CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Xh 16,2-4.12-15; Êp 4,17-20.24; Ga 6,24-35
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.
24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.
25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.
27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”
29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” 30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”
32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
SUY NIỆM 1: BÁNH SỰ SỐNG
Lời Chúa: “Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35).
Nhậplễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 18 thường niên hôm nay Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta thấy, Manna trong sa mạc xưa Chúa ban là để cứu dân khỏi phải chết đói nhưng đó không phải là thứ lương thực trường tồn. Chính Người là Bánh ban sự sống từ trời xuống để nuôi dưỡng hồn xác ta:
Man-na nuôi dưỡng dân riêng,
Trải qua sa mạc rừng thiêng an lành.
Hôm nay thịt máu Chúa ban,
Nuôi hồn nuôi xác hồng ân nhất đời.
Ta nay muốn được lên trời
Bánh ban sự sống, Chúa mời gọi ta.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín niềm tin vào sự yêu thương và quan phòng của Chúa. Biết năng chạy đến với Chúa qua Bàn Tiệc Thánh Thể và kết hiệp với Mình Máu Thánh Người để được hưởng sự sống muôn đời. Tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa cho Mana từ trời rơi xuống để cứu dân khỏi phải chết đói. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Bánh ban sự sống từ trời xuống để nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy tin vào Chúa sẽ không đói khát bao giờ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và chăm sóc dân Ngài. Ngài luôn bao bọc chở che và gìn giữ họ trong mọi biến cố của cuộc sống. Ngài an bài mọi sự và hiện diện cùng với họ qua các chặng đường lịch sử. Nhất là trong những lúc họ gặp tai ương, dịch bệnh, hạn hán, đói khổ. Ngài dẫn đưa họ đến đồng cỏ xanh tươi để được ăn no nê; đến dòng suối mát để được uống thoả thích và nằm nghỉ. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm đến với của ăn của uống tồn tại cho cuộc sống muôn đời: “Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Thưa anh chị em, bài trích sách Xuất Hành hôm nay thuật lại con cái Israel rơi vào cảnh nguy cơ chết đói trong sa mạc. Bao lương thực và nước uống mang theo đã dần cạn vơi, dân chúng đã mất tin tưởng vào ông Môsê và ông Aharon nên họ đã xúc phạm đến hai ông: “Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này để cả lũ phải chết đói như vậy?”. Nghe tiếng họ kêu than, Thiên Chúa đã can thiệp bằng việc ban lương thực từ trời xuống là bánh manna và thịt chim cút để nuôi sống họ. Manna chính là quà tặng quí giá Thiên Chúa ban tặng để dân Israel tiếp tục hành trình hướng về Đất Hứa. Ngày nay, Manna là hình ảnh phép Thánh thể, của ăn Thiên Chúa ban cho Israel mới là Hội Thánh trên đường lữ hành tiến về đất hứa Nước Trời. Tin mừng hôm nay thuật lại, sau khi dân chúng và những người đã chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, họ đi đến Capharnaum để tìm gặp Chúa Giêsu. Họ tìm Chúa Giêsu chỉ vì của ăn lương thực chóng qua, chứ họ không hiểu ý nghĩa sâu xa của phép lạ mà Người đã thực hiện. Từ tâm tình theo Chúa, họ đã được Chúa Giêsu mời gọi tìm kiếm một thứ lương thực khác có thể đưa họ đến cuộc sống đời đời. Của ăn thiêng liêng và trường sinh đó chính là Chúa Giêsu, Đấng từ trời mà đến để làm lương thực trường sinh cho con người và ban sự sống muôn đời cho trần gian: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”. Qua đó, Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng hiểu được ý nghĩa đích thực về Người. Người là lương thực và là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Chính vì thế, họ đã hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Những phép lạ hóa bánh ra nhiều hướng đến việc tin và đón nhận Chúa Giêsu, nơi Người có sự sống đời đời và để cho lương thực trường sinh là chính Chúa Giêsu hướng dẫn đời sống mình.
Chuyện kể rằng, Tần thủy Hoàng của nước Tầu đã sống trước Chúa Giáng sinh 200 năm. Ông tự phong là “Nhất Thế”, nghĩa là vô địch nhất thế gian này, về đức độ hơn cả Tam Hoàng, có công hơn cả Ngũ Đế là những vị vua có công lập quốc, kiến quốc nhất của Trung hoa. Tần thủy Hoàng còn muốn trường sinh trẻ mãi, nên đi tìm đủ mọi danh y, pháp thuật, bói toán, chỉ dẫn cho uống thuốc, tập luyện và sai quần thần đi khắp nơi tìm thuốc trường sinh, với bất cứ giá nào, dù phải vượt biển Đông hão huyền cũng phải đi tìm, dù phải khổ luyện đến chết, vẫn nhắm mắt theo. Đồng thời, ông lại lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga, rộng lớn chín dặm vuông vức, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân hà, lấy vàng bạc xây tường và chôn sống hàng trăm cung nữ vây quanh nhà mồ của ông. Quả thực, Thủy Hoàng chỉ làm vua hơn chục năm và sống hơn năm mươi tuổi.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trường sinh bất tử là ước mơ của con người. Cuộc sống trường sinh ấy hôm nay Chúa Giêsu đã mạc khải: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”. Vậy bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng khó nhọc đi tìm kiếm tận các đảo thần tiên, lúc nào cũng hiện diện trước mặt chúng ta qua Bàn Tiệc Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu là nguồn mạch trường sinh, Bánh ban sự sống đời đời, chính Người đến để mời gọi chúng ta đừng để mình bị thu hút bởi lương thực và của cải chóng qua đời tạm này, mà tin vào Chúa Giêsu và đón nhận Người, chính Người là bánh hằng sống. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô tha thiết khuyên nhủ chúng ta, phải để Thần Khí đổi mới tâm trí và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết tìm đến của ăn nuôi sống trường sinh chính là Bí tích Thánh Thể và kết hiệp với Mình Máu Thánh Người, để kín múc sức mạnh và tình yêu của Người hầu được sống đời đời. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: BÁNH BỞI TRỜI
Tôi đã đọc đâu đó câu này: “Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái”.
Tại sao phải mất 40 năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái? Bài đọc 1 hôm nay nêu lý do. Dân Do thái than vãn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3).
Dân Do Thái đã buông ra những lời trách móc nặng nề ông Môsê và ông Aharon. Nhiều lần dân Ítraen đã trách móc, xỉa xói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Môsê, vị đại ân nhân của họ: “Bên Aicập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? … Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Aicập! Thà làm nô lệ Ai cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xh 14,11-12);“(Thà) chúng tôi chết … trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê … (còn hơn là) vào sa mạc này, để … phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,2-3);“Ông đưa chúng tôi ra khỏi Aicập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3); “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Aicập … Chúng tôi đã chán ngấy (manna) thứ đồ ăn vô vị này (rồi)” (Ds 21,5); “Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Aicập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong! Sao Đức Chúa lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Aicập có tốt hơn không?” (Ds 14,2-4).
Hành trình sa mạc với nhiều thử thách là dịp thanh luyện dân tuyển chọn khỏi nổi nhớ “thịt béo, củ hành củ tỏi Ai cập”. Môsê vị lãnh đạo là khuôn mặt nổi bật nhất suốt chặng đường gian truân này.
- Môsê, người của Thiên Chúa luôn sống liên đới với dân.
Môsê nhà lãnh đạo đã dành cả đời lo cho dân. Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng để chăm sóc cho dân. Nhưng dân lại trách móc, than phiền và mắng nhiếc ông. Dân đối xử tệ bạc với Môsê. Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Thật bất công!
Vậy mà cả đời Môsê vẫn một mực yêu thương liên đới với dân, sống chết với dân trong lời táo bạo với Chúa mà thấm đượm lòng thương dân:“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.
Từ ngày được Thiên Chúa gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa.
Môsê luôn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và là vị lãnh đạo quãng đại, đầy lòng xót thương, liên đới với dân cho dù dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung.
- Môsê, người của Thiên Chúa
Là tư tế, Môsê tường trình mọi việc của dân chúng ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với ‘lãnh vực thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Yôs 14,6).
Môsê có những lúc tiếp xúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: “Aharon và toàn thể con cái Israel trông thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông” (Xh 34,30). Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11). Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17). Môsê táo bạo thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23).Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người… Nhưng từ phía sau lưng: “… Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ không nhìn thấy được” (Xh 33,23).
- Môsê, người liên đới với dân Chúa
Môsê được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, và tâm trí ông luôn hướng về dân Chúa: “Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người” (Xh 34,9).Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân.
Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân: “Giavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không vào!” (Tl 1,37). Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Môsê đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab. Môsê chia sẻ hoàn toàn số phận của dân và dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng… Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc. Môsê vì thế cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng dân!
Môsê đã đau khổ cùng dân và cho dân! Môsê đã chết với dân và cho dân! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa.
Môsê luôn luôn bênh đỡ, cầu bầu cho dân trước mặt Thiên Chúa: “Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh 32,30-32).
Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân. Môsê gắn bó cả cuộc đời và mạng sống mình với dân tộc Israel.
- Môsê là hình bóng của Đức Giêsu Kitô.
Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Môsê là ngôn sứ nói với dân về Đấng Cứu Độ một lời danh tiếng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là: Đức Chúa sẽ cho xuất hiện “một ngôn sứ như tôi, anh em hãy nghe lời vị ấy” (Tl 18,15). Sau này, Têphanô vị tử đạo đầu tiên đã nhắc lại lời tiên tri đó (Cv 7,37); thánh Phêrô đã thấy thực hiện nơi Đức Kitô (Cv 3,22). Chính Môsê đã làm chứng về “Vị Tiên Tri” đó (Lc 24,27; Ga 5,46).
Là trung gian làm nhịp cầu giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môsê tiên báo Đức Kitô, Đấng trung gian cho một Giao Ước mới hoàn hảo hơn. Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thiết lập hai giao ước chính thức. Giao ước thứ nhất với Môsê trên núi Sinai. Giao ước thứ hai với Đức Kitô trên núi bát phúc và được bảo chứng trên Núi Sọ. Đây là Giao Ước Mới và là Giao Ước Vĩnh Cửu.
Đức Kitô, là Môsê mới đã hoàn thành tất cả những điều đã được ghi chép trong Lề Luật: “Những lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi Ta còn ở với các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật của Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh” (Lc 24,44).
Môsê đã đưa dân Israel nô lệ ở Ai cập, xuyên qua sa mạc về Đất Hứa. Đó là hình bóng và là tiên báo Chúa Cứu Thế, Đấng là Đường, là Ánh Sáng đưa Israel mới đi qua cuộc đời trần thế mà tiến về Đất Hứa, là thành Giêrusalem trên trời.
Đức Kitô là Môsê mới của Dân Chúa. Tác giả thư Do thái quả quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Dt 5,5-6), đồng thời Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người, đầy lòng xót thương đối với mọi người (Dt 5,9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân Chúa (Dt 5,8). Để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Đức Giêsu Nazaret đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; 1C 11,25; cf Xh 24,8) và dùng cái chết tự nguyện đau thương trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Yn 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để đáp lại lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này: “Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa, và ở đó có cả dân của tôi nữa!” (x.Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: trung tín và liên đới, ĐGM Giuse Võ Đức Minh, WHĐ).
- Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống đem lại sự sống đời đời.
Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa Giêsu “đã lánh mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến”, các môn đệ xuống thuyền đi sang “bên kia Biển hồ”; còn Chúa Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các ông. Hôm sau, đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người. Dân chúng sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn nhiều. Đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh.
Chúa Giêsu biết dân chúng đi tìm mình chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự. Chúa Giêsu muốn họ tìm đến lương thực thường tồn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Chúa Giêsu nhắc cho họ, không phải Môsê đã cho họ manna, mà là Thiên Chúa. Người bảo họ manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, manna chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người, không chỉ sự no đủ về phương diện thể lý mà còn là sự sống đời đời: “Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.
“Chính Tôi là Bánh Hằng Sống”. Khẳng định long trọng của Chúa Giêsu không một chút mông lung, mơ hồ. Một ý tưởng, một lý tưởng hay một lý thuyết thì có thể mơ hồ, nhưng một con người có danh xưng cụ thể thì không. Bánh sự sống, lương thực đem lại sự sống và là sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là bản thân Chúa Giêsu. Và để đón lấy một con người, một Đấng làm sự sống và lẽ sống cho mình, thì “công việc” phải làm là “đến với” và “tin vào” Người.
Liên tiếp trong 4 tuần lễ kể từ Chúa nhật hôm nay, phụng vụ Lời Chúa đọc lại gần như toàn bộ chương 6 Phúc âm Thánh Gioan về Bánh Hằng Sống. Đây là cơ hội để khám phá ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Mỗi Chúa Nhật một khía cạnh khác nhau. Tuần 1: Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời; Tuần 2: Bánh Ban Sự Sống; Tuần 3: Tấm Bánh Thánh Thể và Tuần 4: Tấm Bánh Lời Chúa.
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời, không phải là đã “rớt xuống ” như mana trong sa mạc. Người là lương thực chân thật cho những kẻ đói khát. Lời của Chúa Giêsu, sứ vụ của Chúa Giêsu, cuộc sống của Chúa Giêsu đều là bánh nuôi dưỡng linh hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu chính là Môsê mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn khôn ngoan cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời. Người được Thiên Chúa đóng ấn, là chân lý của Thiên Chúa nhập thể.
Để được sống trường sinh, Thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. (Bài đọc 2).
Sự công chính và thánh thiện chủ yếu là chết đi con người cũ để sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Không ai có thể đến với Thiên Chúa Hằng Sống để được sống trường sinh mà không qua Con Đường Giêsu, vì đây là Con Đường Thật, Con Đường dẫn đến Sự Sống.
“Đến với” và “tin vào”, khao khát và no thoả. Đó là hành trình của tình yêu, một hành trình vô giới hạn, không cùng, là sự cất cánh của tình yêu càng lên cao, càng lên cao mãi trong huyền nhiệm Thiên Chúa.
Mỗi lần rước lấy Thánh Thể,Tấm Bánh Bởi Trời, chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng ta đến với Người và đến với nhau, làm cho tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh của tình thương.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 3 : HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA
Bài Phúc âm hôm nay là một phần nằm trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Thánh Gioan. Và bài Tin mừng hôm nay kể lại một biến cố xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Lúc ấy dân chúng đã ồ ạt tìm đến với Chúa Giêsu, và người ta cứ lầm tưởng rằng đây là một tín hiệu vui mừng.
Nhưng không, họ tìm gặp Chúa Giêsu và nhắc lại biến cố Mana trong sa mạc đã từng xảy ra vào thời Cựu ước. Họ đặt ra cho Chúa Giêsu một điều kiện: Chúng tôi sẽ tin ông, nếu ông cũng làm được một phép lạ tương tự như thế. Và Chúa Giêsu đã không ngần ngại và thẳng thắn vạch trần lòng dạ của họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông. Các ông đi tìm Tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.
Qua tất cả những chi tiết trên, ta rút ra kết luận này: Dường như dân Do Thái xưa theo Chúa Giêsu không phải vì tin vào Ngài, nhưng chỉ vì cái bụng, vì cái ăn cái mặc, vì để được điều này điều nọ. Mà quả thật là như vậy thưa anh chị em. Bằng chứng là khi Chúa Giêsu không làm phép lạ theo ý họ muốn, khi Chúa Giêsu không còn sự hấp dẫn gì, khi Chúa Giêsu lên án và tố giác họ… người ta đã quay lưng lại với Ngài. Người ta cảm thấy giờ đây người mang tên Giêsu không còn giá trị và ý nghĩa gì trên cuộc đời họ. Và cuối cùng, họ đã quyết định đồng thanh tung hô: “Đóng đinh nó vào thập giá”.
Thưa anh chị em, ngay giờ phút này, mỗi người hãy tự trả lời với chính mình rằng: Là người kitô hữu, tôi theo Chúa với mục đích gì?
Phải chăng cũng giống như người Do Thái xưa, chúng ta theo Chúa với ước mong được cơm no ấm áo, được nhà cao cửa đẹp, được giàu sang phú túc, được tiền dư bạc để… Để khi không được như ý mình muốn rồi bắt đầu tuyệt vọng, bất mãn, trách Chúa, nghi ngờ Chúa, và bỏ luôn đạo. Con số này không hề ít thưa anh chị em.
Là người Công Giáo, chúng ta hãy xác tín điều này. Thiên Chúa là Đấng để chúng ta tin kính và tôn thờ, chứ không phải là người phục vụ cho những nhu cầu vật chất chúng ta. Do đó, những ai nghĩ rằng theo Chúa sẽ được điều này điều nọ thì đó là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Chỉ có một điều được đảm bảo chắc chắn đó là, theo Chúa thì ta sẽ được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp. Và đó là phần thưởng dành cho những ai tin vào Ngài.
Còn về vấn đề cái ăn cái mặc, có lần Chúa Giêsu nói với chúng ta như sau: Ngay cả chim trời chúng không làm lụng, không canh tác mà Chúa còn nuôi chúng; huống gì chúng ta là những tạo vật mang hình ảnh Ngài.
Chúa hiểu rõ chúng ta hơn chúng ta hiểu về bản thân mình. Ngài biết chúng ta đang cần gì, cần lúc nào, và cần như thế nào, rồi Ngài sẽ an bài chuỗi ngày đời của mỗi chúng ta. Phần chúng ta, “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài thì Ngài sẽ ra tay”.
Và để kết thúc, mỗi người hãy một lần nữa xác tín thật chắc điều này: Chúa Giêsu chính là Bánh trường sinh. Ai đến với Ngài, không hề phải đói; ai tin vào Ngài, chẳng khát bao giờ. Do đó, “trước hết hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa. Còn những thứ khác Ngài sẽ ban cho”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 4: HÃY TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC HẰNG SỐNG
Trong bài Tin Mừng tuần trước, chúng ta được nghe về dấu lạ Chúa Giêsu cho hơn năm ngàn người ăn no chỉ với năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Vì vậy đám đông muốn tôn Người lên làm vua, nhưng Người lánh mặt, đi lên núi một mình. Sau đó Người đi trên mặt Biển Hồ trong đêm mà đến với các môn đệ và cùng các ông đi Caphácnaum. Ở đó, trong hội đường, dân chúng gặp Người và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Thay vì trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu trả lời bằng một diễn từ dài về bánh hằng sống. Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn trích đầu tiên của diễn từ này.
Những lời tuyên bố của Chúa Giêsu thật khó hiểu, dường như có vẻ trách móc, trong khi ngày hôm trước, Người đã thể hiện sự quan tâm đến những người đã bỏ thời gian và công việc của họ để đến gặp và nghe Người giảng dạy. Vậy Người muốn nói gì với họ?
Thánh sử Gioan kể lại việc Chúa Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều ở vùng đồng bằng nhỏ giáp biển hồ Tibêria về phía đông bắc. Hôm sau, Chúa Giêsu và các môn đệ đã đi Caphácnaum về phía bờ tây bắc, nhưng dân chúng thì vẫn ở bên này bờ và tìm kiếm Người. Chỉ khi không thấy Người họ mới đi Caphácnaum. Thánh Gioan muốn nói với chúng ta rằng, dân chúng đã đi sai hướng trong cuộc tìm kiếm Chúa Giêsu. Họ chỉ ở lại với bánh nuôi thân xác ở phía bờ đông bắc, trong khi Chúa Giêsu đã “ở bên kia Biển Hồ”, nghĩa là phía bờ của lương thực hằng sống. Khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu cho thấy sự cần thiết của lương thực trần gian để nuôi sống thân xác, nhưng Người cũng muốn chúng ta phải biết vượt lên trên ước muốn duy nhất này để tìm được lương thực hằng sống là chính Người.
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một nhà sư phạm rất tinh tế. Người bắt đầu từ những việc cụ thể, gần gũi với cuộc sống của con người để dẫn dắt người đang đối thoại với mình đến với những thực tại siêu nhiên.
Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện người phụ nữ Samari. Khi gặp người phụ nữ Samari đến lấy nước ở giếng Giacóp, Chúa Giêsu chủ động xin chị nước uống. Và từ cuộc nói chuyện về thứ nước uống rồi lại khát, Người mạc khải cho chị ngay sau đó về nước hằng sống (Ga 4,6-10). Hay trước khi làm phép lạ chữa cho một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,5), Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Người là ánh sáng thế gian (Ga 8,12). Và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, sau khi đã cho đám đông dân chúng ăn no nê với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu tuyên bố với những người đang tìm kiếm Người rằng, Người là bánh hằng sống, “bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.
Khi dân chúng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, Người đáp: “các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Nghĩa là Chúa Giêsu thấy rõ mục đích của họ khi tìm kiếm Người. Chính khi họ chỉ còn quan tâm đến việc được ăn no và miễn phí, họ quên mất dấu lạ và người làm dấu lạ. Vì thế, họ đi tìm Chúa Giêsu không phải vì quan tâm muốn biết Người là ai, nhưng với hy vọng Người có thể giúp họ “không làm mà vẫn có ăn”. Chính vì vậy, Chúa Giêsu nhắc nhở họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông”.
Thật ra, khi làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã vén mở trước một dấu lạ khác mà Người sẽ làm vào đêm trước ngày chịu tử nạn. Chúng ta thấy rằng, tất cả những cử chỉ Chúa Giêsu làm trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều hôm nay cũng là những cử chỉ Người sẽ làm trong bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho họ. Xưa Chúa dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi hơn năm ngàn người ăn no. Nay Chúa ban chính Mình và Máu Người làm lương thực nuôi toàn thế giới.
Bài diễn từ hôm nay của Chúa Giêsu về bánh trường sinh cũng chính là diễn từ về Bí tích Thánh Thể: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”. Trước một đám đông tìm đến với Người chỉ để có lương thực trần gian chóng qua, Chúa Giêsu dẫn họ đi xa hơn khi mời gọi họ tin vào Người để có được lương thực trường sinh. Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận Người vào trong cuộc đời mình, là để cuộc sống mình được nuôi dưỡng bằng Lời Người và bằng chính Mình và Máu của Người, để trở nên con người mới trong đức tin.
“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta đi tìm kiếm không phải là những mảnh vụn hạnh phúc, nhưng là nguồn mạch hạnh phúc; không lo nắm giữ những của cải phù du, nhưng tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát (x. Mt 6,19-20); không đuổi theo những giá trị tương đối, nhưng tìm kiếm giá trị tuyệt đối là chính Chúa. Vì chỉ có Chúa mới lấp đầy những khát vọng của chúng ta. Chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: CHUYỆN HAI BÊN BỜ BIỂN HỒ
Cửa hàng thức ăn nhanh McDonalds ở quận 1, Sàigòn tổ chức chương trình phát những phần ăn nhanh miễn phí, diễn ra từ 20 giờ tối 23-3-2015 đến 20 giờ tối 24-3. Quà tặng bao gồm một phần bánh burger, khoai tây, nước ngọt và áo thun. Người tham gia nhận quà phải đi xe máy hoặc xe đạp, xếp hàng để đến quầy bán thức ăn của cửa hàng.
Nằm trong chuỗi sự kiện này, trưa nay, 24-3, cửa hàng tiếp tục phát những phần ăn miễn phí cho khách hàng, kèm theo đó là chương trình cơn mưa đồ chơi gồm huy hiệu, râu giả, mắt kính… được ban tổ chức ném từ sân thượng cửa hàng cho người chơi nhặt lấy. Rất nhiều người không ngại trưa nắng đã đứng chờ hàng giờ trước cửa hàng để được nhận quà miễn phí, nhưng rất lâu vẫn chưa đến lượt. Thỉnh thoảng trong đám đông xuất hiện nhiều đợt cãi vã chen lấn, khiến lực lượng bảo vệ phải đến can thiệp. Nhiều người mặt đỏ gay, mệt mỏi khi đứng đợi chờ trong khói xe, nắng nóng. Đoạn đường bên ngoài cũng xảy ra tình trạng ùn tắc vì số người chờ đợi tràn ra cả ngoài.
Khoảng 11 giờ 30, trong lúc dòng người đang xếp hàng, những món đồ chơi từ trên cao ồ ạt rơi xuống. Cảnh hỗn loạn diễn ra, nhiều người vứt xe máy, xe đạp ùa vào tranh nhau lấy quà. Anh Trần Hữu, ngụ quận Bình Thạnh, nói: “Tôi không đồng tình cách làm của cửa hàng khi ném đồ chơi xuống để mọi người giành, giẫm nhau để nhận quà. Sao không tặng kèm trong gói thức ăn?” Đại diện cửa hàng trên cho biết đây là hoạt động mang tên “I’m lovin’ it” nhằm kết nối 24 thành phố trên khắp thế giới có cửa hàng McDonalds. Đã có trên 16.000 phần thức ăn được phát ra. (Lê Phong, NLĐ, Hàng ngàn người đội nắng nhận thức ăn nhanh, giành giật đồ chơi)
Hình ảnh cả ngàn người rồng rắn, hem hễ dưới trời nắng gắt, chờ được McDonalds phát chẩn, có lẽ phản ảnh được phần nào chuyện ngày xưa dân chúng Do Thái lũ lượt kéo nhau đi tìm Đức Giêsu để được no thỏa.
Nhân chuyện này, ở trong hội đường Capharnaum, Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng về hai thứ lương thực hư nát và trường sinh. Tuy nhiên, phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi ăn cả vạn người vẫn còn quá ấn tượng đối với dân chúng, khiến họ không thể nào suy nghĩ xa hơn, hay cao hơn chiếc bánh lúa mạch và cá muối đậm đà.
Bờ bên này: Lương thực hư nát
Vào thuở lữ hành trong sa mạc, dân Do Thái tuy thoát khỏi ách cai trị hà khắc của Ai Cập, nhưng vẫn còn bị ám ảnh kiếp đọa đầy nô lệ, vong thân, trong suốt cuộc hành trình ròng rã 40 năm. Qua lời khẩn cầu của ngôn sứ Môsê, Thiên Chúa đã ban manna để nuôi sống họ. Hôm qua, dân chúng lại được ăn no, nên hôm nay càng thêm đông người tìm đến với Đức Giêsu. Tuy họ đã cố gắng theo Đức Giêsu, đi sang bờ bên kia Biển Hồ, nhưng tâm hồn vẫn còn nặng lòng với những gì xảy ra ở bờ bên này.
Ở bờ bên này, họ đã được Đức Giêsu đáp ứng nhu cầu thể xác, đã no thỏa, dư đầy bánh và cá. Cho nên, họ tiếp tục tìm kiếm Chúa, đi theo Chúa với nguyện vọng, khát khao, mong đợi có thể hưởng phúc hơn thế nữa. Nhân dịp này, Đức Giêsu đã mượn việc hóa bánh ra nhiều để kín đáo hướng họ lên tầm cao mới, không phải Người chỉ đáp ứng nhu cầu căn bản thể lý, bản năng, mà còn phục vụ nhu cầu tâm linh. Nỗi khao khát muôn thuở của tạo vật muốn tìm về cội nguồn, Đấng Tạo Hóa. Người muốn tâm hồn họ mở rộng, hướng thượng, tân trang, biến đổi, theo bước chân họ khi sang bờ bên kia. Thế nhưng, Người đành phải bất bình thốt lên: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
Rồi Đức Giêsu khuyên nhủ họ đừng chỉ làm vì lương thực mau hư nát, mà vì lương thực thường tồn, trường sinh, do chính Người ban tặng. Dân chúng thì vô tình, chỉ đơn sơ hiểu chữ “làm” theo nghĩa đen, nên hỏi lại: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Họ nghĩ Đức Giêsu sẽ kể ra một loạt các việc làm cụ thể, như các thầy luật sĩ, tư tế vẫn thường dạy bảo. Đức Giêsu vẫn nhẫn nại, vắt tắt, ôn tồn trả lời, đó là tin vào Đấng Người đã sai đến. Nhưng với não trạng thực dụng, tham lam, lợi dụng, hưởng thụ, chai lỳ, họ ra điều kiện, thách đố, mới chịu tin Người, yêu cầu Người tiếp tục làm phép lạ, cũng gợi ý Người hãy tiếp tục chiêu đãi họ ăn no nê, như xưa cha ông họ được ăn manna phủ phê.“Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”
Quanh đi quẩn lại, dân chúng vẫn lấy cái bụng làm trọng tâm câu chuyện. Họ vẫn chưa thoát ra khỏi bờ bên này dư đầy bánh và cá. Dẫu thế, Đức Giêsu vẫn tiếp tục đào sâu ý nghĩa quan trọng của bánh bởi trời. Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian. Họ liền hớn hở, mừng rỡ cầu xin ngay: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy!”
Bờ bên kia: Lương thực trường sinh
Tuy đang ở cùng không gian là hội đường Capharnaum, nhưng giữa Đức Giêsu và dân chúng vẫn xa cách nhau vời vợi. Đức Giêsu đã sang bờ bên kia, trong khi tâm hồn dân chúng vẫn cố chấp, bảo thủ, đóng đô ở bờ bên này. Cuộc đối thoại cuối cùng bế tắc, vì mâu thuẫn ý tưởng dị biệt hai bên bờ, mặc dù nghe rất xuôi tai, thuận chiều.
Trình thuật Tin Mừng Thánh sử Gioan hôm nay nhắc đến một cơ hội thích hợp cho Đức Giêsu giảng dạy về bánh hằng sống, khi dân chúng vừa chứng kiến phép lạ hóa bánh, đã được ăn no thỏa thuê, bèn kéo nhau tìm đến Người.
“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Từ chuyện lao động, làm việc mưu sinh, Đức Giêsu nhẹ nhàng chuyển qua thái độ, lẽ sống, ứng xử, tâm hồn, phải linh hoạt làm sao thủ đắc được lương thực thường tồn. Mà lương thực đó do chính Người trao ban. Hơn nữa Người lại được chính Thiên Chúa Cha đóng dấu xác nhận. Với người Do Thái xưa, con dấu, con triện luôn luôn có giá trị cao nhất trong mọi giao dịch trong xã hội.
Để nhận được lương thực thường tồn đó chỉ có cách duy nhất là tin vào Đức Giêsu, nghe theo, tuân giữ và sống Lời Người. Bởi chưng chính Người là Bánh Đem Lại Sự Sống: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
“Mặt trời sáng và tung tỏa ánh sáng. Thánh Thể là sự sống và nguồn phát xuất sự sống Thần Linh cho nhân loại, sự hòa hợp cho các dân tộc: “Bánh Ta sẽ ban ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6, 51) (Đường Hy Vọng, số 361)
Lạy Chúa Giêsu, xưa dân Do Thái được Chúa nuôi bằng manna, nay chúng con vô cùng vinh dự được Chúa nuôi bằng Thánh Thể, bằng chính Máu Thịt Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết ăn năn, sám hối, canh tân hàng ngày, cũng như khao khát, dọn mình xứng đáng để đón rước Chúa ngự vào lòng.
Lạy Mẹ Maria, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Mẹ một danh hiệu mới, là Người Nữ Thánh Thể. Qua lời “Xin Vâng,” Mẹ đã cưu mang và dưỡng nuôi Đức Giêsu trong cung lòng. Mẹ chuyển thông cho Đức Giêsu chính thịt máu Mẹ, cũng là Mình Máu Thánh Chúa. Kính xin Mẹ cầu bầu, cảm hóa và thánh hóa chúng con, để chúng con luôn khát khao tìm đến, tin cậy và đón rước Thánh Thể, hầu được sống viên mãn. Amen.
Alphonse Marie Trần Bình An
SUY NIỆM 6: VÌ CỦA ĂN TỒN TẠI ĐẾN MUÔN ĐỜI
Theo từng góc nhìn và theo từng đặc điểm muốn nhấn mạnh, các triết gia xưa nay đã từng cho chúng ta các khái niệm về con người để phân biệt với các loài vật. Con người là hữu thể biết suy tư, phản tỉnh, con người là con vật biết lao động, con người là sinh vật có lý trí, ý chí tự do, con người là sinh vật có tính xã hội, con người là sinh vật có tôn giáo… Xin được góp thêm một cái nhìn nhỏ nhân các bài đọc của Chúa Nhật XVIII TN B: con người là hữu thể của muôn đời.
Cũng như các loài có sự sống, loài người không thể thoát được một nhu cầu căn bản là sinh tồn. Để phục vụ nhu cầu này, tự bên trong các loài có sự sống sẵn có một năng lực mạnh mẽ được gọi là bản năng sinh tồn. Nhu cầu ăn uống là một biểu lộ của bản năng này. “Khi đói thì đầu gối cũng phải bò”. “Có thực mới vực được đạo…”. Để làm bất cứ việc gì thì tiên vàn người ta phải sống. Nhu cầu ăn uống vì thế trở thành một nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Người Việt Nam dùng hạn từ ăn ở đầu các từ ghép để mô tả nhiều động thái rất khác nhau như ăn bớt, ăn bám, ăn chận, ăn cắp, ăn mặc, ăn ở, ăn hại, ăn học, ăn hiếp, ăn vạ… nếu đếm thì không dưới cả trăm từ… Cần thú nhận rằng hình như “cái ăn” nó liên hệ đến mọi lãnh vực của kiếp người. Con người dù là hữu thể này nọ nhưng vẫn là một sinh vật, nghĩa là luôn cần cái để sống.
Không hiểu sao mà hơn hai phần ba những từ ghép bắt đầu bằng từ ăn thì thường mang ý nghĩa tiêu cực. Không nguyên chỉ vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhưng ngay trong lòng con người vẫn bàng bạc nhận thức rằng dù cho nhu cầu ăn uống thật là chính đáng nhưng đã là người thì phải vượt lên trên nhu cầu tồn sinh của loài vật. Trong khi các loài động vật thường thỏa mãn mỗi khi nhu cầu ăn uống được đủ đầy, thì trái lại, dù cho đã đầy đủ lương thực ăn uống, con người vẫn khao khát một sự sống cao hơn mà chúng ta gọi là sự sống bất diệt hay sự sống trường sinh. Tuy nhiên cái sự sống trường sinh mà con người khao khát ở đây, thường chỉ là sự kéo dài của sự sống đời này.
Cựu Ước đã hé mở cho thấy con đường để được sống đời đời đó là tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Khi thử thách dân phải lâm cơn đói khát trong sa mạc, và rồi ban Manna từ trời, Thiên Chúa muốn dân xác tín rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Người phán ra” (x.Dnl 8,3). Sau khi thi thố quyền năng cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê bánh cá, Chúa Giêsu đã mời gọi họ “hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Để có được lương thực này Chúa Giêsu đã minh nhiên tự khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).
Chúa Kitô là Bánh trường sinh. Kitô hữu chúng ta thảy đều khẳng định chân lý này. Thế nhưng để cho lời khẳng định này đi vào cuộc sống thì còn đó khoảng cách không dễ vượt qua. Đến với Chúa Kitô vì “cái bụng” của mình như người Do Thái xưa vốn là điều dễ thấy đó đây. Qua thông tin đại chúng thì sau sự cố tòa tháp đôi ở New York thì dân chúng nước Mỷ xem ra đạo đức hẳn lên, đến với Chúa rất nhiều. Tại quê nhà Việt Nam, đã một thời, sau khi các Ngân hàng thắt chặt tín dụng, nhiều đại gia xính vính, vỡ nợ, phá sản, thì hình như có nhiều khuôn mặt lạ chuyên chăm xuất hiện tại nhà thờ hay ở các đền đài. Chẹt chân thì há miệng. Hữu sự thì vái tứ phương. Gặp cơn quẫn bách thì chạy đến cầu Chúa giúp, nhưng tựu trung đều chỉ là những sự thuộc đời này. Xùm xụp khấn vái thần thánh trên trời, và rồi khi đã được ngân hàng cho vay tiền thì con đây lại thôi nhà thờ! Phải chăng chỉ những khi cầu nguyện cho các linh hồn thì mới là lo cho chuyện đời đời? Chắc hẳn không phải thế. Làm thế nào để giúp ta vượt qua được những sự hữu hình đời này khi chúng ta vẫn còn ở trong thế gian? (x.Ga 17,11). Chúng ta có được câu trả lời từ miệng Chúa Giêsu, khi người Do Thái hỏi Ngài là làm thế nào để được gọi là làm công việc của Thiên Chúa, tức là tìm kiếm lương thực đem lại sự sống đời đời, đó là “Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (Ga 6,29).
Tin vào Chúa Giêsu là một tiến trình đón nhận và dấn thân theo Người, sống lời Người chỉ dạy. Cũng vẫn tìm kiếm những chuyện ở đời này nhưng chúng ta sẽ làm cho chúng thành vĩnh cửu khi chúng ta tìm kiếm chúng theo ý và cách thức Chúa hướng dẫn. Lời Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt trong bốn Tin Mừng trình bày cho chúng ta cách thế tuyệt vời đó là hãy tìm kiếm những thiện hảo đời này trong sự công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến.
Một học sinh, sinh viên ra công học hành để tích lũy kiến thức, công nghệ, tài năng… nhưng trong sự công bình, nghĩa là trong sự trung thực, hợp pháp, không quanh co, dối trá, lọc lừa… thì bạn ấy đang làm việc vì lương thực đời đời. Cũng là học hành để thăng tiến bản thân nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn học khác theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nghĩa là biết sống tình liên đới thì ta đang làm việc cho sự sống đời đời. Chọn một ngành nghề để vừa thăng tiến danh vị, vừa bảo đảm nhu cầu cá nhân lẫn gia đình, lại vừa có điều kiện để phục vụ đồng loại, để phát triển xã hội, giáo hội thì đích thực ta đang ra công làm việc vì của ăn cho sự sống đời đời.
“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Số người cho rằng cuộc đời con người thực sự chấm dứt với cái chết thể lý vốn không mấy nhiều. Kitô hữu chúng ta thì minh nhiên tuyên xưng có sự sống đời đời. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thì sự sống đời đời của chúng ta lại bắt nguồn từ những thực tại đời này, những thực tại mà Ngôi Lời đã tự nguyện nhận lấy vào Ngôi vị của Người khi vào đời. Khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm những chuyện đời này trong công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến là chúng ta đã làm cho những sự đời này đi vào vĩnh cửu cùng với Chúa Kitô, trong Người và nhờ Người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
SUY NIỆM 7: BÁNH BAN SỰ SỐNG
Thiên Chúa đã dựng nên con người “Giống Hình Ảnh Chúa.” (Khởi Nguyên 1: 27). Vì thế, con người trổi vượt hơn mọi loài thọ tạo khác vì vừa có thể xác, vừa có Linh Hồn, và biết suy tư, lý luận, lại có tự do đích thực để trách nhiệm và quyết định cuộc sống của mình.
Thân xác cần ‘của ăn’ để sống và tăng triển; đó là đời sống thể xác, đời sống vật chất. Linh hồn cũng cần ‘của ăn’ để sống và phát triển, đó là đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng.
Xưa kia, khi dân Do Thái đã được Thiên Chúa giúp thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ để tiến về Đất Hứa, họ đã phải đi qua sa mạc Sainai khô cằn trong 40 năm. Thời gian ở trong sa mạc dân chúng thiếu của ăn, thì Thiên Chúa đã cho chim cút bay đến và mưa Manna để họ có của ăn. “Manna” nguyên ngữ của người Do Thái thời đó là “Man-hu” có nghĩa là “cái gì vậy?”. Vì khi nhìn thấy Manna rơi xuống, người Do Thái thường hỏi nhau “cái gì vậy?” và Ông Môsê đã trả lời họ: “Đó là bánh Thiên Chúa ban cho anh em (Bài Đọc I: Sách Xuất Hành 16: 2-4, 12-15). Người Do Thái đã sống nhờ Manna này trong suốt cuộc hành trình 40 năm để có thể vượt qua sa mạc, và về tới phần đất Chúa đã hứa ban cho cha ông của họ là vùng đất Palestina, nơi người Do Thái đã thành lập nước Israel bây giờ.
Trong Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Bài Phúc Âm (Ga 6, 1-15) nói về việc Chúa Giêsu làm phép lạ “Năm chiếc bánh và hai con cá” để nuôi đám đông dân chúng sau một ngày dài đến nghe Chúa giảng dạy trong nơi thanh vắng mà không có gì ăn. Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Ga 6, 24-35), khi dân chúng lại kéo đến nghe Chúa giảng dạy, Ngài đã hướng tâm trí họ từ “của ăn hay hư nát” đến “của ăn được tồn tại đến muôn đời”. Chúa Giêsu muốn nói đến của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc đời sống trần gian để tiến về cuộc sống vĩnh cửu trên trời; vì “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng những lời do miệng Thiên Chúa giảng dạy!” Chúa Giêsu cũng cho biết là Manna không phải do ông Moisê ban, nhưng là “Cha Ta đã ban!” Từ đó, Chúa Giêsu hướng tâm hồn các Môn đệ về Bí Tích Thánh Thể là của nuôi linh hồn cùng với Lời Chúa: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin Ta sẽ không hề khát bao giờ!” Nhưng để hiểu được Lời Chúa, chúng ta cần có Đức Tin: “Tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến” để cứu chuộc chúng ta, để ban chính Mình và Máu Thánh Ngài làm của ăn thiêng liêng cho linh hồn chúng ta.
Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là phần mở đầu của Bài Giảng của Chúa Giêsu về “Bánh Hằng Sống”. Nhưng Chúa Nhật XIX, XX và XXI (Năm B) tiếp theo, chúng ta sẽ được nghe những Lời Chúa nhấn mạnh hơn để hướng tâm trí chúng ta về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Hình Bánh và Hình Rượu trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, Bữa Ăn Tình Thương cùng với Bí Tích Truyền chức Thánh để ban Chức Linh Mục với quyền tế lễ cho các Tông đồ và những người Chúa chọn qua các thế hệ tiếp theo.
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho mỗi người chúng ta được luôn giữ vững niềm tin nơi Lời Chúa đã giảng dạy về Bí Tích Thánh Thể, về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Hình Bánh và Hình Rượu để luôn ở giữa chúng ta và nuôi sống đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Qua Phép Rửa Tội, chúng ta đã được thoát ách nô lệ của tội lỗi, chúng ta cũng hãy hiệp lời cầu nguyện cho chúng ta luôn biết thắng vượt những đam mê tội lỗi theo tính xác thịt để “mặc lấy con người đã được tác thành theo Thánh Ý Chúa” như lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay (Ephêsô 4: 17, 20-24), và để chúng ta có thể xứng đáng cùng dâng Thánh Lễ thờ phượng Chúa, và hiệp thông trong việc rước Mình và Máu Thánh Chúa ngự thật rong Bí Tích Thánh Thể. Cũng xin tiếp tục cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục trong “Năm Linh Mục” này để các Linh Mục được ơn Chúa sống xứng đáng ơn gọi cao qúy Chúa đã thương ban và hàng ngày xứng đáng dâng Thánh Lễ thờ phượng Chúa và ban phát của ăn thiêng liêng cho dân Chúa.
Lm. Anphong Trần Đức Phương
SUY NIỆM 8: BÁNH HẰNG SỐNG
Lịch sử ơn cứu độ là một tiến trình dài cả mấy ngàn năm liên quan đến một dân tộc đã được chọn lựa. Dân tộc này được Thiên Chúa yêu thương và hướng dẫn cách đặc biệt. Thiên Chúa chọn các tổ phụ là Abraham, Isaac và Giacob để rồi sinh xôi ra một dân tộc đông đúc, gọi là dân Do-thái. Lịch sử của dân tộc này cũng là lịch sử của ơn cứu độ. Diễn tiến cuộc sống thăng trầm của dân riêng là một qúa trình thanh luyện, thử thách và tôi luyện ròng rã để đón nhận Đấng Cứu Thế. Tuy được Thiên Chúa chở che và bảo vệ, dân chúng thường lại muốn vượt rào và chạy theo cách sống của ngoại lai. Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập giao ước với dân để giữ mối giao hảo thủy chung. Thực tế, dân chúng lại cứ chứng nào tật đó và ngựa theo đường cũ từ bỏ đường lối Chúa chạy theo thói đời.
Gặp nạn đói kém, các con cháu của Giacob di dân đến đất Ai-cập. Dân Do-thái sinh sống tại đất nước này khoảng 430 năm, 12 người con của ông Jacob trở thành các ông tổ của mười hai chi tộc dân Israel. Con cái cháu chắt nhiều đời đã sinh xôi nẩy nở trở thành một dân lớn mạnh. Khi Môisen dẫn dân ra khỏi Ai-cập: Con cái Israel nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con. Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo (Xh 12, 37-38). Qua câu truyện Xuất Hành của người Do-thái, chúng ta không thể hiểu và tưởng tượng được việc Chúa đã làm cho dân riêng. Lữ hành trong sa mạc, cả triệu người này lấy gì mà ăn uống, lấy gì mà mặc và rồi các sinh hoạt cá nhân, gia đình và cộng đồng… Họ trở thành dân du mục sống 40 năm tạm cư tại nhiều nơi trước khi vào miền Đất Hứa.
Sách Dân Số ghi nhận số người của từng chi tộc khi ra khỏi đất Ai-cập. Tại sa mạc Sinai, theo lệnh truyền của Thiên Chúa,ông Môisen kiểm tra dân số:Tất cả con cái Israel đã được kiểm tra theo gia tộc của họ, từ hai mươi tuổi trở lên, tất cả các chiến binh trong dân Israel,tổng số người được kiểm tra, là 603.550 (Ds 1, 45-46). Chúng ta thử tínhtrên 600 ngàn chiến binh cộng thêm các phụ nữ và con trẻ nữa, phải có trên một triệu người vượt Ai-cập. Cuộc sống văn minh tiến bộ với nhiều phương tiện như hiện nay, con số trên một triệu người di dân qủa là một vấn đề lớn. Biết bao nhiêu các nhu cầu cuộc sống cần phải đáp ứng. Dân Do-thái đã trải qua những thách đố tôi luyện rất căng thẳng. Tuy nhiên, cho dù đối diện với muôn ngàn khó khăn, sau cùng, họ cũng đã tiến vào miền đất hứa chảy sữa và mật.
Sách Xuất Hành ghi lại cuộc sống nay đây mai đó, dân chúng cảm thấy thiếu thốn mọi bề, nên than khóc. Nhớ về qúa khứ ở Ai-cập ngồi bên nồi thịt và ăn no nê, dân chúng đã bắt đầu thấy chán nản và kêu trách Môisen và Aaron về lương thực hằng ngày. Thiên Chúa phán: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi”.(Xh 16, 12). Qua những thăng trầm cuộc sống, Thiên Chúa từ từ mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời. Qua bánh Manna nuôi sống thân xác, Chúa dẫn đến của ăn nuôi dưỡng phần hồn. Tất cả những sự cố xảy ra trong cuộc lữ hành của dân Do-thái đều mang một ý nghĩa nhiệm mầu trong chương trình cứu độ. Từ những sự kiện Môisen lãnh nhận Thập Giới, việc ông Môisen đập gậy vào tảng đá để nước chảy ra và việc Môisen treo con rắn đồng lên làm dấu trong hoang địa, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, sẽ được cứu. Thiên Chúa vừa thanh luyện tâm hồn vừa mạc khải những ý nhiệm sâu xa về Thiên Chúa độc nhất và chương trình cứu độ.
Lịch sử cứu độ được lồng vào lịch sử của dân tộc Do-thái, dân Chúa chọn. Dân Do-thái đã cưu mang chương trình cứu chuộc trong suốt hành trình lưu lạc trần thế. Thiên Chúa luôn yêu thương và giữ lời giao ước với đoàn dân. Dân chúng cũng đã vui hưởng những năm tháng an bình thịnh trị. Nhưng họ cũng không tránh khỏi những thăng trầm, gian nan, thách đố của cuộc sống. Trải qua lịch sử, cho dù nhiều lần dân chúng bỏ Chúa chạy theo bụt thần, Chúa vẫn luôn chờ đợi ngày họ quay trở về. Thiên Chúa quan tâm sai các tiên tri như là những sứ giả mở đường khai thông và bắc những nhịp cầu kết nối để giúp họ quay đầu sám hối.
Lời mời gọi sám hối là bước đầu đi vào cuộc sống an lạc và bình an. Chúa Giêsu khi ra rao giảng, Ngài cũng kêu gọi sám hối vì Nước Trời đã gần. Thánh Phaolô tông đồ cũng không ngừng nhắc nhở: Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em (Eph 4, 22-23). Lời mời gọi sám hối không phải chỉ để nghe nhưng là thực hành. Chúng ta không phải chờ tới ngày mai hay có cơ hội thuận tiện mới sám hối quay về. Lời của Chúa có sức mạnh tác động ngay trong hiện tại nếu chúng ta biết mở lòng đón nhận và quyết tâm sửa đổi cách sống.
Trong bài phúc âm hôm nay, từ những của ăn phần xác hay hư nát, Chúa Giêsu đã giới thiệu một loại bánh trường sinh. Bánh ban sự sống, đó là chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã dậy: Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận (Ga 6, 27). Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống ban sự sống cho thế gian. Đây là một ý tưởng ngoại thường, dân chúng không dễ dàng chấp nhận. Sau khi nghe Chúa nói về bánh hằng sống chính là thịt và máu của Chúa, các môn đệ cũng xì xầm nhỏ to và có nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Thầy nữa.
Lời của Chúa Giêsu phán hai ngàn năm trước, hôm nay vẫn mang tròn đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, Chúa dùng bánh và rượu là của nuôi thân xác biến đổi thành Thịt và Máu Thánh Chúa để nuôi linh hồn. Đây chính là mầu nhiệm đức tin. Chúa phán:Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống (Ga 6, 51). Lời truyền của Chúa Giêsu không thay đổi vì là lời hằng sống. Giáo Hội tin và tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể trở nên trung tâm điểm trong đời sống của các Kitô hữu. Đến với Thánh Thể là đến với chính Chúa Giêsu. Thực tế niềm tin cuộc sống, nhiều người không còn tin thật Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Cả chúng ta, các Kitô hữu nhiều khi cũng lơ là và không tôn kính đủ khi đến với Thánh Thể nơi Nhạ Tạm.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để chúng con nhận diện ra Chúa đang ngự giữa chúng con trong Bí Tích Thánh Thể. Đã nhiều lần chúng con đi qua Nhà Tạm Thánh Thể, Chúa hiện diện đó nhưng chúng con vô tình ngoảnh mặt làm ngơ. Chúa đã dùng Bí Tích Thánh Thể để hiện diện và trở nên thần lương nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết kết hợp mật thiết với Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng