Người công giáo trong đại dịch covid-19

Thứ sáu - 21/08/2020 07:03

Chào thầy! Thầy có thể giới thiệu về bản thân một chút với quý độc giả?

Chào quý độc giả. Tôi là tu sĩ thuộc Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (trước đây gọi là dòng Đồng Công).

  1. Thầy thấy dịch bệnh lần hai tại Việt Nam lúc này như thế nào?

Điều này chắc rất nhiều người biết rõ hơn tôi nếu thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông. Số ca lây nhiễm đang ngày một gia tăng, nhiều người, nhiều khu vực đang phải cách ly, nhiều phương án đang được chính phủ đưa ra để phòng ngừa…. Điều ấy cho thấy tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường.

  1. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam phòng chống dịch như thế nào?

Tôi thấy ngay từ đợt dịch lần thứ nhất vào đầu năm nay, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã rất có trách nhiệm và tích cực cùng với cộng đồng xã hội phòng chống sự lây lan của nạn dịch. Cùng với những hướng dẫn cụ thể của chính quyền cũng như của ngành y tế, các vị chủ chăn của hầu hết các giáo phận cũng đã có những những chỉ dẫn thích hợp trong sinh hoạt phượng tự của cộng đoàn Dân Chúa. Mục đích là nhằm bảo vệ sức khỏe và mạng sống của mỗi người cũng như của cộng đồng.

Dĩ nhiên, không chỉ dừng lại ở các cách thức tự nhiên, Hội đồng Giám mục và các giáo phận đã triển khai ngay việc cầu nguyện hằng ngày xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. Trong khi các thánh lễ cộng đoàn không thể cử hành thì hầu như tất cả các giáo phận đều có chương trình phát trực tuyến các Thánh lễ hàng ngày cho giáo dân tham dự. Nhiều hoạt động từ thiện, bác ái được âm thầm thực hiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Tất cả những điều trên vẫn tiếp tục được thực hiện trong lần hai này.

  1. Hiện nay nhiều nơi phải dâng lễ Online, thầy có trải nghiệm gì mỗi khi dự thánh lễ trực tuyến như thế?

Vì đang sống trong cộng đoàn có đủ linh mục, nên tôi không phải tham dự lễ Online. Tuy nhiên điều khó khăn là phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khiến cho cảm xúc và tâm tình thật là khó diễn tả. Nói chung vừa có chút buồn, chút không thoải mái, nhưng cũng vừa tha thiết khẩn nài…

Về thánh lễ trực tuyến, theo một số người thân quen của mình chia sẻ thì: dù không được tham dự trực tiếp và không được hiệp lễ thực sự, nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thánh lễ trực tuyến vẫn đem lại cho họ ơn phúc thiêng và sự an ủi của Chúa. Đồng thời việc dự lễ trực tuyến có khi là một trải nghiệm “ăn năn” vì những lần được dự lễ “thật” mà không chăm chú, hay lười biếng không tham dự.

  1. Giáo Hội đồng hành với con cái mình như thế nào trong giời gian khó khăn này?

Câu hỏi này làm mình nhớ đến trăn trở của đức Tổng giám mục Nguyễn Năng như được trong thư mục vụ của ngài: Một đàng chúng ta phải bảo vệ sức khỏe và mạng sống thể xác của bản thân cũng như của cộng đồng, nhưng đàng khác cũng cần cân nhắc để đừng làm phương hại đời sống đức tin.

Mình thấy Giáo Hội, hơn bao giờ hết, vẫn luôn đồng hành với con cái mình. Tuy có thể phải cách ly về thể lý, nhưng về tinh thần, các vị mục tử vẫn tha thiết với giáo dân của mình, và luôn hướng dẫn con cái sống đức tin, làm việc bác ái, thực hành các việc đạo đức. Hẳn nhiên người Công Giáo ước mong sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa, sống theo thánh ý nhiệm mầu của Ngài.

  1. Nhiều người vẫn trách Thiên Chúa không giúp con người trong đại dịch! Thầy chia sẻ với những người ấy như thế nào?

Chẳng phải Thiên Chúa bỏ rơi con người hay Ngài bó tay trước cơn đại dịch đâu! Ngài vẫn mãi mãi là chủ tể muôn loài, là Cha yêu thương. Còn tại sao dịch bệnh lại xảy ra thì đó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự dữ. Đối với chúng ta, cái chết khiến chúng ta khiếp sợ, số lượng người chết hàng loạt càng khiến chúng ta kinh hãi và thương tâm. Nhưng xét cho cùng, chết là điểm hẹn của tất cả mọi người, ai cũng sẽ đến đó. Vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.

Chúng ta bất bình trước những thảm họa, nhưng nếu chúng ta nhìn thấy từng đoàn người hớn hở dắt tay nhau tiến về nhà Cha vui hưởng hạnh phúc muôn đời, chắc chúng ta sẽ bớt băn khoăn. Sách Khôn Ngoan dạy chúng ta rằng: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.” (Kn 3,1).

Đối với chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta nhận ra rằng thế giới vật chất này là vô thường, bản thân mình chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh. Nhờ đó chúng ta biết khiêm tốn hơn, biết từ bỏ những gì là phù du, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới sự sống vĩnh cửu, sự sống dồi dào, sự sống đích thực.

  1. Niềm tin công giáo và Thiên Chúa có thể dập tắt được đại dịch?

Tôi tin là thế. Thiên Chúa là Cha toàn năng, là chủ tể muôn loài và là chủ tể của lịch sử. Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy biết bao lần Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp nhân loại khỏi họa diệt vong. Và Ngài vẫn sẽ tiếp tục cứu giúp chúng ta. “Dù cho bao phen con yếu đuối, thành tâm xin ăn năn thống hối, là Ngài lại thứ tha!!!” Do đó:

Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. (Tv 30, 5-6).

Chúng ta hãy tin tưởng phó thác vào quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Có lẽ Ngài cho phép dịch bệnh xảy ra để chúng ta có thể khám phá và thấm thía các bài học Ngài muốn dạy bảo chúng ta.

  1. Thầy thấy các tín hữu sống khác sau thời đại dịch?

Có lẽ cần phải làm một cuộc khảo sát để có thể đưa ra nhận định chính xác. Còn theo nhận định chủ quan của tôi thì đời sống đức tin của các tín hữu nói chung vẫn ổn định. Một số người có hoang mang dao động, nhưng họ lấy được thăng bằng khi bình yên trở lại. Nhiều người khác thì nhờ dịch bệnh bám chặt vào Chúa hơn, ý thức hơn về thân phận mỏng manh của mình, biết sống yêu thương, bác ái hơn.

Thầy có muốn nói gì thêm…

Mình nghĩ mỗi chúng ta cần có ý thức chung tay, chung sức trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta không chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa do cho bản thân và cho những người chung quanh, mà còn bằng hành động thiết thực. Các nhà chức trách, các y tá bác sĩ, các nhà khoa học đang nỗ lực trong phận sự của mình. Phần những người Kitô hữu, chúng ta tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, vào Thiên Chúa. Đây chính là điều chúng ta phải cống hiến cho quê hương đất nước và cho thế giới.

Thực hiện: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây