Kinh nghiệm cách ly của một tu sĩ

Chủ nhật - 09/08/2020 18:55

  • Chào sơ Phương An! Được biết đã trải qua thời gian cách ly sau khi trở về từ Hungary. Đó là thời gian nào? Sơ cảm thấy như thế nào?

Tôi trở về Việt Nam vào cuối tháng 6. Cả chuyến bay, mọi người Việt từ nhiều nước ở Châu Âu, đều được phát một đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, dù thời tiết đang rất nóng nực. Vừa xuống tới phi trường Tân Sơn Nhất, cán bộ đưa chúng tôi đến quân khu 7, Hóc Môn và không được gặp ai hết! Ngày ngày, chúng tôi được cung cấp thức ăn ba lần, đo nhiệt độ hai lần, xét nghiệm thường xuyên. Chúng tôi ở phòng từ hai đến bốn người với nhau. Lúc đó tôi cảm thấy lo lắng vì không biết cơn dịch khi nào mới chấm dứt đây? Mình sẽ trải qua hai tuần cách ly ra sao, có ngặt nghèo lắm chăng?…

  • Trong thời gian cách ly, sơ đã làm gì?

Quân đội cho đoàn “Việt kiều hồi hương” tá túc trong một không gian đủ rộng, có nhiều cây sao dầu và vườn rau. Cho nên, tôi đã tận dụng nơi thoáng đãng này để cầu nguyện, đọc kinh phụng vụ, lần chuỗi, dự Thánh lễ online hằng ngày, thư giãn, thể dục, dọn dẹp khu vực mình ở, nghe tin tức, giúp đỡ ai đó những việc nho nhỏ khi có thể,…

  • Đâu là điều sợ nhất khi sơ bị cách ly? Làm thế nào để sơ vượt qua nỗi sợ ấy?

Trong cái mong manh của kiếp người, giữa giới hạn của phận người, hầu như tất cả chúng tôi đều sợ mình bị nhiễm corona! Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu từng làm người và cảm được nỗi khổ của bệnh nhân. Ngài đã từng cứu chữa rất nhiều kẻ yếu đau. Thiên Chúa sẽ có cách trong cơn đại dịch. Do đó, mỗi sáng tôi dâng ngày và hướng mắt về Đấng cứu độ là Đức Giêsu, dâng lên Chúa những lời khẩn nài để xin cho cơn dịch mau dứt và nguyện ước bình an sẽ đến. Mỗi tối khi đi dạo, tôi lại đọc những lời nguyện tắt. Đồng thời, tôi cũng động viên tinh thần của anh chị em trong khu cách ly. Đương nhiên chúng tôi phải đeo khẩu trang luôn luôn!

  • Có lẽ trong khu cách ly, sơ không thể nói chuyện với người khác? Vậy sơ phải trải qua thời gian 2 tuần thinh lặng? Khi ấy sơ trải nghiệm về Thiên Chúa như thế nào?

Chúng tôi có thể làm quen, nói chuyện với những người trong khu vực nhưng phải giữ các nguyên tắt y tế. Tuy vậy, tôi cũng có nhiều khoảng lặng. Tôi yêu thích nó và cảm nhận Chúa vẫn ở kế bên, yêu thương mình. Ngài ban ơn và gìn giữ chúng tôi hằng ngày. Hơn nữa, tôi cũng quan sát thấy Chúa nơi những người xung quanh. Đó là đoàn y bác sĩ phục vụ chúng tôi, các tình nguyện viên không đồng đạo nhưng rất nhiệt tình tiếp tế cho chúng tôi nước, dụng cụ, nhu yếu phẩm,…Đó là những người cùng chuyến bay đã chia sẻ cuộc sống cùng tôi hai tuần liền. Tôi đã được nghe họ kể đôi điều về hành trình và công việc của họ nơi xứ xa,…

  • Nhiều người hỏi Thiên Chúa ở đâu trong đại dịch. Sơ trả lời về câu này như thế nào?

Cả ba trăm người chờ đợi để hết cách ly, về với người thân của mình. Có bạn sinh viên cũng từng đặt ra câu hỏi này. Tôi chợt nhớ câu chuyện của người da đỏ ở Mỹ: Người thanh niên tới tuổi trưởng thành sẽ được cha mình dẫn đến tù trưởng. Tù trưởng sẽ thử thách cậu bé qua bảy bước. Bước đầu tiên là, đầu đêm hôm ấy sẽ bịt mắt và đưa cậu tới nơi hoang vắng trên núi, bỏ lại cậu một mình cho tới khi mặt trời mọc. Cậu bé dù nghe tiếng sói hú, tiếng rắn chuông bò sát cạnh mình thì vẫn phải ngồi im. Ai sợ hãi chạy về làng thì năm sau phải “thi lại”. Ai kiên nhẫn chịu được tới khi những tia nắng ban mai chiếu rọi vào mặt, thì sẽ vui mừng khi mở mắt ra và thấy cha mình đang ngay bên. Ông ngồi im đến nỗi đứa con không nghe tiếng thở của ông. Ông ở đó suốt đêm cho tới buổi bình minh ấy, với cung tên, búa và giáo, nhằm bảo vệ con trước bất cứ nguy hiểm nào…

Vì vậy, khi chúng ta gặp sóng gió, Thiên Chúa vẫn nghe và sát cánh cùng những nghĩa tử của Ngài chứ! Không lẽ Người Cha nhân hậu lại làm ngơ trước tình cảnh khốn khó của những đứa con nhỏ bé đang khẩn thiết van nài? Chúng ta có quyền hy vọng nơi tấm lòng từ ái đó.

  • Sơ quan sát thấy tình hình cách ly lúc ấy ra sao, nhất là những người trẻ, vốn thích năng động, đi đây đi đó?

Người trẻ ngày nay cũng như muôn thuở đang bị thách thức làm thay đổi lịch sử,  tìm ra phương thức để mở đường. Chuyến bay của tôi hầu như toàn là những du học sinh hoặc lao động ở nước ngoài. Họ nhanh nhạy, đã đi nhiều nơi trên thế giới. Quả thật, bất đắc dĩ mới phải chịu cách ly trong bầu khí yên tĩnh như thế, họ cảm thấy bức bối, chán chường, nên cứ phải “trực chiến” với điện thoại. May là chỉ phải trải qua một thời gian ngắn!

  • Nếu bị cách ly, điều nào giữ cho mình được bình an thanh thản?

Thiên Chúa mong chúng ta tin vào tình thương vô biên của Ngài. Theo tôi, để giữ tâm được an thì cần có sự nâng đỡ từ tôn giáo. Nhiều bạn không có đạo thấy hoang mang và chẳng biết dựa vào đâu hết. Thật vậy, “Chúa là nơi con nương tựa”, bạn đừng để sự sợ hãi lấn át. Tránh căng thẳng, vì sức khỏe tinh thần ảnh hưởng mạnh đến thể lý. Thêm vào đó, sự khích lệ từ gia đình, bằng hữu cũng quan trọng lắm! Cuối cùng, bạn nên làm một cái gì đó tùy sức và sở thích, thí dụ đọc sách, nghe nhạc, viết bài, rèn luyện cơ thể, thiền, quan tâm tới người bên cạnh!

  • Cảm ơn sơ đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong thời gian cách ly Covid–19. Sơ có muốn nhắn với những người đang và sẽ phải cách ly điều gì nữa?

Thật vậy, đây là thời khắc quan trọng khi con người lựa chọn tương lai cho mình. Thế giới ngày càng trở nên mong manh và phụ thuộc lẫn nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các con là hiện tại vì các con đang sống tích cực trong lòng các Giáo Hội, hãy cống hiến một sự đóng góp nhất định với sự chọn lựa tươi mới và quảng đại của các con để góp phần chữa lành thế giới này.” (x. Chương 3, Tông Huấn Đức Kitô Sống).

Hãy cậy trông vào Thiên Chúa vì chỉ Ngài mới có sức kéo chúng ta ra khỏi bế tắc và mắc kẹt giữa cơn bão covid–19 thôi!

  • Cảm ơn sơ nhiều!

Thực hiện: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

  • Sơ Elisabeth Bùi Phạm Phương An, Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu – Tinh (CND – CSA). Thạc sĩ Sinh học, cử nhân Thần học.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây