VỞ KỊCH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Thứ ba - 26/03/2019 22:12
ThYg5gYDRM (1)
ThYg5gYDRM (1)
Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên C
Gs 5,9-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32


 
 
Những nhân vật được nêu trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, đều có tính ám chỉ: (1) Người cha: ám chỉ Thiên Chúa.
(2) Người con cả: ám chỉ dân Do Thái, cách riêng là các Luật sĩ và Biệt phái. (3) Người con thứ: ám chỉ người có tội. Ta có thể coi Dụ Ngôn này là một vở bi kịch có ba màn.
Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài cho con. Theo luật của người Do thái lúc bấy giờ, người cha không được tự do phân chia gia tài của mình theo ý thích. Đứa con cả đương nhiên sẽ được hai phần ba gia tài. Đứa con thứ chỉ được một phần ba mà thôi (Đnl 21,1).
Cũng theo phong tục của nhiều dân tộc lúc bấy giờ, người con chỉ được phép hưởng gia tài của cha, sau khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, chẳng khác nào muốn nguyền rủa cho cha chết sớm! Nhưng đứa con thứ bất hiếu trong dụ ngôn này đã đòi cha chia gia tài sớm. Nó làm thế, như có ý nói: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được hưởng; và hãy để tôi đi ra khỏi căn nhà này”.
Người cha không tranh luận gì cả. Ông hoàn toàn tôn trọng tự do của nó. Ông cũng hiểu rằng, nếu con ông cần một bài học, thì cuộc đời sẽ cho nó một bài học đắt giá; và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc, đứa con lấy phần của riêng mình và bỏ nhà ra đi.
Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về. Nhận được phần gia tài rồi, nó lên đường đi đến một phương xa, ăn chơi trác táng. Tiêu xài như thế thì đến núi cũng phải lở. Chẳng bao lâu nó đã tiêu hết tiền của, đồng thời nạn đói cũng xẩy ra tại miền ấy. Nó phải đi kiếm việc làm cho qua ngày. Nhưng tìm được việc làm đâu phải chuyện dễ. Nó chỉ xin được chăn heo, mà đối với người Do Thái, chăn heo là một điều xấu hổ, vì heo là một con vật ô uế (Đnl 14,8).
Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực như thế,nó mới hồi tâm lại: Ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh. Còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo, mà người ta cũng không cho. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết. Chỉ còn cách là trở về nhà cha, để kiếm miếng cơm ăn cho khỏi chết đói.
Nó nghĩ thế này: tôi sẽ trở về xin lỗi cha, và chỉ dám xin cho ở nhà cha với thân phận là một đứa đầy tớ mà thôi. Nó đâu dám nghĩ đến chuyện được nhận lại làm con.
Sau khi đã suy nghĩ, nó lên đường trở về. Thế nhưng mọi điều dự tính của nó đều sai hết. Thánh Luca đã mô tả: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để... Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng”.
Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ. Đáng buồn thay, khi anh về đến nhà, thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên, không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà, vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà, vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà, vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.
Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: Anh không trái lệnh cha, chỉ để làm tròn bổn phận, chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi”, mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối, để cho nó càng ngã sâu hơn nữa.
Xem xong vở bi kịch này, ta thấy mình thuộc hạng người nào? Dù là anh cả, hay là đứa con hoang đàng, tất cả đều phải sám hối, đều phải trở về. Đừng cứng lòng trước ơn Chúa. ]

Nguồn tin: Giáo phận Long Xuyên

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây