LỄ ĐỨC MẸ GUAĐALUPÊ

Thứ bảy - 19/01/2019 08:27
LỄ ĐỨC MẸ GUAĐALUPÊ
Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 1531, Ông Juan Diego, 57 tuổi, tân tòng thuộc nhóm dân da đỏ tới gần đồi Tepeyac, chợt nghe có tiếng nhạc thánh ca phát xuất từ một bụi cây xương rồng nằm giữa ngọn đồi. Tiến lại gần, thấy trên bụi cây có đám mây toả sáng rực rỡ, và tiếng nhạc tắt lịm. Một giọng nữ êm dịu ngọt ngào gọi đích danh:

LỄ ĐỨC MẸ GUAĐALUPÊ
BỔN MẠNG MỸ CHÂU
THÁNH CALIXTÔ II - GIÁO HOÀNG

Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 1531, Ông Juan Diego, 57 tuổi, tân tòng thuộc nhóm dân da đỏ tới gần đồi Tepeyac, chợt nghe có tiếng nhạc thánh ca phát xuất từ một bụi cây xương rồng nằm giữa ngọn đồi. Tiến lại gần, thấy trên bụi cây có đám mây toả sáng rực rỡ, và tiếng nhạc tắt lịm. Một giọng nữ êm dịu ngọt ngào gọi đích danh:

- Juan, Juan Diego!

Ông vội chạy tới bụi cây thì một vị Tôn nương huy hoàng mĩ lệ trang phục như một công chúa xứ Aztec. Ông quì xuống trước mặt Bà đẹp như đang đứng trước mặt trời có muôn vàn tia sáng nhảy múa chung quanh.

- Juan Diego – Bà lên tiếng gọi – người con rất nhỏ bé và rất yêu dấu của Ta ơi! Con đi đâu đấy, Juan?

Juan ngập ngừng giây lát rồi trả lời rằng mình đang đến nhà thờ Santiago dự lễ tôn vinh Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa.

- Hỡi con yêu dấu của Ta – Bà nói – Ta muốn con biết rằng chính Ta là Mẹ Thiên Chúa, và Ta muốn con nghe cho rõ.

Ta có một sứ mệnh muốn trao cho con: Ta muốn xây một ngôi nhà thờ tại đây, để ta có thể tỏ lòng yêu thương đối với tất cả những người da đỏ như các con cái của Ta, và bày tỏ cho loài người biết Thiên Chúa chân thật là Đấng ban sự sống. Con hãy lên đường đến với Đức Cha của xứ Mêxicô và nói cho ngài biết rằng, chính Ta đã truyền cho con lệnh này. Hãy nói ngay cho ngài hay rằng, Ta muốn có một ngôi nhà thờ được xây tại đây, và cho ngài biết tất cả những gì con thấy và nghe được hôm nay.

Juan Diego đi ngay tới thành phố Mêxicô, tìm đến toà tổng Giám mục bên cạnh ngôi thánh đường lớn.

Nhờ một thông dịch viên, Đức Tổng Giám mục hỏi Juan Diego:

Juan tường thuật tất cả những gì đã nghe, đã thấy và lệnh truyền của Đức Mẹ. Đức Tổng Giám mục có lắng nghe nhưng hẹn hôm khác sẽ tới nói lại. Ông Juan ra về buồn bã lên ngọn đồi tường trình lại cho Đức Mẹ. Đức Mẹ an ủi và bảo mai sẽ tới gặp lại Đức Tổng Giám mục và nói lại lệnh Mẹ.

Juan tin tưởng vui vẻ về nghỉ, sáng sớm hôm sau, đi lễ rồi vào toà Giám mục trình lại lệnh của Đức Mẹ.

Lần này Đức Giám mục đại ý nói: con hãy trở về nói với Đức Mẹ cho một dấu hiệu, dấu này có thể chứng tỏ Người thật là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa và việc xây nhà thờ thật sự là ý muốn của Người.

Ông Juan trở lại ngọn đồi và nói ý Đức Giám mục muốn một dấu lạ. Đức Mẹ mỉm cười và bảo Juan sáng mai tới đây Mẹ sẽ cho dấu lạ.

Ông Juan trở về nhà. Thật xui cho ông, người bác tên Juan Bênađinô bị sốt nặng gần chết. Hàng xóm xúm lại chữa chạy hết cách. Sáng tinh mơ, ông Juan Diego đã phải ra rừng lấy lá về đắp cho bác. Gần tới đồi Tapeyac ông sực nhớ sứ mệnh. Vì chữa bệnh khẩn cấp, nên rẽ ra lối khác tránh qua đồi. Nhưng Đức Mẹ đã hiện ra ngay lối mòn đó mà hỏi Juan đi đâu ?

Juan hối hận nói: xin Đức Mẹ đừng giận con – Rồi kể chuyện về người bác sắp chết.

Đức Mẹ lắng nghe và ôn tồn hỏi: - Con có thể tin là Ta bỏ rơi một kẻ mà Ta đã yêu quý thế sao, nhất là kẻ đó đang làm cho Ta một công việc rất quan trọng? Con đừng bận tâm về ông bác con nữa, hiện tại ông đã khỏi hẳn rồi.

Juan thật sự tin lời Đức Mẹ nói với tất cả tấm lòng, và tha thiết xin Đức Mẹ cho dấu hiệu để đem đến cho Đức Tổng Giám mục.

- Con yêu dấu – Đức Mẹ nói: con lên ngay giữa ngọn đồi nơi Ta đến với con lần đầu tiên. Con ngắt lấy những đóa hoa hồng ở đó và mang về đây cho Ta.

Tuy biết trên ngọn đồi khô cằn kia chưa bao giờ nở hoa hồng, nhất là vào giữa mùa đông lạnh lẽo của tháng 12, Juan vẫn chạy ngay lên đồi. Ông thấy một vườn hồng tuyệt đẹp chưa từng thấy. Đó là một giống hồng quí giá không bao giờ mọc nơi hoang dã.

Juan lựa hái những đóa hồng lớn nhất, đẹp nhất đặt trong tấm khăn quàng trở lại chỗ Đức Mẹ đang chờ. Đức Mẹ gom lấy những đóa hoa Juan mang về rồi tự tay sắp xếp từng đóa, túm lại trong tấm khăn quàng, và bảo:

Đây là dấu hiệu Đức Tổng Giám mục muốn. Con mang đến trình lên ngài. Đừng mở khăn cho bất cứ ai thấy, ngoại trừ Đức Giám mục.

Lần thứ ba, Juan Diego đến gặp Đức Giám mục trong phòng khách, Juan nói ngay:

- Thưa Đức cha, con có dấu hiệu mà Đức cha muốn đây.

Ông mở rộng tấm khăn ra, và các đóa hồng rực rỡ hương sắc tuôn xuống phủ đầy tấm khăn dưới chân.

Đức Tổng Giám mục la lên bỡ ngỡ. Chính ngài và những người khác đang có mặt trong phòng, liền quì phục xuống, tay giang rộng mà thành kính thốt lên: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà...

Juan Diego đứng ngơ ngác, trên cổ còn khoác tấm khăn trống rỗng. Đột nhiên ông nhận thấy lúc đó chẳng ai để ý đến các hoa hồng rực rỡ kia mà đăm đăm nhìn vào tấm khăn choàng của mình. Ông cúi xuống nhìn tấm khăn phủ dài trước mình và thấy tấm khăn bằng vải xương rồng thô sơ này đã biến thành một bức tranh cực kỳ sống động, in hình Đức Mẹ tuyệt mĩ như ông thấy trong những lần vừa qua trên đồi Tapeyac.

- Xin Đức Mẹ tha lỗi cho lòng nghi ngờ của con.

Đức Tổng Giám mục vừa nói vừa tháo gỡ tấm khăn quàng của Juan và kính cẩn nâng cao trước mặt.

Một đoàn kiệu lập tức được lập thành với Đức Tổng Giám mục đi đầu, tay giơ cao bức hình Đức Mẹ. Tất cả mọi người trong toà nhà và cả dân chúng đang đợi ngoài sân nối nhau đi theo Đức Tổng Giám mục vào nhà nguyện riêng của ngài.

Ngài cung kính đặt tấm khăn tranh vải lên bàn thờ và quì xuống cầu nguyện.

Đức Tổng cho một phái đoàn đi theo Juan về nhà coi xem ông bác có thật lành bệnh không. Khi đến nơi, mọi người thấy ông bác khỏe mạnh, cười nói giữa đám đông dân làng hớn hở bao quanh. Chính ông cũng có những tin mừng và đang loan báo cho mọi người biết.

Ông ta kể lại rằng trong lúc ông gần lìa đời, thì Đức Mẹ hiện ra bên ông. Đức Mẹ, theo ông tả giống hệt Đấng đã hiện ra với Juan và vẽ trên tấm khăn choàng. Ông còn nói ngôi nhà thờ phải xây cất đúng chỗ Đức Mẹ chỉ định trên ngọn đồi Tapeyac. Đức Mẹ muốn mọi người biết đến Người với danh hiệu Đức Mẹ Guađalupệ Ý nguyện của Mẹ là để cho mọi người hiểu lòng yêu mến của Người với những người con bản xứ.

Lúc Juan Diego và ông bác trở lại toà Giám mục thì thấy đám đông người da đỏ xếp hàng dài cả mấy cây số vì họ đã nghe về phép lạ xảy ra. Họ nói rằng họ đến để viếng hình ảnh Đức Mẹ, Đấng đã tỏ lòng yêu thương đặc biệt với dân Mỹ châu, với thế giới và nhất là người dân da đỏ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, một ngôi nhà nguyện bằng đất đã được dựng lên dưới chân đồi Tapeyac. Bức tranh phép lạ treo tại đó. Nhà thờ đã thay đổi lại, và năm 1976 đã hoàn thành một vương cung thánh đường rất khang trang lộng lẫy.

Người ta cũng xây một căn nhà nhỏ bên cạnh cho Juan Diego cư ngụ để trông coi nhà nguyện. Juan Diego qua đời năm 1548, hưởng thọ 74 tuổi. Theo giáo sử ghi lại thì chỉ trong mười mấy năm từ khi Mẹ hiện ra với Juan đến lúc ông qua đời, có gần chín triệu người da đỏ trở lại đạo công giáo.

Tại sao Đức Mẹ lấy tên là Guađalupê? Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng phần đông nhận là do chữ "COATLA XOPEUH" trong ngôn ngữ Nahuatl phát âm là "quatlalsupe" rất gần âm chữ Guađalupê trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Vị đạp lên đầu rắn". Con rắn biểu tượng cho các thần linh độc ác của dân địa phương. Từ đó Đức Mẹ đem hàng triệu người da đỏ về với Chúa nhân lành.

Một trong những phép lạ vẫn còn tiếp diễn tới hiện tại là bức hình Đức Mẹ Guađalupê in trên một tấm vải thô sơ làm từ sợi cây xương rồng, mà bình thường thì tan rã trong vòng 10 năm, tới nay vần còn nguyên vẹn.

Trong mấy chục năm đầu, tấm hình treo trong nhà nguyện và bao nhiêu người đã đến sờ mó mân mê. Tấm khăn đã bị ảnh hưởng trực tiếp của thời gian, thời tiết, hương khói nghi ngút trong các buổi lễ hơn một trăm năm. Đến năm 1647, hình đó mới được lồng vào khuôn kính lần đầu tiên.

Suốt mấy thế kỷ, các nhà chuyên môn khám phá bức ảnh mà vẫn không giải đáp nổi hiện tượng bức ảnh và hóa chất sơn vẽ bức ảnh. Cho đến nay màu sắc vẫn rực rỡ, linh động như ban đầu.

Rất gần đây các chuyên khoa nhãn quang đã rọi lớn và thấy trong tròng mắt Đức Mẹ Guađalupê in trên khăn quàng có hình những người trong phòng Đức Giám mục khi hình Đức Mẹ hiện ra. Bác sĩ Asite Tonsman của Đại học Cornell University đã thấy trong mắt có hình ảnh một gia đình, bà mẹ đeo con trên lưng như dân thế kỷ XVI. Hàm ý Đức Mẹ từ đó đã có nhã ý dạy thời đại văn minh của ta tôn trọng gia đình vì hiện trạng gia đình đổ vỡ và gía trị căn bản gia đình đang bị chà đạp trầm trọng trong xã hội hiện nay.

Lạy Rất Thánh Trinh Nữ Maria là Mẹ tình yêu xinh đẹp, xin Mẹ che chở gia đình chúng con luôn hợp nhất với nhau. Xin Mẹ chúc lành cho việc giáo dục con cái chúng con. Như vậy, lạy Mẹ rất thánh, với ơn an bình của Thiên Chúa trong lương tâm của chúng con, với lòng chúng con thoát khỏi mọi sự dữ và sự ghen ghét, chúng con sẽ có thể đem đến cho mọi người niềm an vui và bình an chân thật từ nơi Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. (trích trong kinh Đức Mẹ Guađalupê).

THÁNH CALIXTÔ II GIÁO HOÀNG

Tuy cầm quyền Giáo hội không được bao lâu, nhưng thánh Calixtô II (Calixte) đã để lại cho Giáo hội nhiều thành tích đáng kể. Đặc biệt hơn cả là ngài đã giải quyết được mối tranh chấp giữa hai quyền bính đạo và đời đem lại hòa bình thịnh vượng cho Giáo hội. Người đương thời không ngớt lời ca tụng ngài là một con người đạo đức, nhiệt thành và tận tâm với nghĩa vụ giữa một thời buổi khó khăn và đau khổ nhất của ngôi Giáo hoàng.

Đức Calixtô sinh ra khoảng năm 1060, trong một gia đình quý phái thuộc miền Buốc-gô (Bourgogne), vì thế người ta còn gọi ngài là Ghi đơ Buốc-gô (Guy de Bourgogne).

Bà thân mẫu ngài là một người đạo đức, chỉ muốn cho con gần gũi với các tu sĩ và chăm lo giúp việc bàn thờ, để rồi mai ngày nhờ ơn Chúa con bà sẽ dâng mình vào một dòng tu nào đó. Nhưng trái với lòng mong muốn của bà hiền mẫu đó, người con yêu quý của bà lại cảm thấy ái mộ đời sống của một linh mục triều. Thế nên, sau nhiều năm theo học, kết quả tại một trường ở Bơ-giăng-sông (Besancon), Ghi đơ Buốc-gô được thụ phong linh mục, trước khi đủ tuổi theo luật định.

Từ đây những trách vụ nặng nề liên tiếp nhau đè nặng trên vai vị linh mục trẻ. Trước tiên ngài được cắt cử vào ban Kinh sĩ hội nhà thờ chính toà thánh Gioan ở Bơ-giăng-sông, rồi sau lại được chọn làm bí thư toà tổng Giám mục. Sau cùng dù còn trẻ tuổi, nhưng vì tài cao đức rộng, ngài được đức U-ba-nô II đặt làm tổng Giám mục thành Viênna. Trong hơn ba mươi năm coi sóc địa phận, ngài chỉ một niềm lo lắng chiến đấu để duy trì đức tin và làm cho mọi người nhìn nhận tự do và quyền lợi của Giáo hội. Vì từ đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII, luôn luôn xảy ra cuộc tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền. Nhà cầm quyền Đức lúc ấy chỉ muốn lấn át quyền của Giáo hội bằng cách xen vào nội trị của các toà Giám mục và các dòng tu. Một sự xâm phạm như thế hẳn là phạm đến tự do của Giáo hội và gây thiệt hại không ít cho các linh hồn.

Để đối phó với tình trạng ấy, Đức Giám mục Ghi đơ Buốc-gô luôn luôn tuân theo những chỉ thị của Toà thánh, tỏ rõ thái độ cương quyết không hề nhượng bộ trước một yêu sách nào của vua Henricô V, vua nước Đức. Hơn nữa, ngài còn chủ tọa công đồng miền tại Viênna để kết án nhà vua xâm phạm giáo quyền trong việc phong ban chức Giám mục, và ra vạ tuyệt thông cho vua. Vì tin cậy ngài, Đức Giáo Hoàng Pascal còn cắt cử Đức Tổng Giám mục thành Viênna làm đặc sứ Toà thánh tại Pháp.

Trong khi đó, vua Henricô V càng ngày càng tỏ ra quá khích tàn bạo. Vua sai người mưu sát Đức Giáo Hoàng Pat-can II, rồi tự ý đặt một Giám mục lên thay, lấy tước hiệu là Grêgôriô VIII. Đức Giê-la-giô II, Giáo hoàng thực thụ buộc phải bỏ Rôma tản cư sang Pháp. Tại đây, ngài được Đức Tổng Giám mục Viênna hết lòng thảo kính, tiếp đón và cung phụng.

Sau đó ít lâu ngài trở về Ma-công (Macon) và lâm bệnh tại đó. Đức Giáo Hoàng truyền cho người ta đem ngài về tu viện Cluny vì ngài muốn được chết ở đó một cách sốt sắng và hèn hạ như một tu sĩ.

Trước khi tắt thở, Đức Giáo Hoàng cho hội các Hồng y lại bên giường để cử người lên kế vị. Ý ngài muốn chọn Đức Giám mục Cô-nông (Conon) là người mà ngài nhận thấy có tâm huyết tranh đấu bênh vực quyền lợi Giáo hội hơn cả. Nhưng chính Đức Giám mục đó một mực thoái thác, ngài ngắt lời Đức Thánh Cha và tâu: "Tâu Đức Thánh Cha, xin đừng để cho con phải gánh vác trách nhiệm nặng nề đó, con chỉ là người bất xứng, vô tài! Giáo hội lúc này cần có một vị lãnh đạo cứng rắn, tài ba và sáng suốt. Vậy nếu Đức Thánh Cha cho phép, chúng con xin đề cử Đức Tổng Giám mục Viênna. Với ơn Chúa trợ giúp và công nghiệp hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ngài sẽ cứu vãn Giáo hội khỏi cường quyền áp chế".

Mấy ngày sau, Đức Giáo Hoàng Giê-la-giô băng hà và toàn thể các Hồng y họp tại Cluny đều đồng thanh bầu Đức Giám mục Ghi đơ Buốc-gô lên ngôi Giáo Hoàng, mặc dầu ngài hết sức từ chối vịn lẽ mình chỉ là một Giám mục vô danh. Đức tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu là Calixtô II.

Trước gánh nặng mà người ta vừa đặt lên ngài, Đức tân Giáo Hoàng rùng mình kinh sợ. Nhưng vừa đưa mắt nhìn trời với lòng tin tưởng phó thác, ngài liền cảm thấy được ơn nâng đỡ để bắt tay vào cuộc chiến đấu.

Thực vậy, với tài ba đức độ và uy danh lẫy lừng, đức Calixtô sớm thực hiện ngay được những điều mà toàn thế giới đều mong ước và kỳ vọng nơi ngài. Tuy chỉ chấp chính trong thời gian vắn vỏi là 5 năm, ngài cũng đã cung hiến cho lịch sử Giáo hội những trang rất vẻ vang.

Việc đầu tiên của ngài, cũng là dự định chung của đức tân Giáo hoàng là tổ chức một công đồng chung bàn đến vấn đề trao ban quyền chức. Trong thời gian chuẩn bị từ tháng ba đến tháng mười, Đức Giáo Hoàng đã đi khắp nước Pháp để thúc giục giáo dân cầu nguyện cho công đồng được kết quả; lấy gương sáng của đời sống khiêm tốn và hăng hái hoạt động làm bài học cụ thể để giảng dạy mọi người. Trong khi đó ngài không quên chú ý lắng nghe những lời than trách, sửa chữa những sai lầm của mọi người, với tất cả tấm lòng của một vị cha chung hiền hậu, ngài cũng giao tiếp thân cận với vua nước Pháp để xiết chặt thêm mối tình giao hảo của Toà thánh với chính phủ nước này.

Công đồng khai mạc tại nhà thờ chính toà Đức Bà, trong một bầu khí trang nghiêm sốt sắng, và toàn thể các vị dự công đồng đều hết lòng khâm phục đức khôn ngoan và tinh thần quảng bác của Giáo Hoàng Calixtô.

Sau mấy phiên họp, Đức Calixtô tuyên bố tạm ngưng công đồng để đi Mu-giông (Mouzon) vì Hoàng đế Đức hẹn gặp ngài tại đó; ngài ra đi mang theo niềm chứa chan hy vọng đồng thời cương quyết giữ vững lập trường tranh đấu cho quyền lợi của Giáo hội. Trong khi đó, Hoàng đế Đức vẫn một chiều ngang ngược như xưa; chẳng những không từ bỏ lỗi lầm, nhà vua còn mang theo ba nghìn quân võ trang đầy đủ để dọa nạt, gây áp lực cho Đức Giáo Hoàng và nếu cần có thể bắt cóc ngài nữa.

Sau nhiều cuộc đàm phán vô hiệu quả, Đức Giáo Hoàng đành trở về và tuyên bố phạt vạ nhà vua. Người ta mang đến cho mỗi Giám mục, tu viện trưởng một cây nến đốt cháy. Đức Giáo Hoàng trịnh trọng và lớn tiếng tuyên bố bản án, tức thì theo nghi thức mọi nến cháy đều được dập tắt và vất bỏ xuống đất. Tuy đã tuyên án và thề hứa trung thành y án cho đến khi vua Đức hối cải, nhưng với tâm hồn của một vị chủ chăn nhân từ, Đức Calixtô II lúc nào cũng sẵn sàng giang hai tay để chờ đón con người cố chấp ấy.

Mọi việc đã tạm xong xuôi, Đức Calixtô trù tính trở về Rôma nơi ngự trị muôn đời của các vị đại diện chính thức của Chúa ở trần gian. Trên đường trở về, đâu đâu ngài cũng được giáo quyền và chính quyền địa phương hoan hô nhiệt liệt và đua nhau tỏ tình con thảo. Đặc biệt hơn cả là cuộc nghênh đón của những người Rôma dành để cho ngài. Kỵ binh đoàn Rôma đã rời xa thành ba ngày đàng để cung nghinh vị đại diện Chúa khải hoàn về thủ đô.

Thấy Giáo Hoàng chính thức trở về, Giáo Hoàng đối lập do Hoàng đế Đức đặt lên phát hoảng nên bỏ trốn đến Sutry (Sutri). Tại đây ông còn tiếp tục gây cuộc khủng bố và tàn sát những ai suy tôn Đức Giáo Hoàng. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông bị người ta bắt và giải nộp cho Đức Calixtô. Nhờ lượng nhân từ của Đức Thánh Cha, ông thoát khỏi tay lý hình, chỉ phải giam trong một tu viện để rồi được chết ở đó cách yên hàn thánh thiện vào năm 1125.

Ngôi Giáo Hoàng đối lập do Hoàng đế Henricô V đặt lên bị sụp đổ thì mộng tham lam của nhà vua cũng dần dần tan vỡ. Hơn nữa, vua bắt đầu cảm thấy án vạ của Rôma đã đè nặng trên mình; các công thần khanh tướng và Giám mục cũng dần dần xa lìa nhà vua.

Trong khi tại các nhà thờ ở Đức, người ta ăn chay cầu nguyện, đi kiệu để xin Chúa mở lòng cho nhà vua trở về làm hòa với Giáo hội, thì chính Đức Calixtô cũng không ngừng sáng nghĩ ra những giải pháp đem lại hòa bình cho Giáo hội. Ngài tiếp tục sai những đặc sứ toà thánh đến yết kiến nhà vua để chuyển đạt những bức văn thư của ngài đầy lời lẽ hiền hòa nhưng cũng không kém phần cương quyết.

Vua Henricô V lúc này cũng không còn kiêu căng như trước nữa, nhưng đã bắt đầu nhìn nhận Đức Calixtô và những Giám mục giao hảo với ngài. Vua tiếp kiến các đặc sứ của Đức Giáo Hoàng trong một bầu không khí thân mật. Sau 12 ngày hội kiến với các ngài, vua bằng lòng ký kết một bản tuyên khai từ bỏ việc xâm phạm quyền trao ban mũ gậy, cùng hứa để Giáo hội được tự do cắt cử và phong chức các Giám mục. Cuối bản văn, vua còn bày tỏ ý chí tùng phục bằng những lời kết thúc sau đây.

"Tôi thành thực giao hòa cùng Đức Calixtô và với Giáo hội Rôma. Tôi hứa trung thành trợ giúp khi Giáo hội cần đến và khi Giáo hội có điều gì khiếu nại, tôi sẽ sẵn sàng phân xử công minh".

Ai sẽ tả được cho hết niềm hân hoan tràn ngập tâm hồn Đức Calixtô khi ngài nghe tin Hoàng đế Đức đã cùng với đặc sứ Toà thánh là Đức Hồng y Lambertô ký kết giao hảo với Giáo hội.

Nhân danh Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng y đặc sứ đã giải vạ, tha tội và cho nhà vua rước lễ, trong khi đó giáo dân cùng nhau hát vang những ca khúc tạ ơn Thiên Chúa.

Như vậy, việc mà năm vị tiên Giáo hoàng không đạt được thì nay với ơn Chúa, sau ba năm chấp chính, Đức Calixtô đã thành công. Giáo hội được hoàn toàn bằng yên.

Lợi dụng những ngày bằng yên đó, Đức Calixtô lo bành trướng ảnh hưởng cũng như việc làm của ngài trên khắp thế giới công giáo. Nhờ ngài, kinh thành Rôma đã phục hồi được nhịp sống thanh bình và vẻ huy hoàng thuở xưa. Tất cả những đồn lũy do các vương hầu lãnh chúa xây nên, nay được phá đổ để thay thế vào bằng những thánh đường hay những tư trang ngoạn mục. Đại giáo đường thánh Phêrô cũng được ngài sửa sang cho thêm phần tráng lệ. Những cuộc tranh chấp, bất hòa giữa tu viện nọ với nhà thờ kia, hoặc giữa địa phận này với giáo tỉnh khác đều được ngài dàn xếp phân xử cách khéo léo. Ngoài ra nhờ ngài mà sổ bộ các thánh còn được hân hạnh ghi tên ba vị thánh mới: A-nun (Arnoul), Giám mục Soát-sông (Soisson), Công-ra đan-tóp (Conrad d’Altorf), Giám mục Công-tăng (Constance) và Huy-gơ (Hugues) tu viện trưởng Cluny.

Sau hết để chấm dứt những tranh chấp đáng buồn trong việc trao quyền chức, đồng thời để thực hiện cho Giáo hội những cải cách cần thiết và mới mẻ, Đức Calixtô đã triệu tập một công đồng chung ở Latêranô với sự hiện diện của 32 Hồng y, hơn ba trăm Giám mục và sáu trăm tu viện trưởng. Trong công đồng đó, ngài châu phê bản tuyên khai giải vạ cho vua Henricô V. Ngài đã phân biệt rõ ràng những cách thế trao ban quyền bính trong phạm vi thiêng liêng cũng như trần thế: những ông hoàng khi muốn trao quyền cho ai thì dùng phủ việt, hay cách nào tương tự, còn nhẫn gậy sẽ chỉ được dành để cho việc trao ban quyền bính thiêng liêng mà thôi. Theo thói quen đã có từ lâu trong giới tu sĩ, ngài cũng tuyên bố những ai đã chịu chức thánh đều mắc ngăn trở kết bạn. Ngoài ra còn rất nhiều quyết định khác do công đồng này soạn thảo và thi hành đem lại cho Giáo hội những nguồn sinh lực mới và dồi dào.

Thiên Chúa hình như đã dành để cho Đức Calixtô sứ mệnh mưu cầu hòa bình. Sứ mệnh đó nay ngài đã chu tất, và ngài chỉ còn đợi ngày Chúa gọi về để lĩnh thưởng. Ngày mong ước ấy không bao lâu sau đã đến với ngài. Cuối năm 1124, ngài bị một chứng sốt làm hao mòn sinh lực và băng hà ngày 12 tháng 12, sau 5 năm và 10 tháng chèo lái con thuyền Giáo hội. Thi hài ngài được để tại đại giáo đường Latêranô.

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây