Nguyễn Hai Tính, S.J.
II. Bây giờ chúng ta sang nghĩa thứ hai của mạc khải: mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ lộ các chân lý cứu độ. Tuy như trên vừa nói, chỉ cần sự hiện diện của Thiên Chúa thì đã là mạc khải rồi, nhưng trên thực tế thì khi đến gặp gỡ ta, Thiên Chúa cũng luôn tỏ lộ điều này điều kia. Mặt khác, những điều Ngài tỏ lộ không phải là bất cứ thông tin gì, mà chỉ là những thông tin liên quan đến ơn cứu độ mà thôi.
Trong phần này chúng ta sẽ nói 3 điểm: 1) chân lý cứu độ khác với thông tin thông thường; 2) chân lý cứu độ khác với chân lý khoa học; 3) chân lý cứu độ được ghi lại trong Kinh Thánh và trao cho Giáo hội lưu giữ, bảo toàn, giải thích và truyền giảng.
1) Thứ nhất, chân lý cứu độ khác với thông tin thông thường. Những thông tin của mạc khải có đặc tính cao siêu và linh thiêng, không thể được đồng hoá với những thông tin vặt vãnh và trần tục. Kitô hữu có lẽ sẽ không được Thiên Chúa mạc khải những thông tin về tình hình thời cuộc để có thể kiếm bộn tiền qua những dịch vụ tư vấn kinh tế [thầy bói!!!]. Họ sẽ không được mk giá vàng ngày mai lên hay xuống; trận đá bóng sẽ có tỉ số bao nhiêu để họ có thể kiếm bộn tiền nhờ cá độ [!!!]. Nhưng họ sẽ được Chúa mạc khải cho biết phải sống thế nào cho hợp với đức tin và luân lý hầu có thể đạt đến hạnh phúc đích thực.
2) Thứ hai, chân lý cứu độ khác với chân lý khoa học. Mạc khải cũng không thay thế hay miễn cho con người khỏi phải học hỏi, nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên. Người nhận được mạc khải của Thiên Chúa không tức khắc trở thành nhà khoa học xuất chúng mà không cần học hành hay nghiên cứu. Chính vì thế, trong khi giảng dạy, Giáo hội luôn phân biệt lãnh vực lời dạy của mình, vốn chỉ về đức tin và luân lý, với lãnh vực của các nghiên cứu khoa học.
Chắc hẳn những khám phá khoa học hay bất kỳ thành tựu nào của tư tưởng con người cũng đều có đặc tính kỳ diệu, đáng ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta biết rằng phải có ơn Chúa ban và soi sáng thì con người mới đạt được những thành tựu đó. Nhưng sự soi sáng đó không được gọi là mạc khải trong ngôn ngữ thần học, mà thuộc về trật tự sáng tạo. Tức là, Thiên Chúa ban ơn soi sáng đó cho con người trong trật tự sáng tạo, phù hợp với các quy luật tự nhiên, và đòi sự siêng năng, cố gắng tìm tòi nghiên cứu theo lẽ thường.
Từ mạc khải được dành riêng cho những thông tin cứu độ, liên quan đến đức tin và luân lý, do Thiên Chúa ban cách nhưng không và đột ngột cho con người, nhiều khi không do họ cố gắng tìm tòi nghiên cứu, mà qua những trung gian đặc thù, đặc biệt là qua Đức Kito, mà ngày nay được Giáo hội truyền giảng cho chúng ta.
3) Những chân lý mà Thiên Chúa tỏ lộ cho con người cũng đã được ghi lại trong Kinh Thánh và được chính Ngài trao phó cho Giáo Hội để bảo toàn, lưu giữ, giải thích và truyền giảng cho toàn nhân loại mọi thời mọi nơi. Giáo hội, qua suốt dòng lịch sử của mình, đã cố gắng làm điều đó, và qua đó đã hình thành một số quy tắc và hình thức cụ thể rõ ràng của các chân lý mạc khải. Các quy tắc và hình thức đó được tập hợp trong những giáo huấn của Giáo hội mà chúng ta có thể tìm thấy hình thức đơn sơ và phổ thông ở trong các sách giáo lý.
Như vậy chúng ta đã xác định mạc khải có thật, và mk là gì.
III. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu câu hỏi thứ 3 về mạc khải: làm sao nhận ra được mạc khải của Thiên Chúa? Hay nói cách khác chính xác hơn: làm sao nhận ra Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài, cũng như nhận ra đâu là các chân lý Ngài muốn tỏ lộ?
Từ những điều nói ở trên về việc Thiên Chúa đến gặp gỡ con người thế nào, chúng ta có ngay câu trả lời cho câu hỏi thứ ba này. Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong bối cảnh của đời sống hằng ngày, và trong việc tham dự vào đời sống Giáo hội, đặc biệt là việc tham dự phụng vụ, bí tích, học hỏi Kinh Thánh và giáo lý, các hoạt động mục vụ, v.v. Nhưng điều kiện tiên quyết để nhận ra Thiên Chúa trong các bối cảnh đó là chúng ta phải ở trong tâm tình cầu nguyện, tham dự vào bầu khí và đời sống của Giáo Hội, để có thể sẵn sàng đón nhận ân sủng của Ngài. Tức là ta cần ý thức về Ngài, hướng về Ngài trong tư tưởng của ta, cầu xin, giãi bày với Ngài hoặc ca tụng Ngài bằng lời nguyện, hiệp thông với toàn Giáo Hội và chờ đợi Ngài đến gặp gỡ thăm viếng tâm hồn ta.
Khi gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống, trong việc tham dự phụng vụ bí tích và trong việc đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện như thế, chúng ta sẽ tức khắc nhận ra những chân lý mà Ngài tỏ lộ cho chúng ta. Nhưng, như đề cập ở trên, cũng có một cách khác để nắm bắt cách đơn sơ những chân lý mạc khải, đó là qua việc học giáo lý. Tuy nhiên, việc này cũng cần thực hiện trong tâm tình cầu nguyện và hiệp thông với Giáo hội, nếu không chúng ta cũng không thể hiểu hoặc sẽ hiểu sai những điều được dạy trong giáo lý.
Như vậy, tóm lại, mk có một số đặc tính kép sau: mk vừa có tính siêu việt vừa xảy ra trong lịch sử; mk vừa có tính cá vị vừa có tính Giáo hội; mk được thực hiện vừa bằng lời vừa bằng hành động của TC.
Mk có tính siêu việt, tức là mk đến từ TC siêu việt, mang nội dung siêu việt (khác với các nội dung của tri thức khoa học) và nhắm mục đích siêu việt, tức là cứu độ con người, chứ khg chỉ thoả trí tò mò hay hiếu tri của họ. Tuy nhiên, siêu việt kg có nghĩa là kg liên quan gì tới thế giới này, mà mk thực sự xảy ra trong thế giới và trong lịch sử của thế giới này, mà cụ thể là nơi biến cố cuộc đời Chúa Giêsu. TC đến và nói với chúng ta qua biến cố đó, cách đây hơn 2000 năm.
Mk có tính cá vị tức là TC đích thân nói với từng người trong nội tâm của họ, cách trực tiếp và thân mật. Nhưng mặt khác TC cũng nói với ta trong và qua GH của ĐK. Vì trong nội tâm nhiều khi ta nghe những tiếng nói khác của thế gian, ma quỷ, hay siêu ngã của mình, nên làm thế nào phân biệt được những tiếng nói đó và tiếng TC nói? Chính lời TC nói nơi ĐK, trong và qua GH là tiêu chuẩn để phân định xem tiếng nội tâm nào là tiếng TC nói. Tiếng đó luôn phải phù hợp với nội dung của kho tàng KT, TT mà GH lưu giữ; và với các giáo huấn, chỉ thị của GH.
Cuối cùng, xuyên suốt lịch sử cứu độ cho tới nay, TC luôn mk vừa bằng lời vừa bằng hành động; tức là vừa qua những giáo huấn, chỉ thị cụ thể rõ ràng, vừa qua những biến cố xảy ra mà ta cần quan sát, lắng nghe, tìm hiểu và phân định ý nghĩa. Những giáo huấn rõ ràng có thể lời các ngôn sứ, lời dạy của ĐK, của GH; còn các hành động của TC là những biến cố xảy ra trong lịch sử thế giới, lịch sử GH và lịch sử đời ta.
Chúng ta vừa xong phần tìm hiểu về mạc khải. Trong phần này chúng ta đã tìm hiểu hai nghĩa của mạc khải: TC tỏ lộ chính mình và TC tỏ lộ các chân lý cứu độ; chúng ta cũng khảo sát mạc khải xảy ra ở đâu: qua trung gian hữu hình, nhưng xảy ra trong nội tâm mỗi người; trong lịch sử cứu độ được ghi lại trong Kinh Thánh; và trong Giáo hội; để nhận ra mạc khải chúng ta cần cầu nguyện và tham dự vào bầu khí truyền thống cũng như lắng nghe lời truyền giảng của Giáo hội.
Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một chủ đề khác gắn liền với mạc khải đó là đức tin.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn