1. Giám mục Portland xin giáo dân đừng bắt tay chúc bình an giữa dịch cúm. Ai bị bệnh ở nhà xem lễ trực tuyến cũng được.

Đức Cha Robert Deeley của giáo phận Portland, thuộc tiểu bang Maine, ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, giáp giới với Canada đã ban hành một chỉ thị vào hôm thứ Năm đình chỉ việc cho rước lễ dưới hình rượu, và yêu cầu anh chị em không bắt tay trong khi trao ban bình an để đối phó với dịch cúm ở bang này.

Chỉ thị có hiệu lực từ cuối tuần 11 và 12 tháng Giêng và tiếp tục cho đến khi kết thúc mùa cúm. Các linh mục trong toàn giáo phận cũng được yêu cầu thông báo cho anh chị em nào có các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm có thể ở nhà tham dự các Thánh Lễ trực tuyến như một cách để hoàn thành luật buộc dự lễ ngày Chúa Nhật. Bên cạnh yêu cầu đình chỉ việc cho rước lễ dưới hình rượu, các thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp vệ sinh bổ sung.

Kể từ tháng 12 vừa qua, đã có 6 người đã chết vì cúm ở tiểu bang Maine. Từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 4 tháng Giêng, đã có 368 trường hợp mới, tức là tăng đến 40% so với tuần trước. Ngoài ra, 90 người đã phải nằm bệnh viện vì các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm.

Đã có hơn 1,200 xét nghiệm cúm cho kết quả dương tính ở Maine kể từ đầu mùa cúm này. Các quan chức y tế nói rằng có khả năng nhiều người đã bị cúm, nhưng không biết mình đã bị lây nhiễm.

Tuyên bố khuyến khích những người có nguy cơ lây lan hãy tránh xa các cuộc gặp gỡ ở nhà thờ như là một bước bổ sung nhằm bảo vệ sức khỏe của họ. Đức Cha cho biết các hướng dẫn này đã được đưa ra sau khi xem xét các báo cáo từ các cơ quan y tế nhà nước.

Thay vì bắt tay trong khi chúc bình an, các tín hữu ở Maine được khuyến khích đưa ra các câu chào hỏi bằng lời nói, nụ cười hoặc cúi đầu. Hospitality ministers, tức là những anh chị em giáo dân được phân công đứng ở cửa nhà thờ chào hỏi, tiếp đón, được khuyến khích không nên bắt tay những người bước vào nhà thờ. Họ cũng được khuyến khích rửa tay bằng nước sát trùng trước và sau Thánh lễ.

Chỉ thị cho biết thêm “Trong các thánh lễ anh chị em không nên nắm tay nhau trong khi đọc kinh Lạy Cha.”

Trong thánh lễ, chén thánh sẽ chỉ được phân phát cho những người không thể rước Mình Thánh Chúa, chẳng hạn như những người mắc bệnh celiac (bệnh nhạy cảm với gluten) hoặc các chứng dị ứng với gluten khác. Đức Cha Deeley khuyến khích, nhưng không yêu cầu, người Công Giáo nên rước lễ trên tay thay vì trực tiếp trên lưỡi.

Chỉ thị tuyên bố rằng tất cả các thừa tác viên rước lễ sẽ được yêu cầu làm vệ sinh tay trước và sau khi phân phát Mình Thánh Chúa, và các thừa tác viên Thánh Thể được yêu cầu không chạm vào lưỡi hoặc tay của người rước Mình Thánh Chúa.

Bất kỳ miếng bọt biển nào được tìm thấy trong giếng rửa tội hay bình đựng nước thánh đều phải bị loại bỏ.

Trong mỗi Thánh lễ, cụ thể trong phần lời nguyện giáo dân, sẽ có một lời cầu nguyện đặc biệt cho những người bị cúm hoặc các bệnh khác, những người chăm sóc họ và cộng đồng nói chung.

Một tuyên bố từ Giáo phận Portland nói rằng các giao thức mới này giống như các giao thức đã được thiết lập trong các mùa cúm nghiêm trọng khác và chúng sẽ có hiệu lực cho đến khi có thông báo mới.

Giáo phận Portland là giáo phận Công Giáo duy nhất ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ.

https://www.catholicnewsagency.com/news/maine-bishop-suspends-chalice-amid-flu-outbreak-89722

2. Quốc Hội Hoa Kỳ nhận định: Tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc tồi tệ hơn sau thỏa thuận Vatican - Trung Quốc

Một báo cáo mới của chính phủ Hoa Kỳ cho biết tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm ngoái, 2019, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc leo thang các cuộc đàn áp nhắm vào người Công Giáo sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Vatican vào năm 2018.

“Trong suốt năm báo cáo 2019 [kéo dài từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019], Ủy ban Thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc phát hiện ra rằng tình hình nhân quyền đã xấu đi và việc tôn trọng luật pháp ngày càng tệ hại hơn, khi chính phủ và Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng thích sử dụng các quy định và sắc luật tùy tiện để khẳng định quyền kiểm soát chính trị và xã hội,” báo cáo hàng năm của ủy ban, được công bố hôm thứ Tư, cho biết như trên.

Báo cáo cho biết sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ký thỏa thuận với Tòa thánh vào tháng 9 năm 2018, mở đường cho việc thống nhất các cộng đoàn Công Giáo thầm lặng và cộng đoàn do nhà nước chi phối, chính quyền tại các địa phương của Trung Quốc đã gia tăng việc đàn áp các tín hữu Công Giáo như phá hủy các nhà thờ, triệt hạ thánh giá, và tiếp tục giam giữ tùy tiện và vô thời hạn hàng giáo sĩ thầm lặng.

Khung thời gian của báo cáo bao gồm các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019. Ủy ban được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2000, khi Trung Quốc muốn xin gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, gọi tắt là WTO. Mục đích của ủy ban là báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này và thu thập dữ liệu về các tù nhân chính trị.

Theo báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, kế hoạch 5 năm nhằm “Trung Hoa hóa” các tôn giáo đang được tiến hành ráo riết nhằm thiết lập sự kiểm soát của nhà nước đối với các tôn giáo. Các học giả và các nhóm nhân quyền quốc tế đã mô tả cuộc bách hại tôn giáo đang diễn ra ở Trung Quốc trong năm qua là ráo riết và trắng trợn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa.

Các phúc trình cho thấy Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhóm và các sự kiện tôn giáo trong năm 2020.

Những hạn chế mới được thiết lập, và sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 2, bao gồm các nhiệm vụ mà các nhóm tôn giáo phải tuân thủ “nhằm thi hành chặt chẽ các chỉ thị về tôn giáo ở Trung Quốc, cổ vũ các giá trị của chủ nghĩa xã hội, và thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Trong một chỉ thị, đảng cộng sản “yêu cầu chính quyền các cấp phải tham gia vào việc lựa chọn các chức sắc tôn giáo và tham gia vào các cuộc tranh luận trong nội bộ các tôn giáo.” Các cộng đoàn thầm lặng và các “nhà thờ tại gia” bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục nhằm mục đích mang lại sự hợp nhất giữa cộng đoàn công khai do Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc lãnh đạo và Giáo Hội thầm lặng hiệp thông với Rôma. Tuy nhiên, cuộc đàn áp Giáo Hội thầm lặng vẫn tiếp tục và, theo một số người, lại còn dã man hơn trước đó.

Theo báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, số người Công Giáo ở Trung Quốc ước tính là hơn 10 triệu tín hữu. Các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc nói chỉ có 6 triệu người Công Giáo ở quốc gia này và phần lớn thuộc về cộng đoàn quốc doanh.

Các quan sát viên và các tín hữu Công Giáo bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận này chẳng mang lại ích lợi gì cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Một số học giả còn chỉ ra rằng chính sách khủng bố của chính quyền đối với cả cộng đoàn Công Giáo thầm lặng và chính thức đã thực sự gia tăng trong năm qua dưới chiêu bài “Trung Hoa hóa” các tôn giáo.

Báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ nêu một thí dụ là: “Mùa xuân năm 2019, chính quyền đã bắt giữ ba linh mục thầm lặng của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua, 宣化) ở tỉnh Hà Bắc(Hebei, 河北).”

Trên cơ sở báo cáo này, Ủy ban khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ gia tăng áp lực đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh để người Công Giáo có thể được lãnh đạo bởi các giáo sĩ được chọn theo đúng những tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc chính phủ Trung Quốc gia tăng bách hại các cộng đồng tôn giáo khác, đặc biệt là người Hồi Giáo tại Tân Cương (Uyghur,新疆).

https://catholicherald.co.uk/news/2020/01/08/catholic-persecution-worse-after-vatican-china-deal-congress-finds/

3. Thư của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân gởi cho các Hồng Y trên thế giới

Ủy ban Thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã công bố một báo cáo theo đó tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm ngoái, 2019, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc leo thang các cuộc đàn áp nhắm vào người Công Giáo sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Vatican vào năm 2018.

Theo sau báo cáo này, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã yêu cầu các cơ quan truyền thông Công Giáo công bố một lá thư ngài gởi cho tất cả các Hồng Y trên thế giới mấy tháng trước đây.

Thiết tưởng ngài là một vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo và ngài là một người Trung Hoa. Cho nên, tiếng nói của ngài về vấn đề này nên được lắng nghe. Vì thế, chúng tôi dịch toàn văn lá thư của ngài sang Việt Ngữ.

Ngày 27 tháng 9 năm 2019

Đức Hồng Y thân mến,

Xin tha thứ cho tôi vì sự quấy rầy bức thư này sẽ gây ra cho ngài. Tôi viết thư cho ngài bởi vì, theo lương tâm, tôi tin rằng vấn đề mà tôi đang trình bày không chỉ liên quan đến Giáo Hội ở Trung Quốc, mà là toàn Giáo Hội, và các Hồng Y chúng ta có trách nhiệm nghiêm trọng trong việc giúp đỡ Đức Thánh Cha hướng dẫn Giáo Hội.

Bây giờ, dựa trên phân tích của tôi về Tài liệu của Tòa thánh (công bố ngày 28 tháng 6 năm 2019) có tựa đề “Hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh liên quan đến việc ghi danh dân sự của các giáo sĩ ở Trung Quốc”, tôi thấy rõ ràng là tài liệu này khuyến khích các tín hữu ở Trung Quốc tham gia vào một Giáo Hội ly giáo (độc lập với Đức Giáo Hoàng và tuân theo lệnh của Đảng Cộng sản).

Vào ngày 10 tháng 7, tôi đã trình bày bản “dubia” của mình cho Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha, vào ngày 30 tháng 7, đã hứa với tôi rằng ngài sẽ quan tâm đến tài liệu đó, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nghe thấy gì.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng khi chúng ta nói về Giáo Hội độc lập ngày nay, chúng ta đừng nên tiếp tục ám chỉ rằng sự độc lập này là tuyệt đối, bởi vì thỏa thuận này công nhận vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo.

Trước hết, tôi không thể tin rằng có một tuyên bố như vậy trong thỏa thuận và tôi vẫn chưa hề được nhìn thấy nó (giữa những điều khác, tại sao một thỏa thuận như vậy phải bí mật và thậm chí không được trao cho tôi, một Hồng Y Trung Quốc, để xem qua? ), nhưng, thậm chí còn rõ ràng hơn, toàn bộ tình huống sau khi thỏa thuận được ký kết cho thấy rằng trong thực tế không có gì thay đổi.

Đức Hồng Y Parolin trích dẫn một cụm từ trong thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô hoàn toàn nằm ngoài ngữ cảnh, đến mức nó trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa của đoạn văn [từ đó được trích dẫn].

Sự thao túng tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Danh dự là một sự thiếu tôn trọng rất nghiêm trọng; thật vậy, đó là một sự xúc phạm tồi tệ đối với nhân vị của vị Giáo Hoàng hiền lành vẫn còn sống.

Nó cũng làm tôi căm phẫn khi họ thường tuyên bố rằng những gì họ đang làm là liên tục với suy nghĩ của vị Giáo Hoàng trước, trong khi thực tế thì ngược lại như thế. Tôi có lý do chính đáng để tin (và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có thể chứng minh điều đó bằng các tài liệu lưu trữ) rằng thỏa thuận đã được ký là y chang với một thỏa thuận mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã từ chối không chịu ký.

Đức Hồng Y thân mến, lẽ nào chúng ta lại có thể chứng kiến một cách thụ động việc giết chết Giáo Hội ở Trung Quốc này từ phía những người lẽ ra phải bảo vệ và bênh vực Giáo Hội ấy trước các kẻ thù? Tôi quỳ gối xuống van xin ngài, người anh em của ngài.

Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, S.D.B.

Cardinal Joseph Zen To His Brother Cardinals: The Church is Being Killed In China

https://onepeterfive.com/cardinal-joseph-zen-to-his-brother-cardinals-the-church-is-being-killed-in-china/

4. Cuộc hành hương Thánh Ðịa thường niên của các Giám Mục Âu Châu và Mỹ Châu.

Từ ngày 11 đến 16 tháng 01 năm 2020, phái đoàn 13 Giám Mục thuộc các nước Âu châu và Bắc Mỹ đã thực hiện một chuyến viếng thăm liên đới với các Kitô hữu tại Thánh Ðịa.

Ðây là cuộc gặp gỡ hàng năm đã được bắt đầu cách đây 22 năm, cụ thể là từ năm 1988. Chủ đề của cuộc hành hương năm nay là “Thăng tiến đối thoại và hòa bình tại Thánh Ðịa”, một vùng căng thẳng cực độ về kinh tế chính trị và xã hội.

Trong chuyến hành hương năm 2020, phái đoàn gặp gỡ các cộng đoàn miền đông Giêrusalem, Ramallah và dải Gaza. Theo chương trình, những hoạt động tâm điểm của các Giám Mục là gặp gỡ và chăm sóc mục vụ cho một thiểu số Kitô hữu, một thực thể bé nhỏ nhưng mạnh mẽ hơn các bức tường và những cấm đoán. Họ là những người hầu như không được quyền cử hành lễ Giáng sinh tại Bêlem trong những tuần vừa qua. Các cuộc gặp gỡ chính thức, thăm viếng người cao niên, các bệnh nhân và người khuyết tật là những hoạt động của hành trình bao gồm 4 chữ P, đó là: Pray, Pilgrim, Persuade và Present, nghĩa là cầu nguyện, hành hương, thuyết phục và hiện diện.

Các Giám Mục cũng thăm một ngôi nhà nơi các nữ tu của Mẹ Teresa chăm sóc người già và tàn tật, và sẽ gặp những người trẻ ở Ramalla và đông Giêrusalem. Trong số các sự kiện chính thức sẽ có Thánh lễ và hội nghị bàn tròn tại Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh dưới sự chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa - Giám quản tông tòa, và Sứ thần Tòa Thánh – là Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli.

Sự hiện diện của các Giám mục Âu Mỹ giúp cho thế giới nhận ra tiếng nói và các vấn đề của các Kitô hữu trong vùng, một thực tại thường nằm ở bên lề và buộc phải sống giữa thật nhiều những khó khăn. Cuộc thăm viếng cũng giúp các tín hữu trên thế giới biết nhiều hơn về nơi Chúa Kitô đã sinh ra và đã sống, ủng hộ chính sách căn bản “đến và quan sát” để giúp các cộng đồng ở Thánh Ðịa tồn tại.

Trong những năm qua, các Giám Mục Âu Mỹ đã lên án chính sách chiếm hữu bất hợp pháp của Israel, các bức tường ngăn cách và đàn áp. Các ngài không ngừng kêu gọi người Israel và Palestine chấm dứt bạo lực và xung đột, và tìm kiếm hòa bình lâu dài.

5. Tô Cách Lan có 700,000 tín hữu nhưng chỉ có 3 vị ẩn sỉ. Chẳng may, cả ba vừa bị vạ tuyệt thông sau khi chỉ trích Đức Thánh Cha.

Ba ẩn sĩ sống trên một hòn đảo trong quân đảo Orkney của Tô Cách Lan đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội sau khi buộc tội Đức Giáo Hoàng Phanxicô là dị giáo.

Nhóm ba vị ẩn sĩ này có tên là “Black Hermits of Westray in Orkney” bao gồm Cha Stephen de Kerdrel, nữ tu Colette Roberts và Thầy Damon Kelly - đã nhận được thông báo về vạ tuyệt thông từ Giáo phận Argyll and Isles vào đúng ngày lễ Giáng sinh.

Hành động của giáo phận là để đáp lại lời tuyên bố “được ký bởi các ẩn sĩ vào tháng Tư năm 2019, trong đó họ tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo đã bị biến đổi thành một Giáo Hội Lầm Lạc” và Đức Giáo Hoàng, qua “những phát ngôn, hành vi, giáo huấn và hành động của ngài,” đã cho thấy ngài là một kẻ dị giáo trầm trọng.

Vạ tuyệt thông của ba ẩn sĩ có nghĩa là họ sẽ không thể nhận được các bí tích một cách thành sự cho đến khi nào họ chịu hòa giải với Giáo Hội.

Giáo phận giải thích rằng khi các ẩn sĩ này đưa ra tuyên bố nói rằng họ rút lại sự vâng phục với Đức Thánh Cha Phanxicô và cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thánh, thì về mặt giáo luật mà nói, nhóm này đã tự tuyên bố tuyệt thông.

Đức Cha Brian McGee, là Giám mục Argyll và Isles, đã viết thư cho các ẩn sĩ cảnh báo họ về điều này và kêu gọi họ xem xét lại.

Nhóm Black Hermits được Cha Stephen De Kerdrel thành lập vào năm 1999. Cha Kerdrel nguyên là một cha giáo dòng Capuchin, phụ trách giúp các tập sinh, “những chàng trai trẻ tìm kiếm một dạng sống nguyên thủy hơn”. Ngài cũng là người điều hành Blog cho cả nhóm.

Nhóm này đã gây ra nhiều tranh cãi trong quá khứ. Chẳng hạn như năm 2015, Giáo phận Northampton đã yêu cầu họ dọn ra khỏi một trong những tài sản của giáo phận sau những phàn nàn về những hành vi của họ.

Thầy Damon Kelly đã bị lôi thôi hơn một chục lần với cảnh sát, bao gồm việc gửi những lá thư với lời lẽ hằn học cho một linh mục Anh Giáo nổi tiếng và phá đám hai buổi lễ của Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão. Những vụ này đều có liên quan đến lập trường của thầy Kelly chống việc phong chức cho người đồng tính.

Các ẩn sĩ hiện đang sống ở Westray, một hòn đảo trong quân đảo Orkney với dân số khoảng 600 người.

Hermits excommunicated after accusing Pope of heresy

https://www.thetablet.co.uk/news/12352/hermits-excommunicated-after-accusing-pope-of-heresy