LỜI CHÚA TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Thứ năm - 07/03/2019 12:33
LỜI CHÚA TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
Bài thuyết trình của Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long
tại Đại hội Kinh Thánh toàn quốc (Nha Trang, ngày 19-21/2/2019)

 

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên đây trước khi về trời là lệnh lên đường, trao phó cho Giáo Hội sứ mạng Phúc Âm hóa, vốn là bản chất và sứ mạng thiết yếu nhất của Giáo Hội, nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Lời Chúa và sứ mạng loan báo Tin Mừng liên kết với nhau, đan xen vào nhau. Loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô, và Lời Chúa sẽ làm cho sứ mạng này đơm hoa kết trái. Xin trình bày một số suy tư về đề tài này, dựa vào các tài liệu của Huấn Quyền, giúp Đại Hội chúng ta ý thức hơn vai trò của Lời Chúa trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Huấn Quyền của Hội Thánh đã ban hành nhiều tài liệu, xin trích một số văn kiện quan trọng :

– Hiến chế Dei Verbum (8.11.1965) của Công đồng Vaticanô II,
– Sắc lệnh Ad Gentes (7.12.1965) của Công đồng Vaticanô II,
– Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8.12.1975) do ĐGH Phaolô VI,
– Tông huấn Verbum Domini (2010) do ĐGH Biển Đức XVI,
– Lineamenta THĐGMTG lần XIII (02.02.2011),
– Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013) do ĐGH Phanxicô…

1. Chỗ đứng của Lời Chúa trong sứ mạng loan báo Tin Mừng

Kinh Thánh là pho sách ghi chép Lời Thiên Chúa nói với nhân loại, chia thành Cựu Ước và Tân Ước. Toàn bộ Kinh Thánh đều hướng về Đức Giêsu cách gián tiếp (Cựu Ước) hoặc trực tiếp (Tân Ước), đặc biệt 4 sách Tin Mừng thuật về cuộc đời Đức Giêsu, những lời nói việc làm của Ngài. Giáo Hội dành sự tôn kính đặc biệt cho Kinh Thánh:

“Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa được diễn tả cách độc đáo không có trong bất cứ văn chương nào của con người. Người Công giáo thường bị lên án là đánh giá thấp Kinh Thánh. Trong khi đó thì Công đồng Vatican II đã khẳng định rằng Giáo Hội không ở trên Lời Chúa nhưng phục vụ Lời Chúa, và chúng ta phải tôn kính Lời Chúa tương tự như chúng ta tôn kính Ngôi Lời hữu hình trong bí tích Thánh Thể”(Raymond E. Brown, 101 questions and answers on the Bible, q.18. Bản dịch của Lm. P. Nguyễn Quang Vinh, tr. 39).

Sứ mạng loan báo Tin Mừng nhằm làm cho Đức Kitô được mọi người nhận biết, yêu mến và tôn thờ, việc ấy được làm nhờ tham chiếu Kinh Thánh :

“Tâm điểm của việc rao giảng là Đức Giêsu Kitô, Đấng được người ta tin và làm chứng. Truyền đạt đức tin có nghĩa cơ bản là truyền đạt Kinh Thánh, trên hết là Tin Mừng, để tạo cơ hội cho người ta biết Đức Giêsu là Chúa” (Lineamenta XIII, số 2).

Giáo Hội thi hành sứ mạng này bằng nhiều cách, như hiện diện âm thầm tại những nơi không được tự do hoạt động tôn giáo, hoặc bằng sách báo, các phương tiện truyền thông, hoặc bằng chứng tá đời sống…, nhưng cách thông thường nhất là vận dụng Kinh Thánh để làm chứng về Chúa. Vài thí dụ :

* Hai môn đệ trên đường đi Em-mau (Lc 24,13-35) được Chúa dùng Kinh Thánh giải thích:

Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh… Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?

* Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, Phêrô đã loan báo Tin Mừng về mầu nhiệm tử nạn-phục sinh (kerygma) của Đức Giêsu Nadarét, ngài trích dẫn Kinh Thánh để thuyết phục thính giả. Lời loan báo đó đã có ba ngàn người tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,14-41);

* Phó tế Philip đã giải thích Lời Chúa cho viên hoạn quan Ethiopia, và ông tin (Cv 8, 26-40);

* Thư Roma (10, 8-17) luận rất hay về mối tương quan giữa Lời Chúa – Rao Giảng – Đức Tin:

Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ… Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô”.

Hạn từ “Rao giảng Tin Mừng” hay “Loan báo Tin Mừng” cho thấy Lời Chúa có vị trí then chốt trong sứ vụ này. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ thuật lại những việc Chúa làm, những điều Chúa nói:

Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).

“Huấn lệnh truyền giáo mà các môn đệ lãnh nhận từ Chúa Giêsu (x. Mc 16:15) có một sự ám chỉ về việc loan báo và giảng dạy Tin Mừng (“dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20). Thánh Phaolô Tông Đồ tự giới thiệu là “tông đồ được dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm 1, 1). Vì vậy, Hội Thánh có nhiệm vụ thể hiện Traditio Evangelii, loan báo và truyền bá Tin Mừng, “là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1, 16), và là chính Đức Giêsu Kitô (x. 1 Cr 1, 24). (Lineamenta số 11)

Tin Mừng chính là Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa làm người :

“Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng”(Lineamenta số 11).

2. Mối tương giao cá vị với Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa làm người

Các môn đệ được Chúa chọn để ở với Ngài, rồi được Ngài sai đi rao giảng. Do đó, cần có mối tương giao mật thiết với Chúa trước, nhờ đó mới có thể loan báo Tin Mừng (x. Mc 3,13-14). Tin Mừng chỉ có thể được truyền đạt dựa trên cơ sở “ở” với Đức Giêsu và sống với Người kinh nghiệm về Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần; và tương tự, “cảm thấy” bị thúc bách phải loan báo và chia sẻ cho người khác điều mình đã sống như là một điều tốt lành, tích cực và đẹp đẽ. Lineamenta số 11 viết tiếp như sau:

“Mục tiêu của truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta.

Truyền bá đức tin có nghĩa là tạo ra ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện để có thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô. Gặp gỡ đức tin với con người Đức Giêsu Kitô là có mối quan hệ với Người, “tưởng nhớ đến Người” (trong Thánh Thể), và có lối suy nghĩ như Người, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, như Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tái khẳng định: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định. […] Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4:10), nên bây giờ tình yêu không còn chỉ là một ‘mệnh lệnh’; nó là một sự đáp lễ vì món quà tình yêu Thiên Chúa đã ban đến gặp chúng ta”.

Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần. Mục đích của truyền bá đức tin và loan báo Tin Mừng là dẫn chúng ta “nhờ Người [Đức Kitô] mà đến với Chúa Cha trong một Thánh Thần duy nhất” (Cl 2,18).

3. Người môn đệ cần được Lời Chúa cảm hoá trước

Kitô hữu lý tưởng là người sống như Đức Kitô đã sống, nói như Đức Kitô đã nói. Cũng vậy, linh mục là một “Đức Kitô khác” (Alter Christus), chứ không phải là “khác Đức Kitô” ! Muốn dùng Tin Mừng để cảm hóa người khác, thì chính mình phải được Tin Mừng cảm hóa trước:

Người ta chỉ có thể Phúc Âm hóa người khác khi chính họ đã được Phúc Âm hóa và để cho mình được Phúc Âm hóa, nghĩa là được canh tân thiêng liêng qua sự gặp gỡ thân tình và hiệp thông sống động với Chúa Giêsu Kitô. Những người như thế có sức mạnh truyền bá đức tin, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã chứng thực: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói” (2 Cr 4:13) (Lineamenta, số 22).

Để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng có kết quả, trước hết hành trang của người tông đồ không gì khác hơn là Lời Chúa. Thiếu cái gì khác không sao, nhưng không thể thiếu Lời Chúa. Người tông đồ cần hiểu biết Kinh Thánh cách thấu đáo. Kinh Thánh là kho tàng vô giá, là nguồn suối không bao giờ cạn, không bao giờ lỗi thời: “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1,25). “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giêrônimô). Nói tóm lại, điều tiên quyết là môn đệ Đức Giêsu phải là người của Lời Chúa. Người ấy phải là hiện thân sống động của Chúa Giêsu, Đấng đang nói Lời hằng sống của Ngài qua họ. Rồi người đó mới là môn đệ – thừa sai (disciple-missionnaire) (EG số 122).

4. Trách nhiệm loan báo Lời Chúa

Sau khi được trang bị Lời Chúa, kết lập mối tương quan bản vị với Chúa, tự nhiên môn đệ sẽ cảm thấy thôi thúc để loan báo Tin Mừng Chúa cho tha nhân, và họ cảm thấy đó là trách nhiệm, là sứ mạng của họ: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16); mọi người đều có quyền được nghe loan báo Tin Mừng :

“Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời đã được ban cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô: những lời ấy được dành cho tất cả mọi người, cho từng con người. Bất cứ người nào thuộc thời đại chúng ta, biết hay không biết, đều cần đến sứ điệp này. Ước gì chính Chúa, cũng như vào thời ngôn sứ Amốt, làm dấy lên giữa loài người cơn đói khát lời Chúa (x. Am 8,11). Trách nhiệm của chúng ta là truyền đạt những gì chúng ta đã nhận được nhờ ơn Chúa. “Những ai đã thực sự gặp được Đức Kitô thì không thể giữ lấy Người cho chính mình, mà phải loan báo về Người. Cần có một cuộc sống tông đồ vươn ra ngoài, được sống như một sự cam kết hằng ngày của các cộng đoàn và các tập thể Kitô giáo” (Lineamenta 24).

5. Cần học hỏi, đào sâu kiến thức về Kinh Thánh

Vì Lời Chúa được viết ra trong ngôn ngữ của dân tộc Do Thái, xưa đến mấy ngàn năm, nên phải học hỏi thì mới hiểu được nội dung, ý nghĩa của Lời Chúa. Khoa chú giải Kinh Thánh rất phong phú, cho nhiều phương pháp để tìm hiểu.

Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vatican II khuyến khích các học giả nghiên cứu, chú giải, suy tư thần học về Kinh Thánh, khích lệ mọi tín hữu chuyên cần học Kinh Thánh, nhờ đó khám phá vai trò của Lời Chúa trong đời sống Hội Thánh và cá nhân.

Hiến chế ân cần khuyên nhủ mọi thành phần trong Hội Thánh như sau :

“…học được sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh (…), nhờ phụng vụ thánh đầy dẫy Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Thánh Kinh hoặc nhờ những khóa học hỏi thích hợp và những phương tiện khác ngày nay đang phổ biến khắp nơi cách đáng mừng, với sự ưng thuận và chăm lo của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Kinh Thánh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì «chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh (thánh Ambrôsiô)»” (số 25).

Hiến chế nhắc nhở việc huấn luyện các tín hữu biết sử dụng Sách Thánh “có kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể gặp gỡ Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, cũng như được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh” (số 25).

Hiện nay, chúng ta nhận thấy tại Việt Nam đang có nỗ lực học hỏi Kinh Thánh bằng nhiều cách như qua phụng vụ, Lectio divina, giờ kinh gia đình với Lời Chúa, các khóa học hỏi Kinh Thánh, giáo lý Lời Chúa, các nhóm chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước, Kinh Thánh 100 tuần, Kinh Thánh cầu nguyện… tuy vẫn còn ít ỏi, chưa lan rộng. Các trang mạng Công giáo thường có phần học hỏi Kinh Thánh, các bài giảng lễ hay suy niệm.

6. Lời Chúa trong các hoạt động hướng đến Phúc Âm hoá của Giáo Hội

Đề cương (Lineamenta) chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục khoá XIII năm 2011, ở chương II, số 13 đã bàn giải về mối tương quan hữu cơ giữa Lời Chúa và sứ mạng loan báo Tin Mừng qua một số thực hành:

“Kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh Công Giáo đã tái khám phá ra rằngtruyền bá đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, được thực hiện nhờ Kinh Thánh và Truyền Thống sinh động của Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Bằng cách này, Hội Thánh liên tục được tái sinh bởi Chúa Thánh Thần. Cũng thế, các thế hệ mới nhận được sự nâng đỡ từng giây từng phút trong cuộc gặp gỡ của họ với Đức Kitô trong Nhiệm Thể của Người, cuộc gặp gỡ được diễn tả đầy đủ nhất trong cử hành Thánh Thể. Trọng tâm của công cuộc truyền bá đức tin đã được đánh giá lại và làm nổi bật trong hai đại hội thường kỳ gần đây nhất, một về chủ đề Thánh Thể và một về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Trong hai kỳ đại hội này của Thượng Hội Đồng, Hội Thánh được kêu gọi suy tư và ý thức đầy đủ về tiến trình năng động và sâu xa giúp củng cố căn tính của mình: Hội Thánh truyền bá đức tin mình đang sống, cử hành, tuyên xưng và làm chứng.

Sự ý thức này bao hàm những trách nhiệm và thách thức thật sự mà Hội Thánh phải đáp ứng trong hoạt động truyền bá đức tin của mình. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa phải phát triển một ý thức lớn hơn giữa các thành viên của mình về vai trò và sức mạnh của Lời Chúa trong việc mặc khải và biểu hiện ý định của Thiên Chúa đối với loài người và kế hoạch cứu độ của Người.

Cần thể hiện việc loan báo Lời Chúa một cách chăm chú hơn trong các cuộc cử hành phụng vụ, cũng như cần có sự xác tín và chuyên chăm hơn trong nhiệm vụ rao giảng.

Cần có sự chăm chú, xác tín và tin tưởng đối với vai trò của Lời Chúa trong sứ mạng của Hội Thánh, cả trong thời gian đang được dành cho việc rao giảng sứ điệp cứu rỗi cũng như trong những lúc suy tư qua việc lắng nghe và đối thoại với các nền văn hoá.

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đặc biệt lưu tâm tới việc loan báo lời Chúa cho các thế hệ tương lai. “Chúng ta thường xuyên gặp nơi họ một thái độ cởi mở tự nhiên với việc nghe Lời Chúa và ước muốn chân thành được biết Chúa Giêsu. […] Quan tâm tới giới trẻ đòi chúng ta phải can đảm và rõ ràng khi công bố sứ điệp; chúng ta cần giúp giới trẻ có sự tin cậy và gần gũi với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành chiếc la bàn định hướng con đường họ phải đi. Giới trẻ cần những chứng nhân và thầy dạy có khả năng đồng hành với họ, dạy họ yêu mến và chia sẻ Tin Mừng, đặc biệt với các bạn đồng trang lứa, nhờ đó họ có thể trở thành những sứ giả trung thực và đáng tin”.

Cũng thế, các nghị phụ kêu gọi các cộng đoàn Kitô “nghĩ ra các phương thức khai tâm Kitô giáo có khả năng giúp tăng trưởng đức tin, qua việc lắng nghe Lời, cử hành Thánh Thể và đời sống yêu thương huynh đệ. Cũng cần lưu ý đến những vấn đề mới nảy sinh từ tình trạng di chuyển nhiều hơn của các dân tộc và hiện tượng di dân đang mở ra những chân trời mới trong việc rao giảng Tin Mừng. Những người di cư không những cần phải được rao giảng Tin Mừng mà cũng cần phải được huấn luyện để chính họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng”.

Đại hội Thượng Hội Đồng cũng đặc biệt kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo kiểm chứng xem việc loan báo Lời Chúa đã được họ đặt làm nền tảng của nhiệm vụ truyền bá đức tin tới mức nào. “Vì vậy, chúng ta phải càng ngày càng khám phá ra sự cấp bách và vẻ đẹp của việc loan báo Lời Chúa, hầu cho Vương Quyền của Thiên Chúa mà chính Đức Kitô đã rao giảng mau ngự đến. […] Tất cả chúng ta hiểu rằng ánh sáng của Đức Kitô cần phải chiếu sáng biết bao trên mọi lãnh vực của đời sống con người: gia đình, nhà trường, văn hoá, lao động, nghỉ ngơi và mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội. Đây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một Lời khuấy động, kêu gọi hoán cải để dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, từ đó một nhân loại mới có thể đâm bông”.

Trong dịp tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Kinh Thánh quốc tế ở Rôma (14/9-18/9/2005) với chủ đề “Kinh Thánh trong đời sống của Hội Thánh”, Đức Bênêđictô XVI đã nhắc lại lịch sử của Hiến chế Dei Verbum để nêu bật một điều là nếu không biết nghe Lời Chúa thì cũng không biết loan báo Lời Chúa. Bản Hiến chế này mở đầu bằng một công thức phong phú ý nghĩa: “Dei Verbum religiose audiens et fideliter proclamans” (lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa). Hội Thánh là một cộng đoàn lắng nghe và công bố Lời Chúa. Hội Thánh không sống tự mình nhưng sống nhờ Tin Mừng, và từ Tin Mừng, Hội Thánh rút ra chiều hướng cho cuộc hành trình của mình. Đây là một nét tiêu biểu mà mọi kitô hữu phải áp dụng cho mình: chỉ những ai chọn lấy vị trí lắng nghe Lời Chúa thì mới có thể trở thành những người loan báo Lời Chúa.

7. Chứng tá Lời Chúa

Điều quan trọng là mỗi hình thức loan báo phải ghi nhớ trước hết quan hệ nội tại giữa việc thông truyền Lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Chính tính khả tín của việc loan báo tùy thuộc vào điều này” (VD số 97).  

“Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân.’ […] Vì vậy, Hội Thánh sẽ phúc âm hóa thế giới chủ yếu bằng chính hành vi và đời sống của mình, nói khác đi, bằng việc làm chứng lòng trung thành của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu…”. (Lineamenta số 22).

Đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá phúc âm hoá là việc làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu chân chính cho Thiên Chúa… Thánh Phêrô đã diễn tả điều này rõ ràng khi ngài chủ trương gương lành của một đời sống đáng kính và trong sạch là một việc chinh phục những kẻ từ chối nghe lời nói mà không cần phải nói một lời nào (x.1Pt.3:1). Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hoá cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu – chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện” (EN số 41).

8. Loan báo Đức Kitô bằng lời rao giảng, giảng thuyết

Chứng tá đời sống chưa đủ, mà đích thực còn phải bằng lời rao giảng,

“Thứ đến, cũng không phải là thừa thãi khi nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng và cần thiết của việc rao giảng. “Làm sao họ có thể tin vào Người là Ðấng họ chưa bao giờ nghe nói đến? Và làm sao họ được nghe mà lại không có người rao giảng?… Thế nên đức tin nhờ nghe mà có và nghe là do việc rao giảng về Chúa Kitô” (Rm.10:14,17). Ðiều luật đã từng được Vị Tông đồ Phaolô chủ trương này vẫn còn nguyên hiệu lực cho đến ngày hôm nay. “Ðức tin nhờ nghe mà có” (Fides ex auditu) (Rm.10:17) vẫn giữ được tính cách của nó: chính Lời được rao giảng mới dẫn đến niềm tin” (EN số 42).

Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng dành nhiều số để nói về bài giảng thánh lễ có tầm quan trọng. Bài giảng triển khai Lời Chúa, chứ không phải lời con người. Lời giảng phải đi từ trái tim đến trái tim, giảng như người mẹ nói với con. Các linh mục cần đầu tư thời gian xứng hợp vào việc diễn giải Lời Chúa.

9. Mục vụ loan báo Tin Mừng ngày nay cần thích hợp với thời đại

Việc loan báo Tin Mừng ngày nay cần vận dụng những tiến bộ của khoa công nghệ thông tin, phương pháp thính thị, cho phù hợp với tâm thức người thời đại, hấp dẫn người nghe, nhất là giới trẻ, trong việc huấn giáo Lời Chúa.

Chúng ta cũng ghi khắc lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi ngài nói rằng công cuộc Tân Phúc Âm hoá ngày nay cần có nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới.

Đứng trước những thách đố, trở ngại, vốn luôn có cho mọi thời, chúng ta cần giữ tinh thần lạc quan, vui tươi, vốn là nét chủ đạo trong giáo huấn của ĐTC Phanxicô. Ngài dạy: “Thách đố luôn có mặt, nhưng chúng có đó là để bị vượt qua, chứ không phải để chế ngự chúng ta”. Lạc quan về kết quả của sứ mạng này. Cứ gieo vãi, hạt giống sẽ mọc lên, không sức mạnh nào cản ngăn được :

Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho đất ra phì nhiêu, Lời Thiên Chúa cũng thế, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10t). Đức Giêsu Kitô là Lời chung kết và hữu hiệu này, Lời đến từ Chúa Cha và trở về cùng Ngài, khi đã hoàn toàn thực hiện ý muốn của Ngài trong thế giới” (VD số 90).

“Vì vậy chúng ta tiến bước vào cuộc tân Phúc Âm hóa với tinh thần phấn khởi. Chúng ta sẽ học được niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, cả khi việc rao giảng xem ra giống như một hạt giống gieo trong nước mắt (x. Tv 126:6). “Chớ gì đối với chúng ta – giống như đối với Gioan Tẩy Giả, Phêrô và Phaolô, cũng như các tông đồ khác và biết bao nhà truyền giáo xuất sắc trong suốt lịch sử Hội Thánh−niềm vui này là một sự phấn khởi mà không một ai hay một điều gì có thể dập tắt nổi. Chớ gì nó là niềm vui to lớn của đời sống tận hiến của chúng ta. Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang đi tìm, đôi khi trong lo âu, đôi khi trong hi vọng, có thể nhận lãnh Tin Mừng không phải bởi những người rao giảng chán nản, thất vọng, thiếu kiên nhẫn hay lo âu, nhưng bởi những thừa tác viên Tin Mừng có đời sống cháy bừng lửa nhiệt tình, những người đã nhận được niềm vui từ Đức Kitô trước, và sẵn sàng hi sinh mạng sống để Nước Thiên Chúa được rao giảng và Hội Thánh được thiết lập giữa thế giới” (Lineamenta, số 25).

10. Vai trò của Chúa Thánh Thần

Tác nhân chính của sứ mạng Phúc Âm hóa là Chúa Thánh Thần, chúng ta là người cộng tác. Thần Khí muốn thổi đâu tùy ý :

Thần Khí của Đấng Phục Sinh làm cho đời sống chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới” (VD số 91).

Do đó, không được coi sứ mạng của Giáo Hội như một thực tại tùy ý hay tùy chọn trong đời sống Giáo Hội. Vấn đề là để cho Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với chính Chúa Kitô, và như thế, tham dự vào sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), để chuyển thông Lời bằng trọn cả đời sống chúng ta” (VD số 93).

Khi đến trần gian ở giữa chúng ta, Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta thông phần sự sống của Thiên Chúa để biến đổi bộ mặt trái đất và làm nên một thế giới mới (x. Kh 21:5). Mặc khải của Người không chỉ làm chúng ta được thừa hưởng ơn cứu độ mà còn biến chúng ta trở thành những sứ giả và những chứng nhân. Để chu toàn nhiệm vụ này, Thánh Thần của Đức Kitô phục sinh đem lại hiệu quả cho công việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trên khắp thế giới. Đây từng là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi họ chứng kiến Lời Thiên Chúa lan rộng nhờ việc rao giảng và chứng tá (x. Cv 6:7)” (Lineamenta số 23).

“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

KếtMẫu gương của Đức Maria, môn đệ Lời và người loan báo Tin Mừng.

Ba vị Giáo Hoàng gần đây đều xưng tụng Đức Maria là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hoá (Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi số 82; Đức Bênêđictô XVI trong THĐGMTG khoá XIII (Lineamenta số 23) và Đức Phanxicô trong Evangelii Gaudium số 287-288).

Mẹ là mẫu gương về thái độ đối với Lời Chúa và sứ mạng loan báo Tin Mừng:

* Nơi Mẹ, có mối tương giao cá vị mật thiết với Ngôi Lời cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Về phương diện thể lý, Mẹ cưu mang Chúa, ban máu thịt cho Ngôi Lời làm người, Mẹ và Chúa là một ; Về phương diện thiêng liêng, Mẹ ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng (xem Lc 2,52).

* Vừa cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã vội ra đi, đem Chúa đến cho chị họ Elisabeth và Gioan Tiền Hô (x. Lc 1,39-56). Đó là loan báo Tin Mừng.

* Tại Cana, Mẹ đã can thiệp để Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu, khiến cho các môn đệ tin (x. Ga 2,1-12). Đó là thành quả của sứ mạng loan báo Tin Mừng.

* Một lần kia, thán phục Lời giảng dạy của Chúa, một phụ nữ cất tiếng nói: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Chúa Giêsu đã vinh danh Mẹ khi đáp lại rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11, 27-28). Còn ai xứng đáng hơn Mẹ Maria, vì đã nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng, và thực hành.

* Sau khi Chúa về trời, Mẹ cầu nguyện với các tông đồ trong nhà Tiệc Ly, chờ đón Chúa Thánh Thần đến và giúp cho các tông đồ nhớ lại tất cả những gì Chúa đã dạy, thêm sức và cùng hoạt động loan báo Tin Mừng với các ngài. Ngày nay, Mẹ vẫn hiện diện trong Hội Thánh để yểm trợ sứ vụ này bằng lời cầu nguyện và tấm lòng từ mẫu.

 

 +Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Giáo phận Vinh
Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây