Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng.

Chủ nhật - 24/03/2019 08:37

Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng.

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

 

* Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố này được thánh Luca tường thuật lại trong phần đầu sách Tin Mừng của người.

Phụng vụ ngày hôm nay được soi sáng nhờ lời của tác giả Thánh Vịnh 39. Lời này đã được tác giả thư Do Thái đặt lên miệng Chúa Kitô khi Người bước vào trần gian: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.

 

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

 

 

SUY NIỆM 1: Nữ tỳ của Chúa

Đức Maria vừa được sứ thần Chúa đến báo tin là được chọn làm Mẹ Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Và sau khi đã nghe sứ thần giải đáp những điều còn thắc mắc, Mẹ chỉ vắn tắt thưa cùng sứ thần: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.

Là Mẹ của con Thiên Chúa, tức là Mẹ của Thiên Chúa, nhưng Đức Maria vẫn chỉ coi mình là nữ tỳ. Cũng như Đức Kitô, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng cũng khẳng định là mình đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người. Nói cách khác, tuy thực sự là Thầy và là Chúa, nhưng Đức Kitô muốn sống giữa anh em nhân loại của mình như một người tôi tớ chứ không như một ông chủ. Và Ngài cũng muốn cho cộng đoàn Dân Chúa, mà Ngài lập ra, phải luôn tôn trọng nguyên tắc Ngài đã ấn định: Vua Chúa các dân thì lấy quyền mà thống trị và những ai cầm quyền thì tự xưng mình là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em thì phải nên  người nhỏ nhất và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.

Trong xã hội phong kiến ngày xưa, vua quan được coi như cha mẹ của dân: dân chi phụ mẫu. Ngày nay, tuy phần lớn các quốc gia đã trở thành dân chủ và nhiều người lãnh đạo chính quyền vẫn tự xưng mình là "công bộc", là "đầy tớ" của nhân dân. Nhưng trong thực tế, thì chỉ thấy người ta đón tiếp, chào hỏi long trọng và hết lòng phục vụ các người đầy tớ ấy, mà chẳng ai đón tiếp, chào hỏi người dân, nhất là những người nghèo và những kẻ làm tôi thực sự.

Còn Đức Maria và Chúa Giêsu thì vẫn trước sau như một. Chỉ biết sống vì mọi người và cho mọi người, hay nói cách khác, lấy sự phục vụ mọi người làm phương châm. Chúa Giêsu thì chủ tâm thực hiện sứ vụ người tôi tớ của Thiên Chúa mà tiên tri Isaia đã phác hoạ, còn Mẹ Maria thì chỉ thích sống như một người nữ tỳ của Chúa.

Giáo Hội, một mặt là nhiệm thể Đức Kitô, một mặt cũng là hình ảnh nối tiếp của Đức Maria, nên cũng phải thể hiện vai trò làm tôi tớ và nữ tỳ của Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm sống hằng ngày, người mẹ nào cũng trước hết làm mẹ, làm tôi tớ rồi mới làm thầy dạy con cái mình. Con càng nhỏ dại, mẹ càng phải vất vả hầu hạ và nhất là con càng đau yếu, thì mẹ càng pảhi chăm sóc tận tình. Giữa chức vụ làm mẹ và làm thầy thì có bổn phận làm tôi tớ. Người ta phải yêu mến cha mẹ, phải sống trọn chữ hiếu. Người ta phải tôn kính thầy mình. Nhưng không ai có bổn phận phải biết ơn tôi tớ. Trái lại kẻ làm tôi thường bị khinh rẻ và cư xử bất công. Người ta đã bất công như thế nào đối với Chúa Giêsu chỉ vì Ngài đã không dùng quyền năng để áp đặt trên họ một quyền thống trị, mà lại chỉ muốn hầu huyện mọi người như tôi tớ. Vậy nếu ngày hôm nay Giáo Hội có bị coi thường, bị ngược đãi, thậm chí có bị bách hại, thì âu cũng là lẽ thường, bởi chính Đức Kitô cũng đã từng bị ngược đãi và bị giết. Cũng chính Người đã báo trước cho các môn đệ biết trước số phận đang chờ đón họ. Thà chúng ta tự coi mình như những đầy tớ vô dụng, làm tất cả những gì Chúa dạy phải làm, rồi sau đó có bị quên ơn, ngược đãi, còn hơn là tự tôn mình làm thầy, làm chúa thiên hạ, rồi sau bị người ta nguyền rủa và lên án: Vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Chính vì chỉ muốn làm nữ ty của Chúa, nên Đức Maria đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và được mọi đời khen ngợi là người diễm phúc.

 

SUY NIỆM 2: Lễ Truyền Tin

Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel chào Ðức Maria khi mở đầu cuộc truyền tin: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà. Mừng vui lên hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ðây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất và cũng là lời chúc phúc có giá trị nhất của con người.

Quả thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở cùng, của người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Theo sau lời chúc phúc cũng là lời loan báo cho Ðức Maria biết tình trạng ân sủng tuyệt vời của Mẹ. Sứ thần cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa. Ðây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Mẹ phải bối rối. Hơn nữa, Mẹ sẽ thụ thai thế nào đây khi mà Mẹ chưa hề chung chăn gối với ai. Thắc mắc của Ðức Maria được sứ thần giải đáp bằng một câu trả lời đầy thuyết phục, một cách tuyệt đối nhân danh quyền năng của Ðấng Tối Cao, kèm theo là một chứng cớ cụ thể đang xảy ra cho người chị họ của Mẹ. Ðối chiếu với các câu Thiên Chúa trả lời cho tổ phụ Abraham, cho ông Môsê hay cho thánh Giuse, chúng ta thấy Thiên Chúa rất tế nhị khi giao tiếp với từng đối tượng để giải đáp thắc mắc của người thiếu nữ. Người đã chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất. Câu trả lời này mang lại cho Ðức Maria sự bình an sâu thẳm. Mẹ đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ. Mẹ đã tiếp nhận được điều chính yếu trong sứ điệp Truyền Tin, Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp đó và Mẹ sẽ cống hiến hết mình cho điều mình xác tín.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gởi sứ điệp có liên quan đến công cuộc cứu độ của Người. Trong cái đại dương thông tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người hôm nay, cung cách giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng với từng đối tượng mà Người muốn ngỏ lời. Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp Truyền Tin cho Ðức Maria.

Thay cho lời chào của sứ thần, chúng ta có thể cảm thấy có một cái gì đó lay động linh hồn chúng ta và tạo cho chúng ta một cảm giác thiêng liêng huyền nhiệm. Trước cảm giác linh thiêng này, có thể chúng ta sẽ bối rối xao xuyến vì không biết chuyện gì đang xảy ra cho tâm hồn mình, chúng ta có thể lờ đi không lưu tâm đến nó nữa. Và trong trường hợp này, chúng ta sẽ không nhận được phần tiếp theo của sứ điệp. Nhưng nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta. Ða số các sứ mạng này là những công việc bình lặng trong cuộc sống thường ngày với mục đích đem ơn cứu độ đến cho những người khác. Nhưng cũng có lúc đó là những công việc có tầm ảnh hưởng lớn hơn, khó thực hiện hơn và đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta sẽ cảm thấy e ngại vì không biết mình sẽ làm sao để thực hiện lời Thiên Chúa gợi ý. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa, thì Người sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và có thể Người sẽ đưa ra cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố lòng tin của chúng ta. Ðến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria ngày xưa.

Lạy Mẹ Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gọi gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con ngần ngại không dám tiến thân. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền Tin, con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Xin vâng

Người ta không ngớt hỏi về tiểu sử của cô thiếu nữ Do Thái, cô đã biết nắm giữ những điều chính xác của Chúa, và trong đám chị em cô. Cô đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Có phải có một phụ nữ độc nhất đã được ghi tên trong lịch sử không? có phải có một phụ nữ độc nhất đã là đối tượng của tình yêu trinh trong của nhiều quân tử không? có phải có một bà độc nhất đã nhận bao nhiêu lời cầu khẩn của nhiều ông trong cơn quẫn bách đã chạy đến cùng bà và nhận được an ủi không?

Không, người ta không ngừng chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này, đã hoàn toàn đặt vào thiện tâm thiện chí của một phụ nữ trẻ, vào lời đáp ngắn gọn: “Fiat Voluntas tua”. Xin vâng ý Ngài. Và đồng thời những vui mừng được làm người mẹ, đặc biệt cùng với thảm kịch bi đát nhất trong suốt lịch sử: Sinh hạ Con Thiên Chúa, và cái chết trên thánh giá.

Cần phải có một đức tin sâu xa để tin nhận những biến cố như thế và đừng thử giải nghĩa theo lý trí loài người. Một đức tin sâu thẳm như đức tin của Ma-ri-a để thư xin vâng.

Và nếu người ta nghĩ ra rằng Thiên Chúa đợi chúng ta đáp cùng lời như thế, thì sao? Nếu Thánh Thần chỉ đợi chúng ta xin vâng để Ngài ngự đến và biến đổi đời sống chúng ta, thì sao? Nếu Thánh thần chỉ đợi chúng ta hết lòng xin vâng để làm cho chúng ta tiến tới trong đường lối của Ngài, thì chúng ta nghĩ sao?

Xin vâng đôi khi dễ dàng vì nó gợi lên những niềm vui sâu xa như niềm vui mà Thánh Phaolô ở trong tù viết thư cầu chúc cho giáo đoàn Philip.

Xin vâng khó hơn đối với một cuộc đời đầy những giờ phút khó khăn, đôi lúc được hạnh phúc an ủi.

Xin vâng khó nhất, lúc đứng dưới chân thập giá, lúc tất cả hình như mất hết. Sự xin vâng của thiếu nữ Ma-ri-a kéo dài không ngừng trong đời sống đau khổ làm Mẹ như thế.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống xin vâng như vậy.

L.P

 

SUY NIỆM 4: Khiêm nhường đón nhận

(TGM. Ngô Quang Kiệt)

Ðọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: "Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta". Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: "Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta". Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: "Thằng bé này dạy được đây". Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Ðọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Ðức Mẹ. Thời Ðức Mẹ, ai cũng mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Ðức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Ðức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Ðức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Ðức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa. Ðức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en, Ðức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Ðức Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Vừa nghe Ðức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ðáp lại, Ðức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Vì khiêm nhường nên Ðức Mẹ hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Ðức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Ðó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Ðức Mẹ theo chương trình của Chúa, Ðức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Ðức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh Ý Thiên Chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

Vì khiêm nhường nên Ðức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa "Xin vâng", Ðức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do-thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Ðức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.

Vì đã thưa "xin vâng", nên Ðức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh Ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Ðấng Cứu Thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Ðức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Ðức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê-su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân Thập Giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Ðức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Ðức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Ðức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa chay là Mùa đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại" đúng địa vị của con người được tạo dựng theo hoạ hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong mọi tương hệ với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ trụ tạo thành là người quản lý. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Ðức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Ðức Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 5: Hai cuộc truyền tin

Hôm nay lễ Mẹ truyền tin. Lời Chúa dẫn đưa chúng ta đến một khung cảnh thật bình dị, ấm cúng nơi mái nhà nhỏ bé miền quê Nagiaret. Nơi đó đã diễn ra một cuộc đối thoại lịch sử giữa sứ thần Chúa và cô thôn nữ Maria. Sứ thần Chúa đã viếng thăm đột ngột. Ðột ngột quá nên chẳng có gì chuẩn bị từ tinh thần đến vật chất đối với cô Maria. Sứ thần thì chủ động - Maria thì bối rối. Lời sứ thần nói như đã được chuẩn bị chu đáo. Còn Maria thì phân vân, đắn đo từng lời. Sứ thần Chúa đã mang đến cho cô một thông điệp thật bất ngờ và quá cao vời. Cao vời đến nỗi cô không dám nghĩ mình được phước đức như vậy? Vì có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ là Mẹ Ðấng Cứu Thế? Có bao giờ phận nữ nhi thường tình như cô lại được giao trọng trách cao quý như vậy? Cô đã không dám tin điều đó. Vì cô cảm thấy mình bất xứng và bất tài. Thế nhưng, sứ thần Chúa đã trấn an cô. Cô được chọn không vì tài năng hay sắc đẹp. Cô được chọn vì cô hằng sống đẹp lòng Thiên Chúa. Từ trời cao Chúa đã nhìn thấy tấm lòng cô. Một tấm lòng thanh khiết vẹn tuyền. Một tấm lòng bao dung độ lượng. Một tấm lòng bác ái yêu thương. Nhưng tất cả những phẩm chất đó vẫn không thể giúp cô hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Cô phân vân và do dự. Vì phận nữ nhi yếu đuối, vì việc phu thê cô chưa bước tới. Sứ thần Chúa đã trấn an cô: "Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Chúa sẽ rợp bóng trên cô". Maria với tấm lòng quảng đại và niềm tín thác sắt son đã thưa vâng để chương trình Thiên Chúa được thực hiện.

Ngược lại, trước đó sáu tháng. Cuộc đối thoại giữa sứ thần và Giacaria cũng diễn ra trong âm thầm, ấm cúng. Sứ thần Chúa cũng đề nghị với Giacaria về việc Thiên Chúa sắp làm nơi ông. Nhưng ông đòi dấu lạ. Lòng tin của ông đòi bằng chứng. Sứ thần Chúa đã để ông câm lặng, như dấu chỉ về những điều mà Thiên Chúa sắp làm cho gia đình ông.

Có thể thấy hai cuộc truyền tin nhưng hai thái độ khác nhau. Maria thì tin vào quyền năng Chúa có thể thực hiện được mọi sự. Giacaria thì hoang mang lo lắng. Maria để Chúa thực hiện theo ý định của Chúa. Giacaria đòi dấu lạ để kiểm chứng. Chính hai thái độ đón nhận sứ điệp khác nhau nên kết quả cũng khác nhau. Maria thì hết lời ngợi khen Chúa. Giacaria thì câm nín. Nhưng dầu trong cách đón nhận nào, thì Thiên Chúa vẫn thực hiện chương trình của mình trong sự cộng tác của con người.

Ðiểm chung của Maria và Giacaria chính là đời sống hằng đẹp lòng Thiên Chúa. Dầu ở hoàn cảnh cô thôn nữ nhà quê hay một tư tế đền thờ. Các ngài đã làm tất cả chỉ để đẹp lòng Chúa. Các ngài đã sống hết mình với bổn phận bằng tình yêu nồng nàn với Chúa và tha nhân. Cuộc sống của các ngài luôn rạng ngời biết bao hy sinh làm nên nhân đức. Các ngài đã sống đẹp giữa dòng đời đến nỗi từ trời cao Thiên Chúa luôn hài lòng về các ngài.

Phải chăng đó cũng là cách sống chung của những người con cái Chúa? Là người ky-tô hữu chúng ta phải lan tỏa hương thơm bác ái cho anh em. Là người ky-tô hữu chúng ta phải sống sao cho người khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ. Khi chúng ta sống hết mình vì Chúa, Chúa sẽ làm tất cả những điều tốt đẹp xuống trên cuộc đời chúng ta, như chính Ngài đã nói: "Các con hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho sau". Ðiều đó Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của Maria, của Giacaria. Khi các ngài sống hết mình phụng thờ Chúa, thì Chúa lại làm biết bao điều cao siêu trên cuộc đời các ngài.

Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng hằng đẹp lòng Thiên Chúa, xin cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta biết thể hiện nhân cách làm con cái Chúa qua đời sống bác ái yêu thương, qua đời sống thanh khiết vẹn toàn như Mẹ. Amen.

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Tạ duy Tuyền)

 

SUY NIỆM 6: Yêu cuộc đời, yêu con người

(Lm Nguyễn Hữu An)

Jacques Duquesne là một văn hào hiện đại của nước Pháp có kể rằng: Trong một cuộc tranh luận ở thư viện ngoại ô Paris, với thành phần tham dự đủ mọi loại người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội và tuổi tác khác nhau, đề tài được bàn đến là Ðức Giê-su. Ðang khi mọi người tranh luận, một thiếu niên Ả-rập giơ tay nói với Duquesne: thưa ông, một con người không thể là Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể là người.

Quả thật đây là vấn đề được đặt ra từ lâu. Không chỉ người thiếu niên Hồi Giáo đặt ra mà suốt hơn 20 thế kỷ qua nhân loại vẫn luôn thao thức. Tin vào một Thiên Chúa thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều làm như vậy. Nhưng tin vào một Thiên Chúa làm người, chấp nhận thân phận con người, không loại trừ bất cứ điều gì chỉ trừ tội lỗi là một điều vượt quá lý trí nhân loại. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá tầm thường, thậm chí không xứng đáng với bản tính thần linh của Ngài như là được cưu mang, được sinh hạ, phải ăn uống ngũ nghỉ, mệt mỏi, vui buồn?

Vậy mà Giáo Hội Ki-tô Giáo hơn 20 thế kỷ qua vẫn kiên trì bảo vệ niềm tin vững chắc của mình vào một Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Trong Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh khi đọc đến câu Tin Mừng Ga 1,14: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" thì mọi người đều quì gối. Trong Lễ Truyền Tin, lúc đọc Kinh Tin Kính, mọi người đều quì gối khi đọc câu "Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Ma-ri-a và đã làm người"

Ðức Giê-su, Thiên Chúa thật, người thật, là một mầu nhiệm thâm sâu. Ðức Hồng Y Henri De Lubac bảo rằng: Mầu nhiệm Nhập thể là nghịch lý của mọi nghịch lý. Văn hào Tertuliano đã xác tín: Tôi tin vì nó phi lý. Thiên Chúa làm người, điều phi lý đối với lý trí nhưng ông đã tin vì Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm người là một nghịch lý, một điều không thể tin được, bởi lẽ, đã là Thiên Chúa thì phải là Ðấng cao cả, tuyệt đối, hằng hữu, bất tử. Ðối với triết lý Hy-lạp, các thần linh thuộc về một thế giới siêu phàm hoàn toàn khác biệt với thế giới phàm nhân. Các thần linh đều bất di bất dịch, bất động vô cảm đối với thế giới vật chất. Còn vật chất là một thực tại xấu xa. Thân xác con người là tù ngục nhốt kín linh hồn và linh hồn tìm cách thoát khỏi tù ngục thân xác để trở về thượng giới. Do đó họ không thể tin nổi một Thiên Chúa yêu thương con người tới mức làm người, sống với con người cách đơn sơ bé nhỏ. Vậy mà niềm tin Ki-tô Giáo lại khẳng định: Ðiều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, dân ngoại cho là điên rồ (1Cr 1,23) thì lại là Niềm Tin căn bản nhất trong giáo lý Giáo Hội: Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

Giáo Hội chọn đọc đoạn Tin Mừng Lc 1, 26-38: Truyền tin cho Ðức Ma-ri-a để nói cho chúng ta về việc nhập thể lạ lùng của Con Thiên Chúa trong cung lòng một trinh nữ. Một trinh nữ thụ thai, sinh con, đồng trinh trọn đời, một giáo lý độc đáo nhất chỉ có trong Ki-tô Giáo. Ðoạn Tin Mừng này được đọc trong các Lễ Ðức Ma-ri-a, nói lên sự thánh hiến tuyển chọn của Thiên Chúa đối với một thụ tạo được đặc ân vĩ đại nhất. Trang Tin Mừng được công bố trong ngày hôm nay muốn hướng chúng ta đến Mầu Nhiệm Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa.

Trong cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáp-ri-en và Ðức Ma-ri-a, chính sứ thần đã nói: "Quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế con bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa". Từ ngữ quan trọng ở đây là "bao trùm lên". Trong Cựu Ước, sách Xuất Hành kể lại: Một đám mây mầu nhiệm bao trùm lên Lều Tạm, nơi dân Do-thái để Hòm Bia Giao Ước; Một giao ước được Thiên Chúa ký kết với Mô-sê trên núi Xi-nai. Hòm Bia, nơi chứa đựng Thập Giới; Xh 40, 34 nói rằng: Bao lâu đám mây còn bao phủ Lều Tạm thì Lều Tạm có Thiên Chúa hiện diện.

Thánh Lu-ca dùng từ "bao trùm lên" không phải là ngẫu nhiên mà là có ý nghĩa thâm sâu. Lu-ca so sánh thân thể Ðức Ma-ri-a với Lều Tạm, nơi đặt Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa. Cung lòng Ðức Ma-ri-a, nơi Ðức Giê-su cư ngụ; Hòm Bia Giao Ước, nơi đặt hai phiến đá ghi 10 Giới Răn của Thiên Chúa, trung tâm Cựu Ước. Vậy khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Ðức Ma-ri-a thì có Thiên Chúa hiện diện trong Ngài. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cung lòng Ðức Ma-ri-a thì vô cùng phong phú hơn làsự hiện của Thiên Chúa trong Nhà Tạm, vì nơi đó Ðức Giê-su bằng xương bằng thịt hiện diện. Quyền năng Chúa Thánh Thần bao phủ và máu thịt Ðức Ma-ri-a tạo nên hình hài Ðức Giê-su. Ðức Giê-su mặc lấy thân xác con người nhờ máu thịt Ðức Ma-ri-a và Người vẫn là Thiên Chúa được Chúa Cha sinh ra từ muôn thuở. Cả hai bài đọc giúp chúng ta hiểu thêm về mầu nhiệm ấy.

Qua lời "Xin Vâng" của Ðức Ma-ri-a, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Nói như Thư Do thái, Ngài đã muốn nên giống anh em mình về mọi phương diện, phải trải qua thử thách và đau khổ, phải nếm sự chết. Ðau thương, thử thách, gian khổ, chết, đó làthân phận con người. Hữu sinh hữu tử. Ðức Giê-su đã chấp nhận sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật như Lời Thánh Phao-lô trong Thư Gl 4,4 thì Người cũng chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thập giá và táng xác như chúng ta đã tuyên xưng trong kinh tin kính. Ðó là niềm tin vững chắc của người Ki-tô hữu hơn 20 thế kỷ qua.

Ðức Giê-su đã sinh ra và đã đi vào lịch sử. Thiên Chúa của chúng ta không phải là vị Chúa Tể xa cách uy nghi ngự chín tầng mây, mà qua, Ðức Giê-su, Người đã trở thành Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân. Chính Người đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và tuyên bố với các học trò mình "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy sẽ cho anh em biết" (Ga 15, 15).

Con Thiên Chúa làm người cũng lớn lên như hàng tỉ con người khác, cũng cần chín tháng mười ngày trong lòng mẹ để khóc chào đời mong manh yếu đuối. Người cũng đã đi hết hành trình cuộc đời với tất cả buốn vui, âu lo trăn trở. Như thế, Con Thiên Chúa làm người dạy cho mỗi người chúng ta yêu mến cuộc đời, yêu mảnh đời bé nhỏ âm thầm đơn sơ của mình. Cuộc đời Ðức Giê-su không chỉ toàn màu hồng. Ngài đã phải long đong với phận nghèo, cũng ê chề vì thất bại chống đối khinh khi, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài vững tin đến cùng vào tình yêu Chúa Cha ngay giữa lúc tối tăm nhất.

Con Thiên Chúa làm người dạy chúng ta yêu mến mọi người. Từ khi Ðức Giê-su mang lấy khuôn mặt con người thì mọi người đều mang khuôn mặt Thiên Chúa. Mọi người đều là anh em trong Ðức Giê-su. Yêu cuộc đời và yêu mọi người là thắp lên ngọn lửa Ðức Tin để sưởi ấm cho xã hội đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa vào con người.

Chính Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 trong Thông Ðiệp Ðấng Cứu Chuộc Con Người đã mạnh mẽ nói rằng: Con người là con đường của Giáo Hội. Con người là đối tượng phục vụ của Giáo Hội.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con yêu mến con người và yêu mến cuộc đời.

 

SUY NIỆM 7: Tôi là nữ tỳ của Chúa

(Lm Nguyễn Cao Siêu SJ)

Suy niệm:

Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.

Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.

Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.

Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.

Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.

Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.

Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy

vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.

Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.

Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?

Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.

Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.

Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.

Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.

Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.

Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.

Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).

Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,

Chị đã hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”

vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).

Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.

Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.

Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao?

Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?

Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.

Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,

yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,

nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.

Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.

Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).

Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.

Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.

Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp,

trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?

 

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,

xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ

tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,

mau quên những nỗi buồn phiền.

Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,

dịu dàng để cảm thông.

Một quả tim trung thành và quảng đại,

không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,

yêu mà không mong được yêu lại,

hân hoan xóa mình đi

để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,

không khép lại trước những kẻ vô ơn,

không chán nản trước người lạnh nhạt.

Một quả tim khắc khoải

lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,

quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,

vết thương chỉ lành

khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

 

SUY NIỆM 8: ĐƯỢC TRUYỀN TIN ĐỂ TRUYỀN TIN

(www.tonggiaophanhanoi.org)

Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria."(Lc 1,26-27)

Suy niệm: "Tin" mà thiên sứ Gáprien "truyền" cho đức trinh nữ Maria chính là chương trình của Thiên Chúa để cứu độ con người. "Tin" ấy Thiên Chúa "đã nhiều lần nhiều cách" truyền dạy qua các ngôn sứ (x. Dt 1,1) mà giờ đây được hiện thân qua chính Người Con nhập thể trong lòng trinh nữ Maria. Đức Maria đã cộng tác bằng việc đón nhận "tin" này với niềm vâng phục của đức tin (x. GLHTCG, 148).

"Được truyền tin" rồi, Mẹ lại tiếp tục "truyền tin" mà Mẹ đã nhận bằng cách ban tặng Đức Giêsu Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta, như Mẹ đã nói: "Người bảo gì, anh em cứ làm theo" (Ga 2,5).

Mời Bạn: Xã hội hôm nay tràn ngập thông tin: tin lành, tin dữ, tin vui không vui, tin thật, tin giả.... Muốn hay không, chúng ta đều "bị" nghe hoặc "được" nghe". Để khỏi là nạn nhân của sự bùng nổ thông tin ấy, chúng ta phải: - biết sàng lọc thông tin và phân định để nhận ra tin lành đến từ Thiên Chúa; - và trở thành tác nhân truyền tin lành của Ngài đến với tha nhân.

Chia sẻ: Bạn đã dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan truyền Tin Mừng cho tha nhân chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn thực hiện sứ mạng "truyền tin" bằng một lời nói hoặc hành động để chuyển thông tin lành của Chúa đến cho tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn nhận ra mình "được truyền tin" để biết sống "truyền tin" như Đức Maria. Amen.

 

SUY NIỆM 9: LỜI "XIN VÂNG" TRONG LỄ TRUYỀN TIN

(GM Gioan Baotixita Bùi Tuần)

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38). Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa. Lập tức sau lời "xin vâng" của Đức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ. Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó "xin vâng" đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa" (Lc 1, 46 – 55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7). Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ. Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng. Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Đức Mẹ là con người mới. Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1, 35).

Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

Do đó, Đức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh. Với đặc điểm là Đức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại. Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa. Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa. Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình. Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình. Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở. Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Đức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu. Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân. Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới. Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Đức Mẹ.

Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta. Ta có lắng nghe ý Chúa không ? Và ta có xin vâng ý Chúa thực không ? Đoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy". "Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy" (Lc 13, 1 – 5).

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa. Đó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình. Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình. Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Đức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

 

SUY NIỆM 10: Chúng ta có để cho Thiên Chúa "truyền tin" cho mình không ?

(Lm Lê Quang Uy, Cssr)

Trước tiên, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy cô thiếu nữ Ma-ri-a không hề ngu ngơ khờ dại, nhắm mắt vâng lời một cách thiếu suy xét. Cô đã có một phản ứng tức thì khi nghe thiên sứ báo tin cô sẽ thụ thai, cô ngỡ ngàng thắc mắc: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"

Xin lưu ý là: cô Ma-ri-a đã phản ứng ngỡ ngàng, chứ không phải là phản đối, phản kháng. Cô chỉ băn khoăn thắc mắc rằng: bằng cách nào mà Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người , sẽ đầu thai để trở thành một bé trai sinh ra từ cung lòng mình ? Lý do thắc mắc ngỡ ngàng của cô thật quá rõ ràng: cô chỉ mới đính hôn với ông Giu-se cơ mà ?

Thiên sứ liền trấn an cô: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà". Thiên sứ còn quả quyết: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Đến đây thì cô Ma-ri-a đã vui mừng và mạnh dạn thốt lên lời Xin Vâng tuyệt vời: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".

Trong phút chốc, cô Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đức Giê-su Ngôi Hai Thiên Chúa. Tất cả chỉ nhờ một lời ngắn gọn, một thái độ vâng phục chan chứa lòng Tin Cậy Mến. Có thể nói, Mẹ đã để cho Thiên Chúa hoàn toàn quyết định hướng đi cuộc đời Mẹ, hầu Mẹ được cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạ

Lời Xin Vâng của Mẹ trở thành một mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Nói mạnh hơn, lời Xin Vâng ấy là một lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại của chúng ta.

Tự do ly dị, phá thai vô tội vạ, cướp bóc bạo lực, đua xe bạt mạng, nghiện ngập xì-ke ma túy, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng, cha mẹ độc đoán hoặc ghẻ lạnh với con cái, con cái nhục mạ hoặc thờ ơ bỏ rơi cha mẹ, học trò đánh đập thầy cô, vợ chồng xô sát với nhau và chiến tranh khủng bố bạo tàn khắp nơi trên thế giới... Hình như con người quá kiêu hãnh về mình, muốn gạt bỏ Ý Thiên Chúa để tự quyết lấy đời mình ! Phần chúng ta thì sao ? Chúng ta được gọi là Ki-tô hữu, tức là chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, là môn đệ của Thầy Giê-su chí thánh, đã và luôn tin cậy phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Vậy chúng ta có mở ngỏ cuộc đời mình cho ý định yêu thương của Thiên Chúa không?

Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng chính mình cũng đang được mời gọi: Hãy để cho Thiên Chúa "truyền tin" cho mình ngay giữa cái thế giới hôm nay đang bùng nổ về thông tin. Và Thiên Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta một bản tin như thế nào ? Phải chăng đó chính là "Tin Mừng", "Tin Vui", "Tin Lành", "Tin Tốt Đẹp", "Tin Bình An", "Tin Hy Vọng" cho mảnh đời đã có quá nhiều "tin buồn, quá nhiều "tin... tức" của chúng ta ? Và một khi nhận được một "Tin Mừng" như thế, chúng ta có sẵn sàng mau mắn thưa Xin Vâng trước mọi biến cố, nhất là những nghịch cảnh trong cuộc sống hôm nay được lồng vào trong, được ẩn dấu trong một nội dung Tin Mừng kỳ diệu của Sự Sống Yêu Thương chăng ?

Chúng ta hãy bắt chước Đức Ma-ri-a để luôn tìm đọc Lời Chúa, để nhẫn nại cầu nguyện trong niềm xác tín rằng: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Có một thiếu nữ người Pháp mà tôi đã lỡ quên mất tên sau khi đọc được câu truyện sau đây trên báo Echo de Lourdes cách đây khoảng 25 năm. Cô ấy bị mắc phải căn bệnh nhũn tủy làm cho bị liệt đôi chân. Cô đã hy vọng rất nhiều khi người ta đề nghị đưa cô tới Lộ-đức để xin ơn Mẹ làm phép lạ. Khi ra về, ai cũng lắc đầu thất vọng vì thấy cô gái không được lành bệnh. Thế nhưng, chính cô thì lại hân hoan tâm sự: "Tôi không hề được Mẹ chữa lành căn bệnh thể xác, chắc là Chúa Giê-su muốn tôi được chia nỗi đau đớn thân xác với Ngài, và tôi đã thưa Xin Vâng như Mẹ... Thế nhưng, Mẹ lại đã chữa lành căn bệnh tuyệt vọng bi quan của tâm hồn tôi... Từ nay, tôi xin được làm Tông Đồ của Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ..."

Và quả thật, cô gái đã trở thành một Tông Đồ nằm trên giường bệnh của những người cũng đang đau khổ bất hạnh như cô đã từng đau khổ bất hạnh. Cô đã viết thư gửi đi để khích lệ niềm hy vọng của những em bé mồ côi, của những người già cô đơn trong Viện Dưỡng Lão, của những thiếu nữ lỡ lầm đang định phá thai, của những người khuyết tật khốn khổ...

Cho đến khi bị liệt cả hai tay, cô đọc người ta viết. Khi không nói được nữa, người ta soạn các lá thư rồi đọc lên cho cô nghe và gật đầu hoặc chớp mắt đồng ý. Và sau khi cô chết, người ta lấy những lá thư đã sao chép và lưu trữ để in thành hàng vạn lá thư khác...

Mới đây, khi tôi được đến giúp Tĩnh Tâm 3 ngày Mùa Chay cho Giáo Xứ Tử-đình ở Gò-vấp, tôi lại gặp được một bạn trẻ cũng bị căn bệnh Nhũn Tủy giống như cô gái nói trên. Đó là bạn sinh viên năm thứ hai Đại Học khoa Tin Học tên là Phạm Ngọc Quỳnh. Tôi đã mời cả gia đình Quỳnh cùng tôi cầu nguyện ngay bên giường bệnh của bạn ấy...

Và tôi đã nhìn vào đôi mắt bừng sáng đầy nghị lực quả cảm của bạn ấy. Và tôi đang cầu nguyện thật lòng xin Thánh Ý Thiên Chúa tỏ bày, để một hôm nào đó tôi sẽ mạnh dạn ngỏ lời đề nghị với bạn Quỳnh cũng chọn công việc Tông Đồ khiêm tốn mà hiệu quả tuyệt vời như cô gái người Pháp đã làm.

Nếu được, xin các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên hãy đến thăm bạn Quỳnh ở số nhà 2/16 đường Thống Nhất, tổ 75, phường 15, quận Gò-vấp, hoặc điện thoại số 9.961.554. Tôi hy vọng, cả tôi lẫn các bạn có thể sẽ là những "sứ giả", những "thiên thần" được Thiên Chúa gửi đến cho Quỳnh và cho biết bao nhiêu bạn trẻ khác, cho biết bao nhiêu con người khốn khổ bất hạnh khác đang sống quanh chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta...

Thế đấy, mỗi ngày, mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều như văng vẳng một lời "Truyền Tin" của Thiên Chúa thông qua một "sứ giả", một "thiên thần" nào đó ngay bên chúng ta. Có thể đó sẽ là một lời mời gọi chúng ta hãy cộng tác với một chương trình mầu nhiệm hoặc một kế hoạch kỳ diệu nào đó của Thiên Chúa như đã từng xảy đến cho Đức Ma-ri-a. Chúng ta chỉ cần khiêm tốn thưa Xin Vâng với Thiên Chúa. Còn mọi sự sau đó, hãy cứ tin rằng: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

Được như vậy, thật sự chúng ta sẽ là những người có phúc, xứng đáng được chào bằng lời chào ngày xưa thiên thần đã kính chào đức Ma-ri-a: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà".

 

SUY NIỆM 11: MỘT ĐỜI XIN VÂNG

(Lm Giuse Đinh lập Liễm)

I. NGÀY LỄ TRUYỀN TIN

1. Việc chọn ngày lễ

Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.

Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ "Ngôi Lời nhập thể" từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.

Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng "Lễ Truyền Tin" vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm "con Đức Trinh nữ" và lễ Đức trinh nữ là "Mẹ Thiên Chúa".

Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.

Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người"(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

2. Quang cảnh Truyền tin

Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: "Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao".

Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể".

Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền".

Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Truyện: Thị kiến của thánh Catarina Emmerrich

Một hôm, Chúa cho bà thánh Catarina Emmerrich được xem thấy quang cảnh ngày lễ Truyền Tin.

Theo bà thuật lại: Ngày 23 tháng 3, tôi thấy Đức Mẹ quỳ ngay ở chỗ phòng tôi, đầu và mặt phủ một khăn trắng mỏng, hai tay búp măng chắp trước ngực, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía góc trời, rồi tôi thấy một luồng ánh sáng đổ xuống bên tay hữu Đức Mẹ; và trong luồng sáng trong tốt đó, tôi thấy Thiên thần Gabriel, y phục trắng toát, tóc hoe hoe và phất phới. Đoạn một tiếng chào của Thiên thần làm tan làn không khí im lặng.

Nghe tiếng chào mình, Đức Mẹ có vẻ sợ sệt, hơi nghiêng về phía tả, song con mắt vẫn đăm đăm nhìn về góc trời, chứ không quay hẳn về phía tiếng chào, và cầm trí nghe lời thiên thần - mỗi lời thiên thần nói như nhả ra từng dòng chữ lửa.

Sau khi đã hiểu ý câu truyện, Đức Mẹ xoay mình lại, mở hé khăn trùm, khiêm tốn trả lời rằng: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền".

Quang cảnh tới đây hạ màn.

 

II. VÀI SUY TƯ TỪ LỄ TRUYỀN TIN

1. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.

Trước việc sinh con mà vẫn còn đồng trinh, Maria thắc mắc và hỏi lại sứ thần: “Việc ấy xẩy ra cách nào được, vì..."? Sứ thần liền đáp: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể" (Lc 1,37).

Câu trả lời của sứ thần nói lên quyền năng của Thiên Chúa, Ngài sáng tạo muôn vật từ hư vô, quyền năng Ngài không giới hạn. Quyền năng của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với yêu thương, nên trong lịch sử cứu độ, Ngài luôn đi bước trước trong sáng kiến yêu thương con người. Chỉ với bài Tin mừng hôm nay thôi cũng đủ thấy sáng kiến táo bạo của Ngài.

Thiên Chúa lại muốn trở thành một con người, đó là sang kiến táo bạo thứ nhất. Hơn thế nữa, không muốn đột nhiên xuất hiện cách phi thường mà lại muốn làm người con bình thường sinh ra bởi một người nữ như bao nhiêu người khác. Đây chẳng phải là sáng kiến táo bạo thứ hai sao ?

Táo bạo và kỳ diệu hơn nữa đã làm phát sinh sáng kiến thứ ba thật tuyệt vời và mầu nhiệm, đó là: người phụ nữ ấy lại đồng trinh trước và sau khi sinh con. Thực ra, không có gì Thiên Chúa không làm được. Một Vị Thiên Chúa mà còn làm con người được, thì chuyện bảo vệ sự đdồng trinh cho Đức Maria trước và sau khi sinh thì có nghĩa lý gì đâu ?

Cũng vậy, nếu sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các Tông đồ trong lúc cửa vẫn đóng kín, thì việc Ngài hạ sinh mà tấm lòng băng trinh của Mẹ Maria vẫn còn nguyên vẹn lại không được chấp nhận sao ? Quả thật, không có gì Thiên Chúa không làm được. Điều đó mời gọi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng có thể có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động nơi chúng ta.

2. Thiên Chúa cần con người cộng tác

Nhưng có một điều mà "Thiên Chúa không làm được", đó là "Thiên Chúa không thể cứu độ con người nếu con người không cộng tác với Ngài". Lời quả quyết này có vẻ nghịch thường, nhưng nội dung bài Tin mừng hôm nay là như thế. Thiên Chúa không làm được không phải vì quyền năng Ngài bị giới hạn, nhưng vì yêu thương, tôn trọng tự do của con người nên Ngài không làm được những điều mà con người không cộng tác.

Mặc dù Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể ép buộc Maria phải làm theo ý định của Ngài vì Ngài có khả năng làm như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn. Điều Ngài muốn là thấy Maria tự nguyện đáp lại ý muốn của Ngài vì Thiên Chúa yêu thích những ai cho một cách vui lòng.

Ôi ! Thiên Chúa nhân từ dườg nào ! Một Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối mà lại phải đi hỏi ý kiến của một thiếu nữ nhỏ bé, quê mùa, và lo lắng chờ đợi trước quyết định của cô, dù nó là một đặc ân cao cả, mà nếu chấp nhận thì sẽ có lợi cho toàn thể nhân loại và riêng cho thiếu nữ nữa.

Truyện: Chiếc đồng hồ báo thức

Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm một chỗ ở xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:

- Chiếc đồng hố ấy hoàn toàn vô dụng đối với con.

- Nó vô dụng là vì con không dùng nó. Mẹ anh đáp.

Qua câu truyện trên, chúng ta thấy rằng trong cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta muôn vàn ơn, nếu chúng ta không biết sử dụng thì nó cũng trở nên vô dụng đối với chúng ta.

3. Lời Fiat của Đức Maria

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".

Bình luận về câu trả lời trên, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexicô City đã nói: “Virgo fidelis: Đức Nữ trung tín thật thà. Đức trung tín của của Maria nghĩa là gì ? Trung tín bao gồm chiều kích gì ?

- Chiều kích thứ nhất là tìm kiếm. Trước hết, Maria tỏ ra trung tín khi Ngài bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet ? Sự việc xẩy ra như thế nào ? Ngài hỏi sứ thần Truyên Tin ( ...).

- Chiều kích thứ hai của trung tín gọi là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet ? trên môi Maria chuyển thành một lời fiat: Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Đây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ "như thế nào"; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa rõ ràng; cho dù có ra sức phấn đấu đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc ( ...)

- Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo nhừng điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với mục tiêu mình theo đuổi. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn là ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm thì một nẻo, điều này gọi là tính kiên định.

- Tuy nhiên mọi sự trung tín đều phải trải qua cuộc thử thách khốc liệt nhất: sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thủy chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì trong suốt cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trong. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung.. Lời thưa "Fiat": xin vâng của Đức Maria trong buổi truyền tin trở nên viên mãn trong tiếng fiat xin vâng âm thầm mà Mẹ lặp lại dưới chân Thập giá (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexico City, 26 tháng 01 năm 1979).

Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các thánh Giáo phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại.

Truyện: Tờ giấy và cây viết

Nhắc đến ông Leonard de Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phát minh khoa học và những bức họa tuyệt diệu của ông. Nhưng để giải trí, ông còn sưu tầm những truyện cổ tích, hay đặt ra những truyện mới, như câu truyện sau đây về cuộc đối đáp tưởng tượng của tờ giấy trắng và cây viết.

Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau: "Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm nhục tôi thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi".

Nhưng cây viết trả lời: “Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con ngưởi, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người".

Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó mà nay đã trở thành vàng đục, già cỗi và đầy bụi bặm mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sương vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.

Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định của Thiên Chúa là ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hnạh phúc.

Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như như một tờ giấy trắng trước cây viết.

Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại". Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là "Mẹ kẻ sống", và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống" (Lumen gentium, số 56).

 

SUY NIỆM 12: Suy niệm lễ Truyền Tin Thiên Chúa Nhập Thể ( Lc 1, 26-38)

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Lễ Truyền Tin là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48). Thánh Augustinô viết : " Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn "(x. Bài giảng 69, 3, 4).

Hôm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm cao cả tuyệt vời đã hoàn tất cách đây hơn hai ngàn năm. Sự kiện ấy diễn ra trong không gian và thời gian : " Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria "(Lc 1 , 26-27). Tuy nhiên, để hiểu được những gì đã xảy ra tại Nagiaret hơn ngàn năm về trước, chúng ta lần dở lại Thư gửi tín hữu Do thái. Bản văn này thuật lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Cha và Chúa Con về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. " Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội ". Nên tôi nói : " Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa " (Dt 10, 5-7). Như thế, vì vâng ý Chúa Cha, Ngôi Lời đến đã đến cư ngụ giữa chúng ta, dâng chính thân mình làm của lễ hy sinh vượt trên mọi hy lễ đã dâng trong Cựu Ước. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu là lễ vĩnh viễn và hoàn hảo cứu chuộc thế gian.

Kế hoạch của Thiên Chúa dần dần được thể hiện trong Cựu Ước, lời tiên tri Isaia là bằng chứng : " Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Immanuel " (Is 7, 14). Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi thời gian tới hồi viên mãn như đã báo trước, những lời trên được thực hiện, ngày hôm nay chúng ta cử hành với hạnh phúc và niềm vui.

Từ Abraham đến Đức Maria

Hành trình truyền tin khởi đi từ Abraham "cha chúng ta trong đức tin" (x. Rm 11, 12). Đưa chúng ta về Nagiaret, gặp Đức Maria nữ tử Sion thuộc dòng dõi Abraham. Hơn ai hết, Đức Maria là người có thể dạy cho chúng ta sống đức tin với " Cha chúng ta."

Abraham và Đức Maria, cả hai đều nhận được từ Thiên Chúa lời hứa tuyệt hảo. Abraham sẽ trở thành cha một cậu con trai, sinh ra một quốc gia vĩ đại. Đức Maria sẽ trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu của Chúa. Sứ thần Gabriel nói , "Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai [...] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người [...] và triều đại Người sẽ vô tận " (Lc 1, 31-33) .

Lời hứa của Thiên Chúa đến với Abraham và Đức Maria thật bất ngờ, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày và đảo lộn những trật tự bình thường của hai đấng. Lời hứa ấy là hoàn toàn khổng thể đối với Abraham và Đức Maria. Sara vợ của Abraham đã lão, Maria còn trinh nữ nên đã thưa với Thiên Thần : " Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam " (Lc 1, 34).

Lời "xin vâng" của Abraham và Đức Maria

Cả Abraham và Đức Maria đều được yêu cầu trả lời "xin vâng " cho một điều mà từ trước tới nay chưa từng thấy thế bao giờ. Sara, người đàn bà son sẻ đầu tiên trong Kinh Thánh thụ thai bởi ân sủng quyền năng của Thiên Chúa, giống như người phụ nữ sau cùng là bà Elizabeth. Thiên Thần Gabriel nói về Elizabeth để trấn an Đức Maria : "Này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già " (Lc 1, 36).

Như Abraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong đêm tối, tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi Maria. Tuy nhiên, câu hỏi " việc đó xảy ra thế nào được ? " chứng tỏ Đức Maria đã sẵn sàng thưa " xin vâng " bất chấp mọi hoàn cảnh. Maria không đặt câu hỏi liệu lời hứa có được thực hiện hay không, nhưng chỉ hỏi việc đó xảy ra thế nào và đã thưa : "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền" (Lc 1, 38). Với những lời trên, Đức Maria chứng tỏ mình là nữ tử thuộc dòng dõi Abraham đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của tất cả các những người tin.

Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm này, chúng ta nhìn lại hành trình của Abraham khi đón ba vị khách lạ vào nhà mình (x. St 18, 1-5) ông đã nhận được lời hứa. Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu ấy báo trước buổi Truyền Tin cho Đức Maria. Sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lôi kéo Mẹ. Nhờ lời thưa "xin vâng" của Đức Maria tại Nagiaret mà mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất cuộc gặp gỡ của Abraham với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hát mừng người nữ "đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian" (Hymne Ave Regina Caelorum).

Chúng ta xin gì cùng Mẹ Thiên Chúa ?

Chúng ta cầu xin cho mọi người trong Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này được đối mới về đức tin, không chỉ chung chung, nhưng là một đức tin có ý thức và can đảm tuyên xưng như vẫn đọc trong Kinh Tin Kính : "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người ".

Tại Nagiaret, Chúa Giêsu " đã ngày càng tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta" (Lc 2 , 52). Chúng ta xin Thánh Gia để bảo vệ tất cả các gia đình khỏi các mối đe dọa hiện nay đang đè nặng trên các gia đình. Chúng ta phó thác cho Thánh Gia tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ sự sống và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá con người. Chúng ta phó dâng cách riêng các gia đình trên thế giới cho Mẹ Maria.

Tại Nagiaret, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, chúng ta xin Đức Maria giúp Hội Thánh rao giảng "Tin Mừng" khắp mọi nơi. Trong "Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình", chúng ta xin xin Mẹ dạy chúng ta con đường khiêm tốn, vâng phục và niềm vui Phúc Âm để phục vụ anh chị em.

Ước gì trên hành trình dương thế, có Mẹ Maria đồng hành, nhờ lời " xin vâng" của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại. Chúng ta có thể thư " xin vâng" với Chúa Kitô, ngõ hầu toàn thể nhân loại "giao hòa với Thiên Chúa." Amen.

 

SUY NIỆM 13: ƠN CỨU CHUỘC NGANG QUA SỰ VÂNG PHỤC

(Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

(Is 6, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể. Nói cách khác, hôm nay, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Qua biến cố vĩ đại này, tinh thần phụng vụ hướng chúng ta về hai mẫu gương vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria, đồng thời cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria để sống sự vâng phục trong cuộc sống đạo hôm nay.

1. Vâng phục để cứu độ

Khi nói đến sự vâng phục, chúng ta nhớ ngay đến đoạn Kinh Thánh mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Philípphê, ngài viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” ( Pl 2, 6-7).

Sự vâng phục này là khởi đầu của nguồn ơn cứu độ, vì nếu Đức Giêsu không vâng phục Thiên Chúa để trở thành Đấng Emmanuen, nhằm cứu chuộc nhân loại tội lỗi, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải chọn con đường khác. Tuy nhiên, con đường tự hủy mà Đức Giêsu đã chọn là con đường tuyệt vời nhất, bởi vì nó diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Điều này đã được thánh Gioan nhắc đến, ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Sự vâng lời của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện, vì thế, Ngài đã nói: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” Tv 39, 8a – 9a) ; hay: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4,34 ). Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ đến muôn ngàn đời. Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài đã vâng lời và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự và đã chấp nhận đổ máu mình ra nhằm cứu chuộc con người.

Chính vì sự vâng phục này, mà nhân loại đón nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.

2. Vâng phục để đồng công cứu chuộc

Khi nói đến sự vâng phục của Đức Giêsu, chúng ta không thể không nói đến sự vâng phục của Đức Maria. Mặc dù phụng vụ canh tân ngày nay không còn tập trung nơi Đức Maria như trước kia vào thời Trung Cổ. Tuy nhiên, khi nói đến ơn cứu chuộc của Đức Giêsu nhờ sự vâng phục mà có, thì Giáo Hội cũng luôn đề cao sự cộng tác của Mẹ Maria trong công cuộc ấy cũng bằng chính sự vâng phục nơi Mẹ.

Sự vâng phục của Mẹ Maria được đánh giá rất cao trọng, bởi vì khi Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa, kế hoạch riêng tư của Mẹ hoàn toàn sang trang và chuyển hướng khác, để nhường cho chương trình và ý định của Thiên Chúa trên toàn thể nhân loại.

Nói như thế, là vì Đức Mẹ ngay từ khi còn nhỏ đã khấn giữ mình đồng trinh để thuộc trọn về Chúa và phụng sự Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại có chương trình riêng cho người thiếu nữ Sion này, đó là muốn Mẹ nhận lời và cưu mang Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại.

Biết được ý định ngàn đời của Thiên Chúa, nên sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà,vì thế,Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35 ), Mẹ Maria đã mau mắn trong tự do để thưa lên với Thiên Chúa ngang qua sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Nhờ hai tiếng xin vâng của Mẹ, nhân loại tràn đầy niềm hân hoan, vì từ nay, Con Thiên Chúa đã đến và ở với loài người.

Khi chọn Mẹ Maria, người thiếu nữ Sion để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã khai mở một kỷ nguyên mới, thiết lập một dân tộc mới thay thế cho dân cũ đã bị cái chết bao phủ do tội bất tuân của Evà. Từ nay, muôn đời sẽ khen Mẹ diễm phúc, vì từ cung lòng Mẹ đã cưu mang Đấng là Nguồn Ơn Cứu Độ, Nguồn Mạch Sự Sống.

Cũng chính lời xin vâng này, mà cuộc đời của Mẹ đã kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trọn vẹn. Mẹ đã trở thành Đấng đồng công cứu chuộc với Con Chí Ái của mình.

3. Người Kitô hữu sống tinh thần vâng phục

Sứ điệp Lời Chúa và tinh thần phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho sự vâng phục trong đời sống đức tin hằng ngày của mỗi người.

Nếu trước kia, nơi Đức Giêsu, Ngài đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để vâng phục Thiên Chúa Cha qua việc đến trần gian trong thân phận là một con người nhằm cứu chuộc nhân loại; và nếu Mẹ Maria khi vâng lời Thiên Chúa và sẵn sàng để cho thánh ý của Người được thực hiện, thì đến lượt chúng ta, nếu muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa trong lòng Giáo Hội hôm nay, thiết nghĩ con đường tự khiêm tự hạ và vâng phục trong lòng mến của Đức Giêsu và Mẹ Maria chính là lựa chọn của chúng ta.

Tuy nhiên, với sự yếu đuối của con người và với những trào lưu hiện sinh của nhân loại ngày nay, chúng ta rất khó có thể vâng phục, nhất là sự vâng phục của đức tin!

Nhiều khi chúng ta biện hộ cho việc bất tuân của mình bằng những chuyện như: vâng phục là mất tự do; vâng phục làm cho con người bị lệ thuộc. Hiểu theo nghĩa tâm lý hay triết học thì thật đúng như vậy. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đức tin dưới ánh sang Lời Chúa thì không phải vậy, bởi vì: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi” (SGLHTCG. Số 1733).

Thực tế cho thấy, những ai trung thành với Chúa, người đó đạt tới đích trong sự viên mãn. Những ai biết gắn bó cuộc đời của mình với Thiên Chúa trong sự vâng phục, cuộc sống của người ấy vui tươi bình an và hạnh phúc.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con chính người Con Một duy nhất của Cha đến trần gian qua cung lòng Mẹ Maria, để chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc của Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Xin Cha ban cho chúng con biết noi gương Con Một Cha và Đức Trinh Nữ Maria để sẵn sàng hiến dâng cuộc đời của mình trong sự vâng phục nhằm cộng tác vào công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay. Amen.

 

SUY NIỆM 14: XIN VÂNG

(Logos năm B)

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, khi được tấn phong giám mục, lúc bấy giờ còn mang tên là Roncalli, ngài đã lấy khẩu hiệu : “Vâng Phục và Bình An”.

Ngài kể lại sở dĩ ngài chọn khẩu hiệu đó vì khi còn là học sinh, chiều nào ngài cũng thấy Hồng Y Daronius già cả đi qua công trường thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, vị hồng y ấy đều lấy một ít tiền tặng cho những người nghèo đang ở đó. Sau đó, ngài vào đền thờ thánh Phêrô, đến ngay trước tượng thánh Phêrô và hôn chân ngài, rồi đọc lớn tiếng : “Vâng Phục và Bình An”. Đọc xong, vị Hồng Y khả kính đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về.

Hình ảnh cao đẹp và lời nói đanh thép ấy đã in sâu vào lòng Đức Roncalli, nên ngài đã chọn câu ấy làm tâm niệm và đã thực hiện trong suốt cuộc đời.

Khi chọn “Vâng Phục và Bình An” là tâm niệm của cuộc đời một vị giám mục, một vị giáo hoàng, các ngài đã noi theo lời tâm niệm “xin vâng” của Mẹ và hơn thế nữa, là con đường sống của Mẹ Maria. Lời “Xin vâng” là một lời quyết định để Mẹ Maria được cất nhắc lên một địa vị cao sang : Mẹ Thiên Chúa. Lời “xin vâng” đã làm thay đổi tất cả cuộc đời Mẹ và là yếu tố quyết định của chương trình cứu độ.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, sứ thần Gabriel đã được sai đến để báo tin vui cho Mẹ Maria : Mẹ sẽ trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Đứng trước một biến cố quá bất ngờ, một sứ mệnh quá lớn lao, Mẹ Maria bối rối và xao xuyến trong lòng. Sứ thần Gabriel đã giải thích để Mẹ Maria thấu hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sau khi nghe sứ thần giải thích, Mẹ Maria đã thưa lời xin vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.

Lời “xin vâng” của Mẹ Maria

Lời xin vâng của Mẹ Maria chính là khởi đầu cho Mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Thật vậy, Chúa Giêsu không đến trần gian như một thiên thần, hay như một vị thần siêu việt. Và Chúa cũng không muốn cứu chuộc trần gian mà không đổ một giọt máu nào. Trái lại, Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc loài người. Chúa thực sự là người như mọi người chúng ta. Chúa đã tiếp nhận bản tính nhân loại nơi cung lòng Mẹ Maria.

Lời “xin vâng” của Mẹ Maria cũng là khởi đầu cho địa vị cao cả của Mẹ : đó là được trở thành Mẹ Thiên Chúa. Lời “xin vâng” cũng gắn liền với những ân huệ khác của Mẹ : trọn đời đồng trinh, vô nhiễm nguyên tội, hồn xác về trời.

Như thế, nhờ lời “xin vâng”, Mẹ Maria thực sự “có phúc hơn mọi người nữ”. Lời “xin vâng” đã mang đến một “Tin Mừng” lớn lao cho toàn thể nhân loại. Và đặc biệt là cho mỗi người chúng ta : qua lời “xin vâng”, không những Mẹ Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, mà Mẹ còn là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của mọi người chúng ta. Chính lời “xin vâng” đã làm nên tình mẫu tử thiêng liêng giữa Mẹ Maria và nhân loại. Lời “xin vâng” như nhịp cầu đưa chúng ta bước vào cung lòng hiền mẫu của Mẹ Maria.

Lời “xin vâng” của người tín hữu hôm nay

Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sau lời “xin vâng”, Mẹ Maria đã phó thác tất cả đời mình trong bàn tay từ ái của Thiên Chúa, để Người toàn quyền định đoạt số phận của mình. Mẹ Maria chỉ còn biết vâng theo ý Chúa hoàn toàn.

Mẹ Maria cũng là người như chúng ta. Mẹ cũng có những ước vọng riêng mong đạt tới. Mẹ cũng có những chương trình cá nhân cần hoàn thành. Nhưng đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã từ bỏ chính mình để đáp lại bằng lời “xin vâng”. Mẹ đã sẵn sàng từ bỏ con đường riêng của mình để đi vào con đường Thiên Chúa sắp đặt. Đó chính là nét đẹp tuyệt vời của hai chữ “xin vâng”.

Hôm nay, Chúa vẫn đang cần những lời “xin vâng” của chúng ta, đang cần sự cộng tác của chúng ta để tiếp tục những gì Ngài làm còn dang dở. Ngài muốn dùng chúng ta như những khí cụ trong bàn tay Ngài. Chúa vẫn muốn nhìn bằng đôi mắt của ta, yêu thương bằng trái tim của ta, làm việc bằng đôi tay của ta và bước đi bằng đôi chân của ta.

Trong ngày lễ Truyền Tin, hơn bao giờ hết, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu để chiêm ngưỡng lời “xin vâng” tuyệt hảo của Ngài. Là một vị Thiên Chúa cao cả, nhưng Ngài đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã hủy bỏ mình ra không, đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Phil 2, 6-8).

Bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Do Thái, cũng nhắc đến sự vâng phục của Chúa Giêsu trước thánh ý Chúa Cha. Cũng thế, cả cuộc đời Chúa Giêsu chính là một lời “xin vâng” kéo dài : từ hang đá Bêlem đến đỉnh Núi Sọ, Chúa Giêsu luôn thi hành thánh ý Cha trong mọi giây phút của cuộc đời. Ngài chấp nhận uống chén đắng hơn là khước từ ý Cha.

Chớ gì lời “xin vâng” của Mẹ Maria sẽ dẫn đưa chúng ta đến lời “xin vâng” của Chúa Giêsu, và từ đó giúp ta cũng bắt chước các Ngài để luôn thưa lời “xin vâng” trong cuộc sống hằng ngày, thay cho những lần chúng ta “nói không” trước Thiên Chúa và anh em mình.

Ngày 08/7/1903, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII từ trần. Đức Hồng Y Sartô phải đi vay tiền mua vé xe lửa về Rôma họp mật nghị bầu Giáo Hoàng. Kết quả cuộc bầu cử: Đức Hồng Y Sartô đắc cử Giáo Hoàng. Đức Hồng Y niên trưởng đến trước mặt Hồng Y Sartô hỏi :

 Nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi tiến cử ngài làm Giáo Hoàng, ngài có chấp nhận không ?

Sau giây phút yên lặng với giòng nước mắt tuôn trào, Đức Hồng Y Sartô nghẹn ngào trả lời:

 Ước gì con không phải uống chén này, nhưng mong sao ý Chúa được nên trọn.

Thấy câu trả lời chưa rõ, Đức Hồng Y niên trưởng hỏi lại lần nữa. Lúc bấy giờ ngài đã trả lời:

 Con xin nhận như một thánh giá Chúa trao phó.

Qua lời “xin vâng” đầy nước mắt ấy, Đức Giáo Hoàng Piô X chính thức nhận sứ vụ Thánh Phêrô và đã trở thành một vị thánh Giáo Hoàng, đem đến cho Giáo Hội biết bao sự đổi mới, canh tân.

Mỗi ngày, khi đọc kinh Truyền Tin, chúng ta lặp lại lời “xin vâng” của Mẹ Maria. Chính lời kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta cũng hãy noi theo Mẹ Maria để luôn vâng theo ý Chúa trong mọi trạng huống cuộc đời. Con đường “xin vâng” là con đường ngắn nhất giúp ta đạt tới sự trọn lành và nhờ vậy, đạt được hạnh phúc Nước Trời mai sau.

 

SUY NIỆM 15: LÒNG KÍNH SỢ VÀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính một trong những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử ơn cứu độ. Biến cố sứ thần của Thiên Chúa truyền tin cho Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

1- Lễ Truyền tin như anh chị em vẫn thấy luôn được cử hành lồng vào trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh. Và nếu anh chị em để ý một chút thì chúng ta thấy cách đây một tuần Giáo Hội cho chúng ta mừng kính lễ thánh Giuse. Tại sao Giáo Hội lại cho mừng hai lễ này trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh như thế? Chắc phải có lý do của nó. Giáo Hội là người mẹ rất khôn ngoan. Giáo Hội muốn đưa ra những tấm gương cụ thể để cho con cái của mình biết phải sống như thế nào trong Mùa Chay và Mùa Phục sinh. Cũng như trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, hai hình ảnh đặc biệt được Giáo Hội coi như mẫu mực là Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Mẹ Maria, thì trong mùa Chay và Mùa Phục sinh Giáo Hội cũng đưa ra hai khuôn mặt mẫu mực như thế. Thay vì Thánh Gioan Tẩy Giả thì là Thánh Giuse và vai trò của Đức Mẹ thì chắc là không bao giờ có thể thiếu. Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta có dịp để suy gẫm về Người.

2- Nói về Đức Mẹ như lời thánh Bênađô thì “chẳng bao giờ cho đủ”. Mỗi lần nói về vai trò của Đức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa thì chúng ta thường hay nghĩ đến cách thức Chúa thực hiện những việc lạ lùng nơi con người của Đức Mẹ hơn là nghĩ đến những yếu tố đặc biệt khiến Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn. Thậm chí chúng ta còn thấy nhiều nhà tu đức còn cho là Thiên Chúa luôn có quyền làm theo ý muốn của mình. Họ cho rằng việc Thiên Chúa chọn một người phụ nữ quê mùa, nghèo khó để làm Mẹ Thiên Chúa là cốt ý để làm bẽ mặt những kẻ quyền thế, giàu có sang trọng ở trong thế gian.

Tôi không phủ nhận ý kiến đó. Thế nhưng đối với tôi nếu chỉ nghĩ về Thiên Chúa như thế thì chưa đủ. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng hành động khác thường. Có những lúc Ngài cũng hành động theo những qui luật bình thường. Khi nói thế, tôi muốn nói tới những lý do khiến Chúa đã đặc biệt để ý đến Đức Mẹ và tuyển chọn Ngài vào một công tác rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Người.

Thế thì Đức Mẹ đã có những yếu tố nào để Thiên Chúa làm như vậy? Tôi thấy nơi Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan trọng này:

Trước hết đó là lòng kính sợ Thiên Chúa.

Thứ đến là sự khiêm nhường.

a- Lòng kính sợ Thiên Chúa.

Sách Thánh vịnh nói: “Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan” (Tv 111,10). Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.

+ Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Chúa. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Grabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần.

+ Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa.

  • Trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập
  • Trong việc đưa Chúa Giêsu trở về
  • Nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha.

b- Đức tính đặc biết thứ hai của Đức Mẹ đó là lòng khiêm nhường.

Các nhà tu đức học đều coi “Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức”. Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này:

– Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc “quân vương” làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém…

– Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.

“Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tì hèn mọn” (Lc 1,48)

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49)

Vâng tất cả là bởi Thiên Chúa.

“Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường – Thiên Chúa đã ban đầy dư cho những kẻ nghèo, còn người giàu có thì Người đuổi về tay không” (Lc 1,48).

Phải có một lòng khiêm nhường thật thẩm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Eva thuở xưa mới có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn điạ đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo.

Trong thi tập: “Người Làm Vườn”. Thi hào Tagore của Ấn Độ đã ca ngợi người đàn bà như sau:

Hỡi người đàn bà!

Người không chỉ là tuyệt tác của Thượng Đế.

Người còn là công trình của con người.

Chính con người vẫn mãi mãi tiếp tục tô điểm cho người bằng tâm tình của họ.

Các thi sĩ dệt cho người một mạng lưới của những vần thơ óng ả.

Các hoạ sĩ mặc cho người một chiếc áo choàng bất tử.

Biển khơi dâng hiến cho người ngọc ngà châu báu.

Người thợ mỏ mang vàng đến cho người.

Người làm vườn ôm ấp vỗ về người bằng muôn hoa cỏ đồng nội.

Khát vọng của lòng người đã trải dài vinh quang của họ trên tuổi xuân của người.

Hỡi người đàn bà!

Người một nữa là đàn bà, một nữa là mộng mơ.

Anh chị em thân mến.

Những vần thơ trên đây đáng được dành riêng để ca tụng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Nhưng có lẽ trên trần gian này không có lời nào có thể làm hài lòng Mẹ cho bằng chính lời của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Mẹ Maria tuyệt mỹ, bởi vì Mẹ giống Chúa Con. Mẹ giống Chúa Con là bởi vì cả cuộc sống lúc nào Mẹ cũng tuân theo thánh ý Chúa. Trước khi được liên kết với Chúa Giêsu bằng máu mủ ruột thịt, Mẹ đã được liên kết với Ngài bằng hai chữ “xin vâng”.

Lạy Mẹ, chúng con được gọi Mẹ bằng chính âm thanh của Chúa Giêsu đã từng gọi trong suốt cuộc đời của Ngài. Mẹ được Chúa Giêsu gọi bằng mẹ không những vì đã sinh ra Ngài mà còn bởi vì đã sống vâng phục như chính Ngài.

Xin mẹ hãy phù giúp chúng con biết nhìn ngắm Mẹ và nhờ đó mỗi ngày một trở nên giống Con Mẹ hơn. Amen.

 

SUY NIỆM 16: XIN VÂNG

(Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn)

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta họp nhau nơi đây để cử hành trọng thể lễ Truyền Tin. Trước đây, vào thời Trung cổ và Cận đại, vì lòng yêu mến Đức Maria, người ta nhấn mạnh đến việc Truyền Tin cho Đức Maria, và cho rằng lễ này là lễ trọng về Đức Maria. Đây là một sự lầm lẫn làm biến dạng ý nghĩa ban đầu của ngày lễ. Chính vì thế, phụng vụ canh tân sau Công đồng Vatican 2 đã quay trở lại ý nghĩa nguyên thuỷ của ngày lễ, đó là ngày lễ được Giáo Hội lập ra để kính nhớ một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo chúng ta, mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa như câu xướng trước Phúc Âm nói rõ: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Nếu như mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta bài học về sự hiệp nhất trong tình yêu, và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô ghi khắc vào tâm trí chúng ta hình ảnh sống động về một tình yêu tự hiến, thì mầu nhiệm Nhập Thể hôm nay là một mẫu gương cho chúng ta về sự vâng phục.

Sự vâng phục của Đức Kitô:

Trước hết, đó là sự vâng phục của Đức Kitô. Đây là một sự vâng phục căn bản và nền tảng để nhờ đó công trình cứu độ được khởi đầu. Sự vâng phục này đã được thánh Phaolô tóm tắt rất hay trong một ca vãn gởi tín hữu thành Philip: “Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa… Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!” (Pl 2, 6-8). Như thế, người con mà Đức Maria sắp sinh ra không những là con của Mẹ trong tư cách là một con người, nhưng còn là Con Thiên Chúa như lời thiên sứ truyền tin: “Đấng Bà sẽ sinh ra là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Hay nói theo cách nói của phụng vụ qua các lời nguyện trong Thánh lễ hôm nay, thì người con đó vừa là “Thiên Chúa thật và là người thật”. Như thế, việc Nhập Thể của Ngôi Hai là kết quả một sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Con đối với Thánh ý Chúa Cha.

Đây không phải là một sự vâng phục miễn cưỡng nhưng là một sự vâng phục hoàn toàn trong tự do như lời tác giả thư Do thái chúng ta vừa nghe: “Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa”. Chính Chúa Giêsu trong cuộc đối thoại với các môn đệ tại bờ giếng Giacóp cũng đã tuyên bố: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34). Và tác giả thư Do thái còn khẳng định: chính nhờ sự vâng phục này, Đức Kitô trở thành một của lễ có giá trị tuyệt đối đến muôn đời trước mặt Thiên Chúa, tác giả viết: “nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ”. Vâng, Đức Kitô chỉ hiến dâng thân mình một lần là đủ đem lại ơn cứu độ cho muôn người thuộc mọi thời đại, bởi lẽ “của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiệu và của lễ đền tội, Chúa không muốn, cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”.

Sự vâng phục của Đức Maria:

Kế đến là sự vâng phục của Đức Maria. Thật vậy, dù trọng tâm của ngày lễ hôm nay là việc Nhập Thể của Ngôi Hai, chúng ta cũng không thể không nói đến sự cộng tác tích cực của Đức Maria. Mẹ chính là “thiếu nữ Sion”, là “người trinh nữ”, người được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để làm Mẹ Con Thiên Chúa. Điều này được thánh sử Luca diễn tả cách khéo léo qua lời chào của sứ thần: ‘Kính chào Bà đầy ơn phước”. Bởi vì, theo bình thường, đúng ra sứ thần phải chào: “Kính chào bà Maria”, nhưng ở đây, tên Maria đã được thay bằng “đầy ơn phước”. Như thế, Mẹ đã được đổi tên, mà việc đổi tên trong Thánh Kinh là dấu chỉ cho thấy một người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt để làm công việc của Ngài. Hơn nữa ở đây, sứ thần còn thêm: “ Thiên Chúa ở cùng Bà”. Mẹ được đầy ơn phước, vì luôn có Chúa ở cùng. Mẹ là “thiếu nữ Sion” được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân cũ là Israel để sinh ra Đấng Messia, khởi đầu cho một dân mới là Giáo Hội.

Mặc dù được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn từ đời đời, nhưng qua việc gởi sứ thần đến báo tin, cho thấy Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài chờ đợi nơi Mẹ một lời đáp trả trong tự do. Và Thiên Chúa đã không uổng công chờ đợi. Sau khi nghe lời giải thích của sứ thần: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, mặc dù chưa hiểu hết Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhưng trong niềm tin, Mẹ đã cất lời thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần Chúa truyền”. Mẹ đã thưa hai tiếng “Xin vâng” trong tư cách của một con người tự do. Và với lời thưa “xin vâng” này, Mẹ Maria đã gắn chặt cuộc đời mình với Con Thiên Chúa qua việc thụ thai. Mẹ xứng đáng với tước hiệu là “Đấng hiệp công cứu chuộc”.

Tóm lại, nhờ sự vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Mẹ Maria, việc Nhập Thể đã được thực hiện. Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại, ở cùng nhân loại, để nhờ đó, con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa như lời chúng ta kêu xin trong lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người… Xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người”. Như thế, với mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa cách đó hơn 700 năm mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một được trích từ sách ngôn sứ Isaia: “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Và chúng ta hôm nay:

Lắng nghe lời Chúa trong ngày mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể hôm nay, mời gọi từng người chúng ta cũng biết sống tinh thần vâng phục như Đức Giêsu và Mẹ Maria đã sống khi xưa. Hai chữ “Xin vâng” mới nghe qua thật dễ, nhưng thực hiện lại không dễ chút nào. Nó đòi hỏi từng người chúng ta phải bỏ ý riêng, nghĩa là, từ bỏ chính con người mình,để thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

Mặt khác, con người thời nay cũng thường bị dị ứng khi nói đến hai chữ “vâng phục”. Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, vâng phục làm mất tự do. Nhưng thực ra, chính khi vượt thắng những đam mê tội lỗi, và những dục vọng của bản thân, để sống vâng phục theo Thánh Ý Chúa, chúng ta mới thực sự là người tự do. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1731, 1733 khẳng định: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi”” (SGL. 1733) (x. Ga 8, 34).

Đối tượng đầu tiên chúng ta cần vâng phục đó là Thiên Chúa. Chúng ta hãy can đảm tuân giữ các giới răn của Người, nhất là giới răn bác ái. Chúng ta hãy tuân giữ các giới răn không phải như một người nô lệ, nhưng như một phương thế để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Kế đó, chúng ta hãy vâng phục cha mẹ, và những người hướng dẫn mình trong chân lý, để làm được việc đó, mỗi người chúng ta cần bỏ đi những tự ái, kiêu căng và cả những mặc cảm tự ti. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta xứng đáng đón Con Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể nhờ việc hiệp lễ. Rồi khi trở về nhà, chúng ta hãy can đảm sống những gì Chúa đã dạy bằng cách sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Sống được như vậy, chúng ta đã cùng với Mẹ Maria góp phần làm cho mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục kéo dài và trở nên hiện thực trong đời sống hàng ngày. Amen.

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

Saturday (March 25): “You have found favor with God”

 

Scripture: Luke 1:26-38 

26 In the sixth month the angel Gabriel was sent from God to a city of Galilee named Nazareth, 27 to a virgin betrothed to a man whose name was Joseph, of the house of David; and the virgin’s name was Mary. 28 And he came to her and said, “Hail, O favored one, the Lord is with you!” 29 But she was greatly troubled at the saying, and considered in her mind what sort of greeting this might be. 30 And the angel said to her, “Do not be afraid, Mary, for you have found favor with God. 31 And behold, you will conceive in your womb and bear a son, and you shall call his name Jesus. 32 He will be great, and will be called the Son of the Most High; and the Lord God will give to him the throne of his father David, 33 and he will reign over the house of Jacob for ever; and of his kingdom there will be no end.” 34 And Mary said to the angel, “How shall this be, since I have no husband?” 35 And the angel said to her, “The Holy Spirit will come upon you, and the power of the Most High will overshadow you; therefore the child to be born will be called holy, the Son of God. 36 And behold, your kinswoman Elizabeth in her old age has also conceived a son; and this is the sixth month with her who was called barren. 37 For with God nothing will be impossible.”38 And Mary said, “Behold, I am the handmaid of the Lord; let it be to me according to your word.” And the angel departed from her.

Thứ Bảy     25-3                Bà đẹp lòng Thiên Chúa

 

Lc 1,26-38

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Meditation: 

 

How does God reveal his favor to us? In the psalms we pray, “Lord, show me a sign of your favor” (Psalm 86:17). In the Old Testament God performed many signs and miracles to demonstrate his love and mercy for his people, such as their deliverance from slavery in Egypt and the miraculous crossing of the Red sea on dry land (Psalm 78:43-53). When Ahaz, king of Judah and heir to the throne of David (735 B.C.) was surrounded by forces that threatened to destroy him and his people, God offered him a sign to reassure him that God would not abandon the promise he made to David and his descendants. King Ahaz, however, had lost hope in God and refused to ask for a sign of favor. God, nonetheless, gave a sign to assure his people that he would indeed give them a Savior who would rule with peace and righteousness (Isaiah 7:11ff).

God’s unfolding plan of redemption 

We see the fulfillment of Isaiah’s prophecy and the unfolding of God’s plan of redemption in the events leading up to the Incarnation, the birth of the Messiah King. The new era of salvation begins with the miraculous conception of Jesus in the womb of Mary. This child to be born is conceived by the gracious action of the Holy Spirit upon Mary, who finds favor with God (Luke 1:28). As Eve was the mother of all humanity doomed to sin, now Mary becomes the mother of the new Adam who will father a new humanity by his grace (Romans 5:12-21). This child to be conceived in her womb is the fulfillment of all God’s promises. He will be “great” and “Son of the Most High” and “King” and his name shall be called “Jesus” (Luke 1:31-32), which means “the Lord saves.” “He will save his people from their sins” (Matthew 1:21). The angel repeats to Mary, the daughter of the house of David, the promise made to King David: “The Lord God will give to him the throne of his father David, and he will reign over the house of Jacob for ever; and of his kingdom there will be no end” (2 Samuel 7:12-16, Isaiah 9:6-7, Luke 1:32-33).

How does Mary respond to the word of God delivered by the angel Gabriel? She knows she is hearing something beyond human capability. It will surely take a miracle which surpasses all that God has done previously. Her question, “how shall this be, since I have no husband” is not prompted by doubt or skepticism, but by wonderment! She is a true hearer of the Word and she immediately responds with faith and trust. Mary’s prompt response of “yes” to the divine message is a model of faith for all believers.

Mary believed God’s promises even when they seemed impossible. She was full of grace because she trusted that what God said was true and would be fulfilled. She was willing and eager to do God’s will, even if it seemed difficult or costly. Mary is the “mother of God” because God becomes incarnate when he takes on flesh in her womb. When we pray the ancient creed (Nicene Creed) we state our confession of faith in this great mystery: “For us men and for our salvation he came down from heaven; by the power of the Holy Spirit, he became incarnate of the Virgin Mary, and was made man.”

Trust and yield to God’s grace

God gives us grace and he expects us to respond with the same willingness, obedience, and heartfelt trust as Mary did. When God commands he also gives the help, strength, and means to respond. We can either yield to his grace or resist and go our own way. Do you believe in God’s promises and do you yield to his grace?

 

“Heavenly Father, you offer us abundant grace, mercy, and forgiveness through your Son, Our Lord Jesus Christ. Help me to live a grace-filled life as Mary did by believing in your promises and by giving you my unqualified ‘yes’ to your will and plan for my life.”

Suy niệm:

 

Thiên Chúa bày tỏ ơn nghĩa với chúng ta thế nào? Trong Thánh vịnh chúng ta cầu nguyện “Lạy Chúa, xin tỏ cho con dấu chỉ của ân nghĩa Chúa” (Tv 86,17). Trong Cựu ước, Thiên Chúa thực hiện nhiều dấu lạ để chứng tỏ tình yêu và lòng thương xót dành cho dân Người, như sự giải thoát của họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và việc đi trên đất khô lạ lùng giữa lòng Biển Đỏ (Tv 78,43-53). Khi Agia, vua Giuđa và là hậu duệ của ngai vàng Đavít (735 B.C.) bị bao vây bởi những lực lượng, đe doạ tiêu diệt ông và dân của ông, Thiên Chúa đã ban vua Ahaz một dấu chỉ để bảo đảm với dân Người rằng Thiên Chúa sẽ không huỷ bỏ lời hứa Người đạ thực hiện với Đavít và con cháu của ông. Tuy nhiên, vua Agia đã mất hy vọng vào Thiên Chúa và từ chối để xin một dấu chỉ ân nghĩa. Thế nhưng, Thiên Chúa đã ban cho một dấu hiệu để bảo đảm với dân Người rằng Người sẽ thật sự ban cho họ Đấng Cứu độ, Đấng sẽ cai trị với sự bình an và công chính (Is 7,11).

Kế hoạch cứu độ của TC đang mở ra

Chúng ta thấy sự hoàn thành lời tiên tri của Isaia và sự mở ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong những sự kiện hướng tới mầu nhiệm Nhập thể, sự sinh ra của Vua Mêsia. Thời đại mới của sự cứu độ khởi đầu với sự mang thai lạ lùng của Đức Giêsu trong lòng Maria. Đứa trẻ sắp sinh này được thụ thai bởi tác động ơn sủng của Chúa Thánh Thần trên Maria, người được nghĩa với Thiên Chúa (Lc 1,28). Như Eva là mẹ của chúng sinh trong tội lội thế nào, giờ đây Maria trở nên mẹ của Ađam mới, Đấng sẽ là Cha của chúng sinh do bởi ơn sủng của Người (Rm 5,12-21). Con trẻ này được thụ thai trong lòng Maria là sự hoàn thành của tất cả lời hứa của Thiên Chúa. Người sẽ nên “cao trọng” và là “Con của Đấng Tối cao” và là “Vua”, và tên Ngài sẽ được gọi là “Giêsu” (Lc 1,31-32), nghĩa là “Chúa cứu”. “Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21). Sứ thần lập lại với Maria, con gái của dòng họ Đavít, lời hứa với Vua Đavít rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai báu tổ phụ Đavít của Người, và Người sẽ ngự trị nhà Gia Cóp đến muôn đời; và vương quốc của Người sẽ vô tận” (2Sm 7,12-16; Is 9,6-7; Lc 1,32-33).

 

 

Đức Maria đáp trả lời Chúa qua sứ thần Gabriel thế nào? Maria biết mình đang nghe những điều vượt sức của con người. Đó chắc hẳn là một phép lạ cả thể vượt trổi hơn tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện trước đó. Câu hỏi của Maria, “điều này xảy đến thế nào, vì tôi chưa có chồng” không phải phát xuất từ sự nghi ngờ, nhưng bởi sự kinh ngạc! Cô là người lắng nghe lời Chúa thật sự, và nhanh chóng đáp lại với lòng tin tưởng và trông cậy. Lời đáp trả “xin vâng” nhanh chóng của Maria với sứ điệp của Chúa là mẫu gương đức tin cho tất cả mọi tín hữu.

Maria tin tưởng những lời hứa của Chúa ngay khi chúng xem ra không thể thực hiện. Maria đầy ơn sủng bởi vì cô trông cậy rằng những gì Thiên Chúa đã nói đều là sự thật và sẽ được thực hiện. Maria sẵn sàng và tha thiết thực thi thánh ý Chúa, thậm chí có khó khăn hay đòi hỏi giá đắt mấy đi nữa. Maria là “Mẹ Thiên Chúa” bởi vì Thiên Chúa đã nhập thể khi Người mặc lấy xác phàm trong lòng Mẹ. Khi chúng ta đọc kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào mầu nhiệm cao cả này: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người”.

Tin tưởng và suy phục trước ơn sủng của TC

Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng và Người mong đợi chúng ta đáp trả với cùng sự tự nguyện, vâng phục, và tin tưởng hết lòng như Mẹ Maria đã làm. Khi Thiên Chúa truyền lệnh, Người cũng ban ơn sủng, sức mạnh, và những phương thế để chúng ta đáp trả. Chúng ta có thể suy phục ơn sủng của Người hay chống lại và đi theo con đường riêng của mình. Bạn có tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa và bạn có suy phục ơn sủng của Người không?

Lạy Cha trên trời, Cha ban cho chúng con ơn sủng, lòng thương xót, và sự tha thứ dư dật ngang qua Con của Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Xin giúp con sống một cuộc đời tràn đầy ơn sủng như Mẹ Maria đã sống, nhờ tin vào những lời hứa của Cha, và qua sự tiếng “xin vâng” hoàn toàn trước thánh ý Cha và kế hoạch của Cha dành cho cuộc đời con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây