Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế các bệnh nhân.

Chủ nhật - 10/02/2019 16:00

Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế các bệnh nhân.

"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

 

* Năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra với chị Bécnađét Xubiru ở hang Maxabien gần Lộ Đức. Qua người thôn nữ khiêm hạ này, Đức Maria kêu gọi những người tội lỗi ăn năn sám hối. Biến cố này đã khơi dậy lòng nhiệt thành cầu nguyện và sống bác ái, nhất là công tác phục vụ các bệnh nhân và người nghèo.

Các tín hữu đến cầu khẩn Đức Mẹ đã nhận thấy Người là hình ảnh của Hội Thánh ngày mai, hình ảnh tiên báo thành Giêrusalem mới luôn mở rộng đón nhận mọi dân tộc.

 

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.

Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

 

 

 

Suy Niệm 1: Chấp nhận bị quấy rầy

Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.

Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.

Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.

Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Phép lạ xảy ra hằng ngày

Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc. 6, 54-55)

Sách Sáng thế ký kể rằng lần đầu tiên ánh sáng chiếu dọi vào trái đất còn trống trải và mông lung. Ánh sáng là tốt đẹp, là phản ánh của Thiên Chúa. Ánh sáng cho sự sống, tô mầu cho vạn vật và con người, đem nguồn vui đến các tâm hồn.

Giờ đây Chúa Giêsu đang ở miền Ghê-nê-xa-rét, vùng dân ngoại mà người Do thái vẫn coi là chốn tối tăm, ở giũa những con người ốm đau tật nguyền. Người là ánh sáng trần gian và ánh sáng là sự sống.

Bệnh tật cho người ta kinh nghiệm về sự yếu đuối, sự bất lực của con người đối với người đau ốm. Những phù phép và mê tín dị đoan không làm cho người ta khỏi bệnh.Tình yêu thương mới có thể chữa lành khi người ta có khả năng tin tưởng vào tình yêu ấy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu chỉ dùng lời nói và sự hiện diện thể lý của Người mà chữa bệnh cho người ta. Người cầm tay hay chạm đến kẻ chết, kẻ chết sống lại. Chỉ cần biết rằng Người đang ở đó. Ngay cả hôm nay, Đức Kitô phục sinh vẫn đang ở giữa chúng ta, Người vẫn là ánh sáng duy nhất, là sự sống vĩnh hằng.

Người quan tâm đến chúng ta, Người yêu thương chúng ta… Ta hãy đến với Người cùng với những tầm thường, yếu đuối thể xác và tâm hồn của ta, giống như một đứa trẻ nương tựa vào cha mình, quẳng đi mọi lo âu để chỉ biết rằng cha đang ở đó.

Nếu ta tiếc rẻ không được sống vào thời đó để có thể chạm đến tua áo choàng của Người hầu được khỏi bệnh, là bởi ta thiếu lòng tin. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta đọc lời, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Hoặc là chúng ta không biết mình mắc bệnh gì cần được chữa khỏi. Hoặc là chúng ta không tin vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu.

Dẫu sao, hôm nay cũng như trong những ngày còn rao giảng Phúc âm, Chúa Giêsu đều nói với chúng ta rằng Cha chúng ta vẫn chăm sóc ta trong mọi giây phút cuộc đời, rằng phép lạ vẫn xảy ra thường ngày để chữa lành những tật bệnh của ta nếu ta biết chú ý đến tình yêu của Người. Đó là tình yêu khiến ta được an bình thanh thản, mang lại cho ta ơn lành mạnh tâm hồn, hơn là sức khỏe phần xác.

 

Suy Niệm 3: GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO (Mc, 6, 53-56)

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc... Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành...”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Chạm đến thì được khỏi

Suy niệm:

Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:

sờ, mó, đụng, chạm, rờ…

Xúc giác là một trong năm ngũ quan.

Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.

Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.

Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.

Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:

“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!

Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).

Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:

nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,

không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).

Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,

nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.

Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:

“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,

Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).

Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.

Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.

“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.

Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).

Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.

Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,

mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;

và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).

Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.

Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).

Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.

Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,

cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.

Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.

Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.

Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo

nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.

 

Cầu nguyện :

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,

vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,

con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con

mà con lại không ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen. (Thánh Âu-Tinh)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây