Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan

Thứ sáu - 22/11/2019 02:21

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan. | Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Thái Lan tìm phương thế mới để thông truyền Lời Chúa và tiếp tục hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đền Chân phước Kitbamrung

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ với họ sáng ngày 22/11/2019 tại nhà thờ Giáo Xứ Thánh Phêrô, đối diện với Đền Chân Phước tử đạo Nicolas Bunkerd Kitbamrung, cách tòa Sứ Thần ở Bangkok 35 cây số.

Chân phước là linh mục tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Thái, được phong chân phước ngày 05 tháng 03 năm thánh 2000, và gần 1 năm sau đó, ngày 13 tháng 01 năm 2001, Đền thánh này dâng kính Chân phước được xây gần quê hương của Ngài và được Đức Hồng y Michai Kitbunchu, Tổng giám mục Bangkok thánh hiến. Bên trong Đền có giữ hài cốt của thánh nhân. Năm 2012, cũng Đức Hồng y làm phép tượng Cha Kitbamrung trong năm Đức Tin để nhắc nhớ tấm gương và chứng tá đức tin của Chân phước.

Đức Thánh Cha đến đây lúc gần 10 giờ sáng, và tại khu vực trước Đền thánh đã có hàng ngàn tín hữu chờ đợi ngài. Ngài đi xe Papamobile vòng quanh các lối đi trong khu vực Đền thánh để chào thăm các tín hữu, trước khi tiến vào bên trong nhà thờ giáo xứ thánh Phêrô để gặp gỡ khoảng 1 ngàn người trăm linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên.

Khi tiến đến bàn thờ, Đức Thánh Cha đã được một linh mục, một nữ tu, một chủng sinh và một giáo lý viên trao hoa để ngài đặt dưới chân tượng thánh Phêrô và đến quỳ cầu nguyện trong thinh lặng trước Mình Thánh Chúa.

Hiện tình đời tu tại Thái Lan

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đức Cha Joseph Praghan Sridarunsil, dòng Don Bosco, Giám mục đặc trách về đời tu thuộc Hội đồng Giám mục Thái, đã chào mừng Đức Thánh Cha và cho biết tại Thái hiện có 35 dòng nữ với 1.378 nữ tu và 22 dòng nam với 456 nam tu, 7 tu đoàn tông đồ với 41 thành viên, 3 dòng chiêm niệm với 164 đan sĩ.

“Giáo Hội Thái ngày nay cũng đối diện với tình trạng giống như nhiều nước khác trên thế giới, tức là cuộc khủng hoảng suy giảm ơn gọi. Dầu vậy chúng con cũng ý thức về trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, cùng tiến bước để loan báo Tin Mừng. Hội đồng Giám mục Thái cũng hãnh diện thành lập Hội Truyền Giáo Thái Lan để chia sẻ các linh mục và tu sĩ với các nước láng giềng. Chúng con cũng thấy một Giáo Hội đang hoạt động tích cực để thăng tiến phẩm giá con người dưới nhiều hình thức.”

Tiếp lời Đức Cha Joseph, chị Bernadetta Jongrak Donoran đã trình bày chứng từ về cuộc trở lại của chị từ một gia đình Phật Tử, trải qua những cuộc chiến đấu và nay là một thỉnh sinh dòng Thừa Sai của Mẹ Maria và Xavie.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, được nữ tu Savoni, em họ của ngài dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ dịch ra tiếng Thái, Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người thánh hiến, trong cuộc tử đạo âm thầm vì lòng trung thành và dấn thân hằng ngày, đang mang lại hoa trái dồi dào. Ngài cũng nhắn nhủ mọi người hãy nhớ đến và ghi ơn các giáo lý viên và những tu sĩ nam nữ cao niên đã lôi kéo chúng ta vào trong tình thương và tình bạn của Chúa Giêsu Kitô.

Trong việc làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta đừng sợ tiếp tục hội nhập Tin Mừng vào văn hóa. Chúng ta cần tìm những con đường mới để thông truyền Lời Chúa, có khả năng động viên và thức tỉnh ước muốn được biết Chúa”.

Làm sao để Giáo Hội khỏi bị coi là “ngoại lai”

Đức Thánh Cha cũng kể lại rằng: “Khi tôi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, tôi cảm thấy đau buồn phần nào khi đọc thấy rằng đối với nhiều người, Kitô giáo là một đạo ngoại lai, một tôn giáo cho người ngoại quốc. Điều này phải thúc đẩy chúng ta tìm những cách thức để nói về đức tin 'trong ngôn ngữ bản xứ', giống như một bà mẹ hát ru con mình. Cũng với sự thân mật như thế, chúng ta hãy mang lại cho đức tin một khuôn mặt và một nội dung Thái Lan, có sức thu hút hơn là làm những bản dịch. Điều này có nghĩa là để cho Tin Mừng bị tước bỏ khỏi những trang điểm ngoại lai tuy có đặc tính tinh tế.”

Thực thi các hoạt động bác ái

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tu sĩ và linh mục, giáo lý viên, quan tâm đến việc viếng thăm, chăm sóc và giúp đỡ những người túng thiếu, mồ côi và người già. Ngài nói: “Trên khuôn mặt những người chúng ta gặp trên đường, chúng ta có thể khám phá thấy vẻ đẹp của sự kiện có thể đối với nhau như anh chị em. Chúng ta không còn thấy họ là những người mồ côi, là đồ bỏ hoặc là những người bị coi rẻ. Nay tất cả mỗi người trong họ đều có khuôn mặt của một người anh em, chị em, được Chúa Giêsu cứu chuộc. Đó chính là ý nghĩa thế nào là Kitô hữu!”

Tăng cường đời sống cầu nguyện

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tu sĩ Thái hãy đào sâu đời sống cầu nguyện. “Thành quả tông đồ đòi phải có lòng trung thành với việc cầu nguyện sâu xa. Cầu nguyện sâu xa như những người già chăm chỉ đọc kinh Mân Côi. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được đức tin từ ông bà chúng ta, khi thấy các ngài làm việc nhà, tay vẫn cầm xâu chuỗi trong tay, thánh hóa trọn công việc trong ngày. Đó chính là chiêm niệm trong hoạt động, đưa Chúa vào trong những công việc bé nhỏ thường nhật.

Thánh Phaolô VI đã nói rằng: “một trong những chướng ngại lớn nhất cản trở việc loan báo Tin Mừng là thiếu lòng nhiệt thành (Evang. nunt. 80). Đối với các tu sĩ, linh mục và giáo lý viên, lòng nhiệt thành ấy được nuôi dưỡng bằng hai cuộc gặp gỡ với tôn nhan Chúa và với những khuôn mặt anh chị em chúng ta. Chúng ta cần tìm thấy tìm thấy khoảng trống để có thể trở về nguồn và uống nước ban sự sống. Tuy chìm ngập trong nhiều trách nhiệm, chúng ta vẫn luôn có thể tìm được nơi yên tĩnh, trong đó, qua kinh nguyện, chúng ta có thể nhớ rằng Chúa đã cứu vớt thế giới và chúng ta được kêu gọi hiệp với Chúa để làm cho ơn cứu độ ấy được mọi người cảm thấy”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi xin anh chị em đừng chiều theo cám dỗ nghĩ rằng mình là thiểu số. Trái lại, hãy nghĩ mình như những dụng cụ bé nhỏ trong đôi tay sáng tạo của Chúa. Chúa sẽ viết lên với cuộc sống của anh chị em những trang đẹp nhất trong lịch sử cứu độ tại đất nước này”.

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đọc lời nguyện xin Chúa ban nhiều ơn gọi rồi ngài ban phép lành kết thúc. Ngài cũng tặng cho nhà thờ Thánh Phêrô mặt nhật Mình Thánh Chúa thật lớn và đẹp, rồi tiến sang nhà thờ ở Đền chân Phước Kitbamrung để gặp các Giám mục vào lúc 11 giờ.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây