Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

Thứ ba - 14/05/2019 08:45

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

"Ta là sự sáng đã đến thế gian".

 

Lời Chúa: Ga 12, 44-50

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta.

Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.

Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðức tin là ánh sáng

Theo cơ cấu của Phúc Âm thánh Gioan thì những câu chúng ta vừa đọc trên là những câu cuối cùng trong cuộc đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu, bởi vì liền đó với chương 13, tác giả Phúc Âm thánh Gioan bắt đầu nói về biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, khởi đầu cuộc Thương Khó của Ngài. Vì thế, những lời vừa trích dẫn trên có thể tóm lược một cách tổng quát những lời giảng công khai của Chúa Giêsu cho dân chúng và Chúa Giêsu nhắc đến hai điểm chính yếu nhất:

- Tin Chúa là tin Thiên Chúa Cha, thấy Chúa là thấy được Thiên Chúa Cha. Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình. Ðức tin là ánh sáng, không tin là sống trong bóng tối.

- Từ chối không tin. Con người tự kết án mình. Mặc dầu Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi, không ai có thể thoát ra khỏi sự cứu rỗi cuối cùng này, và sự xét xử đến từ thái độ của người đó, đón nhận hay chối từ Thiên Chúa. "Ai nghe lời Ta mà không tuân giữ thì không phải Ta là người kết án kẻ ấy vì Ta không đến để luận phạt thế gian mà đến để cứu rỗi. Ai chê chối Ta và không nhận lời Ta thì sẽ có người xét xử kẻ ấy, tức là lời giảng dạy của Ta sẽ xét xử kẻ ấy trong ngày sau hết. Không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết".

Trong hiện tại, Thiên Chúa luôn luôn kêu mời con người hãy trở về lại với Ngài sau những lần sa ngã, chối từ không tin Ngài. Thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lợi dụng lòng nhân từ này, đừng khinh dễ bỏ qua ơn soi sáng của Chúa. Những trang Phúc Âm cho chúng ta biết rõ ý muốn của Thiên Chúa như thế nào nơi mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta tin nhận Ngài, lắng nghe lời Ngài và sống kết hiệp với Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã vạch ra một con đường cho mỗi người chúng con, đó là những dự án của tình yêu của Chúa để chúng con thực hiện. Xin Chúa giúp chúng con được luôn sẵn sàng thực hiện thánh ý Chúa lắng nghe lời Chúa chứ không phải là kẻ chịu đựng bất đắc dĩ, ý Chúa phải là ý con chứ không phải ý con là ý Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Từ bóng tối đến ánh sáng

Tin mừng theo thánh Gio-an được viết ra sau một thời gian dài cầu nguyện đến lúc chín mùi. Trước khi cho chúng ta những lời chứng, thánh nhân đã dầy kinh nghiệm sống với sức sống của Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Tin mừng này bày tỏ về Thiên Chúa Ba ngôi, qua con tim của một người, một người xác tín, một người tông đồ yêu dấu.

Đức Giêsu tự định nghĩa mình là người được sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Đức Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban, Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Đức Giêsu chính là sứ điệp của Cha.

Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và tuyên bố gì”.

Chúng ta có lẽ phán đoán đây là một sự lệ thuộc quá nô lệ. Đức Giêsu không có một sự tự chủ của người trưởng thành …

Trái lại, chính đó là một hành động tự do của Đức Giêsu vì Người tự ý đặt mình sẵn sàng theo ý Cha: Đó chính là con đường cứu chuộc.

Con người muốn độc lập với Thiên Chúa, không muốn sống hợp với nguyên lý sự sống. Nhưng muốn được cứu chuộc phải vâng lời, phải tiến lại sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: Vì không vâng lời của một người, mà án phạt đã đến trong thế gian.

Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta được tự do dâng lời cảm tạ biết ơn Đức Giêsu, là nguồn ơn cứu chuộc chúng ta, và Thánh lễ tạ ơn chúng ta sắp cử hành để tuyên xưng hồng ân của Chúa Cha là đã sai Con Một Ngài đến cho chúng ta.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Ánh sáng của Đức Kitô

Nơi con người Chúa Giêsu có nhiều thứ ánh sáng. Đó có thể là thứ ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng, thứ ánh sáng mà khi đối diện con người phải cúi đầu. Chúa Giêsu không tỏ lộ ánh sáng này cho các môn đệ và dân chúng theo Ngài, ngoại trừ một lần trên núi Thabor, Ngài biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Yacôbê và Gioan.

Ánh sáng thường gặp nơi Ngài là ánh sáng soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm cho con người sợ hãi, nhưng mời gọi bước theo. Anh sáng phát xuất từ ngọn lửa yêu thương phục vụ xem ra không huy hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu. Đối diện với ánh sáng này, con người sẽ hoặc là tiếp nhận, hoặc là chối từ. Khi chối từ tức là con người còn nằm trong bóng tối và ánh sáng trở thành ánh sáng xét xử. Chúa Giêsu không kết án, vì Ngài đến để cứu chuộc, nhưng chính thái độ cố chấp của con người sẽ kết án họ.

Không có ánh sáng đồng thời với bóng tối, ở đâu có ánh sáng, ở đó sẽ không còn bóng tối. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng, con người phải chấp nhận từ bỏ, tiêu hao chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài ước mong cho nó cháy lên. Gặp gỡ Đức Kitô, con người sẽ gặp được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Ngọn lửa càng sáng, càng đòi tiêu hao nhiều nhiên liệu. Ngọn lửa Đức Kitô đã tỏa sáng khắp vũ trụ khi Ngài được giương cao trên Thập giá và hiến thân cho đến giọt máu cuối cùng.

Bước theo Đức Kitô, người kitô hữu chúng ta không những được mời gọi tiến vào miền ánh sáng, mà còn có bổn phận trở thành ánh sáng. Ngài không cần chúng ta phải chiếu ánh sáng quyền năng của Ngài bằng những việc phi thường, nhưng là sẵn sàng tiêu hao chính mình để ánh sáng Đức Kitô được chiếu tỏa, và nhờ đó chính chúng ta cũng được đổi mới và nhận được vinh quang Phục Sinh của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: NHỜ ÁNH SÁNG, CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG (Ga 12,44-50)

Trong cuộc sống, ánh sáng là thứ cần thiết đến độ không thể có gì thay thế. Ánh sáng làm cho con người và vạn vật có được sự sống và triển nở. Vì thế, không có ánh sáng, thì cho dù một sự sống sơ đẳng cũng không thể sống nổi như cỏ cây...thảo mộc...

Đây là sự cần thiết của ánh sáng dưới góc độ tự nhiên, còn với góc độ siêu nhiên, ánh sáng còn cần hơn gấp bội. Nếu không có ánh sáng siêu nhiên, thì con người sẽ lầm lũi bước đi trong đêm tối và có nguy cơ bị tận diệt sự sống đời đời. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì ánh sáng siêu nhiên chính là biểu tượng chỉ về Thiên Chúa  (x. Xh 19,18). Đấng đã dùng cột lửa để soi sáng và dẫn dân Dothái về Đất Hứa (x. Xh 13,21t). Như thế, khi dân thấy ánh sáng là an tâm (x. Tv 4,7.31; Cn 16,15). Ánh sáng còn là dấu chỉ về  giới luật của Thiên Chúa (x. Cn 6,23). Người dẫn dân đi trong đường lối của Người (x. Tv 119,105). Người làm tội ác loạng choạng trong tối tăm (x. Is 59,9).

Hôm nay, chính Đức Giêsu mạc khải rõ nét chân tính của Thiên Chúa, và Ngài là Đấng Bởi Thiên Chúa mà đến, nên khẳng định: “Ta là ánh sáng đến trong thế gian” (Ga 12,46).

Như vậy, Ánh Sáng là biểu trưng cho hạnh phúc viên mãn trong nguồn ơn cứu chuộc và được sự sống đời đời. Đi ngược lại với Ánh Sáng chính là ở trong bóng tối và sẽ đi về chỗ diệt vong (x. Mt 22,13). Cho nên có Ánh Sáng là có sự sống, có ơn cứu chuộc.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Đức Giêsu là Ánh Sáng thật để được hạnh phúc như chính Ngài đã nói: “Ta là ánh sáng đến trong thế gian để ai tin Ta không đi trong tăm tối”. Vì thế, ngay trong giây phút này, chúng ta hãy sống những điều thuộc về Ánh Sáng như thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8).

Không những chúng ta thuộc về Ánh Sáng, nhưng chúng ta còn phải trở nên ánh sáng cho trần gian, để soi sáng cho người khác đến nguồn Ánh Sáng là chính Đức Giêsu, để họ cũng được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được đi trong đường lối của Chúa là Ánh Sáng. Xin cho chúng con được tránh xa bóng tối là kẻ thù của Ánh Sáng. Và xin cho chúng con được trở nên ánh sáng soi đường cho người khác bằng đời sống tốt lành của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Không tự mình nói

Tự do là điều con người trân trọng.

Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.

Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.

Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm,

muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.

Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?

Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:

“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,

truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49) ?

“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).

Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?

“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,

vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).

Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết

Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.

Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).

Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,

nhưng chi phối sâu xa từ bên trong

toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.

Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.

Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.

Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.

“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).

Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.

Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,

Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.

Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.

Người được sai là một với người sai mình.

“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).

Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).

Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).

Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật

và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM:

1. “Ngài lớn tiếng nói…”

Lời của Đức Giê-su, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là phần kết thúc của cả một cuộc tranh luận dài với người Do-thái; cuộc tranh luận đạt tới đỉnh cao, khi Đức Giê-su bày tỏ tương quan đồng nhất giữa Ngài và Chúa Cha: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30; là câu cuối của bài Tin Mừng hôm qua). Trước đó, Ngài bày tỏ mình là “Bánh Hằng Sống” (x. Ga 6); và tiếp theo, Ngài mặc khải: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành” (x. Ga 10, 1-18). Đó là những lời sâu kín nhất và cao trọng nhất Ngài muốn nói với người Do-thái và qua họ, với mọi người chúng ta thuộc mọi thời. Vì thế, Tin Mừng theo thánh Gioan nhấn mạnh: “Ngài lớn tiếng nói…”

Như thế, Đức Giê-su dùng chính những vấn nạn và thái độ từ chối của người Do-thái, để bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa và con người. Tương tự như trong lịch sử cứu độ hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua: Thiên Chúa dùng chính những biến cố thăng trầm, tai họa, tội lỗi và cả sự dữ để mở đường cho loài người chúng ta đi vào cõi sống; và Thiên Chúa cũng hành động như thế, trong lịch sử cuộc đời chúng ta, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài. 
(Tv 77, 20)

2. “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh một lần nữa tương quan đồng nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha:

Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”. (c. 44-45)

Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. (c. 49)

Trước đó, Ngài tuyên bố : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Vì thế, Ngài nói điều Ngài nghe được từ Chúa Cha; và lời của Chúa Cha là sự sống đời đời. Thực vậy, nếu Thiên Chúa là sự sống, thì Ngài muốn thông truyền cho chúng ta điều gì, nếu không phải là sự sống đời đời.

Chúng ta hãy chiêm ngắm sự hiệp thông sự sống trọn vẹn giữa Đức Giê-su và Chúa Cha; và điều làm chúng ta được an ủi, đó là và sự hiệp thông này không phải là một thông đóng kín giữa hai ngôi vị, như chúng ta vẫn thường thấy hay phần nào có kinh nghiệm sống, nhưng là một hiệp thông mở: Đức Giê-su muốn thông truyền hết cho chúng ta những gì ngài nhận từ Chúa Cha : « Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy » (Ga 15, 9) ; « Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em, Cha của Thầy cũng là Cha của anh em » (Ga 20, 17).

3. Tôi là ánh sáng đến thế gian

Người Do Thái và con người thời nay nữa, đặc biệt dị ứng với tương quan đồng nhất giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa. Chính vì thế, những lời này của Ngài gây ra những phản ứng triệt để nhất và bạo lực nhất: trước đó, một số môn đệ đã bỏ Ngài ra đi (x. 6, 66); còn ở đây: “Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su”! (Ga 10, 31-33).

Phản ứng bạo lực này đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi; thật vậy, trong cuộc xét cử của Thượng Hội Đồng Do Thái, chính khi Ngài nói điều Ngài là trong sự thật, thì người ta lên án tử Đức Giê-su:

“Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!” (Mt 26, 65-66)

Về tương quan duy nhất này với Thiên Chúa, Đức Giê-su không tìm cách chứng minh, chẳng hạn bằng những phép lạ cả thể, như những điềm thiêng từ trời hay xuống khỏi Thập Giá trước mặt mọi người. Ngài chỉ nói điều Ngài là mà thôi, trong tương quan với Chúa Cha. Bởi vì chân lí về ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình. Tương tự như, để biết trái soài thơm ngon, chúng ta không có cách nào khác, và không có gì có thể thay thế được, là phải có kinh nghiệm cảm nếm đích thân !

Vì thế, để nhận ra những gì Ngài nói có phải là sự thật hay không, chúng ta được mời gọi đến với Ngài, ở lại và học với Ngài (x. Ga 15 ; Mt 11, 28-30), cảm nếm ngôi vị của Ngài, lời nói của Ngài, con tim của Ngài, nhất là để có kinh nghiệm này : đến với Ngài, chúng ta sẽ ở trong ánh sáng, ở trong sự sống ; và ngoài Ngài ra, chỉ là bóng tối và sự chết, là chúng ta xét xử và lên án chính mình. Thật vậy, Ngài nói :

Tôi là ánh sáng thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi,
thì không ở lại trong bóng tối. 
(c. 46)

Khi chúng ta đón nhận ánh sáng, thì bóng tối sẽ tự tan biến một cách không thể cưỡng lại được, vì không có nguồn phát ra bóng tối. Vì thế, không phải chính Đức Giê-su xét xử, vì bản tính của Ngài là ánh sáng, là sự sống, là tình yêu; Ngài không thể xét xử rồi lên án chết chúng ta, vì điều này trái với bản tính tình yêu của Ngài.

Nhưng lời của Ngài, vốn là sự thật, là ánh sáng và là sự sống, sẽ phân rẽ một cách tự nhiên và tất yếu gian dối, bóng tối và sự chết có nơi con người và phân rẽ một cách tất yếu những con người tự do lựa chọn gian dối, bóng tối và sự chết. Đây không phải là “xét xử” theo nghĩa toà án, vì có gì đâu mà xét xử: ánh sáng đi đến đâu, bóng tối lui đến đó, làm sao “tóm bắt” bóng tối để xét xử được! Chính vì thế, thánh Phao-lô nói :

Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su,
thì không còn bị lên án nữa. 
(Rm 8, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Hãy tin vào Thầy… và anh em sẽ không ở trong tối tăm.

Wednesday (May 15): “Believe in me – that you may not remain in darkness”

Scripture: John 12:44-50  

44 And Jesus cried out and said, “He who believes in me, believes not in me but in him who sent me. 45 And he who sees me sees him who sent me. 46 I have come as light into the world, that whoever believes in me may not remain in darkness. 47 If any one hears my sayings and does not keep them, I do not judge him; for I did not come to judge the world but to save the world. 48 He who rejects me and does not receive my sayings has a judge; the word that I have spoken will be his judge on the last day. 49 For I have not spoken on my own authority; the Father who sent me has himself given me commandment what to say and what to speak. 50 And I know that his commandment is eternal life. What I say, therefore, I say as the Father has bidden me.”

Thứ Tư    15-5               Hãy tin vào Thầy… và anh em sẽ không ở trong tối tăm.

 

Ga 12,44-50

44 Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi;45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.46 Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

Meditation: 

What kind of darkness does Jesus warn us to avoid? It is the darkness of unbelief and rejection – not only of the Son who came into the world to save it – but rejection of the Father who offers us healing and reconciliation through his Son, Jesus Christ. In Jesus’ last public discourse before his death and resurrection (according to John’s Gospel), Jesus speaks of himself as the light of the world. In the Scriptures light is associated with God’s truth and life. Psalm 27 exclaims, The Lord is my light and my salvation.

The light of Christ removes the darkness and reveals the goodness of God to us

Just as natural light exposes the darkness and reveals what is hidden, so God’s word enables those with eyes of faith to perceive the hidden truths of God’s kingdom. Our universe could not exist without light – and no living thing could be sustained without it. Just as natural light produces warmth and energy – enabling seed to sprout and living things to grow – in like manner, God’s light and truth enables us to grow in the abundant life which only he can offer us. Jesus’ words produce life – the very life of God – within those who receive it with faith.

To see Jesus, the Word of God who became flesh for our sake (John 1), is to see God in visible form. To hear the words of Jesus is to hear the voice of God. He is the very light of God that has power to overcome the darkness of sin, ignorance, and unbelief. God’s light and truth brings healing, pardon, and transformation. This light is not only for the chosen people of Israel, but for the whole world as well. Jesus warns that if we refuse to listen to his word, if we choose to ignore it or to take it very lightly, then we choose to remain in spiritual darkness.

The Word of God has power to set us free from sin, doubt, and deception

Jesus made it clear that he did not come to condemn us, but rather to bring us abundant life and freedom from the oppression of sin, Satan, and a world in opposition to God’s truth and goodness. We condemn ourselves when we reject God’s word of truth, life, and wisdom. It is one thing to live in ignorance due to lack of knowledge and understanding, but another thing to disdain the very source of truth who is Christ Jesus, the Word of God sent from the Father. Jesus says that his word – which comes from the Father and which produces eternal life in us – will be our judge. Do you believe that God’s word has power to set you free from sin and ignorance and to transform your life in his way of holiness?

Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) summed up our need for God’s help in the following prayer he wrote: “God our Father, we find it difficult to come to you, because our knowledge of you is imperfect. In our ignorance we have imagined you to be our enemy; we have wrongly thought that you take pleasure in punishing our sins; and we have foolishly conceived you to be a tyrant over human life. But since Jesus came among us, he has shown that you are loving, and that our resentment against you was groundless.”

The Holy Spirit opens our minds to understand the truth and wisdom of God’s word

God does not wish to leave us in spiritual darkness – in our ignorance and unbelief. He is always ready to give his light, wisdom, and truth to all who seek him and who hunger for his word. Through the gift of the Holy Spirit he helps us to grow each and every day in faith, knowledge, and understanding of his life-giving word. Do you want to know more of God and grow in his transforming love? Look to Jesus, the Light of God, and in his truth you will find joy, freedom, and wholeness of body, mind, heart, and soul.

“Lord Jesus, in your word I find life, truth, and freedom. May I never doubt your word nor forget your commandments. Increase my love for your truth that I may embrace it fully and live according to it.”

Suy niệm:  

Loại bóng tối nào Ðức Giêsu cảnh báo chúng ta phải xa tránh? Đó là bóng tối của sự vô tín và khước từ – không chỉ người Con, Đấng đã đến trong thế gian để cứu nó – mà còn khước từ người Cha, Đấng ban cho chúng ta sự chữa lành và hòa giải, ngang qua Con của Người, Đức Giêsu Kitô. Trong bài diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu trước cái chết và sống lại của Ngài (theo Tin mừng Gioan), Đức Giêsu nói về chính mình là ánh sáng thế gian. Trong Kinh thánh ánh sáng được liên kết với chân lý và sự sống của Thiên Chúa. Thánh vịnh 27 ca lên “Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của tôi”.

Ánh sáng Đức Kitô xóa tan bóng tối và mặc khải lòng nhân hậu của TC dành cho chúng ta

Giống như ánh sáng tự nhiên xua tan bóng tối và bộc lộ những gì bị che giấu, cũng vậy, Lời Chúa giúp cho những ai có đôi mắt đức tin để hiểu được những chân lý của nước Chúa được giấu ẩn. Thế giới của chúng ta không thể tồn tại mà không có ánh sáng – và không một sinh vật nào có thể duy trì mà không có nó. Giống như ánh sáng tự nhiên cũng đem lại sự ấm áp và năng lượng – giúp cho hạt giống mọc lên và cho những sinh vật được phát triển – trong cách thức tương tự, ánh sáng và chân lý của Thiên Chúa giúp chúng ta lớn lên trong sự sống Ngài ban cho chúng ta. Lời của Đức Giêsu đem lại sự sống – sự sống thật của Thiên Chúa – trong những ai đón nhận nó với lòng tin.

Thấy Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên xác phàm vì chúng ta (Ga 1), là thấy Thiên Chúa trong cách thức hữu hình. Nghe lời của Ðức Giêsu là nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Người là ánh sáng thật của Thiên Chúa, có sức mạnh chế ngự bóng tối của tội lỗi, sự dốt nát, và vô tín. Ánh sáng và chân lý của Thiên Chúa đem lại sự chữa lành, tha thứ, và biến đổi. Ánh sáng này không chỉ cho dân Israel được tuyển chọn nhưng còn cho cả thế giới nữa. Đức Giêsu cảnh báo rằng nếu chúng ta khước từ lắng nghe lời của Người, nếu chúng ta lựa chọn phớt lờ hay coi nhẹ nó, chúng ta chọn lựa ở lại trong bóng tối thiêng liêng.

Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nghi ngờ, và sự lừa dối

Đức Giêsu nói rõ rằng Người không đến để lên án chúng ta, nhưng đúng hơn là để đem lại sự sống sung mãn và sự giải thoát khỏi sự áp lực của tội lỗi, Satan, và thế gian trong sự chống đối chân lý và lối sống của Thiên Chúa. Chúng ta tự lên án chính mình khi chúng ta khước từ lời chân thật, sự sống, và khôn ngoan của Thiên Chúa. Có một điều để sống trong sự dốt nát vì thiếu hiểu biết và một điều khác nữa là coi thường nguồn mạch chân lý, là Đức Kitô Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa mà Cha sai tới. Đức Giêsu nói rằng lời Người – đến từ Cha và đem lại sự sống đời đời trong chúng ta – sẽ là vị thẩm phán của chúng ta. Bạn có tin rằng lời Chúa có sức mạnh giải thoát bạn khỏi tội lỗi và sự ngu dốt và biến đổi cuộc đời bạn trong đường lối thánh thiện của Người không?

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) đã tóm tắt việc chúng ta cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện sau đây, ngài viết: “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con thấy khó khăn để đến với Cha, bởi vì sự hiểu biết của chúng con về Cha thật bất toàn. Trong sự nông cạn của mình, chúng con hình dung Cha là kẻ thù của mình; chúng con đã suy nghĩ sai lạc rằng Cha sung sướng trong việc xử phạt những tội lỗi của chúng con; và chúng con dại dột nghĩ rằng Cha là một bạo chúa trên cuộc đời con người. Nhưng vì Ðức Giêsu đã đến giữa chúng con, Ngài đã bày tỏ rằng Cha rất đáng yêu mến, và sự phẫn uất của chúng con về Cha là vô căn cứ.”

Chúa Thánh Thần mở trí chúng ta để hiểu sự thật và sự khôn ngoan của lời Chúa

Thiên Chúa không muốn bỏ mặc chúng ta trong bóng tối thiêng liêng – trong sự ngu dốt và vô tín của chúng ta. Người luôn sẵn sàng ban cho chúng ta ánh sáng, sự khôn ngoan, và chân lý cho tất cả những ai tìm kiếm Người và đói khát lời Người. Ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần, Người giúp chúng ta lớn lên mỗi ngày trong đức tin, sự hiểu biết lời ban sự sống của Người. Bạn có muốn biết về Thiên Chúa và tình yêu biến đổi của Người hơn không? Hãy nhìn vào Ðức Giêsu, Ánh Sáng của Thiên Chúa, và nơi chân lý của Người bạn sẽ tìm thấy niềm vui, sự giải thoát, và sự sung mãn của lý trí, thân xác, và linh hồn.

Lạy Chúa Giêsu, trong Lời Chúa con tìm được sự sống, chân lý, và sự giải thoát. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ Lời Chúa hay quên đi những giới răn của Chúa. Xin gia tăng tình yêu của con cho Lời chân lý của Chúa để con có thể đón nhận nó và sống theo lời Chúa cách trọn vẹn.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây