Đến Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, Cùng Mẹ Dâng Mình Cho Thiên Chúa

Thứ tư - 13/11/2019 08:03
ĐẾN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO, CÙNG MẸ DÂNG MÌNH CHO THIÊN CHÚA

hình ảnh

“Mỗi người chúng ta hãy noi gương Đức Maria để dâng mình một cách trọn vẹn, để thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Chỉ khi nào chúng ta biết dâng mình cho Chúa, thuộc về Chúa cách trọn vẹn thì sứ vụ của chúng ta trong bậc sống của mình mới là một sứ vụ dâng mình, để cho Chúa hành động qua đời sống và sứ vụ của mỗi người chúng ta.” . Đó là lời nhắn gửi rất đặc biệt của Đức Cha Tôma - Giám quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết - trong bài chia sẻ Tin Mừng của thánh lễ dịp hành hương Đức Mẹ TàPao tháng 11 năm 2019.

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NGUYỆN TỐI 12

Chương trình cầu nguyện tối 12 tháng này cũng diễn ra từ lúc 19 giờ với việc Rước kiệu Đức Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, học Giáo Lý Năm Thánh do cha Giám đốc Trung tâm – Anrê Lương Vĩnh Phú – trình bày về ý nghĩa của chữ “Amen”.
Ngay sau phần học Giáo Lý có phần Tổng kết Hội thi Văn hóa Nghệ thuật nhân kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ Tàpao (1959 – 2019) và trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải về nhạc, thơ, kịch, truyện ngắn, vẽ logo. Lồng trong chương trình tổng kết và trao giải có ca đoàn Giáo xứ Thanh Xuân trình bày hợp xướng cho tác phẩm nhạc đoạt giải nhất thể loại nhạc “Qua Mẹ đến với Chúa Giê su” của tác giả Simon Trần Văn Oanh (Linh Huyền Dung), có ca sĩ Xuân Trường và Bích Hiền thể hiện hai nhạc phẩm đoạt giải khác.
Cuối cùng của giờ cầu nguyện tối 12 là phần Tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể do cha Phêrô Võ Tấn Luật – Hạt trưởng hạt Phan Thiết – chủ sự.

THÁNH LỄ MỪNG KÍNH MẸ DÂNG MÌNH SÁNG NGÀY 13

Chương trình sáng ngày 13, như thường lệ, có giờ khấn lúc 6 giờ 30’ và thánh lễ mừng kính Mẹ Dâng Mình lúc 7 giờ do Đức Cha Giám quản chủ sự. Đến với dịp hình hương tháng này, cùng đồng tế với Đức cha Tôma có khoảng 65 linh mục. Còn khách hành hương thì không đông lắm, chủ yếu là Hội đồng Mục vụ (HĐMV) các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập trong Giáo phận Phan Thiết. 
Bên Đức Cha chủ tế, cộng đoàn hành hương sốt sắng dâng thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền thờ. Với tâm tình của người mục tử luôn khao khát hướng dẫn con cái đến với Thiên Chúa và hăng say phục vụ Giáo Hội, trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha đã gửi tới khách hành hương và đặc biệt các anh chị em làm việc trong HĐMV các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập những lời huấn từ như sau:

Cộng đoàn hành hương thân mến!
Theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng được gọi là của thánh được dành riêng và dâng cho Thiên Chúa. Vì thế, Đức Maria và thánh Giuse đã dâng Hài Nhi Giêsu vào đền thờ theo luật Chúa truyền. Luật không nói đến việc dâng con gái vào đền thờ. Tuy nhiên, theo truyền thống các cha mẹ đạo đức Do Thái thường dâng con mình cho Chúa trong lúc mang thai hay sau khi sinh. Đối với một số người Do Thái, họ đem con đến đền thờ và cho chúng ở lại đó để giúp các tư tế trong việc phụng tự như Samuel thời thầy cả Hêli. Dù không được Phúc Âm nhắc đến nhưng theo truyền thuyết theo sách tiền phúc âm của Thánh Giacôbê. Từ khi ba tuổi, Đức Maria đã được thân sinh là ông Gioakim và bà Anna đưa vào Đền thánh dâng mình cho Thiên Chúa và đã lưu lại đó cho trọn tuổi 12. Giáo hội Đông Phương mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình từ thế kỷ thứ VII. Tiếp theo, Giáo hội Tây Phương mừng lễ này từ thế kỷ IX. Lễ này được Hội Thánh công nhận và phổ biến rộng khắp cả Giáo Hội vào thế kỷ XIV và hiện nay Hội Thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Maria Dâng Mình vào Đền Thánh vào ngày 21.11 hằng năm. Việc Đức Mẹ Dâng Mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì Mẹ đã được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh con của Thiên Chúa sau này. Chính trong Đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Suốt thời gian sống trong Đền thờ, Mẹ Maria suy niệm, cầu nguyện, hát Thánh vịnh, Mẹ làm các việc đạo đức thiêng liêng với tất cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho người khác. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xem lễ Đức Mẹ Dâng Mình là một trong những lễ đầy ý nghĩa và là hình mẫu của đời sống Thánh Hiến và Đan tu.
Các bài đọc trích sách hôm nay, Đức Maria Dâng Mình vào Đền thánh. Dâng mình là sống thân tình trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Lời Thiên sứ Gabriel: “Kính chào Mẹ đầy ân phúc và Thiên Chúa ở cùng Mẹ” trong biến cố truyền tin là lặp lại Lời Chúa trong sách Dacaria mà chúng ta vừa nghe công bố ‘hỡi con cái Sion hãy vui sướng reo hò vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi ngày ấy nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa, chúng sẽ thành dân thánh của Ta và Ta sẽ cư ngụ giữa ngươi’. Con cái Sion chỉ Dân tộc thánh, dân tộc Israel, đồng thời từ thiếu nữ Sion là hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý “Ánh Sáng Muôn Dân” đã ca tụng Đức Maria là thiếu nữ Sion với những lời đẹp đẽ sau đây: người trổi vượt trên các người nghèo khó, và khiêm nhường của Chúa là những kẻ tin tưởng, và hy vọng sẽ lãnh nhận ơn cứu rỗi nơi Thiên Chúa. Sau thời gian trông đợi lời hứa được thực hiện, thời gian đến để nên trọn và nhiệm cục cứu rỗi được thiết lập với người thiếu nữ Sion cao sang.
Theo ngôn sứ Dacaria khi dân Do Thái trở về sau cuộc lưu đày, thì đền thờ Giêrusalem vừa là không gian biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người vừa là nơi chốn diễn ra cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với mọi tâm hồn đạo đức. Đền thờ không dừng lại trong vai trò là nơi thánh dành cho việc phụng tự mà thôi, nhưng chủ yếu là nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Ngài. Chính nơi Đền thờ, người ta cảm nghiệm rõ ràng hơn phẩm tín của Thiên Chúa là Đấng vui thích ở giữa dân. Và cũng hiểu thực hơn lý do tại sao dân lại rộn rã vui mừng khi nghe người người rủ nhau lên Đền thờ Chúa. Đền thờ là không gian thánh thiên để Thiên Chúa được chọn lựa như nơi hẹn hò, Cứu độ dành cho Dân của Ngài. Khi Đức Maria ở tuổi lên ba được cha mẹ là ông GioaKim và bà Anna dẫn lên đền thánh Giêrusalem để dâng mình cho Chúa theo sách tiền phúc âm của Thánh Giacôbê Tông Đồ, theo lẽ tự nhiên ở đây là việc chu toàn phận vụ đạo đức theo tục lệ tôn giáo, nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa đây còn có ý nghĩa cao trọng hơn, đó là việc: Đức Maria thực hiện trong tuổi thơ nhằm gặp gỡ Thiên Chúa, Đức Mẹ dâng mình vào nhà của Chúa để được thường xuyên gặp gỡ Chúa, được hạnh phúc sống dưới mái nhà và dưới ánh nhìn đầy thương yêu của Chúa dành cho Mẹ. Thiên Chúa ở cùng Maria. Maria được đầy tràn ân phúc.

Trích đoạn Tin Mừng Mt 12, 46-50 thuật lại rằng, khi được báo có mẹ và anh em muốn tìm gặp, Chúa Giêsu hỏi: “ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi”. Mẹ Maria và anh chị em họ hàng thuộc về một gia đình huyết tộc thiết thân của Chúa đang đứng ở ngoài kia, đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Chúa và chính Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một gia đình thiêng liêng khi Chúa Giêsu giơ tay và nói: “đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi. Những ai thi hành ý muốn của Cha tôi”. Một gia đình mới rất thân thương đang đứng chung quanh Chúa Giêsu. Đây là lúc Người khai mở một gia đình mới, không dựa trên huyết thống, cũng không giới hạn nơi các thành viên, một dòng họ hoặc dừng lại trong một chi tộc, ngôn ngữ mà bao gồm tất cả mọi người, miễn là mọi người nhận biết thực thi Thánh ý của Chúa Cha. Nếu toàn bộ lời giảng của Chúa Giêsu được gọi là Tin Mừng thì lời giới thiệu Mẹ và anh em này phải được xem như một khía cạnh hiện thực nhất của Tin Mừng ấy; Tin Mừng về Giáo Hội, Tin Mừng về những kẻ biết nghe và giữ lời của Thiên Chúa. Và ai cũng có khả năng trở thành người nhà của Chúa Giêsu, ai cũng có điều kiện để hội nhập vào trong Gia Đình Thánh và ai cũng có thể trở nên anh em, chị em gần gũi với người. Chúa Con đã xuống thế làm người theo ý Chúa Cha và đã chịu chết vì tội lỗi nhân loại để làm trọn Thánh ý Chúa Cha. Và những ai hôm nay làm theo Thánh Ý Cha như Chúa Giêsu họ trở thành anh em của Người. Các môn đệ của Chúa Giêsu thuộc về gia đình ấy, họ làm Mẹ là anh chị em của Người khi họ thi hành ý muốn của Chúa Cha. Và bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác, bất cứ ai xin Chúa Giêsu cho môi trường sống của mình, bất cứ ai làm cho Người lớn lên trong trái tim nhân loại; người ấy là mẹ Chúa Giêsu là anh em, chị em của Chúa Giêsu. 

Trong gia đình mới là Hội thánh của Giêsu Kitô, Mẹ Maria vừa là Mẹ Chúa Giêsu. Theo ý nghĩa hoàn hảo nhất phải là Mẹ Hội Thánh theo lời tôn vinh của Hội Thánh hôm nay. Biến cố Đức Mẹ Dâng Mình và sống âm thầm trong Đền thờ chính là thời gian Mẹ tận hiến cho một điều cao cả và trọng đại đó là thời gian Mẹ chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mà sẽ được Thiên Chúa giao phó trong biến cố Truyền tin. Chỉ cần nhìn vào biến cố Truyền Tin khi Mẹ vâng theo Ý Chúa, chúng ta thấy đầy đủ yếu tố cho phép hiểu rằng việc dâng mình của Mẹ vào trong Đền thờ, không đơn thuần là một việc đạo đức mà là công trình  quan phòng nhằm chuẩn bị xa gần cho ơn Cứu rỗi mà Chúa Giêsu con Mẹ sẽ thực hiện sau này. Từ thái độ bối rối khi nghe lời Sứ thần đề nghị, đến câu hỏi xin Sứ thần giải thích cho thấy: Mẹ hoàn toàn tự do và đến khi đáp tiếng xin vâng, Mẹ đã thể hiện lễ dâng đời mình bằng cả trách nhiệm cao cả. Đức Mẹ Dâng Mình lúc tuổi còn thơ, nghĩa vụ là tôi tớ và sứ vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế sau này.

Anh chị em thân mến! 
Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thờ để trọn đời hiến thân cho Thiên Chúa và phục vụ công trình cứu chuộc loài người. Thiết lập lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Giáo Hội cảm tạ Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria trong hàng con cái loài người. Chuẩn bị cho Mẹ Maria lên chức phẩm cao sang làm Mẹ Chúa Cứu Thế và đồng công cộng tác trong công cuộc cứu thế. Đồng thời Giáo Hội tôn vinh ngợi khen Đức Trinh Nữ Maria đã sẵn sàng và tuyệt đối tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ dâng mình cho Chúa để sống với Chúa cho nhiệm vụ cứu rỗi của Người. Đặc biệt các anh chị em trong các HĐMV tại các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập trong Giáo phận, hôm nay anh chị em tập họp nơi đây để nhận ra sứ vụ Tông Đồ của mình là một sứ vụ dâng cho Thiên Chúa, dâng cho Giáo Hội, dâng mình cho Giáo phận, dâng mình cho cộng đồng Giáo xứ nơi mình được kêu gọi và bổ nhiệm để phục vụ. Anh chị em hãy nhớ luôn sự dâng mình này phải là trọn vẹn, sự dâng mình này đôi khi phải kèm theo những hy sinh, những vất vả, những chịu đựng. Tuy nhiên, là một sự dâng mình cho Thiên Chúa với niềm vui và bình an vì mình phục vụ cho một sứ vụ cao cả. Cùng với Giáo hội, cùng với Giáo phận mình trở nên người Tông Đồ của cộng đồng Giáo xứ nơi mình được ủy thác nhiệm vụ. Noi gương Mẹ Maria để suy niệm, để lắng nghe và để sống Lời Chúa, sống Tin Mừng để được phục vụ của anh chị em trở nên sự phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội trong cái gương khiêm tốn, quảng đại và dấn thân tông đồ như Mẹ Maria đã dâng mình cho Thiên Chúa. Và tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, các Tu sĩ Nam Nữ, các Chủng Sinh và anh chị em khách hành hương nói chung, chúng ta là những người dâng mình cho Chúa, chúng ta là những người phục vụ Giáo hội, Giáo phận. Mỗi người chúng ta noi gương Đức Maria để dâng mình một cách trọn vẹn, để thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Chỉ khi nào chúng ta biết dâng mình cho Chúa, thuộc về Chúa cách trọn vẹn thì sứ vụ của chúng ta trong bậc sống của mình mới là một sứ vụ dâng mình, để cho Chúa hành động qua đời sống và sứ vụ của mỗi người chúng ta.
Lạy Đức Mẹ Tàpao, chúng con xin dâng lên Mẹ giáo phận và giáo xứ chúng con, chúng con xin dâng lên Mẹ gia đình và chính bản thân chúng con, chúng con xin dâng lên Mẹ sứ vụ tông đồ mà mỗi người chúng con trong bậc sống của mình, tu sĩ nam nữ cũng như HĐMV. Xin Mẹ đoái thương, gìn giữ, phù trợ và dẫn dắt chúng con để chúng con phụng sự Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con và chúng con cùng với anh chị em mình mà chúng con đang phục vụ sẽ tìm được Chúa là hạnh phúc đời đời của tất cả chúng con. Amen.

Thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm, sốt sắng và kết thúc lúc 8 giờ 20’ cùng ngày. Mọi người nhận phép lành lãnh ơn toàn xá của Năm Thánh rồi chia tay nhau. Riêng anh chị em HĐMV còn ở lại tham dự Đại Hội Dân Chúa tại nhà hội Quảng trường C, sau đó dùng cơm trưa rồi mới kết thúc ra về.

BTTGPPT

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây