1. Trung Quốc lên tiếng dạy bảo Hoa Kỳ về nhân quyền. Dã tâm đối với lãnh hải Việt Nam

Như chúng tôi đã đưa tin, Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản một dự luật bảo vệ tự do tôn giáo mới nhằm quy trách nhiệm và đưa ra các trừng phạt cá nhân đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm tự do tôn giáo và bách hại các tín hữu tại Hoa Lục.

Trong một cuộc bỏ phiếu vào chiều ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp được nêu trong dự luật này.

Hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật này. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II.

Phản ứng trước diễn biến này hôm thứ Tư 3 tháng thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh:

“Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông ta sẽ triển khai hàng ngàn và hàng ngàn binh sĩ để dập tắt sự hỗn loạn. Vậy thì tại sao bạn lại ngạo nghễ buộc tội các quốc gia khác khi họ dẹp loạn. Tại sao bạn dám mạnh dạn quảng bá bản thân mình như một ngọn hải đăng của dân chủ và nhân quyền? ”

Thật ra, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát xảy ra hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Tại Mỹ, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát là hiển nhiên trong vụ sát hại anh George Floyd. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Jóse Gomez của Tổng Giám Mục Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nhận xét: “Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh ta phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó.”

Hơn thế nữa, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát tại Hoa Kỳ chỉ là vấn đề cá nhân không phải là chủ trương của chính quyền. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thật vậy, tại Trung Quốc, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát không chỉ là vấn đề của các cá nhân những người thực thi pháp luật nhưng nó bọn cầm quyền thể chế hóa thành một ngành kỹ nghệ cướp bóc và buôn bán nội tạng của các tù nhân. Trung Quốc còn là một nước độc tài công nghệ cao với hàng chục triệu camera gắn khắp nơi. Thậm chí chúng còn chĩa thẳng vào các nhà thờ để giám sát không cho trẻ em đến những nơi cầu nguyện như một phần trong bạo lực đối với những người có niềm tin tôn giáo.

Trong một quốc gia dân chủ và tự do như Hoa Kỳ, các trường hợp sử dụng bạo lực quá mức cần thiết của cảnh sát trong lúc thực thi pháp luật từ lâu đã hình thành nên các phong trào dân quyền nhằm gióng lên tiếng nói trước các vụ việc liên quan đến việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Ở các nước cộng sản không có các phong trào bảo vệ người dân, chứ không phải là không có sự tàn nhẫn và bạo lực của cả một hệ thống khổng lồ công an và mật vụ nhằm áp đặt “chuyên chế vô sản”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 3 tháng Sáu, Triệu Ly Kiên cũng để lộ dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam trong tình hình Hoa Kỳ đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Kiên nói:

“Chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài và được tuyên bố bởi tất cả các chính quyền Trung Quốc, và cũng phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc & UNCLOS. Những lời buộc tội nhắm vào các tuyên bố hợp pháp của Trung Quốc là không có căn cứ.”

2. Phản ứng của Đức Thánh Cha đối với tình hình tại Hoa Kỳ

Trong buổi triều yết hôm thứ Tư mùng 3 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập tới các cuộc biểu tình và cướp phá tại Hoa Kỳ, sau vụ một người da đen là anh George Floyd qua đời vì sự tàn bạo của cảnh sát. Đức Thánh Cha nói chúng ta không thể tuyên bố bảo vệ sự linh thánh của cuộc sống con người, trong khi lại nhắm mắt làm ngơ trước sự kỳ thị và loại trừ chủng tộc.

Trong lời chào đến các tín hữu nói tiếng Anh trong buổi triều yết hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với nhân dân Hoa Kỳ, trước những cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp đất nước.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất lo lắng khi chứng kiến tình trạng bất ổn, đáng lo ngại tại quốc gia của anh chị em trong những ngày này, sau cái chết bi thảm của anh George Floyd. Chúng ta không thể dung thứ hoặc nhắm mắt làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc và loại trừ nhau dưới mọi hình thức, trong khi cứ tuyên bố là bảo vệ sự linh thiêng của cuộc sống của con người.”

Đức Thánh Cha đã trích dẫn một tuyên bố gần đây của Đức Hồng Y Jóse Gomez, Tổng Giám mục Los Angeles và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã lên án các vụ bạo lực, phát sinh từ một số cuộc biểu tình.

Chúng ta phải nhận ra rằng bạo lực của những đêm gần đây là tự hủy hoại và tự giết hại chính mình. Chúng ta không đạt được gì qua con đường bạo lực! Chỉ có mất mát mà thôi!

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay, ngài hiệp thông với Giáo hội địa phương tại Saint Paul và Minneapolis, và trên toàn nước Hoa Kỳ, để cầu nguyện cho linh hồn anh George Floyd được an nghỉ và cho những ai khác đã bị giết vì sự phân biệt chủng tộc.

Đức Thánh Cha kết luận bằng mời gọi mọi người hãy cầu nguyện.

“Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa an ủi các gia đình và những ai đang đau buồn. Và chúng con cầu xin cho đất nước Hoa kỳ đang cần sự hòa giải và hòa bình. Xin Đức Mẹ Guadalupe, Mẹ của châu Mỹ bang trợ cho tất cả những ai đang nỗ lực xây dựng hòa bình và công lý trên đất nước Hoa kỳ và trên toàn thế giới.”

Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích về cách cầu nguyện của Tổ phụ Ápraham. Theo Đức Thánh Cha, đó là một cuộc đối thoại với Chúa, không loại trừ các cuộc thảo luận, nhưng được đánh dấu bằng sự tin tưởng và sẵn sàng thực hiện lời Chúa.

Tổ phụ Ápraham nghe tiếng Thiên Chúa và tín thác vào lời hứa của Người, làm theo lời Người mời gọi. Cuộc đời của ông trở thành ơn gọi, một lời mời gọi sống theo lời hứa của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học theo gương cầu nguyện với đức tin của tổ phụ Ápraham: lắng nghe, hành trình, trò chuyện và ngay cả tranh luận với Chúa, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận và thực hành lời Chúa.

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói:

Có một giọng nói đột ngột vang lên trong cuộc đời của tổ phụ Ápraham, một giọng nói mời gọi ông bước vào một hành trình nghe có vẻ không hợp lý: một giọng nói thúc đẩy ông rời bỏ quê hương, nguồn cội của gia đình, để đi đến một tương lai mới mẻ, khác biệt. Và tất cả dựa trên cơ sở của một lời hứa mà ông chỉ cần tin cậy. Tín tưởng vào một lời hứa không phải là điều dễ dàng, và chúng ta cần can đảm để làm điều này. Ông Ápraham đã tin tưởng.

Kinh Thánh không nói về quá khứ vị tổ phụ đầu tiên. Luận lý của các sự việc gỉa định rằng ông tôn thờ các vị thần khác, có lẽ ông là một người khôn ngoan, quen với việc xem xét bầu trời và các tinh tú. Thật sự là Chúa hứa với ông rằng hậu duệ của ông sẽ đông như những vì sao lấp lánh trên bầu trời.

Ông Ápraham lên đường. Ông lắng nghe tiếng Chúa và tin tưởng vào lời của Người. Sự khởi hành của ông đã tạo nên một cách hiểu mới về mối quan hệ với Thiên Chúa; chính vì lý do này mà tổ phụ Ápraham hiện diện trong các truyền thống linh đạo vĩ đại của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo như một người hoàn hảo của Thiên Chúa, có khả năng phục tùng Chúa ngay cả khi ý muốn của Chúa thật khó khăn, nếu không muốn nói là không thể hiểu được.

Do đó, Ápraham là con người của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa nói, con người trở thành người đón nhận Lời Chúa và cuộc sống của họ là nơi mà Lời Chúa muốn nhập thể. Đây là một điều mới lạ tuyệt vời trong hành trình tôn giáo của con người: cuộc sống của người có đức tin bắt đầu được hiểu như là một ơn gọi, như nơi mà một lời hứa được thực hiện; và con người di chuyển trong thế giới không phải dưới sức nặng của điều bí ẩn, nhưng với sức mạnh của lời hứa đó, lời hứa mà một ngày kia sẽ trở thành sự thật. Và ông Ápraham tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ông đã tin và ông đã đi, dù không biết mình đi đâu, thư gửi các tín hữu Do Thái nói như thế. Nhưng ông đã tin tưởng.

Đọc sách Sáng thế, chúng ta khám phá cách ông Ápraham sống kinh nguyện trong sự trung thành liên tục với Lời Chúa, Lời xuất hiện theo định kỳ dọc theo hành trình của ông. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng đức tin trở thành lịch sử trong cuộc đời của ông Ápraham. Nghĩa là, ông Ápraham, bằng cuộc sống và gương mẫu của ông, dạy cho chúng ta cuộc hành trình này, con đường mà qua đó đức tin làm nên lịch sử. Thiên Chúa không chỉ được thấy trong các hiện tượng vũ trụ, giống như một vị thần xa xôi, người có thể làm cho sợ hãi. Thiên Chúa của ông Ápraham trở thành “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa của lịch sử cá nhân của tôi, Đấng hướng dẫn bước chân tôi, Đấng không bỏ rơi tôi; Thiên Chúa của những ngày của tôi, người bạn đồng hành trong những cuộc phiêu lưu của tôi; Thiên Chúa Quan phòng.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Chúng ta có cảm nghiệm Thiên Chúa như là “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa đồng hành với tôi, Thiên Chúa của lịch sử đời tôi, Người dẫn bước tôi đi, Người không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của mọi ngày của tôi không?

Đức Thánh Cha giải thích tiếp: Kinh nghiệm này của Abram cũng được chứng thực bởi một trong những văn bản nguyên bản nhất trong lịch sử tu đức: Tưởng niệm của Blaise Pascal. Nó bắt đầu thế này: “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia-cóp, không phải của các triết gia và học giả. Sự chắc chắn, chắc chắn. Tình cảm. Niềm vui. Hòa bình. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô”. Tác phẩm tưởng niệm này, được viết trên một tờ giấy nhỏ, và được tìm thấy sau khi ông qua đời, được may bên trong chiếc áo của triết gia, cho thấy rằng nó không phải là một suy tư trí tuệ mà một người khôn ngoan như ông có thể hiểu về Thiên Chúa, nhưng là cảm giác sống động, được cảm nghiệm, về sự hiện diện của Người. Ông Pascal thậm chí còn ghi lại khoảnh khắc chính xác mà ông cảm thấy thực tế đó, cuối cùng ông đã gặp nó: vào tối ngày 23/11/1654. Đó không phải là một Thiên Chúa trừu tượng hay vị Thần của vũ trụ. Người là Thiên Chúa của một con người, của một tiếng gọi, Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác, của Giacóp… Thiên Chúa Đấng là sự chắc chắn, là tình cảm, là niềm vui.

Giáo lý Hội thánh Công Giáo dạy: “Kinh nguyện của ông Ápraham được thể hiện trên hết bằng hành động: con người thinh lặng, ở mỗi giai đoạn, ông xây dựng một bàn thờ cho Chúa” (Giáo lý Hội thánh Công Giáo, 2570). Ông Ápraham không xây một đền thờ, nhưng rải trên đường ông đi những tảng đá nhắc nhớ Thiên Chúa đã đi qua đó. Một Thiên Chúa gây ngạc nhiên, khi Người đến thăm ông trong hình hài của ba vị khách mà ông và bà Sarah tiếp đón nồng nhiệt, và các ngài đã thông báo cho họ biết về sự ra đời của con trai I-sa-ác (x. St 18, 1-15). Ông Ápraham đã 100 tuổi và vợ ông 90 tuổi, khoảng đó. Và họ đã tin. Họ tin tưởng vào Thiên Chúa. Và bà Sara, vợ ông, đã mang thai. Ở tuổi đó! Đây là Thiên Chúa của ông Ápraham, Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đồng hành với chúng ta.

Do đó, ông trở nên quen thuộc với Thiên Chúa, có thể tranh luận với Người, nhưng luôn trung thành, thậm chí cho đến bị thử thách hết mức, khi Thiên Chúa yêu cầu ông tế lễ hy sinh con trai của mình là I-sa-ác, đứa con của tuổi già, con duy nhất, con thừa tự. Ở đây, ông Ápraham sống đức tin như một bi kịch, như cuộc hành trình giữa đêm đen, dưới bầu trời lần này không có sao. Và nhiều lần nó cũng xảy đến với chúng ta như thế, đi trong đêm tối, nhưng với đức tin. Chính Thiên Chúa sẽ ngăn bàn tay của ông Ápraham khi ông đã sẵn sàng để sát tế con mình, vì Người đã thấy sự sẵn lòng thực sự của ông (x. St 22, 1-19).

Học cầu nguyện như ông Ápraham: lắng nghe, trò chuyện, tranh luận, nhưng luôn với đức tin

Chúng ta hãy học theo ông Ápraham, học cầu nguyện bằng đức tin: lắng nghe Chúa, bước đi, đối thoại để thảo luận. Chúng ta đừng sợ tranh luận với Thiên Chúa, ngay cả nói một điều có vẻ như lạc đạo. Nhiều lần tôi đã nghe người ta nói với tôi “Cha có biết không, điều này xảy ra với con và con nổi giận với Chúa” – “Nhưng con có dám giận Chúa sao? ” – “Dạ có, con nổi giận!” Nhưng đây là một hình thức cầu nguyện bởi vì chỉ có con cái mới có thể nổi giận với cha mình và sau đó gặp lại ông. Chúng ta hãy học ông Ápraham, trò chuyện và tranh luận, với đức tin, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đưa nó vào thực hành. Với Chúa, chúng ta học cách nói chuyện như một người con với cha của mình; lắng nghe Người, trả lời, tranh luận. Nhưng rõ ràng thẳng thắn như con cái với cha. Ông Ápraham dạy chúng ta cầu nguyện như thế.