Một cái nhìn…

Thứ ba - 11/06/2019 23:47

Ngày nay việc giáo dục đang là vấn đề được mọi người quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Các giáo sư, tiến sĩ đang miệt mài tìm những phương pháp làm sao để có đường hướng giáo dục tốt.

Giáo dục là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng và thói quen của một nhóm người được trao, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu, giáo dục là tất cả những gì được truyền tải và tác động lên cách tư duy, cách hành xử, làm việc của mỗi con người trong chúng ta. Vì vậy, một nền giáo dục tốt, một ý thức giáo dục tiến bộ là điều vô cùng quan trọng.

Có những khi tôi thường nghe nói: bạn bè chán ghét trường lớp và thường đi khá xa trong những lời bình phẩm về thầy giáo, cô giáo của họ, về cả giáo dục nói chung. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có những trải nghiệm riêng của mình và vì thế mỗi người đưa ra những nhận định khác nhau dựa trên cơ sở của trải nghiệm đó. Mỗi người đều có thể được đặt vào môi trường, mà ở đó họ có cảm giác được làm chủ quá trình học tập của mình. Để từ đó, họ phát triển tư duy độc lập nhằm biến kiến thức của người khác thành tài sản của mình. Vì vậy người học luôn đặt cho mình những câu hỏi: Học để làm gì? Học những gì để đạt được mục tiêu đó? Học như thế nào? Những câu hỏi đó không chỉ dành riêng cho người học, mà còn là mối quan tâm cho các bậc làm cha mẹ. Vì thế các phụ huynh đều có chủ đích đẩy con em mình học càng cao càng tốt, thi vào đại học để đổi đời. Tích cực mà nói, ta bảo đó là biểu hiện của truyền thống hiếu học. Nhưng nếu nhìn một cách tiêu cực, ta có thể thấy rằng đó không khác gì tính thực dụng. Thế là các em đi học vì được xã hội hóa trong bối cảnh đó: phải có điểm cao, phải có bằng giỏi để cha mẹ vui lòng. Vậy là lao đầu vào học…học đánh đổi tất cả: sức khỏe, tiền tài, ngay cả thời gian vui chơi, giải trí cũng bị thu hẹp lại. Những suy nghĩ, những cái nhìn đó không phải là chối bỏ việc đào tạo tri thức. Nhưng để có một quốc gia, một đất nước, một cộng đoàn tồn tại và phát triển không chỉ đào tạo về tri thức nhưng trước hết phải tạo ra một con người có nhân cách tốt. Vậy nếu muốn đào tạo ra những con người như thế, thì trước tiên những người có trách nhiệm giáo dục phải là một con người chuẩn mực về cả tri thức lẫn nhận thức, tác phong, phẩm chất. Là một con người gần gũi, thấu hiểu, biết quan tâm, phải công bằng, khen thưởng đúng cách, phải là gương sáng cho mọi người. Vì vậy ông J.A.Cômanxki một nhà triết học đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh” là “sợi dây chuyền giữa các thế hệ”. Tuy vậy, trong một xã hội ngày nay để tìm ra những nhà giáo chân chính, yêu nghề xem ra rất khiêm tốn. Các bậc làm cha mẹ đang phải lo lắng làm sao để gửi con mình vào trường nào có uy tín, có tiếng tốt về tri thức và nhân văn. Vậy nên việc cải tạo chương trình giáo dục phải có chi tiết, có lập luận, dạy kỹ năng, dạy toàn diện và dạy cả cái đẹp. Vì dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng là phải dạy cho con người biết cách sống, cách ứng xử với người khác và có khả năng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Giữa một xã hội giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, mỗi người chúng ta là những người Kitô giáo đặc biệt là những người sống đời thánh hiến, cần bước theo sát thầy Giêsu là một người thầy mẫu mực toàn diện bởi “chính Thầy là con đường, là sự thật và sự sống” (Ga 14,6).

Lạy Chúa Giêsu, con biết tự sức mình con không thể trở nên tốt được, nếu không có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Xin Ngài thánh hóa con mỗi ngày để rồi con cũng trở thành những nhà giáo dục như Chúa mong muốn.

M. Bảo Bảo (Tiền tập sinh), FMI 

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây