1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự hài lòng đối với chính quyền Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới

Như chúng tôi đã đưa tin, hôm thứ Năm 20 tháng 8, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc gắn viện trợ của Hoa Kỳ với chính sách hỗ trợ sự sống.

Chỉ vài ngày sau đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB lại có một bản tuyên bố khác bày tỏ sự hài lòng đối với chính quyền Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới.

Đức Cha David J. Malloy, Giám Mục Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc tế và Hòa bình của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau trước việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Hội Đồng Giám Mục rất vui trước việc chính quyền Hoa Kỳ giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và còn vui hơn nữa khi lưu ý rằng theo một phần của thỏa thuận này, Nhà nước Israel tuyên bố sẽ đình chỉ nỗ lực sáp nhập lãnh thổ tranh chấp. Điều này thật đáng mừng vì các cuộc đối thoại giữa Israel với chính quyền Palestine trước đó đã không đi đến đâu.

Các Giám Mục Công Giáo của Hoa Kỳ từ lâu đã cho rằng cả về mặt đạo đức và là cơ sở cho hòa bình lâu dài, hai bên phải thương lượng trực tiếp và đi đến một thỏa hiệp công bằng, tôn trọng nguyện vọng và nhu cầu của cả hai dân tộc. Với tư cách là các giám mục Công Giáo, chúng tôi tham gia vào khát vọng này và biết rằng còn nhiều việc phải làm trong việc theo đuổi hòa bình ở khu vực này.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong chuyến thăm lịch sử tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019: “Đối thoại, hiểu biết và quảng bá rộng rãi văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường là những vấn đề đang đè nặng lên một phần lớn nhân loại…”

Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ đóng góp vào hòa bình theo chiều hướng đó.


Source:USCCBStatement from U.S. Bishops’ Chairman on International Justice and Peace on the Normalization of Israel and United Arab Emirates Relations
2. Barack Obama có xứng đáng nhận giải Nobel không?

Sau khi hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được ký kết, nhiều người cho rằng nếu như năm 2009 giải Nobel hòa bình được trao cho Obama thì người xứng đáng nhận giải này năm nay là Tổng thống Donald Trump. Ông xứng đáng nhận giải thưởng đó hơn Obama cả ngàn lần.

Barack Obama đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009. Khi nhận giải thưởng này, ông nhìn nhận rằng ông nhận không phải như một phần thưởng cho những thành tích của mình mà như một “lời kêu gọi hành động”.

Những tranh cãi chung quanh giải Nobel không phải là điều mới lạ; như tờ New York Times viết: “Giải Nobel bắt đầu chọn người chiến thắng vào năm 1901, và gần như lâu nay, một số lựa chọn của nó đã bị coi là bị chính trị hóa, phe phái hẹp hòi hoặc đơn thuần chỉ là các sai lầm.” Vụ trao giải Nobel hòa bình cho Lê Đức Thọ vào năm 1973 đến nay vẫn là một vết nhơ của giải thưởng này.

Một trong những tranh cãi nổi tiếng nhất của nó là khi Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2009. Học giả truyền thông Robert Terrill viết: “Chính quyền Obama đã bị rơi vào tình thế khó xử khi phải cố gắng hạ thấp một trong những giải thưởng cao quý nhất hành tinh…” Ông Barrack Obama tự nhận là không có thành tích nào đáng để được trao giải thưởng này. Cử mừng rình rang thì rất là kỳ vì thế, phát ngôn viên báo chí của Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ là Lynn Sweet, nói một cách cộc cằn rằng:

“Không có lễ kỷ niệm nào được cử mừng tại Nhà Trắng cho giải Nobel.”

Trong suốt tiến trình chọn lựa của ủy ban Nobel Oslo, các phương tiện truyền thông đã chế giễu Obama là một “siêu sao quốc tế không có thành tích”. Nhà bình luận cánh hữu Rush Limbaugh nói rằng ủy ban Nobel đã tự “đánh bom liều chết” và làm giảm uy tín của giải thưởng thành “một giải thưởng trao cho bất cứ con người nổi đình nổi đám nào trong những ngày này.”

Một số người gièm pha Obama có lý. Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho những nhà bất đồng chính kiến và những người đấu tranh cho tự do có lịch sử lâu dài về sự hy sinh cá nhân to lớn chống lại áp bức tàn bạo. Để so sánh, thành tích của Obama không có bao nhiêu. Và sau đó là sự trớ trêu ngay lập tức khi trao Giải thưởng Hòa bình cho một tổng thống đang lôi kéo đất nước vào chiến tranh tại Syria. Vài ngày trước khi kết thúc tối hậu thư của Obama dành cho tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngày 7 tháng 9, 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mới được bầu làm Giáo Hoàng cách đó chưa đến 6 tháng đã phải tổ chức một buổi cầu nguyện tại quảng trường Thánh Phêrô nhằm chặn đứng bàn tay của Obama.

Chính Obama đã tuyên bố công khai rằng ông không cảm thấy mình xứng đáng với giải thưởng, nhưng đã chấp nhận giải thưởng này trên tinh thần những gì nó có thể đại diện.


Source:JStor
Did Barack Obama Deserve the Nobel Prize?
3. Tổng thống Hàn Quốc hướng đến các Giám mục Công Giáo để giúp chống lại coronavirus

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay còn gọi là Văn Tại Dần, người đang phải đối mặt với áp lực gia tăng đối với một số chính sách của mình, đã tổ chức một bữa tiệc trưa cho các nhà lãnh đạo Công Giáo, và yêu cầu các Đức Giám Mục hợp tác trong việc giải quyết coronavirus COVID-19.

“Chúng ta phải vượt qua coronavirus, và chúng ta sẽ cố gắng hết sức để vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ” tổng thống nói trong cuộc họp, đồng thời cho biết thêm rằng ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo khác trong tương lai gần.

Từng được coi là mô hình mẫu mực trong việc đối phó với đại dịch, Nam Hàn đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm coronavirus dẫn đến việc đình chỉ các cử hành Phụng Vụ công cộng lần thứ hai và thậm chí có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bế tắc.

Tham dự bữa tiệc trưa với tổng thống có Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Yeom Soo-jung, 염수정) Tổng Giám mục Hán Thành; Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hi Tông (Kim Hee-jong) của Giáo phận Quang Châu (Gwangju, 광주시); Đức Tổng Giám Mục Tađêô Triệu Hoán Cơ (Cho Hwan-kil) của Đại Khâu (Deagu, 대구시); Đức Giám Mục Phêrô Lý Cơ Hiến (Lee Ki-heon) của Nghị Chính (Uijeongbu, 의정부시); Đức Giám Mục Gioan Kim Khẩu Quyền Hiếu Châu (Kwon Hyok-ju) của An Đông (Andong, 안동시); và Đức Giám Mục Lagiarô Nhĩ Hương Thực (You Heung-sik) của Đại Điền (Daejeon, 대전광역시).

Theo văn phòng tổng thống, trong cuộc họp, tổng thống Văn Tại Dần đã ca ngợi Giáo Hội Công Giáo vì hành động nhanh chóng trong việc tuân theo các hạn chế kiểm dịch của chính phủ trong đợt COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc vào tháng Hai.

Khi quốc gia tìm cách ngăn chặn đợt bùng phát hàng loạt thứ hai, tổng thống Văn, một người Công Giáo, đã yêu cầu Giáo hội trở thành “gương mẫu” trong việc kiềm chế lây lan, và nhấn mạnh rằng nếu các biện pháp ngăn ngừa hiện tại không thành công, ông sẽ buộc phải gia tăng mức độ cách ly xã hội, gây “thiệt hại kinh tế khôn lường”.

Tổng thống Văn: “Con xin quý Đức Cha quan tâm đến tâm hồn mọi người, đang bị đánh gục bởi đại dịch coronavirus kéo dài và truyền cho họ lòng can đảm và khả năng lãnh đạo cần thiết để đoàn kết mọi người vượt qua thử thách này”.

Đáp lời tổng thống Văn, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành cam kết sự hỗ trợ và hợp tác của Giáo hội, và nói: “Chúng tôi sẽ ở bên cạnh tổng thống và khuyên mọi người trung thành thực hiện phần việc của họ ở vị trí của họ.”

Trong cuộc gặp gỡ với các Giám mục Công Giáo, tổng thống Văn nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ “làm hết sức mình” để ngăn chặn sự bùng phát mới và nhanh chóng “giảm thiểu các thiệt hại kinh tế.”

“Coronavirus đã khiến mọi người quá khó khăn và mệt mỏi, ” ông nói và cho biết thêm rằng ông dự định tham dự sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Thái Kiến (Kim Taegon, 김대건) linh mục đầu tiên của Hàn Quốc, đã tử đạo vào năm 1846.

Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông ban phép lành kết thúc cuộc họp và cầu nguyện xin Chúa ban cho tổng thống Văn “ơn khôn ngoan của Solomon” để vượt qua coronavirus và bảo đảm “an ninh quốc gia.”


Source:Crux
South Korean president turns to Catholic bishops to help fight coronavirus