Ngày thứ chín: “Mẹ Maria, Mẹ của các Linh mục”

Thứ năm - 23/05/2019 20:56
Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

TUẦN CHÍN NGÀY KÍNH MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

NGÀY THỨ CHÍN: MẸ MARIA, MẸ CỦA CÁC LINH MỤC

Một người không thể thiếu trong đời sống linh mục, đó là mẹ Maria, Mẹ hàng giáo sĩ, Mẹ của hàng linh mục. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những những tiêu chuẩn để chọn lựa người mình yêu thích. Platon, triết gia Hy lạp cổ có nói: “Hiểu biết là nhớ lại những gì trong kiếp trước”. Phát biểu này không đúng trên phương diện tri thức, nhưng có phần sự thật nếu người ta muốn áp dụng trong lĩnh vực con tim. Bởi lẽ trong tình yêu, thiện cảm bắt đầu bằng một ước mơ. Điều này có nghĩa là chúng ta thường có trong đầu óc những tiêu chuẩn, những mẫu người người mình yêu chuộng. Những suy tư, những kiểu cách, những kinh nghiệm, những ước vọng mà ta có sẵn, giờ đây gặp một người hội đủ những điều mà ta đã có trước, bỗng nhiên ta thấy thiện cảm với người đó ngay.

Nói cách khác, người mà tôi ưa thích thường giống cha, giống mẹ hay giống những ai tôi coi là tiêu biểu, là lý tưởng, cũng như nghe một bản nhạc quen thuộc, bao giờ cũng thấy thích thú hơn là nghe một bản nhạc hoàn toàn xa lạ. Người có tâm hồn yên tĩnh, thích những bản nhạc êm dịu. Người có tâm hồn náo hoạt thì ưa thích nhạc kích động… Một kiến trúc sư nào đó dường như đã vạch sẵn trong tim chúng ta những sơ đồ, những mẫu yêu, mẫu ghét, những lý tưởng cần phải đạt…

Thiên chúa cũng vậy, Ngài đã có những kiểu mẫu trước khi tạo thành vũ trụ: nào là hoa, là chim, là cá, muôn loài, muôn vật, là hoa xuân, là ánh sáng… Một đóa hoa hồng trở thành đóa hoa hồng vì Thiên Chúa muốn thế. Nhưng khi tạo dựng con người, Chúa lại có hai hình ảnh: một cho con người nguyên sơ và hình ảnh thứ hai là lý tưởng con người cần phải đạt tới. Bản nhạc đã được chép sẵn nhưng đòi phải có nhạc công giỏi thực hiện, thì bài nhạc mới đạt được đỉnh cao của nghệ thuật. Thiên Chúa đã dành cho con người khả năng hiện thực những ước mơ Ngài đã đặt để nơi con người. Đi vào con đường ngài vạch sẵn, chúng ta đạt tới chân hạnh phúc, đi chệch con đường ấy, là ôm mối bất hạnh. Đi ngoài chương trình kế hoạch của Thiên Chúa, quả là bi đát bởi lẽ làm thế, có khác trứng lăn ra khỏi cánh gà mẹ, thiếu hơi nóng của tình Chúa ấp ủ, trở nên ung thối, không đạt được sự sống và triển nở xinh tươi. Do đó mà chúng ta phải luôn điều chỉnh cuộc đời, bằng cách làm cho đời chúng ta theo những khuôn mẫu Chúa đã đặt để. Gương mẫu tuyệt vời nhất, là Chúa Ki-tô, Đấng mà chúng ta đã nhiều lần suy gẫm để rút ra căn tính của mình. Nhưng khuôn mẫu ấy đối với chúng ta quá lý tưởng, quá cao vời, nhiều khi chúng ta cảm thấy chới với. Do đó mà Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta một mẫu gương khác, gần gũi hơn, đó là Mẹ Maria. Nơi Mẹ, Thiên Chúa rất hài lòng vì ngài đã gặp thấy mọi tiêu chuẩn ngài đề ra. Đức Mẹ là tình yêu tuyệt nhất, tình yêu cao đẹp nồng thắm hơn hết mọi tình yêu ở trần gian này. Chúng ta đều biết Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại, Mẹ của Giáo hội và là Mẹ của mọi người chúng ta. Đặc biệt từ khi Chúa trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ, Mẹ đã trở nên, theo một ý nghĩa đặc thù, là mẹ của hàng giáo sĩ, Mẹ của các linh mục, những Kitô thứ hai.

Đề cập đến nghĩa vụ và quyền lợi của hằng giáo sĩ, Giáo luật điều thứ 276 triệt 2, nố 5 có dạy: giáo sĩ phải sùng kính Đức trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Những người con hiếu thảo thường ra sức bắt chước mẹ mình trong mọi việc, nhất là luôn nghe lời mẹ chỉ dạy. Thánh Luy Monffort, vị thánh tôn sùng Đức mẹ cách đặc biệt, đã cho chúng ta một suy tư thấu đáo và ngộ nghĩnh khi chú giải đoạn 27 sách sáng thế ký. Bài suy tư này phỏng theo sách nhan đề: “Luận về sự sùng kính chân thật Đức trinh nữ Maria”, chương VI tựa đề “Rebecca và Giacop, nhân vật điển hình của đời sống tận hiến trong Kinh Thánh”. Đoạn kinh thánh nói về Giacop cướp quyền trưởng nam.

Các giáo phụ và các nhà chuyên môn kinh thánh đã đồng ý cho rằng Giacop tiêu biểu cho Chúa Giêsu và các linh mục, những người tận hiến, còn Esau tượng trưng cho kẻ dữ. Esau thân hình lực sĩ, có biệt tài bắn cung, săn được nhiều thú rừng, sống phiêu lưu, ít về nhà, ỷ lại tài sức của mình, không bao giờ giúp việc nhà, không cần biết đến mẹ là bà Rebecca, không bao giờ làm vui lòng mẹ già. Tham ăn đến nỗi đổi quyền trưởng nam lấy dĩa cháo đậu.

Đúng đây là những hành vi của kẻ dữ: họ tin tưởng nơi sức lực của mình, cậy tài khôn khéo, rất sáng suốt trong chuyện đời, nhưng lại yếu đuối và mờ tịt trong việc đạo đức. Do đó họ ít ở nhà, không chịu đi vào nội tâm, không ẩn mình nơi cung thẳm của lòng mình, của linh hồn mình, không chịu noi gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ở trong Thiên Chúa Cha. Kẻ dữ không thích đời nội tâm, mà lại làm náo động nội tâm người khác. Họ cho những người sống âm thầm đạo đức là những kẻ có đầu óc hẹp hòi, kém xã giao, ngờ nghệch. Kẻ dữ không nghĩ đến việc tôn sùng Mẹ Maria. Họ tự hào là mình giao thiệp trực tiếp với Thiên Chúa, coi việc sùng Kính Đức Mẹ như việc đàn bà trẻ con.

Trái lại Giacop, Người sinh sau, thân hình mảnh mai, hiền lành ôn hòa, luôn ở nhà hầu hạ mẹ. Có ra khỏi nhà cũng là do lệnh mẹ, không ỷ tài khôn khéo, luôn vâng lời mẹ, hoàn toàn tin yêu phó thác vào kế hoạch của mẹ. Người lành, những người con yêu của mẹ Maria, các linh mục cũng xử sự như thế đối với Mẹ Maria: thích ở nhà, ưa tĩnh tâm, ưa sống đời sống nội tâm, chuyên cần cầu nguyện. Chúng ta biết hầu hết các linh mục sa ngã đều khởi đi từ việc thờ ơ trong đời sống nội tâm, dần dần thấy lạt lẽo trong lời cầu nguyện và sau đó là lăn xuống triền dốc.

Hãy soi chiếu đời mình với đời mẹ. Ở Nazarath hay ở Cana, Mẹ vẫn luôn gắn bó với Chúa và luôn cầu nguyện, luôn tham khảo ý Chúa Giêsu. Những linh mục chân chính không ham quyền chức, địa vị, không tìm kiếm vinh quang bên ngoài, mà chỉ thích sống ẩn dật như chính mẹ Maria, như chính Chúa Giêsu lúc còn ở Nazareth, phục tùng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Đó là vài nét chú giải của thánh Luy Montfort giúp chúng ta so chiếu đời mình với Giacop. Đa số chúng ta khi còn trẻ vẫn còn tình mẹ trần thế ấp ủ và chúng ta hạnh phúc có một người Mẹ trên trời là Đức Maria. Để hiểu được sự quý báu của người mẹ ấy, chúng ta có thể đi từ những tình mẹ thông thường để rồi kết thúc nơi tình mẫu tử thiêng liêng và nồng thắm của Mẹ Maria.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá gặm xương”. Ai trong chúng ta lại không xót xa khi thấy một em bé mồ côi mẹ? Mất mẹ là mất kho báu quý giá nhất trên đời. Biết bao lời ca tụng mẹ trong văn chương, trong nghệ thuật, trong đời sống thường ngày, trong trái tim của mỗi người con hiếu thảo. Người ta còn bảo nhiều người trước khi lìa cõi đời này, đã ứa nước mắt kêu lên tiếng “Mẹ ơi”.

Tình mẹ không thể nào thiếu vắng trong đời người, bởi vì nó bao la như biển thái bình, nghĩa mẹ lai láng như nước trong nguồn chảy ra. Mẹ chẳng những cần cho sự hiện hữu và sinh tồn của cuộc đời, như sữa, như đường, như bánh, mà còn như những món ăn đặc sản, mang lại hương vị mặn mà thơm ngon cho cuộc sống, như chuối, như mật, như gia vị…

Nếu là một điều tối cần thì tình mẹ phải được lý tưởng hóa để muôn đời con người chiêm ngưỡng, bắt chước và tri ân. Trong Phật giáo tình mẹ được kết tụ nơi Quan Thế Âm Bồ Tát. Tinh thần ấy cũng ảnh hưởng rất nhiều nơi các bà mẹ Á Đông.

Chúng ta cũng có một người mẹ tuyệt vời, không thể thiếu và vẫn luôn đồng hành với chúng ta, đó là Đức Maria. Đây không phải là bà mẹ trong các tiểu thuyết hay trong các kịch bản, mà là một bà mẹ trong lịch sử, trong cuộc đời, bà mẹ đầy đau khổ đã ngậm nuốt muôn nghìn đắng cay, đặc biệt trên đồi Canve, dưới chân thập giá, chứng kiến cái chết tủi nhục của người Con duy nhất của mình.

Thánh Gioan trong Phúc Âm thứ tư, đoạn 19 từ câu 25 đến hết câu 27, có thuật lại: “Thấy thân mẫu và tông đồ mình thương đứng bên cạnh, Chúa Giê su nói với Mẹ Người, thưa bà đây là con của bà, và nói với môn đệ này là mẹ con”.

Cứ thường tình thì việc một người sắp đi xa, trối người mình thương mến cho người khác là phải lẽ. Trường hợp ở đây, ai cũng hiểu là Đức Maria không còn người con nào người Chúa Giê su, nên sau cái chết của Chúa, Mẹ sẽ không có ai phụng dưỡng và do đó mà Chúa trối mẹ lại cho người môn đệ Chúa Chúa yêu là Gioan. Nhưng có điều lạ là tại sao Chúa không trối Đức Mẹ lại cho người họ hàng, mà lại trối cho người dưng; hơn nữa thứ tự chối trăn lại đảo ngược: trối thánh Gioan trước cho Đức Mẹ, rồi mới trối Mẹ lại cho thánh Gioan; lại còn dùng từ ngữ trang trọng “Thưa bà”. Bằng đó đủ để các thần học gia các nhà chú giải phải suy tư.

Từ thế kỷ XII, nhất là thế kỷ XV, các nhà nghiên cứu kinh thánh cho rằng khi nói “Thưa bà, này là con bà”, Chúa Giê su đã chính thức đặt Đức Maria làm Mẹ thiêng liêng cho toàn thể nhân loại; đặc biệt qua Gioan, Mẹ làm mẹ của hàng giáo sĩ và các Tu sĩ. Quả thế, người môn đệ đứng bên cạnh mẹ không chỉ là Gioan, mà là người đại diện cho toàn thể nhân loại, đại diện cho các linh mục, tu sĩ, mà Chúa Giê su đã muốn phó thác vào cánh tay hiền mẫu của Mẹ.

Nếu muốn gửi gắm Mẹ mình cho Gioan, việc gì Chúa phải nói: “Thưa bà, này là con bà?”. Chúa chỉ cần nói: “Gioan, đây là mẹ con” và nói với Đức mẹ: “ Thôi Mẹ ở lại, có Gioan lo rồi”. Ở đây, Chúa lại dùng thành ngữ “Thưa Bà” làm ta nhớ lại bữa tiệc cưới Cana, hôm đó, Chúa cũng nói với Đức Mẹ: “Thưa Bà, giờ tôi chưa đến”. Đức Mẹ xin Chúa làm phép lạ, tức là hối thúc Chúa sớm tỏ mình ra, sớm sống công khai và sớm hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại, nên chúa mới trinh trọng thưa bà; giờ đó đã điểm trên đồi Canve, và một lần nữa, Chúa lại nói” Thưa bà”. Lần này, Chúa trao nhân loại, giao tất cả chúng ta cho Đức Mẹ, để từ đây, Đức Mẹ chính thức là Mẹ chúng ta, mẹ của nhân loại, trong cuộc chống lại rắn dữ và ma quỷ, điều Thiên Chúa đã tiên báo trong sách sáng Thế Ký đoạn 3 câu 15: “Ta sẽ đặt người đàn bà đối chọi với ngươi. Dòng dõi Người sẽ đạp đầu ngươi và ngươi sẽ rình cắn gót chân Dòng dõi ấy”. Dòng dõi này, trước tiên là Chúa Giê su, sau là nhân loại, mà Mẹ là người Mẹ toàn năng trong lời cầu, là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, là trung gian các ơn…

Như xưa Adam và Eva dưới cây trái cấm đã lỗi phạm, đưa nhân loại vào cảnh điêu linh, Eva đã trở thành mẹ kẻ chết, thì nay Adam mới bị treo trên cây trường sinh là cây thập giá, và Mẹ Maria là Eva mới, mẹ của những người sống, mẹ của nhân loại, Mẹ của chúng ta.

Nhưng chúng ta đừng tưởng rằng chỉ đến giây phút quyết liệt trong đời Chúa, Đức Mẹ mới trở thành Mẹ nhân loại. Không, Mẹ đã thụ thai nhân loại ngay từ lúc nói tiếng “Xin vâng” ở Nazareth, khi sứ thần truyền tin, bởi lẽ Đức Mẹ bằng lòng mang nhân tính đén cho Chúa Giêsu và suốt những năm dài tại thế, Mẹ đã cưu mang nhân loại trong đau khổ, từ biến cố Bêlem đến núi sọ, và giờ đây trên đồi Canve, Mẹ chính thức được truy nhận.

Mọi tình mẫu tử kỳ diệu trên trần gian này đều cô đọng nơi Đức Maria. Trong biến cố truyền tin, Mẹ đã nói lên tiếng xin vâng với lòng tin yêu phó thác, mặc dú, Mẹ rất thiết tha với Đức Trinh Khiết. Trong cuộc sống âm thầm tại Nazareth, Mẹ đã hy sinh rất nhiều để nuôi dưỡng Chúa Giê su, nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho nhân loại. Ngày cuối cùng của đời Chúa, Mẹ đã can đảm dâng con trọn vẹn vì nhân loại. Là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Mẹ đã là Mẹ chúng ta khi sinh chúng ta ra trong đau khổ của Mẹ, để cầu Chúa cho chúng ta đời sống ân sủng. Và ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta bằng những ơn Mẹ đã lãnh được qua trung gian của Mẹ.

Trong khi suy gẫm về tình mẹ của Mẹ Maria, chúng ta phải tự hỏi mình đã làm gì để tỏ ra những người con hiếu thảo của Mẹ. Hãy noi gương các nhân đức của Mẹ, hãy bắt chước Mẹ cách trung thành và hãy làm chứng cho mọi người thấy tình ân mẫu của Người. Chớ gì tình cảm và lòng sùng kính của chúng ta đối với mẹ mãnh liệt, thiết tha, nồng thắm như tình cảm của Đức Hồng Y Wyszinski đối với mẹ ruột của ngài, như có lần Ngài bày tỏ: “Tôi đây đã tám mươi tuổi, mà mỗi lần kêu đến tên mẹ, là tim tôi hồi hộp, miệng tôi run lên”.

Phêrô Đặng Anh Vũ Trụ

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Nguồn tin: donboscoviet.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây