Đức Thánh cha: Niềm tín thác nơi Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho lòng bác ái

Chủ nhật - 23/08/2020 11:40

Trưa Chúa nhật 23/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 1.000 người, gồm các tín hữu Roma và nhiều người hành hương từ các nước, tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXI thường niên, năm A kể lại thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu, là Đức Kitô, Con Thiên Chúa để rút ra bài học thực hành. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Xc. Mt 16,13-20) kể lại thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu, là Đức Messia và là Con Thiên Chúa. Sự tuyên xưng này của thánh tông đồ được chính Chúa Giêsu khơi lên, Đấng muốn dẫn các môn đệ của Ngài đi một bước tiến quyết định trong tương quan của họ với Ngài. Thực vậy, suốt hành trình của Chúa Giêsu với các môn đệ theo Ngài, đặc biệt là với mười hai tông đồ, đó là một con đường giáo dục về niềm tin của họ. Trước tiên, Ngài hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?” (v.13) Nói về người khác không phải là điều khó khăn, cho dù trong trường hợp này đòi phải có một viễn tượng đức tin, chứ không phải là những điều đồn đại. Và các môn đệ dường như thi đua nhau kể lại những ý kiến khác nhau của dân chúng, mà có lẽ phần lớn các môn đệ cũng đồng ý với các ý kiến ấy. Nói chung, Chúa Giêsu thành Nazareth được coi như một ngôn sứ (v.14)

Câu trả lời của thánh Phêrô

Với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu nói ngay: “Vậy các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Lúc ấy, chúng ta dường như thấy có một lúc thinh lặng, vì mỗi người hiện diện đều được kêu gọi dấn thân, biểu lộ lý do tại sao họ theo Chúa Giêsu, vì thế, họ do dự trả lời, và điều cũng dễ hiểu. Simon đã làm cho các môn đệ khác khỏi ngượng nghịu, với lòng hăng say, ông tuyên bố: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16). Câu trả lời này, đầy đủ và sáng tỏ như thế, không đến từ sự hăng say của thánh nhân, dù rất quảng đại, nhưng là thành quả ơn thánh đặc biệt của Chúa Cha trên trời. Thực vậy, chính Chúa Giêsu đã nói: “Không phải thịt máu đã tỏ lộ cho con điều đó, nhưng là Cha Thầy ở trên trời” (v.17). Đồng thời, Chúa nhìn nhận sự đáp ứng mau lẹ của Simon đối với ơn thánh soi sáng và vì thế, Ngài long trọng nói thêm: “Con là Phêrô và trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo hội của Thầy và quyền lực hỏa ngục không thể lướt thắng nổi” (v.18). Với lời khẳng định này, Chúa Giêsu cho Simon hiểu ý nghĩa tên mới mà Ngài đặt cho ông, “Phêrô”, đức tin mà ông vừa biểu lộ chính là “đá” không thể sụp đổ, trên đó Con Thiên Chúa muốn xây dựng Giáo hội của Người, nghĩa là cộng đoàn của Ngài.”

Câu hỏi cho mỗi tín hữu

Áp dụng vào cuộc sống của tín hữu, Đức Thánh cha nói:

“Ngày hôm nay, chúng ta nghe thấy câu hỏi của Chúa Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta: “Phần các con, các con nói Thầy là ai?”. Vấn đề ở đây là mang lại một câu trả lời không phải lý thuyết, nhưng có sự can dự của đức tin, nghĩa là cuộc sống, vì đức tin là cuộc sống! Một câu trả lời cũng đòi chúng ta, giống như những môn đệ đầu tiên, phải lắng nghe, trong nội tâm, tiếng nói của Chúa Cha và đồng thuận với những gì mà Giáo hội, quây quần quanh Phêrô, tiếp tục tuyên xưng. Vấn đề ở đây là hiểu Chúa Kitô là ai đối với chúng ta: Ngài có phải là trung tâm đời sống của chúng ta và là cùng đích mọi dấn thân của chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội hay không.”

Biểu lộ niềm tin qua bác ái

Đi xa hơn vào đời sống cụ thể, Đức Thánh cha nói thêm rằng:

“Điều tối cần thiết và đáng ca ngợi là việc mục vụ của các cộng đoàn chúng ta, phải cởi mở trước bao nhiêu tình trạng nghèo đói và khẩn trương. Đức bác ái luôn là con đường tốt nhất dẫn đến sự trọn lành. Nhưng cần làm sao để các hoạt động liên đới không làm cho chúng ta mất liên hệ với Chúa Giêsu. Đức bác ái Kitô không phải chỉ là việc từ thiện, nhưng một đàng, là nhìn tha nhân với cùng đôi mắt của Chúa Giêsu, và đàng khác, nhìn Chúa Giêsu nơi khuôn mặt của người nghèo.”

Và Đức Thánh cha kết luận với lời nguyện: “Xin Mẹ Maria rất thánh, là người có phúc vì đã tin, hướng dẫn chúng con và là mẫu gương cho chúng con trên hành trình tin tưởng nơi Chúa Kitô, làm cho chúng con ý thức rằng niềm tín thác nơi Chúa mang lại ý nghĩa cho lòng bác ái và toàn cuộc sống của chúng con”.

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua, có cử hành Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân những hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em ấy của chúng ta và nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và liên đới, cả những người ngày nay, rất đông đảo, đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo của họ.

Ngày mai, 24/8 là kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát 72 người di dân tại San Fernando, Tamaulipas, bên Mêhicô. Họ thuộc nhiều nước khác nhau, đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi bày tỏ tình liên đới với các gia đình nạn nhân, ngày nay còn đang đòi công lý và sự thật về những gì đã xảy ra. Chúa sẽ đòi chúng ta trả lẽ về tất cả những di dân ngã gục trong các hành trình hy vọng. Họ là nạn nhân của một nền văn hóa gạt bỏ.

Ngày mai cũng là kỷ niệm bốn năm cuộc động đất ở miền trung Italia. Tôi tái cầu nguyện cho các gia đình và các cộng đoàn đã bị những thiệt hại lớn, để họ có thể tiếp bước trong tình liên đới và hy vọng, và tôi cầu mong công trình tái thiết được đẩy mạnh, để dân chúng có thể sống thanh thản tại các lãnh thổ rất đẹp ở vùng núi Appennino.

Ngoài ra, tôi muốn tái bày tỏ sự gần gũi của tôi với dân chúng tại tỉnh Cabo Delgado ở miền bắc Mozambique, đang đau khổ vì nạn khủng bố quốc tế. Tôi còn nhớ cuộc viếng thăm tôi thực hiện tại quốc gia yêu quí này cách đây một năm.

Chào thăm các tín hữu hiện diện

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi chào thăm tất cả anh chị em, người Roma và tín hữu hành hương. Đặc biệt, các bạn trẻ thuộc giáo xứ Cernusco ở Naviglio, họ mặc áo vàng, đi xe đạp từ thành Siena, đến đây hôm nay dọc theo con đường Francigena.

Tôi cũng chào thăm các nhóm gia đình đến hành hương tưởng niệm các nạn nhân coronavirus. Chúng ta đừng quên các nạn nhân coronavirus. Sáng nay, tôi đã nghe chứng từ của một gia đình đã bị mất ông bà, mà không thể từ biệt lần cuối cùng. Bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu người đã chết, nạn nhân của bệnh dịch, và bao nhiêu người thiện nguyện, các bác sĩ, y tá, nữ tu, linh mục, cũng đã bỏ mình. Chúng ta hãy nhớ đến các gia đình đã chịu đau khổ nhiều như vậy.”

Sau hết, Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi!”

  • email
  • facebook
  • twitter

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây