1. Đáng âu lo: Số trường hợp phải vào bệnh viện tại Mỹ vì nhiễm coronavirus bất ngờ tăng vọt

Số các trường hợp nhiễm coronavirus và phải vào bệnh viện đã tăng kỷ lục trong mấy ngày qua tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm cả Florida và Texas.

Hôm Chúa Nhật, tiểu bang Alabama đã báo cáo một số lượng kỷ lục các trường hợp mới trong suốt 4 ngày liên tiếp. Theo một thống kê của Reuters, các tiểu bang Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, North Carolina, Oklahoma và South Carolina đều có các con nhiễm coronavirus kỷ lục trong ba ngày qua.

Nhiều quan chức y tế nhà nước đổ lỗi sự gia tăng này là vì các cuộc biểu tình từ cuối tháng Năm vừa qua sau cái chết của anh George Floyd, một người da đen bị giết tại Minneapolis.

Trong một diễn biến bi thảm khác mà nhiều người âu lo sẽ làm bùng lên một đợt mới những cuộc biểu tình, cướp phá và đốt nhà tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cảnh sát tại Atlanta đã bắn chết một người da đen là anh Rayshard Brooks.

Đáp lại, những người biểu tình ở Hoa Kỳ đã chặn một đường cao tốc lớn ở Atlanta vào đêm thứ Bảy và đốt cháy một nhà hàng Wendy, nơi anh Brooks bị cảnh sát bắn chết khi anh ta cố gắng bỏ chạy để khỏi bị bắt giữ.

Vụ nổ súng đã được ghi lại trên video và chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Một viên chức cảnh sát Atlanta đã bị sa thải sau vụ bắn chết Rayshard Brooks, 27 tuổi, và một viên chức cảnh sát thứ hai đã bị cho tạm nghỉ.

Cảnh sát trưởng Atlanta đã phải từ chức.

Bạo loạn đã nổ ra vào tối thứ Bẩy, và hình ảnh trên truyền hình địa phương cho thấy nhà hàng Wendy chìm trong biển lửa trong suốt 49 phút mà không có đội cứu hỏa nào ở hiện trường. Những người biểu tình khác đã chặn xa lộ Liên tiểu bang 75, nơi họ đã đụng độ với cảnh sát.

Chúng tôi sẽ có bản tường trình chi tiết sau khi có bản tuyên bố của tổng giáo phận Atlanta.


Source:ReutersRecord spikes in new coronavirus cases, hospitalizations sweep parts of U.S.
2. Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV

Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.

Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên diễn ra hôm 24 tháng 10, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt cho người nghèo tại Đền Thờ Thánh Phêrô và đã có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ. Nhiều giáo xứ trên thế giới đã thực hiện những hoạt động tương tự như thế.

Hôm 13 tháng 6, Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV được cử hành vào Chúa Nhật 15 tháng 11, tức là Chúa Nhật thứ 33 mùa Quanh Năm, với chủ đề “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó.” (Hc 7:32).

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:

Sự khôn ngoan lâu đời đã đề xuất những lời này như một quy tắc thánh thiêng để thực hành trong cuộc sống. Ngày nay những lời này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết. Những lời ấy giúp chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu và vượt qua những rào cản của sự thờ ơ. Sự nghèo khổ luôn xuất hiện dưới nhiều hình thức, và đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến từng tình huống cụ thể. Trong tất cả những điều này, chúng ta có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu, Ðấng đã tỏ cho chúng ta biết Người hiện diện nơi những người bé mọn nhất trong số các anh chị em của Người (x. Mt 25:40).

Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình. Giáo hội cũng cảm thấy buộc phải lên tiếng thay cho những người thiếu nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhắc nhở mọi người về giá trị to lớn của lợi ích chung là một dấn thân sống còn của các Kitô hữu; nó được thể hiện trong nỗ lực không lãng quên bất cứ người nào trong số những người mà nhân phẩm bị xúc phạm trong các nhu cầu cơ bản.

Liên hệ đến tình hình cụ thể hiện nay, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Ðại dịch này đến bất ngờ khi chúng ta không chuẩn bị, gây ra cảm giác hoang mang và bất lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bàn tay không bao giờ ngừng đến với người nghèo. Ðiều này làm cho tất cả chúng ta nhận thức hơn về sự hiện diện của người nghèo ở giữa chúng ta và nhu cầu được giúp đỡ của họ. Các tổ chức bác ái, các công việc của lòng thương xót, không thể ngẫu hứng. Cần tổ chức và đào tạo không ngừng, dựa trên việc nhận ra nhu cầu của chính chúng ta là cần một bàn tay đưa ra.

Kinh nghiệm hiện tại đã thách thức nhiều giả định của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nghèo hơn và kém tự chủ hơn vì chúng ta đã nhận ra những giới hạn của mình và sự hạn chế của tự do của chúng ta. Việc mất việc làm và cơ hội để gần gũi với những người thân yêu và những người quen biết thường gặp của chúng ta đã đột ngột mở mắt chúng ta trước những chân trời mà từ lâu chúng ta đã cho là điều hiển nhiên. Câu hỏi về các nguồn lực tinh thần và vật chất của chúng ta được đặt ra và chúng ta thấy mình đang trải qua nỗi sợ hãi. Trong sự im lặng của ngôi nhà của chúng ta, chúng ta đã khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản và luôn để ý những điều thiết yếu. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần một ý nghĩa mới về tình huynh đệ mới biết bao nhiêu, để giúp đỡ và quý trọng lẫn nhau. Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung với những người khác và thế giới. Chúng ta đã có đủ sự vô đạo đức và sự nhạo báng về đạo đức, lòng tốt, đức tin và sự trung thực. Khi nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, những gì xảy ra là những cuộc chiến vì những xung đột lợi ích, những hình thức bạo lực và tàn bạo mới, và những trở ngại cho sự phát triển của một nền văn hóa thực sự chăm sóc cho môi trường (Laudato Si', 229). Nói một cách dễ hiểu, bao lâu chúng ta chưa ý thức lại trách nhiệm của mình đối với người lân cận và đối với mỗi người, các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và chính trị nghiêm trọng sẽ vẫn tiếp tục.

Do đó, theo Đức Thánh Cha, chủ đề của năm nay - “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo” là một vấn đề rất thời sự và cấp thiết.


Source:Vatican News
Pope's message for World Day of Poor: Prayer inseparable from solidarity with poor