Trong khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở Li Băng, bất chấp mùa Giáng Sinh đang đến gần, nền kinh tế của quốc gia này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng càng lúc càng đen tối. Các ngân hàng đã áp đặt các hạn chế đối với số tiền được rút ra hay chuyển khoản, đồng Pound của Li Băng càng lúc càng mất giá, và nhiều người đang mất công ăn việc làm. Sự tuyệt vọng về tài chính đã khiến ít nhất ba người Li Băng tự sát.

Một số lượng lớn các Kitô hữu đang dự tính di cư, giống như đã từng xảy ra trong cuộc nội chiến ở Li Băng từ năm 1975 đến 1990, khi các Kitô hữu Li Băng lũ lượt bỏ nước sang sống ở phương Tây. Đức Hồng Y Bechara Rai, là Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite nói tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng: “Một số đại sứ quán mà tôi không muốn nêu tên ngay bây giờ, đang tạo điều kiện cho các tín hữu di cư, như thể đất nước chúng tôi đang trải qua một cuộc chiến thứ hai. Điều này sẽ làm Li Băng trống vắng thêm người dân và đặc biệt là các Kitô hữu.”

Đức Tổng Giám Mục Georges Bacouni của Công Giáo nghi lễ Melkite ở Beirut nói:

“Chúng tôi đang sống như trong một trận động đất. Chúng tôi đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế to lớn, bao gồm cả một hệ thống ngân hàng thất bại. Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu, nhiều người đã mất việc làm và giờ đây họ chỉ nhận được một nửa tiền lương. Điều này có tác động rất lớn đến các gia đình.”

“Các tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới đã quan tâm đến người tị nạn Syria ở Li Băng, và điều này được đánh giá cao. Bây giờ, với tình hình mới, tôi mong họ cũng sẽ xem xét giúp đỡ người dân Li Băng”

Đức Tổng Giám Mục Georges Bacouni nói thêm:

“Vì cuộc khủng hoảng kinh tế này, các Kitô hữu đang phải đối mặt với cám dỗ di cư ra nước ngoài, để tìm kiếm một lối sống tốt hơn. Chúng tôi có nguy cơ mất đi thế hệ trẻ: họ không muốn ở lại Li Băng. Có quá nhiều dấu hỏi lớn về tương lai của đất nước.”

“Giáo hội ở Li Băng sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn.” Các tổ chức của Giáo Hội – bao gồm các trường từ mẫu giáo đến đại học và các bệnh viện - đã trải qua những khó khăn nghiêm trọng. Mọi người không đủ khả năng để trả các hóa đơn y tế. Chúng tôi không muốn đưa ra quyết định khó khăn như đóng cửa các trường học. Trong lịch sử, các trường Công Giáo ở Li Băng cũng đã phục vụ sinh viên Hồi giáo và Druze. Các trường đại học Công Giáo nơi những người có niềm tin khác nhau cùng chung sống, nơi những người trẻ tuổi có thể trải nghiệm văn hóa sống cùng với nhau.”

“Lần đầu tiên tôi thấy người Li Băng từ nhiều hệ phái, nhiều tôn giáo, đoàn kết và cố gắng gạt não trạng giáo phái sang một bên. Điều đó rất đẹp. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã kêu gọi những người biểu tình thực hiện tất cả các đòi hỏi của họ một cách hòa bình.”

“Giáo hội hỗ trợ những người là chuyên gia trong các lĩnh vực của họ và những người sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tham nhũng. Chúng tôi hy vọng một chính phủ mới sẽ sớm được thành lập.”

Đức Tổng Giám Mục kết luận rằng:

“Trong suốt thử thách cam go này, Chúa Giêsu ở cùng chúng ta và Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta. Chúng tôi rất mong được gặp anh chị em ở cuối đường hầm tăm tối này.”


Source:Catholic News AgencyLebanese bishops concerned about Christian emigration