Ðội banh ở một tu đoàn nữ

Chủ nhật - 25/08/2019 23:04

Ðội banh ở một tu đoàn nữ

 

Chuyện đội bóng nữ ở Việt Nam hiện nay không phải hiếm, nhưng ở một dòng tu, lại là dòng nữ mà có một đội bóng thì đúng là chuyện… xưa nay chưa từng nghe. Vậy nhưng ở tu đoàn nữ Bác ái Xã hội (giáo phận Phan Thiết), từ hơn chục năm nay, chị em trong dòng vẫn thường xuyên dùng trái bóng tròn để giải trí, thi đấu và tăng tình liên đới cộng đoàn… Chưa hết, không chỉ chơi bóng, các chị còn say mê trong nhiều môn thể thao khác. Tất cả tạo nên nét độc đáo trong đời sống của những nữ tu nơi đây.

 

Thể thao là hoạt động giúp tình cảm chị em trong cộng đoàn thêm bền chặt

 

Hoạt động thú vị

Chiều về, bên trong khuôn viên tu đoàn phủ đầy bóng mát cây xanh lại hiện lên một bầu khí tươi vui : nhóm đi dạo, nhóm chơi bóng chuyền, cầu lông; cạnh đó, trong một góc sân, những “cô gái trẻ” gấp rút cột dây giày để chuẩn bị cho một trận cầu “đỉnh cao”. Một lúc sau, trận đấu kết thúc, khi mọi vật dụng được thu xếp lại gọn gàng, chị em về phòng để chuẩn bị cho giờ cơm chiều, sau đó thì chìm đắm trong bầu khí kinh nguyện, trả lại không gian vốn có thường thấy nơi cánh cửa tu viện.

Chuyện banh bóng ở tu đoàn nữ đã được nhen nhóm từ những ngày đầu mới thành lập. Số là lúc hình thành tu đoàn năm 2004, vì chưa có cơ sở riêng nên cả hai nhánh nam và nữ cùng hiện diện chung một nơi (năm 2009, khi tìm được địa điểm, tu đoàn nam mới tách riêng ra). Vì các thầy vốn rất “ghiền” chơi thể thao, nhất là bóng đá, chiều nào cũng xách bóng ra sân để thư giãn đầu óc nên lâu dần chị em cũng bị nhiễm luôn “thói mê đá banh”. Ngoài luyện tập sức khỏe, hằng năm, tu đoàn còn có những giải đấu hẳn hòi vào dịp mừng thánh quan thầy và Giáng Sinh. Kết thúc cũng trao giải và có quà. Dù phần thưởng chỉ mang tính tượng trưng nhưng chị em rất hào hứng mỗi khi tổ chức, lâu dần trở thành thông lệ không thể thiếu mỗi dịp lễ đến.

“Tiếng lành đồn xa” nên về sau, hoạt động này không chỉ gói gọn bên trong khuôn viên mà các giáo xứ tổ chức, tu đoàn cũng được mời tham gia. Chị Maria Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổng Phụ trách bật mí, có lẽ vì tập tành, thi đấu cùng nhau thường xuyên nên mỗi lần tham dự, tu đoàn đều có giải. Ðặc biệt khi trong xã, huyện có giải, nếu không vướng bận công việc hay vào dịp lễ quan trọng thì chị em đều nhận lời và hăng hái góp vui với bà con… Chúng tôi gọi đây là một cách làm chứng mà theo lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Phanxicô là “Ði ra vùng ngoại biên”. Ngoại biên không chỉ là những nơi xa xôi hẻo lánh, mà ngay trong môi trường mình đang sống, ở đó chúng ta làm chứng bằng chính đời sống và những hoạt động tương giao với tha nhân.

Mỗi lần tổ chức giải, có rất đông khán giả đến theo dõi các sơ thi đấu

 

Gắn chặt tình chị em

Mỗi lần các nơi mời thi đấu, chị bề trên sẽ giao cho một số thành viên phụ trách việc chọn người và tập luyện. Còn giải hằng năm trong tu đoàn thường kéo dài một tháng và lúc nào cũng có đông người tham gia. Số người chơi đa phần là tu sĩ trẻ, có đủ sức để chạy theo quả bóng tròn, còn ngoài đường piste là các chị lớn tuổi; bên tu đoàn nam và nhiều giáo dân liền kề cũng đến cổ vũ. Trong sân, hai đội căng sức để giành chiến thắng với những pha bóng đẹp, phía ngoài, các cổ động viên xuýt xoa, reo hò khi có bàn thắng được ghi... “Ðá banh thì trầy xước, chấn thương rất hay xảy ra, nhưng trên sân chơi luôn đầy ắp tiếng cười. Tham gia hoạt động này giúp ích rất nhiều vào đời sống của chị em, giúp giảm bớt đi căng thẳng, mỏi mệt trong chuyện học hành; không những vậy, còn tăng thêm tinh thần đoàn kết vì trên sân là mọi nỗi âu lo, thậm chí buồn bực đều được giải tỏa”, nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Thương hào hứng giải thích.

Với sơ Nga, người chịu trách nhiệm chung thì chuyện banh bóng còn mang một chiều sâu, là hình thức giúp quản lý cộng đoàn. “Trên sân, những pha bóng hay, phối hợp hài hòa cũng sẽ rèn luyện cho bản thân tinh thần hy sinh. Hơn nữa, khi thi đấu, tính cách từng thành viên đều được thể hiện rất rõ, từ đó giúp những người trách nhiệm có hướng tiếp cận phù hợp với từng chị em”, sơ nói. Cũng không thể không nhắc đến tâm tình của những người không Công giáo khi qua thể thao, họ có cái nhìn thiện cảm hơn về đạo. Ở đó, người linh mục, tu sĩ không chỉ sống trong không gian kín cổng cao tường của tu viện, nhà thờ…, mà họ còn hòa chung vào giữa dòng đời bằng nhiều phương thế, trong đó giao lưu thể dục thể thao là một hình thức sinh động, gần gũi.

Nhà thuốc Đông y của tu đoàn Bác ái Xã hội

 

Dạo gần đây, người hâm mộ Việt Nam đang sống trong khoảng thời gian “như mơ” với nhiều cung bậc cảm xúc mà bóng đá mang lại. Và không nằm ngoài dòng chảy đó, những trận cầu cả nước mong ngóng nếu không trùng lặp với giờ giấc sinh hoạt chuyện đạo đức kinh nguyện… thì chị em cũng tập trung lại theo dõi. Vừa thư giãn, vừa có thêm không gian để tăng tình thân thiết. Bên trong khuôn viên còn có sân bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông… để những ai không “ham” đá bóng thì có thể chọn hình thức khác để giải trí, nâng cao sức khỏe. Cứ vậy, những tháng ngày của chị em tu đoàn Bác ái Xã hội không chỉ lặng lẽ trôi qua trong thinh lặng của giờ cầu nguyện, trong lao động, làm việc phục vụ tha nhân…, mà còn tươi vui với những sinh hoạt chung, tất nhiên không thể thiếu thể dục thể thao.

 

Tu đoàn nữ Bác ái Xã hội do Ðức cố Giám mục giáo phận Phan Thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan thành lập năm 2004, với ý tưởng làm sao để Tin Mừng được lan tỏa trong đời sống và có người tiếp nối các chương trình bác ái xã hội của ngài. Tu đoàn có hai nhánh là tu đoàn nam và tu đoàn nữ. Hiện nữ có trên 180 thành viên.

 

Tại giáo phận Phan Thiết, tu đoàn Bác ái Xã hội được biết đến như một địa chỉ thực thi lòng bác ái mạnh mẽ. Hoạt động nổi bật nhất tại tu đoàn nữ là các nhà thuốc Ðông y, chuyên khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, với các cộng đoàn trải đều khắp giáo phận. Riêng tại nhà mẹ mỗi ngày có hàng chục lượt bệnh nhân đến châm cứu, bấm huyệt, thứ 3 hằng tuần thì khoảng 250 người. Ngoài ra còn có mái ấm nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn, các em mồ côi, bị bỏ rơi, hoàn cảnh gia đình khó khăn…

 

ÐÌNH QUÝ (cgvdt.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây