Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ hai - 27/04/2020 08:57

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".

 

Lời Chúa: Ga 6, 30-35

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời".

Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".

Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi".

Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

 

SUY NIỆM 1: Bánh ban sự sống cho thế giới

Suy niệm :

Man-hu? Cái gì vậy? Đó là câu con cái Israel hỏi nhau

khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.

Môsê trả lời: “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”

Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,

trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.

Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.

Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống.

Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu

làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),

nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).

Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.

Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.

Chính Chúa Cha đã ban cho dân Israel bánh bởi trời, trong sa mạc.

Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.

Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :

“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).

Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).

Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,

nhưng không chỉ dành cho dân Israel như manna cũ.

Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.

“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).

Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.

Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari

khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).

Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu

không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,

nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.

“Chính tôi là bánh trường sinh,

Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).

Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.

Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.

“Người ta sống không nguyên bởi bánh,

nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).

Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,

nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.

Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.

Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Israel xưa.

Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Bánh trường sinh

Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến năm 2000, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực.

Sự gia tăng của mức tiêu thụ có gia tăng với sự phát triển đích thực của con người không? Ðây là những câu hỏi cơ bản mà bản báo cáo cuối cùng của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nêu lên, để rồi cuối cùng đưa ra khẳng định như sau: "Sự tiêu thụ của cải và các dịch vụ là một sinh hoạt thường hằng trong đời sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là cứu cánh tối hậu của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cho dẫu của cải và và các dịch vụ có thừa mứa và mức tiêu thụ có gia tăng theo một mức độ làm chóng mặt, trật tự xã hội vẫn không tốt đẹp hơn."

Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ. Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn. Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều. Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.

Ước gì được nuôi sống bằng tấm bánh bẻ ra là Chúa Giêsu, các tín hữu cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Cái nhìn thiển cận

Một gia đình ếch sống dưới một đáy giếng tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời cũng không biết những gì đang xẩy ra bên ngoài. Ngày nọ, có một con chim sơ ca bay xuống nói với dòng họ ếch về thế giới của mặt trời, của hoa cỏ, của tình yêu. Nghe thế, tộc trưởng ếch liền nới với đồng bào mình: “Các ngươi nghe chưa, thế giới của bạn sơn ca mô tả là một thứ thiên đàng không tưởng, nơi chỉ có những con ếch tốt, tức những con ếch chịu đau khổ dưới đáy giếng mới được lên tới mà thôi”. Tuy nghe những lời mỉa mai đó, một số ếch vẫn tin vào lời chim sơn ca. Một chú ếch sau khi nghiên cứu tình hình đã giải thích: “Thế giới mà bạn sơn ca loan báo không phải là thế giới khác đâu, đó chính là thế giới của chúng ta; thêm một chút ánh sáng, một chút gió mát, một chút thực phẩm, chúng ta có ngay thiên đàng dưới đáy giếng này”. Thế nhưng đa số đồng bào ếch đã thấy được sự phỉnh gạt của lời giải thích ấy, chúng vùng lên ra khỏi đáy giếng và thấy được thế giới có mặt trời, trăng sao, hoa cỏ, tình yêu.

Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.

Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Hãy tin

Đức Giêsu bảo họ:

“Chính tôi là bánh trường sinh.

Ai đến với tôi, không hề phải đói;

Ai tin vào tôi chẳng hề khát bao giờ!” (Ga. 6, 35)

“Hãy cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó”.

“Hãy cho chúng tôi uống mãi thứ nước đó”.

Lúc đó không còn phải vất vả lao khổ nữa! Người Ga-li-lê cũng như người Sa-ma-ri chỉ biết có xin cho, xin cho để Chúa làm những phép lạ cho mình.

Thứ tôn giáo dễ dãi, mê tín dị đoan, ỷ nại, vị kỷ. Thứ tôn giáo làm suy thoái con người cầu đảo, ném tất cả mọi tham vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ lợi dụng Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa đặt đường lối cho họ đến gặp Ngài, đường lối của Thiên Chúa không thể theo đường lối của chúng ta. Ngài luôn luôn đòi ta phải ăn năn sám hối trở về với Ngài để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cũng không phải trên trời phải như dưới đất.

Người Do thái cũng không lầm khi tin Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa?”. Và Đức Giêsu cũng chẳng lầm khi trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn là hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Làm là gì? làm ở đây là thực hiện đức tin, là việc nội tâm, là tự tạo mình để tỏ lòng tin, tự đón nhận tận đáy lòng thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thuận theo, vâng phục là một ơn phải cầu xin cho mình chỉ thực hiện trong chân lý, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta chân thật trước tôn nhan Chúa, phải vượt qua những ước muốn hời hợt phàm trần bên ngoài như lối cầu xin “xin cho chúng tôi được bánh đó mãi mãi”. Để tiến tới lối cầu xin những điều cần thiết sâu thẳm: xin ánh sáng chân lý chiếu soi, xin được can đảm hy sinh, xin được tận tâm hiến thân. Tận đáy nền của việc cầu nguyện là gắn bó, cam kết, hiệp nhất.

Như thế toàn diện đời sống chúng ta mới có thể đến với Đức Kitô, sống với Người làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa.

Cầu nguyện không phải là trốn trách nhiệm, nhưng xin Chúa giúp mình làm tròn trách nhiệm. Cầu xin hòa bình không phải xin phép lạ, chính là xin để mọi người sáng suốt, can đảm và khả năng xây dựng hòa bình.

Man-na là bằng chứng Thiên Chúa ở với Mô-sê. Bánh hóa nhiều có nghĩa là chính Đức Giêsu là bánh từ Chúa Cha ban cho thế gian được sống vô cùng hơn của ăn vật chất, vì nhờ đức tin vào Người, chúng ta được tham dự vào chương trình Thiên Chúa. Thay vì rước Thánh Thể như một bánh ảo thuật, tín hữu phải nhìn thấy Đức Giêsu đến ban tặng tình yêu cho ta được làm bạn với Người để giải khát cơn đói chân lý, đói sự sống của ta, cho ta được hiệp thông với Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 5: CẦN LỰA CHỌN CÁCH KHÔN NGOAN (Ga 6,30-35)

Trong nền văn chương Việt Nam, nếu đã từng đi học, hẳn không một ai mà không biết truyện “thằng Bờm”.

Truyện kể rằng: thằng Bờm có cái quạt mo. Khi được một người phú hộ đề nghị đổi trâu, bò, bè gỗ lim, ao thả cá mè, đôi chim đồi mồi, để ông lấy cái quạt mo của thằng Bờm, nhưng Bờm ta vẫn không chịu. Thế nhưng khi người phú hộ đề nghị đổi bằng một nắm xôi, thì Bờm ta lại đồng ý!

Khi thằng Bờm đã đồng ý đổi nắm xôi, phải chăng cho thấy một lối nhận thức hạn hẹp trong sự thực dụng của Bờm. Bờm ta chỉ đủ khả năng để biết no hay đói mà thôi, chứ không hề có những suy tính xa và sâu hơn!

Dân chúng thời Đức Giêsu cũng vậy, họ có cái nhìn và lối sống cũng như lựa chọn không khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên! Vì thế, mới nghe Đức Giêsu nói về một thứ bánh mà khi ăn vào không hề phải đói, thế là họ nhao nhao lên xin Đức Giêsu cách khẩn thiết: “Xin Thầy cho chúng tôi thứ bánh đó luôn mãi”.

Qua lời van xin của họ, chúng ta thấy rõ cái bụng của họ đã lớn hơn cả lý trí, nên nó cũng chi phối luôn cả lựa chọn. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trách họ:“Các người tìm Ta không phải vì các người đã thấy dấu lạ, nhưng vì các người đã được ăn bánh no nê”.

Tiếp theo dòng chảy đó, Đức Giêsu đã mạc khải để giúp họ trực tiếp đi vào thẳng nội dung, trọng tâm của vấn đề, đó là: "Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ".

Trong đời sống đạo của chúng ta hôm nay, nhiều khi tin Chúa vì có lợi chứ không phải lòng mến. Chúng ta vẫn cầu nguyện, vẫn đi lễ, đọc kinh thường xuyên, nhưng tin và đón nhận thánh ý Chúa, nhất là khi thử thách, đau khổ và thất bại trong cuộc đời thì lại là chuyện rất khó chấp nhận! Những lúc như thế, phải chăng chúng ta cũng thực dụng không kém những người Dothái và đôi khi chẳng khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng tin vững mạnh, để trong cuộc sống, chúng con biết tìm Nước Trời trước hết, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ ban cho sau. Xin cho chúng con biết đặt ra cho mình những bậc thang giá trị dưới con mắt đức tin, để chúng con không như những người Dothái khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM:

Trong bốn ngày liên tiếp, từ hôm nay đến thứ sáu, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại toàn bộ lời của Đức Giê-su về “Bánh Trường Sinh” (Ga 6, 30-58). Bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan về “Bánh Trường Sinh” này có thể được chia làm 3 phần: phần 1 (c. 30-40): bài Tin Mừng của ngày thứ ba và thứ tư; phần 2 (c. 41-51): bài Tin mừng của ngày thứ năm; và phần 3 (c. 52-58): bài Tin Mừng của ngày thứ sáu; và có cấu trúc song song luân phiên như sau:

Phần 1

 

(c. 30-40)

Phần 2

 

(c. 41-51)

Phần 3

 

(c. 52-58)

A (c. 30-31)
vấn nạn
A’ (c. 41-42)
vấn nạn
A’’ (c. 52)
vấn nạn
B (c. 32-40):
lời đáp
B’ (c. 43-51)
lời đáp
B’’ (c. 53-58)
lời đáp

1. Những vấn nạn

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, mỗi đoạn đều được bắt đầu bằng một vấn nạn của người Do Thái

  • Khi Đức Giê-su nói: “Công trình của Thiên Chúa, là các ông tin vào Đấng Người sai đến” (c. 29). Họ chất vấn Đức Giê-su: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (c. 30)
  • Khi Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”; họ nêu vấn nạn: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giuse đó sao?” (c. 42)
  • Và khi Đức Giê-su nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Họ liền tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c. 52)

Các vấn nạn đều đòi hỏi những bằng chứng hiển nhiên (khách quan, bên ngoài), thể lý và hữu hình, nghĩa là thuộc bình diện của “nhu cầu”: nhìn dấu lạ, biết nguồn gốc và ăn đồ ăn. Những vấn nạn có thể được coi như những lời lẩm bẩm, giống như Dân Chúa trong sa mạc đã lẩm bẩm, vì Đức Giê-su nói với họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau” (c. 43). Chúng ta đừng quên, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi sau khi nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” Trong mức độ nào đó, lời “lẩm bẩm” này còn nghiêm trọng hơn những vấn nạn của người Do Thái, vì phản ứng như thế là từ chối đối thoại. Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự.

Có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm thiết thân, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô. Chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.

2. Nhu cầu và ước ao

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về Bánh Hằng Sống mở đầu và kết thúc với hình ảnh Manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (c. 31); “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (c. 58) Xin cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới, khi “ăn” bánh từ trời xuống, là chính Đức Giê-su. Để hiểu lời của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, chúng ta cần phân biệt nhu cầu và ước ao có nơi mỗi người chúng ta.

Thực vậy, con người không thể ăn bánh ăn mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh (nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính); và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa (ước ao trọn vẹn thay vì dở dang, tuyệt đối/tương đối, mãi mãi/mau qua).

Ước mơ có được “thần lương” nói lên ước ao này, đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thử tưởng tượng: một quà tặng cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa gì, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.

Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đích thật đem lại sự sống. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà người ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”. Đây chính là điều mới mẻ hoàn toàn so với Xuất Hành, với toàn bộ lịch sử cứu độ, lịch sử loài người.

Vì thế, lời của Đức Giêsu không thể dựa trên bất cứ một bằng chứng nào, cho dù đến từ trời; Lời của Ngài vượt quá mắt phàm, vì người ta chỉ thấy Ngài là con ông Giuse; và Lời của Ngài cũng quá chướng tai, vì Ngài tuyên bố mình là lương thực đem lại sự sống đích thực cho con người. Đó là vì Lời của Ngài chỉ có một “đối tác” duy nhất, có một chỗ vang vọng duy nhất: đó là lòng ước ao (khác với nhu cầu). Ước ao là một chuyển động hướng đến một Đấng Khác mà tôi không thể tạo ra được, và ước ao cũng là một chuyển động hướng tới một ơn huệ mà tôi không thể tự ban cho mình. Thế mà, Bánh Thánh Thể, là mình và máu Đức Kitô, nhằm làm no thỏa lòng ước ao của loài người chúng ta, nhưng không bỏ qua cấp độ “nhu cầu”:

  • Đó là bánh ngon và rượu ngon.
  • Đó là sự hiện diện nhân linh và vừa thần linh, vì đó là Đức Giê-su Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa.

Khởi đi từ bánh rượu (nhu cầu), giống như phép lạ bánh hóa nhiều, nhưng cũng chính nơi bánh rượu, chúng ta được mời gọi tin tưởng, hiểu biết, yêu mến, ở lại với một Ngôi Vị, là Đức Ki-tô, là Bánh Hằng Sống, để sống sự sống đời đời mà Ngài thông truyền cho chúng ta ngay hôm nay.

Với mỗi vấn nạn, Đức Giêsu trả lời khá dài. Nhưng Ngài không trả lời bằng cách đưa ra những bằng chứng, hay bằng những lí luận khúc triết để bắt người ta phải cúi đầu khuất phục. Đó không phải là con đường hay lí lẽ của lòng tin, bởi vì đối tượng của lòng tin, thì không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ nói điều mình là thôi. Bởi lẽ chân lí không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình; chẳng hạn như hương vị thơm ngon của trái xoài không thể chứng minh được, nhưng chỉ được thưởng thức trực tiếp mà thôi).

3. “Chính tôi là Bánh Trường Sinh”

Thay vì đòi ăn mãi, Đức Giêsu mời gọi dấn thân: làm việc vì lương thực khác, đó là tin vào Ngài. Như xưa kia, Dân Chúa được mời gọi đi từ Manna sang lựa chọn đặt niềm tin vào hành động của Thiên Chúa, tin vào sự dẫn dắt của Môsê (x. Xh 14, 31). Tuy nhiên, đã chứng kiến một dấu lạ, họ còn đòi một dấu khác lớn hơn (c. 30). Tin với điều kiện có một dấu lạ lớn hơn, đó là thử thách Thiên Chúa, đó là ngụy biện, vì người ham muốn dấu lạ, là người không có khả năng tin (c. 64). Sau này, họ cố ý đóng đinh Đức Giêsu và yêu cầu Ngài xuống khỏi Thập Giá để họ thấy và họ tin. Đòi thấy hết rồi mới tin, sẽ tự chuốc lấy sự hổ thẹn.

Được ăn bánh no nê, nhưng xét cho cùng bánh này không đến trực tiếp từ trời, nhưng từ giỏ xách của một em bé (x. Ga 6, 8); vì thế, họ đòi dấu lạ từ trời giống như Manna xưa kia (c. 30). Chúng ta được mời gọi nhận ra và cảm nếm ơn sáng tạo, nhất là ơn lương thực, khi lắng nghe Lời Chúa trong trình thuật Sáng Tạo Bảy Ngày (x. St 1; và nên đọc Tv 104): những gì đến từ đất, từ thế giới sáng tạo cũng là đến từ trời cao, từ Thiên Chúa. Ai không nhận ra điều này, sẽ không có khả năng tin và nhận ơn huệ đến trực tiếp từ Thiên Chúa, mà ơn huệ tuyệt đỉnh là Mình và Máu Đức Kitô:

Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ta là bánh sự sống – Suy niệm song ngữ ngày 28.4.2020

 

Tuesday (April 28): “I am the bread of life”

 

Scripture: John 6:30-35

30 So they said to him, “Then what sign do you do, that we may see, and believe you? What work do you perform? 31 Our fathers ate the manna in the wilderness; as it is written, `He gave them bread from heaven to eat.'” 32 Jesus then said to them, “Truly, truly, I say to you, it was not Moses who gave you the bread from heaven; my Father gives you the true bread from heaven. 33 For the bread of God is that which comes down from heaven, and gives life to the world.” 34 They said to him, “Lord, give us this bread always.” 35 Jesus said to them, “I am the bread of life; he who comes to me shall not hunger, and he who believes in me shall never thirst.”

Thứ Ba     28-4           Ta là bánh sự sống

 

Ga 6,30-35

30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Meditation: 

 

Do you hunger for the bread of life? The Jews had always regarded the manna in the wilderness as the bread of God (Psalm 78:24, Exodus 16:15). There was a strong Rabbinic belief that when the Messiah came he would give manna from heaven. This was the supreme work of Moses. Now the Jewish leaders were demanding that Jesus produce manna from heaven as proof to his claim to be the Messiah. Jesus responds by telling them that it was not Moses who gave the manna, but God. And the manna given to Moses and the people was not the real bread from heaven, but only a symbol of the bread to come.

Jesus offers us the bread of heaven which produces spiritual life in us

Jesus then makes the claim which only God can make: I am the bread of life. The bread which Jesus offers is none else than the very life of God. This is the true bread which can truly satisfy the hunger in our hearts. The manna from heaven prefigured the superabundance of the unique bread of the Eucharist or Lord’s Supper which Jesus gave to his disciples on the eve of his sacrifice. The manna in the wilderness sustained the Israelites on their journey to the Promised Land. It could not produce eternal life for the Israelites. 

Jesus is the true bread of life that sustains us now and forever

The bread which Jesus offers his disciples sustains us not only on our journey to the heavenly paradise, it gives us the abundant supernatural life of God which sustains us both now and for all eternity. When we receive from the Lord’s table we unite ourselves to Jesus Christ, who makes us sharers in his body and blood and partakers of his divine life. Ignatius of Antioch (35-107 A.D.) calls it the “one bread that provides the medicine of immortality, the antidote for death, and the food that makes us live for ever in Jesus Christ” (Ad Eph. 20,2). This supernatural food is healing for both body and soul and strength for our journey heavenward. Do you hunger for God and for the food which produces everlasting life?

“Lord Jesus Christ, you are the bread of life. You alone can satisfy the hunger in my heart. May I always find in you, the true bread from heaven, the source of life and nourishment I need to sustain me on my journey to the promised land of heaven.”

Suy niệm:

 

Bạn có đói khát bánh sự sống không? Người Dothái luôn luôn quy chiếu bánh manna trong hoang địa là bánh của Thiên Chúa (Tv 78,24; Xh 16,15). Có một niềm tin mạnh mẽ của các thầy Rabbi rằng khi Đấng Mêsia đến, Người sẽ cho bánh manna từ trời. Đây là công việc quan trọng của ông Môisen. Giờ đây, các nhà lãnh đạo Dothái đòi hỏi rằng Đức Giêsu ban bánh manna từ trời như bằng chứng cho lời tuyên bố của Người là Đấng Mêsia. Đức Giêsu đáp lại bằng việc nói với họ rằng không phải ông Môisen đã ban bánh manna, nhưng chính là Thiên Chúa. Và bánh manna được ban cho ông Môisen và dân chúng không phải là bánh từ trời, nhưng chỉ là biểu tượng của bánh sắp đến.

Đức Giêsu ban cho chúng ta bánh từ trời, bánh sản sinh sự sống thiêng liêng trong chúng ta

Đức Giêsu đã đưa ra lời tuyên bố mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói: Ta là bánh sự sống. Bánh mà Đức Giêsu ban cho không gì khác hơn là sự sống thật của Thiên Chúa. đây là bánh đích thật mà có thể thật sự làm thỏa mãn sự đói khát trong tâm hồn chúng ta. Bánh manna từ trời đã biểu hiện trước sự sung mãn của bánh Thánh Thể duy nhất hay bữa tiệc của Chúa, mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ vào tối hôm lễ hy sinh của Người. Bánh manna trong hoang địa đã nuôi dưỡng dân Israel trên cuộc hành trình của họ đến Đất Hứa. Nó không thể đem lại sự sống đời đời cho dân Israel.

Đức Giêsu là bánh sự sống đích thật duy trì chúng ta bây giờ và mãi mãi

Bánh mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ nuôi dưỡng chúng ta không chỉ trên cuộc hành trình tiến về Thiên đàng, mà nó còn ban cho chúng ta sự sống thiêng liêng sung mãn của Thiên Chúa, mà nuôi dưỡng chúng ta bây giờ và mãi mãi. Khi chúng ta đón nhận từ bàn tiệc của Chúa, chúng ta kết hiệp mình với Đức Giêsu Kitô, Đấng cho chúng ta được chia sẻ trong Mình và Máu của Người và là người chia sẻ sự sống thần linh của Người. Ignatius thành Antioch (35-107 A.D.) gọi nó là “bánh đem lại linh dược bất tử, thuốc giải cho cái chết, và lương thực làm cho chúng ta sống mãi mãi trong Đức Giêsu Kitô” (Ad Eph 20,2). Lương thực siêu nhiên này chữa lành cả xác và hồn và ban sức mạnh cho cuộc hành trình của chúng ta tiến về nước Trời. Bạn có đói khát Thiên Chúa và lương thực đem lại sự sống đời đời không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, Chúa là bánh sự sống. Chỉ có mình Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát trong tâm hồn con. Chớ gì con luôn luôn tìm thấy trong Chúa, bánh đích thật từ trời, nguồn mạch của sự sống và lương thực con cần đến để nuôi dưỡng con trên cuộc hành trình tiến về đất hứa Thiên đàng.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây