Ki-tô hữu giữa một xã hội khủng hoảng đạo đức: Ơn gọi sống chứng nhân cho tiếng lương tâm

Thứ hai - 08/07/2019 19:28

1. Thực trạng đạo đức xã hội: khủng hoảng tiếng nói lương tri

    Nếu chân thành và thẳng thắn với cảm nhận của mình, có lẽ mỗi người Việt hiện nay đều đồng ý rằng đạo đức xã hội của chúng ta đang bị khủng hoảng. Chỉ cần nêu lại vài vụ việc sau đây cũng đủ giúp ta hình dung ra vấn đề: cách đây vài tháng, một người bạn trai dùng dao giết hại bạn gái giữa đường, xung quanh rất nhiều người xem, thậm chí có cả một cảnh sát giao thông, nhưng không ai can ngăn, thậm chí một số người còn thản nhiên cầm điện thoại quay. Hay vụ việc gần nhất: một tài xế taxi tông một cặp đôi nam nữ đi xe máy; người tài xế bỏ chạy sau một lúc quan sát; sau đó, nhiều người qua đường khác cũng thấy vụ tai nạn, nhưng hoặc ngó lơ bỏ đi, hoặc lại gần xem xét một chút rồi cũng quay đi, bỏ mặc nạn nhân hấp hối trong đau đớn cho đến khi qua đời.
Dù là hiện tượng thuộc dạng ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi!’, nhưng sự vô cảm đáng sợ của nhiều người Việt hiện nay qua những sự việc trên hẳn làm chúng ta phải lo âu và trăn trở. Không cần bàn đến những kẻ đã trở thành ‘máu lạnh’ khi thản nhiên cầm điện thoại quay lại cảnh đau lòng, nhưng ta thử suy nghĩ về cách hành xử của những người còn lại, tức những người đứng đó quan sát mà không có hành động cứu giúp nào. Có thể họ cũng thấy đau xót cho người bị nạn, và rất muốn can thiệp để cứu các nạn nhân. Nhưng họ chọn không hành động, đơn giản vì họ không muốn liều lĩnh với sự an toàn của mình, cũng như không muốn gặp những rắc rối có thể có sau đó (về pháp lý, về công việc, …). Nghĩa là người ta đã để cho sự suy xét và phản tỉnh theo chiều hướng vị kỷ của lý trí lấn át mệnh lệnh trực khởi của lương tri khi đối diện với một sự kiện.
Dù được diễn đạt khác nhau, nhưng từ Phương Đông tới Phương Tây, từ tôn giáo tới vô thần, nhân loại hầu như đều đồng ý với nhau rằng, căn cốt của đạo đức con người nằm ở tiếng nói của lương tri hay lương tâm. Đó là nền tảng rất công bằng của mọi người và mọi xã hội. Vì vậy, có thể nói, cách người dân của một xã hội hành xử khi đứng trước một biến cố nguy cấp là thước đo cho thấy mức độ đạo đức của xã hội ấy. Nếu người dân của một xã hội nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân và không chần chừ trong hành động cứu giúp người hoạn nạn, theo đúng chỉ bảo của tiếng lương tâm, thì xã hội ấy thực sự có một nền tảng đạo đức vững vàng, theo nghĩa là tính lương thiện của người dân đủ lớn để mệnh lệnh của lương tâm có tác dụng mạnh mẽ trên họ. Còn nếu người dân chần chừ, dành thời gian suy nghĩ, suy xét được mất cho mình khi đối diện với sự nguy cấp của tha nhân, thì rõ ràng nền đạo đức của xã hội đó đã xuống cấp trầm trọng. Xã hội đó đã khiến cho tính vị kỷ thắng thế tiếng nói trực khởi của lòng trắc ẩn từ lương tâm.
Thiết tưởng chúng ta không cần bàn quá nhiều về nguyên nhân nữa, vì dù vấn đề khá phức tạp và chịu ảnh hưởng từ nhiều khía cạnh, nhưng hầu như ai cũng nhận ra thứ nguyên nhân mang tính ‘lỗi hệ thống’ là gì rồi. Vấn đề hiện tại là đa số chúng ta đều cảm thấy chán nản vì bất lực trước cái lỗi hệ thống đó. Nó khiến ta bi quan và thất vọng. Có lẽ nhóm người chú tâm nhiều nhất đến vấn đề này là các nhà làm giáo dục. Nhưng trong nhiều năm qua, họ đều bối rối trước thực trạng này; và dù có nhiều tâm huyết, nhưng một khi không dám đối diện với ‘lỗi hệ thống’, họ cũng không biết phải bắt đầu lại từ đâu.
Nếu nhìn tổng quan của thực trạng, tức ở bình diện cả nước, bản thân người viết bài này cũng bối rối và cảm thấy bất lực y như vậy. Vì vậy, tôi đặt lại vấn đề trong phạm vi của cộng đoàn Ki-tô hữu. Thông thường, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: làm thế nào để Ki-tô hữu không bị nhiễm tinh thần vị kỷ của nền đạo đức xã hội bị khủng hoảng như vậy? Tuy nhiên, với niềm tin vào triết lý ‘vết dầu loang’, ở đây tôi mạnh dạn đặt câu hỏi xa hơn: Ki-tô hữu chúng ta cần làm gì để sống sứ mạng chứng nhân cho tiếng nói của lương tâm, với hy vọng phần nào vực lại nền đạo đức cho xã hội? Dù điều này nghe có vẻ to tát và xa vời, nhưng chính bản chất đức tin đòi buộc chúng ta phải cố gắng hết mình, nhất là với những vấn đề thế này.

2. Ơn gọi chứng nhân cho tiếng nói lương tâm và vài đề nghị về giáo dục trẻ em

Bản chất của đức tin Công giáo là một lối sống, một con đường, chứ không chỉ là một hiểu biết mang tính thông tin về Thiên Chúa. Căn bản của lối sống đó chính là trở về tương quan thân mật và tình yêu với Thiên Chúa và với tha nhân. Vì vậy, Ki-tô hữu luôn mang ơn gọi chứng nhân bằng chính lối sống của mình. Và trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, thiết tưởng một lối sống thể hiện rõ lòng yêu mến và tuân thủ tiếng nói của lương tâm chính là cách làm chứng tá hết sức sống động, vì nó đụng đến điểm chung nhất nơi cõi sâu thẳm của mọi con người, bất kể Lương hay Giáo (x. Gaudium et Spes, 16).
Vậy, chúng ta cần phải làm gì để sống ơn gọi làm chứng nhân cho tiếng nói lương tâm? Điều kiện trước hết là chúng ta phải làm sao để trả lại ‘môi trường thiện lành’ của tâm hồn, hầu có khả năng trở nên nhạy bén với tiếng nói lương tâm. Quả vậy, dù Thiên Chúa luôn luôn nhắc nhở và hướng dẫn chúng ta qua tiếng nói lương tâm, nhưng nếu tâm hồn chúng ta bị chai sạn, thì tiếng nói đó cũng bị che mờ hoặc bị lấn át bởi những tiếng cám dỗ của ma quỷ, của sự vị kỷ và dục vọng. Tất nhiên, đây là một bài toán nan giải, mang tầm mức rất lớn, và liên quan đến mọi tầng lớp. Tuy nhiên, nếu chúng ta trăn trở với tha nhân, với xã hội, và yêu mến ơn gọi của mình, chúng ta sẽ tìm ra nhiều sáng kiến để chung tay giải quyết nó. Ở đây, tôi xin góp phần nhỏ bé của mình với một gợi nhắc về hướng giáo dục trẻ em đối với việc sống lương tâm ngay chính:

Giáo dục đạo đức trong gia đình

Mặc dù chẳng phải là ý tưởng mới mẻ gì, nhưng thiết nghĩ cần nhắc lại rằng: như gia đình là nền tảng của xã hội, giáo dục gia đình cũng chính là gốc rễ của mọi nền giáo dục. Trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, nơi mọi người đang cảm thấy bối rối với nền giáo dục quốc gia, thì vai trò của giáo dục trong gia đình cần phải nêu cao hơn bao giờ hết. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú trọng hơn việc giáo dục lương tâm con cái, không chỉ như một nhiệm vụ của người làm cha làm mẹ, mà như một sứ mạng đức tin của mình. Nền tảng căn bản của sứ mạng này chính là đời sống gương mẫu của cha mẹ.
Kinh nghiệm nhân sinh đã chỉ rõ rằng trẻ con như tờ giấy trắng, và những gì được ghi vào ‘tờ giấy’ đó phần lớn phản ánh chính đời sống cha mẹ của các em. Sai lầm dễ mắc của người lớn chúng ta là nghĩ rằng có nhiều thứ trẻ con không chú ý hoặc không hiểu. Thật ra, trẻ con rất nhạy bén trước các hành vi của người lớn, vì đây là độ tuổi của sự tò mò, khám phá và học hỏi. Trong một gia đình, nếu bố mẹ làm ăn chân chính, cư xử tốt đẹp với người khác, vv., thì tâm hồn con trẻ cũng mang đầy dấu ấn của sự thiện lành. Ngược lại, nếu bố mẹ làm ăn mưu mô gian dối, hay nói hành nói xấu tha nhân, thì thật khó hy vọng rằng nhân cách con trẻ được phát triển tốt đẹp! Vì vậy, ước gì các bậc cha mẹ chú trọng đến đời sống đạo đức của chính mình trong từng hành vi hàng ngày, để tâm hồn trong trắng của con cái có thể được hoạ nên bởi những đoá hoa đẹp đẽ, thay vì những hình ảnh đen tối.

Giáo dục về lòng yêu mến thiên nhiên

Tôi vẫn luôn tin rằng, thiên nhiên là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng. Vì vậy, một trong những điều cần thiết nhất để phát triển thiện tâm trẻ nhỏ chính là giúp các em tiếp xúc và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Điều này cần thực hiện theo một cách căn cơ, chứ không chỉ theo những dạng phong trào và mang tính hình thức.
Theo quan sát của tôi, nhiều quốc gia đã làm rất tốt điều nói trên. Nền giáo dục của họ hướng trẻ con hoà mình vào thiên nhiên, để không chỉ vui chơi, mà còn biết tiếp xúc, trân quý, và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ. Ví dụ, trẻ em mẫu giáo được cho gieo một hạt giống nào đó, rồi sau đó từng em sẽ quan sát và chăm sóc cây đó cho đến trưởng thành. Các em cũng được tạo điều kiện để tiếp chúc, chơi đùa với các con vật (trong công viên, nơi nông trại, vv.), và chăm sóc chúng. Đó không chỉ là những bài học mang tính khoa học để mở mang trí tuệ, mà còn là bài học giúp các em mở rộng tâm hồn, và biết kinh ngạc trước sự kỳ diệu của sự sống. Đó có lẽ cũng là cách hiệu quả nhất để các em thật sự có lòng quý trọng từng sinh mệnh, lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá. Một tâm hồn đầy thiện tính như thế chính là điều kiện lý tưởng cho tiếng nói lương tâm được lắng nghe và thực hành.
Hướng giáo dục này đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người, nhiều phía. Vì vậy, bên cạnh môi trường gia đình, thiết tưởng các lớp học Giáo lý cũng cần quan tâm đến hình thức giáo dục này một cách thiết thực. Ví dụ, thay vì chỉ chú trọng nội dung Giáo lý, các lớp Giáo lý cũng có thể thường xuyên tổ chức những chương trình ngoại khoá giúp các em tiếp xúc và chăm sóc môi trường.
Trước sự gian nan của sứ mạng này, chúng ta cần cùng nhau thêm lời cầu nguyện, để không chỉ được Thiên Chúa chúc lành và hướng dẫn, mà còn để Ngài ban cho ta ơn can đảm, kiên trì và cả niềm vui. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người dân của đất nước này biết trăn trở và thao thức trước những thực trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, để cùng nhau chân thành tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức, hầu cho tiếng nói Chân-Thiện-Mỹ từ lương tâm có thể vang vọng nơi cõi lòng mỗi người và được thể hiện hoá nơi toàn xã hội.

Khắc Bá, sj.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây