THỨ BẢY TUẦN XII: KÍNH TRỌNG THỂ 2 THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Thứ sáu - 28/06/2024 05:27
1c778cb4 4f6e 44f6 acbf 07e5da4f1762
THỨ BẢY TUẦN XII:

KÍNH TRỌNG THỂ 2 THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Mt 16,13-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai ?”
14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”.
15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” 16 Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
17 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.
19 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.


SUY NIỆM 1: LỄ VỌNG 2 THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
Trong lễ vọng kính 2 Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy gẫm về tính mầu nhiệm của ơn kêu gọi qua chính cuộc đời của 2 Thánh nhân.
Phúc Âm cho biết, Thiên Chúa kêu gọi Thánh Phêrô làm tông đồ khi ông chỉ là một ngư dân “chân lm tay bùn”. Chính Phêrô là người đã nhận thấy bản thân ông không xứng với ơn cao trọng này chút nào. Nhưng điều Chúa cần nơi Phêrô không phải là trình độ mà là lòng yêu mến.
Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Phêrô đến 3 lần cùng một câu hỏi: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”. Và Phêrô đã mạnh dạn trả lời rằng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đối với Chúa Giêsu chỉ cần bấy nhiêu là đủ, đủ để Chúa Giêsu tin tưởng và trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Bài đọc thứ nhất cho biết, nhiều người đã cảm thấy ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến người ngư phủ Phêrô năm nào, giờ đây lại có thể làm phép lạ chữa lành cho một người bại liệt từ thuở mới sinh, và còn làm được nhiều phép lạ khác.
Thánh Phaolô cũng vậy, trong bài đọc 2 Thánh nhân cho biết/ Chúa Giêsu phục sinh kêu gọi ngài làm tông đồ khi ngài đang còn là một kẻ hăng say bắt bớ đạo, và muốn tiêu diệt Hội Thánh của Chúa. Trong con mắt người đời thì Phaolô chẳng xứng đáng, nhưng Chúa đã không lầm khi Ngài chọn Phaolô. Bằng chứng là Phaolô đã biến đổi từ một con người bắt bớ đạo thành một con người nhiệt thành loan báo Đạo thánh Chúa, đặc biệt là cho dân ngoại; và gặt hái được nhiều kết quả bất ngờ.
Khi nhìn lại cuộc đời, ơn gọi, sứ mạng và những điều mà 2 Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ đã làm, người ta tự hỏi rằng: Bởi đâu mà các ông lại làm được những điều vĩ đại như thế? Tất cả đều là nhờ ơn Chúa thưa anh chị em. Một khi Chúa chọn ai thì Ngài sẽ ban cho người đó những ơn cần thiết để chu toàn sứ mạng được trao phó. Đó chính là sự huyền nhiệm của ơn kêu gọi.
Các thanh niên nam nữ và các em thiếu nhi hôm nay khi được gợi ý về việc dâng mình cho Chúa trong ơn gọi tu trì, thì phần lớn các em khước từ, lý do là nghĩ rằng mình học không giỏi, mình không có năng khiếu gì, sợ đi không tới nơi tới chốn. Trong cộng đoàn cũng vậy, nhiều anh chị em khi được mời gọi tham gia phục vụ cho nhà Chúa thì phần lớn đều từ chối, vì cho rằng mình không có trình độ, không có chuyên môn, hay không biết ăn nói….
Có một điều mà chúng ta quên rằng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm việc với Chúa, chứ không phải làm việc thay cho Chúa: làm việc thay Chúa thì không ai được coi là xứng đáng, nhưng làm việc với Chúa thì ai cũng có thể, vì chính Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết phải nói gì và phải làm như thế nào. Chúa chỉ cần nơi chúng ta 2 điều này: một là lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội; và hai là lòng nhiệt thành và sự hy sinh. Thế là đủ!
Tóm lại, lời Chúa của ngày đại lễ hôm nay chỉ muốn nhắn gởi với chúng ta điều này: Thiên Chúa có thể giúp những người bình thường làm được những điều phi thường. Ngài đã thực hiện điều đó nơi chính con người của 2 Thánh Phêrô và Phaolô; và Ngài có thể làm được điều đó nơi chính con người bình thường của mỗi chúng ta, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.
Phần chúng ta, mỗi người hãy can đảm đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hy sinh hết mình và phục vụ hết tình theo gương của  hai Thánh Tông đồ hôm nay. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
“Phần các con, các con nghĩ Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Anh chị em thân mến,
Có thể nói Chúa Giêsu không quan tâm đến dư luận nghĩ như thế nào về Ngài: Là Gioan Tẩy Giả mà Hêrôđê giết chết nay sống lại, là Elia, Giêrêmia, một tiên tri nào đó … điều đó không quan trọng. Người đời tự do nhận hay khước từ Chúa Giêsu, việc đó từ khi Ngài xuống thế gian cho đến bây giờ vẫn luôn xảy ra, chẳng những thế người ta còn gán cho Ngài những danh xưng, những đức tính hay những tật xấu … việc đó cũng không quan trọng.
Quan trọng là chúng ta, những người Ngài đã kêu gọi và được thanh tẩy trong Bí Tích Rửa Tội, Ngài đã ban cho Thần Khí của Ngài, Ngài đã dùng Lời và Mình Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng, Ngài đã không ngớt yêu thương và chăm sóc … Chúa sẽ hỏi chúng ta: “Còn con, con nghĩ Thầy là ai?”
Qua bài Tin Mừng Mt 16, 13 – 19: Hỏi về dư luận chỉ là cớ để Chúa Giêsu bắt vào câu chuyện, còn vấn đề chính là dành cho các tông đồ: “Chúng con nghĩ Thầy là ai?” sau khi Phêrô trả lời, Chúa Giêsu nói ngay: “Chẳng phải (điều con tuyên xưng) do xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Chính Chúa Cha đã mạc khải, đã chọn, đã tỏ cho thấy con có đức tin đó, cho nên Thầy chọn con, con trở nên tảng đá vững chắc, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy trên con và Giáo Hội sẽ không bao giờ lay chuyển…
Thưa anh chị em,
Kể từ giây phút đó, dường như Chúa Giêsu bắt đầu đổi hướng trong việc rao giảng và giáo huấn. Ngài dành nhiều thì giờ cho nhóm Mười Hai, Ngài dạy dỗ, chỉ bảo cho các ông, vì Ngài biết rằng đây là nhóm người mà Chúa Cha đã chọn, đã trao cho Ngài và từ những con người này (những con người còn đầy dẫy những khuyết điểm, yếu đuối…) Ngài xây dựng làm nền tảng cho Hội Thánh. Trải qua bao nhiêu thử thách, không quyền lực nào có thể lay chuyển được Hội Thánh mà Ngài đã xây dựng. Chúng ta chính là Hội Thánh đó, là những con người Ngài xây dựng và luôn gìn giữ.
Trở lại với bài sách Công Vụ (Cv 12, 1 – 11), tôi nghĩ rằng dù trình bày như thế nào, chúng ta cũng không quên trọng tâm của câu chuyện: Thiên Chúa giữ lời Ngài nói qua miệng Chúa Giêsu “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời Ngài được thực hiện khi thiên thần giải thoát Phêrô khỏi ngục tù cách lạ lùng (Phêrô được Chúa tuyển chọn và Phêrô được Chúa trao cho quyền tha – buộc tội lỗi, và trong chức năng đó, Chúa gìn giữ Phêrô…). Giáo Hội trải qua 2000 năm với bao nhiêu thử thách nhưng vẫn là Giáo Hội của Đức Kitô, ngày hôm nay có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, những vị Giáo Hoàng khác nhau, nhưng vẫn là một Giáo Hội duy nhất, Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng Phêrô. Chúng ta thấy Lời Chúa vẫn luôn được thực hiện,
Chương trình của Thiên Chúa rất mầu nhiệm, phong phú và đa dạng. Chúng ta nghĩ rằng với thánh Phêrô, với đoàn tông đồ như thế là đã đủ và từ đó cứ tiếp nối để Giáo Hội trường tồn, nhưng không, bên cạnh đó Chúa đã tuyển chọn Phaolô cách rất đặc biệt: Từ con người hăng hái bắt đạo, Chúa đã biến đổi lòng dạ và làm cho Phaolô trở nên tông đồ nhiệt thành.
Vậy vai trò của Phaolô trong Hội Thánh lúc bấy giờ là gì? (Đọc trong những đoạn kinh Phụng Vụ để thấy Thiên Chúa nhiệm mầu trong chương trình của Ngài) Phêrô là người tuyên xưng đức tin, trên Phêrô đức tin được xây dựng; Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, là người đem đức tin đó gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh đó luôn có Trong Hội Thánh, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, sứ vụ đến với muôn dân … Ngày hôm nay chẳng những trong lòng Giáo Hội, chẳng những ở Giáo Hội địa phương mà ngay mỗi Giáo Xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi người luôn phải sống hai khía cạnh đó: một đàng phải luôn đào sâu đức tin, sống gắn bó với Chúa nhiều hơn, đàng khác chúng ta không chỉ được sống cho mình mà phải biết chia sẻ đức tin cho anh em, càng biết đến với anh em, càng biết chia sẻ đức tin, biết loan báo Tin Mừng thì đức tin chúng ta càng vững chắc. Đó là chương trình của Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta. Có thể chúng ta nói mình yếu đuối, tọi lỗi, nhưng thành thật mà nói, chắc chúng ta không tội lỗi hơn thánh Phaolô, cũng không tội lỗi hơn thánh Phêrô; còn nếu nói chúng ta yếu đuối thì tôi nghĩ rằng thánh Phaolô và thánh Phêrô còn có lúc yếu đuối hơn chúng ta. Thiên Chúa đã tuyển chọn và làm những việc lạ lùng với những con người tội lỗi, yếu đuối đó. Chúng ta cũng được Chúa tuyển chọn và ban Thánh Thần của Ngài, thế thì tại sao chúng ta lại không đi trên con đường đó và không can đảm nhận lấy trách nhiệm và sứ vụ đó?
Cử hành trọng thể lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta cám ơn Chúa đã yêu thương và xây dựng Hội Thánh để Ngài luôn hiện diện giữa thế gian. Nhờ có Hội Thánh, chúng ta được tiếp xúc với Thiên Chúa và được dạy dỗ để đi trên con đường của Ngài. Tin vào điều đó nhưng đồng thời cũng tin Chúa trao cho chúng ta (ở trong Hội Thánh) sứ vụ làm chứng cho Ngài, vì Ngài không chỉ muốn cứu độ một nhóm người, nhưng Ngài muốn tình yêu cứu độ của Ngài phải được loan báo cho muôn dân. Chúng ta là những người mà Ngài đang cần đến, là những người mà Ngài tuyển chọn để thi hành sứ mạng đó.
Mừng lễ hai thánh tông đồ, chắc chắn chúng ta thêm niềm tin trong Hội Thánh, thêm niềm tin trong sứ vụ mà Chúa đã trao cho Hội Thánh. Noi theo gương hai Ngài, chúng ta luôn tuyên xưng cách vững chắc ” Ngài là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống”, Ngài là Đấng đã đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại, Ngài đã xây dựng và đã sai Hội Thánh tiếp nối công việc của Ngài. Hiểu và tin được điều đó, chúng ta đã góp phần xây dựng Hội Thánh trường tồn và lan rộng cho đến tận cùng thế giới.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

SUY NIỆM 3: LỄ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính 2 Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô với bậc lễ trọng, lễ cầu cho giáo dân, lễ họ.  Trong khung cảnh của ngày đại lễ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa Giêsu tuyển chọn Phêrô làm đá tảng để xây dựng Hội Thánh tại trần gian, và trao cho ông chìa khóa Nước Trời, để ông cầm buộc điều gì thì điều ấy bị cầm buộc, ông tháo cởi điều gì thì điều ấy được tháo cởi.
Quyết định này của Chúa Giêsu đã làm không ít người bị sốc, và tự hỏi: Tại sao một công việc quan trọng hàng đầu như thế mà Chúa Giêsu lại dám trao cho Phêrô, một con người cộc cằn trực tính, một con người đã từng chối thầy bỏ bạn, một con người cả cuộc đời niên thiếu chỉ gắn bó với chài lưới thì biết gì mà xây với dựng, mà tháo với cởi? Và người ta cũng từng bị sốc như thế khi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh tuyển chọn Phaolô, một chuyên viên bắt bớ các kitô hữu, làm tông đồ. Người ta tự hỏi rằng, chẳng lẽ Chúa Giêsu muốn “nuôi ong tay áo” hay sao mà lại đi chọn con người ấy? Và người ta cho rằng Chúa Giêsu đã quá liều lĩnh khi làm như thế? Còn anh chị em, anh chị em nghĩ sao về quyết định trên của Chúa Giêsu?
Trong thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã từng nói như thế này: “Thưa anh em, sự khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa rất sâu thẳm! Đường lối và quyết định của người, không ai có thể dò cho thấu được”. Thật vậy thưa anh chị em, chương trình của Thiên Chúa hoàn toàn vượt xa và vượt trên trí hiểu của con người. Từ cái không Thiên Chúa có thể làm cho có. Ngài có thể biến những cái tầm thường thành những cái phi thường. Ngài có thể trao cho những người nhỏ bé những điều vĩ đại. Ngài chọn những người Ngài muốn chứ không chọn những người đáng được chọn. Và một khi Thiên Chúa đã chọn ai thì ngài sẽ ban cho người đó những ơn cần thiết để chu toàn sứ vụ được trao phó.
Hiểu như thế, thì không riêng gì hai Thánh Phêrô và Phaolô, mà ngay cả mỗi người chúng ta cũng có thể là người được Chúa chọn, cũng có thể là một viên đá sống động trong công trình của Thiên Chúa. Tuy Chúa không chọn ta làm Giáo hoàng như Thánh Phêrô, tuy Ngài không chọn ta làm một nhà truyền giáo như Thánh Phaolô; nhưng chính Chúa chọn ta vào một vị trí trong ban điều hành giáo xứ hay giáo họ, chọn ta làm một người trong ban điều hành các giới hay các đoàn thể, Ngài chọn ta làm một Giáo lý viên hay Huynh trưởng, một ca viên hay một thành viên của các hội đoàn. Để chính mỗi người cũng sẽ là một viên đá sống động xây nên ngôi nhà Thiên Chúa là giáo xứ, là giáo hội. Trong khung cảnh của một gia đình cũng vậy, chính Chúa chọn chúng ta làm một người chồng người cha, làm một người vợ người mẹ, hầu mỗi người trở nên một viên đá sống động để cùng nhau xây nên tổ ấm yêu thương.
Như vậy, trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng ta đều có giá trị như nhau. Mỗi người tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình đều được Thiên Chúa mời gọi và tuyển chọn để góp phần xây dựng Giáo Hội, xã hội và thế giới này.
Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã không lầm khi Ngài quyết định chọn Thánh Phêrô làm giáo hoàng khi Thánh nhân còn là một ngư phủ. Thiên Chúa cũng không lầm khi Ngài quyết định chọn Thánh Phaolô làm vị tông đồ cho dân ngoại khi Thánh nhân còn là một người bắt bớ đạo. Và đặc biệt là, cả hai Thánh Phêrô và Phaolô đã không làm cho Chúa phải thất vọng mình.
Và chắc chắn Thiên Chúa cũng không lầm khi chọn mỗi người chúng ta. Thánh Phêrô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống hết mình và làm cho các ơn đó thêm vững mạnh (x. 2Pr, 1-10). Do đó, trong tương quan đối với giáo xứ, mỗi người hãy ý thức rằng: V đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong, sự năng động trong nhịp sống đạo, việc vươn mình ra với các giáo xứ bạn; hoàn toàn tùy thuộc vào lòng nhiệt thành, sự hy sinh đóng góp xây dựng và tinh thần hiệp nhất của từng người chúng ta.
Trong tương quan với chính những người trong nhà, mỗi người hãy là và phải là một viên đá vững chắc để làm điểm tựa cho những người trong gia đình: người chồng, người cha hãy là chỗ dựa cho vợ con; người vợ, người mẹ hãy sẵn sàng là điểm tựa nương cho con cho chồng. Hãy làm sao để mỗi người là chỗ dựa tinh thần và là niềm tự hào cho những người còn lại. Hạnh phúc và sự bền đ của gia đình là ở chỗ đó thưa anh chị em. Chỉ có như thế thì chúng ta mới không làm cho Chúa phải thất vọng về chúng ta.
Sau cùng, chúng ta hãy nhớ lại lời này của Chúa Giêsu: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”. Thiên Chúa còn một cuộc tuyển chọn lớn lao hơn vào ngày quang lâm, nhưng không phải để làm việc này việc nọ; nhưng là làm công dân Nước Trời.  Xin cho chúng ta, ngay ở đời này được Thiên Chúa xác nhận là những người trung tín, là những viên đá sống động; hầu mai sau tất cả chúng ta đều được Ngài tuyển chọn vào hàng ngũ các thánh trên trời. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 4: HAI VIÊN ĐÁ TẢNG DIỆU KỲ
Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu muốn biết xem người ta nhận định thế nào về thân thế và sứ mạng của Người, nên Người mới hỏi các môn đệ: "Người ta bảo con người là ai ?" (Mt 16,13). Câu hỏi này như một hình thức trắc nghiệm về niềm tin. Dân chúng trả lời mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều không chính xác. Chỉ có lời tuyên tín của Phêrô, "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) là câu trả lời làm Chúa Giêsu hài lòng nhất. Nếu cho điểm, có lẽ Phêrô đã đạt điểm tuyệt đối, điểm 10. Ngay sau đó Chúa Giêsu đã cúi xuống để nâng Phêrô lên một địa vị đặc biệt. Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm, tên thường gọi là Simon. Đây là cái tên rất phổ biến đối với dân Dothái. Ngay trong Tân ước, cũng có tới 3 nhân vật cùng có tên Simon được nhắc đến, đó là Simon nhiệt thành - một trong nhóm Mười Hai, Simon thành Kyrênê và Simon Phêrô.
Chúa Giêsu đã long trọng đặt tên mới cho ngài là Phêrô, tiếng Dothái là Kêpha, nghĩa là đá. Simon, cái tên đang đẹp như vậy, giờ được đổi thành đá (Nguyễn văn Đá !). Chắc hẳn Phêrô đã rất ngạc nhiên vì cha mẹ mình đặt tên như vậy, sao giờ Thầy mình lại đặt cho cái tên lạ lùng như thế. Tại sao lại là Đá ? Là đá có ý nghĩa gì ? Là đá, bởi vì chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hình ảnh đá là hình ảnh hết sức kiêu hùng, hết sức cao vượt. Đá ở đây không phải là đá lăn đá lộn ngoài đường; đá ở đây chính là hình ảnh, là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế mà người Dothái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng con nương nhờ; Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình; Ngài là Đá Cứu Độ.... Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon Phêrô rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Phêrô được gởi cho một căn tính mới, một lý lịch mới. Vì chưng đối với người Dothái, cái tên luôn gắn liền một sứ mạng. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới (x. Lm. Nguyễn Thế Toàn, CD Bài Giảng). Sứ mạng mới ở đây là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô : "Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy" (Mt 16,18). Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì ngài là Đức Giáo Hoàng cơ đấy !
Thế còn thánh Phaolô thì sao ? Một số bạn trẻ lý luận vui rằng tại sao Chúa Giêsu không đặt cho ngài cái tên là Phao-rin, phao xịn, mà lại đặt tên là Phao-lô, vì Phao-lô nghĩa là phao dỏm. Mà phao dỏm thì ai mà xài! Thực sự thì Chúa Giêsu không đặt tên cho Phaolô. Phaolô là cái tên Hylạp của ngài; còn Saolê là tên gọi theo tiếng Dothái. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhận là ngài được chính Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi trên đường đi Đamas, và đích thân Chúa Giêsu trao sứ mạng cho ngài, một sứ mạng cao cả là làm tông đồ cho dân ngoại. Như vậy thánh Phaolô đã cùng với thánh Phêrô giữ vai trò là hai trụ cột, hai viên đá sống động làm nền cho Giáo hội Chúa Kitô.
Thế nhưng một điều ngỡ ngàng là khi đọc lại các sách Tin mừng và sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy cả hai Tảng Đá này đều bị nứt (một bị nứt trước khi xây và một bị nứt sau khi xây). Trước khi đặt xây thì tảng đá Phaolô đã bị nứt (x. Giọt Nước Mắt Hồng, Lm. Đỗ Văn Thiêm, NXB Tôn Giáo 2005). Những lần bắt bớ Giáo hội, và giết hại các Kitô hữu là những vết nứt. Là một người nhiệt thành với Giavê Thiên Chúa và trung thành với luật Môisê, Phaolô đã không ngần ngại tiêu diệt những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô. Đối với Chúa Giêsu, Phaolô là một viên đá tảng kiên vững của đạo Dothái, song là tảng đá đầy góc cạnh, ngang ngược, kiêu căng, tự mãn và cũng quá nhiều đường nứt. Tuy thế, Chúa Giêsu sẽ sử dụng viên đá này trong công trình mở mang ngôi nhà Giáo hội của Người. Chúa Giêsu sẽ sửa lại, gọt đẽo lại bằng lòng thương xót của Người, cùng với cả những thập giá khổ đau mà thánh nhân phải chịu, như bị mù lòa, bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá, bị trộm cướp, bị đắm tàu, bị đói khát...(x. 2Cr 11,23-27). Chính tình yêu của Đức Kitô và những đau khổ mà thánh nhân chịu đã biến luyện ngài trở thành một viên đá trơn tru lành lặn, và nhất là luôn gắn kết với Đá Tảng Góc Tường là Đức Kitô, như lời ngài xác nhận : "Không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô" (Rm 8, 35.39).
Thưa quý Ông bà anh chị em Nếu tảng đá Phaolô bị nứt trước khi xây thì tảng đá Phêrô, đá chính hiệu, không bị nứt bể ngay từ đầu, mà lúc đặt xây rồi mới bị nứt. Không phải nứt một đường mà là ba đường. Mỗi lần chối Chúa là một đường nứt; đường nứt sau lớn hơn đường nứt trước, và có nguy cơ tách lìa khỏi Đức Kitô là Viên Đá Góc.
Nhiều người vẫn thắc mắc : liệu Chúa Giêsu có biết trước những điều này không, mà sao Ngài vẫn chọn tảng đá này. Ngài vẫn chọn vì chính ngài sẽ giúp Phêrô hàn gắn lại tảng đá đời mình. Hàn gắn bằng gì ? Thưa đối với Phêrô là bằng ánh mắt bao dung khoan thứ của Chúa Giêsu. Chính ánh mắt dung thứ ấy đã làm cho vết nứt nơi tâm hồn ông liền lại. Hơn nữa ngài còn sửa chữa bằng nước mắt. Kỳ lạ ở chổ, đá mà biết khóc, tảng đá mà biết rơi lệ. Tương truyền rằng thánh nhân đã khóc lóc ăn năn (khóc như mưa mấy ngày qua vậy), khóc đến độ nước mắt chảy làm mòn cả hai gò má. Nước mắt ấy được các nhà tu đức gọi là nước mắt hồng. Gọi là nước mắt hồng vì là nước mắt chảy ra từ trái tim sám hối. Như thế, tảng đá Phêrô chẳng những đã trở nên lành lặn mà còn cứng rắn hơn, vững chắc hơn. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này : "Dầu sức mạnh hỏa ngục có nổi lên cũng không làm gì được" (Mt 16,18). Nhưng đồng thời tảng đá ấy cũng "khiêm tốn" hơn, vuông đẹp hơn trước rất nhiều.
Giờ đây, Chúa Giêsu có thể hoàn toàn yên tâm trước sứ mạng mà Người đã giao phó cho hai vị. Nhờ đá tảng Phêrô mà tòa nhà Giáo hội được nên kiên vững; nhờ đá tảng Phaolô mà Hội thánh Chúa Kitô được mở rộng cho muôn dân nước.
Kính thưa quý Ông bà anh chị em Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng được mang một danh xưng mới, danh xưng Kitô hữu. Danh xưng này nói lên một sứ mạng đặc biệt, sứ mạng xây dựng Hội thánh Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta không là đá tảng như Phêrô hay Phaolô, thì chúng ta cũng được mời gọi làm một viên gạch góp phần xây nên tòa nhà Giáo hội. Thế thì chúng ta phải khiêm tốn đặt câu hỏi cho mình : Viên gạch đời tôi đang trong tình trạng nào ? Có thể là nó quá méo mó, cong queo và nhiều góc cạnh khi con người của mình còn đầy những tính hư nết xấu, đầy những đam mê tội lỗi chăng ? Có thể là bị nứt bể và mất hiệp thông với Viên Đá Góc là Đức Kitô, khi đời sống của chúng ta thiếu cầu nguyện, thiếu lòng yêu mến Chúa chăng ? Và cũng có thể là không còn gắn kết với các viên gạch khác là anh chị em mình, khi sống thiếu tình liên đới và lòng bác ái yêu thương chăng ?... Nếu viên gạch đời tôi còn cong queo méo mó,xin Chúa giúp uốn nắn lại cho ngay thẳng; nếu còn quá nhiều góc cạnh, xin Chúa gọt đẽo cho vuông vức; nếu bị nứt bể, xin Chúa hàn gắn; và nếu tách lìa với Đức Kitô và Giáo hội, thì xin Thánh Thần Nguồn Tình Yêu nối kết lại, để cuộc đời chúng ta luôn là những viên gạch thật đẹp trong bàn tay Người Thợ Xây là chính Chúa.
Vậy hôm nay, trong ngày lễ mừng hai thánh Quan Thầy Phêrô và Phaolô, chúng ta cùng nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của các ngài, giúp mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sứ mạng của mình và nổ lực chu toàn sứ mạng ấy trong việc cộng tác xây dựng ngôi nhà chung của Giáo Hội ngày một tươi đẹp và lớn mạnh hơn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 5: HAI CUỘC ĐỜI
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu. Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi "ma quỷ cũng không thắng nổi". Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giê-su.
Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.
Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stêphanô. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: "một khi con trở lại. hãy củng cố đức tin của anh em con".
Theo thánh kinh kể lại: sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình, Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phê-rô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: "Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần". Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: "mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ". Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.
Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.
Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hoá ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá ky-tô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà ky-tô giáo mang lại cho họ.
Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang tin mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen
 Linh mục Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 6:
Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời.
Ca nhập lễ trong ngày lễ trọng đại mừng kính hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo hát như sau: “Đây hai vị Tông Đồ đều anh dũng dâng máu đào xây Giáo Hội ngàn thu. Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ: Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc. Chính lời ca ngợi này đã nói lên vai trò quan trọng của Phêrô và Phaolô trong vai trò tiếp tục sứ vụ xây dựng Nước Trời trên khắp thế gian này, như lời Kinh Tiền Tụng cũng nói: “Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.
Thế nhưng, trong sứ vụ quan trọng này, các ngài đều phải được tuyển chọn bởi Thầy Giêsu. Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Thầy đã chọn đặt Phêrô làm đá tảng để trên chính nền đđó Hội Thánh của Thầy sẽ đứng vững cho tới muôn đời: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thế nhưng bởi đâu mà Phêrô đã chẳng được Thầy chọn gọi như thế, nếu như ông đã chẳng dám tuyên xưng những gì ông tin nơi Thầy: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Chính vì sự xác tín quan trọng về danh phận này của Thầy mà ông dám tuyên xưng ra ngoài miệng những điều đã làm ông trở nên cứng cỏi như đá tảng để Hội Thánh của Thầy được xây dựng trên đó. Đó là một vai trò đặc biệt Thầy trao cho ông tuy chính ông cũng chỉ là thành viên trong nhóm mười hai. Vai trò ấy, còn được nhấn mạnh hơn khi Thầy tuyên bố với ông trước mặt các anh em của ông: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở. Chìa khoá là biểu tượng của quyền tha thứ và cầm buộc, một thứ quyền lực phải được thi hành trong phục vụ và bác ái. Như chính bản thân ông cũng là người cần được tha thứ và cởi mở của Tình Yêu. Vì chẳng bao lâu sau khi được Thầy chọn gọi nắm giữ vai trò quan trọng ấy, ông đã xa vào đường tội lỗi khi ông cản trở Thầy bước đi trên con đường thập giá để chu toàn sứ mệnh Cha đã trao cho Thầy. Và rồi, khi Thầy đđứng trước cây thập tự ấy, chính ông đã ba lần chối bỏ Thầy tôi không liên quan gì tới ông ấy. Thế nhưng, Thầy vẫn kiên định trao chìa khoá nước trời cho ông một con người mỏng giòn, yếu đuối! chẳng phải bởi ông xứng đáng, nhưng bởi vì Thầy yêu ông.
Nếu bài tin mừng, khẳng định về quyền và vai trò quan trọng của Phêrô trong Giáo Hội, thì bài đọc thứ hai cũng cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của việc rao giảng, loan báo Tin Mừng của Thầy cho Phaolô như chính ông khẳng định: “Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy. Phaolô đã nổi bật lên như một nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo Hội trong thời sơ khai của mình. Ông thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo trong nhiều năm, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam xuyên suốt đế quốc Rôma. Để rồi cuối đời, ông bị bắt, cầm tù và chính ông sẵn sàng đổ máu đào mình ra mà làm chứng cho Tin Mừng của Thầy: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin.
Qua những lời ngắn ngủi ấy, Phaolô đã hiện lên như một chiến sĩ trong một trận chiến, hay như một vận động viên đang trên đường về đích của cuộc chạy đua. Nhưng nó cũng cho chúng ta cảm giác, dường như trong trận chiến ấy, trong cuộc chạy đua ấy để giữ vững đức tin là một thách thức lớn đối với ông. Cũng như Phêrô đã chẳng dễ dàng mà giữ vững đức tin của mình.
Kinh nghiệm ấy cũng đúng với chúng ta, những người Kitô Hữu hôm nay. Để giữ vững được đức tin của mình, Phaolô đã chân thành khẳng định không phải do sức của ông, nhưng chính Thiên Chúa đã ban sức cho ông trong cuộc chiến ấy. Cũng như Phaolô, ta chẳng thể giữ vững đức tin của mình, nếu không có Chúa trợ giúp. Lòng trung tín của Người đối với chúng ta khiến ta dám trung thành với Người đến cùng. Tình yêu chân thành của Người đã biến đổi sự yếu đuối của ta và làm cho ta biết khiêm nhường đứng dậy, quay trở về với Người khi ta ngã quỵ trong cuộc chiến đức tin.
Những tấm gương can trường, trung tín của Phêrô và Phaolô đã nói lên lòng trung tín của Thiên Chúa đối với con người mỏng giòn chúng ta. Để qua đó chúng ta cũng biết trung tín với Người trong hành trình làm con Chúa. “Lạy Chúa, Xin dạy chúng con sống trong Giáo Hội như các Kitô hữu đầu tiên, biết chuyên cần tìm hiểu giáo lý các tông đồ và siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, để chúng con yêu mến Chúa hết lòng và nhờ đđược đồng tâm nhất trí với nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
Lm. J.J. Duong Duc Nghia,OCD
SUY NIỆM 7: THÁNH PHÊRÔ Và THÁNH PHAOLÔ
 Đại lễ kính thánh Phêrô và Phaolô hôm nay nhắc chúng ta nhớ tới hai cột trụ của Giáo Hội Rôma, Giáo Hội đặc biệt tôn kính hai gương mặt nầy.  Giáo hội đã mở năm thánh Phaolô từ 28.6.2008 đến 29.6.2009,  kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật của thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngọai, một gương mặt vượt trội của Giáo Hội ban sơ.  Chúng ta suy niệm hai gương mặt sáng chói nầy.
Thánh Phaolô thuộc gia đình Do thái, gia nhập phái Pharisêu, sinh trưởng tại Tạc-xô, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.  Ngài còn có tên là Saolô, tên gọi trước khi trở thành tông đồ của Đức Giêsu.  Chính xác thì không rõ ngài sinh năm nào, có lẽ ngài trẻ hơn Đức Giêsu mươi tuổi.  Ngài đã có mặt trong cuộc hành quyết phó tế Têphanô (Cv 7, 58), giữ áo choàng cho những người ném đá Têphanô. 
Là người thông minh có văn hóa Hy-La, lớn lên tại Giêrusalem theo học với sư phụ Gamalien, rất nhiệt thành với Do thái giáo, giữ luật lệ nghiêm nhặt, nhiệt thành đến cuồng tín, cho nên khi nghe một tôn giáo mới ra đời, ngài là người hăng say đi bắt bớ các Kitô hữu, cho rằng Kitô giáo là một lạc giáo nguy hiểm cần tiêu diệt để bảo vệ tôn giáo độc thần của người Do thái. 
Trên đường đi đến thành Đamát, thi hành lệnh bắt bớ các Kitô hữu, ngài đã bị quật ngã (Cv 9).  Cuộc gặp gỡ kỳ lạ nầy đã biến con sói hung dữ thành chiên con ngoan hiền, không những thế ngài đã trở nên vị Tông Đồ Dân Ngọai không ai sánh kịp.  Bốn cuộc hành trình truyền giáo của ngài, cũng như các Thư Mục Vụ của ngài minh chứng vị thế vô song trong truyền giáo thời Giáo Hội tiên khởi.
Bốn sách Tin Mừng ghi lại các lời Đức Giêsu nói và các việc Đức Giêsu làm để mặc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn Sách Công Vụ Tông Đồ là lời các tông nói và việc các tông đồ làm để rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Thật vậy Sách Công Vụ được chia làm hai phần: phần đầu là Tin Mừng trong thế giới Do Thái, mà khuôn mặt chói sáng là Phêrô, thì phần thứ hai được gọi là Tin Mừng trong thế giới Dân Ngoại, khuôn mặt vượt trội là Phaolô. 
Về Thánh Phaolô.  Sau buổi đầu bị các Kitô hữu nghi ngời về tư cách trung thực của Saolô, lý do là Saolô đột ngột tin theo Đức Giêsu, và tức thì ngay sau đó bắt đầu rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu, ngài làm việc gần như độc lập mà không được bản quyền tại Giêrusalem sai phái.  Nhờ sự giới thiệu rất uy tín của thánh Banaba, các tông đồ tại Giêrusalem chấp nhận và đón tiếp thánh Phaolô, từ đó ngài được Giáo Hội tin tưởng. 
Ngài đã có uy tín và lập trường rõ rệt trong Công Đồng Giêrusalem họp vào năm 49-50 để giải quyết việc không cắt bì cho anh em lương dân trở lại đạo Kitô, việc nầy tách biệt Kitô giáo ra khỏi Do thái giáo.  Ngài đã được Đức Giêsu Kitô phục sinh kêu gọi và đặt làm Tông Đồ Dân Ngọai: “Hãy tách riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13, 2).  Từ đó công việc truyền giáo gần như độc lập của ngài quay sang dân ngọai.  Bốn hành trình truyền giáo của thánh Phaolô được ghi lại từ chương 13 sách Công Vụ Tông Đồ trở về sau.
Về Thánh Phêrô. Trong Bài Tin Mừng (Mt 16,13-19) Đức Giêsu đã phỏng vấn các môn đệ để biết thiên hạ nghĩ gì về mình và môn đệ nghĩ gì về Thầy của họ.  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô đã phát biểu thay cho anh em : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16), trên niềm tin đó Đức Giêsu thiết lập Hội Thánh của Người.  Thánh Phêrô có gia đình, làm nghề thuyền chài, được gọi đầu tiên trong các tông đồ, được giao quyền chìa khóa tức là quyền cầm buộc, được diện kiến Đức Giêsu trong cuộc hiển dung, có mặt trong vườn Dầu, hăng hái và nhiệt thành, nhưng có lúc nông nỗi, đã chối Thầy 3 lần.   Sau khi sống lại Đức Giêsu đã ba lần hỏi Phêrô con có yêu mến Thầy không, như cho Phêrô cơ hội tuyên xưng và xác tín lòng yêu mến của mình. 
Theo truyền thuyết trong cuộc bách hại đạo của vua Nêron vào đầu thế kỷ thứ nhất, ngài đã muốn bỏ trốn khỏi thành Rôma, nhưng vừa đi tới cổng thành, ngài gặp Đức Giêsu vác thập giá đi vào thành.  Ngài hỏi Chúa “Quo Va Dis?” , (Thầy đi đâu?), Đức Giêsu trả lời : Thầy vào thành để chết thay cho con một lần nữa. Tức thì Phêrô quay lại đi vào thành Rôma và chấp nhận chịu đóng đinh làm chứng cho Thầy. 
Còn thánh Phaolô trả lời câu hỏi của Thầy bằng chính cuộc sống của mình: “Đối với tôi sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi.  Tôi không biết gì khác ngoài Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2).  Cả hai vị khác nhau trong hành trình ơn gọi, trong văn hóa, trong cách giảng dạy, trong chức vụ … Nhưng đã gặp nhau trong hết mình rao giảng Tin Mừng, trong chịu đựng gian khổ, lấy máu đào làm chứng đức tin.
Thân lạy hai thánh Phêrô và Phaolô, xin cho con biết tuyên xưng bằng lời và bằng cuộc sống làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại. Amen
Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây