Những cảm nghiệm khi viết Thánh Ca

Thứ sáu - 22/03/2019 23:57

thanhca.jpg

Từ những bước chập chững đầu tiên...

 

Bài hát đầu tiên mình viết lúc 17 tuổi lấy cảm hứng từ câu thánh vịnh 132 trong cuộc hội thao của các bạn Lễ Sinh liên xứ: “Anh em sum họp một nhà...”. Rồi sau đó dần dần mình học nhạc nhiều hơn, cho đến giờ khi nhìn lại hành trình vừa qua, mình không khỏi ngạc nhiên.

 

Ngạc nhiên, bởi vì khi bắt đầu học nhạc, chẳng bao giờ mình nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ viết lấy cho mình một khúc hát nhỏ nữa, huống là bây giờ đã cầm trên tay một tập sách những bài nhạc mình viết ra trong 10 năm qua. Lúc khởi đầu học nhạc, ai ai cũng thấy vô cùng gian nan, mình cũng vậy thôi... Mãi đến khi tập tành viết nhạc, mình cũng chưa hề nghĩ là sẽ viết được mấy bài cho ra hồn ra vía, tất cả ban đầu chỉ là một tâm tình đơn giản: học đệm đàn để phục vụ Chúa và phục vụ cộng đoàn... Từ ý hướng đó, Chúa “dẫn con từng bước, từng bước một thôi” (lời bài hát Dẫn con từng bước-nhạc: Kim Long, lời: ĐHY Chân Phước John Henry Newmann) tới việc học nhạc cụ, rồi lại lấn qua việc viết nhạc... Mình rút ra kinh nghiệm quý giá cho đời sống: Chúa sẽ sẵn lòng ban mọi thứ cần thiết để mình làm vinh danh Chúa, chỉ cần mình có ý ngay lành muốn phụng sự Chúa mà thôi. Bởi, Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta. Và mình có học được gì, cũng là vì mình có khả năng, điều kiện, thời gian thuận lợi hơn người khác mà thôi, chứ chẳng phải điều gì đáng để tự hào.

 

Ngạc nhiên, bởi vì một đứa học nhạc không được đào tạo bài bản trong trường nhạc như bao người chuyên môn lại đi viết nhạc (có nhiều người cứ tưởng mình dân nhạc viện chuyên nghiệp, thật ra không phải!). Nhạc sư Hải Linh dù là một bậc thầy về âm nhạc vẫn không nhận mình là người sáng tác nhạc, ông chỉ nhận là mình “sàng tạc” thay vì “sáng tác”, chỉ có Chúa là Đấng sáng tác mọi sự từ hư không mà thôi! Mình cũng bắt chước nhạc sư Hải Linh để không bao giờ tự cho mình một cái danh hiệu mà mình biết là không xứng, chỉ nhận mình là kẻ viết nhạc: sàng lọc và phóng tạc lại những gì mình đã cảm nghiệm trong đời, vậy thôi! Và chính mình cũng thật khắt khe với chính mình và tác phẩm của mình đến mức khá cầu toàn. Bởi lẽ đối với mình, đâu có phải viết được dăm ba bài hát là thành nhạc sĩ! Nếu vậy thì thế gian cả khối người. Một bài hát thánh ca cần phải là kết quả của suy tư và cầu nguyện. Và mình vẫn còn phải học hỏi nhiều, nhiều lắm từ chuyên môn đến đạo đức, không bao giờ được dừng lại, bởi vì chẳng bao giờ quên rằng “tự mãn phá tan tiềm năng, kiêu căng đè bẹp phát triển.”

 

Ngạc nhiên, bởi vì khi viết xong một bài nhạc, có những lúc mình còn phải ngồi đó mà học lại “bài học” mình mới lãnh nhận. Mình không tin là mình viết, mà chỉ nghĩ một điều: Chúa cầm tay. Có những khoảng thời gian trong đời, mình cảm nghiệm thấm thía lời mà Mẹ Maria ca lên trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1,49). Có lẽ “nhìn lên” mình không bằng ai, nhưng “nhìn vào chính mình” và “nhìn xuống” mình thầm cảm tạ ơn Chúa. Một mặt, rõ ràng, trên thế giới có biết bao người giỏi giang thiên phú. Bấy nhiêu đây mà thấm thía gì, có gì đâu để tự hào? Nhiều người còn tài giỏi đến mức kinh khủng, có hợm hĩnh chăng khi thấy bấy nhiêu đã là “cao cả”? Thật vậy, nhìn về mặt chuyên môn thì đây có là gì! Tuy nhiên, mặt khác, chính điều đó càng làm cho mình càng nhận biết mình là hư không hơn, bởi lẽ: đối với mình, bấy nhiêu ơn lành Chúa ban đã là rất lớn lao rồi, vượt cả sức nghĩ, sức tưởng tượng của mình rồi. Tất cả đã là “biết bao điều cao cả” rồi. “Tất cả là hồng ân” (Thánh nữ Thérèse Hài Đồng) mà thôi. Mà đã là ơn thì cần phải có tâm tình biết ơn đối với Đấng ban ơn. Đó không phải là một điều mà mình đáng phải tạ ơn Chúa hằng ngày hằng giờ sao? Và vì vậy, một lần nữa, hằng ngày mình nhắc nhở mình để đừng tự mãn kiêu căng, coi chừng không thoát ra khỏi cảnh “ngồi đáy giếng”, mà cần phải tận dụng để đừng lãng phí bao ân phúc Chúa ban mà nhìn ra khung trời cao thẳm ngoài kia, với bao nhiêu là huyền nhiệm trong đời...

Đối với mình, việc viết thánh ca không phải là một kĩ năng, một chuyên môn cho bằng là một hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng. Hầu như khi lần giở lại những bài hát mình từng viết, và đôi khi chỉ là ngồi hát lại những bài mình đã viết ra, dù là những bài đơn sơ giản dị đi nữa, mình đều cảm thấy ngạc nhiên. Không hiểu làm sao mình có thể viết ra những giai điệu như thế, những ca từ như thế, với những cảm xúc và tâm tình như thế. Và lần nào cũng vậy. Tâm tình của Thánh nữ Thérèse Hài Đồng cũng là tâm tình của mình: “ Phần cây cọ vẽ, nó đâu có thể tự hào về kiệt tác do nó. Nó biết rằng các nghệ sĩ không bối rối mà còn giỡn với những khó khăn và đôi khi dùng những dụng cụ yếu đuối và bất toàn.”

Viết nhạc thánh ca, một ơn gọi...

Chơi với nhạc không phải dễ. Một trong những người thầy dạy nhạc của mình đã nói rằng muốn giỏi âm nhạc, phải có ba yếu tố cùng xen kết như cái kiềng ba chân mà nếu thiếu sẽ khập khễnh ngay: năng khiếu, giáo dục tốt (thầy dạy tốt, trò học tốt) và đam mê kiên trì luyện tập. Học nhạc đòi hỏi người ta sự khổ luyện. Trong cuộc sống, thường thường người ta hay ngưỡng mộ kết quả, mà không nghĩ tới công khó trong hành trình làm nên những kết quả ấy. Ai cũng xuýt xoa trước một bức vẽ đầy tính nghệ thuật, thích thú khi nghe một ca khúc hay một bài nhạc được trình tấu, ngưỡng mộ các tấm gương vượt khó, kiên trì, thành công, ca tụng các thánh khi nhìn vào gương sống của các ngài… Thực ra, cái mà ta quan sát được chỉ là những nét hào nhoáng bên ngoài, so với biết bao nỗ lực, kiên trì, tập luyện, mồ hôi nước mắt…

Kẻ tu hành chơi nhạc lại còn khó, bởi lẽ người ta vẫn hay nói là những kẻ có máu nghệ sĩ thường… khó tu, bởi lẽ tính lãng mạn phóng khoáng của kẻ nghệ sĩ lắm khi đồng điệu, thậm chí có lúc tương phản với kỉ luật và nếp sống điều độ của nhà tu. Dường như có sự lạc điệu nào đó giữa kẻ nghệ sĩ thích sống theo đam mê, bất kể thời gian và không gian để thỏa sức sáng tạo với kẻ tu hành sống theo giờ giấc để dành sức lực và trí lực cho việc học hành, phục vụ và tu dưỡng đạo đức. Thật sự không sai. Nhiều kẻ mang máu nghệ sĩ đành chia tay với đời tu, vì thấy không thích hợp hay vì nhiều lý do khác. Còn đối với kẻ mang chút máu nghệ sĩ mà muốn đi tu, có lẽ khi phải chọn thì cần phải chấp nhận hy sinh đam mê để chọn sự điều độ, theo kỉ luật chung của cộng đoàn. Mới bước vào đời tu hẳn sẽ có lúc lắm khó chịu vì dòng tư tưởng đang tuôn trào, mạch cảm xúc đang tuôn đổ bị gián đoạn, gọi đơn giản là bị “mất hứng”. Nhưng khi tập để thích nghi rồi, thì kẻ tu hành-nghệ sĩ ấy cần tập rèn giũa sao cho những tư tưởng và cảm xúc ấy không bị gián đoạn để rồi rơi vào bế tắc, lãng quên, nhưng được coi là cơ hội để chúng được ấp ủ, nhào nặn thêm chín muồi, cộng thêm vào tâm tình cầu nguyện để những tư tưởng kia, cảm xúc kia được gột rửa để bớt phần bất xứng, để những loại ngôn ngữ kia chẳng còn là thuần túy là nhu cầu biểu lộ chính mình mà còn là biểu lộ điều họ xác tín. Dòng nước mà được con đê ngăn lại để được điều tiết sẽ được sử dụng hợp lý hơn.  Nhánh bonsai được uốn tỉa theo dòng kẽm sắt sẽ trở nên đúng dáng mà nghệ nhân làm vườn ưa thích. Những điều ấp ủ hoài niệm trong lòng lâu dài mong là sẽ có sức lan tỏa và giúp cho người nghe cảm nhận được chút gì như quà mọn dâng cho Chúa, cho đời, cho người.

Âm nhạc là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình. Đến với âm nhạc bằng niềm đam mê, mình muốn dùng âm nhạc để diễn tả cảm xúc trong tâm hồn. Những giai điệu có thể chuyển tải cảm xúc dạt dào trong tâm hồn. Với mình, âm nhạc là hơi thở, là máu thịt, là chiếc đũa thần làm cho cuộc sống cho dẫu nghiệt ngã hay phũ phàng có thêm thi vị và sức sống. Âm nhạc giúp mình say sưa ngụp lặn trong thế giới huyền nhiệm của Đấng Tuyệt Đối, Đấng đã ban tặng cho con người một món quà vĩ đại…

Viết nhạc, làm thơ hay viết văn có lẽ cũng giống như làm rượu. Cần chọn nguyên liệu cho tốt, chuẩn bị cho kĩ mọi công đoạn, ấp ủ cho kĩ chất liệu đó, rồi để thời gian làm lên men. Hương vị ngọt ngào nhưng mạnh mẽ của rượu sẽ làm cho cuộc sống thăng hoa. Khi đến tay người khác, họ chỉ thưởng thức được hương vị ngọt ngào của nó, mà không tưởng tượng rằng để có được hương vị ngọt ngào đó, người ta đã phải trải nghiệm đủ mọi cung bậc của cuộc sống, sau biết bao nhiêu trăn trở, thao thức, khát vọng, ước mơ… để dâng tặng cho đời những tinh hoa quý giá. Đó là lý do vì sao mà những người viết nhạc, làm thơ, viết văn chẳng thể nào thôi suy tư về phận người. Vì Tạo Hóa sinh họ như thế! Rồi kẻ viết nhạc khi mới ấp ủ và viết ra bài hát dù chưa cảm thụ được hoàn toàn cách người ta phối khí bài hát của mình, nhưng đã phải nghe trong tâm thức trước cách hát, sắc thái nhấn nhá của bản nhạc khi được trình tấu rồi. Đó là điều khó, y như đơn hành trong cõi tịch mạc khắc khổ nhưng cũng vô cùng phong phú của trí tưởng tượng. Tới khi bài nhạc được phối khí hay trình tấu lên, mọi cảm xúc đều được thăng hoa và bay bổng, kẻ viết nhạc mới ngồi chiêm nghiệm lại những tâm tình và cảm xúc mình đã trải qua trong khô khan và tĩnh lặng ấy, và lúc đó, để mặc cho những đợt sóng tri ân cảm tạ trào tuôn…

Viết nhạc thánh ca, cách nào đó còn khó hơn viết nhạc đời, bởi lẽ viết thánh ca không phải chỉ chuyển tải những cảm nghiệm cuộc sống thuần túy, thánh ca còn giúp chuyển tải những cảm nghiệm tâm linh vốn trừu tượng và có thể giúp người ta cầu nguyện nữa, còn không, nó chỉ là một bản nhạc tuyên truyền về tôn giáo, và người viết thánh ca chỉ là “thợ làm nhạc, thợ viết nhạc” chứ không phải là người nghệ sĩ. Ngạn ngữ latin nói rằng: Người ta không thể cho cái người ta không có. Kẻ viết thánh ca làm sao có thể truyền đạt cái họ không cảm nghiệm được? Thao thức của mình khi viết thánh ca, đó là làm sao có được những bài thánh ca vừa hay vừa sốt sắng, để bảo đảm tính nghệ thuật và thánh thiện mà Thánh Nhạc đòi hỏi (Huấn Thị De Musica in Sacra Liturgia số 4a). Điều này thật sự là rất khó. Bởi vì viết “hay” mà nghe không “sốt sắng”, hay viết “sốt sắng” thật mà lại không “hay”, có lẽ cũng không quá khó. Nhưng viết thánh ca vừa hay vừa sốt sắng đòi hỏi người cầm bút phải vừa luôn trau dồi khả năng chuyên môn lẫn đào sâu thao thức của hồn nhạc, một điều mà mình vẫn xác tín và nỗ lực hằng ngày.

Những gì thể hiện ra nói lên tính cách và cuộc sống của mỗi người. Nhìn vào nét nhạc, giai điệu, tiết tấu, cách hòa âm của một bài nhạc, có thể hiểu cách nào đó về tâm tình và cuộc sống của người đó, dù phiến diện thôi, giống như người ta vẫn hay nhìn nét chữ, tướng mạo, thái độ sống để nhận xét một người. Nhìn vào đời sống của các nhạc sĩ Công giáo, mình tự nhủ chắc hẳn đời sống của các vị phải đẹp lắm, tâm hồn các vị phải đẹp lắm mới có thể cho ra đời những tác phẩm, những giai điệu du dương thánh thiện, giúp cộng đoàn cầu nguyện bằng lời ca tiếng hát thật sốt sắng như vậy. Dĩ nhiên, một tâm hồn đẹp không phải là một tâm hồn không biết đến bụi trần với bao phong ba bão táp của kiếp người, những cảm xúc rất đời và rất người, kể cả những cảm nghiệm rất cá nhân, rất riêng tư. (và có thể, rất thần bí nữa mà người ta thấy nơi một số nhà soạn nhạc lớn của thế giới) Những tâm hồn đó đẹp là nhờ luôn miệt mài bước theo Chúa mỗi ngày, kiên trung trong thử thách, trong đêm tối cuộc đời, trong gian nan khó nhọc, trong buồn vui sướng khổ của cõi sống này, nhờ mãi một lòng sống trong tình yêu Chúa. Tâm hồn đẹp như thế, mới có thể trao gửi cho đời những cảm nghiệm thiêng liêng quý giá.

Những chiêm nghiệm đó nhắc nhở mình về cách sống của mình. Nếu Chúa ban cho mình hồng ân quý giá này, thì mình phải sống nó như một ơn gọi, như bao ơn gọi quý giá trong đời mình đã nhận được. Tâm hồn cần phải gạn đục khơi trong mỗi ngày, sao cho dòng sông thực sự sáng trong để cho ánh sáng của Mặt Trời Công Chính chiếu tỏa đến mọi ngõ ngách của lòng sông ấy. (cốt ý của bút danh Giang Tâm) Tâm hồn cần phải chút nào đó xứng đáng và bớt phần bất xứng để Chúa đổ vào nguồn cảm hứng của Người. Bởi lẽ, kẻ viết nhạc đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đức tin của dân Chúa. Bao nhiêu thế hệ tín hữu đã được nuôi dưỡng đức tin của cộng đoàn và cá nhân nhờ ngâm nga những bài thánh ca, thánh nhạc? Bao nhiêu lần chính cá nhân mình khi mệt mỏi, chán chường, khô khan bỗng chốc lấy lại hứng khởi khi nghe một bài thánh ca sốt sắng? Bao nhiêu lần những bài thánh ca đã có khả năng nâng tâm hồn bao người tìm thấy vẻ đẹp của đức tin Công giáo, hay như người con lãng du quay trở về với tình Cha sau thời gian xa cách? 

Ngoài lương thực cho đời sống đức tin là Lời Chúa và Thánh Thể, những bài thánh ca có thể nói cũng là một thứ của nuôi, một thứ “quà vặt” làm cho dân Chúa vui hưởng niềm vui khi sống đức tin giữa dòng đời. Chính vì thế, kẻ viết nhạc, cách nào đó, được cộng tác vào công trình nuôi dưỡng đời sống đức tin của dân Chúa. Cao cả lắm, lớn lao lắm chiều kích của ơn gọi mà Chúa dành cho kẻ được Người thương như thế! Bất xứng, mọn hèn, nhưng được phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, đó là tâm tình mà mình ý thức để cảm tạ Chúa và nỗ lực sống mỗi ngày.

Những ước mơ...

 

Và câu hỏi mình rất thường hay gặp, đó là: Trong những bài mình viết, mình tâm đắc bài nào nhất? Đây là câu hỏi thật khó trả lời. Bởi lẽ mỗi bài hát là một đứa con tinh thần mình ấp ủ, nhào nặn trong tâm tình, trong cầu nguyện, có khi tuôn trào trong vài tiếng đồng hồ, có khi được moi ra từ trong kí ức sau lâu ngày dài tháng (có những bài mấy tháng sau mới đặt bút viết). Thế nên bài nào mình cũng tâm đắc cả. (dĩ nhiên, không hẳn bài nào mình thấy tâm đắc mọi người cũng thấy hay!) Nhưng bài nào cũng thực sự là những tâm tình, trăn trở, suy tư của mình, cốt không phải để lấy tiếng lấy tăm, hay mong được điều gì. Bởi lẽ viết thánh ca không phải dễ. Viết cho có chất đã khó, viết để người ta có thể đón nhận lại còn khó hơn. Mình không bao giờ có ý định viết cho nhiều để nổi danh. Mình chú ý tới chất lượng hơn số lượng, thà ít mà chất lượng. Mình ngưỡng mộ những “cây đại thụ” trong nền Thánh Nhạc, vì tiếng tăm của những vị đó rất nổi tiếng rồi, không có tham vọng bài hát của mình được sánh với những tác phẩm bất hủ ấy. Mỗi vị đều có những nét nhạc độc đáo riêng. Vị nào cũng đáng quý, nhạc vị nào cũng hay theo một nét riêng. 

Tuy nhiên, mỗi lần đi lễ mà nghe ca đoàn hát bài mình viết, mình cảm thấy hạnh phúc và xúc động. Hạnh phúc vì được cống hiến chút gì nhỏ bé cho cộng đoàn, cho dân Chúa. Xúc động vì Chúa có thể đoái thương sử dụng khí cụ bé nhỏ này theo ý Ngài, cho dân Ngài. Những lúc như thế, có lúc mình hát theo, có lúc mình chỉ thích lắng nghe và cảm nhận... Mình nhận ra rằng những gì ấp ủ trong cầu nguyện chưa bao giờ vô ích, và chỉ có những gì được thực hiện trong cầu nguyện mới có sức giúp người khác có thể cầu nguyện. Mình trộm nghĩ, mình chẳng mong gì khác ngoài việc là có thể dâng tặng lại cho Chúa, cho đời món quà Chúa đã tặng ban cho mình trước, đó là cảm hứng và chút khả năng ít ỏi về âm nhạc... Nghĩ đơn sơ như vậy là đủ vui rồi. Vả lại mọi thứ trong đời chẳng có gì là vĩnh cửu. Chất nhạc cũng vậy, không phải lúc nào muốn là có. Tới một độ tuổi nào đó mà thấy nhạc không còn “chất”, cần buông bỏ để làm việc khác chứ không bám víu. Cho nên, khi nào Chúa còn ban cho ơn này, thì nên biết trân trọng để sử dụng mà ca tụng Chúa, đừng hờ hững mà phung phí ơn Chúa.
 

“Xin cho đời con như cây sáo của Ngài. Chúa gieo vào giai khúc thanh khiết muôn đời.” Lời ca bài hát Dấu ấn tình yêu của linh mục nhạc sĩ Ân Đức thật hay. Đó cũng là ước mơ của mình: được cùng cộng đoàn ca tụng Chúa bằng những gì Chúa đã ban cho. Cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn lớn lao này, để vinh danh Chúa hơn. Và rồi, trong cõi miên man vĩnh phúc, con sẽ cùng mọi người ca ngợi tình thương Chúa tới muôn đời.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 135, 1)

 

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh,
Chúa là nguồn mạch mọi niềm hứng khởi của con,
con xin ngợi khen Ngài.

 

Chúa ngự trị nơi sâu kín cõi lòng con
để thúc đẩy những tâm tình, 
khơi lên lửa yêu mến, niềm vui và bình an.

 

Đời con có viết nên được giai điệu hay lời ca gì là do Ngài;
Từ những tâm tình trong giai điệu đời con,
hay những cảm nghiệm 
từ trong tiết tấu cuộc sống mỗi ngày
con chỉ mong chúng được viết xuống 
là để hòa thanh ca tụng Chúa.

 

Những giai điệu và lời ca ấy,
dẫu hân hoan tươi tắn hay thổn thức trăn trở,

dẫu hồn nhiên trong sáng hay thâm trầm kín đáo,
đều bắt nguồn từ những trải nghiệm rất chân thật
của một cuộc đời bé nhỏ, 
lặng lẽ muốn đi theo Chúa mỗi ngày.

 

Xin cho con giữ mãi khao khát ca tụng Chúa,
giữ mãi nét đẹp của tâm hồn,
 
mỗi ngày thêm khiêm hạ, thêm hiền hòa, thêm nhân ái, 
để nhờ sống trong Chúa là Tình Yêu như nhu yếu phẩm sống còn,
đời con không bao giờ cạn nguồn hứng khởi
ngay cả những lúc chênh vênh nhất, 
chông gai nhất, đen tối nhất,
vì biết rằng cả những dấu lặng trầm cũng có giá trị của nó.

23/5/2016

 

Giang Tâm
Hè 2017

Nguồn tin: conggiao.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây