Covid-19: Đừng chủ quan! Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải điều trị tích cực

Thứ hai - 06/04/2020 19:36

 

Thủ tướng Anh, Boris Johnson 55 tuổi, ngay từ đầu đã rất chủ quan và coi thường, giờ đang trong tình trạng nhiễm bệnh. Chủ nhật, ông đã phải nhập viện, sau khi đã dương tính với virus được 10 ngày, và các triệu chứng không giảm, với bệnh nền là bệnh béo phì. Cho đến tối hôm qua, thứ hai 6/4, ông bị nặng hơn, và đang phải ở trong phòng điều trị hồi sức cấp cứu. Ông là người từng ủng hộ giả thuyết về miễn dịch cộng đồng. Nhiều người đã chia sẻ lời cầu nguyện hoặc lời chúc ông chóng bình phục. Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Nadine Dears cũng đã xét nghiệm dương tính với virus corona vào tháng trước, và Thái Tử Charles cũng nhiễm virus. 

 

Covid-19. Chúng ta không sợ, nhưng không được chủ quan. Không chỉ con số thống kê từ Trung Quốc là không thực sự đáng tin, mà cả con số thống kế của các nước Âu Mỹ cũng không thực sự chính xác.

 

Tại sao lại không thực sự chính xác? Ví dụ, những người nghèo ngoài hệ thống, không được tính đến, nên họ có mắc bệnh hay không, cũng không biết, vì không được xét nghiệm. Nếu họ có qua đời hay không, cũng không được tính vào số người tử vong vì dịch bệnh.

 

Tôi biết trường hợp ở Roma, có người bị cảm sốt, muốn được khám bệnh, xét nghiệm xem mình có mắc bệnh không, để mà được điều trị, để mà biết cách ly và phòng bệnh cho người khác. Nhưng người ấy đã không được khám bệnh. Có người nói thế này: còn nhiều người khác cần hơn. Lý lẽ đó có vẻ đúng, nhưng nếu cứ như thế, thì người bị nhiễm sẽ lây cho người khác, người bị nhẹ sẽ tự động bị nặng. Người bị nặng, thì sẽ chạy chữa chẳng kịp, và thế là qua đời. Cho nên, tôi thấy, đó là thực tế buồn đang tiếp tục diễn ra.

 

Tôi nghe biết nhiều trường hợp ở Pháp, những người trong nhà dưỡng lão, có bị bệnh và ra đi hàng loạt, thì cũng không được kể đến trong dịch bệnh. Nội trong ngày hôm qua, theo con số chính thức, Pháp ghi nhận 833 người qua đời vì Covid. Còn những người chưa được tính thì là bao nhiêu?

 

Tôi nghe biết nhiều trường hợp ở Anh và Mỹ, người ta không đủ tiền, hoặc không có giấy tờ pháp lý để đi xét nghiệm. Có trường hợp, những người có trách nhiệm, sợ chạy luôn, khi có người muốn khám bệnh và điều trị. 

 

Đứng trên tầng 3 trong nhà, nhìn ra quảng trường trung tâm Piazza Venezzia, Roma, thấy trống vắng, chỉ có một số xe cảnh sát, xe quân đội, chỉ có những chiếc xe buýt tàu điện không người, và một vài người vô gia cư bơ vơ vất vưởng. Chạnh lòng!

 

Cho nên, Việt Nam mình, từ đầu đến giờ, đang làm rất tốt. Mọi người tiếp tục cố gắng tích cực phòng và tránh cho tốt, với tất cả tinh thần trách nhiệm và cộng tác. Chúng ta chấp nhận nghèo đi một chút, có khó khăn hơn. Nhưng đừng để mất người thân, đừng để cho bản thân làm khó cho cộng đồng và đừng để tự mình gây hại cho mình. Đừng nhìn con số tỷ lệ mà coi nhẹ, vì từng con số ấy là từng con người đó, chưa kể đến biết bao người chưa được đếm vào. 

 

Vài con số cập nhật chính thức, thực tế còn nhiều hơn.
1. Mỹ: người nhiễm 356,653 và qua đời 10,516
2. TBN: người nhiễm 135,032 và qua đời 13,169
3. Ý: người nhiễm 132,547 và qua đời 16,523
4. Đức: người nhiễm 101,806 và qua đời 1,680
5. Pháp: người nhiễm 98,010 và qua đời 8,911
6. Iran: người nhiễm 60,500 và qua đời 3,739
7. Anh: người nhiễm 51,608 và qua đời 5,373
8. Bỉ: người nhiễm 20,814 và qua đời 1,632
9. Hà Lan: người nhiễm 18,803 và qua đời 1,867
10. Trung Quốc: số thay đổi không đáng kể

 

Tổng số trên thế giới:
a. Số người bị nhiễm: 1,330,955;
b. Số người qua đời: 73,933;
c. Số người đã phục hồi: 277,725

Đưa tin từ Roma, Italia
Tứ Quyết SJ

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây