Làm Sao Để Cảm Thấy Đủ?

Thứ bảy - 01/02/2020 21:06
Làm Sao Để Cảm Thấy Đủ?

Nguyễn Hoài Huy

Người ta gọi xã hội ngày nay là một xã hội tiêu thụ. Các hãng xe, hãng điện thoại, hãng thời trang và nhiều hãng sản xuất khác nữa liên tục cho ra những mẫu sản phẩm mới mỗi năm, khi người tiêu dùng vẫn còn chưa kịp khám phá hết chức năng của sản phẩm họ vừa mua năm ngoái. Sản phẩm vừa mua xài chưa kịp cũ thì cái mới đã xuất hiện. Dù vậy, nhiều người vẫn muốn bỏ ngay cái cũ để đổi cái mới. Chưa hết, bạn vẫn thường thấy những người giàu có hay bị chỉ trích là “tham công tiếc việc” hay là “giàu rồi vẫn muốn giàu thêm”. Sức hút của đồng tiền lôi cuốn họ muốn kiếm thêm thật nhiều tiền. Đó chính là mà lực của đồng tiền.

Thực tại của xã hội ngày nay cho thấy con người dường như không bao giờ cảm thấy đủ. Điều này cũng đang xảy ra với người Công Giáo, những người có niềm tin vào Chúa. Có một số người bỏ bớt việc đạo đức hoặc bỏ luôn nhà thờ để hy vọng kiếm thêm. Có một số người thậm chí không ngại làm điều ác, giẫm đạp lên đồng loại, chỉ vì muốn hưởng thêm lợi về mình. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể cảm thấy đủ? Đâu là điều quan trọng nhất mà chúng ta, những người tin vào Chúa, cần phải tìm kiếm để cảm thấy đủ?

Trước hết, kinh nghiệm dân gian cho thấy rằng lòng tham thì không đáy, con người được voi thì sẽ đòi tiên. Thế nên, dường như khái niệm “đủ” mang tính tương đối. Vì thế, nếu như chúng ta không tự đặt cho mình một điểm dừng nhất định thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy đủ, vì chúng ta không biết đâu là “đích”. Do đó, muốn cảm thấy đủ thì trước hết chúng ta phải đặt ra một điểm dừng. Lấy ví dụ, một gia đình sẽ cố gắng làm để có được một căn nhà tươm tất, có phương tiện đi lại thuận lợi, đặc biệt là có công việc ổn định để có thu nhập đều đặn, vậy là đủ. Nếu họ không đặt mục tiêu như vậy, họ sẽ luôn cảm thấy thiếu và muốn làm thêm thật nhiều và thật nhiều. Có một nhà lại muốn có thêm cái thứ hai, xe này lại muốn đổi xe kia. Tôi đã chứng kiến một số gia đình lấy lý do là cố gắng làm để dành cho con, nhưng cuối cùng sau này con cái ỷ lại, không tự cố gắng, thậm chí trở nên hư hỏng, và những người bố mẹ này không nói được con của họ vì họ đã quá bận bịu với công việc đến nỗi  không có thời gian chăm sóc cho con cái, nên họ không biết rõ và không hiểu được con của họ. Đừng để những trường hợp tương tự xảy ra với gia đình bạn. Hãy luôn nhớ rằng gia đình là tổ ấm để yêu thương và chia sẻ, không phải là “nhà trọ.” Nếu vì quá bận bịu với công việc mà thiếu thời gian dành cho nhau, bạn đang thật sự phá vỡ chứ không hẳn đang xây dựng gia đình bạn. Đừng tự làm khổ mình. Hãy đặt cho mình một giới hạn để bạn cảm thấy đủ.

Ngoài cách trên, đối với người Công Giáo, có một cách khác nữa mà giúp chúng ta thực sự cảm thấy đủ. Thánh Augustinô đã nói một câu rất nổi tiếng, “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.” Chúa Giê-su đã nhắc nhở ta đừng lo lắng quá về việc phải ăn gì hay mặc gì nhưng hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa rồi mọi sự khác sẽ được ban cho (Mt 6: 25-34). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê cũng khẳng định rằng Chúa Kitô là tất cả (Cl 3:11). Tác giả Thánh Vịnh 16 cũng thốt lên rằng Chúa là tất cả đời ta (Tv 16:5). Vì vậy, đối với người Công Giáo, điều cần thiết nhất là chúng ta phải có một tương quan mật thiết với Chúa, là nguồn mạch của mọi hạnh phúc và bình an. Có Chúa là có tất cả, dù giàu hay nghèo, chúng ta cũng luôn được bình an và cảm thấy đủ. Chúa không cấm chúng ta cố gắng làm việc để tích góp lo cho cuộc sống, nhưng điều quan trọng là đừng vì ham mê làm việc mà bỏ Chúa và đánh mất tư cách của một người con Chúa.

Hy vọng với một vài chia sẻ đơn sơ như vậy sẽ giúp mọi người cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn và bớt nặng nề hơn. Cố gắng tìm cho mình một điểm dừng hợp lý để cảm thấy đủ, và nhất là hãy dành thời gian cho Chúa nhiều hơn bằng cách nhớ đến Chúa trong mọi việc mình làm. Ít nhất một hai lần một ngày hãy nói: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa” hay “Lạy Chúa, xin đồng hành với con” hoặc “Tạ ơn Chúa” hay là những lời nguyện vắn tắt khác nữa. Có Chúa là có tất cả và hãy nhớ lời Chúa Giê-sự dặn, “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì”. (Mc 8:36).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây