Thứ Hai tuần 6 thường niên.

Chủ nhật - 17/02/2019 07:28

 Thứ Hai tuần 6 thường niên.

"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?".

 

Lời Chúa: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người.

Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

 

 

 

Suy Niệm 1: Dấu lạ của tình thương

Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.

Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.

Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.

Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.

Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.

Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúa Giêsu thở dài

Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc. 8, 11-12)

Than vắn thở dài là chuyện thường tình. Có ai đã không nghe tiếng thở than của một người bệnh, một người hấp hối? Ai trong chúng ta đã không bao giờ buông ra tiếng thở dài não nuột? Khi lòng ta gặp chuyện trái ý, đau buồn, thất vọng, hoặc thân xác ta phải đau đớn, thở dài một tiếng, ta cũng cảm thấy được vợi bớt phần nào. Chính nỗi đau thái quá ta phải chịu, khiến ta bộc lộ những phản ứng thái quá. Làm như thế ta coi như tâm hồn được giải thoát phần nào.

Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu cũng phải buông tiếng thở dài. Người cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Người vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pharisiêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn Người. Họ đòi Người làm cho họ một dấu lạ từ tròi, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Họ đòi một điều như thế đó, khi mà Chúa Giêsu vừa mới làm phép lạ hóa bánh rá nhiều cho bốn ngàn người ăn no. Họ còn muốn được thấy từ trời đổ xuống một trận mưa những miếng bánh mì, như dấu chỉ có giá trị và chứng minh cho sứ mạng chân chính về ngôn sứ của Chúa Giêsu.Trước một yêu sách như thế, chứng tỏ họ cứng lòng và ngoan cố không tin, nên Chúa Giêsu phải thở dài não nuột.

Một thái độ cự tuyệt

Trong những điều kiện như vậy, để phản đối những người Pharisiêu, Chúa Giêsu tỏ một thái độ cự tuyệt, một sự từ chối thẳng thừng: “Thế hệ này sẽ khong được một dấu lạ nào cả”. Biết được lòng dạ xấu xa của họ, Chúa Giêsu không tranh luận, không tự biện bạch, Người từ chối điều họ yêu cầu. Và như để tỏ rõ lập trường hơn nữa, Người nói là làm ngay: Người để họ đứng trơ ra đó, xuống thuyền, đi ngược chiều về phía bờ bên kia. Nguyên sự có mặt của họ cũng đủ làm cho Người bực mình rồi, nên Người muốn thoát đi cho mau lẹ. Chúa Giêsu tỏ ra rất cương nghị, Người tàn nhẫn xua đuổi những kẻ đến trò chuyện với mình. Vì đây là trường hợp hi hữu, trái với thái độ thường xuyên của Người là vốn niềm nở tiếp đón và hiền từ với mọi người: xưa nay Người vẫn hay để cho dân chúng chen lấn xô đẩy, trẻ em “quấn quýt”, bệnh nhân tràn ngập.

Là những tín hữu, chúng ta có thể bắt chước thái độ ngoan cường, cứng rắn đó của Chúa không? Tất nhiên là có, khi danh dự của Chúa – chứ không phải của ta – bị coi thường. Người ta vẫn tố cáo là Kitô giáo đã làm cho con người trở nên nhu nhược, mất tính nam nhi, ta cần phải chứng minh điều ngược lại, khi biết tỏ thái độ cương quyết, lúc cần phải tỏ. Người Kitô hữu là người có khả năng chọn lựa, thì cũng phải có khả năng từ chối. Nhưng người Kitô hữu cũng phải biết cho người ta những dấu lạ ở trần gian khi người ta đòi mình những dấu lạ từ trời.

 

Suy Niệm 3: CẦN CÓ ĐỨC TIN ĐỂ ĐÓN NHẬN TÌNH THƯƠNG (Mc 8,11-13)

Chúng ta thấy trong Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất, đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc; hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày! Trước sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.

Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Đòi một dấu lạ

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Máccô, ngay sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai,

các ông Pharisêu đã đến và tranh luận với Đức Giêsu.

Đơn giản họ muốn đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời.

Có vẻ phép lạ nuôi đám đông vừa qua và những phép lạ trước đó

không đủ để thuyết phục họ tin vào con người Ngài.

Họ vẫn muốn thử thách Đức Giêsu (c. 1).

Chẳng trách Đức Giêsu đã thở dài não nuột

và quyết liệt từ chối một cách trịnh trọng: “Tôi bảo thật cho các ông biết:

thế hệ này sẽ không được cho một dấu lạ nào cả.” (c. 12).

Toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu đã là một dấu lạ từ trời rồi.

Trong nỗi muộn phiền, Ngài đặt câu hỏi với các ông Pharisêu:

“Tại sao thế hệ này lại đòi một dấu lạ ?” (c. 12).

Hóa ra họ lại vấp vào tội của cha ông họ thời xưa trong hoang địa:

“Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức

và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán.” (Tv 95, 8-11).

Bất chấp bao việc lạ Chúa làm (Ds 14, 10-12. 22),

dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay vẫn không ngớt đòi thêm.

Các vị lãnh đạo Do Thái giáo đòi thêm vì họ không muốn tin Đức Giêsu.

Chính vì lòng họ chai đá, không muốn tin,

nên các phép lạ lớn lao trước mắt chẳng ảnh hưởng gì trên họ.

Họ mong một phép lạ lớn hơn nữa, rõ hơn nữa, ấn tượng hơn nữa.

Nhưng dù dấu lạ manna rơi xuống từ trời có xảy ra lại

thì chưa chắc họ đã tin Đức Giêsu.

Thay vì đòi Ngài làm thêm phép lạ để minh chứng,

con người cần ra khỏi sự chai đá của lòng mình

Cần có mắt sáng để thấy được ý nghĩa sâu xa của phép lạ.

Cũng như cần có tai tốt để hiểu được các dụ ngôn của Đức Giêsu.

và đi vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Mc 4, 11).

Phép lạ của Đức Giêsu không chỉ hấp dẫn vì yếu tố kỳ diệu, lạ lùng,

nhưng vì chúng khai mở Nước Thiên Chúa

và vén mở cho ta thấy Đức Giêsu là ai.

Chẳng phải chỉ người Do Thái mới đòi hỏi những dấu lạ (1 Cr 1, 22).

chúng ta cũng dễ đặt đức tin mình trên nền tảng dấu lạ, phép lạ.

Chúng ta không thích cái bình thường, cái đều đặn xảy ra mỗi ngày,

vì chúng ta không tin Chúa hiện diện và hoạt động trong thầm kín.

Thay vì quá tìm kiếm và đòi hỏi những dấu lạ,

chúng ta được mời gọi nhận ra những dấu chỉ của thời đại mình sống.

Qua những thao thức và khát vọng của con người hôm nay,

chúng ta nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.

Qua dấu chỉ của một thế giới đang biến chuyển từng ngày,

chúng ta thấy Giáo hội cần thích nghi và đáp ứng những nhu cầu mới.

Người Pharisêu không đọc được ý nghĩa những dấu lạ Đức Giêsu làm.

Chúng ta xin ơn đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa cho thời hôm nay.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này

là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước

không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,

bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,

không còn những cô gái đứng đường

hay những người ăn xin.

Con mơ ước

những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,

các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước

tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,

các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,

con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,

xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,

và xanh của bao niềm hy vọng

nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,

thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



Suy niệm: 

Thánh Máccô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.

Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.

Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do Thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do Thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của satan: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi.” Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái. Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.

Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Đấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.

Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Satline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn nhân hậu của một Gioan XXIII: hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Đức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.

Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.


Cầu nguyện: 

Lạy Chúc, xin cho chúng con khám phá những dấu lạ Ngài vẫn thực hiện hằng ngày trong cuộc sống để chúng con vững tin vào Ngài.

Lạy Chúa, nhớ lại biết bao kỳ công Chúa đã thực hiện nơi chúng con, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ Chúa muôn đời. Amen

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây