Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy có lòng cảm thương

Thứ ba - 17/09/2019 09:15

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy có lòng cảm thương

Đức Thánh Cha Phanxicô dâng lễ tại nhà nguyện thánh Marta | Vatican Media

Trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 17/09/2019 tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi các tín hữu hãy có lòng cảm thương như Chúa Giêsu, và vượt thắng thái độ dửng dưng, lãnh đạm.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

Đức Thánh Cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây khi diễn giải bài Tin Mừng theo thánh Luca (7,11-17), thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho con bà góa thành Naim sống lại. Chúa động lòng thương trước tình cảnh bà góa bị mất người con trai duy nhất. Lòng cảm thương cho ta thấy rõ thực tại; lòng cảm thương như một cái kính phóng lớn của tâm hồn, cho ta thấy rõ các chiều kích của thực tại. Phúc Âm bao nhiêu lần thuật lại Chúa Giêsu động lòng thương. Lòng cảm thương cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa động lòng thương dân Ngài

Đức Thánh Cha nhận xét rằng lòng cảm thương này, trong Kinh Thánh, không bắt đầu xuất hiện với Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa đã nói với Ông Môsê: “Ta đã thấy đau khổ của dân Ta” (Xh 3,7): chính lòng cảm thương của Thiên Chúa đã gửi Môsê đến cứu vớt dân Ngài. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa cảm thương, và ta có thể nói - lòng cảm thương là nhược điểm của Thiên Chúa, nhưng cũng là sức mạnh của Ngài. Điều tốt đẹp nhất, Chúa ban cho chúng ta, chính lòng cảm thương đã thúc đẩy Thiên Chúa sai Con của Ngài đến với chúng ta.

Cảm thương không phải là một tâm tình “tội nghiệp” ta cảm thấy, ví dụ khi ta thấy một con chó chết trên đường phố! Cảm thương là can dự vào vấn đề của người khác...

Trong một đoạn Tin Mừng khác, Chúa cảm thương dân chúng không có gì để ăn và Ngài đã làm phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa cảm thương khi thấy dân chúng như đoàn chiên không có người chăn dắt.

Tránh ngôn ngữ “dửng dưng” của loài người

Đức Thánh Cha nói: “nếu cảm thương là ngôn ngữ của Thiên Chúa, thì bao nhiêu lần ngôn ngữ của con người là sự dửng dưng.”

Đức Thánh Cha nhắc lại giai thoại ngài đã kể nhiều lần: “Một buổi tối mùa đông, trước một quán ăn sang trọng, một bà bụi đời sống trên đường phố giơ tay ra xin một bàn vừa bước ra khỏi quán ăn, áo ấm quấn kỹ lưỡng quanh mình, nhưng bà nhà giàu ấy quay đi chỗ khác. Đó là sự dửng dưng. Một ký giả báo Quan sát viên Roma đã chụp hình ấy, và hình này được trưng ở Sở Từ Thiện trong Vatican. Anh chị em hãy đến xem tấm hình ấy, đó là sự dửng dưng.”

Và Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy xét mình xem: chúng ta có nhìn đi chỗ khác hay để cho ta được Thánh Linh dẫn đưa trên con đường cảm thương?

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây