Thứ tư 20 tháng 5 năm 2020 Giáo hội Cambodia đã làm lễ Tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc diệt chủng Khmer Đỏ và cầu nguyện cho hòa bình, hòa giải nhân quyền tại đất nước Cambodia.

Đức cha Olivier Schmitthaeusler, MEP, Giám quản Tông Tòa Phnom Penh, đã biến ngày 20 tháng 5, một ngày đất nước Campuchia tổ chức để tưởng nhớ những vụ thảm sát của Khmer Đỏ và sự tàn bạo của chế độ Pol Pot, thành một ngày cầu nguyện và hòa giải. Đức cha kêu gọi: “Ngày 20/5 hôm nay, chúng ta nhớ tới các nạn nhân và những đau khổ xảy ra trong chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Chúng ta cũng hãy nhớ đến các vị tử đạo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, cho sự đối thoại và hòa giải ở Campuchia và trên thế giới”. Đó là thông điệp được gửi đến cho mọi người dân Campuchia, thay cho “Ngày báo thù” thì trở thành ngày tái thiết, hòa giải thay vì khơi dậy mối hiềm thù như kêu gọi các sinh viên mặc đồ đen và diễn lại cảnh diệt chủng “Cánh đồng chết chóc” vang tiếng một thời...

Giáo hội muốn nhắc nhớ và kỷ niệm lại “Ngày tưởng nhớ các vị tử đạo và hòa giải”, thay vì khơi dậy những cảm xúc thù hận. Đức Giám Mục giải thích với Thông tấn xã Fides: “Năm nay chúng tôi kỷ niệm 45 năm ngày Đức Giám Mục đầu tiên người Campuchia được truyền chức, Đức Cha Joseph Chhmar Salas, được bí mật tấn phong bởi Đức Cha Yves Ramousse, vào ngày 14 tháng 4 năm 1975, trong lúc nhà thờ Chính tòa Đức Bà Ở Phnom Penh đang bị dội bom.

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ đã tấn công vào Phnom Penh và toàn bộ dân chúng đã tháo chạy hoặc bị sơ tán. Đức cha Chhmar Salas được di tản về phía đông bắc của Cambodia, đến Tangkauk, nơi Ngài tạm trú và qua đời vào năm 1977. Ngài được ghi vào danh sách 14 anh hùng tử đạo và được tôn vinh lên hàng chân phước ngày 15 tháng 5 năm 2015.

Đức Giám quản Tông Tòa cho biết thêm: “Năm nay chúng tôi cũng kỷ niệm ba mươi năm ngày Giáo hội tại Campuchia được phục sinh: đó là ngày 14 tháng 4 năm 1990 khi Đức Cha Emile Destombes dâng lễ Phục sinh tại một rạp hát ở Phnom Penh. Đó là một ngày lịch sử đang ghi nhớ, một hình ảnh “đêm đen trùm phủ và ánh sáng Phục sinh Chúa đã bừng lên” sưởi ấm và thắp sáng cả tòa nhà u tối đó”. “Hôm nay - Đức cha Schmitthaeusler cho hay - Người Công Giáo còn sống sót, tuyên xưng đức tin: Chúa Giêsu Kitô đang sống! Đây là những gì mà chúng tôi dâng lời cảm tạ và ghi nhớ những hồng ân của 30 năm qua. Chúng tôi muốn ghi nhớ lại những tâm tình của Đức cha Salas và Đức cha Ramousse, được ghi lại vào ngày 17 tháng 4 năm 1975 trước khi đất nước Campuchia đi vào những trang sử tăm tối nhất của lịch sử. Trong tinh thần này, chúng ta lưu giữ những kỷ niệm của các tiền nhân tử đạo Campuchia chúng ta, hầu cầu xin cho Tin mừng hòa bình và hòa giải được lan rộng trên quê hương này”.

Dưới chế độ Khmer Đỏ, từ năm 1975 đến 1979, khoảng hai triệu người Campuchia đã chết vì bị hành quyết, bị bỏ đói hoặc chết rũ bệnh... Theo Tài liệu của Trung tâm Campuchia thì các trại giết người được xây dựng rải rác khắp đất nước, với hơn 20. 000 ngôi mộ tập thể chôn vùi hơn 1, 38 triệu thi thể! Trại lớn nhất trong số các trại giết người này là trại Choeung Ek, nằm ở ngoại ô Phnom Penh và ngày nay được biến thành là một khu tưởng nhớ tất cả những người đã chết và sống sótqua cơn diệt chủng; và để nhắc nhở các thế hệ tương lai về nỗi đau khôn xiết đó. So với tỷ lệ dân số Cambodia, thì hiện tượng và sự diệt chủng này được coi là một trường hợp chưa từng xả ra trong lịch sử nhân loại.

Giáo hội bị bách hại từ năm 1975-1990

Giáo Hội Công Giáo Campuchia đã đi qua một hành trình rất dài. Dưới chế độ độc tài Pol Pot, từ năm 1975-1979, tất cả các phong tục văn hóa tôn giáo và truyền thống đã bị đàn áp, bao gồm cả các sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo. Gần như tất cả các nhà thờ đã bị phá hủy trong thời gian này, và một số lớn các linh mục và tu sĩ đã qua đời. Cộng đồng Công Giáo là một trong những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất: 50% thành viên của Giáo hội đã qua đời.

Năm 1979, một cuộc nội chiến tiếp theo sau cuộc chiến giữa Campuchia (được gọi là Dân chủ Campuchia vào thời điểm đó) và Việt Nam, kéo dài đến cuối những năm 1990. Từ năm 1979 đến 1989, dưới chế độ Heng Samrim được Việt Nam ủng hộ, tất cả các hình thức thực hành tôn giáo vẫn bị cấm trong thời kỳ này.

Lễ vọng Phục Sinh năm 1990: đánh dấu sự tái sinh của Giáo Hội

Ngày 07/04/1990, Ủy ban trung ương của đảng cách mạng Campuchia chính thức công nhận sự hiện diện của các Kitô hữu tại quốc gia này. Bảy ngày sau đó, các hoạt động tôn giáo đã được cử hành công khai. Thánh lễ được cử hành lại lần đầu tiên ở đất nước này sau hơn 15 năm, từ năm 1975. Đó là lễ Vọng Phục sinh năm 1990, đánh dấu sự tái sinh của Giáo hội tại Campuchia. Vào thời điểm đó, tại nước này chỉ có 3.000 người Công Giáo.

Tin Mừng được truyền giảng trong làng nhờ một tín hữu duy nhất – một phụ nữ Công Giáo lớn tuổi

Một trong số họ là một phụ nữ lớn tuổi, là người Công Giáo duy nhất ở làng Prek-Toal trong 15 năm. Ngôi làng được tạo thành từ những ngôi nhà được xây dựng trên những chiếc bè tre neo đậu ở cửa sông chảy từ Battambang đến hồ Tonlé Sap. Không có linh mục, không có cộng đồng Kitô giáo hỗ trợ bà. Tuy nhiên, vào lễ Giáng sinh, bà đã tập hợp những người hàng xóm của mình lại với nhau để cùng bà mừng Chúa Giêsu giáng sinh. Kể từ đó, một nhà thờ nổi di động đã được xây dựng. 50 người được rửa tội sống trong làng và mỗi năm, ngày càng nhiều trẻ em và người lớn đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội và rước lễ.

Truyền giáo bằng nghệ thuật

Trong 30 năm, Giáo Hội Công Giáo, với hơn 20.000 thành viên trong quốc gia có đa số dân theo Phật giáo, đã hoạt động để thăng tiến đức tin, trung thành với giáo lý của Giáo hội, đồng thời làm cho các dụ ngôn của Chúa Kitô trở nên dễ hiểu đối với người dân làng địa phương. Điều này đã được Đức cha Schmitthaeusler, Đại diện tông tòa ở thủ đô Nông Pênh của Campuchia, xác nhận. Đức cha nói: “Khi tôi đến đây, đó là dịp Giáng sinh, và tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu bắt đầu câu chuyện Giáng sinh. Mọi người rất ấn tượng bởi kỹ năng diễn xuất của chúng tôi. Sau đó tôi nhận ra rằng đây là thời điểm thích hợp cho các tác phẩm sân khấu lớn và bắt đầu với những gì tôi sẽ gọi là truyền giáo thông qua nghệ thuật.” Đức cha tin rằng phương pháp này sẽ phù hợp nhất. Nghệ thuật chảy trong máu của người Campuchia. Đối với tất cả người dân ở đây, cả trẻ em và người lớn, việc múa hát hoàn toàn là điều tự nhiên. Đức cha giải thích làm thế nào để có thể sử dụng di sản văn hóa nghệ thuật phong phú của Campuchia cho mục đích loan báo Tin Mừng.

Tôn trọng lẫn nhau

Đức cha Đại diện Tông tòa Nông Pênh tiếp tục nêu lên tầm quan trọng của việc duy trì sự tôn trọng lẫn nhau giữa các hệ phái khác nhau. Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Khmer, cũng có lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Đức cha giải thích: “Người dân đến đây và thấy rằng chúng tôi tôn trọng văn hóa của họ. Nhiều người trong số họ là Phật tử. Tuy nhiên, dần dần, từng chút một, họ đang đến để hiểu ý nghĩa của Phúc Âm.” Đức cha nói thêm, “chúng tôi đang dần cảm nhận được nghệ thuật, truyền giáo và tôn trọng văn hóa có thể phối hợp với nhau như thế nào để giúp chúng tôi hiểu nhau.”

Những vết sẹo khó phai mờ

Bất chấp tất cả, những vết sẹo để lại sau nhiều năm khiếp sợ và kinh hoàng vẫn còn thấy rõ trong cộng đồng Công Giáo Campuchia. Nhiều nhà thờ bị phá hủy, một số khác bị mạo phạm. Cha Totet Banaynaz đã nói về một nhà thờ được xây dựng vào năm 1881 bởi các nhà truyền giáo người Pháp. Dù nhà thờ có thể chưa bị phá hủy; tuy nhiên, dưới chế độ Pol Pot, nó đã bị biến thành một nơi hoàn toàn ô uế, không còn gợi lên một chút tôn trọng nào, và được sử dụng làm chuồng bò và sau đó là một nhà máy xay lúa. Hoàn toàn không còn gì thánh thiêng ở trong nhà thờ này nữa.”

Không ai nghèo đến mức không thể cho đi và không ai giàu đến mức không thể đón nhận

Ngày nay, sẽ không thể trùng tu nhà thờ nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Do đó, cha Banaynaz mời gọi tất cả những người muốn tham gia hoạt động với tư cách là những người truyền giáo tham gia vào dự án. Cha nói thêm, “chúng tôi có điều gì đó mà chúng tôi có thể cung cấp cho họ: gương mẫu về cuộc sống của chúng tôi, sự đơn giản và đau khổ của chúng tôi. Tôi luôn nói với các tín hữu ở đây: không ai nghèo đến mức không thể cho đi. Và không ai giàu đến mức không thể đón nhận”.

Sau khi Kitô giáo được chính thức công nhận tại Campuchia vào năm 1990, quyền tự do tôn giáo đã được thông qua trong hiến pháp mới, được phê chuẩn vào năm 1993. Về mặt ngoại giao, Campuchia và Tòa thánh đã chính thức công nhận nhau vào ngày 25/03/1994. Trong quá trình phát triển này, các nhà truyền giáo nước ngoài một lần nữa được phép đến Campuchia. Một linh mục người Campuchia đã được chịu chức vào tháng 07/1995, lần đầu tiên sau 22 năm. Trong toàn bộ thời gian này, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã liên tục viện trợ cho việc mục vụ để hỗ trợ sự tái sinh của Giáo Hội Công Giáo ở Campuchia.