Thứ hai tuần 4 Mùa Chay.

Chủ nhật - 22/03/2020 08:17

Thứ hai tuần 4 Mùa Chay.

"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

 

Lời Chúa: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình". Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: "Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin". Viên quan chức trình lại Người: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: "Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt".

Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: "Con ông mạnh rồi", nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin.

Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

 

 

SUY NIỆM 1: Con ông sống

Suy niệm:

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng

của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình.

Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu

“Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23).

Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi,

vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22).

Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu:

“Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22).

Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ:

“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” (c. 49).

Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối.

Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ.

Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời.

Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.

Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ.

Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê.

Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông

bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49).

Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu :

“Ông cứ về đi, con ông sống!”

nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50).

Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh.

Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ

chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53).

Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu.

Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo.

Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến.

Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà.

Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.

Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên.

Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11).

Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha,

đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc.

Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng.

Ngay trước đoạn Tin Mừng này,

chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó.

Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39).

Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng,

khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ.

Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin.

Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi.

Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Chữa con một quan chức

Một thiếu nữ có giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.

Bước vào tuần 4 mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng. Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Đó cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.

Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên thân xác và tâm hồn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Ðức tin đưa tới phép lạ

Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.

Mỗi ngày sống hôm nay của chúng ta là sự lạ lùng Thiên Chúa thực hiện. Không nhận ra được sự lạ lùng ấy là vì chúng ta không có đức tin. Không có thì không phải Thiên Chúa không ban ơn đức tin cho chúng ta đâu mà là do chúng ta không muốn lãnh nhận ơn ấy vì sợ sệt, sợ phải sống theo Tin Mừng, sợ nên thánh, sợ phải sống tốt hơn. Chẳng hạn như sự kiện cha sở đề nghị chia sẻ Lời Chúa thì rút lui, tránh né. Nhưng quả thật là họ dự lễ chứ chưa dâng lễ. Ðã từ lâu họ quen cảnh linh mục chủ tế, công bố Tin Mừng và giảng trong khi họ mơ mơ màng màng với giấc ngủ chưa dứt, những suy nghĩ viễn vông. Nay phải tiếp cận Lời Chúa và để cho Lời Chúa soi dọi trong mọi ngõ ngách trong lòng họ, nhắc họ ra khỏi tình trạng ươn lười và khoán việc cho người khác thì họ thấy sợ. Không lạ lùng gì họ không thể và không bao giờ có thể chứng kiến được những kỳ diệu Thiên Chúa làm trong đời sống họ mỗi ngày.

Lời loan báo Tin Mừng cũng trở nên vô nghĩa ngay trong nhà thờ đông nghẹt người đến dự lễ chứ không dâng lễ. "Ông hãy về đi, con ông sống rồi", viên quan chức tin không đòi hỏi gì hơn. Vào trường hợp chúng ta, có lẽ chúng ta chần chờ để xin thêm một vài dấu chỉ nào đó chứng minh lời Chúa thật sự có kết quả. Ông về nghe tin con đã khỏe, ông hỏi giờ và nhận ra giờ đó Chúa đã chữa lành cho con ông. Có lẽ gia nhân không biết gì. Chuá vẫn thế, Ngài có những thực hiện kỳ diệu một cách rất bình thường, một câu nói đơn giản, quyền lực vượt không gian và thời gian để mang lại kết quả mong muốn miễn là chúng ta tin.

Lạy Chúa, chúng con có đạo nhưng hổ thẹn: Có người chỉ một lần nghe, gặp Chúa và tin ngay. Họ thấy được tình yêu thương họ, nhận ra được những hành động vì tình yêu thương Chúa. Còn chúng con tuần nào cũng gặp gỡ Chúa, mà chúng con đến với Chúa như cái xác không hồn của chúng con. Nguyện xin Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Giờ của Đức Giêsu

Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” (Ga. 4, 50-52)

Một quan chức nhà vua có đứa con đau nặng, ông nghe tin Đức Giêsu đang ở trong miền gần đó. Ông tự nhủ: “Đây là lúc Người có thể chữa con mình”. Ông chỉ nghe theo niềm cậy trông của ông và ông tìm đến Người. Ông gặp Người, và khẩn khoản nài xin Người. Đức Giêsu kêu trách ông như mọi người chỉ muốn xin điềm lạ và những điều phi thường. Nhưng sự hất hủi đó không làm ông tủi hờn chút nào. Ông càng khẩn xin như không nghe thấy gì: “Lạy Ngài, xin xuống trước khi con tôi chết”. Đức Kitô cảm động và nói với ông: “Được rồi, ông cứ về đi, con ông sống đấy”.

Mừng như điên, lập tức ông tin lời Đức Giêsu, ông về như bay, và giữa đường ông gặp đầy tớ báo tin con ông đã khỏi. Ông hỏi: “Nó khỏi giờ nào?”. Họ đáp: “Lúc bảy giờ hôm qua”. Ông tự nhủ: “Đúng vào giờ Đức Giêsu nói với mình”. Đó là cú đánh ân huệ. Giờ ban ơn cứu chữa ông và cả gia đình ông. Giờ của Đức Giêsu. Giờ ban ơn trở lại. Giờ cứu độ.

Đối với người được đức tin, chính là giờ của Đức Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Đức Giêsu, và như Đức Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.

Giờ của Đức Giêsu, cũng chính là những cơ hội cho chúng ta được dịp an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, soi sáng và đem bình an cho người khác. Vì mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ đói rách ăn mặc, thăm hỏi kẻ tù đầy, an ủi kẻ tuyệt vọng, thì đó là chúng ta đã làm cho chính Chúa, Người đã nói trong Tin mừng như vậy.

G.F

 

SUY NIỆM 5: TIN ĐẾN CÙNG (Ga 4,43 – 54)

Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy những người có địa vị cao trong xã hội và tôn giáo đa số đều mắc phải thói tự kiêu, vì tự cho mình là người biết hết mọi chuyện, nên thường coi khinh anh em đồng loại! Nếu không bị chứng bệnh tự phụ trên thì cũng rơi vào tình trạng nghi ngờ về những chuyện phi thường...

Tuy nhiên, hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật một viên sĩ quan cao cấp của triều đình đã lặn lội cả mấy chục kilômét để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho con ông được lành bệnh. Ông là một phó vương nơi cung triều, còn Đức Giêsu thì chỉ là người bình dân. Một hình ảnh trái ngược với giới lãnh đạo và thượng lưu thời bấy giờ!

Qua hành động của viên sĩ quan, chúng ta thấy được hai điều:

Trước hết, thái độ của ông quan này là khiêm tốn. Ông đã không để ý đến địa vị chức quyền, không nghĩ đến giai tầng trong xã hội, nhưng chỉ một lòng tin tưởng và phó thác nơi Đức Giêsu và sống trong niềm hy vọng được nhận lời.

Thứ hai, vị quan này rất kiên trì. Ông không thối trí nhụt lòng khi nghe thấy câu trách móc nặng nề của Đức Giêsu: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!". Nếu vị quan này mà kiêu ngạo, cố chấp hay tự trọng thái quá, có lẽ đã bỏ mà đi, đằng này, ông lại càng khẩn thiết hơn: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!". Câu nói này thể hiện sự thành khẩn và niềm tin chân thành của viên sĩ quan.

Thế nên, từ xa, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa cho con ông khi tuyên bố: “Con ông sống”. Thấy mọi sự diễn ra đúng thời gian mà Đức Giêsu tuyên bố con ông không chết, viên sĩ quan và cả gia đình ông đã tin vào Đức Giêsu.

Như vậy, câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắm vào niềm tin của viên sĩ quan.

Lúc đầu là một niềm tin và hy vọng về nhu cầu của mình. Dần dần biến thành tình yêu và kính phục khi nhu cầu được giải quyết cách nhiệm mầu. Cuối cùng, tình yêu đã hoàn toàn làm chủ và quy phục trong đức tin.

Đây cũng mẫu gương và là tiến trình trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vượt qua những tự hào thái quá để khiêm tốn như viên sĩ quan. Cần có một thái độ tin tưởng tuyệt đối nhưng chân thành và niềm hy vọng đầy tin yêu nơi Thiên Chúa như viên sĩ quan.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ có đức tin trong lòng mến mới có thể giúp cho chúng con đến gần Chúa và tin tưởng vào Ngài mà thôi. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con có được đức tin chân thành để được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Đức Giêsu – vị thần y – SN song ngữ 23.3.2020

 

Monday (March 23): Jesus – the divine physician

Gospel Reading:  John 4:43-54

43 After the two days he departed to Galilee. 44 For Jesus himself testified that a prophet has no honor in his own country. 45 So when he came to Galilee, the Galileans welcomed him, having seen all that he had done in Jerusalem at the feast, for they too had gone to the feast. 46 So he came again to Cana in Galilee, where he had made the water wine. And at Capernaum there was an official whose son was ill. 47 When he heard that Jesus had come from Judea to Galilee, he went and begged him to come down and heal his son, for he was at the point of death. 48 Jesus therefore said to him, “Unless you see signs and wonders you will not believe.” 49 The official said to him, “Sir, come down before my child dies.” 50 Jesus said to him, “Go; your son will live.” The man believed the word that Jesus spoke to him and went his way. 51 As he was going down, his servants met him and told him that his son was living. 52 So he asked them the hour when he began to mend, and they said to him, “Yesterday at the seventh hour the fever left him.” 53 The father knew that was the hour when Jesus had said to him, “Your son will live”; and he himself believed, and all his household. 54 This was now the second sign that Jesus did when he had come from Judea to Galilee.

Thứ Hai     23-3              Đức Giêsu – vị thần y

 

Ga 4,43-54

43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! “49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! “50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Meditation: 

 

Do you approach the Lord Jesus with expectant faith for healing, pardon, and transformation in Christ-like holiness? Isaiah prophesied that God would come not only to restore his people, he would also come to recreate new heavens and a new earth (Isaiah 65:17). Jesus’ miracles are signs that manifest the presence of God and the coming of his kingdom of power and glory. When a high ranking official, who was very likely from King Herod’s court, heard the reports of Jesus’ preaching and miracles, he decided to seek Jesus out for an extraordinary favor. If this story happened today the media headlines would probably say: “High ranking official leaves capital in search of miracle cure from a small town carpenter.”

Believe and take Jesus at his word

It took raw bold courage for a high ranking court official to travel twenty miles in search of Jesus, the Galilean carpenter. He had to swallow his pride and put up with some ridicule from his friends. And when he found the healer carpenter, Jesus seemed to put him off with the blunt statement that people would not believe unless they saw some kind of miracle or sign from heaven. Jesus likely said this to test the man to see if his faith was in earnest. If he turned away in irritation or with discouragement, he would prove to be insincere. Jesus, perceiving his faith, sent him home with the assurance that his prayer had been heard.

It was probably not easy for this man to return to his family with only an assuring word from Jesus that his son would be healed. Couldn’t Jesus have come to this man’s house and laid his hands on the dying child? However, without a moment’s hesitation the court official believed in Jesus and took him at his word. He began his journey back home with renewed faith and hope – ready to face whatever might await him – whether it be the anguish of his distraught family and or the scorn of unbelieving neighbors. Before he could even make it all the way back to his home town, news reached him that his son had recovered. What astonishment must have greeted his family and friends when they heard that his son was instantly restored to health at the very moment when Jesus had pronounced the words – your son will live!

The Lord Jesus brings healing and restoration to those who trust in him

Jesus’ miraculous healings show his generous kindness and extravagant love – a love that bends down in response to our misery and wretched condition. Is there any area in your life where you need healing, pardon, change, and restoration? If you seek the Lord with trust and expectant faith, he will not disappoint you. He will meet you more than half way and give you what you need. The Lord Jesus never refused anyone who put their trust in him. Surrender your doubts and fears, your pride and guilt at his feet, and trust in his saving word and healing love.

“Lord Jesus, your love never fails and your mercy is unceasing. Give me the courage to surrender my stubborn pride, fear and doubts to your surpassing love, wisdom and knowledge. Make be strong in faith, persevering in hope, and constant in love.”

Suy niệm:

 

Bạn có đến gần Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững cho sự chữa lành, tha thứ, và sự biến đổi trong sự thánh thiện nên giống Đức Kitô không? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng Thiên Chúa sẽ đến không chỉ phục hồi dân Người mà còn tái tạo trời mới đất mới (Is 65,17). Những dấu lạ của Đức Giêsu chứng tỏ sự hiện diện và sức mạnh và vinh quang sắp đến của Nước Thiên Chúa. Khi viên sĩ quan cao cấp, dường như ở trong dinh vua Hêrôđê, nghe biết về sự giảng dạy và những dấu lạ của Đức Giêsu, ông đã quyết định tìm gặp Người để cầu xin một đặc ân. Nếu câu chuyện này xảy ra hôm nay, tiêu đề của các phương tiện truyền thông có thể nói: “Viên sĩ quan cao cấp rời dinh đi tìm phép lạ chữa lành từ một người thợ mộc từ 1 làng nhỏ”.”

 

Hãy tin và đón nhận Đức Giêsu với Lời Người

Nó đòi hỏi sự can đảm sống động đối với viên sĩ quan cận vệ để đi 20 dặm đường để tìm gặp Đức Giêsu, người thợ mộc xứ Galilê. Ông phải nuốt tính kiêu căng của mình và chịu nhiều nhạo báng từ bạn bè của mình. Khi ông tìm được người thợ mộc có sức chữa lành, Đức Giêsu dường như tránh né ông với lời nói thẳng thừng rằng người ta sẽ không tin trừ khi họ nhìn thấy dấu lạ từ trời. Đức Giêsu dường như nói điều này để thử ông để xem lòng tin của ông có nghiêm túc không. Nếu như ông ta bỏ đi trong sự thất vọng hay tức tối, chứng tỏ ông không có lòng thành. Đức Giêsu, hiểu được lòng tin của ông, đã sai ông về nhà với sự bảo đảm rằng lời cầu xin của ông đã được nhận lời.

Thật không dễ dàng cho người này từ giả Đức Giêsu và trở về nhà chỉ với lời bảo đảm rằng con trai ông sẽ được chữa lành. Chẳng lẽ Đức Giêsu không thể đến nhà ông và đặt tay trên đứa bé sắp chết sao? Viên sĩ quan đã tin tưởng vào Đức Giêsu và đón nhận lời Người không chút nghi ngờ hay do dự. Ông sẵn sàng trở về nhà với niềm tin và sự trông cậy mới – sẵn sàng đối diện với sự nhạo báng và chê cười đang chờ ông – dù đó là nỗi đau khổ của gia đình quẩn trí của ông hay sự khinh thường của xóm giềng vô tín. Ngay trước khi ông về tới nhà, người ta đã đem tin đến cho ông rằng con ông đã khỏe mạnh. Gia đình và bạn bè ông chắc hẳn đã rất ngạc nhiên khi nghe tin con trai ông đã bình phục nhanh chóng chính vào lúc Đức Giêsu tuyên bố – con trai ông sẽ sống!

 

Chúa Giêsu đem lại sự chữa lành và phục hồi cho những ai tin cậy nơi Người

Các sự chữa lành lạ lùng của Đức Giêsu thể hiện lòng nhân từ và tình yêu quảng đại của Người – một tình yêu nghiêng xuống trong sự đáp trả sự bất hạnh và tình trạng khốn khổ của chúng ta. Có lãnh vực nào trong đời bạn cần đến sự chữa lành, tha thứ, thay đổi, và phục hồi không? Nếu bạn tìm kiếm Chúa với lòng trông cậy và niềm tin kiên vững, Người sẽ không làm bạn thất vọng. Người sẽ đón bạn giữa đường và ban cho bạn những gì bạn cần đến. Chúa Giêsu không bao giờ từ chối bất cứ ai đặt lòng tin cậy nơi Người. Hãy phó dâng những nghi ngờ và sợ hãi, tính kiêu ngạo và tội lỗi của bạn dưới chân Ngài, và hãy tin tưởng vào lời cứu độ và tình yêu chữa lành của Người.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa không bao giờ hết và lòng thương xót của Chúa không bao giờ ngừng. Xin ban cho con lòng can đảm để từ bỏ tính kiêu ngạo, sự sợ hãi, và những nghi ngờ cố chấp của con, trước tình yêu, sự khôn ngoan, và sự hiểu biết vượt trổi của Chúa. Xin củng cố con trong đức tin, kiên vững trong đức cậy, và trung thành trong đức mến.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây