì có sẵn, chỉ làm theo thói quen thì cũng không phù hợp với sư phạm Inhã.
  • Cấu trúc nhân vị có nghĩa là khả năng phân định tốt và nhanh chóng những gì chính mình cần quyết định và cái gì cần phải trình cho bề trên. Sư phạm I-nhã nhằm đào tạo một con người có khả năng thấy trong những hoàn cảnh khó khăn, điều mình phải quyết định cách tự do, để nếu cần sẽ báo cáo lại hai năm sau, và điều gì mình phải trình ngay, không trì hoãn. Khả năng phân định trong quyết định cá nhân và quyết định với người khác.
  • Cấu trúc nhân vị cũng có nghĩa là khả năng chịu đựng trong cuộc sống, nhất là cuộc sống tông đồ, trong tương quan với người khác, nơi mình thi hành công tác tông đồ hoặc nghiệp vụ. Dẻo dai, bền bỉ, nhưng một sự bền bỉ ôn hòa không gây gỗ. Khả năng chấp nhận dư luận một cách bình tĩnh như “nước đổ đầu vịt” những biến cố có thể xảy đến chung quanh mình. Người ta có thể nói những điều nghịch ý mình, nhưng mình không nói lại, mà nhất là những điều đó không làm mình thay đổi lập trường. Tuy nhiên ta có những phản ứng khác nhau tùy ta là nữ hay nam.
  • Cấu trúc nhân vị: nhẫn nại trong cầu nguyện không hãi sợ những khô khan nguội lạnh thường xuyên xảy đến trong tâm nguyện và không hăm hở dựa theo những điều mình cảm được trong giờ cầu nguyện. Điều cần thiết là việc xét gẫm, hoặc kiểm điểm giờ cầu nguyện. Nói khác đi: cấu trúc nhân vị trong đời sống cầu nguyện giúp đương sự bình tâm trước những an ủi và những sầu khổ.
  • Cấu trúc nhân vị: khả năng sống bình tâm giữa những giằng co trong đời tông đồ, căng thẳng giữa cầu nguyện và hành động, giữa đời sống cộng đoàn và hoạt động bên ngoài và tất cả những giằng co khác.

2- Những Phương Cách đặc biệt

Tôi không trình bày theo thứ tự.

a/ Sư phạm I-nhã đòi có một thời gian đào tạo khai tâm khá dài. Vì nó cần nhiều năm để sinh hoa trái. Thật sai khi nói rằng: “Chúng tôi chỉ dùng sư phạm I-nhã trong thời gian Tập viện”. Nếu chúng ta muốn sử dụng sư phạm Inhã, phải sử dụng nó suốt đời, hay ít ra trong suốt thời gian đào tạo khai tâm.

b/ Một sư phạm đòi hỏi phải kinh qua 1 hay 2 lần trong cuộc sống, sự thử thách của 30 ngày Linh thao – 30 ngày linh thao thật sự như thánh Inhã đã quan niệm và đã thực hiện trong khoảng thời gian đầu đời, nghĩa là trước năm 1540. Đây là một thử thách thiêng liêng vì trong suốt 30 ngày phải sống tâm nguyện mãnh liệt trong cô quạnh. Nó còn là phương cách tìm Thánh Ý Chúa trên ta trong những lúc quan trọng của cuộc sống. Thử thách bởi vì có người không đi được tới cùng. Trong Dòng Tên, những ai không đi tới cùng 30 ngày linh thao thì không thích hợp với Dòng. Một thí dụ cụ thể: trong những năm gần đây, cứ mỗi năm có 600 thanh niên xin vào các Tập viện của Dòng, nhưng khi làm linh thao 30 ngày thì có tới 100 người bỏ cuộc. Như vậy linh thao 30 ngày là tiêu chuẩn lựa chọn ơn gọi của Dòng Tên. Và thường phải qua kinh nghiệm này trong 3 tháng đầu của thời gian Tập viện để đừng giữ lâu những anh em rất có giá trị, nhưng lại không thích hợp với Dòng. Loại thử thách đặc biệt này rất cần thiết trong sư phạm I-nhã và tôi tin rằng đây là sự phân định quan trọng để xem ta có khả năng chọn sư phạm I-nhã không.

c/ Việc tháp tùng thiêng liêng. Trong sư phạm I-nhã cần có sự tháp tùng thiêng liêng, không buộc phải liên tục nhưng phải thường xuyên. Có nghĩa là: hoặc vào dịp cấm phòng năm, hoặc vào những lúc gặp thử thách trong cuộc sống, hoặc khi phải lấy quyết định quan trọng, hay hơn nữa, những khi gặp khô khan trong đời tu, những khó khăn đương nhiên không thể tránh được.

d/ Dành ưu tiên cho kinh nguyện cá nhân trên kinh nguyện cộng đoàn. Về điểm này, tôi thẳng thắn phải nói như thế..

e/ Sư phạm I-nhã đòi hỏi một sự đơn giản trong cách cử hành Phụng vụ. Nếu chúng ta thích tổ chức liên tục những nghi thức Phụng vụ rườm rà, long trọng trong cộng đoàn hoặc trong Hội Dòng thì chúng ta đừng nói đến sư phạm I-nhã. Điều đó không có nghĩa là sư phạm I-nhã làm cho ta hát sai (rất tiếc là có nhiều cộng đoàn Dòng Tên hát sai!), do thiếu huấn luyện hoặc do các Cha Dòng Tên chống lại Phụng vụ. Những Cha Gélineau và Didier Rimaud là những Cha Dòng Tên đã có nhiều thành tích về Phụng vụ. Nhưng cách chung Dòng Tên ít sẵn sàng trong vấn đề này.

f/ Tầm quan trọng của việc “xét mình” mà các chị gọi “kinh nguyện tỉnh thức” và của việc tĩnh tâm năm. Sư phạm I-nhã không đòi phải có các Cha Dòng Tên giảng cấm phòng năm. Vì có những Cha Dòng Tên không nói về sư phạm I-nhã trong các kỳ phòng và tôi là người thứ nhất.

g/ Không có một cách cầu nguyện đặc biệt nào trong sư phạm I-nhã cả. Ta có thể dùng bất cứ phương cách cầu nguyện hay đường hướng thiêng liêng nào. Điều này rất quan trọng vì không có tâm nguyện I-nhã, cho dù linh thao lúc đầu có đề nghị những hướng đi để giúp những người mới tập cầu nguyện. Tôi còn nhớ lời Cha Giáo Tập nói với chúng tôi: “Tôi đề nghị cho các con một số điểm gẫm. Các con có thể sử dụng hay không tùy ý các con.” Ngài nói điều đó với các Tập sinh, những thanh niên đang cần được đào tạo. Ngài nói: “Những điểm gẫm mà tôi đề nghị đây chẳng khác nào như 1 bữa ăn qua loa..” Nói khác đi: “Các con cứ đặt mình trước mặt Chúa và nếu lúc ấy các con thấy thích cách cầu nguyện nào thì các con cứ để qua một bên bữa ăn qua loa đó… Trái lại, nếu các con thấy quá lạc lõng khô khan, các con lấy thức ăn đó ra, bắt đầu ăn, từ từ sẽ thấy dễ chịu hơn… Khi các con bắt đầu thấy có sự bình an trong tâm hồn, thấy mình định trí được, tức khắc phải bỏ thức ăn qua loa ấy đi… Nhưng nếu các con cứ thấy mình khô khan thì phải tiếp tục ăn thức ăn đó.”

Con người thiêng liêng được đào tạo theo sư phạm I-nhã phải nhạy bén về trung gian giữa Thiên Chúa và cá nhân mình, nghĩa là phải xác tín rằng Ý Chúa không bao giờ thể hiện trực tiếp và rõ rệt, mà chỉ là “thoáng thấy” – và luôn xuyên qua đám sương mù – và với giá của một sự phân định khó nhọc với những người khác. Những câu nói như: “Chúa nói với tôi…” – mà nhất là qua tâm nguyện – hay: “Thánh Thần mạc khải cho tôi rằng…” là những câu nói trái hẳn với sư phạm I-nhã. Vì sư phạm I-nhã đào tạo nơi ta một ý thức sâu xa về những trung gian. Để qua một bên những nhà thần bí, I-nhã và nhiều thánh khác, thì một con người thực sự bình thường, được huấn luyện theo sư phạm I-nhã là một con người không bao giờ có tham vọng cho rằng Chúa nói trực tiếp vào tai mình.

Để kết thúc ta nên chú ý:

  1. Sư phạm Inhã tạo nên một con người biết chú tâm đến tha nhân – không những về mặt lắng nghe, mà còn về mặt đồng hành. Tôi muốn nói là người được đào tạo theo sư phạm I-nhã và đang đồng hành với người khác cần có những đức tính như: lắng nghe, kiên nhẫn. Biết chờ thời, sự chậm chạp trong tiến trình của anh em, nhất là không nên làm thay họ, nhưng tôn trọng họ, giúp họ thấy rõ trong họ để tự hướng mình lên.

Sư phạm Inhã quy nạp một mô hình người tông đồ, đồng thời cũng quy nạp một loại người đồng hành thiêng liêng và người huấn luyện. Có lẽ chính vì thế mà cách chung, các Cha Dòng Tên là những người có khả năng đồng hành với người khác.

  1. Người được đào tạo theo sư phạm Inhã là người rất mực kín đáo, họ trở thành những “nấm mồ” và đương nhiên là người có khả năng mang những tâm sự lớn lao và nặng nề mà không bị quỵ ngã.

PHƯƠNG PHÁP CHIÊM NIỆM

Chiêm niệm là cầu nguyện bằng cách ngắm nhìn, chiêm ngưỡng. Trong thực tế ta phải làm thế nào?

Một kinh nghiệm về chiêm niệm rất chính xác và giản dị là: dễ cảm nhận và cảm mến, một phần nhờ đề tài đánh động, một bầu khí của việc cử hành, phần khác còn nhờ trước đó đã có thời gian chuẩn bị. Có đề tài thoạt nhìn có vẻ không mấy đánh động, nhưng nếu ta biết chuẩn bị kỹ và biết tạo bầu khí, cũng sẽ cảm nhận khá dễ dàng.

*Bầu khí:

Trong cầu nguyện cao điểm, bầu khí là sự cách ly, cô tịch ưu tiên dành thời giờ cho Chúa; trong chiêm niệm giữa cuộc sống, bầu khí chính là cuộc sống đang xảy ra.

*Chuẩn bị:

Lấy đoạn Tin Mừng muốn chiêm niệm, đọc kỹ rồi để cho câu chuyện diễn lại trong trí như một khúc phim chiếu thật chậm và tự hỏi Chúa Giêsu đã làm gì? nghĩ gì? nói gì? Ngài muốn dạy tôi điều gì? Những nhân vật khác đã nghĩ gì? nói gì? làm gì? Còn tôi, tôi sẽ phản ứng ra sao?

Để rõ hơn, ta so sánh suy niệm và chiêm niệm.

  • Suy niệm là đến gặp Chúa, đặt mình trong ánh sáng Chúa bao bọc, để nhờ Chúa mà tìm ra ánh sáng cho một vấn đề. Ta suy nghĩ trong Chúa, vì Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Ở đây khía cạnh suy nghĩ nặng hơn khía cạnh chia sẻ sự sống với Chúa.
  • Trong chiêm niệm, ta đến gặp Chúa để cảm nhận Chúa và chia sẻ sự sống với Chúa. Ta để cho ánh sáng Chúa soi vào từng nét mà Chúa muốn ta cảm nhận. Xin ánh sáng và ân sủng Chúa thanh tẩy để các cơ năng cảm thụ của ta được trong suốt và bén nhạy (mắt, tai, lòng rung động…). Ở đây tuy không loại trừ khía cạnh suy nghĩ, nhưng khía cạnh chia sẻ sự sống với Chúa là chủ yếu.

Chiêm niệm tức là lấy một mẩu trong cuộc đời Chúa Giêsu để gặp gỡ Ngài cách sống động, tạo dịp để mình được cảm hóa theo gương sống và sức hấp dẫn của Thiên-Chúa-làm-người.

Chi tiết hơn, trong giờ chiêm niệm ta sẽ:

Thấy: trước hết là thấy, là để cho các nhân vật và sự việc đập vào mắt ta, vào trí ta với đầy đủ nét mặt và cử chỉ của từng người, với các chi tiết diễn tiến của sự việc. Ở đây, thái độ thao viên có vẻ hơi thụ động, không suy luận, phê phán, chỉ để cho mình ngạc nhiên, rung động.

Nghe: tiếp đến, trở lại với cũng những nhân vật và sự việc trong thái độ nghe ngóng từng lời nói và phản ứng để hiểu thấu tư tưởng và tâm tình của họ.

Nhìn: trở lại một lần nữa nhưng nhìn cách chăm chú, theo dõi cử chỉ và hành động của các nhân vật. Người chiêm niệm theo dõi, quan sát, không như người đứng ngoài nhìn vào, nhưng như người trong cuộc. Họ tham gia tích cực vào việc làm của các nhân vật, và nhờ đó mà chia sẻ mọi tư tưởng và tâm tình của các nhân vật. Có như thế mới đồng hóa được với Chúa Giêsu và gần như “thưởng thức” được bản tính Thiên Chúa của Ngài.

Trong thực tế, 3 động tác trên có thể lồng vào nhau, chồng lên nhau.

Sau cùng, ta tâm sự với Chúa Giêsu (cũng như Đức Mẹ, các Thánh trong câu chuyện) cách chân thành và thân mật. Luôn phải nhớ đến những ơn đặc biệt mà tôi mong nhận được trong giờ cầu nguyện ấy và xin Chúa giúp tôi sống trung thành với ơn đó trong cuộc sống hằng ngày.

Lưu ý:

– không nên thêm bớt điều gì trái với Tin Mừng khi thực hiện những việc trên (thấy, nghe…)

– Đọc lời nguyện tắt thật ngắn, tóm chủ điểm chiêm niệm, nên đọc chậm khi bị chia trí cho tới khi tìm lại được sự tập trung.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây